Hoa nở giữa tháng năm cô đơn - Chương 11 - Phần 1

Chương 11

KÝ ỨC CỦA NGÀY NÀY NĂM TRƯỚC

Tất cả ký ức trong tôi ùa về, mà tôi có thể nhớ lại cũng chỉ được nhiều bằng chừng đấy.

Tôi dùng lý trí sắp xếp lại một lần nữa những đoạn ký ức hỗn loạn, với rất nhiều những hình ảnh cũ rích đã bị vùi lấp từ rất lâu rất lâu rồi, sau đó xâu chuỗi chúng cẩn thận theo thứ tự, thấu qua ánh nắng rực rỡ, nhìn chúng trên bầu trời vừa bay múa vừa kể chuyện.

Mà đó, chính là những câu chuyện của tôi.

Với tôi mà nói, bệnh viện là nơi mà mọi người cảm thấy chán ghét, âm khí ở đấy thực sự rất nặng, hơn nữa có rất nhiều chuyện kỳ lạ về ma quỷ lưu truyền ra ngoài cũng từ bệnh viện. À đúng rồi, trong viện y học còn chứa những thi thể..., Nửa đêm...

Đây đúng là nơi tạo lên những tin đồn.

Còn những sinh viên chi chi cha cha trong viện, thì lúc nào cũng thảo luận về những đề tài khiến mọi người thật không còn gì để nói với bộ mặt chẳng hề biến sắc, ví dụ như người nhảy lầu tự sát ngã xuống đất thì sau khi nội tạng bị vỡ nát rồi mới chết hay là lúc ở lưng chừng giữa không trung vì bị sự kích động sợ hãi đã chết rồi. Bọn họ lúc nào cũng thích thảo luận vấn đề này ngay trên bàn ăn nên khi bọn điên khoa Y kéo thành đoàn áo blouse trắng, cả người toát ra cái mùi thối rữa của phòng thực nghiệm đi vào nhà ăn thì bọn tôi đều phải tránh thật xa.

Mà bọn họ còn rất tích cực tổ chức những hoạt động vô vị, khiến tôi chẳng thèm đưa tay ra cầm lấy tờ rơi mà cảm thấy bực bội trong lòng, vì đám trẻ thượng đức cứu đời này sẽ cứ bám lấy bạn mà nói: “Bạn ơi, hôm nay là ngày thế giới không hút thuốc lá, hôm nay là ngày giấc ngủ thế giới, hôm nay là ngày thế giới phòng chống AIDS...”.

Ngày nào cũng là ngày lễ, chỉ có điều không được nghỉ, vậy thì có ý nghĩa gì để chúc mừng chứ.

Vào chính hôm những chiếc nơ đỏ thắm của đội tuyên truyền phòng chống bệnh AISD bay khắp trường học, tôi đã gặp Cố Tông Kỳ. Lúc đó, có một cậu bạn nhỏ của khoa lâm sàng hệ tám năm tay cầm bút đuổi theo tôi và nói: “Bạn ơi, bạn ký tên đã, mong bạn hỗ trợ cho công việc của chúng mình”.

Lần ấy, tôi đang bị cảm, lần đầu tiên trong đời tôi trải qua sự xâm nhập của bệnh cúm, đầu óc đau nhức như búa bổ, cảm thấy bọn họ vừa ồn ào vừa phiền phức, cho nên tôi lập tức cầm lấy cái bút, vẽ lên trang giấy cuộn màu đỏ hai hình vuông. Nghĩ một lúc, thấy nó không được đẹp cho lắm, tôi bèn vẽ thêm vài nét vào trong, thành ra hình 囧囧(*), rồi vứt bút xuống chuẩn bị đi thì bên cạnh có người vui mừng gọi: “A, thầy Cố!”.

(*) Chữ nhìn giống hình mặt người xị xuống.

Trong nhà ăn sinh viên trước bàn ký tên có một chuỗi cửa hàng bán sủi cảo, vì vậy mà có rất nhiều thầy cô giáo cũng đến đây ăn. Việc bắt gặp hai con mèo tham ăn ở đấy cũng là chuyện bình thường thôi, nhưng thật sự chưa hề gặp một con mèo nào tham ăn như vậy, tay trái xách một túi chừng năm hộp cơm to đùng, khoảnh khắc đó tôi đã không giữ nổi buột miệng nói thẳng ra cảm nghĩ của mình: “Ặc, cái thùng cơm”.

Câu nói của tôi thực sự là rất nhỏ rất nhỏ, đáng lẽ cả nhà ăn huyên náo, ồn ào, người ra người vào ắt sẽ bạt đi tiếng nói của tôi lúc đó, ấy thế mà mọi người lại lần lượt trố mắt nhìn tôi, đôi mắt họ như chứa đầy tiếng cười nữa.

Người con trai ấy cao hơn tôi cả một cái đầu, mặc dù so với đám con gái tôi cũng thuộc hạng cao rồi, hiếm có trường hợp tôi phải ngước đầu lên, nhưng người đang đứng trước mắt tôi thì không những khiến tôi phải ngẩng đầu mà còn phải ngước mắt lên nhìn. Bởi vì người ấy đẹp quá, đôi mắt ấm áp, lông mày thanh tú, giữa hai mắt chứa đựng một sự bình thản như gió nhẹ mây tan, như những đám mây vàng trên bầu trời thảo nguyên, như con sóng yên bình giữa biển xanh sâu thẳm, lặng lẽ ôm ấp lòng người.

Hơn nữa, đôi mắt ấy như biết nói chuyện, giống như những giọt nước tinh khiết trong ly thủy tinh, rung nhè nhẹ, khúc xạ thẩm thấu tia sáng rực rỡ, rõ ràng lắc lắc nhưng không hề bị tràn ra.

Anh ấy chỉ nhìn tôi một cái lạnh lùng, rồi mỉm cười, nhưng nụ cười ấy làm tôi sợ phát co người lại, ngoài mặt bình thản không chút biểu cảm, nhưng trong lòng thì đã như sóng vỗ cuồn cuộn, chết đứng trên bãi cát, để cho từng lớp rồi từng lớp sóng cuốn trôi.

Tôi ngước lên, rồi liếc mắt nhìn qua, rốt cuộc tôi đang giả nai, giả nai quá...

Sau đó tôi cố tỏ ra bình thản hơn, thậm chí là có một chút gì đó thanh cao đi qua phía bên cạnh anh ấy mặc dù trong lòng lúc đó chẳng khác gì món thịt lợn nướng mới ra lò, phủ trên là một lớp sốt cà chua vừa nấu chín vẫn còn đang xèo xèo.

Đại khái là ấn tượng sâu sắc đầu tiên của tôi khi gặp Cố Tông Kỳ đó là một anh chàng đẹp trai.

Tôi lại leo lên giường đi ngủ, cảm cúm khó chịu đến mức làm người ta chỉ muốn chết ngay lập tức. Trong lúc đang ngủ mê man thì chuông điện thoại reo lên, là bố nuôi của tôi gọi đến, ông hỏi tôi: “Ơ, con bị ốm à, mà bị nhiễm virút cảm cúm gì hả con? Gia súc hay gia cầm?”.

Tôi luôn cảm thấy bố nuôi tôi đúng là độc mồm độc miệng, trải qua vài ngày bị con virút mà chẳng biết là loại gia súc gia cầm hành hạ tôi mới chợt ngộ nhận ra rằng, hóa ra mấy cái bệnh tình nguy đốn này đều do lời nguyền rủa của bố mà ra cả.

“Cầm hay súc đều không bằng được... bố ạ”, chưa nói hết câu tôi bèn đánh tháo ngay, rồi hỏi: “Con sắp chết rồi đây, bố tìm có chuyện gì không?”.

Bố nuôi trả lời: “Không có gì chuyện gì đâu, tối qua mẹ nuôi bảo con qua ăn cơm, con lại nói đang bị ốm nên hôm nay ta mới gọi điện hỏi xem tình hình sức khỏe của con như thế nào thôi? Sao con bị đã mấy ngày rồi mà vẫn chưa khỏi thế? Hay là chiều nay con đến đây khám đi!”.

“Không phải là bị cảm cúm thì không có cách nào chữa khỏi sao bố, chỉ có cách là để nó tự khỏi thôi”.

Bố trầm xuống một lúc rồi bảo tôi: “Con đến khám ở khoa nội Trung y đi, bốc mấy thang thuốc, uống theo đúng liều là khỏe ngay thôi. Để bố xem chút, à thế này nhé, chiều nay con qua đi, giáo sư Hoàng hôm nay chẩn bệnh đấy, bố sẽ nói trước với bác ấy”.

Tôi nói: “Vâng được ạ, nhưng phải chữa khỏi bệnh cho con, nếu không khỏi hẳn thì con sẽ tố cáo đấy”.

“Cái con này...”, bố nuôi thiệt không biết nói gì với tôi nữa.

Tôi tắt máy luôn, rồi lại nằm rập cả người xuống.

Buổi chiều khám bệnh xong, tôi xách một túi thuốc đầy không cần phải sắc đến chỗ bố nuôi, lúc lên thang máy, trước mặt tôi có hai cô bé thực tập sinh cứ ri rỉ ra rả suốt, trong thang máy ngoài tôi ra còn có một bác sĩ dáng người to cao, mặt đeo khẩu trang, mặc một chiếc áo khoác trắng trông thật chỉn chu, tôi nhìn qua một cái, sau đó bỗng nghe thấy tiếng ai đó ở phía cầu thang: “Đợi một chút”.

Khổ nỗi hai cô bé thực tập sinh mải vui vẻ nói chuyện quá nên không nghe thấy tiếng gọi, rồi có tiếng gì đó “rắc rắc”, một gã béo vừa bị hai cánh cửa thang máy đang đóng kẹp đúng vào người, nhìn bai bên cơ thể trông thật khủng khiếp, giống y như củ khoai tây to vừa bị nghiến nát.

Tôi bất đắc dĩ liếc qua, buồn cười quá mà không dám cười, cô bé đứng cạnh cửa thang máy thì cứ liên tiếp tạ lỗi: “Xin lỗi...”.

Sự cố bất ngờ này khiến cho gã béo ấy thực sự không thoải mái, đại khái là hắn ta cho rằng bệnh viện là thiên đường, bác sĩ là những thiên sứ, còn hắn là thượng đế, cho nên hắn hằm hằm rồi phun ra một câu: “Hừ, mẹ mày bị điếc à...”.

Nhưng hai cô bé thực tập sinh vẫn cứ nói chuyện ri rỉ ra rả không ngừng, hơn thế lại còn rất hứng chí đi từ tầng năm xuống.

Bình thản quá khiến người ta phát bực.

Đương nhiên tôi cũng chẳng thoải mái, liếc qua, rồi tôi liếc mắt nhìn lên gã béo ấy một cách khinh miệt, vừa nhìn vừa nghĩ, bị kẹp một tí có gì đáng phải kêu than như hồn ma thế không chứ, cũng chẳng phải người ta kẹp vào cây cột quý truyền đời của nhà hắn, chỉ như dính chút son môi thôi, làm gì mà phải kêu lên giống như phản ứng của con heo thế, có thể nói là đôi mắt tôi lúc nhìn hắn chứa đầy một sự khinh rẻ, coi thường.

Cuối cùng, hắn ta không chịu nổi nữa, nhìn tôi một cái, có một chút xấu hổ, rồi đưa mắt nhìn sang chỗ khác, qua một lúc sau hắn lại quay sang nhìn tôi, phát hiện tôi vẫn đang nhìn hắn, bèn vội vã giải thích: “Tôi... hôm nay tinh thần không được tốt cho lắm...”.

Tinh thần không tốt lại chạy đến đây gây chuyện thì đúng là có bệnh, bệnh điên dại, tôi lườm hắn một cách khinh thường rồi nhìn thang máy sắp dừng lại, nhanh chóng bước chân, đi theo vị bác sĩ đeo khẩu trang bước ra ngoài.

Tôi quên mất không nhìn thang máy đang dừng ở tầng mấy, cho nên lúc nhìn những phòng bệnh được bố trí giống hệt như ở khoa ngoại nhưng chẳng có một chút gì quen thuộc, mặt tôi mới đần ra, tự nói tự trả lời: “Đây là tầng mấy nhỉ? Nhìn thì không nhìn mà đã xuống rồi”.

Một giọng nói nghe thật hay từ đằng sau người tôi phát ra: “Đây là khoa ngoại phẫu thuật chung, cô muốn đi đâu?”.

Tôi chẳng nghĩ ngợi gì hết buột miệng trả lời ngay: “Khoa ngoại gan mật”.

“Tầng dưới, bên trái thang máy”.

“Ồ, cảm ơn”. Tôi móc lấy khăn giấy lau nước mũi đang không ngừng chảy, cũng chẳng kịp ngoái nhìn vị bác sĩ tốt bụng ấy, vội vội vàng vàng xách túi chạy xuống.

Còn giữ lại một tiếng nói thật bé, và dường như không nghe thấy tiếng cười.

Leo xuống cầu thang gặp bố nuôi, cây treo đồ bên cạnh bàn làm việc của bố treo rất nhiều áo blouse trắng, nhìn một cái là biết của thực tập sinh rồi, còn có hai hộp cơm của chuỗi cửa hàng sủi cảo, tôi ngay lập tức nghĩ ngay đến thùng cơm - anh chàng đẹp trai kia.

“Lấy thuốc gì đấy, đưa ta xem nào”.

Tôi lườm bố một cái: “Làm gì, bố chẳng phải là bác sĩ Trung y, đưa bố xem bố cũng có hiểu gì đâu, buổi trưa mọi người ăn sủi cảo tôm tươi và nấm hương tăng giá ạ”.

“Phòng phẫu thuật cho đấy, chủ nhiệm lên chức rồi, sủi cảo không ăn thì hỏng mất, mới chia qua đây”.

“À, đúng rồi Tịch Tịch, giới thiệu bạn trai cho con nhé, con thấy thế nào?”.

Mắt tôi sáng lên: “Đẹp trai không?”.

“Đẹp”.

“Bác sĩ hay không phải bác sĩ”.

“Làm ở phòng phẫu thuật khoa ngoại, trẻ trung tuấn tú, du học ở Nhật về ”.

“Thế thì thôi”.

“Sao thế con?”.

Tôi bĩu môi trả lời: “Con chẳng thèm bác sĩ đâu, bị bệnh hết, đi ngủ không tắt máy điện thoại, ngủ được một lúc thì đột nhiên có tiếng hát “Cửa nhà tôi luôn mở, lòng mở rộng dung nạp trời đất”, cứ như thế mãi không sớm thì muộn thần kinh cũng suy nhược”.

“Hà hà, con không phải vẫn luôn thích bác sĩ à? Thằng nhóc trước kia chẳng phải cũng là bác sĩ sao?”.

“Đừng nhắc đến hắn nữa, mất hứng, con mà yêu ai học ngành y thì con tự ngược đãi với mình à?”.

Lúc ấy rất thịnh hành trò chơi điểm danh, trên blog có linh tinh loạn xị các đề tài, trong đó có một câu hỏi khiến tôi ghét nhất là: “Tôi có khả năng sẽ kết hôn với người học chuyên ngành nào nhất”. Khi đó, tôi không một chút do dự mà viết: “Chắc chắn không phải là học y”.

Sau đó, mấy câu trả lời này bị các bạn học cùng ngành y trường tôi nhìn thấy, mọi người hí hửng cười trên nỗi đau của tôi: “Dụ Tịch, cẩn thận không thành sinh viên Y nhé, tương lai lấy chồng, chồng mà là bác sĩ, xem bạn có khóc nổi không...”.

Khi ấy, tôi nghĩ một cách rất thoải mái và đơn giản, sợ gì chứ, nói ra được tức là chẳng phải sợ gì nguyền rủa, nguyền rủa nhiều quen rồi.

Vì muốn nhấn mạnh cái tinh thần ấy mà tôi viết thêm một câu khiến tôi phải hối hận cả đời, hơn nữa lại còn bị bố nuôi thường xuyên mang ra trêu chọc tôi: “Tôi chẳng thèm tìm ai học y, có chó mới tìm”.

“Được rồi, không muốn thì thôi vậy, con về nhà ngoan ngoãn uống thuốc đi”.

Gần khỏi hẳn cảm cúm, thì cũng là lúc những chiếc nơ đỏ dần dần biến mất trong mắt tôi, đứng dưới ánh nắng chói chang, dường như tất cả khí độc trên người đều bị quét sạch hết, tôi lại bắt đầu thấy nhớ chuỗi cửa hàng sủi cảo ở căng tin.

Xếp hàng là việc khiến tôi thấy phiền phức nhất trên thế giới, đặc biệt là những lúc có người chen ngang vào sau chỗ những người quen của họ rồi quẹt thẻ lấy cơm, tôi phát chán ngán bực mình đến mức lửa cháy ba tấc...

Đã là lần thứ ba rồi, có một gã con trai tướng mạo xấu xí chen ngang trước mặt tôi, mồm miệng hăm hở nói: “Tất cả thịt, mười tệ”.

Vì muốn tránh chửi rủa ở đây, tôi liền học theo cái biểu tượng sự “khinh bỉ” trong QQ, rồi giơ ngón tay cái ra, chỉ xuống mặt đất, để thể hiện thêm mức độ khinh rẻ của tôi. Vừa rút tay về thì tôi bắt gặp ngay một ánh mắt hiếu kỳ đang trừng trừng nhìn tôi.

Lại là thùng cơm đẹp trai, đến ăn sủi cảo, còn đứng xếp ở ngay hàng bên cạnh, anh ta chỉ lạnh nhạt nhìn qua tôi, đến bản thân tôi còn thấy xấu hổ vội vàng để tay xuống, sau đó bình thản nhìn vào món sủi cảo.

Và có một giọng nói nho nhỏ phía bên cạnh đập vào tai tôi: “Thầy Cố, thầy cũng đến sao, đến đây ăn sủi cảo ạ?”.

Nghe thấy một tiếng nói rất quen thuộc: “Cho vào hộp nhé, để mang về”.

“Thầy Cố ơi, thi môn lý luận y học lâm sàng có được ôn theo chủ điểm không ạ, hay là phải thi hết”.

Tôi nhẹ nhàng hướng mắt lên liếc nhìn anh chàng đẹp trai một cái, anh ấy đang đứng sau cậu sinh viên kia rồi nói chuyện bằng một thái độ rất ấm áp, nhẹ nhàng: “Thi môn ngoại khoa có cần trọng điểm không, lúc học nên nắm được rồi chứ”.

Tôi “Ờ” một tiếng, trong lòng lạnh lùng nhìn cậu sinh viên kia khinh bỉ, cái gì mà phải ôn trọng điểm, phẫu thuật nội tạng ký sinh trùng cũng được thôi, nhưng vấn đề là sau này bệnh nhân lại không chỉ mắc phải mỗi mấy cái bệnh được “ôn trọng điểm”, ra trường rồi thành một bác sĩ vô dụng.

“...Nội dung tôi dạy chỉ có thế mà thôi”, anh ấy lạnh lùng mỉm cười: “Về học thuộc tất cả những thứ ấy là được rồi”.

Tôi đoán là lúc ấy không chỉ có tôi mà những người khác cũng đều bị choáng, không phải là bị khiếp sợ, mà là thấy nghẹn lại.

Thầy giáo này nhất định là bụng dạ đen tối, trong lòng tôi đang lặng lẽ tính toán, bề ngoài thì hiền lương, khiêm nhường, văn vẻ thư sinh, nhưng thực chất bên trong đen tối, độc ác vô cùng vô tận, chuyên đi hành hạ học sinh.

Nhưng sau này khi tiếp xúc tôi mới nhận ra rằng, Cố Tông Kỳ trời sinh đã nghiêm khắc cẩn thận, làm việc gì cũng rất chỉn chu, có lúc thấy thích sự thẳng thắn chân thật ấy, nhưng đôi lúc thấy thật quá cố chấp, chứ bản chất anh ấy không phải là người lòng dạ đen tối, mà thực tế là một người rất thuần khiết.

Chỉ là lúc ấy tôi không hiểu thôi. Mua sủi cảo xong, tôi quay người sang thì đúng lúc nhìn thấy một bạn cùng lớp lâm sàng hệ năm năm, vừa đi vừa nói, nhắc đến chuyện “Thầy Cố” lúc nãy, tôi bèn nói: “Thầy giáo bạn mặt mũi tỏ ra công bằng và rõ ràng như thế, các bạn có cảm thấy gì không?”.

Một nhóm mấy đứa học sinh nhãi nhép khoa lâm sàng chắc chắn là đã học hành đến đần ra rồi đáp lại tôi: “Cái gì, thái độ cái gì, thái độ đúng đắn thì nên học hỏi”.

Tốt nhất là tôi nên giải thích cho bọn họ: “Các bạn cảm thấy thầy ấy thế nào?”.

“Tốt, một người thầy giỏi”.

Tôi vẫn cứ từng bước dẫn dắt hắn: “Ngoài những việc tốt ra, có bị tin đồn gì không?”.

“Không có”, hắn trả lời vẫn cứ dứt khoát như thế.

Tôi bắt đầu hoài nghi bạn sinh viên này chắc không phải học lâm sàng mà là học khoa khác, hắn lườm tôi một cái nói: “Này Dụ Tịch, nếu bạn có hứng thú như thế thì đến học viện của chúng tôi nghe giảng đi, hình như đúng chiều nay, sinh viên năm tư học môn ngoại khoa đấy, bạn có đi không?”.

Nghĩ đến chàng đẹp trai, tôi liền bắt đầu dối lòng nghĩ một đằng nói một nẻo: “Ặc, tớ chẳng có một chút cảm hứng nào với thầy ấy cả, bạn thừa biết những ai học y tớ đều không có hứng thú, ê, đừng nhìn tớ như thế, thực sự là không có đâu”.

Hắn cứ nhìn tôi đầy hoài nghi: “Không có gì đâu, tám mươi phần trăm các bạn nữ trong học viện của chúng tớ đều thích thầy ấy, thầy là bác sĩ phòng phẫu thuật bệnh viện Đông Hoa, dạy môn ngoại khoa cho chúng tớ, môn khái luận cho lớp kiểm tra lâm sàng, dù sao thì tớ cũng chỉ biết có nhiều như thế thôi”.

Rồi hắn lại nhìn tôi một cách thương hại nói: “Không sao, Đồng Nhược Thiên bị điều đến bệnh viện Thị Trung thực tập rồi, bạn có thể yên tâm vào viện tớ học trong một thời gian ngắn”.

“Ặc, từ lúc nào tớ phải đến viện bạn nghe giảng chứ?”.

“Con gái, đúng là động vật nghĩ một đằng nói một nẻo, đi thôi, đi thôi, buổi chiều còn phải đi tạo xương”.

“Này, bạn có thể đừng có quá nhạy bén như thế không, trù dập người khác quá rồi đấy”.

“Trù dập sao? Ui, xin lỗi nhé, quen rồi sẽ bình thường thôi, thôi không có thời gian nữa rồi, đi thật đây”.

Buổi chiều lúc ngủ dậy, tôi ngần ngại một hồi rồi cũng chạy qua viện y học bên ấy. Viện y học của trường tôi là một học viện rất độc lập, có một chút mùi vị, màu sắc khác với các học viện khác.

Rất lâu rồi tôi mới đến đây, kể từ lúc chia tay với Đồng Nhược Thiên, nơi này chính là cái gai trong lòng tôi, mỗi lần nhìn thấy những bàn học quen thuộc và những cáo biểu trên những hành lang, tôi đều cảm thấy ngạt thở.

Bình thường thì lớp lâm sàng học ở giảng đường lớn, tôi tỉ mỉ chú ý đến quyển sách những sinh viên đang lần lượt đi vào cầm trên tay, bìa bọc da màu xanh da trời, dày cộm như viên gạch, trên mặt sách có hình dáng chữ Ngoại khoa học, mọi người đều vội vã theo nhau vào lớp học.

Cái nhìn đầu tiên tôi đã bắt gặp người thầy giáo vô cùng điển trai đang đứng trên bục giảng. Anh ấy đang kiểm tra bài tập, trên bục giảng còn có mấy cô sinh viên vây quanh anh ấy nói chuyện, anh ấy chỉ lạnh lùng mỉm cười, nói vài câu gì đó nho nhỏ. Tôi nhìn thấy trên bài tập có ghi tên của anh ấy - Cố Tông Kỳ.

Phía trên mặt còn có ký hiệu rất khó đọc của bệnh viện Đông Hoa.

Nói thật thì, anh ấy giảng bài cũng không phải là xuất chúng lắm, ít nhất là không thể sánh với sự lợi hại của các thầy cô rất giỏi nói chém gió bên học viện của chúng tôi, nhưng có điều anh ấy thực sự là rất nghiêm khắc, không những bài giảng trên máy chiếu được trình bày vô cùng tỉ mỉ, chỉn chu, mà thầy còn viết nội dung bài lên bảng, từng nét phấn viết thật đẹp, bay lượn khiến người ta phải xúc động.

Tháng Năm. Bầu trời trong xanh, nắng, vài đám mây nhỏ thưa thớt bay trên không trung, một mảng màu xanh biếc như xuyên thấu qua thủy tinh, chiếu rọi trong mắt tôi. Những cơn gió thổi nhè nhẹ, dễ chịu khiến tôi có cảm giác muốn rơi vào giấc ngủ, tay bên cạnh không có sách, ngồi cũng thật là ái ngại, đầu óc đang tự do bay lượn, thì nghe thấy thầy ấy hỏi: “Bốn triệu chứng lâm sàng lớn của bệnh tắc ruột là gì?”.

Theo phản xạ có điều kiện, tôi tùy tiện trả lời như bình thường vẫn hay học ở lớp chuyên ngành: “Đau”.

Từ này vừa được nói ra, thì rất nhiều người, hình như cũng phải gần một nửa sinh viên trong lớp đều nhìn chằm chằm vào tôi với ánh mắt kỳ lạ, mà rất là không đáng, khiến tôi dựng hết cả tóc gáy, chớp chớp mắt, nói lý nhí: “Em nói sai gì à?”.

“Bạn sinh viên này nói không sai, là đau đớn, và ngoài ra còn ba triệu chứng nữa là: “Sốt, nôn, tức...”.

Tôi bất đắc dĩ nói thẳng một câu: “Có nói gì sai đâu, làm gì mà nhìn tớ kỳ quái như thế chứ”.

Sau này tôi mới biết là, cái đám điên rồ học y này lúc lên lớp, ngoài trừ việc im lặng nghe giảng thì chỉ im lặng ghi chép bài, nếu có người nào nói chuyện hoặc mở miệng nói chen vào thì tuyệt đối sẽ bị số đông còn lại “giết” trong giây lát.

Quả nhiên là chẳng có tý không khí hài hòa nào của giảng đường, khác hẳn với chuyên ngành của chúng tôi khi lên lớp, mọi hình ảnh: ăn uống, ngủ gật, chơi điện tử, nói chuyện... cái gì cũng có, học viện Nhã Điển, trăm hoa tụ họp, những cành hoa được xem là thật hài hòa.

Cuối cùng tôi cũng tiêu hóa hết tiết học, ngược lại học được không ít kiến thức, ít nhất là cũng biết được khi bị đau thì phải đi bệnh viện, chứ không được coi thường và tự chôn sinh mạng nhỏ bé của bản thân. Tôi từ từ duỗi thẳng lưng ra, vừa đứng dậy thì nghe có tiếng ai đó gọi từ phía sau: “Bạn ơi, thầy Cố gọi bạn đấy”.

Tôi giật mình, ngẩng lên thì nhìn thấy ánh mắt của vị thầy giáo điển trai, một lúc ngần ngại qua đi, thầy ấy nhìn tôi và mỉm cười nhẹ nhàng hỏi: “Em không phải là học sinh lớp này đúng không?”.

Tôi rất bàng hoàng nói một tiếng: “Vâng”, “Tùy hứng đến học một tý thôi ạ”.

“Nghe giảng có hiểu không?”.

“Cũng được, nhưng em cảm thấy những thứ này không thể nghe nhiều được”.

Thầy lại hỏi một cách hiếu kỳ: “Tại sao?”.

“Thầy không cảm thấy là học nhiều những thứ này thì bản thân sẽ có cảm giác mình cũng đang bị mắc phải những triệu chứng giống như thế à, ngày trước em có đi nghe một bài giảng về vi khuẩn viêm phổi gì gì ấy, mà đúng lúc ấy em đang bị cảm, bị ho nên bị ám ảnh đến mức phát sợ”.

Đôi mắt đẹp của thầy đưa nhè nhẹ lên phía trên, ánh mắt lại di chuyển: “Em có thường hay học chuyển lớp thế này không?”.

“Cũng bình thường, không có việc gì bận nên em đến nghe thử, có thể xem là tiết học bảo vệ sức khỏe”.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3