Giường đơn hay giường đôi - Chương 03 - Phần 5

3-8

Bí mật che giấu tròn hai năm phải tiết lộ, Phổ Hoa khó giấu nổi sự bất an lo lắng trong lòng. Trở về khoảng sân trong khu nhà bố ở, cô không vội lên tầng mà đi vài vòng trên con đường nhỏ ngoài sân.

Khi lên tầng, cô sửa sang lại đầu tóc, kiểm tra thuốc bổ cô mua cho bố. Lúc bước vào cửa, bố đang bận làm cơm tối trong bếp, Phổ Hoa đặt đồ xuống, xắn tay áo vào bếp giúp bố. Hai bố con hiếm khi cùng chuẩn bị cơm tối, cùng nói chuyện vu vơ.

Món ăn do bố đặc biệt thêm vào, ông làm cần xào Phổ Hoa thích ăn. Phổ Hoa giúp bố hâm nóng chén rượu trắng, chuẩn bị cho ông một đĩa nhỏ đậu phộng bao năm không thay đổi và thêm chút đồ nhắm mua ngoài.

Từ khi mẹ Phổ Hoa tái hôn, căn hộ nhỏ thiếu đi tiếng cười, ngày tháng buồn bã không vui, ngồi bên chiếc bàn ăn cơm cùng bố, Phổ Hoa thường nghe thấy bố thở dài bất lực những khi uống rượu. Sau này, bàn ăn thêm Vĩnh Đạo, tiếng cười mới dần dần trở về ngôi nhà này. Lần đầu tiên Vĩnh Đạo vào cửa đã ăn hết năm mươi cái bánh sủi cảo, Vĩnh Đạo giúp nhà đổi ga, bật một cái bốc lên tận lầu, Vĩnh Đạo và bố chơi cờ, mỗi lần hạ cờ nhất định sẽ thua, càng bị đánh bại càng hăng máu… Những ký ức về Vĩnh Đạo với bố mà nói vô cùng quý hóa. Bố yêu quý anh như con ruột, tự hào vì anh. Cũng vì thế, nói ra sự thật đối với Phổ Hoa càng khó, càng không thể nhẫn tâm.

Hai bố con làm cơm xong, bố hỏi bao giờ Vĩnh Đạo về. Phổ Hoa vào bếp lấy bát đũa, trốn tránh câu hỏi này.

Hai bố con dùng bữa một cách yên lặng, ngoài việc uống rượu bố chỉ ăn hai miếng, phần lớn thời gian đều gắp thức ăn vào bát Phổ Hoa. Phổ Hoa không giống như bình thường nói chuyện công việc của mình, chủ đề luôn xoay quanh bố, nào phí cung cấp hơi ấm trong nhà đã nộp chưa, ở xưởng có tổ chức đi chơi vùng ngoại ô không, lần trước kết quả kiểm tra sức khỏe thế nào.

Ăn xong dọn dẹp bát đũa, cô pha trà mới cho bố. Bố mở ti vi, ngồi dựa trên ghế sofa, trước mặt bày ra vài tờ báo, đang nâng kính lão lên đọc cột tin tức. Thấy Phổ Hoa đi ra, còn chưa đợi cô lên tiếng, bố đã đặt kính xuống, kéo ghế bên cạnh kêu Phổ Hoa ngồi xuống.

“Nói đi, có chuyện gì vậy?”.

Không ai hiểu lòng con gái bằng bố, Phổ Hoa ngồi cạnh bố, nhẹ nhàng nhấp ngụm trà, để đôi môi bớt khô.

“Liên quan… đến Vĩnh Đạo?”.

Bố rốt cuộc vẫn là bố, cô còn chưa mở miệng đã cảm nhận được.

“Dạ…”.

“Lần trước các con trở về… đã cãi nhau à?”. Bố Diệp quan sát con gái, cẩn thận suy đoán.

“Không có”. Phổ Hoa lắc đầu.

“Vậy thì là thế nào? Rất nhiều lần mấy ngày không thấy nó trở về, luôn nói bận, không bận đến mức cả cuối tuần cũng không có thời gian về ăn bữa cơm chứ? Còn bên bố mẹ chồng con thế nào?”

“Không có… bố đừng đoán lung tung…”.

“Vậy thì có chuyện gì?”.

“Là… hai chúng con… có vài vấn đề…”. Phổ Hoa khó khăn nặn ra vài chữ, thấy biểu hiện nghiêm trọng của bố, giọng nói bất giác run rẩy.

“Có vấn đề gì?”.

“Chúng con…”. Phổ Hoa không muốn thấy bố không yên tâm, cắn môi, đứng lên, phịch một cái quỳ xuống trước mặt bố, vùi mặt lên đùi bố ôm chặt.

“Bố…”.

Tiếng bố đó, mang theo cả âm thanh của nước mắt, cũng mang theo nỗi hối hận và bất lực sâu sắc trong hai năm qua.

“Con sao thế…”.

Phổ Hoa cảm nhận được đôi chân gầy run rẩy trong ống quần, bàn tay vỗ lên đầu cô cũng run rẩy. Đôi tay nứt nẻ chai sạn, xoa trán cô, “Sao vậy? Hoa Hoa!”.

Tất cả vỏ bọc trong phút chốc tan tành, nước mắt trào ra. Cô ngẩng mặt lên, dường như cắn nát môi, cuối cùng nói ra những lời nên nói với bố từ hai năm trước.

“Bố, chúng con chia tay rồi… ly hôn rồi…”.

“Cạch” một tiếng, cốc trà bên tay bố đổ xuống bàn, nước trà sánh ra đất, tiếng giọt nước tí tách cùng hỉ nộ ái ố của nhân vật trong ti vi át đi tiếng khóc của Phổ Hoa.

Bố hoàn toàn bất ngờ đến sững sờ, rất lâu sau mới nói ra một câu không hoàn chỉnh. Phổ Hoa nhào lên đùi bố khóc nức nở không thành tiếng, lại lo lắng, lại sợ hãi.

“Bố… Bố…”

Nghe cô khóc gọi như vậy, bố giơ tay định đánh nhưng không nỡ, chỉ có thể vỗ lên lưng cô, hỏi “Các con, mấy đứa này… rốt cuộc… là vì cái gì chứ…”.

Nói xong cũng không nén được mà bật khóc.

Qua nửa đêm, nhà họ Diệp thường ngày vốn ngủ sớm giờ vẫn sáng đèn. Cốc trà trên bàn được thay nước mới, trà nhạt dần, không còn vị gì, chỉ còn hơi nóng lan tỏa.

Phổ Hoa nói lại toàn bộ sự việc từ đầu đến cuối, nghe cô kể xong, bố đứng lên chắp tay sau lưng bước tới ban công đứng tới tận bây giờ. Bóng dáng hơi khom người của bố xuyên qua ánh đèn phòng khách in trên khung kính, khiến Phổ Hoa nghẹn ngào. Bên cạnh cô đặt một cuốn sổ dán những bài báo cũ, bề mặt thấm đẫm một vệt nước trà nhỏ. Bên trong đều là báo cũ vài năm qua, được xếp gọn gàng theo thời gian, hễ là những chỗ có tên đều, được dùng bút chì khoanh lại. Tất cả đều liên quan tới cô và Vĩnh Đạo.

Phổ Hoa ngồi rất lâu, đồ trong tay bị lấy đi mới biết bố đã đứng bên bàn lúc nào, gấp tờ báo xếp sang một bên. Đôi mắt đỏ hằn lên những tia máu, vẻ mệt mỏi xanh xao trên nếp nhăn chồng chất, hoàn toàn không giống một người mới hơn năm mươi tuổi.

Ông kéo tay Phổ Hoa thở dài, trong phút chốc như già đi vài tuổi, chậm rãi vuốt mái tóc rủ xuống hai má Phổ Hoa.

“Hoa Hoa, con đường này, bố không hy vọng con cũng đi. Cãi nhau thì cãi nhau, ầm ĩ thì ầm ĩ, ly hôn không đơn giản như thế, con cũng thấy bố và mẹ rồi đấy, bố thực… không thể để các con cũng như vậy. Các con còn trẻ, có gì thương lượng xem sao, không được thì con ở nhà một thời gian trước đi, đợi hai người đều bĩnh tĩnh rồi nói tiếp… Vĩnh Đạo không phải như con nghĩ, sự việc có lẽ vẫn còn có nước xoay chuyển… không được vậy để bố đi tìm nó nói chuyện…”.

“Bố… đừng… con xin bố đấy!”. Phổ Hoa khó mở miệng về việc Vĩnh Đạo tái hôn, cô thà để bố giữ hình tượng ban đầu của Vĩnh Đạo trong lòng còn hơn cho bố biết Vĩnh Đạo đã lựa chọn người khác, đã có cuộc sống mới rồi.

Cô lại quỳ trên đất, ôm chân bố, cầu xin bố, “Bố… bố đừng tìm anh ấy…”.

“Con nghe bố nói…”. Bố không từ bỏ một tia hy vọng, “… kêu Vĩnh Đạo qua đây nói xem, nói với bố… con đứng lên đi!”.

Bố kéo Phổ Hoa lên, nhưng cô không thể.

“Bố nói với Vĩnh Đạo, bố hỏi nó vì sao, không thể như vậy được… Bốn năm nay bọn con kết hôn, Vĩnh Đạo như thế nào trong lòng bố rất rõ… Nó sẽ không quyết định tuyệt tình như thế. Một đứa trẻ hiếu thuận như vậy sao có thể ly hôn với con! Tháng trước nữa nó còn nói đợi trời đỡ nóng sẽ đưa bố ra ngoài cho khuây khỏa… còn nói muốn theo bố học đánh cờ…”. Bố càng nghẹn ngào hơn, nước mắt chảy từ khóe mắt xuống nếp nhăn, “Bố vốn nghĩ nếu ngày nào đó bố không còn, thì bên cạnh con ít nhất còn có Vĩnh Đạo để dựa dẫm, bố cũng có thể yên tâm. Các con sao đã…”.

Phổ Hoa lắc tay bố, úp mặt lên lòng bàn tay ấm áp của bố, tìm kiếm sự an ủi. Nước mắt lại chảy, cô như quay về thời thơ ấu, không ngừng tự trách, nhận lỗi sai. “Bố… con sai rồi… con sai rồi… con thực sự sai rồi… bố…”.

Bố chỉ lắc đầu, ôm Phổ Hoa, không biết nên nói gì.

Đêm khuya tĩnh lặng, trong phòng khách chỉ còn lại một mình Phổ Hoa, cô lật cuốn sổ dán báo, dụi khóe mắt cay cay, bất cứ lúc nào cũng có thể rơi lệ. Nội dung các bài báo bắt đầu từ hồi trung học, sau đó là đại học, cái tên Vĩnh Đạo từng chút từng chút xuất hiện nhiều hơn, số trang sau này còn nhiều hơn cả cô. Trong đó còn có vài bức ảnh, lúc đầu bọn họ còn bị che kín trong đám bạn học, sau đó là ảnh chụp chung của hai người.

Không thể không nói ra chuyện tái hôn của Vĩnh Đạo, có như vậy bố mới từ bỏ việc thuyết phục. Ông trở về phòng ngơ ngẩn hồi lâu, cầm phong thư bọc sổ tiết kiệm đặt lên bàn, mặt không một chút biểu cảm, cũng không còn bi thương, không phán đoán gì thêm nữa, chỉ nói “Trả cái này cho Vĩnh Đạo trước đi…”.

Gấp cuốn sổ lại, Phổ Hoa cất cuốn sổ tiết kiệm trên bàn lại, tiền là Vĩnh Đạo biếu riêng bố, cô không rõ, thấy bố liệt kê chi tiết rõ ràng trên sổ sách cô mới biết, từ sau khi tốt nghiệp đại học, Vĩnh Đạo đã kiên trì tròn sáu năm rồi.

Bố nhất định rất đau lòng, có lẽ còn đau lòng hơn cả cô.

Trong phòng vọng ra tiếng ho của bố, Phổ Hoa bước tới gõ cửa, bố không trả lời.

Trở lại tắt đèn, cô kéo chiếc chăn bố phủ trên ghế sofa đắp lên người, nằm trong phòng khách chịu đựng một đêm. Đêm đó đối với cô mà nói, giống như rất nhiều đêm trước, rất khó ngủ, nghĩ trước nghĩ sau trằn trọc, trăn trở tới khi trời sáng mới mơ màng ngủ thiếp đi.

Hôm sau khi cô tỉnh dậy, bố đã ra khỏi nhà, trên bàn để sẵn bữa sáng bố mua về cho cô, sữa đậu nành nóng hổi còn đậy nắp, bánh ga tô nhân táo đã được cắt thành miếng nhỏ, trong đĩa còn có bánh trứng gà.

Dưới phong thư còn có mảnh giấy nhắn, nét chữ bố nguệch ngoạc, “Trời lạnh rồi, mặc thêm áo, buổi tối sớm về nhà. Bố”.

Bố chưa đề cập tới chuyện ly hôn, trên giá áo gần cửa treo thêm chiếc khăn quàng cổ cũ mà Phổ Hoa để lại nhà.

Trước khi đi làm, Phổ Hoa đi một vòng trong phòng bố, trên tủ đầu giường để gạt tàn chất đầy đầu thuốc lá đã hút, rõ ràng không chỉ mình cô không ngủ được, lọ thuốc trị ho trống rỗng, quả bóng tập thể dục bố thường mang theo bên mình cũng đặt bên gối.

Bóng lưng hơi còng đó lại xuất hiện trước mặt cô, và tiếng ho cả đêm của ông. Cầm quả bóng tập thể dục của bố lên, quấn khăn quàng cổ, Phổ Hoa không kịp ăn sáng đã vội vàng rời khỏi nhà.

3-9

Giống Phổ Hoa mất hai năm mới thích ứng với cuộc sống độc thân, bố cũng cần thời gian để tiêu hóa tin tức ly hôn của bọn họ.

Phổ Hoa về nhà, một mặt ở cùng bố, mặt khác để an ủi ông. Cô dễ dàng nhận ra nỗi buồn không muốn nói ra của bố. Mấy ngày liền bố không xuống tầng chơi cờ, hàng ngày chỉ đứng trên ban công nghe đài, đọc báo, bệnh ho nửa đêm cũng nặng hơn, ngay cả thói quen gói bánh sủi cảo cuối tuần cũng dừng một tuần.

Nhưng Phổ Hoa dường như nhẹ nhõm đi rất nhiều, từ khi nói với bố, cô có thể biểu lộ hỉ nộ ái ố chân thực trước mặt ông, cho dù hiếm khi vui vẻ. Cô thường ra ban công hít thật sâu, mất vài tiếng làm bữa tối thịnh soạn cho bố.

Khi mẹ tranh thủ về nhà, cả nhà ba người cùng thảo luận tương lai của Phổ Hoa, cô không tránh khỏi lại bị mẹ mắng. Lời răn dạy và quở mắng cho dù có cay nghiệt nhiều hơn nữa Phổ Hoa đều có thể nghe được, đến một câu phản bác cô cũng không nói, để mặc mẹ trút giận. Cô gửi tin nhắn nói cho Quyên Quyên mấy lời khó nghe của mẹ, thi thoảng cũng cười cười một cách đau khổ, tự chế giễu chính mình.

Sau khi không cần giả vờ nữa, Phổ Hoa thu dọn dần những thứ đồ trong căn phòng vốn dùng để che đậy chuyện ly hôn, hết thảy đều khóa vào phòng chứa đồ, trên chiếc giường đơn cũng chỉ còn lại một chiếc gối, ghế sofa cũng chỉ còn một đệm dựa, trên giá giày gần cửa ra vào tất cả đều là giày của cô, đến chiếc nhẫn cưới trên tay Phổ Hoa cũng khóa trong ngăn tủ không đeo nữa.

Thời tiết vào thu, bệnh ho của bố biến chuyển tốt hơn, Phổ Hoa dọn về nhà mình, nhưng hàng tối vẫn không quên gọi điện cho bố, và số lần về nhà ăn cơm cũng nhiều lên, số lượng bánh sủi cảo mỗi lần gói cũng ít hơn trước một nửa. Cô thay đổi mẫu bánh để bố vui, cho dù chịu mệt thêm một chút cũng cam lòng.

Mẹ qua nhà Phổ Hoa vài lần, không phải để kiểm tra cuộc sống độc thân của cô thì cũng nói với cô những lời quan tâm mẹ con. Nhưng rốt cuộc mẹ là người đã có một gia đình khác, lời bà khuyên có hay hơn nữa, Phổ Hoa cũng chỉ nghe rồi để đấy, sẽ không làm theo.

Bắc Kinh vào thu vẫn còn cái nóng của mùa hạ, nhưng không oi bức khó chịu. Tạp chí kỳ mới chỗ Phổ Hoa đưa ra thị trường thuận lợi, chuyên mục của Lâm Quả Quả tạo ra phản ứng khá tốt, tòa soạn tổ chức hoạt động bán kèm ký tặng tác phẩm với quy mô nhỏ ở thư viện thành phố, mời vài tác giả trụ cột đến cổ vũ.

Mấy việc công này tuy chiếm khối lượng lớn không gian cá nhân của cô nhưng đã thành công trong việc phân tán sự chú ý của Phổ Hoa, khiến cô lúc nào cũng bận rộn. Điều tiếc nuối duy nhất là lần ký tặng tác phẩm này Lâm Quả Quả không tham gia, bận viết luận văn nên ở lại Thiên Tân, còn may cuối tuần nào cô ấy cũng gửi bản thảo tuần mới đúng thời gian cho Phổ Hoa.

Họ thư từ qua lại không nhiều, thư của Lâm Quả Quả lúc đầu nhẹ nhàng như một học sinh ngoan ngoãn, cuộc thăm dò như có mà cũng như không ở cửa hàng “Mọt sách” ấy cũng không xảy ra nữa. Thế là Phổ Hoa bạo gan hỏi cô ấy vài vấn đề về hôn nhân và nhân sinh quan, câu trả lời của Lâm Quả Quả không phải lập luận to lớn dài dòng, nhưng cô ấy luôn thao thao bất tuyệt viết ra những suy nghĩ để thảo luận với Phổ Hoa. Như vậy Phổ Hoa càng lĩnh hội sâu hơn về chuyên mục của Lâm Quả Quả, so với trước kia cũng hiểu nhiều hơn con người Lâm Quả Quả.

Lâm Quả Quả có rất nhiều gương mặt, hơn nữa nắm vững một cách chuẩn xác khi nào sử dụng gương mặt nào của bản thân. Cô gần như trả lời một cách hoàn hảo những câu hỏi vô cùng kỳ quặc của độc giả, tiếp tục học chương trình tâm lý của mình, ứng phó với biên tập tạp chí như Phổ Hoa, cô ấy còn chăm sóc cậu con trai năm tuổi không rõ bố - Lâm Bác.

Mùa thu năm nay trôi qua nhanh, tâm trạng Phổ Hoa cuối cùng cũng lắng xuống. Cô bắt đầu quàng chiếc khăn bố tìm thấy đi làm, ngồi trong tàu điện ngầm lật quyển tâm lý Lâm Quả Quả thường đọc. Sáng sáng mở cửa sổ, chăm sóc chậu cây nhỏ bên cạnh chỗ ngồi của cô. Trên những cành cây rậm rạp nay chỉ còn lại hai, ba chiếc lá, cũng không còn bóng dáng những chú ve, văn phòng yên tĩnh chỉ nghe tiếng gõ bàn phím, tiếng lật bản thảo của các biên tập. Khi rảnh rỗi, Phổ Hoa mở máy tính thưởng thức ảnh của Vĩnh Bác. Trở thành biên tập phụ trách tác giả chuyên mục nổi tiếng, công việc của Phổ Hoa trở nên rất phong phú, đến Lưu Yến cũng nói, sau mùa thu, sức sống của cô hồi phục không ít, sắc mặt cũng tốt hơn nhiều, đã nở nụ cười.

Ngày tháng qua đi trong sự bận rộn, quá khứ sẽ không trở lại nữa. Phổ Hoa hiểu rất rõ, khóc cũng qua một ngày, đồng thời cười cũng qua một ngày. Trong tròn hai năm qua, đây là khoảng thời gian Phổ Hoa sống nhẹ nhõm nhất, tuy cũng khó tránh khỏi có lúc buồn bã, sa sút tinh thần, thậm chí nước mắt rơi tràn mi.

Khi tin tức kết hôn của Tiểu Quỷ truyền đến, Phổ Hoa đang ở trong văn phòng phủi bụi bám trên quyển lịch cũ viết công việc phải làm ở trang mới. Mạch Mạch gửi tin nhắn tới, Thái Hồng cũng gọi điện đến. Đối với bạn bè cùng ký túc xá mà nói, đây có thể gọi là tin vui nhất trong năm.

Phổ Hoa hiếm khi phấn chấn như vậy, cô tích cực tham gia cuộc tụ họp của mọi người, chúc mừng Tiểu Quỷ đính hôn, gặp mặt chú rể tương lai, tham mưu việc lựa chọn áo cưới, bàn bạc lo liệu các nghi lễ. Thời gian đó, Mạch Mạch, Đường Đường, Thái Hồng, Tiểu Quỷ thi thoảng ở lại nhà Phổ Hoa, cộng thêm cả Quyên Quyên việc gì cũng nhiệt tình nữa, sáu người phụ nữ ở cùng nhau không thể nói là không náo nhiệt.

Phổ Hoa là người từng trải, có kinh nghiệm nhất trong số đó, nhưng cô chưa bao giờ lo liệu lễ kết hôn, cũng chưa từng tham gia nghi lễ long trọng. Khi cô và Vĩnh Đạo kết hôn, chỉ đơn giản là đến phòng dân chính đăng ký kết hôn, sau đó mời bạn bè hai bên đến ăn bữa cơm mà thôi. Vì vậy trải qua cả quá trình từ khi đính hôn đến nghi lễ của Tiểu Quỷ, cô cũng lĩnh hội được cảm giác một lần làm cô dâu, có buồn phiền bi thương, nhưng nhiều hơn cả là niềm vui.

Tiểu Quỷ lấy chồng vào mùa đẹp nhất ở Bắc Kinh, trong đám phù dâu không có Phổ Hoa, cô đứng ở hàng thứ nhất những người đến dự buổi lễ, mặc bộ bình thường nhất, mắt nhìn người bạn thân bước lên bàn thờ Chúa, nắm tay chú rể. Ba người bạn thân còn lại làm phù dâu tranh cướp bó hoa cưới đại diện cho hạnh phúc và may mắn, cuối cùng lại để rơi vào tay người ta.

Tối đó, từ nhà mới của Tiểu Quỷ trở về, Phổ Hoa vẫn mặc bộ quần áo đó nằm trên chiếc giường đơn của mình nói chuyện điện thoại với Quyên Quyên, hồi tưởng lại không khí sôi nổi của lễ cưới.

Cúp máy, cô vô công rồi nghề kiểm tra hòm thư. Ảnh đám cưới mà Thái Hồng hứa hẹn vẫn chưa gửi qua, Lâm Quả Quả cũng không lên mạng. Đang chuẩn bị thoát, MSN hiển thị Vĩnh Bác lên mạng.

Sau khi anh lên đường đi Tân Cương làm chuyên đề về con đường tơ lụa, hai người có lẽ lâu lắm không gặp, đến công việc phiên dịch mấy ngày rồi anh cũng không nhờ Phổ Hoa làm.

Phổ Hoa mở cửa sổ nói chuyện với Vĩnh Bác, đang chuẩn bị chào hỏi thì màn hình đột nhiên hiện ra một hàng chữ, rất dài, chữ cái với các con số lung tung, cho thấy người gõ chữ rất sốt ruột.

Cô không hiểu hai câu phiên âm ban đầu, gửi một hàng dấu hỏi cho Vĩnh Bác thì di động reo.

“A lô? Phổ Hoa!”. Tín hiệu điện thoại không tốt, tạp âm rè rè, giọng Vĩnh Bác rất lớn: “Em đang ở đâu?”.

“Em… em vừa tham gia đám cưới bạn xong, sao vậy?”.

“Vĩnh Đạo đâu!”.

“Anh ấy…”. Phổ Hoa lần nữa lại nghẹn lời.

“Chuyện của phòng thí nghiệm, em biết không? Mẹ vừa gọi điện cho anh xong, nói Vĩnh Đạo muốn bà đưa mười vạn tệ, buổi sáng chuyển qua, chiều đã không thấy người đâu rồi! Rốt cuộc xảy ra chuyện gì? Nó đâu!”. Vĩnh Bác hỏi như pháo nổ liên hồi, thở hổn hển, phì phò, “Mẹ kiếp, cái đường dây ghẻ này, tín hiệu bên này không ổn định, Phổ Hoa, nghe thấy không!”.

Niềm vui tham gia hôn lễ bị những lời của Vĩnh Bác xóa sạch, tâm trạng của Phổ Hoa bất giác trĩu nặng.

“Mẹ gọi cho em, sao em luôn không nhận máy, hai đứa rốt cuộc xảy ra chuyện gì? Vĩnh Đạo đâu? Hay bị người ta lừa rồi: Bố huyết áp không tốt, không chịu được lo lắng, em kêu nó về nhà ngay cho anh, nói rõ sự tình! Tiền là chuyện nhỏ, người phải về trước, em cũng vậy!”. Tính cách Vĩnh Bác chưa bao giờ khách sáo, toàn dạy dỗ bọn họ như phụ huynh, “Em là vợ nó, cho dù xảy ra chuyện gì đều không thể khoanh tay đứng nhìn, Phổ Hoa, em nghe thấy không!”.

“Em…”. Phổ Hoa nhất thời khó mà giải thích được.

“Lần trước Vĩnh Đạo từng nói qua với anh, anh tưởng là việc nhỏ ứng phó một chút là qua thôi, sao bây giờ lại thành nghiêm trọng như vậy? Em nói đi chứ, anh đang hỏi em đấy? Vĩnh Đạo đi đâu rồi, mẹ đang lo đi tìm nó, kêu nó nhanh chóng về nhà, không về cũng phải gọi điện cho cả nhà để mọi người biết nó bình an! Di động của nó cũng tắt! Làm thế nào đây?”.

“Vâng… em… em lập tức… đi tìm anh ấy…”. Phổ Hoa nơm nớp lo sợ đồng ý yêu cầu của Vĩnh Bác, căn bản không kịp cúp máy, trực tiếp dùng máy bàn gọi tới nhà Hải Anh, nghe ngóng tăm tích của Vĩnh Đạo từ chỗ Doãn Trình. Suốt đêm, Phổ Hoa gọi điện rất nhiều lần, tới ngày thứ hai di động vẫn hàng nghìn lần vang lên như nhau: “Số máy quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được”.

Sáng hôm sau, theo ý của Vĩnh Bác, Phổ Hoa khắc phục trở ngại trong lòng, gọi điện về nhà Vĩnh Đạo động viên hai cụ, lại xin nghỉ chạy đến cơ quan Doãn Trình, dù thế nào cũng bắt cậu ta tìm ra tung tích của Vĩnh Đạo.

Doãn Trình cách một ngày sau mới có tin tức, cậu ta đưa Phổ Hoa một số di động nơi khác, nói Vĩnh Đạo đã liên lạc về nhà.

Có được số điện thoại, Phổ Hoa vội vã gọi, điện thoại không ai nhận, reo đủ một phút mới có người nghe.

“Thi Vĩnh Đạo!”.

Họ lâu lắm không nói chuyện điện thoại, cô lo lắng cho sự an nguy của anh, vì vậy buột miệng gọi tên anh, hoàn toàn không ngờ được tiếng trả lời đầu dây bên kia là vài tiếng ho khẽ khàng.

Giống như giọng anh nhưng cô không dám khẳng định.

“Thi Vĩnh Đạo? Là anh à?”.

Cô nắm chặt ống nghe, trái tim bất giác cũng siết chặt.

Im lặng hồi lâu, đối phương vẫn không trả lời.

Mất hết sự kiên nhẫn, cô lại không thể không nén lại mâu thuẫn và khúc mắc trong lòng, dịu giọng, gọi như khẩn cầu một lần nữa.

“Vĩnh Đạo à?”.

Lần này im lặng lâu hơn, khi cô gần như từ bỏ thì một lời đáp khàn và nhỏ vang lên chỉ có một từ.

“Ừ…”.