Biểu Tượng Một Dòng Họ - Chương 18
XVIII
Nhưng cuộc chiến không có dấu hiệu chấm dứt mà qui mô còn bành trướng thêm. Sau khi chiếm được Hải Phòng, Kiến An, Pháp tràn ra càn quét các vùng nông thôn, đi đôi với việc thiết lập chính quyền cấp huyện gọi là bang, cấp thấp hơn gọi là xã ủy – Việt Minh gọi “xã ủy hội tề”, thường gọi tắt là “tề”. Sau đó Pháp tràn qua sông Văn Úc, mở nhiều trận càn khốc liệt trên đất Tiên Lãng. Gia đình ông Bá kéo nhau lánh sang Đông Lai, Vĩnh Bảo, tiếp tục ăn đợi nằm chờ, nuôi hi vọng cuộc chiến sớm sang hồi chót. Ở Đông Lai chưa nóng chỗ thì những loạt moóc-chê đã nổ chát chúa ở bến sông vừa lúc chưa ai thức giấc. Khách chạy loạn cũng như dân địa phương vô cùng hoảng loạn, chỉ biết cuống cuồng chạy lấy thân ra thật xa nơi có đạn nổ. Gia đình ông vượt cống Trà Linh sang đất Thái Bình, ở đây tiếng súng vọng đến chỉ còn nghe như tiếng chày giã gạo. Quân ta rút một bộ phận sang Thái Bình, phần kia luồn lại vùng tạm chiếm gây dựng cơ sở bí mật, từ đây, đêm đêm tỏa đi lùng tề để diệt. Để đối phó, quân ngụy đêm đêm bố trí những ổ phục kích ở những nẻo đường huyết mạch, cũng hạ được không ít du kích, trong khi mạng lưới hội tề bị thủng tan hoang ở hầu hết các xã. Sau một đêm, dân làng Mây chứng kiến cảnh tượng anh Ngợi bị xử ở đồng Triều, ngay trên bờ ao bà Hãng và lí Kiến bị treo trên cổng chợ, thây còng queo, viên đạn xuyên từ gáy ra mắt. Làng Mây cũng như nhiều làng khác sống trong nỗi kinh hoàng thường trực, như gà phải cáo. Đặt lưng xuống giường, người ta tự hỏi: không biết đêm nay ai bị bắn đây? Để bảo vệ và trấn an các xã ủy, ngụy phải thiết lập thêm nhiều đồn bốt, để cứ chiều đến, đón các vị ấy và những ai cảm thấy mình là đối tượng của nòng súng Việt Minh, đến tá túc qua đêm. Trai tráng và trung niên còn lại chẳng thân tề, chẳng sơ Việt Minh, cũng tự nguyện đi ngủ đồn, vì lo đêm đến ai đó bị xử tử, lại bị nghi tiếp tay cho Việt Minh. Thế nên, cứ đến chiều là nam giới lũ lượt cắp chăn chiếu lên đồn, sáng hôm sau trở về nhà. Việt Minh liền đổi hình thức diệt tề sang ban ngày. Ngụy tỏ ra chẳng kém cạnh, phản ứng kịp thời bằng cách tung ra nhiều toán tuần tra ban ngày, cũng ít nhiều đạt hiệu quả. Khi đụng tuần tra, Việt Minh chỉ còn mỗi lựa chọn là chạy thục mạng, nhưng phần lớn bị bắn hạ, may lắm có người thoát đạn thì bị bắt sống. Ngay sau đó là việc tra tấn để moi cơ sở bí mật, mở đầu là một trận mưa đấm đá vào mỏ ác, hạ bộ, tiếp đến là trận mưa báng súng vào bất cứ chỗ nào. Nếu nạn nhân vẫn làm thinh, thì đòn tra át chủ bài bắt đầu: “đi tầu ngầm”. Nạn nhân bị đè ngửa, chân tay bị cả chục lính ghìm chặt, khăn phủ kín mặt. Nước được múc từ ruộng đục ngầu, hoặc từ vũng trâu đằm rồi đổ không ngớt lên mặt, đến lúc thấy bụng nạn nhân phình lên thì mới ngưng rót. Tiếp theo là những đôi giày đinh thay nhau dận lên bụng thật lực cho nước vọt khỏi miệng. Tuy nhiên, vẫn không thấy Việt Minh giảm cường độ hoạt động diệt tề ban ngày. Nếu ngụy ngừng tay, có nghĩa tự vô hiệu chính quyền của họ. Và cuộc truy đuổi Việt Minh mỗi ngày một tăng, có ngày tới 4 – 5 trận, khiến dân làng bị vạ lây – cứ nghe đạn nổ là ai cũng tưởng mình mười mươi ăn oan đạn lạc, không ai bảo ai đều nằm mọp xuống bùn, nghe phía trên đạn vãi veo véo, gió bấc cứ nhè những tấm thân ướt sũng mà thổi vào. Không chịu nổi cái rét tím tái thịt da, ai cũng phải bò về nhà thay quần áo. Quay lại đồng được một lúc, lại phải ngâm mình né đạn. Hỏi thế giới này có đâu lại cơ cực và hiểm nguy bằng dân vùng tạm bị chiếm! Để có được hạt lúa, người dân phải cấy cày như một cảm tử quân.
Vào thời điểm cực kì hiểm nghèo ấy, anh Ích là cán bộ hoạt động bí mật đem tin ra Thái Bình cho ông Bá: Bà cả đang hấp hối, vợ chồng Mấm lại bị gán thẻ đỏ(1) và có nguy cơ bị trục xuất khỏi vùng bị tạm chiếm. Ông quyết định bằng mọi cách gấp rút lộn về với bà để may ra nói được lời vĩnh biệt và tự tay vuốt mắt cho bà. Đây là chuyến đi mà ông linh cảm thấy thần chết sẽ bám theo từng bước – có thể sa vào trận địa phục kích hoặc bị bắt sống ngay tại trang viên.
_________________________________________________________
(1) Ai có người thân là Việt Minh ở hậu phương đều phải nhận thẻ đỏ, trước cổng có biển đề: “Nhà có thẻ đỏ”.
Ông theo một đội biệt động, vượt khúc sông Sáu vào một đêm thu. Bầu trời bàng bạc không trăng sao đủ soi đường cho đoàn người tiến sâu vào vùng tề. Đến quán Đông, chỉ còn cách làng Mây vài trăm bước, ông đột ngột sững lại bảo tiểu đội trưởng:
- Có mùi thuốc lá!
Vừa lúc đội trưởng cũng ngửi thấy, liền ra lệnh:
- Lăn tản ra!
Lệnh chưa kịp thi hành thì súng từ phía trước khạc lửa đỏ lựng cả khoảng không đối diện. Hai khẩu trung liên bắn chéo cánh sẻ vào đội biệt động, lưới đạn gần như khép hết các khoảng trống. Các chiến sĩ bị thương vong gần hết. Ông Bá đi sau cùng nên may không bị dính đạn, vội lăn đại xuống rãnh nước, rồi trườn vào lòng cống chỉ vừa lọt một người nằm theo chiều dọc. Lát sau súng im tiếng. Ông nghe tiếng giày đi lại huỳnh huỵch trên mặt đường, tiếng lính bàn tán trao đổi một lúc rồi kéo nhau đi. Cảm thấy tình hình có phần yên ắng, ông trườn nhẹ khỏi cống, theo lòng rãnh ra ruộng, rồi thẳng hướng làng Mây trườn tới… Đây, trước mặt ông là ao, bên kia là trang viên rồi.
Từ dưới ao bò lên, ông chạy băng băng qua sân sau, rồi sân trước, đến thẳng buồng hồi của từ đường, nơi có vợ ông. Có ánh đèn leo lét và nhiều người đứng im lặng bên trong, trong đó người ông nhận ra ngay là bà Bê, em gái ông. Không thể chậm được, ông lao thẳng vào giường vợ. Bà đang thở những nhịp cuối, nặng nề, hổn hển, bên cạnh được vú Tàm nắm tay và bà Úc vuốt ngực.
- Bà, tôi về với bà đây. Bà cố mở mắt nhìn tôi đi.
Vú Tàm ngồi nhích sang một bên và trao bàn tay bà vào tay ông. Bà Bá mấy lần gắng nâng mi mới hé được mắt, và khi nhận ra chồng ngồi cạnh, bà bỗng mở mắt và môi nở cười, tuy nhợt nhạt, song đấy là biểu hiện của toàn bộ sinh khí cuối cùng bà huy động được dành tặng cho chồng thay cho lời vĩnh biệt. Chút nước mắt ít ỏi còn lại không đủ thành giọt lăn khỏi mắt, vẫn đọng lại trong khóe, phản chiếu ánh đèn thành mầu đỏ như máu. Đôi mi từ từ khép lại và sẽ không bao giờ mở ra nữa. Ông hực lên mấy tiếng, nghe ai oán đến nghẹn lòng, rồi đưa tay vuốt mắt cho bà. Ông vẫn ngồi đấy, áo quần ướt sũng nước, cứ đăm đăm nhìn khuôn mặt vợ, trong lòng nỗi đau thương không ngôn từ nào diễn tả được hết.
Ông nhắc vú Tàm ra sân canh chừng lính bất thần đột nhập, phải cấp báo để ông xé rào chui sang bên bà Úc. Sau khi cùng Mấm và hai em khâm liệm cho vợ, ông thắp hương cho bà:
- Giờ đến lúc tôi phải đi. Ở lại lo tang cho bà đã có hai em và vợ chồng nhà Mấm. Tôi nán lại thêm, dễ sa vào tay họ, nhà ta bên Thái Bình hết nơi nương tựa. Bà đi cho mát mẻ. Chỉ ân hận con cháu bà không được khóc đưa bà ra đồng. Đến ngày tôi phải về hầu tiên tổ, bà nhớ ra đón tôi ở dưới ấy nhá – Ông gục đầu lên quan tài, một lần nữa khóc than với đôi vai rung lên từng hồi, rồi thẫn thờ bước những bước loạng choạng ra khỏi buồng, hai em gái đi hai bên, Mấm đi sau tiễn chẫn. Ông cũng không quên ra lăng con Lu thắp hương cho nó. Vú Tàm bảo ông:
- Thỉnh thoảng lúc nửa đêm, con thấy con Lu hiện về chạy ngang qua cửa cây hương tới lăng thì biến đi.
- Ừ, nó vẫn thiêng mà. Lu, tao nhớ mày. Ở lại chịu khó coi nhà nhá.
Rồi ông lùi xuống sân, ngắm lại tượng nó: Thân hình trắng muốt trong dáng dũng mãnh chồm lên vồ hạ bộ, dưới chân là cây dại um tùm đứng bất động như đang chờ nghe nó kể về chiến tích của mình lúc sinh thời.
Cả bốn người lẳng lặng tiễn ông ra bờ ao. Ông dặn Mấm những việc hệ trọng rồi chào hai em. Chờ đến lúc ông dìm mình xuống bơi sang bờ bên kia họ mới quay lại với người thiệt phận.