Bạch Hổ Tinh Quân - Hồi 17 - phần 1

Sáng hôm sau, toàn bộ khách khứa rời khỏi Lư gia trang, trong hầu bao nặng trĩu lễ vật tạ ơn của chủ nhà.

Tặng phẩm dành cho Ngân Diện Hầu dĩ nhiên là hậu hĩnh nhất. Mẫn Hiên không chỉ giải thoát cho Kỹ Lưu Tiên mà còn đồng thời cứu vãn cơ nghiệp Lư gia. Quan San đã tìm thấy số châu báu trị giá đến hai chụcvạn lượng vàng trong nhà Cảnh Duy. Tài sản này, Xảo Diện Khách đã trộm từ lúc nào mà Cảnh Thuần cũng chẵng hề hay biết.

Đám tang của Lư Công Đán thật chưa thể cử hành được vì không tìm ra xác. Có lẽ lão chưa chết và bị giam cầm ở Long Vân Bảo?

Tuy biết rõ lai lịch kẻ thù nhưng Tử Khuê lại khuyên nhà họ Lư đừng khai ra. Không nhân chứng thì kiện cáo cũng vô ích và còn mang họa, vì Long Vân Tú Sĩ sẽ dốc hết lực lượng sát nhân diệt khẩu.

Ngân Diện Hầu là đại ân nhân và luận việc rất sáng suốt, nên Lư trang chủ nhất nhất nghe theo. Do đó, trong văn án của Nha môn Dụ Châu không có tên Long Vân Bảo. Đương nhiên, trong danh sách tang vật cũng không nhắc đến viên "Hắc Ngọc", Dịch Quan San đã chiếm lấy để tặng cho em rể mình. Vô Tướng Quỷ Hồ chẳng ngờ rằng hành vi ấy là mầm đại họa về sau!

Công trạng của Dịch Quan San cũng rất lớn, chỉ đứng sau Ngân Diện Hầu. Gã được trả ơn bằng số vàng năm trăm lượng.

Phần của Tử Khuê là bao nhiêu thì chẳng rõ bởi chàng đã không nhận. Lư Cảnh Thần ép mãi chẳng được liền lén lút trao cho Tống Tiểu Tinh. Đàn bà luôn dễ dãi, mũi lòng trước những lời năn nỉ và ả họ Tống đã cầm lấy.

Gần cuối giờ Mão, sáng hai mươi tám tháng hai, bọn Tử Khuê lên đường đi Hứa Xương chứ không về Trình phủ như đã định. An nguy của Kỹ Tòng Thư đã khiến bọn Thiên Kim quyết định như thế.

Nàng rất áy náy, hết lời tạ lỗi với Ngân Diện Hâu. Nhưng Tiêu Mẫn Hiên chẳng hề bực bội mà vui vẻ nói:

- Tại hạ là kẻ rảnh rang, dư thời gian để nhàn du, trước sau gì cũng có dịp đến bái kiến lệnh đường. Nay sẵn dịp chư vị về Hứa Xương, tại hạ cũng xin tháp tùng. Nghe nói đất ấy có rất nhiều danh lam, thắng cảnh.

Giờ đây, ai nấy đều thán phục và yêu mến Mẫn Hiên, chẳng còn nghi ngại, khách sáo nữa. Vả lại, nếu quả thật Kỹ lão đã bị Long Vân Bảo bắt được thì họ rất cần đến bản lãnh võ công siêu phàm của Ngân Diện Hầu.

Dịch Quan San đã chứng kiến chiêu kiếm kỳ tuyệt mà Mẫn Hiên thi triển để giết hắc y lão nhân dưới mật thất. Gã hiểu rằng Tiêu Hầu không chỉ có tài phóng phi đao mà còn là một kiếm thủ thượng thừa. Tất nhiên Quan San kể lại cho Tái Vân và Thiên Kim nghe.

Nhưng Dịch Quan San đã không nhận ra "Thanh Long kiếm pháp", còn hai ả mặt ngọc thì chẳng thấy tận mắt. Trong lúc cấp bách Tử Khuê đã phải sử dụng tuyệt kỹ quen thuộc từng khổ luyện nhiều năm, chứ không dám thi thố "Lôi Đình kiếm pháp" vừa mới học xong vài tháng.

Thế là đoàn nhân mã vẫn đông đủ như lúc rời Đăng Phong, rầm rộ ngược bắc. Bọn kiếm thủ người Thổ chỉ bị thương nhẹ vài tên, không ai mất mạng. Giờ đây, mặt mày chúng rạng rỡ vì hầu bao rủng rỉnh bạc thưởng của họ Lư, và trên đầu là những chiếc nón tre mới toanh. Nón cũ đã rách bươm trong trận đánh đêm qua được thay ngay, vì chỗ nào cũng có bán. Lớp khiên thép bên trong còn nguyên vẹn, dễ dàng ép vào nón mới bằng vài mối dây cột.

Bọn sát thủ Thần Phong Hội, thủ hạ của Ngân Diện Hầu càng bội phần khoái chí hơn khi ngoài trăm lượng bạc thưởng của Lư Công Đán, họ còn được Tiểu Tinh dúi cho mỗi gã năm chục lượng vàng ròng lấy từ phần tặng phẩm của Tiểu Hầu gia.

Hai ngày sau, đoàn người đến Nghiệp Thành, quê hương của Thiết Đảm Hồng Nhan Tống Thụy. Dĩ nhiên, họ phải ghé Hồng Vận đại phạn điếm thăm Tống lão và được mời ở lại qua đêm.

Tối ấy, Tống Nhiên phụ thân Tống Thụy đã bí mật đến phòng riêng của Thiên Kim và Tái Vân. Chẳng hiểu lão đã nói gì mà sáng hôm sau hai người có vẻ ngượng ngùng với Ngân Diện Hầu.

Trưa ngày mồng ba tháng ba, bọn Tử Khuê chỉ còn cách Nhưỡng thành mười mấy dặm. Mé tả đường là ngô đồng rậm rạp, lá xanh um bởi đây là mùa xuân, hơi thu còn rất xa. Nhưng phía bên phải đường lại thấp hẳn xuống thành một vùng trũng rất lớn. Độ sâu của nó chỉ độ năm trượng, song nếu ai ngã xuống đấy thì cũng khó toàn mạng vì dưới đấy ngổn ngang đá tảng.

Để giữ cho đất nền đường quan đạo ấy không bị lở, người ta đã trồng những cây hoàng dương với mật độ dày hơn phía đối diện. Nhưng đương nhiên, do hoàng dương là thân cây gỗ, nên giữa hai gốc vẫn có khoảng cách nhất định.

Và hiện giờ có một hóa tử to béo ngồi dựa gốc cây, mắt nhắm nghiền, y phục bê bết máu. Ngựa của gã đứng gần đấy thản nhiên gặm cỏ, còn cây thương sắt dài thượt thì nằm lăn lóc trên mặt đường.

Cảnh tượng này đã đập vào mắt ba người dẫn đầu đoàn lữ khách. Đó là Tử Khuê, Trình Thiên kim và Dịch Tái Vân.

Họ chẳng khó khăn gì để nhận ra nạn nhân đó là Hồ Đồ Thần Thương Khổng Đam. Hôm rằm tháng hai, có lẽ sợ chạm mặt Nam Thiên Tôn nên Khổng Đam không đến xem cuộc phó ước. Gã đã bỏ đi đâu thì chẳng ai rõ.

Giờ gặp lại họ Khổng, thấy gã bị đánh trọng thương, ba người rất lo lắng. Trình Thiên kim oai vệ giơ tay ra hiệu quát lớn:

- Dừng ngựa!

Biết đã có chuyện lạ, những kỵ sĩ phía sau vội gò cương. Do tuấn mã của Khổng Đam đứng cách gã hơn ba trượng, quay mông ra ngoài chắn đường nên bọn Tử Khuê đã phải dừng lại sai vị trí.

Nạn nhân là đàn ông nên Ngân Diện Hầu tức Tử Khuê phải là người đi đến xem xét thương thế Khổng Đam. Thiên Kim và Tái Vân chậm hơn một chút, bám theo sau.

Đi được vài bước bỗng Tử Khuê thấy Hồ Đồ Thần Thương cử động, khiến cho đầu gã trượt khỏi thân cây chỉ còn dựa dẫm bằng một bên vai. Tư thế này rất chông chênh, hiểm nghèo, bởi nạn nhân chỉ cần cựa quậy thêm một lần nữa thì sẽ bị mất điểm tựa, ngã bật ngữa rơi xuống hố trũng.

Tử Khuê kinh hãi nhảy vào đến để giữ cái xác to như bò mộng của Hồ Đồ Thần Thương lại. Nhưng đồng thời trong tâm trí Tử Khuê lại hiện ra một kỷ niệm đau lòng. Ngày ấy, Quân Sơn Chân Nhân cũng ở trong tư thế tương tự và vì sơ xuất mà chàng phải lãnh hậu quả nặng nề.

Như chim sợ cành cong, bất giác Tử Khuê dồn chân khí ra song thủ, cơ thể căng cứng trong tình trạng cảnh giác cao độ.

Nói thì hơi lâu song việc ấy diễn ra rất nhanh, bởi Tử Khuê đã tiếp cận nạn nhân. Tất nhiên chàng không thể nhảy qua người Khổng Đam mà phải hạ thân xuống mép trái của gã. Và vì họ Khổng đang ngồi duỗi chân trên mặt đất nên Tử Khuê cũng phải ngồi xổm thì mới nắm giữ được người gã.

Tử Khuê đã làm như thế, thò tay tả chụp giữ đùi Khổng Đam để đề phòng gã rơi xuống hố. Đúng lúc ấy, cánh tay hữu của nạn nhân đang ở thế giơ cao và bám vúi vào thân cây bỗng vỗ thẳng vào đầu Tử Khuê. 

Dẫu cho nền khí công Trung Hoa có đạt được những thách tích kỳ diệu làm kinh ngạc cả thế giới thì cũng chẳng thế biến cái đầu một vỏ sĩ thành sắt thép đựơc. Não bộ con người mềm mại, mỏng manh và rất dễ bị thương tổn. Quanh xương sọ lại chẳng có bắp thịt che chở, trong khi đặc tính của chân khí là làm tăng thêm độ bền chắc bề mặt và tính đàn hồi. Do đó, "Thạch Đầu Công" chỉ là trò tiểu xảo của bọn Sơn Đông mãi võ và thủ cấp vẫn là nhược điểm muôn thuở của các cao thủ võ lâm.

Còn bàn tay thì lại khác, không chỉ những người có nội công mà ngay cả kẻ luyện ngoại công cũng có thể đấm vỡ tấm ván dày, vỗ nát gạch ngói.

Nghĩa là trong hoàn cảnh này, bàn tay to như nải chuối của Khổng Đam thừa sức vỗ bể sọ Tử Khuê, hay chí ít cũng làm chấn thương sọ não bên trong. Gia dĩ, Hồ Đồ Thần Thương lại nổi danh thần lực, cánh tay to như cột đình, sức mạnh vài trăm cân. Xem ra Tử Khuê khó mà toàn mạng.

Nhưng may thay, hình thức của cái bẫy độc ác độ này lại rất giống những gì đã xảy ra cho Tử Khuê ở Độc Nha Sơn, vì vậy mà chàng thoát chết.

Trong chớp mắt, Tử Khuê đã nghiêng người sang mé tả và cử hữu thủ đỡ lấy đòn ám tập sấm sét kia. Song chưởng chạm nhau, lực phản chấn xô Tử Khuê văng ra ngoài sau, và đẩy Khổng Đam xuống vùng trũng ven đường.

Tiếng rú thảm khốc của họ Khổng đã bị tiếng kêu thất thanh của bọn Thiên Kim át mất.

Không chỉ có hai nữ nhân chứng kiến, Dịch Quan San và những kỵ sĩ đứng đầu cũng thấy khá rõ nhờ ngồi trên lưng ngựa. Họ đã kinh hãi thét lên với niềm tuyệt vọng, vì cho rằng Ngân Diện Hầu không biết mình bị ám toán.

Khi nhận ra Mẫn Hiên đã thoát hiểm, Vô Tướng Quỷ Hồ lại nghĩ đến việc khác. Gã vận công quát lớn:

- Có mai phục!

Được huấn luyện rất chu đáo nên bọn kiếm thủ người Thổ lập tức lật nón làm khiên, rời lưng ngựa và lập thành phòng tuyến. Dĩ nhiên họ che chắn cả vị trí mà Ngân Diện Hầu đã bị đánh văng đến.

Dịch Quan San phán đoán rất chính xác, phản ứng kịp thời nên đã tránh được tổn thất. Từ khu rừng ngô đồng mé tả đường, tên bay ra như mưa. Khách giang hồ thường dùng cung ngắn, mũi tên không được bọc kim loại nên chẳng xuyên thủng được những chiếc nón tre lót thép. Chỉ có vài con tuấn mã thọ tiễn vào đầu, cổ đau đớn hí vang lồng lên bỏ chạy hoặc gục ngã.

Thấy cung tiễn vô dụng, bọn phục binh liền rút gươm tràn ra đông đến hơn trăm tên. Y phục của chúng không giống nhau, song tên nào cũng khoát trên lưng một tấm áo choàng màu lá rừng để ngụy trang.

Tránh rơi vào cảnh một chọi số nhiều, Dịch Quan San chỉ huy đám thuộc hạ giữ vững trận "Khiên Bích". Chiến thuật này rất hữu hiệu vì khiên, thuẫn là thứ vũ khí chuyên về phòng vệ.

Phép đánh kiếm thuẫn của bọn Xoa Lạp Cốc chẳng có điểm nào tương đồng với "Phong Đô kiếm pháp" của Nhạc Tự Chương cả. Nó thuộc một dòng võ học khác, thích hợp với sa trường hơn là chốn giang hồ. Nguyên nhân vì sao thì hồi sau sẽ nói đến.

Giờ đây, chúng ta chỉ cần biết kỹ binh bị ấy rất lợi hại, công thủ vẹn toàn, phe địch xông vào là bị đánh bật ra và còn thiệt quân nữa. Một số thương vong bởi kiếm thuẫn, số khác chết vì những mũi "Liễu diệp phi đao". Toán sát thủ Thần Phong Hội đã chia nhau đứng rải rác khắp chiều dài phòng tuyến, sau lưng bọn dũng sĩ người Thổ. Cũng như đêm hôm trước, những mũi dao đen sì lại lén lút bay ra. Người phóng dao không hề giơ cao cánh tay nên phe địch khó mà phát hiện ám khí. Xem ra, tuyệt kỹ ấy của nhà họ Tiêu cũng đáng được ca ngợi.

Thế lúc này chàng trai họ Quách của chúng ta ra sao? Tất nhiên là Tử Khuê chẳng hề hấn gì cả. Được Thiên Kim và Tái Vân thực lòng lo lắng cho, chẳng tỵ hiềm lễ nghĩa, chạy đến đỡ lên. Tử Khuê liền giả vờ thọ thương để được hưởng thụ những giây phút cận kề hiếm hoi. Dịch Tái Vân mang ơn Mẫn Hiên rất nặng nên cuống quít hỏi ngay:

- Thương thế của Hầu gia có nặng lắm không?

Tử Khuê nhăn nhó rên rỉ, thản nhiên tựa vào hai nàng mà uể oải đứng dậy. Nhưng Tống Tiểu Tinh đã đến nơi, mắt đẫm lệ. Nàng rui giọng bảo:

- Để nô tì xem qua vết thương của Hầu gia một chút.

Phía sau Tiểu Tinh còn có anh em họ Từ. Thiên Kim và Tái Vân cảm thấy ngượng, giao Ngân Diện Hầu lại cho họ rồi chạy ra tham chiến.

Tử Khuê tiếc hùi hụi, gượng cười nới với Từ Phong, Từ Vũ:

- Ta không sao! Nhị vị cứ yên tâm mà cự địch.

Hai gã mừng rỡ mỉm cười quay bước ngay. Ở đây, Tiểu Tinh thăm mạch cho chủ nhân, thấy kinh mạch chàng vẫn bình thường liền tủm tỉm bảo:

- Té ra Hầu gia giả đò thụ thương để cận kề hai người đẹp kia.

Ánh mắt chẳng chút ghen hờn vì nàng đã xác định thân phận của mình. Tử Khuê cũng không giấu giếm việc chàng đi ái mộ Thiên Kim và Tái Vân.

Tử Khuê sượng sùng nói sang chuỵên khác:

- Phải chăng phe đối phương là Long Vân Bảo?

Tiểu Tĩnh gật đầu xác nhận và hiếu kỳ hỏi lại chàng:

- Sao Hầu gia biết đấy là bẫy rập mà đề phòng? Nô tài và mọi người đều hoảng vía, cho rằng Hầu gia khó mà toàn mạng.

Tử Khuê chẳng thể thú thực, liền nói tránh đi. Chàng cười khà khà đáp bỡn:

- Bổn nhân là tướng tinh giáng phàm, có thể linh cảm được tai họa nên chẳng cái bẫy nào hại nổi.

Nói xong, chàng quàng vai Tiểu Tinh, dìu nàng đi đến ngồi dưới gốc hoàng dương râm mát. Dáng điệu uể oải, ủ rũ ấy sẽ khiến người tưởng chàng đã thọ thương.

Thực ra chàng làm như thế vì không muốn tay mình nhúng máu quá nhiều. Từ sau cuộc đàm đạo với Lỗ Phán Quan ử Lư gia trang nhân đám cưới của Lư Công Đán và Kỹ Lưu Tiên, Tử Khuê đã cố sức giới sát. Chàng tự nhủ rằng sẽ chỉ tiêu diệt những kẻ đại ác khi chẳng thể đừng. Một người tin vào sự hiện hữu của đạo trời thì luôn biết sợ quả báo.

Nhưng kẻ địch mai phục chốn này là để giết Ngân Diện Hầu cho bằng được. Và chúng chỉ thấy chàng bị đánh văng đi, lăn lông lốc chứ không biết rõ nội tình. Hàng cây ngô đồng ngoài cùng cách đường quan đạo đến năm sáu trượng, nếu không thì bọn Dịch Quan San đã có thể phát hiện ra phục binh.

Đối phương chẳng ngờ rằng Tử Khuê hoàn toàn vô sự, và do muốn bỡn cợt thề thiếp mà chàng có dáng vẻ bạc nhược như thế. Cho rằng cơ hội ngàn vàng đã đến, ba đại cao thủ Long Vân Bảo liền tìm cách tiếp cận con hổ bị thương.

Ba người ấy gồm Vân Nam Song Hiệp và một lão già áo xanh, mặt đen, râu quai nón bạc trắng. Chiếc mũi két cong khoằm, oai vệ của thanh y nhân là một trong những đặc điểm đã tạo nên danh tiếng của Hắc Diện Thần Ưng Lý Quang Ban. Họ Lý là đệ nhất cao thủ vùng Hoa Nam, võ nghệ hơn Vân Nam Song Hiệp một bậc. Lão ta còn có biệt tài nhớ mùi, đánh hơi rất linh diệu chẳng thua gì lũ chó săn.

Vũ khí thành danh của họ Lý là một thanh "Ưng trảo" bằng thép ròng, đen bóng và dài hơn trường kiếm nửa gang tay. Tuy mang tên vuốt ưng nhưng nó lại có đến năm ngón. Ngón giữa thẳng có phần mũi dẹp, vửa nhọn vừa sắc cả hai bề, dùng để đâm và chém. Bốn ngón còn lại cong cong, ngoài công dụng sát thương thì còn có thể khóa cứng vũ khí đối phương mà đoạt lấy.

Có lẽ đây là Hắc Diện Thần Ưng thứ thiệt, bởi lão ta đang thi triển pho tuyệt học " Ưng trảo truy hồn" đánh cho những chiếc nón thép phải rách toang. Vũ khí của lão khá nặng và rất sắc bén.

Bên cạnh họ Lý còn có Vân Nam Song Hiệp, kiếm thuật cao cường, nên bọn dũng sĩ người Thổ không sao chống đỡ nỗi. Từ Phong, Từ Vũ cũng chiến đấu ở đoạn phòng tuyến này đã phóng liền mấy mũi phi đao mà không thành công. Họ đành phải múa kiếm xông vào ngăn chặn đối phương.

Nhưng ba lão quỷ kia công lực thâm hậu, võ nghệ cao siêu khi liên thủ đã tạo thành một mũi tấn công vô cùng mãnh liệt. Trong phút chốc, ba lão đã đánh bạt hai gã họ Từ và bốn năm gã kiếm thuẫn, vợt hết chiều ngang đường quan đạo mà tiếp cận Ngân Diện Hầu. Sau lưng họ còn có mười tám thủ hạ nữa. Và chính bọn này đã lập thành hàng rào vững chắc để hai thượng cấp tính sổ Ngân Diện Hầu, dưới sự chỉ huy của một lão trong Vân Nam Song Hiệp.

Tất nhiên là Tử Khuê và Tống Tiểu Tinh không ngồi yên chờ chết. Hai người đã đứng bật dậy rút gươm thử thế. Nhưng phe địch không tấn công ngay, đình bộ cách đó hơn trượng. Có vẻ như họ chẳng hề ngán sợ mũi phi đao thần sầu quỷ khốc của ngài Võ lâm đệ nhất cao thủ vậy.

Hắc Diện Thần Ưng cười khẩy nhìn Ngân Diện Hầu với vẻ khinh thị và nói:

- Sao tiểu tử ngươi không trổ tài phóng phi đao để lão phu được thưởng lãm?

Tử Khuê chột dạ, đoán rằng đối phương có áo giáp hộ thân, hoặc đã gặp Xoa Lạp Cốc chủ Nhạc Tự Chương, nên mới có thái độ này? Bản thân chàng thì quá rõ nguyên nhân. Chàng đã thấy cánh tay hữu của Nhạc cốc chủ đột nhiên co giật khiến đường kiếm lệch khỏi quỹ đạo, không chém trúng mũi "Thất hưu đao". Cộng với việc Nhạc Cuồng Loan bất ngờ khuỵu xuống, ngã bật ngữa khi sắp đổi mạng với Tái Vân, Tử Khuê nghĩ ngay đến sự can thiệp của Lỗ Phán Quan. Chàng rất biết ơn, song cũng khá bực bội khi Lỗ Trực không chịu gặp mình mà cứ âm thầm chi phối như kẻ điều khiển con rối vậy. Nhưng chàng vốn rộng lượng nên đã tự an ủi rằng Lỗ phán quan có lý do bất khả kháng.

Tử Khuê hoang mang, chưa biết tính sao thì lão thứ hai trong Vân Nam Song Hiệp đã nóng nảy bảo:

- Tên tiểu tử! Nếu ngươi ngoan ngoãn trả lại ngay bảo vật, lão phu hứa sẽ ban cho một cái chết toàn thây.

Tử Khuê ngơ ngác đáp:

- Bảo vật nào? Bổn Hầu gia chẳng bao giờ lấy cái không phải của mình.

Lão kia bực tức gằn giọng:

- Đừng giả vờ trong sạch! Chính ngươi đã lấy viên "Hắc ngọc" trên cổ Xảo Diện Khách. Lão phu đã điều tra ở Nha môn Dụ Châu, và khám xét thi thể Khưu lão huynh mà chẳng thấy đâu.

Tử Khuê đã hiểu ra và biết viên Hắc Ngọc đang ở đâu. Đêm ấy, chàng ngại giết người nên đã nấp sau một gốc cây và thấy Dịch Quan San lục lọi cái xác của Khưu Trọng Nhiệm.

Chàng không trách họ Dịch tham vật mà còn cao hứng khi thấy gã đã nẫng được của kẻ thù một vật quý giá.

Tử Khuê mỉm cười gật gù:

- Té ra là vật ấy. Thôi được, ta sẽ hoàn lại để giải tỏa hiềm khích giữa đôi bên.

Câu nói này của chàng hàm ý cầu cạnh, mong đối phương tha mạng cho. Và chàng quay sang, nháy mắt với Tiểu Tinh rồi bảo:

- Túc muội! Hãy trả cho họ đi!

Túc là chân và Tiểu Tinh không hề có cái tên ấy. Nàng hiểu ý chàng, gật đầu rồi tháo tay nải trên vai xuống. Và nàng bất ngờ quẳng nó về phía đối phương. Sau đó, Tiểu Tinh phóng liền một mũi phi đao vào hạ thể lão già người Vân Nam.