Biểu Tượng Một Dòng Họ - Chương 23

XXIII

Sân đình làng Mây hôm nay hình như hẹp hơn ngày thường, có lẽ do lượng người từ các thôn bên đến nêm chặt. Mỗi thôn đều có trương một khẩu hiệu mà có lẽ đã được ấn định cho từng thôn, nên nội dung không bị trùng nhau:

- Đả đảo tên địa chủ cường hào đại gian đại ác Đào Quýnh.

- Nợ máu phải trả bằng máu.

- Giai cấp nông dân quyết tâm đoàn kết đánh đổ uy thế của giai cấp địa chủ.

- Thề trả xong mối thù này.

Tại đây, chỉ ít phút nữa sẽ diễn ra một phiên tòa xét xử địa chủ mà nông dân vừa là nguyên cáo vừa là quan tòa.

Sân đình rộng gần một mẫu, người lèn kín. Người đông như vậy mà không khí vẫn như một cái sân chết vì người ta giữ “trật tự” đến khó hiểu, như sân không có người. Xưa nay trong các cuộc xử, cử tọa đông lắm chỉ đến con số trăm, dù tính chất vụ án có nghiêm trọng bao nhiêu cũng không tránh được lời bàn tán, bình luận, thậm chí những câu trao đổi vô hại cho không khí bớt tẻ, trong lúc chờ vị quan tòa bước ra. Còn đây mọi người như có cùng một cá tính: giữ im như tờ, nếu cần nhau điều gì thì chỉ ra hiệu bằng mắt hoặc ghé thì thầm vào tai nhau. Sự biểu lộ quả có trái tự nhiên. Vậy do đâu thế? Người ta đang e ngại điều gì? Hay đang thầm run sợ trước một uy quyền nào đó? Hay biết trước sắp xẩy ra cảnh tượng đẫm máu sau bản án của quan tòa?

Tòa án là hai cái bàn kê nối nhau trên thềm đình, được phủ hai tấm băng-rôn can lại, chốc chốc bị gió tốc, để lộ mấy cái chân bàn gẫy, được xếp gạch kê thay vào.

Trên bàn thấy đặt một cái loa tay quá cỡ, miệng to gần cái đó đại, loang lổ vết gỉ sắt.

Giờ phút trọng đại sắp điểm. Người ta thấy Hách cán bộ tổ chức, cũng là cốt cán trung kiên, từ trong đình bước ra, dùng hai tay nâng loa lên:

- Ban tổ chức kính mời đồng chí chánh án gái, đồng chí luận tội và đồng chí thư kí phiên tòa ra vị trí làm việc. Sáng nay là buổi xét xử tên Quýnh, giống như dạo xưa bộ đội ta xung phong vào hầm Đờ Cát ở Điện Biên Phủ.

Khi Hách hạ loa thì bắt gặp đoàn trưởng cải cách ruộng đất nhìn mình vừa bĩu môi vừa lắc đầu khó chịu. Thôi bỏ mẹ rồi, chắc mình vừa tuyên bố sai cái gì. So với diễn tập mình chỉ thêm vào mỗi câu cuối. Chẳng lẽ sai? Rõ ràng góp phần tăng khí thế đấu tranh lên. Từ trong bóng tối âm u của hậu cung, ba người bước ra: Tàm, đội Xảo và ông hiệu trưởng trường cấp 1 làm thư kí tòa án. Chánh án ngồi giữa cao hơn hai vị kia chừng mấy gang tay nhờ ghế được độn lên bằng những viên gạch. Sau đó là các bước lễ nghi như giới thiệu đại biểu, rồi mới chào cờ (thứ tự 2 bước này bị đảo lộn, có lẽ cán bộ tổ chức run quá nên quên). Đoàn trưởng có mặt với tư cách vừa là đại biểu vừa lá cán bộ chỉ đạo xét xử, nghe Đội thiếu niên hát quốc ca và lãnh tụ ca mà rầu cả ruột, mạnh đứa nào đứa ấy hát, cao thấp nhanh chậm không còn ra nhịp điệu nào. Khâu này đội Xảo quên khuấy nhắc chi đoàn cho luyện kĩ. Riêng có một khâu được luyện cực kì tỉ mỉ đến hơn một tuần, do Xảo đích thân phụ trách, là luyện tư thế, tác phong và ăn nói cho chánh án. Xin trích:

- Các khổ chủ vào diễn tập - Xảo khơi mào cuộc luyện - Ai có nợ máu với tên Quýnh, mời lên đấu.

Một bà bước lên trước cái bu cá có phủ chăn đơn, chỉ tay vào:

- Tên Quýnh, nhìn xem tao là ai. Không biết à. Tao là vợ Sình rỗ. Chồng tao có tội gì mà mày xuýt chó đớp vào… của chồng tao, rồi mày đè chồng tao xuống để móc mắt. Mày ác hơn quỉ sa tăng. Bà phải băm mày ra trăm mảnh để trả thù cho chồng bà.

- Tốt! - Xảo khen.

Tàm quay sang hỏi cái bu cá:

- Tên kia, sao lại cho chó cắn cái… của chồng bà này, vì cớ gì lại móc mắt người ta?

- Thưa quan tòa. À quên bây giờ không còn quan. Thưa bà chánh án - Xảo vào vai cái bu - Con cũng không biết sao lại như vậy ạ.

- “Không biết sao lại như vậy” - Tàm cố thể hiện như thật - Nghe như trẻ ranh nói ấy! Móc mắt người ta, lại không biết tại sao, sao nói năng gì lạ thế!

- Không được rồi. Ở tình huống này, đồng chí phải quay sang hỏi giai cấp trên sân đình: “Bà con ta nghe nó nói vậy thấy thế nào?” Tức thời có ngay người tiền hô: “Đả đảo tên Quýnh ngoan cố!”, và sau đó là cả giai cấp hậu ủng. Nào diễn lại chỗ này. Thiệt cho đồng chí không được trời ban cho khiếu diễn viên.

Đại loại chánh án phải hành pháp kiểu ấy. Nếu Tàm được qua trường luật thì đâu cần thầy rởm bồi lên dưỡng xuống. Nhưng nếu chỉ cần dăm bảy hôm bồi theo kiểu duy ý chí này cho một người mà một chữ bẻ làm đôi cũng không biết, thành chánh án, thì các giáo sư trường luật quốc tế đến phải vái chào các sinh viên, rồi về xua gà cho vợ cả rồi. Dù sao việc xét xử ở làng Mây này cũng được tiến hành theo một kiểu gọi là ngược đời hay xuôi đời cũng đều có cái lí để bảo vệ, nghĩa là sai cũng được coi là đúng và đúng cũng có thể cho là sai.

Đấy mới chỉ là luyện để thực hiện sao cho thật, hoặc làm cho sự việc không thật thành y như thật.

Còn bây giờ là cảnh thật và xử thật.

Bị cáo là ông Bá đang quì trên mô đất. Phía phải ông là một ô được quây bằng một dây chão to bằng cổ tay, dành cho vợ con ông. Giai cấp thù địch không được phép ngồi chung với giai cấp nông dân.

Đúng như kịch bản, chánh án tuyên bố:

- Sau một tháng đấu tranh, chúng ta đã thu thập đầy đủ những tội trạng từ việc bóc lột, hãm hiếp đến giết người của giai cấp địa chủ mà đầu sỏ là tên Đào Quýnh - ngừng hơi lâu vì quên. Xảo nhắc: “Tội ác của y…” - Tội ác của y xứng đáng một bản án. Hôm nay giai cấp liên thôn ta tiến hành cuộc xét xử. Bây giờ ai có khổ lên vạch tội y.

Im phăng phắc, không phải do sự chờ đợi, mà là tình trạng chết lặng căng thẳng như có một áp lực khủng khiếp đè xuống từ trên cao.

- Phải vạch trần tội ác của y thì tòa mới có căn cứ để kết tội. Nào đồng chí Dịp, ngày xưa bị y xử án, lên đấu đầu tiên.

Vẫn im phăng phắc. Mảng nông dân ngồi gần nơi bị cáo bỗng lộn xộn. Chỗ ấy có Dịp. Vừa nghe bà chánh án mời mình lên đấu, anh ôm bụng gục xuống, kêu rống lên như bị chọc tiết. Cơn đau bụng bất ngờ mà! Và Dịp được khiêng ra đầu đình cho vợ đấm lưng, day bụng.

Kịch bản thế là bị cháy. Chánh án không biết xoay xở thế nào, cứ ráng hai tay giữ loa nơi miệng mà không nói được tiếng nào. Xảo nhắc nhở: “Đồng chí Dịp bị cảm đột ngột. Chốc nữa khỏi, đồng chí vào đấu sau.”

- Cảm đâu mà cảm! - chánh án quay sang bác lời Xảo - Đồng chí Dịp chắc vừa nhiễm phải của độc, bị đau bụng. Chốc nữa đỡ, đồng chí vào đấu cũng được. Người thứ nhì, nào bà Sình thôn Đông lên đi.

Đó là vợ Sình rỗ tướng cướp năm xưa, vấn khăn trắng (có ý vẫn còn để tang chồng, nhằm hâm lại đau thương và khoét sâu thù hận như quy định của kịch bản), váy diềm bâu cứng như mo nang, xắn xếch hai bên hông, chân đất tiến tới, một tay chống hông, tay kia chỉ vào bị cáo:

- Tên kia, mày có biết bà là ai không?

- Thưa, bà là vợ ông Sình ạ.

- Ngày xưa nhà bà đói gần chết. Chồng bà vào nhà mày xin ít thóc. Mày không cho thì thôi, lại cho chó đớp… của chồng bà, lại đè chồng bà xuống móc mắt. Mày còn nhớ không?

- Thưa bà, con vẫn nhớ.

- Bà Sình về chỗ. Còn ai bị hại cùng với ông Sình thì lên tiếp đi.

Có tới 4 - 5 chục người rời chỗ ngồi. Xảo mớm lời Tàm: “Bảo họ lên từng người thôi.” Nhưng thấy chánh án vẫn ỳ ra không ăn lời, Xảo liền nhẩy đại vào thế:

- Nào, em ông Sình lên đi.

Nhưng một phụ nữ (nằm ngoài kịch bản) xồng xộc chạy lên, tố luôn, làm chánh án không kịp ngăn lại. Đó là con gái lớn Sình rỗ. Mặt nhan nhản nốt tàn nhang, răng vổ, vầng trán nếu đo có lẽ chỉ cao được hai đốt ngón tay, bụng chửa vượt mặt. Hai lần sinh trước, đứa đầu thiếu hẳn hai bộ phận nghe nhìn, sống thoi thóp được 2 ngày. Đứa sau mặt mũi đủ cả, bú khỏe như rồng hút nước, thế mà 3 ngày sau cái bụng cứ trương phềnh lên, khóc như xé vải 2 hôm liền, đến lúc khàn khàn không ra tiếng nữa thì lịm hẳn. Xem kĩ, nó thiếu mất bộ phận trung tiện và đại tiện. Đến kì nghén này… người ta bình: “Đời cha ăn mặn quá, khát nước ngay, sang đời con vẫn còn khát. Có lẽ phải lần này nữa mới đủ “quá tam” để cơn khát nguôi hẳn”. Tưởng lên đấu được câu nào đặc sắc, hóa ra chỉ trỏ vào mặt bị cáo và hỏi: “Lão kia biết tao là ai không?” rồi đứng ngay cán tàn một lúc. Đấu tố cũng khó đấy, có khi hơn cả diễn kịch. Một khi không được đưa vào kịch bản và được mớm mồi kĩ trước thì có biết gì, biết gì mà đấu với tố! Sềnh chậm chân hơn, đành nhường cháu, nhưng đợi mãi cháu vẫn đứng thuỗn ra, đành gạt cháu ra:

- Thôi xuống đi. Không biết gì cũng học đòi. Xuống!

Và Sềnh cũng mở đầu bằng một câu hỏi y hệt các khổ chủ khác dùng mở đầu lượt đấu tố của mình. Người quan sát tinh chỉ cần dựa vào đó là đủ thấy họ đã được luyện cẩn thận rập chỉ một khuôn ra sao.

- Tên kia, mày có biết tao là ai không?

- Thưa, ông là em ông Sình.

- Lần ấy, may tao biết lặn, chứ không cũng bị mày móc mắt rồi.

- Thưa ông, gia nhân nhà con đòi lấy thuyền đuổi bắt ông, nhưng con ngăn lại.

Xảo quay qua Phèn, làm động tác hất tay lên trời. Tức thì Phèn đứng phắt dậy, tung nắm đấm lên trời:

- Đả đảo tên Quýnh ngoan cố!

- Đả đảo, đả đảo, đả đảo.

Đám đông lúc này mới thực sự ra lời. Từ đầu chưa được dịp mở miệng, âm thanh như bị bơm tột căng, giờ nổ tung như sấm sét.

Sau khi nghe Xảo ghé tai bảo gì, chánh án lại ráng nâng loa lên miệng:

- Từ giờ trở đi, ai muốn đấu thì giơ tay, tôi chỉ định từng người một. Nào, đồng chí gì tóc đuôi sam đang cầm khẩu hiệu đấy, lên.

- Tên kia, mày có biết tao là ai không?

- Thưa bà mới lớn lên, con chưa biết ạ.

- Tên Quýnh không được coi thường các ông bà nông dân - Phèn chen ngang - Nó coi bà nông dân là nhãi ranh. Đả đảo!

Không có hậu ủng, vì chưa có hiệu hất tay của Xảo.

- Mày không biết tao, mặc xác mày. Thầy tao sang nhà mày bị mày đốt cháy là sao?

- Thưa bà, chắc ngã vào bồn xăng đang cháy.

- Đồng chí tố xong, về chỗ cho đồng chí khác lên. Đồng chí tóc bạc vấn khăn đen, lên đi.

- Tên kia, mày có biết tao là ai không?

- Thưa bà không ạ.

- Chồng tao vào nhà mày, hà cớ gì mày bắn chết chồng tao? Mày làm cho 8 con tao mồ côi cha.

- Bà tố xong chưa hả? Rồi à. Thế bà về chỗ cho.

Xảo quay sang chánh án, lầm rầm. Chánh án gật gật, rồi lại nâng loa lên:

- Từ giờ có ai tố khác, hãy lên. Quanh đi quẩn lại có mỗi việc tên Quýnh giết người, nghe nhàm lắm.

- Có gì khác không, hở… giai cấp?

Đoàn trưởng nhếch mép cười mà trông như mếu cái ngôn ngữ của chánh án, vẻ thất vọng lộ đầy mặt. Xảo liếc thấy, liền quay sang chánh án nói gì, nhăn mặt như uống phải dấm.

- Đồng chí Phèn lên đi. Từ đầu đến giờ chưa thấy đồng chí đấu. Sao hôm nay đồng chí đấu ít thế?

- Thưa tòa, tôi nhường các đồng chí giai cấp thôn bạn ạ.

- Thế đồng chí có muốn đấu gì thì đấu mau lên. Bước đến gần cái mô đất này.

- Tên kia, mi có biết tao là ai không?

- Thưa, ông là Phèn ạ.

- Mi đã nhận con Tây về nuôi?

- Vâng ạ.

- Cả gầm giời này chỉ có một mi làm thế. Mi quí giặc Pháp đến nỗi phải cưu mang con của nó.

- Nó là cháu của con, nó là con anh Hân - Phèn liếc lên tòa, thấy nắm tay Xảo thoi lên trời, liền hô cái khẩu hiệu tương ứng với tình huống bị cáo nói lời biện bạch và cố nhiên lại có hậu ủng rền rang.

- Thôi, đồng chí Phèn về chỗ, để đồng chí này luận tội.

Đội Xảo hắng giọng mấy tiếng vừa đứng lên vừa kéo loa từ chỗ chánh án, rồi cất tiếng rất tự tin:

- Kính thưa đồng chí trưởng đoàn cải cách khu vực 1, kính thưa đồng chí chánh án, kính thưa các khổ chủ và toàn thể giai cấp nông dân liên thôn. Nếu cuộc xét xử còn được thêm thời gian, tôi tin chắc biên bản ghi tội ác do các khổ chủ tố lên còn kéo dài thêm nữa. Tuy phải kết thúc ở đây, cũng cho thấy một cách tổng quát: tên Quýnh đã giết người vô tội không ghê tay. Vừa chết vừa bị thương gần 100 người để lại cho bao gia đình nỗi đau thương…

Luận tội viên chỉ được mấy câu đầu vừa nói vừa nhìn cử tọa, tay và mặt diễn cảm như một công tố viên ở các phiên tòa chính hiệu, còn tiếp theo sau là cắm mặt vào giấy đọc, giống như một học sinh yếu môn tập đọc, nếu lỡ rời mắt khỏi dòng chữ, khi nhìn lại chẳng biết mình đọc đến đâu.

- … Nợ máu chất chồng. Giết một người đã phải đền mạng. Đây giết người đến con số ấy, y đáng bị xử bắn trăm lần - quay sang Phèn và kín đáo phẩy tay. Tức thì Phèn đưa tay lên quá đầu vỗ đôm đốp, miệng gào “hoan hô” tưởng đến giập cả thanh quản. Gần 2 nghìn người vỗ tay hoan hô theo, lác đác có mấy bà quá lơ đãng, tưởng lại đến chỗ người ta hô khẩu hiệu, liền giơ tay “đả đảo”, rồi chợt nhận ra sự lạc điệu của mình, đỏ mặt ngượng - Còn việc nuôi con Tây, rõ ràng y nhằm lập công với giặc Pháp, sẽ được Pháp che chở, nâng đỡ. Chỉ có một mình, y đã giết người hàng loạt, nếu được Pháp hỗ trợ, không biết y còn có thể tàn sát đến bao nhiêu. May nhờ hồi ấy cấp trên sáng suốt, ép y phải đưa nó vào trại tế bần. Đó là tội phản quốc. Đến đây, tôi xin nhường lời cho đồng chí chánh án - hạ loa rồi đẩy sang cho chánh án.

Chánh án lại phải cố nâng loa lên bằng hai tay:

- Tôi xin thay mặt phiên tòa, thay mặt giai cấp 3 làng Mây, Đông, Đại, tuyên án… - Không phải chánh án quên, vẫn còn thuộc từng chữ, nhưng không hiểu sao lưỡi bỗng cứng đờ, và bản án bị tắc lại.

Tối qua tổng diễn tập, bằng một giọng cứng cỏi, vú Tàm đề đạt:

- Đồng chí Xảo, hay đồng chí tìm người khác, như đồng chí Hách hay Phèn thay tôi, người ta là đàn ông, nói năng dõng dạc hơn, người ta lại bạo gan. Tôi run lắm, tôi xin rút lui. Tôi sợ dân làng người ta nguyền rủa tôi, sang cả kiếp sau chưa chắc đã bớt.

- Không được. Người ngồi ghế chánh án đã được cấp trên duyệt, lại tập tành mãi mới biết cách làm. Làm sao một chốc thay đổi ngay được. Nước đến chân rồi, có nhảy cũng chẳng kịp. Mà bản án đâu phải của riêng đồng chí, đồng chí chỉ đọc hộ giai cấp thôi. Gửi lời thì nói gửi gói thì mở, chả có gì hại cho mình, mà lại còn được ơn. Đồng chí cứ yên tâm đi. Bản án cốt yếu để nâng uy thế cho giai cấp thôi. Chưa hẳn sau đó là đem bắn, còn phải đợi cấp trên phê duyệt nữa cơ mà. Kẻ nào nguyền rủa đồng chí là hùa theo kẻ thù, sẽ bị phân biệt đối xử…

Lúc này, chỉ còn hai chữ cuối phải nói nữa là bản án tuyên xong, nhưng chúng đã ra khỏi đầu rồi. Chánh án chỉ nghe mỗi âm thanh của cái cối xay lúa đang quay tít thò lò, nên tiếng nhắc vở ở ngay cạnh cũng không nghe thấy: “Tử hình. Nói đi. Tử hình”. Xảo ngước lên thấy chánh án vẫn cố giữ loa nơi miệng, mắt lim dim. Chánh án cố nhớ ra hai tiếng, chỉ có hai tiếng thôi là xong. Vậy mà không tài nào nhớ nổi.

- Đồng chí Tàm cố nghe tôi này - Xảo nhắc như quát - Tử… hình - Và chánh án đã nghe được. Đằng nào thằng Xảo đã nói rồi chắc ai cũng nghe rõ…

- Tử… hình!

Chiếc loa rớt khỏi tay, chánh án đổ sập xuống nằm vắt ngang cái bàn đỏ như máu, mặt nhợt xanh, mắt nhắm nghiền. Án tử hình đã được tuyên. Bị cáo vẫn còn đang quì trên mô đất, lại thấy thân xác chánh án ngã vật ra, y như vừa tuyên án cho chính mình.

Cả sân đình xôn xao, nghìn người như một nghển cổ nhìn lên tòa, rồi quay nhìn nhau mà chưa dám đưa ra một nhận xét hoặc phỏng đoán nào. Ngay trưởng đoàn cũng chưa dám nhận định dứt khoát: Cảm đột ngột? Sự chịu tải quá mức của thần kinh? Hành vi phá hoại? Còn đội Xảo vẫn đang bưng mặt do cái loa nặng tới 2 cân từ độ cao nửa mét rớt trúng.

Mấm sau một giây bàng hoàng, chạy thục mạng từ giữa đám đông, không đếm xỉa gì đến giai cấp, xéo bừa lên vai lên lưng người ta, đến trước tòa rồi vẫn không hãm đà lại được, xô đổ cả bàn. Lúc này, đổ bàn chứ đổ đình cũng chẳng có gì bận tâm hơn, bế thốc vợ lên, Mấm đem Tàm ra hiên miếu đặt xuống rồi lay gọi cuống cuồng.

- Nhà tôi, nhà tôi! Tỉnh lại này, tôi đang gọi nhà tôi này!

Hoàn cũng kịp có mặt, cuống quýt lay gọi và khóc rưng rức. Y tá cũng vừa tới. Cấp cứu chỉ có dầu xoa Cửu Long và tập cho nạn nhân mấy động tác thể dục tay. Ở hiện trường, sau khi thỉnh thị Đoàn trưởng cải cách, Xảo vẫn cho dân quân chuẩn bị pháp trường để thi hành án. Ông Bá bị 2 con Sình rỗ xốc nách kéo dậy rồi trói nghiến dặt cánh khuỷu vào cọc tre. Trông ông thật thảm hại: Gầy đét, đen đúa, tóc gần như rụng hết, râu trắng dài tới bụng, trong bộ bà ba trắng bị ngả mầu cháo lòng đang rũ phần phật trước gió bấc cuối năm. Ở tuổi 71, lại bị giam cùm cả tháng, ăn uống thất thường kham khổ, nhiều đêm thức trắng vì nghĩ ngợi. Mệnh ta tới rồi, nó được ứng báo qua lần phát hào quang mà thằng út đã thấy, lại là mệnh bất đắc kì tử ghi rành rành trong cung tử vi. Cứ để mặc, nó đến lúc nào, khắc nào là nên lúc ấy, khắc ấy thôi. Người ta dù tài giỏi mấy cũng chỉ chữa được bệnh, chứ không thể chữa được mệnh. Tuy vậy, ông vẫn còn một ân hận: Chưa tìm được thằng Hoan cháu đích tôn, cũng là tìm lại niềm vinh quang chói ngời trước đây buộc lòng ông phải để tuột khỏi tay, nhưng bấy nay ông vẫn rình cơ hội giành lại. Không hiểu sau này bố nó có làm được không? Nếu bọn chúng không đào đứt long mạch mộ thân phụ thì mệnh ta còn trường thọ, hẳn sẽ tìm được nó và sẽ được thấy thiên tài của 2 thằng cháu biểu hiện ra sao và cũng được thấy thằng Hoàng mang trong mình thần cảm sẽ thành một nhân vật đặc biệt thế nào trong xã hội…

Đến lúc này không còn cơ hội nào cho ông nữa: Họ đã trói ông lên cột hành hình và băng vải đã bịt kín mắt ông rồi. Vợ con ông đã ngất xỉu trong ô đất quây dây chão, trừ thằng Hoàng dù cứng cỏi hơn mẹ chút ít, vẫn phải lấy tay bưng mặt, nó sợ giây phút trực thị cha nó bị người ta sát hại. Nhìn cái chết của người dưng đã kinh hồn khiếp vía, huống hồ…

Đám đông bị ban tổ chức dãn ra phía cây đa và cây đề để tạo một góc an toàn khi súng nổ.

Năm dân quân được coi là xạ thủ, lĩnh việc thi hành án, đứng thành hàng ngang, cách mục tiêu 3 chục mét.

Các xạ thủ lên đạn roan roạt rồi nâng báng súng lên vai. Đội trưởng kiểm tra một lượt rồi bước sang một bên, giơ cờ đỏ đuôi nheo lên quá đầu.

Phía trước, ông Bá với băng trắng ngang mắt, hai tay quặt ra phía sau, mặt ngửa lên trời. Cách ông 3 chục mét, ông  đâu thấy 5 họng súng AK đang chĩa vào ông, và chỉ một tiếng hô sắc lạnh “Bắn!” là có ít nhất một viên xuyên qua ngực ông, đẩy ông vĩnh viễn ra khỏi cuộc đời, mà cho đến phút này ông vẫn còn đang cháy bỏng lòng yêu.

Thời khắc của tử thần đã đến. Năm phát đạn nổ gần như cùng một giây.

Người đầu tiên nhận ra ông Bá vẫn ở tư thế cũ, trên mình không thấy một vết đỏ của máu thấm ra là Đoàn trưởng cải cách.

Nếu ai ngước lên cao hơn một chút sẽ thấy xuất hiện những viên ngói đình bị vỡ vụn do đạn lạc.

Đội trưởng thi hành án lần thứ 2 chém lá cờ xuống cùng tiếng hô lạnh buốt hơn lần trước.

Loạt đạn thứ 2 xé tai.

Vẫn thấy ông Bá dựa lưng vào cột tre và áo quần vẫn nguyên mầu trắng nhờ.

Và mái đình bị nát ngói lần nữa.

Đoàn trưởng ra hiệu thôi bắn tiếp, gọi Xảo ra một chỗ:

- Đồng chí nhận định gì về 10 viên đạn đều thăng thiên?

- Ờ… ờ… Có lẽ vì…

- Còn “có lẽ” gì nữa! 10 viên thăng thiên cả 10 đã đủ cơ sở để khẳng định lí do chánh án ngất xỉu. Những diễn biến cho thấy tất cả là rễ thối! Nên có “phát” mà không có “động”, chính xác là “động” giả, dẫn tới bắn giả, tuyên án không thật lòng do bị cưỡng bức. Nhưng tôi dám chắc, nếu cần, chỉ bằng một viên duy nhất do một trong năm thằng kia nhằm, là gửi đầu đạn đúng cái hộp sọ đồng chí bất cứ lúc nào. Đồng chí hãy cảnh giác.

Xảo há mồm định nói gì, nhưng hàm cứng đơ ra, một lúc vẫn không sao ngậm lại được.

- Nếu cho bắn nữa - đoàn trưởng nhận định - thì chỉ tổ ngói đình bị vỡ, làm trò hề cho dân xem. Nhưng lại không thể bỏ việc thi hành án. Vậy phải xử lí theo một phương thức khác.

Một phương án vụt lóe ra trong đầu Xảo đã kích hàm anh ta mềm lại:

- Xin đồng chí cho chỉ thị để hai thằng con ông Sình đảm trách việc này.

Đoàn trưởng mỉm cười, gật gật mấy cái liền vẻ tâm đắc ra mặt, thầm khen tài chữa cháy của thằng cấp dưới này. Mũi tên này một lúc trúng cả hai đích.

Vào lúc hai thằng con tướng cướp đỡ súng từ tay đội Xảo, ông Bá xin được đi tiểu. Một dân quân được lệnh cởi trói rồi áp giải ông ra bụi dứa dại đầu đình.

- Thằng này làm gì? - người dân quân quát khi thấy ông cố moi cái gì ở cạp quần.

Nó sấn lại, chưa kịp ngó xem cho rõ thì ông đã lập cập vừa mở và dốc cái gói giấy vừa rút ra vào cổ họng. Nó chỉ kịp giằng được cái giấy gói. Bị giải trở về pháp trường, mới bước được mươi bước, ông đã ôm bụng lảo đảo rồi gục xuống, bọt dãi sùi ra trắng xóa cả mảng cỏ. Có lẽ ông không muốn con cháu khi khâm liệm phải trực thị thi thể ông không còn lành lặn nên đã tự tìm đến cái chết bất đắc kỳ tử mà ông vẫn tinh mình không thể tránh. Về sau họ mang mảnh giấy gói nhờ ông lang Giám giải nghiệm mới biết chất ông dùng để tự vẫn là nhân ngôn.

Vừa lúc thi thể người xấu số được khiêng trở lại cửa đình, có một người đạp xe hộc tốc đến. Chỉ kịp ghếch xe vào hè đình, anh vừa móc xà cột vừa bước thoăn thoắt đến đưa cho vị Đoàn trưởng tờ lệnh hủy án tử hình đối với các địa chủ kháng chiến, trong đó cũng chỉnh thành phần địa chủ cường hào gian ác của ông Bá thành địa chủ kháng chiến.

Cái lệnh đã cứu mạng ông trên danh nghĩa. Nhưng bất cứ ai trong lành Mây cũng tâm niệm rằng: Liều nhân ngôn ông nuốt vội không bắt nguồn từ một nguyên nhân vu vơ nào.

Trên hiên miếu, vú Tàm đã tỉnh lại. Không phải do dầu xoa Cửu Long, mà do âm thanh của hai loạt đạn. Vú thấy lồng ngực đau dữ dội như thể vừa bị đạn nã vào. Vú đưa cả hai tay ôm ngực và khóc réo lên, tin rằng ông Bá đã bị hành hình. Nhưng cái Hoàn chạy khỏi hiên ngó hiện trường, quay lại hớn hở khoe:

- Bu ơi, bắn trượt hết. Ông vẫn còn sống. Họ chuẩn bị bắn ông lần nữa, bu ạ.

Tức thì vú vùng dậy, chạy như một cơn lốc trở lại pháp trường. Vào lúc từ đám đông người ta xôn xao: “Tên Quýnh tự tử, chết rục ở đầu đình rồi!”, vú vẫn không tin và thét lên như ra lệnh:

- Thả ông tôi ra. Ông tôi không có tội gì sất!

Nhưng thi thể ông đã nằm lồ lộ ngay trước mắt, khiến vú sững lại. Trong khoảnh khắc vú thấy nghẹt thở và nhìn rõ từ thi thể ông có hàng nghìn tia lửa tung tóe ra xung quanh. Mắt vú bỗng sa sầm, chỉ thấy một mầu đen, nhưng miệng vú vẫn ráng kêu lên một lời thống thiết và thê thảm đến gai người:

- Ới ông! Con đã giết ông rồi!

Và thân hình vú lại đổ xuống một lần nữa…