Tuyển Tập Truyện Ngắn Của Jack London - 13 - Part 2

Nhưng khi Iđa đặt chân xuống nước, tất cả hoặc gần như tất cả những ai đang trên bờ đều tha thứ cho bộ đồ tắm của chị, cho tấm thân tuyệt diệu của chị. 

Đôi mắt chị ánh lên một vẻ mời mọc, bàn tay chị khẽ chạm vào tay chồng và họ chạy vài bước theo sát chân nhau, rồi cùng một lúc, đạp mạnh xuống nền cát cứng dưới đáy nước, nhảy lên, tạo thành một đường vòng thấp bên trên mặt nước, rồi đâm đầu xuống nước. 

Ở Vaikiki có hai loại sóng: sóng lớn, sóng bạc đầu Canaca tức là sóng ông, lồng lộng tít tận ngoài khơi và sóng nhỏ gọi là sóng Vakhina, nghĩa là sóng bà, vỗ nhẹ vào bờ. Dọc bờ biển là một giải nước nông khá rộng. Ở chỗ này có thể lội ra xa tới một trăm hoặc hai trăm phút vẫn chưa ngập đầu. Tuy nhiên nếu như sóng ông lồng lộng ngoài khơi thì sóng bà cũng cao đến ba - bốn phút, cho nên ngay sát bờ, đáy nước có thể sâu từ ba insơ đến ba phút, nếu tính từ đáy lên đến đỉnh sóng ngầu bọt trắng xoá. Muốn nhảy vào đám bọt trắng ấy, nghĩa là lấy đà rồi đạp mạnh xuống đáy cát, nhảy vọt lên không trung, xoay người cho chân chổng lên trời, lao đầu xuống nước, cần hiểu rõ các đợt sóng và biết cách khéo lựa. Đó là một nghệ thuật phải tập dượt nhiều năm để lao đầu vào cái hiện tượng tự nhiên bất định ấy bằng một động tác dứt khoát và đẹp mắt mà lại không xuống sâu quá trong nước. 

Cái tiết mục biểu diễn táo bạo, đẹp mắt và duyên dáng ấy không phải ai muốn làm là cũng làm được ngay. Cần tập luyện khá lâu. Một sự tập luyện kèm theo nhiều trận đập đầu xuống đáy cát, không phải chỉ đau mà có khi còn vỡ sọ hay vẹo xương cổ nữa. Ở ngay chính cái chỗ mà đôi vợ chồng trẻ Báctơn lao đầu xuống nước một cách ngon lành như vậy, trước đây hai ngày, một lực sĩ nói tiếng Mỹ đã bị vẹo cổ. Ông ta không biết ước tính sự dâng lên và hạ xuống của những đợt sóng Vakhina. 

- Cô ta là tay bơi lội nhà nghề đấy mà, - bà Henli Blếch thốt lên khi theo dõi Iđa Báctơn. 

- Chắc chắn đây là một diễn viên xiếc chuyên nhào lộn. Đám phụ nữ ngồi dưới bóng cây đã dùng những nhận xét như thế và tương tự như thế để an ủi nhau. Họ dùng phương pháp đơn giản là tự lừa dối. Hộ để ra khoảng cách to lớn giữa những người làm nghề để kiếm sống với tầng lớp của họ, những người chẳng phải làm lụng gì mà cũng vẫn được ăn no nê. 

Vào ngày hôm ấy, sóng ở Vaikiki rất mạnh. Ngay sóng bà cũng đã làm thoả mãn những tay bơi giỏi. Không có ai định ra đến chỗ sóng ông Canaca. Chẳng phải vì những vận động viên bơi lội tụ tập trên bãi tắm sợ bơi lạc ra xa, mà chỉ vì họ biết rằng, những đợt sóng khổng lồ cuộn xuống dưới đáy, dám nhấn chìm cả những chiếc thuyền lớn nhất của họ, và sẽ lật úp bất cứ một tấm ván nào. 

Thật ra đa số trong bọn họ cũng có thể nhảy xuống nước để bơi, vì con người có thể bơi qua được những ngọn sóng mà thuyền mảng không thể theo nổi. Nhưng những chàng trai trẻ từ Honôlulu đến đây đâu phải để làm như thế. Điều thích thú nhất của họ là đùa rỡn trên ngọn sóng rồi đột nhiên rướn cả người lên khỏi mặt nước, bay cùng với đợt sóng vào bờ như một mũi tên. 

Thuyền trưởng chiếc thuyền số chín, một trong những sáng lập viên của Câu lạc bộ Thuyền buồm, đồng thời là quán quân nhiều lần về môn bơi cự ly dài, đã không thìn thấy lúc đôi vợ chồng Báctơn xuống nước. Và bây giờ khi ông nhìn thấy họ thì họ đã vượt ra xa ngoài cả sợi dây chăng để đánh dấu, cách tốp người bơi xa bờ nhất một quãng lớn. Từ lúc ấy, đứng trên hàng hiên của Câu lạc bộ, ông không rời mắt khỏi họ. Khi họ vượt qua đập chắn sóng bằng thép, cạnh đó chỉ có một vài vận động viên táo tợn nhất đang lặn hụp, thì người thuyền trưởng bực tức lẩm bẩm: "Đồ malakhini quái quỷ!" 

Tiếng Haoai "malakhini" nghĩa là lính mới, tập sự. Nhưng thuyền trưởng thuyền số chín, mặc dù nhìn thấy đôi trai gái kia bơi rất giỏi, biết rằng chỉ những kẻ "tập sự" mới không hiểu gì hết và liều lĩnh dám bơi ra đến dòng nước khủng khiếp sâu thẳm và chảy xiết ở ngoài đập chắn mà thôi. Điều đó làm ông bực tức. Ông bước xuống dưới bãi, khẽ ra lệnh cho một người nào đó trong số những tay chèo khoẻ nhất của ông, rồi quay lên hiên, đem theo chiếc ống nhòm. Sáu thuỷ thủ, cố không để ai chú ý đến họ, lặng lẽ khiêng chiếc thuyền số chín ra sát dìa nước. Họ kiểm tra lại, các mái chèo và cọc chèo, rồi ngồi ngả nghiêng trên bãi cát, làm như kiểu thờ ơ. Nhìn họ không ai nghĩ rằng đang sắp xảy ra chuyện nguy cấp. Còn bản thân họ thì thỉng thoảng ngước mắt lên nhìn người thuyền trưởng, và ông này thì vẫn dán mắt vào chiếc ống nhòm. 

Độ sâu khủng khiếp ở bên ngoài đập chắn là do con suối từ trong đất liền chảy ra biển tạo thành. San hô không sống được ở nước ngọt. Còn dòng chảy xiết là do những đợt sóng lao quá mạnh vào bờ. Nước do những đợt sóng Canaca dữ tợn liên tiếp xô vào phía bờ. Trong khi hạ xuống, chúng lại nhảy ngược ra khơi cùng với dòng chảy nói trên, lẩn xuống bên dưới những đợt sóng dữ tợn khác đang xô tiếp đến. Ngay cả ở chỗ này, nơi có dòng chảy, sóng cũng dâng lên rất cao, nhưng vẫn không ghê gớm bằng ở hai bên. Do đó, đúng chỗ dòng chảy, thuyền bè không gặp nguy hiểm gì đáng kể. Nhưng phải là loại thuỷ thủ có tay chèo thật khoẻ mới cưỡng lại được với dòng nước chảy xiết. Chính vì vậy, thuyền trưởng thuyền số chín bám chắc vị trí quan sát, miệng không ngớt càu nhàu. Ông tin chắc rằng hai kẻ "lính mới" kia sẽ bắt ông phải hạ thuỷ con thuyền để bơi ra cứu, khi họ đã kiệt sức. Ngay bản thân ông, vào địa vị của họ, cũng sẽ bơi sang bên trái, về phía mỏm Kim Cương, và phó mặc cho sóng lớn Canaca đánh dạt vào bờ. Nhưng vì ông, chính là ông, một lực sĩ hai mươi hai tuổi với làn da đen cháy do phơi quá nhiều dưới ánh nắng mặt trời nhiệt đới và có mầu như gỗ mun, với tấm thân và các bắp thịt cứng như của Điúc Cahanomốc. Trong những cuộc bơi thì cự ly một trăm phút, người quán quân thế giới kia bao giờ cũng đến đích trước anh cả một giây đồng hồ. Nhưng khi bơi cự ly dài, anh lại bỏ rơi người quán quân kia khá xa. 

Trong số mấy trăm người có mặt trên bãi tắm lúc bấy giờ, ngoài người thuyển trưởng và các thuỷ thủ của ông, không một ai biết rằng đôi vợ chồng trẻ Báctơn đã bơi ra khỏi đập chắn. Tất cả những người nhìn thấy họ bơi ra khỏi bờ đều đinh ninh rằng, họ đã cùng với những người khác, nhảy từ trên đập xuống. 

Đột nhiên người thuyền trưởng nhảy phốc lên lan can hàng hiên rồi một tay bám chiếc cột, một tay hướng ống nhòm ra phía hai chấm đen phía xa kia. Dự đoán của ông đã chính xác. Hai kẻ ngu ngốc kia, thoát được ra khỏi dòng chảy, đã quay sang, bơi về phía mỏm Kim Cương. Muốn vào đến bờ, họ phải vượt qua những đợt sóng lớn Canaca. Nguy hiểm hơn nữa, có vẻ họ còn định bơi ngang qua những con sóng dữ tợn ấy. Ông liếc nhanh xuống phía dưới. Nhưng đến khi các thuỷ thủ - đang giả vờ lim dim ngủ - đáp lại cái liếc mắt ấy, từ từ đứng dậy và chiếm lĩnh vị trí trên chiếc thuyền, thì người thuyền trưởng lại thay đổi ý kiến. Đôi nam nữ kia chắc chắn sẽ chết trước khi thuyền của ông kịp đến cứu. Thậm chí nếu thuyền cứu có đến kịp thì nó cũng sẽ bị lật chìm ngay lúc rời khỏi dòng chảy bơi vào vùng sóng lớn. Và những thuỷ thủ lành nghề nhất trong đội thuyền của ông chắc gì đã cứu sống được một người đã bị những ngọn sóng bạc đầu khủng khiếp và tàn nhẫn kia quật xuống đáy biển? 

Người thuyền trưởng nhìn thấy, ở xa tít ngoài khơi, đằng sau hai chấm nhỏ xxíu kia, ngọn sóng Canaca đầu tiên đang xô tới, ngọn sóng này khá lớn nhưng chưa phải loại lớn nhất. Rồi ông nhìn thấy đôi nam nữ kia bơi trườn bên cạnh nhau, úp mặt xuống nước, vươn dài người, chân đập như chân vịt, tay sải dài về phía trước, cố theo kịp với tốc độ của ngọn sóng đang đuổi theo họ, để khi chạm vào sóng, họ không bị tụt lại phía sau, mà để nó cuốn họ theo. Đến lúc ấy, nếu như họ có đủ bình tĩnh và khôn ngoan để giữ vững mình trên ngọn sóng chứ không để cho nó cuốn đi rồi quật xuống đáy, thì họ cũng sẽ bị nó đẩy vào bờ, bằng sức của nó, chứ không còn bằng sức của bản thân họ nữa. 

Và họ đã làm được đúng như thế. "Giỏi đấy!" Viên thuyền trưởng thuyền số chín tự nhủ thầm như vậy. Nhưng ông vẫn không rời mắt khỏi chiếc ống nhòm. Vì tay bơi lội giỏi nhất cũng chỉ có thể bơi trên những ngọn sóng như vậy được vài trăm phút. Còn hai người này? Nếu như họ không đuối sức thì cũng chỉ vượt được một phần ba quãng đường mà họ đã tự ý lựa chọn. Và đúng như thuyền trưởng dự đoán, chị phụ nữ gặp khó khăn trước. Vì phần nổi của cơ thể chị nhỏ hơn. Bơi được khoảng bảy chục phút, người thuyền trưởng thấy chị không giữ vững được nữa và chị biến mất. Cả một khối nước hàng mấy tấn trùm lên người chị. Rồi người đàn ông cũng biến mất. 

Nhưng lát sau cả hai lại hiện ra trên mặt nước, đằng sau ngọn sóng một quãng xa, ngọn sóng mà họ để tuột mất. 

Đợt sóng tiếp theo, người thuyền trưởng nhìn thấy trước họ. "Nếu như họ định bắt lấy ngọn sóng này nữa thì thế là hết!" - ông rít lên qua kẽ răng. Ông biết rằng bất cứ ai táo tợn dám làm như thế thì sẽ nguy. Ngọn sóng này chiều dài chừng một dặm, chưa có bọt, nhưng nguy hiểm hơn một ngọn sóng bạc đầu. Nó đang dâng dần lên ở khá xa sau lưng họ, cao mãi, cao mãi rồi đến khi biến thành một bức tường lừng lững che lấp cả đường chân trời, mới bắt đầu xuất hiện một đường bọt trắng trên đỉnh, lúc đầu mảnh mai rồi sau mới to rộng. 

Nhưng rõ ràng là đôi nam nữ kia rất thông thuộc biển cả. Đáng lẽ tránh ngọn sóng thì họ lại quay mặt về phía nó để đón đợi. Người thuyền trưởng thầm thán phục họ. Một mình ông chứng kiến cảnh tượng này, và nhìn thấy hết sức rõ ràng nhờ chiếc ống nhòm. Bức tường bằng nước dâng cao dần, và ở tít phía trên đỉnh, chỗ nước mỏng hơn, ánh hoàng hôn xuyên qua lớp nước xanh biếc. 

Mầu xanh lục sáng dần rồi trở thành mầu xanh lam. Và mầu xanh lam này loé lên dưới ánh mặt trời, thành muôn vàn tia lấp lánh mầu hồng và mầu kim tuyến. Cả một đám mầu sắc dâng lên cao, cao nữa, đến tận đỉnh bạc đầu, lan toả ra mãi cho đến khi toàn thể ngọn sóng biến thành một khối loang loáng những ánh cầu vồng đủ mọi mầu sắc. 

Trên cái nền của ngọn sóng, hai cái đầu, một nam, một nữ, biến thành hai chấm đen. Đó cũng là hai cái chấm lọt thỏm giữa sức mạnh mù quáng của thiên nhiên và đang thách thức với mãnh lực vô biên của đại dương. Sức nặng của ngọn sóng cao vút, khi đổ xuống, có thể đè bẹp người đàn ông, bẻ gãy xương cốt của người đàn bà. Viên thuyền trưởng thuyền số chín bỗng nín thở lúc nào chính bản thân ông cũng không để ý thấy. Ông quên mất người đàn ông. Ông chỉ chăm chú vào người đàn bà. Chỉ cần chị ta luống cuống, hay hốt hoảng, hoặc làm một động tác kém chính xác một cái, là lập tức một sức mạnh khủng khiếp sẽ hất chị ra xa một trăm phút, đè bẹp rồi quật cái thân xác dúm dó kia xuống đáy san hô để mặc cho dòng nước dưới sâu cuốn chị ta ra ngoài biển khơi làm mồi cho đàn cá mập háu đói, nhưng nhát gan, không dám tấn công những người đang còn sống. 

Tại sao, viên thuyền trưởng tự hỏi, tại sao họ lại không lặn từ trước xuống sâu hơn một chút, mà lại dại dột đón đợi cho cái dây phút an toàn cuối cùng biến thành giây phút đầu tiên của nỗi hiểm nguy chết người kia? Ông nhìn thấy chị phụ nữ vừa cười vừa quay mặt sang phía anh đàn ông và anh chàng này cũng cười vang đáp lại. Ngọn sóng đã đang nâng họ lên trên cao, và phía trên nữa, đỉnh sóng mầu trắng đục như sữa bật lên những đám bọt lấplánh như vàng ngọc. Ngọn gió mát mẻ từ trong bờ thổi ra, hứng lấy những đám bọt trắng ấy, đưa chúng lên cao rồi tạt chúng về phía sau. Đến đúng lúc ấy, vẫn giữ khoảng cách giữa họ sáu phút, đôi nam nữ đột nhiên cùng lặn xuống dưới đay con sóng một lượt. Và cũng chính lúc ấy, ngọn sóng tan ra và hạ xuống. Đôi nam nữ biến mất hút như hai con côn trùng biến đi. 

Đôi nam nữ biến mất hút như hai con côn trùng biến đi trong một giò phong lan khổng lồ. Còn ngọn sóng bạc đầu và đám bọt trắng xoá cùng những giót nước bắn lên cao kia, tất cả đều ầm ầm đổ xuống vào đúng chỗ mà đôi nam nữ vừa ngụp xuống. 

Cuối cùng, đôi nam nữ kia lại hiện ra ở phía sau lưng ngọn sóng. Họ vẫn giữ khoảng cách sáu phút giữa họ. Họ sải dài hai tay, bơi về phía bờ, luôn luôn sẵn sàng hoặc đón ngọn sóng tiếp theo, hoặc chờ nó đến để ngụp xuống dưới chân nó. Viên thuyền trưởng thuyền số chín vẫy tay ra hiệu cho đội thuỷ thủ, ý nói họ có thể giải tán. Ông ngồi lên hàng lan can, cảm thấy một nỗi mệt mỏi khó tả, nhưng vẫn cầm ống nhòm theo dõi một đôi nam nữ đang bơi. 

- Họ là ai thế nhỉ? - ông lẩm bẩm. - Có điều chắc chắn họ không phải là malakhini. Điều ấy thì mình dám khẳng định. 

Sóng ở Vaikiki không phải thường xuyên lên đến độ cao. Thậm chí còn rất hiếm khi. Và mặc dù thời gian sau đó hai vợ chồng Báctơn vẫn tiếp tục làm cho các bà các cô đến nghỉ phải chú ý và khó chịu, nhưng các thuyền trưởng trong Câu lạc bộ Thuyền buồm thì thôi không lo lắng gì cho họ nữa. Những người thuyền trưởng này đã nhìn thấy đôi vợ chồng này bơi ra xa bờ, tan biến giữa làn nước xanh biếc rồi sau đấy vài tiếng đồng hồ, họ sẽ nhìn thấy hoặc không nhìn thấy hai người kia quay trở về. Các viên thuyền trưởng không lo lắng gì vì họ biết chắc rằng đôi vợ chồng kia sẽ trở về. 

Bởi vì họ không phải là malakhini. Họ là dân bản địa. Nói cách khác, hay nói cho đúng hơn, có thể gọi họ theo tiếng Haoai: đấy là những camaaina. Những người dân địa phương đều còn nhớ cậu bé Li Báctơn, khi cậu đúng còn là một malakhini, mặc dù còn rất nhỏ tuổi. Từ bấy đến nay, do hay đến nơi này và do ở đây lâu, cậu đã vinh dự được mọi người coi là một camaaina. 

Còn Iđa Báctơn thì những phụ nữ bản địa trạc tuổi chị, mỗi khi gặp chị đều ôm hôn thắm thiết theo kiểu Haoai (trong bụng thầm ngạc nhiên làm sao chị lại giỏi giữ thân thể trẻ lâu như vậy). Các bà già thường mời chị uống trà và trò chuyện nhắc lại quá khứ trong những góc sân, những ngôi nhà trong ngõ hẻm, nơi khách du lịch không ai nhìn thấy bao giờ. Ngay sau hôm chị về đây, chưa được một tuần lễ, bà hoàng già lụ khụ Liliucalani đã sai người tìm chị để mời đến chơi nhà và đã quở mắng đầy tớ về tội chưa tiếp đãi chị cho thật chu đáo. Còn những cụ già móm mém, ngồi trên những chiếc chiếu mát rượi và thơm phức, thường kể chị nghe về ông nội của chị, thuyền trưởng Uyntơn. Bản thân họ chưa hề được gặp cụ nhưng lại thích gợi lại những kỷ niệm về cuộc đời phóng đãng, về những hành vi điên rồ của cụ, mà họ biết được do cha mẹ họ kể lại. Ông nội chị - thuyền trưởng Uyntơn, - chính là Đêvít Uyntơn, cũng được gọi là "Người bách nghệ" - biệt danh do dân Haoai yêu mến đặt cho cụ thời bấy giờ. Cụ lúc đầu là người buôn bán ở vùng Tây-Bắc hoang dã, về sau trở thành kẻ giang hồ, thuyền trưởng không có thuyền. Cũng chính cụ năm 1820, đứng trên bờ biển Cailoa đã chào đón những nhà truyền giáo đầu tiên đến hòn đảo này trên chiếc thuyền buồm lớn Tađêus", và sau đấy vài năm chính cụ đã quyến rũ được con gái của một trong những nhà truyền giáo kia, cưới cô làm vợ, trở nên người chín chắn rồi phục vụ một cách chăm chỉ và trung thành các vị vua Camêhamêha trong một thời gian dài với chức vụ Thượng thư Bộ tài chính và Giám đốc Nha thuế vụ, đồng thời đóng vai môi giới và hoà giải giữa một bên là những nhà truyền giáo, một bên là đám người phức tạp và luôn thay đổi, gồm những dân du thủ du thực, lái buôn và những tù trưởng Haoai. 

Li Báctơn cũng không thể có gì phải phàn nàn về sự lạnh nhạt của mọi người ở đây đối với anh. Mỗi khi nhân một dịp nào đó, dân ở đây tổ chức những cuộc vui chơi ngoài biển, nhảy múa hoặc những bữa ăn uống nhậu nhẹt theo kiểu dân tộc gọi là "luao", các bè bạn cũ đều không quên kéo anh vào dự vui với họ. 

Đã có thời họ là những kẻ táo tợn, sống ngày nay không cần biết đến ngày mai. Bây giờ họ phát hiện ra rằng, thiên nhiên đã phú cho họ chức năng tiêu hoá và nhiều chức năng khác của cơ thể, thế là họ trở lại lành hiền, bớt càn quấy, tăng chơi quần ngựa và thường xuyên đến dự những cuộc đấu bóng. Những bè bạn cùng chơi bài pôke với Li Báctơn cũng đã trải qua một cuộc biến hoá tương tự. Bây giờ họ hạ thấp mức tiền đặt cọc xuống rất nhiều, uống toàn nước suối và nước cam, kết thúc canh bạc trước mười hai giờ đêm. 

Giữa lúc sôi nổi nhất của cuộc vui chơi, trên sân khấu bỗng xuất hiện Xani Grenđixơn, người gốc rễ và đồng thời cũng là người hùng của quần đảo Haoai. Mới bốn mươi mốt tuổi anh đã có thể từ chối lời đề nghị anh làm chức thống đốc xứ sở này. Trước đây một phần tư thế kỷ, anh đã từng quẳng cô bé Iđa vào con sóng ở bờ biển Vaikiki. Còn trước đó thì trong khi nghỉ vụ hè ở trong trại chăn nuôi to lớn của cha anh trên đảo Lacanai, anh đã long trọng thu nạp cô bé Iđa cùng vài cậu bé nữa từ năm đến bảy tuổi vào "băng" của mình mang tên "Băng thợ săn đầu" hay còn gọi "Bão tố Lacanai". Còn trước đó nữa thì ông của anh và ông của Iđa đã cùng cộng tác với nhau trong những hoạt động chính trị và kinh doanh. 

Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Haoađơ, anh đã vừa chu du rất nhiều nơi, vừa nghiên cứu khoa học. Và đến mỗi nơi anh lại kết thân với những bạn bè mới. Anh đã phục vụ ở Philipin, với tư cách nhà côn trùng học đã tham gia một loạt đoàn khảo sát khoa học ở quần đảo Malaixia châu Phi và châu Mỹ La-tinh. Năm bốn mươi mốt tuổi anh vẫn còn đứng trong biên chế của Học viện Xmítxơn. Và bè bạn quả quyết với anh rằng, anh hiểu biết về loại sâu đục thân mía còn hơn những chuyên gia côn trùng học ở trạm thực nghiệm do anh cùng những chủ đồn điền mía khác sáng lập nên. Ở quê hương, anh là nhân vật có tiếng tăm và cũng là người đại diện nổi tiếng nhất của dân Haoai ở nước ngoài. Những người Haoai đã du lịch ra nước ngoài đều đồng thanh công nhận rằng, bất cứ đến nơi nào trên trái đất, cứ hễ biết họ là dân Haoai, lập tức người ta hỏi ngay: "Vậy ông (hay bà) có biết Xani Grenđixơn không?" 

Tóm lại, anh là con nhà giàu, lại là người đã đạt nhiều thành công lớn trong cuộc đời. Anh đã biến số tiền một triệu đôla thừa hưởng của cha thành mười triệu. Trong khi đó anh vẫn không giảm bớt những món tiền góp vào các hội từ thiện mà thuở sinh thời cụ vẫn thường góp, thậm chí còn tăng thêm. 

Nhưng đây chưa phải toàn bộ những gì có thể kể về con người này. Cách đây mười năm, vợ anh đã qua đời. Hai người không có con.Và không một người đàn ông nào trên khắp quần đảo Haoai lại được nhiều phụ nữ mơ ước được kết duyên như anh. Dáng người cao thon, bụng nhỏ như bụng lực sĩ, anh bao giờ cũng ăn mặc chỉnh tề, lịch sự. Tóc đen, nét mặt cương nghị, chỗ thái dương có ít sợi bạc, da mặt trẻ trung, nhẵn bóng, mắt sáng và linh hoạt, anh nổi bật lên ở bất cứ nơi đông người nào. Tưởng chừng như toàn bộ thời giờ của anh đều bị cuốn vào những cuộc vui chơi phù phiếm, những cuộc họp của các uỷ ban, các ban quản trị và các hội nghị chính trị. Ngoài ra anh còn làm đội trưởng đội bóng pôlô đã nhiều lần đoạt giải. Và trên hòn đảo Lacana của mình, anh đã nuôi ngựa chuyên phục vụ môn thể thao pôlô. Và công việc kinh doanh này cũng thu lợi không kém gia đình Bonouyn trên đảo Maoi. 

Khi trên sân khấu đã có mặt hai nhân vật mạnh mẽ và độc đáo - một đàn ông và một đàn bà - nay lại xuất hiện thêm nhân vật đàn ông thứ hai, cũng mạnh mẽ và độc đáo không kém, thì hầu như tất yếu sẽ phải tạo nên một bộ ba đầy bi kịch. Nếu dùng ngôn ngữ của những kẻ chuyên lê gót giầy ở những nơi công cộng thì một bộ ba như thế có thể gọi là một bộ ba "siêu bi kịch" hoặc bộ ba "kinh thiên động địa". Người đầu tiên nhận ra được tình thế này tất nhiên phải là Grenđixơn bởi vì toàn bộ câu chuyện bắt đầu từ ý định táo tợn của anh. Hơn nữa, chắc gì trí thông minh của anh, cho dù nhạy bén đến mấy đi nữa, có thể vượt được trực giác của một phụ nữ như Iđa Báctơn. Nhưng điều này thì rõ rằng: "Li Báctơn là người cuối cùng nhận ra. Và anh tìm cách biến mọi chuyện thành trò đùa cợt, trong khi chuyện ấy chẳng phải trò đùa chút nào.