Chia Tay Tuổi Học Trò - Chương 03 - 04 - 05

3. ĐỜI THAY ĐỔI KHI TA THAY ĐỔI

Một buổi chiều mùa đông, thầy Nguyên đang ngồi ở nhà hăng say cày game trên máy tính như mọi ngày thì có một nhóm học sinh lố nhố ở đằng trước. Hóa ra là các học sinh lớp 11A2. Không biết tụi nó đến đây làm gì nhỉ? - Thầy Nguyên miễn cưỡng bước ra mở cổng:

- Chào các em, mời các em vào nhà.

- Chào thầy, chúng em đến thăm và chúc mừng sinh nhật thầy ạ! - Lớp trưởng Hải nhanh nhảu bước vào, và theo sau nó là gần nửa lớp 11A2.

Sinh nhật của Nguyên vào ngày hôm qua, chắc là tụi nó mới hỏi ai nên mới biết trễ. Mấy hôm nay trường cho nghỉ để học sinh ôn thi, nên Nguyên dành cả ngày ở nhà chơi game, cho đến khi vợ đi làm về thì mới tắt máy và sẽ tiếp tục chơi khi vợ con đã đi ngủ. Vì vậy mấy ngày nay Nguyên cũng chẳng để ý đến sinh nhật làm gì. Hồi còn trẻ thì còn mời bạn bè đi ăn uống, chứ bây giờ thì ai cũng bận rộn với công việc, với gia đình. Sinh nhật chẳng qua là một ngày để ta cảm thấy mình lại già đi thêm một tuổi, rồi lại tiếc nhớ về những ngày tháng tươi đẹp đã qua. Tụi học trò này bày vẽ quá, còn mang cả bánh kem và quà tặng đến nữa. Thôi thì cũng cố gắng cho chúng vừa lòng rồi đi về để mình còn làm cho xong nhiệm vụ của game nữa -Thầy Nguyên nghĩ bụng.

Năm nay lớp 11A2 có giáo viên chủ nhiệm mới là cô Thanh. Vì nhà cô ở khá xa trường, nên mỗi tuần cô chỉ gặp được học sinh trong hai tiết: tiết cô dạy và tiết chủ nhiệm. Có nhiều buổi sinh hoạt ngoài giờ Nguyên thấy tụi nó tự sinh hoạt với nhau như thể mồ côi chủ nhiệm vậy. Có lẽ vì thế chúng mới có thời gian đến chúc mừng sinh nhật thầy Nguyên, là người mà chúng không ưa cho lắm (và có lẽ cũng là người không ưa chúng lắm.)

- Thầy ơi, em nghe các anh chị đã ra trường nói rằng thầy hát hay lắm. Vậy thầy có thể hát cho tụi em nghe một bài được không ạ? - Huyền Trân, lớp phó học tập gợi ý.

Đã mấy năm nay, kể từ khi Nguyên từ biệt lớp chủ nhiệm cuối cùng của mình, anh không còn hát cho học sinh nghe nữa. Dầu sở hữu chất giọng không có gì đặc sắc, nhưng Nguyên rất thích hát và từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường anh luôn đi đầu trong các tiết mục văn nghệ. Không có buổi karaoke nào của lớp lại thiếu mặt Nguyên. Không có đêm văn nghệ nào mà Nguyên lại không đăng ký tiết mục. Nhưng có một điều thiết yếu để Nguyên có thể hát đó là cảm hứng, và cảm hứng chỉ có được khi Nguyên gặp đối tượng khán giả phù hợp.

Thôi thì hoàn cảnh (hay số phận?) đã đưa chúng ta đến với nhau, không có tình thì cũng có nghĩa, dầu sao cũng đã biết nhau hơn một năm rồi còn gì. Thầy Nguyên lấy cây ghi-ta ra và tất cả học sinh cùng hát bài Happy Birthday. Mọi người đều cảm thấy nhẹ nhàng hơn, bớt căng thẳng hơn vì mối quan hệ đã bắt đầu được phá băng.

Hết học kỳ một năm đó thì thầy trò bắt đầu thân nhau hơn một chút. Nhân dịp cuối năm âm lịch, lớp 11A2 quyết định tổ chức liên hoan tất niên. Nhà cô chủ nhiệm lại quá xa, tụi nó không thể đến được, nên chúng quyết định tổ chức ở nhà thầy Nguyên cho tiện di chuyển, vì nhà thầy ở gần trường. Như mọi khi, Hải đứng ra sắp xếp kế hoạch:

- Mỗi tổ sẽ chuẩn bị một món ăn, như vậy chúng ta sẽ có bốn món chính.

Huyền Trân, cô lớp phó nhanh nhẹn, cẩn thận góp ý thêm:

- Những món nào các bạn chuẩn bị được ở nhà thì làm trước rồi mang đến nhé!

- Thầy cũng sẽ làm cho lớp món trà sữa trân châu! - Thầy Nguyên nheo mắt.

- Hoan hô thầy! Thầy nhớ chuẩn bị cho tụi em chỗ để sinh hoạt nữa nhé! - Cả lớp tỏ ra thật sự vui vẻ khi thầy đồng ý cho mượn nhà, và còn ủng hộ cho buổi tiệc.

Buổi liên hoan cuối năm thật vui và ấm áp. Nào là trang trí, vẽ vời; nào là lò gas, bếp điện; nào là vỉ nướng, chảo chiên... Tổ nào cũng muốn món ăn của mình là món ngon nhất. Sau khi ăn uống no nê, tụi nó mở máy tính để hát karaoke, rồi tất cả kéo nhau qua sân bóng mini để thi đấu với một thể thức chưa từng có trong lịch sử môn bóng đá: một đội gồm năm đứa con trai đấu với một đội kia có hơn hai mươi đứa con gái. Kết quả cuối cùng chỉ là hai số không tròn trĩnh. Chẳng đội nào có thể ghi bàn, nhưng cả hai bên đều phải chịu tổn thất khi có những cầu thủ bị chấn thương phải đi cà nhắc trong những ngày Tết đến gần.

Tết năm đó, tụi nó còn mời thầy Nguyên đi du lịch Đầm Sen. Đến lúc lên xe thì thấy chỉ có khoảng hơn chục mống vì đứa thì đi với gia đình, đứa thì đã đi Đầm Sen rồi nên không muốn đi nữa. Thôi kệ, có bao nhiêu thì chúng ta đi bấy nhiêu! - Nhóm quyết định đi sớm rồi lên tới thành phố sẽ ăn sáng. Ngoài thầy Nguyên, lớp trưởng, lớp phó, và các thành viên A2 thì có bé Na con thầy Nguyên và Tùng, một học sinh lớp 11A1. Tụi nó nhờ Tùng mua được những voucher vé vào cổng giảm giá nên phải tạt vào nhà người quen của Tùng để lấy vé.

Vì thế khi đến Đầm Sen thì đã gần tám giờ rưỡi. Tất cả đều đi vào cổng và trong cơn đói cồn cào, chúng mới nhận ra rằng người ta chỉ bắt đầu bán đồ ăn lúc mười giờ sáng. Ngoại trừ Băng Tâm có mang theo một hộp cơm tấm, và bé Na có vài bịch bánh snack, mấy cây xúc xích, một lốc sữa thì tất cả không mang theo bất cứ thứ gì có thể ăn được. Nếu bây giờ quay ra ngoài thì coi như mất vé, mà còn phải đi bộ rất xa mới ra tới khu dân cư để mua thức ăn. Vậy là mười mấy người chia nhau những gì có được để cầm cự đến khi các quầy ăn mở cửa.

Băng Tâm là một cô bé nhí nhảnh và năng động. Bị say xe suốt chặng đường dài và bị say sóng sau khi chơi trò vượt thác, vậy mà nó vẫn đủ sức để cưỡi lên con bò tót điện tử hung dữ đang lắc lư điên cuồng hòng hất văng người đang ngồi trên lưng nó xuống đất. Trong khi Hải, Quốc và những bạn nam khác không trụ nổi một phút và bị hất tung lên một cách thảm hại thì Băng Tâm bé nhỏ có thể cầm cự đến gần năm phút. Không có trò chơi cảm giác mạnh nào mà Băng Tâm lại không thử qua, mặc dầu sau khi chơi mặt nó lại tái xanh tái xám, nôn ọe giàn giụa cả nước mắt nước mũi. Nào là đu quay đứng, tàu lượn siêu tốc, xe điện đụng, xe lửa trên không,… Có lẽ vì thế mà cô bé “sắt đá” Băng Tâm có được sự hâm mộ từ anh chàng Quốc cùng lớp đang đứng nhìn Băng Tâm chơi những trò mạo hiểm mà chính anh chàng không bao giờ dám bước lên.

Hết giờ ở Đầm Sen, xe vào Lotte Mart để ăn tối và xem phim hài Tết. Buổi đi chơi hôm ấy dầu ít người nhưng cũng không kém phần thú vị, đặc biệt là với thầy Nguyên. Đây là lần thứ hai thầy đi du lịch Đầm Sen với học sinh. Lần trước đi với lớp chủ nhiệm đầu tiên của thầy cũng đã cách đây mười lăm năm, khi thầy mới ra trường. Sau bấy nhiêu năm thì Đầm Sen có chút ít thay đổi về cảnh quan và cách bày trí, nhưng cảm giác khi vượt thác, đi cầu khỉ hay cưỡi bò tót vẫn còn y nguyên.

Kể từ Tết năm đó, thầy Nguyên bớt vào thế giới ảo của game hơn, và thầy dành nhiều thời gian để sống với thực tế cũng như với nghề dạy học. Như Can Jung đã từng nói: “Không thể trồng cây ở nơi thiếu ánh sáng, cũng như không thể dạy trẻ với chút ít nhiệt tình.” Thầy cố hết sức để giúp học sinh có điểm số cao hơn năm trước, mặc dầu thầy vẫn giữ nguyên tiêu chuẩn là không hạ thấp độ khó của đề, và cũng không cho phép học sinh trao đổi khi làm bài kiểm tra. Ngoài việc thường xuyên quan tâm đến việc luyện tập của học sinh nhiều hơn, thầy còn cho tụi nó có quyền chọn để làm kiểm tra lại, nếu lần kiểm tra trước bị điểm thấp. Thầy cũng khuyến khích những điểm cộng cho những ai xung phong giải bài tập. Nhờ vậy, đa số học sinh lớp 11A2 đã có điểm Toán cao hơn năm trước, một số em thậm chí còn đạt danh hiệu học sinh giỏi nhờ vào điểm trung bình môn Toán trên tám điểm. Có một điều thầy Nguyên và cả lớp A2 không hề ngờ đến - điểm cao cũng là nguyên nhân làm cho lớp phải chia tay một số thành viên ngay từ đầu năm học tới.

4.TAM CA BA CON CỌP

Trường bắt đầu tăng cường các giờ học trái buổi. Ngoài sáu buổi học chính khóa, học sinh còn phải đến trường thêm bốn buổi chiều để rèn luyện các môn cần thiết. Thời tiết khô hanh khó chịu trong cái nắng oi bức của miền Nam, cộng với số tiết học quá nhiều làm cho cả thầy lẫn trò ai ai cũng đều mệt mỏi. Dầu vậy, tất cả đều phải tất bật đến trường để làm cho xong nhiệm vụ của mình.

Môn Toán cũng không là ngoại lệ. Chương trình chính thức mỗi tuần là bốn tiết. Học sinh được thêm cho hai tiết tự chọn, rồi bây giờ thêm hai tiết trái buổi nữa. Vậy tổng cộng một tuần thầy Nguyên và tụi nó gặp nhau đến tám tiết, nhiều đến nỗi nhìn mặt nhau là thấy phát ngán đến tận chân răng. Để giảm bớt sự mệt mỏi và tăng cường hứng thú cho học sinh, thầy thường dành ít thời gian đầu giờ, hoặc cuối giờ để lớp biểu diễn các tiết mục văn nghệ. Cũng có những buổi thầy cho học sinh thi đua qua các gameshow tự soạn với hình thức các trò chơi rung chuông vàng, hoặc chiếc nón kỳ diệu… Học sinh 11A2 rất hứng thú với những tiết mục văn nghệ, nhưng phần lớn chỉ hứng thú nghe, còn biểu diễn chỉ tập trung vào một vài cá nhân, trong đó có nhóm Ba Con Cọp.

Nhóm Ba Con Cọp không hề có chút dây mơ, rễ má gì với nhóm Ba Con Mèo nổi tiếng một thời. Đây cũng chẳng phải là tên gọi chính thức của nhóm. Lý do thầy Nguyên gọi nhóm như vậy là vì ba thành viên của nhóm đều có chung tuổi con cọp (cũng là cầm tinh của tất cả lứa học sinh khối 11 năm nay). Ba cô cọp con xinh xắn dễ thương có những cái tên cũng rất mỹ miều là Phương Vy, Như An và Ngọc Bích.

Phương Vy trước đây không hề thích hát, nhưng từ ngày Phương Mỹ Chi xuất hiện, nó tức mình và quyết định sẽ bước vào thế giới showbiz để cạnh tranh với giọng hát dân ca nhí này. Những bài hát tủ của Phương Vy cũng là những bài mà nhờ đó Phương Mỹ Chi đã được biết đến như Đêm gành hào nghe điệu hoài lang, Đất phương nam hay Quê em mùa nước lũ. Để nhanh chóng nổi tiếng, Phương Vy quyết định đăng ký tham gia chương trình văn nghệ của trường với một tiết mục đơn ca, và có thể là do sự lầm lẫn của ban giám khảo, Phương Vy đã được giải nhất trong lần thi này. Kể từ hôm đó, Phương Vy ngày càng tự tin với chất giọng trẻ con nhão nhẹt của mình, và thường xuyên đăng ký biểu diễn trong các chương trình văn nghệ của lớp 11A2.

Với Như An thì lại khác. Như An từ nhỏ đã thích hát thích ca. Nhưng một chuyện không vui đã xảy ra trong gia đình làm cho Như An cảm thấy chán nản. Trong một thời gian dài, nó còn chẳng thiết tha đến việc học, nói gì là ca với hát. Mỗi lần vô lớp, nó ngồi đó với ánh mắt nhìn xa xăm, với tấm lòng nặng trĩu những ưu tư về gia đình, về bản thân và về tương lai mờ mịt. Năm nay thì Như An cảm thấy đỡ hơn, và có thể tập trung phần nào vào việc học. Và vì thế khi được mời tham gia văn nghệ, Như An cũng cố gắng góp phần để cho không khí lớp thêm vui vẻ.

Ngọc Bích vừa có thể biểu diễn, vừa có thể tự sáng tác bài hát cho mình (những bài hát này chỉ mới được trình diễn trong nội bộ lớp). Dầu rất nữ tính, nhưng với cách Ngọc Bích trang phục, người ta thấy giống với những vũ công nhảy hip-hop hơn là một ca sĩ: quần thì ống rộng thênh thang, áo sống thì lụng thụng, luôn mang giày thể thao và đội chiếc mũ kết ngược. Có một lần Ngọc Bích đăng ký để biểu diễn bài mình tự sáng tác trước toàn trường, nhưng thầy bí thư Đoàn viện lý do đã có nhiều tiết mục, nên thầy hứa đến năm lớp 12 trước khi ra trường sẽ cho Ngọc Bích hát bài đó. Vì vậy, Ngọc Bích đã ghi lại nhạc và lời của bài hát, cẩn thận cất vào một chiếc rương và chờ đợi đến một ngày bài hát của mình sẽ được nâng lên một tầm phủ sóng mới.

Nhận thấy lớp có nhiều nhân tài chưa có dịp thể hiện trước số đông khán giả và vì thế ít có cơ hội nổi tiếng, đồng thời cũng muốn có món quà kỷ niệm cho lớp 11A2 nhân dịp cuối năm học, thầy Nguyên đã viết một bài hát về mái trường và mời tam ca Ba Con Cọp tham gia thu video clip để đăng lên YouTube. Buổi thu hình có sự góp mặt của tất cả thành viên trong lớp. Những cảnh quay rất sống động và ấn tượng. Tiếc là vì không có kinh nghiệm nên chất lượng video rất kém, nhìn vào chỉ thấy mờ mờ ảo ảo. Tiếng hát cũng lẫn nhiều tạp âm vì thu trực tiếp và không có micro chuyên nghiệp. Vì vậy đoạn clip này chỉ nhận được khoảng năm trăm lượt xem (có khả năng là mỗi học sinh lớp 11A2 xem trên mười lần!). Dầu sao, đó cũng là một kỷ niệm rất vui cho cả thầy lẫn trò.

Năm học lớp 11 kết thúc bằng việc cả lớp cùng trình diễn lại bài hát của thầy Nguyên nhân dịp tổng kết năm học. Có một chút trục trặc nhỏ vì trong buổi hát thử trước ngày tổng kết, ban tổ chức định loại tiết mục này vì chưa đạt yêu cầu. Nhưng cuối cùng mọi việc cũng xong, vì thầy Nguyên đã năn nỉ nhà trường và cam kết rằng ngày mai các em sẽ hát tốt hơn.

Mùa hè lại đến. Đây là mùa hè cuối mà chúng nó có thời gian tự do để làm những điều mình thích. Năm sau ắt hẳn sẽ rất bận rộn vì tụi nó sẽ ôn tập mãi đến kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia, rồi chờ cho có điểm để đăng ký vào các trường cao đẳng, đại học. Vì vậy, tụi nó muốn tận dụng những ngày hè này sao cho thật thoải mái và thư giãn nhằm có thêm có động lực để bước vào năm học mới. Đứa thì về thăm quê, đứa đăng ký học thêm các môn văn hóa, những đứa khác lại đi đến các trung tâm để rèn luyện thể hình, chơi thể thao… Tụi nó không hề biết được rằng có một tin vui - và cũng là một tin buồn - đang chờ mình ở tương lai phía trước.

5. ĐIỂM SỐ CÓ QUAN TRỌNG LẮM KHÔNG?

Cũng như mọi học sinh của lớp 11A2 cũ, Cẩm Hằng cảm thấy không cam lòng khi cặp bài trùng của mình là Hoàng Mai được chuyển qua lớp 12A1. Hai đứa đi đâu, làm gì cũng như hình với bóng, vậy mà bây giờ hình và bóng phải chia ra ở hai lớp kế bên nhau. Lời bài hát của thầy Nguyên, “Trường yêu dấu cho ta bạn thân, cùng nhau vui thi đua học chăm.” giờ không có ý nghĩa gì nữa. Đâu dễ gì mà lớp trở nên một tập thể thân thiết, tại sao nhà trường không để cho cả lớp được cùng nhau trải qua năm học cuối, mà lại bắt chúng nó phải từ biệt nhau ngay đầu năm cuối cấp này? Các thầy cô cũng từng trải qua thời học trò, sao lại không biết rằng năm lớp 12 chính là năm chứa nhiều kỷ niệm nhất, là năm học đáng nhớ nhất, và là thời gian tuyệt vời nhất của đời học sinh? Càng suy nghĩ, Cẩm Hằng càng thấy bực mình với quyết định xếp lại lớp của nhà trường.

Cẩm Hằng là một cô bé mơ mộng, rất xem trọng tình bạn, và cũng rất chăm chỉ học tập. Dầu đã mười bảy tuổi, Cẩm Hằng vẫn mang vóc dáng của một học sinh cấp hai. Nó lại tỏ ra mê đọc truyện và xem phim Doraemon, thích được ăn cái bánh rán Dorayaki trong tập truyện tranh Nhật Bản này. Có lẽ vì đọc truyện quá nhiều nên khi lên lớp 12 thì nó cũng nộp đơn xin gia nhập vào đội quân bốn mắt. Đâu đó có câu nói, “Con gái bị cận thường rất hiền và xinh.” Vì vậy, nếu xét theo tiêu chí trên thì cứ tưởng Cẩm Hằng là một đứa hiền, thậm chí là rất hiền. Ngay cả thầy Nguyên cũng đã bị lầm về điều này vì chẳng thấy nó phát biểu bao giờ. (Thật ra thầy không có lỗi, vì nai con hay cọp con khi nhỏ đều rất dễ thương, chỉ khi nó lớn lên người ta mới có thể nhận ra sự khác biệt).

Đã dạy lớp A2 hai năm liền, nhưng thầy Nguyên không có gì ấn tượng về Cẩm Hằng, vì nó thường không xuất hiện trong những tiết mục văn nghệ, trong những buổi đi chơi, thậm chí trong những hoạt động học tập của lớp (hay là có mà thầy không để ý). Một điều thầy biết là nó có nickname “Nấm”, và khoảng giữa năm ngoái nó kết bạn Facebook với thầy để xin đường dẫn tải bài hát của lớp. Tự dưng đầu năm lớp 12, nó gửi một tin nhắn cho thầy đại ý là nó làm bài kiểm tra bị điểm thấp, và muốn cải thiện điểm. Và kể từ lúc đó, mọi trao đổi của nó với thầy chỉ xoay quanh mấy cái vụ điểm số.

- Thầy ơi, em biết đề 15 phút thầy cho không khó ạ, nhưng... kết quả của em thật tệ, em có thể gỡ điểm bằng cách lên bảng làm bài không ạ?

Cô bé Cẩm Hằng này thật khéo nói, và thường người khéo nói là người sẽ mang lại cho ta nhiều rắc rối - kinh nghiệm sống cho thầy Nguyên biết như vậy. Thầy bình thản trả lời:

- Được chứ em, ai cũng có thể cải thiện điểm mà. Cơ hội như nhau.

- Cảm ơn thầy ạ.

Vài ngày sau lại có tin nhắn:

- Thầy ơi, điểm kiểm tra 15 phút có thay đổi được không thầy?

- Giờ thì chưa đâu em. Khi nào điểm kiểm tra miệng được mười điểm thì mới cộng điểm tiếp vào 15 phút.

Cẩm Hằng cố gắng xung phong giải bài tập gần hết cả học kỳ một mà vẫn không thấy gì thay đổi trong sổ điểm. Có lẽ lòng kiên nhẫn đã đạt đến giới hạn, nó lại gửi tin nhắn offline cho thầy Nguyên:

- Thầy ơi, em phải giơ tay bao nhiêu lần nữa để gỡ điểm 15 phút đầu tiên ạ? - Chắc nó phải hết sức kiềm chế để tỏ ra thật nhẹ nhàng và lễ phép.

Chiều hôm đó Cẩm Hằng mới vào Facebook và đọc được tin nhắn mà Thầy Nguyên gửi cho nó:

- Em được 10 điểm kiểm tra miệng. Hết!

Cẩm Hằng cảm thấy mọi nỗ lực của mình đã thành vô nghĩa. Nó cảm thấy căm tức thầy Nguyên vì đã hứa mà không giữ lời. Nó cảm thấy đau xót cho mình vì con điểm bốn từ đầu năm đến giờ vẫn ngang nhiên nằm trong sổ. Những giọt nước mắt đã chực trào ra. Với tâm trạng rối bời và buồn bã, nó cập nhật dòng trạng thái Facebook của mình:

Mình tự hỏi có phải mình quá quan trọng về điểm số hay không? Do bản thân, do gia đình, hay do lí do gì? Mình đang đúng hay đang sai, mình nên làm gì mới phải?

Chợt thấy nick của thầy Nguyên sáng lên trên khung chat, nó quyết định gửi một tin nhắn cho thầy Nguyên để hỏi cho rõ ngọn ngành - nó nghĩ đây là lần cuối cùng nó liên lạc với thầy.

- Có phải em nói gì đó không đúng không ạ? Em xin lỗi thầy ạ!

Thật sự thầy Nguyên không thể nào cộng thêm điểm vào các cột 15 phút vì năm nay nhà trường cho khóa tất cả các điểm sau khi nhập để tránh những gian lận về điểm số. Vì thế thầy chỉ có thể cho Cẩm Hằng điểm tối đa ở cột điểm kiểm tra miệng mà thôi.

- Em đang làm bài tập Toán, nhớ là có nhắn tin cho thầy. Lên Facebook đọc tin nhắn của thầy, em tưởng em nói có gì đó không đúng, nên em buồn.

Ôi, hóa ra đây là một cô bé đa sầu đa cảm đến thế sao? Thầy Nguyên không có cố ý làm ai buồn, và cũng không phải là người không giữ lời hứa. Rắc rối xảy ra chỉ là vì thầy nói quá vắn tắt. Giờ thầy lại phải cố gắng giải thích để cho Cẩm Hằng hiểu được.

Thế nhưng chỉ một tuần sau lại thấy Cẩm Hằng với bộ mặt bí xị. Đúng như dự đoán, chiều hôm đó thầy Nguyên lại nhận được tin nhắn của nó:

- Thầy ơi điểm phúc khảo môn Toán khoảng bao lâu thì có ạ?

- Thầy không có được chấm nên không rõ, nhưng chắc là phải trước khi tổng kết học kỳ một. Điểm không đúng à?

- Vâng ạ.

- Hèn chi lúc sáng thấy em mặt hơi kỳ kỳ, ha ha!

- Cảm giác bây giờ của em như người không hồn vậy, thầy còn cười!

- Thư giãn một chút đi em, vài bữa phát bài ra mà. Nếu làm sai thì mình rút kinh nghiệm.

- Vâng ạ.

Cuối cùng thì thầy Nguyên cũng biết được một phần nào tính cách của Cẩm Hằng. Nó hay mất tập trung vì để cảm xúc chi phối, và cũng rất quan trọng điểm số. Mỗi khi bị điểm kém, hay có chuyện gì đó không hay thì Cẩm Hằng sẽ rất buồn từ trong ruột ra ngoài da, và rồi thể hiện qua Facebook. Nhưng đó chưa phải là tất cả những gì thầy sẽ biết về nó.