Biểu Tượng Một Dòng Họ - Chương 24

XXIV

Cuộc cải cách ruộng đất ở làng Mây, theo nhận định của bản tổng kết thì đã “thắng lợi rực rỡ”. Có thể là rất đúng nếu chỉ căn cứ vào những số liệu và hạng mục. Các chỉ tiêu cho các loại thành phần đều đạt: bao nhiêu phú nông, địa chủ thường, địa chủ cường hào, cường hào gian ác, gian ác có nợ máu, có cả án tử hình và một số án cải tạo. Có chia quả thực, có cắm thể nhận ruộng v.v… Song nếu xét về chất thì chưa thấy toát lên những gì không thể nhìn bằng mắt. Khi làm lễ xuất quân cho các Đội, Đoàn trưởng có nhấn mạnh một yêu cầu bậc nhất là “đánh đổ hoàn toàn uy thế của các địa chủ cường hào gian ác”. Trong thời gian “ba cùng”(1), người ta nhất trí với nhau: Đại diện của loại này là ông Bá, tập trung hạ được uy thế của ông, tức toàn bộ uy thế của giai cấp này sẽ mặc nhiên đổ theo. Ta hãy bình tâm và công bằng nhìn lại. Trong giai đoạn tố khổ, đội Xảo dồn hết tâm lực vào ôn nghèo gợi khổ cho những khổ chủ phần lớn là gia nhân của trang viên, vì nhận định rằng đây mới là lực lượng đáng kể. Nhưng đến khi nhập cuộc thì lực lượng này lại tố dè dặt, nhiều người né tránh, hoặc tố chung chung, tố những điều gần như vô bổ. Việc cốt cán tàm đối chất ông Bá về cái tráp là hoàn toàn giả. Ngay trong cuộc xét xử công khai, dù lực lượng gồm cả 3 thôn, đông đảo như thế mà uy thế nông dân vẫn không toát lên được, biểu hiện ở việc đấu tố chỉ dựa vào lực lượng con em những người đã lấy việc cướp bóc làm sinh kế. Trước khi tràn vào trang viên, đã một thời gian dài chúng giết người cướp của khắp một vùng rộng lớn gồm các huyện Tiên Lãng, An Lão, Kiến Thụy và An Dương, gây ra nỗi kinh hoàng cho bất cứ ai phải đi qua những con đường được mệnh danh “tử lộ”. Chỉ đến khi chúng đánh giá lầm trang viên để ùa vào thì nỗi kinh hoàng kia mới bị loại trừ. Vậy thử hỏi nếu chúng không kéo vào, như đã vào nhiều

_______________________________

(1) Cán bộ Đội cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nông dân.

nhà khác một cách an toàn thì còn biết bao gia đình, hành khách bị thiệt mạng nữa? Cũng có nghĩa trong vụ xét xử, không có lực lượng nòng cốt để đấu tố. Giờ để có lực lượng hạ uy thế của một người mà đáng ra là có công lớn trong việc trừ họa cho dân, Đội lại phải thừa nhận những tên tội phạm ngày xưa. Dân làng Mây không một ai chấp nhận, trừ dăm ba tên a dua, cơ hội, coi lương tâm mình như cái giẻ lau. Người ta không dám nói ra cái đạo lí truyền thống vẫn được gìn giữ qua nhiều đời: Bất cứ kẻ nào lấy việc giết người cướp của làm lẽ sống sẽ không được ai bảo vệ, bênh vực dù chỉ bằng lời, còn người được dân ôm ấp nơi trái tim là người có gan loại trừ chúng. Nhiều khi chân lí như than hồng bị tro che phủ. Chỉ cần gạt lớp tro, lửa đỏ lại hiện ra. Người dân ở đây chưa gạt được lớp tro, nhưng đại diện của họ đã thể hiện đạo lí của mình bằng cả 10 phát đạn bay thẳng lên trời và lời gào xé ruột từ chính miệng của chánh án: “Không được bắn! Ông tôi không có tội gì sất!”…

Như vậy, xét về chất, xét đến yêu cầu “hệ trọng bậc nhất” thì công cuộc này không thu được gì, nếu không muốn nói là phản tác dụng. Trong lòng người dân làng Mây, những hình ảnh gắn liền với ông Bá sẽ không bao giờ phai nhạt: trận chiến oai hùng xóa sổ băng cướp, những thúng cơm chẩn, con Lu và tượng của nó, cái đĩa tây đầy vàng ủng hộ quĩ kháng chiến, con diều ì, tháp pháo nhiều tầng, đàn bồ câu thỉnh thoảng che rợp gần nửa làng, con bạch mã bờm hồng, khẩu calibre douze v.v… Có thể nói một trong các hình ảnh ấy là biểu tượng của ông. Khi nhìn thấy hoặc hình dung ra chúng là người ta lại nghĩ đến ông, hoặc khi nào nghĩ đến ông, trông thấy ông là tiếp sau đó, các hình ảnh kia lại hiện lên ngay. Chúng nằm trong sâu kín mọi trái tim, không thể chỉ bằng những loạt hô đả đảo là tẩy chúng đi được. Mọi thứ dù được cất giấu kín đến đâu, người ta vẫn có cách lấy đi. Nhưng một khi con người đã trân trọng đặt một hình ảnh nào đó vào trái tim mình thì chỉ có người đó mới từ bỏ được, mọi uy lực, mọi cường quyền dù muốn vẫn phải thúc thủ. Những gì vú Tàm thể hiện là một minh chứng hùng hồn. Từ khi nhận với Xảo sẽ “đứng hẳn” vào lập trường giai cấp, tới lúc nhận ngồi ghế chánh án, tuy vẻn vẹn có 2 tháng, vú cảm thấy dài tới 2 năm và là một quãng thời gian đầy hãi hùng. Sự đời đã đẩy vú vào một tình cảnh trớ trêu là phải làm những việc nếu được lòng phía này thì thất đức ở phía kia. Nếu khăng khăng khước từ, vú có thể phải chuốc những tai họa khôn lường cho cả nhà mình. Với người từng trải, họ có thể đủ kinh nghiệm lựa chiều, cúi né để sự việc được êm xuôi. Còn với vú, một người thật thà như đếm, chỉ biết xử sự bằng trực giác, lại coi nhân đức cao hơn của cải, thì cùng lúc thỏa mãn được cả hai phía là cực kì khó khăn, nếu không muốn nói là phi thực tế. Những tưởng cứ vờ vịt việc này việc kia cho Đội khỏi mếch lòng, còn ông hiểu được lòng mình là tốt rồi. Nhưng chẳng ngờ nước đời lại dẫn đến chỗ thần tượng của vú bị giết thật, độc ác hơn, vú bị lừa vào vòng đồng lõa. Thế thì nhà ruộng kể cả gia đình bị qui thành phần địa chủ cũng không còn ý nghĩa gì nữa. Phải xé tan cái bản án này để cứu ông. Ý định đó được vú thực hiện qua lời tuyên án lại: “Không được bắn! Ông tôi không có tội gì sất!” Đến giây phút vú nhìn ra được sự thật trần trụi thì đã muộn.

Do nỗi ân hận quá lớn, vú cứ tự kết tội chính mình đã nhúng tay trực tiếp giết ông Bá. Tuy vú bị lừa đấy, nào dân làng đã biết để thông cảm cho. Quả thật người ta không tin vú vừa tuyên án tử hình xong, lại có thể thật lòng nói “Ông tôi không có tội” và gào lên ân hận “Con đã giết ông rồi”. Vú, bằng cảm quan trực giác, nhận rõ không một ai ở làng này nhìn vú bằng ánh mắt thiện cảm như trước kia nữa. Và người ta đều lườm vú khi giáp mặt. Thui thủi ra đồng làm cỏ, xong lại thui thủi về. Cả cánh đồng người ta đùa cợt, trò chuyện với nhau thân tình cởi mở, trừ có mỗi vú không được ai bắt chuyện. Sống thế này thì chết quách đi cho xong. Chiều chiều, vú ra khóc thảm thương trước mộ ông Bá, thắp hương và vái lạy ông, cầu xin vong linh ông đại xá cho. “Con bị người ta lừa”, đó là câu láy lại nhiều lần như một điệp khúc mỗi chiều vú khóc kêu ông. Ở dưới mồ, chắc ông cũng hiểu vú thôi. Nhưng người đời thì không một ai tha thứ cho vú. Lúc nãy, vú nghe một câu nói đổng của ai từ ruộng bên cạnh: “Đồ ăn cháo đái bát! Cái quân ấy, sao trời không tru đất không triệt đi, để nó sống cho bẩn đất!” mà cảm thất như một mũi dao chích vào tim. Ngay sau đó, mắt vú thành đờ đẫn rồi mủm mỉm cười một mình, dừng chân độc thoại một lúc, rồi phá lên cười khanh khách. Cười chán, vú đột ngột chuyển sang khóc. Vú thành điên thực sự rồi. Tuy vậy, thỉnh thoảng có lúc tỉnh táo, vú nghe thấy:

- Quân bạc ác, quân mồm độc như rắn. Bị hồn ông Bá “làm”(1) rồi. Thế mới đáng kiếp!

______________________________

(1) Ma làm.

Oan cho vú lắm. Ông Bá chẳng bao giờ nỡ “làm” vú, vì biết hôm ấy vú chẳng khác cái máy ghi âm phát lại lời người khác đã ghi sẵn. Vú đang chịu đựng một cơn bão lòng hết tầm bạo liệt gây ra sự giằng xé nội tâm, dẫn đến thần kinh bị băm vụn, khiến vú không còn định thần được gì, không thể ráp nối các thông tin để tạo nên tư duy nữa.

Đêm ấy, một đêm đông tê tái lạnh, gió bấc như bão cấp 7, cấp 8, bầu trời đen kịt, đứng cách vài mét cũng không nhìn thấy nhau. Vú Tàm lẳng lặng lẻn ra khỏi nhà, tay cầm một nắm hương và bao diêm, đi thẳng ra mộ ông Bá. Vú thắp nhang, khấn vái hồi lâu. Sau đó không quay về, vú lặn hẳn vào đêm mông lung, chẳng biết theo hướng nào, tới đâu.

Hôm sau, Mấm dậy sớm đi cày, không thấy vợ, tìm gọi trong buồng, dưới bếp, ngoài vườn không thấy, hốt hoảng gọi các con dậy đi tìm. Suốt một ngày tìm, như không còn sót nơi nào: từ xóm Chợ, xóm Me đến xóm “Củng”…, xuống cả các ao sâu sơ gậy xem vú có bị chết đuối không. Mấy đứa con quay về, nhìn bố bằng những con mắt thất vọng, rồi cùng lúc rộ lên khóc. Mấm cũng đang lo phát sốt. Cả nhà bỏ bữa ăn tối, ngơ ngác ra ra vào vào, phỏng đoán này nọ. Đêm ấy, thằng út chốc chốc lại khóc thét lên, Mấm cứ phải ôm chặt nó suốt đêm. Sáng hôm sau, lại bắt đầu một ngày tìm kiếm nữa rộng ra các thôn bên. Bà Thư và cậu Hoàng cũng tham gia tìm kiếm. Và lại thêm một ngày thất vọng. Ngày thứ 3, như có âm hồn đưa lối - ai cũng tin đấy là linh hồn ông Bá - mọi người đổ hết ra bờ sông Văn Úc và đã tìm thấy xác vú ở tận xã Vinh Quang giáp biển. Thi thể trôi dạt vào một bãi sú, có nghĩa vú đã gieo mình xuống một đoạn sông phía tả ngạn chừng 5 - 6 cây số ngược lên thượng nguồn.

Thế là có 2 người chết: Một bị hành quyết vì có “tội”, người kia do vô tình bị xô đẩy vào vụ hành quyết ấy. Hơn một tháng sau đến lượt bà Bá hai một phần do quá thương chồng, phần nữa quá uất ức cái bản án mà trời đất cũng khó dung. Rồi đến lượt bà Quỳnh cũng theo em. Vậy là có cả thảy 4 người lìa đời, nguyên nhân trực tiếp (theo nguyên văn lời của Đoàn trưởng cải cách) là “tác phong quan liêu và sự duy ý chí đến mức ngu xuẩn” của đội Xảo, mà nếu không có nó thì ông Bá không những không bị xét xử, còn được tôn vinh, ắt tránh được hệ lụy 3 người kia bị thác theo. Về sau, có một “Đội sửa sai” về làng Mây để sửa chữa những sai lầm trong cải cách ruộng đất, nhưng dân làng đợi mãi vẫn không thấy một biện pháp, hành động thiết thực và cụ thể nào, ngoài những lời thừa nhận sai lầm, trong đó không hề có một câu đả động đến sự thiệt phận của 4 người kia. Rồi đây, liệu có ai đứng ra minh oan cho họ không, hay để họ mãi mãi không được ngậm cười nơi chín suối. Quả đã có một quy định thành văn được cán bộ Đội thông báo: Mọi đồ thờ đã được chia theo danh nghĩa “quả thực” vào tay nhà nào giờ phải hoàn trả chủ nhân. Nhưng đã gần tháng trời, việc hoàn trả vẫn không thấy động tĩnh. Các ông bà nông dân hình như nghe không thủng ý Đội. Vả lại họ có đủ lý do riêng để lần khân: chủ chết mất rồi thì biết trả cho ai. Để lâu cứt trâu còn hóa ra bùn, huống hồ…

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3