Chia Tay Tuổi Học Trò - Chương 06 - 07

6. MẶT TRỜI KHÔNG CÓ SỨC NÓNG

- Số báo danh 143, em ngồi nghiêm túc làm bài.

Tiếng giám thị vang lên làm Hải giật thót. Là lớp trưởng lớp A2 từ năm lớp mười, Hải rất tích cực và là đầu tàu để kéo lớp trong tất cả các phong trào. Thậm chí Hải còn là người hỗ trợ đắc lực cho các giáo viên chủ nhiệm khi họ bận việc không thể đến lớp. Tuy nhiên, về học tập thì phải rất nỗ lực thì năm ngoái Hải mới có thể đạt loại khá.

“Thời gian qua giúp ta dần quen. Nhiều kỳ thi trôi qua thật êm.” - Trong đầu Hải văng vẳng lời bài hát của thầy Nguyên. Nhưng rõ ràng kỳ thi này thì không êm chút nào cả. Đề Toán khó quá mà không hỏi được ai. Không phải do Hải lười biếng, ham chơi; cũng không phải do Hải lúc nào cũng đi bên cạnh cô bạn lớp phó Huyền Trân dễ thương học giỏi. Học kỳ này Hải đã rất cố gắng tập trung vào việc học, nhưng với khả năng thực sự của mình, hai môn Toán và Văn của Hải không có môn nào trên được sáu phẩy năm và Hải đành phải chịu xếp loại trung bình.

Kể từ hôm đó, Hải được ba đưa đón từ nhà đến trường như những ngày còn chưa biết đi xe. Những buổi đi chơi của lớp 12A2 thiếu Hải cầm đầu, những buổi sinh hoạt ngoại khóa không còn náo nhiệt vì mất đi một lớp trưởng đầy năng động, nhiệt huyết.

Sau đợt thi học kỳ một, cả khối 12 được nghỉ ba ngày để dành chỗ cho các khối còn lại thi. Dầu trước khi thi lớp 12A2 đã hẹn với thầy Nguyên ghé nhà thầy trong mấy ngày nghỉ rồi cả thầy trò cùng đi ra ruộng chơi, nhưng mãi đến giờ thì Băng Tâm mới nhắn tin Facebook cho thầy hỏi rằng tụi nó có thể đến nhà thầy chiều mai được hay không.

Hôm đó cũng quá sinh nhật của thầy Nguyên một ngày, và một lần nữa tụi nó lại mang bánh sinh nhật và đồ ăn thức uống đến. Nhưng lần này chỉ có đúng chục đứa, và dĩ nhiên không có lớp trưởng Hải vì nó đã bị cấm cung ở nhà. Có tam ca Ba Con Cọp, Băng Tâm, Phụng Tiên, lớp phó Huyền Trân, và lần này thầy Nguyên nhận ra có cả Cẩm Hằng nữa. Mấy học sinh nam thì có Hùng, Minh và Vũ.

- Thầy thổi nến và cầu nguyện đi thầy! - Lũ học sinh lao nhao.

- Được rồi, thầy thổi nến, nhưng cầu nguyện thì để sau nhé.

Tụi nó hối thúc:

- Không được, thầy phải ước liền bây giờ.

Một thoáng bối rối, thầy Nguyên đáp cho qua:

- Vậy thầy ước gì năm học này trôi qua càng nhanh càng tốt.

Lúc phát biểu câu đó, thầy Nguyên chỉ vô tình chứ không có ý định gì. Sau này khi nhớ lại những gì mình đã nói, thầy thật sự hối tiếc vì không thể nói ra điều ước thật sự của thầy: được kéo dài thời gian ở bên tụi nó. Ở đời người ta luôn xem thường cái mình đang có, chỉ bắt đầu biết quý trọng khi sắp không còn nó, và thực sự luyến tiếc khi đã mất nó đi.

Sau tiết mục ăn lẩu, ăn bánh kem thì Phụng Tiên đề nghị đi karaoke. Lúc này chắc nó đã bớt ghét thầy Nguyên. Tất cả đều tán thành, ngoại trừ Như An đứng lên chào thầy:

- Em phải đi học bây giờ, không tham gia được. Xin phép thầy em về trước ạ.

Thầy Nguyên hơi lưỡng lự:

- Cũng được, mình đi ở đâu cho thầy biết rồi các em ra đó trước. Thầy rước con về nhà rồi chờ bà xã đi làm về thì sẽ đi sau.

- Vậy hẹn thầy ở quán Thời Gian nhé.

Thu xếp xong việc nhà, thầy Nguyên tạt qua quán Thời Gian và đến quầy tiếp tân để hỏi xem nhóm học sinh vừa vào ở phòng nào. Hai nhân viên tiếp tân vừa chỉ phòng, vừa nháy mắt nhìn nhau. Khi vào phòng karaoke thì thầy Nguyên mới biết rằng chỉ có sáu đứa con gái tham gia karaoke, còn mấy đứa con trai đều đã về nhà hết rồi. Hèn gì cậu nhân viên quán cứ cười tủm tỉm khi thầy hỏi phòng.

Chính ở quán karaoke mà thầy Nguyên biết được một điều nữa về Cẩm Hằng: nó có giọng hát rất ngọt ngào, rõ ràng và truyền cảm. Vậy mà trước giờ Cẩm Hằng chẳng hề tham gia một tiết mục văn nghệ nào của lớp. Nụ cười của Cẩm Hằng hôm nay thật là ấm áp làm sao, không giống như hình ảnh mọi ngày của nó lúc nào cũng nhăn nhó đau khổ vì bị điểm kém. Lời của bài Mùa đông không lạnh mà thầy Nguyên chọn hát thật phù hợp với khung cảnh hôm nay: “Em cười tươi như mặt trời cuối đông, nụ cười đó làm sao anh quên.” Cũng một giọng hát dễ thương, cũng một nụ cười xinh xắn giống như thế này đã để lại trong ký ức của Nguyên biết bao cảm xúc đau lòng - thầy Nguyên bồi hồi nhớ lại câu chuyện của cuộc đời thầy vào mùa đông mười tám năm về trước...

Một buổi chiều nọ, chàng sinh viên năm thứ ba khoa Toán đang ngồi chơi ở nhà trọ của bạn mình thì bỗng xuất hiện một cô bé với nụ cười như ánh mặt trời giữa mùa đông lạnh giá. Ngay từ lúc gặp mặt, Nguyên đã khá ấn tượng với nét mặt xinh xắn và ngây thơ của cô bé. Vì thấy người lạ, và khi đó chỉ có con trai, cô bé lúng túng dựng xe đạp rồi vội vã đi lên tầng lầu, là nơi có những sinh viên nữ ở trọ.

Không biết trời xui đất khiến thế nào mà khi đi ngang qua Nguyên, chiếc áo khoác màu vàng chanh của cô đang mặc lại vướng vào chiếc xe đạp Nguyên đang ngồi vắt vẻo. Mặc dầu khá bối rối, cô bé vẫn có thể giải quyết ngay tình huống khó xử này. Trong khi Nguyên còn chưa biết phải làm gì thì cô bé đã nhanh nhẹn quay lại gỡ chiếc áo ra, rồi buông một câu làm Nguyên ngơ ngẩn cả người:

- Người gì đâu sao mà mới gặp đã vương vấn rồi nhỉ!

Cô bé đó cũng có tên là Hằng, nhưng là Minh Hằng. Với chiều cao không quá một mét bốn mươi lăm nhưng cô sinh viên vừa bước vào năm nhất tỏ ra rất năng động và khôn ngoan trong cách cư xử với mọi người và trong học tập. Hôm đó là ngày đầu Minh Hằng đến chỗ trọ theo sự giới thiệu của một người quen, và cũng là ngày đầu tiên họ gặp nhau.

Nguyên vốn là một người sống nội tâm, ít nói còn Minh Hằng lại rất hoạt bát và có tính hướng ngoại. Trong khi Nguyên có thể học một cách an nhàn trong sự bảo bọc của cha mẹ, thì Minh Hằng đã phải đi làm thêm để tự lo cho cuộc sống cho mình. Nguyên nhút nhát, chậm chạp trong cư xử còn Minh Hằng lại nhanh nhẹn và có phần nào đó lém lỉnh. Dầu tính cách trái biệt nhau như thế, chẳng bao lâu họ đã trở nên rất thân thiết với nhau. Mùa đông năm đó trời rất lạnh, nhưng với Nguyên thì anh như được sưởi ấm bởi nụ cười tỏa nắng luôn thường trực trên môi của Minh Hằng.

Họ đã có cùng nhau biết bao nhiêu kỷ niệm tuyệt vời. Có một lần Nguyên mượn xe máy chở Minh Hằng đi công việc và lỡ vượt đèn đỏ, trong khi không có cả bằng lái lẫn giấy tờ xe, vậy mà Minh Hằng năn nỉ hay đến mức mấy anh cảnh sát tha cho đi mà không phạt gì hết. Có những hôm hai người không ai hẹn ai mà cùng đến thật sớm ở câu lạc bộ để dọn dẹp chuẩn bị bàn ghế cho buổi sinh hoạt. Có nhiều hôm Nguyên thao thức để viết ra một lời bài hát vu vơ, sáng tác một đoạn thơ con cóc rồi mang nó đến cho Minh Hằng phê duyệt. Có những tối bạn bè quây quần cùng nhau ở nhà trọ sinh viên, và Minh Hằng cất lên giọng ca ngọt ngào trong tiếng ghi-ta vụng về mà Nguyên cố gắng đệm theo.

Nhà sinh viên có ba tầng: tầng trệt để xe, tầng một dành cho nam và tầng hai cho nữ. Những hôm cầu chữ Y bị kẹt xe, Nguyên cũng ở lại đó vì không về chỗ trọ của mình được. Có hôm Nguyên mượn quyển sách của Minh Hằng và ra ban công đọc cho đến tận khuya, Minh Hằng phải ra lấy lại sách để Nguyên đi ngủ. Món quà sinh nhật đầu tiên, và cũng là món quà cuối cùng mà Minh Hằng tặng Nguyên là chiếc cravat màu đỏ mà Nguyên vẫn còn cất giữ trong tủ cho đến tận bây giờ, cho dù Nguyên có thói quen đốt đi tất cả những vật lưu niệm, những thư từ, và cả nhật ký sau khi kết thúc một mối quan hệ nào đó. Về phần Minh Hằng cũng không giấu giếm niềm vui khi lúc nào cô cũng chỉ cài duy nhất chiếc kẹp tóc màu hồng mà Nguyên tặng nhân dịp lễ Giáng Sinh.

Tết năm ấy, Nguyên còn một mình đón xe xuống tận nhà Minh Hằng để thăm gia đình cô, và mọi việc đều diễn ra một cách vui vẻ. Nhưng đời không bao giờ giống như ta ước mơ.

Sau Tết, Minh Hằng quay lại thành phố và quay ngoắt một trăm tám mươi độ với những gì vừa xảy ra cách đó vài ngày, thậm chí cô còn tránh nói chuyện với Nguyên mỗi khi anh đến nhà sinh viên chơi. Minh Hằng cũng không còn cài chiếc kẹp tóc mà Nguyên đã tặng. Không hiểu chuyện gì đã và đang xảy ra, Nguyên vô cùng buồn bã vì dù thỉnh thoảng anh vẫn thấy được nụ cười trên gương mặt của cô bé, nhưng nụ cười đó bây giờ không còn ấm áp và tỏa sáng như trước đây.

Giờ thì Nguyên mới thấm thía thế nào là mặt trời cuối đông: nó rất đẹp, rất hiếm hoi giữa một mùa mây giăng giá lạnh. Tuy nhiên, ánh mặt trời cuối đông không đủ mang lại hơi ấm cho con người, cho vạn vật, đừng nói chi là sưởi ấm cho một tấm lòng đang dần bị chôn vùi trong băng giá. Có ai đó đã từng nói, “Nụ cười tôi có thể dành cho tất cả mọi người, nhưng nước mắt tôi chỉ dành cho người mà tôi yêu thương nhất.” Và có lẽ rằng Minh Hằng cũng xem Nguyên chỉ là một người bình thường như tất cả mọi người: cô không bao giờ dành nước mắt cho anh.

Một ngày, hai ngày, rồi một tuần trôi qua. Nguyên không đến lớp, cũng chẳng tha thiết làm việc gì cả. Anh quyết định viết thư gửi cho Minh Hằng để nói rõ lòng mình. Viết rồi xóa, xóa rồi lại viết, nhưng Nguyên vẫn chưa đủ can đảm để gửi nó đi.

Ngày thứ bảy hôm đó lại là ngày Valentine, Nguyên quyết định tặng hoa cho Minh Hằng. Suy đi tính lại, Nguyên chọn một nhành lan ngọc điểm rồi mang đến nhà sinh viên nữ, kèm theo một tấm thiệp mà Nguyên nắn nót ghi dòng chữ bằng tiếng Anh:

I want to make you happy, because seeing your smile makes me happy! (Anh muốn làm cho em hạnh phúc, bởi vì anh hạnh phúc khi nhìn thấy nụ cười của em!)

Ngay hôm sau, Nguyên nhận được bức thư hồi âm mà Minh Hằng chuyển cho Nguyên qua một người bạn khác. Bức thư cũng chỉ có vài dòng, nhưng từng lời từng chữ đều làm Nguyên chết lặng:

Anh Nguyên,

Em luôn xem anh là anh trai của em. Anh rất tốt với em trong thời gian qua. Cảm ơn anh vì tất cả những gì anh đã làm cho em. Anh sẽ tìm được một người tốt hơn em, xinh đẹp hơn em rất nhiều.

Em gái.

Hoàng Thị Ngọc Minh Hằng.

Có những việc xảy ra mà ta sẽ biết được nguyên nhân, cũng có những việc mà đến suốt đời ta cũng không biết tại sao nó lại như thế. Một số bạn chung của hai người thì đoán rằng khi về nhà, cha mẹ Minh Hằng đã ngăn cản mối quan hệ mới vừa chớm nở này. Vài người cũng cho Nguyên biết Minh Hằng từng nói với họ rằng cô ấy thích một người con trai khác. Riêng Nguyên thì cứ mãi tự hỏi rằng - liệu có một lúc nào trong cuộc đời, Minh Hằng đã dành một phần tình cảm nào đó cho anh, cho dù rất ư là bé nhỏ. Hay Nguyên đã ngộ nhận, đã yêu đơn phương trong câu chuyện mà chỉ có anh xem là mối tình thứ nhất của riêng mình.

Trong những ngày lang thang vô định, có một lần Nguyên đã ghé qua trường Khoa học Tự nhiên mà Minh Hằng đang học, và anh đã phát hiện ra một sự việc cũng không kém phần đau thương. Ở học kỳ đầu tiên của năm thứ nhất, Minh Hằng đã thi rớt đến năm môn trong tổng số tám môn học mà cô đã đăng ký.

7. NHỮNG THẤT BẠI ĐẦU TIÊN

Cứ mỗi bốn năm thì lại có Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc, và năm nay là năm diễn ra đại hội. Vì thế nhà trường cho học sinh đăng ký thi đấu nội bộ các môn thể thao để chọn ra các đội tuyển đi thi cấp tỉnh. Minh và Vũ đều chọn thi môn cầu lông và điền kinh, Phụng Tiên và một bạn nữ khác thì tham gia đội bóng chuyền nữ. Lớp cũng đăng ký cả bóng đá nữ, vì trong lớp 12A2 này số nam sinh chơi bóng đá quá ít chưa đủ để lập nên một đội bóng.

Đội bóng đá nữ bị loại ngay từ vòng đầu tiên. Bù lại, cả Minh và Vũ đều vào được chung kết cầu lông đơn nam, và Minh đã giành chức vô địch cấp trường và lẽ ra được đăng ký tham gia cấp tỉnh. Nhưng đáng buồn thay, thầy phụ trách các đội tuyển dự thi Hội khỏe Phù Đổng cho rằng khả năng Minh được lọt vào vòng trong ở kỳ thi cấp tỉnh là không cao. Vì thế năm nay trường không đăng ký đội tuyển cầu lông. Thầy khuyên cả Minh và Vũ qua đội tuyển điền kinh và tham gia thi môn chạy bộ.

Thế là mỗi chiều Minh, Vũ và Phụng Tiên thường phải ở lại sau giờ học để tập chạy, tập thể lực để chuẩn bị cho kỳ thi Hội khỏe Phù Đổng. Ròng rã hơn hai tháng trời, giờ đã đến lúc gặt hái thành công. Mọi người ai cũng háo hức cho kỳ thi cấp tỉnh này. Kết quả, ngoài Vũ đạt được huy chương bạc môn chạy bộ, thì hai bạn kia đều trở về tay không sau bao nhiêu ngày vất vả.

Sau đợt đó, nhà trường lại tổ chức đêm văn nghệ chào mừng ngày sinh viên học sinh như mọi năm, và cũng để gây quỹ học bổng cho những học sinh khó khăn của trường. Chỉ còn năm cuối nên tụi nó rất hào hứng đăng ký hết tất cả các thể loại mà nhà trường đưa ra. Nào là đơn ca, tốp ca, nhảy hiện đại và cả thời trang nữa. Năm ngoái lớp A2 cũng có thi thời trang nhưng không được vào chung kết, nhưng bù lại Phương Vy đạt được giải nhất đơn ca. Vì thế tụi nó cũng rất tự tin mình sẽ lập lại được thành tích lịch sử này.

Bàn đi tính lại, cô Cẩm Ly chủ nhiệm không cho tụi nó tham gia thời trang nữa vì tiết mục này nếu muốn vào chung kết phải đầu tư rất công phu và tốn kém. Thế là lớp quyết định tập trung vào một tiết mục đặc sắc nhất để ghi lại ấn tượng của thời học sinh: tiết mục tốp ca với minh họa của nhóm múa. Tuần trước khi diễn ra vòng loại, Phương Vy đã nhờ thầy Nguyên ghép giùm nhạc của những bài dân ca Bắc, Trung, Nam để nhóm Ba Con Cọp trình diễn. Chiều thứ sáu thầy lên trường và thấy lớp A2 đang tập những tiết mục dự thi vòng loại.

Băng Tâm nhí nhảnh trong bộ quần áo bà ba và chiếc khăn rằn Nam Bộ mà nó dùng như chiếc khẩu trang che mặt. Nó liếng thoắng:

- Thầy cố gắng thu xếp để sáng mai lên xem tụi em diễn nha thầy!

- Đi đi thầy! - Cẩm Hằng nhỏ nhẹ. Đây quả là một điều lạ vì trước giờ thầy Nguyên chưa từng thấy nó tham gia văn nghệ ở trường. Thầy có chút phân vân:

- Thứ bảy này thầy phải họp, và thầy không chắc có thể qua xem tụi em biểu diễn được hay không.

- Vậy tụi em sẽ cố gắng vào chung kết để thầy xem nhé! - Phụng Tiên tỏ ra rất tự tin. Năm nay Như An chán đời, chán người gì đó nên không muốn biểu diễn văn nghệ nữa, và Phụng Tiên thay vị trí của Như An trong nhóm Ba Con Cọp.

Thứ bảy hôm đó thầy Nguyên họp xong sớm và vẫn kịp lên hội trường trước khi tụi nó dự thi tiết mục của mình. Thầy thật sự ngỡ ngàng khi thấy Cẩm Hằng hôm nay khác lạ hơn bao giờ hết. Hôm nay Cẩm Hằng tham gia múa minh họa cho bài hát, và cả nhóm múa đều trang điểm nên trông chúng thật xinh đẹp hơn so với ngày thường. Ký ức năm nào một lần nữa chợt ùa về. Minh Hằng - nỗi đau không thể xóa nhòa trong cuộc đời của thầy Nguyên giờ như đang xuất hiện trong hình dáng một người con gái khác.

Đến lúc này thì thầy Nguyên mới nhận ra rằng, ngoài việc giống nhau nụ cười rộng đến tận mang tai và giọng hát có thể làm mê say lòng người thì còn rất nhiều điểm trùng hợp không thể ngờ giữa hai cô bé cùng mang tên Hằng: họ đều có chiều cao của những học sinh cấp hai, đều có làn da trắng xinh với mái tóc đen dài luôn được buộc một cách gọn gàng phía sau bằng những chiếc kẹp. Họ đều sở hữu đôi mắt mang kính cận hiền lành và còn giống nhau cả cách nói năng nhẹ nhàng nhưng đầy cương quyết. Cầm lấy chiếc điện thoại của một học sinh nào đó, thầy Nguyên vội chạy lên hàng ghế giám khảo để ghi lại tiết mục biểu diễn mà thầy cho là không thể nào bỏ qua này.

Xem xong tiết mục, thầy Nguyên mới phát hiện ra rằng phần nhạc mà thầy phải thức đến quá nửa đêm để ghép cho tụi nó đã bị thay thế bằng một tập tin nhạc khác.

Đến khi thông báo kết quả, chỉ có tiết mục nhảy hiện đại mà Phụng Tiên tham gia với mấy bạn lớp 12A1 là được vào chung kết và sau đó đạt giải nhì. Tiết mục hát múa dân ca ba miền - tiết mục tập hợp được đông người tham gia nhất từ trước đến nay của lớp - đã bị loại từ ngay vòng gửi xe. Buồn. Hụt hẫng. Tự trách mình. Nhưng thầy Nguyên cảm thấy may mắn vì đã kịp xem được nó.

Trang Facebook của Cẩm Hằng ngay lập tức cập nhật dòng trạng thái:

“Một con sâu làm rầu nồi canh.”

Dầu sao có vẫn còn hơn không. Chuyện thi đấu thể thao và biểu diễn văn nghệ cũng còn có đứa đạt giải. Chuyện đội tuyển máy tính bỏ túi môn Toán của thầy Nguyên mới là thê thảm nhất.

Năm nay không biết vì lý do gì mà chỉ có bốn học sinh đăng ký học máy tính bỏ túi, mặc dầu có đến mười chỉ tiêu. Trong số đó, có hai học sinh lớp 12A2 là Thanh Huyền và Phong cùng hai học sinh lớp 12A1 tên Ngọc và Mai, vốn là học sinh cũ của A2 những năm học trước. Như đã nói, dầu được chuyển qua A1 với danh hiệu học sinh giỏi, nhưng những học sinh này không giỏi môn Toán mà chỉ đạt mức khá mà thôi. Nhìn đội tuyển yếu hơn mọi năm, thầy Nguyên có thể dự đoán phần nào kết quả sẽ xảy ra, nhưng qua những giờ luyện tập thì các em cũng cho thầy một chút nào đó hy vọng.

Sau gần hai tháng ôn tập, các đội tuyển máy tính bỏ túi cũng đến ngày dự thi cấp tỉnh. Để khích lệ tinh thần của học trò, thầy Nguyên dẫn tụi nó đi ăn hủ tíu, và hứa rằng nếu đạt giải sẽ dắt cả nhóm đi biển Vũng Tàu.

Bước vào quán hủ tíu hoành thánh được nhiều người khen là ngon nhất thị trấn, mỗi người gọi một tô và nhanh chóng hoàn thành phần của mình. Đến lúc tính tiền thì Thanh Huyền mới phát biểu một câu mà mọi người không thể bịt miệng nó kịp:

- Hủ tíu gì mà dở ẹc!

Nhìn lại tô hủ tíu của nó chỉ còn chút xíu nước, thầy Nguyên tỏ ý nghi ngờ:

- Dở mà cũng ăn hết được sao?

Thanh Huyền vẫn chưa chịu dừng lại:

- Dở như vậy mà đến những 27 k một tô hả thầy, em cứ tưởng chừng 10 k.

Thật là bó tay với con nhóc này rồi, thầy Nguyên lật đật đứng lên và bảo tụi nó cúi mặt xuống đi ra cho nhanh để người ta đừng kịp nhớ mặt, kẻo lần sau ghé thì người ta lại vừa đuổi vừa đốt phông lông không biết chừng.

Ngày đi thi. Theo như mọi năm thì có hai bài thi vào buổi sáng và buổi chiều. Vậy mà mới hơn mười một giờ trưa, thầy Nguyên đã nhận được điện thoại báo tin của tụi nó.

- A-lô, thầy đó phải không? Tụi em thi xong rồi ạ! - Tiếng của Thanh Huyền vẫn tỏ ra vui vẻ ở đầu bên kia.

- Vậy chiều không phải thi nữa sao?

- Em làm không được gì, định đến bài thi buổi chiều gỡ lại cho thầy, nhưng họ thông báo là chỉ có một vòng thi thôi. Thanh Huyền nhanh nhảu, em chuyển máy cho Phong nhé thầy.

- A-lô thầy, em làm được chừng mười bảy mười tám điểm gì đó thôi thầy. Giờ tụi em đi siêu thị chơi đây ạ! - Phong tiếp lời.

- Vậy thôi nhé, các em đi chơi vui vẻ! - Thầy Nguyên cúp máy.

Phong là đứa khá Toán nhất trong nhóm. Nhưng bài thi đến năm mươi điểm, mà làm chỉ được mười mấy điểm thì không có hy vọng đạt giải. Năm trước để được khuyến khích thì phải được hai mươi. Thôi kệ, biết đâu năm nay đề khó thì mọi người đều làm được ít điểm thì sao. Ta hãy cứ hy vọng.

Một tuần sau, Thầy Bình - một giáo viên Toán ở trường bên cạnh - nhắn tin cho thầy Nguyên. (Thầy Bình cũng là một học trò cũ của thầy Nguyên).

- Có kết quả thi máy tính rồi đó thầy, thầy biết chưa?

- Chưa em. Trường em được bao nhiêu giải?

- Đi năm đứa được bốn giải. Đợt này trường em chỉ có một đứa lớp 12 đi thi đạt giải ba, còn lại một giải nhì và hai giải khuyến khích là của mấy học sinh lớp 11.

Thầy Nguyên có phần hơi ganh tị:

- Giỏi vậy, nghe nói đề năm nay hơi khó so với mọi năm phải không em?

- Chỉ mười một điểm rưỡi là được giải khuyến khích rồi thầy ơi. Học sinh của em nó bỏ không thèm ôn mà còn được bốn giải đó!

Với tình hình thế này thì ít nhất Phong cũng có giải khuyến khích, vì nó bảo là được mười mấy điểm mà. Thầy Nguyên vào trang web của Sở Giáo dục và xem bảng kết quả thi máy tính cầm tay. Dò từ trên xuống dưới, thầy không thấy tên tụi học trò của thầy ở những chỗ học sinh đạt giải. Kéo xuống trang cuối cùng mới thấy điểm của bốn đứa học trò cưng của mình lần lượt là bảy, sáu rưỡi, năm rưỡi và bốn điểm. Nếu tính trên thang điểm mười thì kết quả này có thể chấp nhận được, nhưng đây lại là thang điểm năm mươi! Chỉ duy nhất một điều thầy dự đoán chính xác: điểm cao nhất thuộc về Phong và điểm thấp nhất thuộc về Thanh Huyền.

Đau đớn, thất vọng, chán nản là những gì chúng ta cảm thấy khi thất bại. Học trò buồn một thì thầy Nguyên buồn gấp hai. Đã mười mấy năm phụ trách đội tuyển máy tính bỏ túi, chưa năm nào thầy phải trắng tay như thế này. Càng buồn hơn nữa đó là học sinh người ta không thèm thi mà còn đạt giải, còn mình thì… Uy tín, danh dự bị mất còn đáng sợ hơn nhiều so với việc mất đi bao công sức bỏ ra vì đội tuyển. Nhưng rõ ràng tụi nó không có lỗi. Trách nhiệm trước hết phải thuộc về người giáo viên, là người đã chọn học sinh dự thi, là người đã bồi dưỡng và huấn luyện chúng. Không ngủ được, thầy cũng không kiếm được ai để chia sẻ nỗi buồn. Tụi học trò cưng vô tư giờ chắc cũng đang đau khổ vì không còn được đi biển nữa nên đều lặn mất tăm. Dò vào danh sách trò chuyện thấy có hàng trăm nick đang online, nhưng thầy Nguyên chẳng bao giờ có một liên hệ nào với họ. Thế giới bạn bè Facebook thật đông, nhưng tìm một người để trò chuyện thì thật là khó. Bỗng thấy nick “Nấm” của Cẩm Hằng vẫn còn sáng đèn, thầy Nguyên mới nhắn tin riêng cho nó:

- Cẩm Hằng đang học gì đó em?

- Dạ Vật lý. Có gì không thầy? - Giọng của Cẩm Hằng nghe sao xa lạ.

Thầy Nguyên không phải biết mở lời thế nào. Từ trước đến giờ, giữa thầy và nó chỉ trao đổi về vấn đề điểm số mà thôi. Mười giây im lặng trôi qua, và Cẩm Hằng là người chủ động chấm dứt:

- Vậy em off á.

Thế là hết. Cô nàng lúc này chắc hài lòng với điểm của mình rồi nên chẳng thèm nói chuyện với thầy Nguyên nữa. Con người đúng là bạc bẽo. Khi người ta cần thì người ta tìm đến mình không sao, còn khi mình cần thì người ta xa lánh như thể sợ mình muốn nhờ vả hay lợi dụng gì đó. Cảm thấy quá nản lòng, thầy Nguyên quyết định khóa luôn tài khoản Facebook của mình. - Để rồi mấy người khỏi tìm tôi nữa nhé!

Chỉ khi thất bại, ta mới có thể cảm nhận được đỉnh điểm tột cùng của sự cô đơn.