Nếu Tôi Biết Được Khi Còn 20 - Chương 02-01

Chương 2 – Rạp xiếc đảo lộn

Tại sao hầu hết chúng ta lại không xem khó khăn là các cơ hội trong cuộc sống hàng ngày? Tại sao những nhóm tham gia các dự án được kể ở chương trước phải đợi đến các bài tập này mới có thể mở rộng các giới hạn của trí tưởng tượng của họ? Về cơ bản, chúng ta không được dạy để nắm lấy các khó khăn. Chúng ta được dạy rằng các khó khăn là những thứ cần phải tránh hoặc là những điều dể phàn nàn. Trong một buổi diễn thuyết ở một hội thảo dành cho những nhà quản lý kinh doanh, tôi đã giới thiệu những đoạn phim từ Cuộc thi Sáng tạo. Chiều hôm đó một C E O của một công ty đã tìm gặp tôi và than thở rằng anh ta ước được quay trở lại trường vì ở đó anh ta được trao cho những vấn đề mở và được thử thách sức sáng tạo. Tôi hết sức ngạc nhiên khi nghe về những điều này. Tôi khá chắc chắn rằng mỗi ngày anh ta đều phải đối mặt với những thử thách bên ngoài cuộc sống, những thứ sẽ cần đến tư duy sáng tạo. Không may anh ta đã không nhận ra dễ dàng sự liên quan giữa các ý tưởng đó với cuộc sống và công việc của mình. Anh ta xem các bài tập của tôi là những gì chỉ có thể xảy ra trong một môi trường học thuật và được kiểm soát. Dĩ nhiên nó không phải là không nên như thế chút nào.

Mỗi ngày chúng ta đều có thể thử thách chính mình. Đó là việc lựa chọn quan sát thế giới xung quanh với nhiều lăng kính khác mà qua những lăng kính đó chúng ta có thể hiểu được vấn đề dưới luồng ánh sáng mới. Càng sẵn sàng đối diện với vấn đề bao nhiêu thì chúng ta càng tự tin và thuần thục bấy nhiêu trong việc giải quyết chúng; và hơn thế nữa, chúng ta sẽ càng dễ dàng nhìn nhận chúng như những cơ hội đến với mình.

Thái độ có lẽ là yếu tố quyết định lớn nhất cho những gì chúng ta có thể đạt được. Những người thực sự có tư tưởng cải cách luôn đối mặt trực tiếp với vấn đề và làm cho người ta suy nghĩ về những quan điểm truyền thống theo một cách hoàn toàn khác. Một ví dụ tuyệt vời để minh chứng cho điều này là Jeff Hawkins, người đã cách mạng hóa cách thức con người tổ chức cuộc sống của mình với Palm Pilot. Jeff bị cuốn hút vào vấn đề tạo ra những máy tính cá nhân nhỏ dễ dàng sử dụng trong cộng đồng. Đây là một mục tiêu lớn, và Jeff đã phải đối mặt với hàng loạt những khó khăn kéo theo sau đó. Trên thực tế ông cũng thừa nhận rằng trở thành một chủ doanh nghiệp nghĩa là phải thường xuyên đối mặt với những vấn đề lớn và phải tìm những cách sáng tạo để giải quyết chúng.

Vấn đề của Jeff xuất hiện ngay từ rất sớm. Khi Palm cho ra đời sản phẩm đầu tiên của mình, chiếc Zoomer, nó đã thất bại thảm hại. Thay vì ra đi trong thất bại, Jeff cùng những người cộng sự của mình đã mua những chiếc Zoomer, cũng như những người đã mua chiếc máy tính đối thủ của Zoomer – chiếc Apple Newton, để hỏi về những gì họ mong muốn ở Zoomer. Các khách hàng cho biết họ đã mong đợi sản phẩm này có thể sắp xếp được các kế hoạch làm việc phức tạp của họ, và giúp tổng hợp các lịch làm việc thành một bản kế hoạch chung. Đó chính là thời điểm Jeff nhận ra rằng chiếc Zoomer đã cạnh tranh với lịch để bàn nhiều hơn là với những sản phẩm điện tử khác. Những phản hồi này trái với các quan điểm ban đầu của Jeff và đã gây sửng sốt cho cả đội thực hiện. Và cũng chính vì thế, chúng đã cung cấp nguồn thông tin quý giá cho việc thiết kế dòng sản phẩm thế hệ sau của họ, chiếc máy tính Palm Pilot với những thành công rực rỡ.

Dần dần Jeff và công ty của mình đã giải quyết được vấn đề khó khăn nhất; đó là việc xác định cách người sử dụng sẽ nhập liệu vào chiếc máy nhỏ thế hệ mới này như thế nào. Jeff cho rằng ngoài một bàn phím nhỏ, việc cho phép người sử dụng dùng bút để nhập liệu là điều cực kỳ quan trọng, điểm đó các chương trình nhận biết chữ viết tay chưa thể làm được việc này. Vì vậy Jeff và các cộng sự đã tạo ra một ngôn ngữ viết mới có tên là Graffiti, một ngôn ngữ mà máy tính có thể nhận dạng dễ dàng hơn. Lúc đó trong nội bộ công ty cũng có rất nhiều ý kiến phản đối mạnh mẽ việc sử dụng một ngôn ngữ mới, nhưng Jeff tự tin rằng khách hàng của họ sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian để làm những việc khác vì thời gian ngồi trước máy tính chỉ còn rất ít. Graffiti là một cải cách triệt để, thách thức mọi quy luật, và đã giải quyết được một vấn đề thực tế.

Jeff Hawkins là một ví dụ hoàn hảo về một người giải quyết vấn đề luôn sẵn sàng quan sát thế giới với một cặp kính mới mẻ. Numenta, công ty mới nhất của Jeff, được xây dựng trên cơ sở những lý thuyết mới nhất của ông về cách bộ não hoạt động. Jeff đã bỏ ra nhiều năm trời nỗ lực tự học về thần kinh nhằm hiểu được cách chúng ta suy nghĩ, và đưa ra một lý thuyết cấp tiến có tính thuyết phục cao về quá trình xử lý thông tin của vỏ não, điều ông đã bàn đến trong quyển On Intelligence (Trí thông minh nhân tạo – Nxb Trẻ). Có trong tay những lý thuyết này, Jeff quyết định dùng các ý tưởng của mình làm cơ sở cho việc tạo ra một thế hệ máy tính “thông minh hơn”, có thể xử lý thông tin như bộ não con người. Đương nhiên sẽ có người lý luận rằng Jeff Hawkins là người có một không hai, và không phải tất cả chúng ta đều có thể phát triển những lý thuyết và phát minh mang tính cải cách như vậy. Nhưng dù sao cũng thật hữu ích khi xem Jeff là một nguồn cảm hứng, là người chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng các vấn đề đều có thể được giải quyết nếu người ta cho phép mình nhìn nhận chúng dưới những góc độ khác nhau.

Tại sao tất cả chúng ta không tập trung vào những cơ hội xung quanh mình và nắm bắt chúng? Một dự án trong Cuộc thi Sáng tạo lần thứ hai đã khơi dậy ý tưởng này. Trong cuộc thi, thử thách dành cho những người tham gia là tạo ra càng nhiều giá trị càng tốt với những chiếc vòng cao su. Một đội đã hình thành ý tưởng về “Do Band” (Vòng đeo tay hành động). Đó là những chiếc vòng đeo tay đơn giản động viên mọi người hãy làm những gì mình thường trì hoãn. Do Band là một ý tưởng thông minh lấy cảm hứng từ những chiếc vòng cao su quen thuộc ngày nay được mọi người đeo thể hiện sự đoàn kết về một lý tưởng nào đó, như chiếc vòng Live Strong (Hãy sống mạnh mẽ) của Lance Amstrong chẳng hạn. Các nguyên tắc hướng dẫn sử dụng Do Band như sau:

• Đeo chiếc vòng này quanh cổ tay bạn và hứa sẽ làm một điều gì đó.

• Lấy nó ra khi bạn đã hoàn thành việc đó.

• Ghi nhận lại thành công của bạn trên trang web của Do Band. Mỗi chiếc Do Band sẽ hiện ra cùng một con số in trên nó, nên bạn có thể tra cứu được tất cả những hành động nó đã khơi nguồn cảm hứng.

• Gởi chiếc Do Band đến một ai đó.

Do Band đã tạo động lực cho người ta thực sự làm những gì họ muốn. Trên thực tế Do Band chỉ là một chiếc vòng cao su mà thôi. Nhưng đôi khi một thứ có vẻ đơn giản như chiếc vòng cao su nà lại là tất cả những gì cần thiết để thúc đẩy người ta thực sự làm một điều gì đó, để lấp đầy khoảng trống giữa “không hành động” và “hành động”. Chiến dịch Do Band chỉ kéo dài một vài ngày, nhưng trong khoảng thời gian ngắn đó nó đã tạo cảm hứng cho một danh sách dài các hành động: Có người gọi điện cho mẹ mình, có người bày tỏ lòng biết ơn của mình đến người khác bằng những tấm thiệp cảm ơn, và cũng có người bắt đầu một chương trình luyện tập thể dục thể thao mới. Một người tham gia chiến dịch đã sử dụng chiếc Do Band để thúc đẩy một chương trình cắm trại hè, một người khác thì cảm thấy được khích lệ cho việc liên hệ lại với những người bạn cũ dường như đã mất liên lạc. Còn một số người khác đã quyên góp tiền của cho các tổ chức từ thiện họ quan tâm. Thật tuyệt vời khi thấy rằng một chiếc vòng cao su là tất cả những gì cần thiết để thúc đẩy người ta hành động. Nó cũng là một sự nhắc nhở cho chúng ta rằng giữa việc không làm gì cả và làm điều gì đó chỉ cách nhau một quyết tâm nhỏ, nhưng hai lựa chọn này có thể mang đến hai kết quả hoàn toàn khác biệt.

Tôi sử dụng một ý tưởng tương tự vào giao cho các sinh viên một thử thách đơn giản trong lớp, tạo điều kiện cho họ trải nghiệm việc nhìn nhận những trở ngại trong cuộc sống dưới một góc nhìn mới. Tôi yêu cầu họ tìm ra một vấn đề, đồng thời chọn một đối tượng ngẫu nhiên xung quanh môi trường sống của mình. Sau đó họ phải tìm cách sử dụng đối tượng đó như thế nào để giúp giải quyết vấn đề trên. Dĩ nhiên tôi không hề có ý niệm nào về các khó khăn của cá nhân họ, về đối tượng họ sẽ chọn, hay chuyện giải quyết vấn đề của họ sẽ thành công hay không. Thế nhưng trong đa số các trường hợp sinh viên đều tìm ra cách vận dụng những đối tượng ngẫu nhiên xung quanh mình để giải quyết một vấn đề dường như chẳng liên quan gì cả.

Tôi thích trường hợp chuyển nhà của một cô gái trẻ. Cô ấy phải di dời các đồ gỗ lớn và không biết làm cách nào để làm được việc đó. Nếu cô gái không thể dời các đồ gỗ đó thì cô phải để nó lại ở căn hộ cũ. Cô ấy nhìn quanh căn hộ và thấy một thùng rượu còn sót lại sau một bữa tiệc cách đó vài tuần. À há! Cô ấy đến craigslist®, một bảng thông cáo cộng đồng trực tuyến, và đề nghị trao đổi thùng rượu với một chuyến chở hàng các đồ gỗ của mình qua Cầu Vịnh (Bay Bridge). Chỉ trong một vài giờ toàn bộ số đồ gỗ của cô gái đều đã được di chuyển đi. Chiếc thùng rượu bị bỏ sót đang bám bụi bỗng nhiên được biến thành một loại tiền tệ có giá trị. Thực ra thì bài tập đã không biến rượu trở thành tiền tệ, nhưng điều đó làm được là trao cho cô gái khả năng và động lực để nhìn nhận nó như thế.

Không có một giới hạn nào cho độ lớn của các vấn đề bạn có thể giải quyết. Thực chất đa phần các dự án trong Cuộc thi Sáng tạo đều có mục đích tạo dựng “giá trị xã hội”. Các sinh viên sử dụng bài thi như một cơ hội để tiếp cận một vấn đề xã hội quan trọng, ví dụ như tiết kiệm năng lượng, khuyến khích mọi người sống khỏe mạnh, hay kêu gọi những giúp đỡ từ cộng đồng cho các trẻ em khuyết tật.

Bước đầu tiên trong việc giải quyết các vấn đề lớn là nhận ra chúng. Trong thế giới thiết kế sản phẩm, nó được gọi là “tìm kiếm nhu cầu”. Đây là một kỹ năng có thể học hỏi được. Thực chất nó là bộ phận chính trong chương trình học BioDesign Fellows (Thiết kế sinh học) ở trường Stanford[8] Những nghiên cứu sinh đã học các ngành kỹ sư, y dược, và kinh doanh cùng gặp gỡ trong một năm để tìm ra những nhu cầu cần thiết trong y học và sau đó thiết kế các sản phẩm để đáp ứng những nhu cầu đó. Paul Yock, một bác sĩ chuyên khoa tim, nhà phát minh, và là [9] doanh nhân, là người điều hành chương trình BioDessign. Paul tin rằng “nhận biết được một nhu cầu cần thiết là A D N của một phát minh.” Hay nói cách khác, nếu chúng ta xác định được một vấn đề rõ ràng, giải pháp hợp lý sẽ tự xuất hiện.

Chương trình BioDesign Fellows dành ra ba tháng để quan sát công việc của các bác sĩ và nhận diện những vấn đề dường như họ đang phải đối mặt. Những người thực hiện chương trình quan sát rất kỹ lưỡng, đồng thời trao đổi với tất cả những người liên quan, gồm có các bác sĩ, y tá, bệnh nhân, và những người quản lý để nhận ra nên bắt đầu cải thiện vấn đề ở đâu. Sau đó họ chọn ra một số trong hàng trăm nhu cầu tìm thấy, với mục tiêu nhận ra được vấn đề lớn nhất cần được giải quyết. Sau khi nhận dạng được thử thách chính thức của mình, họ bắt tay vào thiết kế và nhanh chóng xây dựng được những mẫu đầu tiên cho hàng loạt các giải pháp. Và sau một tiến trình tập trung và lặp đi lặp lại, họ trình bày các ý tưởng về sản phẩm mới của mình với những người liên quan chính để xem thử mình có thực sự thành công trong việc đáp ứng nhu cầu này hay không.

Một điều thú vị là trong nhiều trường hợp, những người nắm giữ các vị trí quan trọng nhất thường quá quen thuộc với các vấn đề họ gặp phải hàng ngày, đến mức họ không thể nhận hay không hình dung được những cách tiếp cận thực tế để giải quyết các vấn đề. Paul Yock chia sẻ một câu chuyện về sự phát triển của phẫu thuật bong bóng (balloon angioplasty), một kỹ thuật dùng bong bóng chèn vào một động mạch và bơm căng nó để nó mở rộng nơi động mạch bị tắc nghẽn. Trước khi phát minh có tính đột phá này ra đời, hầu hết các bác sĩ chuyên khoa tim đều cho rằng cách duy nhất để giải quyết sự tắc nghẽn động mạch là làm phẫu thuật nối tắt động mạch vành (bypass surgecy) để cắt bỏ các mạch máu bị hư tổn. Thủ thuật này đòi hỏi phẫu thuật mở tim, và nó chứa đựng nhiều nguy cơ đáng kể. Khi phẫu thuật bong bóng – một thủ thuật ít nguy hiểm và ít cắt mổ hơn – được giới thiệu lần đầu, nó gặp phải những hoài nghi và chống đối dữ dội trong giới bác sĩ, đặc biệt là giới bác sĩ phẫu thuật được xem là những người “hiểu rõ nhất” về cách chữa trị căn bệnh. Rất nhiều các trở ngại đáng kể hiện ra trước mắt những người tiên phong về thủ thuật này. Chẳng hạn, John Simpson, một trong những nhà phát minh ra thủ thuật phẫu thuật bong bóng, cuối cùng phải rời trường đại học để đến nghiên cứu ở một bệnh viện tư. Tuy nhiên, qua thời gian tính hiệu quả của phẫu thuật bong bóng đã được công nhận và trở thành chuẩn mực trong chữa trị cho hầu hết các bệnh nhân bị tắc nghẽn động mạch. Đây là một ví dụ tiêu biểu về một trường hợp mà các tư tưởng truyền thống bám rễ quá chặt đến nỗi những người gần gũi nhất với tình huống đó cũng không thể hình dung ra được điều gì khác biệt hơn.

Sự không nhận biết được vấn đề (problem blindness) cũng xuất hiện ở ngành phát triển sản phẩm tiêu dùng. Một ví dụ điển hình ở đây là máy rút tiền tự động ATM (automatic teller machine). Khi mới ra đời ATM đã không được hưởng ứng mạnh mẽ trong các nhóm đối tượng mục tiêu của nó. Các nhóm khách hàng tiềm năng này đã không hình dung được làm thế nào dùng một chiếc máy để gửi tiền và rút tiền từ tài khoản thay vì đến ngân hàng địa phương để thực hiện các giao dịch với một giao dịch viên. Ở thời điểm đó nhiều người đã không thể tưởng tượng ra mình có thể thay đổi thói quen giao dịch với ngân hàng một cách đột ngột như vậy. Thế nhưng, những chiếc máy ATM đã đại diện cho một sự cải tiến hiệu quả và hoàn toàn mới mẻ cho việc giao dịch ngân hàng cá nhân, là một thứ mà bây giờ hiếm ai trong chúng ta tưởng tượng được mình có thể sống thiếu nó.