Tuyển Tập Truyện Ngắn Của Jack London - 11 - Part 2

Anh từ buồng thay quần áo bước ra. Những tay săn sóc của anh theo sau. Anh bước dọc theo lối đi giữa hai hàng ghế, đi tới các võ đài hình vuông đứng ở giữa phòng. Khán giả đang ngồi đợi thi nhau vỗ tay hoan nghênh, chào mừng anh. Anh nghiêng bên trái, nghiêng bên phải chào đáp lại, tuy vậy anh cũng chỉ quen mặt một số ít. Hầu hết khán giả là những tay trẻ, chưa ra đời lúc anh giành được trên cái võ đài hình vuông vòng hoa nguyệt quế đầu tiên. Anh nhẹ nhàng nhảy lên võ đài cao và luồn qua dây thừng, vào góc của mình. ngồi xuống chiếc ghế gấp. Giéc Bon, trọng tài trận đấu, bước đến gần bắt tay anh. Bon là một võ sĩ đã mất sức mà đã hơn mười năm không bước lên võ đài với tư cách một đấu thủ nữa. Tôm Kinh rất vui mừng thấy Bon là trọng tài. Hai người đều là những đấu thủ lớp cũ. Nếu anh có chơi dữ với Xenđơn, hơi phạm luật đôi chút, anh tin là Bon sẽ bỏ qua. 

Những võ sĩ hạng nặng trẻ tuổi, đầy cao vọng, lần lượt hết tay này đến tay khác, nhảy vào trong võ đài và được trọng tài giới thiệu với khán giả. Trọng tài tuyên bố những lời thách thức của họ. 

- Anh thanh niên Prontô, – Bon tuyên bố, – ở Bắc Xítni, thách đấu với người thắng trận này năm mươi bảng. 

Khán giả vỗ tay, và lại vỗ tay một lần nữa lúc Xenđơn nhảy qua dây thừng, ngồi vào góc võ đài của mình. Tôm Kinh đưa mắt ngang qua võ đài, tò mò nhìn anh ta; bởi vì, chỉ trong ít phút nữa, họ sẽ cùng nhau bị cột vào một cuộc chiến đấu tàn nhẫn, mỗi người đều cố dốc hết sức lực của bản thân để đấm cho đối thủ gục xuống bất tỉnh. Nhưng anh chẳng nhìn thấy được bao nhiêu, bởi vì, cũng như anh, Xenđơn mặc quần dài và áo nịt ra ngoài bộ quần áo dự đấu. Xenđơn có khuôn mặt đẹp, khoẻ khoắn, đóng khung trong mái tóc vàng, xoăn, xù lên; cái cổ to. đầy bắp thịt gợi ra vẻ tuyệt đẹp về hình thể. 

Anh chàng trai trẻ Prontô bước đến một góc võ đài. rồi đi sang góc kia, lần lượt bắt tay hai đấu thủ, rồi nhảy xuống khỏi võ đài. Những cuộc thách thức vẫn tiếp tục. Bao giờ tuổi trẻ cũng nhảy qua dây thừng – tuổi trẻ vô danh, nhưng chẳng bao giờ thoả mãn – kêu to với nhân loại rằng với sức mạnh và tài năng mang trong mình, tuổi trẻ thách đấu với người thắng trận. Một vài năm trước, trong những ngày lẫy lừng, bách chiến bách thắng của bản thân anh, Tôm Kinh thường được giải trí và bị làm phiền bởi những khúc dạo đầu như thế này. Nhưng lúc này anh lại như bị mê đi, không sao rũ bỏ được những hình ảnh của tuổi trẻ đang diễn ra trước mặt. Trong môn quyền Anh. những chàng thanh niên như thế luôn luôn nổi lên. nhây qua dây thừng, hét to thách thức và các đấu thủ lớp cũ luôn luôn gục xuống trước lớp trẻ. Lớp trẻ trèo qua thân thể của lớp già để bước tới đài thành công. Họ xuất hiện không ngừng, ngày càng nhiều – tuổi trẻ không bao giờ tàn lụi, không gì ngăn lại được, – và lớp trẻ bao giờ cũng gạt những lớp già ra, rồi chính cái lớp trẻ đó lại trở thành lớp già và gục xuống cùng theo một con đường dốc ấy, trong khi đó ở đằng sau họ, luôn luôn thúc ép họ là tuổi trẻ bất diệt – bọn trẻ sơ sinh, lớn lên mạnh mẽ và kéo lớp hơn tuổi xuống, đồng thời đằng sau chính cái lớp trẻ này lại là lớp trẻ sơ sinh khác, cứ thế chẳng bao giờ dứt, – tuổi trẻ phải thực hiện bằng được ý chí của mình, tuổi trẻ là bất diệt. 

Tôm Kinh hết nhìn khu vực các nhà báo, anh gật đầu chào Mogơn, phóng viên tờ Nhà thể thao, và Cobít, phóng viên tờ Trọng tài. Rồi anh giơ tay ra. Xít Xalivơn và Chali Bâytơ, hai người săn sóc của anh, lồng đôi găng vào tay anh và buộc chặt lại, trong khi đó, một trong những tay săn sóc của Xenđơn quan sát chăm chú, đó là người đầu tiên xem xét những dải băng vải cuốn các khớp xương ngón tay của Tôm Kinh. Một tay săn sóc của Tôm Kinh đứng ở góc võ đài của Xenđơn cũng tiến hành thủ tục như thế. Người ta kéo quần dài của Xenđơn ra, anh ta đứng dậy, chiếc áo nịt được kéo qua đầu. Tôm Kinh đưa mắt nhìn. thấy đúng là hiện thân của tuổi trẻ, bộ ngực nở, những đường gân săn, những bắp thịt cuồn cuộn, đầy sinh lực nằm dưới lớp da trắng mịn như xa-tanh. Toàn bộ cơ thể tràn trề sức sống. Tôm Kinh biết rằng dó là một sức sống chưa hề bị ép một chút sinh lực nào ra khỏi những lỗ chân lông đau đớn trong những trận đấu kéo dài, trong những trận đấu mà tuổi trẻ phải trả bằng sức trẻ của mình, và lúc ra khỏi trận đấu thì không còn hoàn toàn trẻ trung như lúc bắt đầu bước vào nữa. 

Hai đấu thủ tiến lên gặp nhau, khi tiếng cồng vang lên và các tay săn sóc kéo mạnh hai cái ghế gấp ra khỏi võ đài, hai người liền chạm găng và tức khắc chuyển ngay sang tư thế chiến đấu. Cũng tức khắc, như một bộ máy bằng thép và lò xo lắp sẵn vào bệ phóng bằng lò-xo đã nén lại, Xenđơn xông vào, lao ra, rồi lại xông vào giáng một cú tay trái vào mắt, bổ một cú tay phải vào sườn, né một cú phản công, nhẹ nhàng nhảy tránh, rồi lại nhảy bổ vào đe doạ. Anh ta rất linh hoạt và khéo léo. Một cuộc biểu diễn loá mắt. Khán giả hét ầm lên tán thưởng. Nhưng Tôm Kinh không bối rối. Anh đã đấu rất nhiều trận, với rất nhiều các tay trẻ. Anh hiểu rõ những cú đấm, hiểu rõ tác dụng của những cú đấm đó: nhanh quá, đẹp mắt quá, nên không nguy hiểm. Rõ ràng Xenđơn đã mở đợt tấn công tới tấp ngay từ đầu. Đúng như mọi người mong đợi. Đó là kiểu cách của tuổi trẻ, phô trương sự rực rỡ, tuyệt mĩ của mình trong sự vùng dậy điên cuồng, trong cuộc công kích sục sôi, dùng niềm vinh quang vô hạn của sức mạnh và ham muốn của mình để áp đảo đối phương. 

Xenđơn xông vào, lùi ra, lao vào chỗ này, nhảy sang chỗ khác, khắp võ đài, đôi chân nhẹ nhàng, linh hoạt, trái tim đầy nhiệt huyết, sục sôi, thật là một sức sống tuyệt diệu bao gồm những thớ thịt trắng hồng, những bắp thịt nhức nhối đòi hoạt động, đã hợp thành một bộ máy tấn công kì diệu; anh ta lướt, nhảy như một con thoi đang bay, từ động tác này đến động tác khác cho tới một nghìn động tác, tất cả mọi thứ đó đều tập trung để tàn phá Tôm Kinh, người đứng chặn giữa anh ta và tiền tài, danh vọng. Tôm Kinh kiên nhẫn chịu đựng. Anh biết rõ công việc của anh, anh hiểu rõ tuổi trẻ, cái tuổi trẻ mà bây giờ không còn là của anh nữa. Không thể làm thế nào được, phải chờ cho đến khi anh chàng này mất bớt đôi chút sức lực, Tôm Kinh nghĩ như vậy, anh cười gằn với mình khi anh cố tình né người để cho một cú đấm nặng đồng cân giáng vào đỉnh đầu. Đó là một ngón chơi ác, nhưng hoàn toàn hợp luật quyền Anh. Nếu một võ sĩ muốn bảo vệ những khớp xương ngón tay của mình mà lại cứ nhất định đấm vào đỉnh đầu đối thủ thì thật là tự mua lấy nguy hiềm. Tôm Kinh có thể cúi xuống thấp hơn để cú đấm bay vụt qua đầu, nhưng anh nhớ lại những trận đấu đầu tiên của mình, và nhớ lại lần đầu tiên những khớp xương ngón tay của anh đập vào đầu Oensơ khủng khiếp đã bị giập nát như thế nào. Anh vẫn chơi đúng luật. Cú né vừa rồi của anh để tàn phá một trong những khớp xương ngón tay của Xenđơn. Lúc này, Xenđơn chưa chú ý đến điều đó. Anh ta vẫn tiếp tục, bất chấp đến tuyệt đỉnh, giáng rất mạnh suốt cả cuộc đấu. Nhưng sau đó, khi các trận đấu kéo dài trên võ đài đã bắt đầu ngấm, anh ta không khỏi thương tiếc cái khớp xương ngón tay đó, nhìn lại dĩ vãng, nhớ ra vì đập vào đầu Tôm Kinh nó đã bị giập nát như thế nào. 

Xenđơn hoàn toàn làm chủ hiệp thứ nhất. Tốc độ tấn công tới tấp như gió lốc của anh ta làm khán giả hét ầm lên. Anh ta áp đảo Tôm Kinh bằng vô vàn những cú đấm. Tôm Kinh không tấn công. Chẳng lần nào anh đánh trả lại cả, anh vui lòng phòng thủ, ngăn chặn, né tránh và ôm ngoặc để tránh những cú đấm mạnh. Đôi khi, anh làm động tác giả, lắc đầu khi một quả đấm mạnh lao tới, và điềm tĩnh di dộng, anh không bao giờ nhảy hoặc chồm lên, không bao giờ để phí một chút sức lực nào. Sức trẻ trong con người Xenđơn sục sôi lên, tan ra thành bọt trước khi tuổi già thận trọng dám đánh trả lại. Toàn bộ động tác của Tôm Kinh đều chậm rãi, đúng mức, cặp mắt lừ đừ dưới làn mi mắt dày, trông anh như nửa thức nửa ngủ, như ngây dại. Nhưng cặp mắt đó nhìn thấy tất cả, cặp mắt đó đã được tôi luyện suốt hai mươi năm trường có lẻ lăn lộn trên võ đài để có thể nhìn thấy tất cả mọi thứ. Cặp mắt đó không bị nhấp nháy hoặc hoa lên trước một cú đấm nguy hiểm, mà vẫn cứ lạnh lùng quan sát, lạnh lùng ước lượng khoảng cách. 

Ngồi ở góc võ đài của mình trong phút nghỉ ngơi sau hiệp đấu, Tôm Kinh ngả hẳn người ra, chân duỗi thẳng, hai tay đặt trên chỗ dây thừng chéo nhau ở phía phải, ngực và bụng phập phồng thực sự, mạnh mẽ lúc anh đớp luồng không khí do các tay săn sóc của anh dùng khăn mặt phẩy phẩy tạt vào người anh. Mắt nhắm lại, anh lắng nghe tiếng hét của nhiều khán giả: 

- Sao lại không tấn công, hả Tôm? 

- Anh không sợ hắn, phải không? 

- Bắp thịt cứng rồi, – Tôm Kinh nghe thấy tiếng phê phán của một người ngồi ở hàng ghế phía trước. – Động tác của anh ta không thể nhanh hơn được nữa. Đánh cuộc Xenđơn thắng, hai ăn một thôi, tiền mặt ngay. 

Tiếng cồng vang lên, từ hai góc võ đài, hai võ sĩ tiến lên. Xenđơn tiến trọn ba phần tư khoảng cách giữa hai người, hăng hái bắt đầu hiệp đấu mới. Tôm Kinh vui lòng tiến một đoạn ngắn hơn. Điều đó nằm trong chiến thuật tiết kiệm sức lực của anh. Anh không được tập luyện đầy đủ, đồ ăn thức uống thiếu thốn, mỗi bước di động đều phải tính toán. Hơn nữa, anh đã phải đi bộ hai dặm để đến dự đấu. Lại cũng lặp lại như hiệp thứ nhất: Xenđơn tấn công như một cơn lốc, khán giả giận dữ vì Tôm Kinh không tấn công trả lại. Ngoài những động tác giả và dăm bảy cú đánh trả chậm chạp, vô tác dụng, anh không làm gì khác, mà chỉ ngăn chặn, che cho kín và ôm ngoặc đối thủ. Xenđơn muốn đánh nhanh, trong khi Tôm Kinh, rất thông minh, không hưởng ứng. Bộ mặt của anh, in hình bao dấu vết các trận đấu, hằn lên một nụ cười thương cảm, khôn ngoan, anh vẫn tiếp tục nâng niu sức lực của mình với vẻ ích kỉ mà chỉ người đứng tuổi mới có được. Xenđơn là tuổi trẻ, anh ta phung phí sức lực với vẻ phóng túng vô vàn của tuổi trẻ. Tôm Kinh có cái khôn ngoan, có tài điều khiển trên võ đài, đó là kết quả của biết bao trận đấu ác liệt, kéo dài. Anh quan sát bằng cặp mắt lạnh lùng, đầu óc bình tĩnh, mọi động tác đều chậm rãi, anh đợi cho niềm sục sôi của Xenđơn tan ra thành bọt. Đối với đa số khán giả, hình như Tôm Kinh chẳng có chút hi vọng nào thắng cả, họ lên tiếng biểu lộ ý kiến của mình: đánh cuộc cho Xenđơn thắng với ba chỉ cần ăn một thôi. Nhưng cũng có những người khôn ngoan, chỉ một số ít thôi, đã biết Tôm Kinh từ lâu, bèn ném tiền về phía họ cho là dễ "trúng". 

Hiệp ba bắt đầu như thường lệ, vẫn cứ một chiều. Xenđơn hoàn toàn áp đảo, tung ra toàn những cú đấm mạnh mẽ. Nứa phút trôi qua, Xenđơn, quá tự tin, để lộ một thế sơ hở. Cặp mắt và cánh tay phải của Tôm Kinh loé lên cùng một lúc. Đó là một cú đấm thực sự đầu tiên của anh, một cú đấm móc, với cánh tay gập cong đã xoay chéo đi nên cứng như thép, cùng với cả trọng lượng người anh ở tư thế nghiêng dồn vào. Thật là giống như một con sư tử có vẻ đang lim dim ngủ bỗng thình lình nhanh như chớp vung ra một cái vuốt. Xenđơn, bị trúng vào một bên hàm, gục xuống nằm xoài như một con bò mộng. Khán giả giật nảy mình, lẩm nhẩm khiếp đảm tán thưởng. Xét cho đến cùng, con người này không phải là một đống những bắp thịt đã bị xơ cứng, anh vẫn có thể giáng được một cú đấm như búa bổ. 

Người Xenđơn run bắn lên. Anh ta lăn lộn, định vùng dậy, nhưng tiếng hét giật giọng của các tay săn sóc cho anh ta bảo chờ trọng tài đếm đã kìm Xenđơn lại. Xenđơn quỳ một chân, sẵn sàng vùng dậy. Xenđơn chờ đợi, trong lúc trọng tài đứng sát bên, đếm to vào tai anh ta. Đếm đến chín, Xenđơn vùng dậy ở vào ngay tư thế chiến đấu. Tôm Kinh, đối diện với Xenđơn, nhìn ra mới tiếc là cú đấm còn cách giữa cằm một insơ 2. Lẽ ra đó đã là một cú nốc-ao, và anh đã có thể mang ba mươi bảng về nhà cho vợ con. 

Hiệp đấu tiếp tục đến cuối phút thứ ba. Lần đầu tiên, Xenđơn thấy kính trọng đối thủ. Động tác của Tôm Kinh vẫn chậm rãi, mắt anh vẫn lim dim nửa thức nửa ngù như cũ. Lúc hiệp đấu gần kết thúc, Tôm Kinh nhận thấy được vì thấy các tay săn sóc đang thu mình lấy đà chuẩn bị nhảy qua dây thừng. anh bèn lái trận đấu chuyển về góc võ đài của mình. Và khi tiếng cồng vang lên, anh bèn ngồi ngay xuống chiếc ghế đã để sẵn. Đó chỉ là một điều nhỏ mọn, nhưng tổng số những điều nhỏ mọn trở thành một con số đáng kể. Để trở về góc võ đài của mình, Xenđơn bắt buộc phải đi đoạn đường dài hơn, tốn sức hơn và mất đi một phần thời gian trong phút nghỉ ngơi quý báu. Bắt đầu hiệp nào cũng vậy, Tôm Kinh đều lừ lừ rời góc võ đài của mình, như thế bắt buộc đối thủ phải tiến quãng đường dài hơn. Vào cuối mỗi hiệp, anh đều lái trận đấu về góc võ đài của mình để có thể ngồi xuống nghỉ ngay tức khắc. 

Hai hiệp nữa trôi qua. Tôm Kinh vẫn dè xẻn sức lực, còn Xenđơn vẫn cứ phung phí. Ý định của Xenđơn là đánh nhanh làm cho Tôm Kinh bất lợi, bởi vì số lượng vô vàn cú đấm giáng tới tấp lên người Tôm Kinh sẽ làm cho anh bị thua. Nhưng Tôm Kinh vẫn kiên trì với kiểu đánh chậm rãi của mình, bất chấp cả những tiếng la hét của những tay thanh niên nóng nảy đòi anh phải xông vào, phải tấn công. Lại một lần nữa, trong hiệp thứ sáu, lúc Xenđơn sơ hở, cú đấm khiếp đảm tay phải của Tôm Kinh lại vút đúng hàm, và Xenđơn lại phải nằm chờ trọng tài đếm đến chín. 

Đến hiệp thứ bảy, trạng thái sung sức của Xenđơn đã mất, anh ta biết là sắp phải đấu một trận gay go nhất trong đời. Tôm Kinh là một võ sĩ thuộc lớp cũ, nhưng là một võ sĩ lớp cũ trội hơn những võ sĩ mà Xenđơn đã từng gặp. Đó là một võ sĩ lớp cũ không bao giờ mất bình tĩnh, có khả năng phòng ngự rất xuất sắc. Cú đấm nặng trịch như búa bổ, có cú đấm đo ván ở cả hai tay. Tuy vậy, Tôm Kinh không đấm bừa bãi. Anh chẳng bao giờ quên những khớp xương ngón tay bị giập nát, anh biết rằng mỗi cú đấm đều phải tính toán, nếu còn muốn sử dụng lâu dài những khớp xương ngón tay để xung trận. Ngồi ở góc võ đài của mình, Tôm Kinh liếc ngang võ đài nhìn đối thủ, một ý nghĩ chợt nảy ra trong óc anh: sự khôn ngoan của anh cộng với sức trẻ của Xenđơn hẳn sẽ tạo ra được một võ sĩ hạng nặng, vô địch thế giới. Nhưng đó mới là điều rắc rối. Xenđơn không bao giờ trở thành một quán quân vô địch thế giới được. Anh ta thiếu khôn ngoan. Chỉ có một cách duy nhất để có được sự khôn ngoan là phải mua bằng sức trẻ; và khi sự khôn ngoan đã thuộc về anh ta thì sức trẻ đã tiêu vào trong việc mua sự khôn ngoan mất rồi. 

Tôm Kinh tận dụng mọi ưu thế mà anh biết được. Anh không bao giờ bỏ qua một cơ hội ôm ngoặc nào; có hiệu lực nhất trong những miếng ôm ngoặc là vai anh tì mạnh vào xương sườn đối thủ. Trong môn triết học đấu trường, kể về mặt tác hại thì một lần tì vai cũng có tác dụng như một cú đấm mạnh, còn kể về mặt tiêu sinh lực thì có tác dụng hơn. Cũng trong những miếng ôm ngoặc đó, Tôm Kinh dựa cả trọng lượng của anh lên đối thủ và chỉ bất đắc dĩ mới rời ra. Như thế, trọng tài bắt buộc phải can thiệp vào, tách hai đấu thủ ra. Xenđơn luôn luôn hỗ trợ vào việc tách ra đó, anh ta chưa biết cách nghỉ lấy sức. Xenđơn không kìm mình lại được mà không dùng những cánh tay quang vinh, vun vút của mình, khi đối thủ lao vào ôm ngoặc, ép vai lên xương sườn, rúc đầu dưới tay trái, thì Xenđơn thường xuyên ngoặc tay phải ra sau lưng, đấm vào mặt của Tôm Kinh đang nhô ra. Đó là một lối đánh khéo léo, đẹp mắt, nhưng không nguy hiểm, và do đó chỉ làm phí rất nhiều sức. Nhưng Xenđơn không biết mệt, không biết đến chữ "giới hạn" là gì. Tôm Kinh cười gằn, kiên trì chịu đựng. 

Xenđơn triển khai cú đấm mãnh liệt bằng tay phải vào mình đối thủ, làm cho Tôm Kinh phải chịu vô số những cú đấm mạnh, và chỉ những người già đời trong nghề quyền Anh mới đánh giá được cú chạm khéo léo do Tôm Kinh dùng găng trái đánh vào bắp cơ cánh tay của Xenđơn trước khi cú đấm của anh ta tới đích. Thật vậy, mỗi lần cú đấm tung ra thì mỗi lần cú đấm lại mất đi sức mạnh do cú chạm khéo vào bắp cơ cánh tay. Trong hiệp chín. ba lần trong một phút, cú đấm móc tay phải mà cánh tay đã xoay chéo đi của Tôm Kinh bật đúng vào hàm, và ba lần tấm thân của Xenđơn, nặng như thế đấy, gục ngay xuống sàn. Mỗi lần Xenđơn đều đợi trong tài đếm đến chín thì vùng dậy, run run, lảo đảo, nhưng vẫn mạnh mẽ. Tốc độ của Xenđơn đã gỉảm đi, sức lực bớt phung phí hơn. Xenđơn cắn răng lại mà đấm, nhưng vẫn dựa vào ưu thế chủ yếu của mình, đó là tuổi trẻ. Ưu thế chủ yếu của Tôm Kinh là kinh nghiệm. Vì sinh lực của anh đã bị giảm, khí lực đã cạn, anh phải thay thế bằng sự thông minh, và khôn ngoan nảy sinh từ những trận đấu kéo dài, và bằng việc gìn giữ sức lực thật cẩn thận. Không những không có một động tác thừa nào, mà Tôm Kinh còn dụ cho đối phương phung phí sức lực. Hết lần này đến lần khác, Tôm Kinh dùng chân, tay, thân thể làm động tác giả: anh tiếp tục dụ Xenđơn phải nhảy lùi lại, né tránh hoặc phản công đấm trả. Anh nghỉ ngơi, nhưng không bao giờ để cho Xenđơn nghỉ. Đó là chiến thuật của tuổi già.