Kiều Mơ - Chương 01 part 2

Tôi lật đật hỏi:
- Có phết tí đường cát. Còn sữa, hay cà phê gì không?
- Còn sữa, nhưng hết cà phê rồi. Chiều nay ba mới mua về.
Như một người sắp chết đuối thấy được cái phao ở đằng xa từ từ trôi lại. Tôi ném quyển sách đánh rầm một tiếng, mặc cho nó lăn trên bàn rồi rơi vào kẹt tường. Tôi vừa chạy vừa la:
- Lát nhỏ đi đâu hãy tính. Bây giờ ta đi lo bổn phận bao tử trướ c. Tạm biệt và hẹn gặp.
Tiếng cười ròn rã như một miếng bánh tráng được đập vỡ trong lòng bàn tay rồi xúc với gỏi lươn của nhỏ em vang từ phía sau. Tôi chạy một mạch xuống phòng ăn. Quả nhiên trên bàn đã đặt sẵn một dĩa bánh mì nướng vàng lườm. Tôi hối hả tìm hộp sữa bò. Tôi cẩn thận lấy một cái ly cối cho chắc ăn, rồi nghiêng hộp sữa đổ vào, định khuấy một ly đầy. Nhưng nhỏ em đã la lên từ phía sau:
- Ê, ít thôi, hết sữa. Ba uống cà phê thì bị la à.
- Hết mẹ mua hộp khác. Lo gì.
- Lúc này phải tiết kiệm. Bữa trước ba đã loan báo thế rồi.
- Mai... rồi hãy tiết kiệm. Hôm nay ta đói thật.
- Anh uống gì tới một ly sữa bự vậy?
- Ờ. Ta cảm thấy cần một số lượng như thế.
Nhỏ em cười bỏ vào túi áo tôi hộp kem đánh răng và cái bàn chải. Nó xỏ ngọt lịm:
- Nhưng hãy nhớ kỹ là anh đã quên súc miệng đánh răng khi ngủ dậy.
Tôi tê tái cả người vì bỗng nhớ ra rằng mình mãi chúi đầu vào quyển sách mà quên khuấy chuyện đánh răng súc miệng. Nhìn những giọt sữa trắng đục đang chảy ngon lành xuống đáy ly, nâng tổng số lượng sữa lên cao dần mà tôi như thấy được cả gương mặt đờ đẫn u ám của mình trong ấy. Rồi từ một khối óc tưởng tượng siêu việt, tôi còn trông thấy được cả đứa bé Nhận Bản mập phính hai gò má đỏ rừ tung chăn ngồi dậy ụt ịt đi vào phòng rửa mặt, lấy bàn chải trét kem đánh răng một cách say sưa trong đoạn phim quảng cáo kem đánh răng vẫn thường chiếu trên màn ảnh, trong các rạp chiếu bóng.
Nhỏ em biến mất khỏi cửa phòng ăn với một câu dễ sùng:
- Anh uống sữa nhiều thế mà sao vẫn không mập được chút nào. Mai mốt em nói với mẹ đổi sữa bò lấy sữa SMA cho anh nhé.
Hôm nay tôi thua đậm. Nhỏ em thật là một kẻ chiến thắng. Nó quyết hạ tôi sát ván, nốc ao nằm sàn và không ngóc đầu dậy nổi. Tôi chỉ còn một cách an ủi là noi theo người xưa: thôi, thua keo này ta bày keo khác. Và tôi lặng lẽ đi vào phòng rửa mặt.
o0o
Ðang nhai bánh mì rau ráu, nhỏ em lại dẫn xác vào nữa. Nó ngồi ngay chiếc ghế đối diện với tôi, cười:
- Ðánh răng rồi ăn ngon chứ?
Tôi nuốt ực miếng bánh, tợp một ngụm sữa. Ngon tuyệt và trong khi được thống thoái vì cái sự ăn ngon, ta không dại gì tức giận để phương hại đến nền an ninh của bao tử. Thế nên, như một người thoát tục, tôi cười rất hiền hòa cởi mở:
- Ờ, có đôi khi ta đãng trí như thế. Cám ơn nhỏ đã nhắc nhơ?.
- Không biết cái phim quảng cáo kem đánh răng có cần tài tử mới để đóng thế vai thằng nhỏ Nhật Bản không nhỉ?
- Thôi nhỏ. Hôm nay mi hạ ta đo ván.
Nhỏ em khóai chí cười tươi rói. Nụ cười bây giờ mới thật sự là nụ cười cởi mở, dẹp tan mọi oán hờn chất chứa. Nó nhìn tôi một lúc rồi bất ngờ nói:
- Lúc nãy em kêu anh vì hai lý do. Thứ nhất, anh có người bạn nào đó đến tìm, đang chờ ngoài cổng. Thứ hai chiều nay bốn giờ anh chở em tới nhà nhỏ bạn ăn sinh nhật. Nó mời cả anh nữa. Diện một chút. Vì đây là bữa sinh nhật lớn, có rất đông bọn con gái.
Chúa ơi, con nhỏ này kiếp trước chắc là một loại rắn độc. Bạn tôi tới tìm mà nó cho đứng ngoài cổng ngắm cảnh hơn cả tiếng đồng hồ rồi mới chịu nói. Tôi định đấm cho con nhỏ một phát cho đỡ tức nhưng sực nhớ lại lý do thứ hai của nó quả thật hấp dẫn. Nên vừa định nổi khùng tôi đành hoà dịu ngay:
- Sao nhỏ không đợi chiều rồi hãy noí luôn. Thằng bạn của ta còn chờ ngoài cổng không?
- Ðã bảo còn mà. Mới có hơn tiếng, chứ đứng đợi đào cả hai tiếng có sao đâu.
Nhỏ em tôi quả thật là hết thuốc chữa. Tôi không hiểu nổi ông Lê Trạch Lựu cảm hứng từ một nhỏ em gái nào mà sáng tác ra bài hát bất hủ "Em tôi" hết sức dễ thương, chứ quả thật nhỏ em tôi chỉ được tặng cho một cây đàn thuộc loại đại hồ cầm cho nát người mới hết được tức giận.
Tôi vừa đứng lên vừa hỏi:
- Diện rồi. Ðồng ý, ta diện cũng có nét lắm chứ bộn. Nhưng điều quan trọn glà có nhiều bánh không?
- Xời, chưa chi đã lo ăn. Nhà nó giàu tiệc phải lớn, và tiệc lớn dĩ nhiên là phải có rất nhiều bánh. Nhiều qua nữa là khác.
- Như vậy là quả có hấp dẫn thật. Xong rồi. Chiều bốn giờ ta đưa nhỏ đi. Bây giờ nhỏ phải chịu khó biến đi cho ta tiếp bạn ta một chút. Có nhỏ nó khớp.
Nhỏ em cười:
- Khớp từ khuya rồi anh ơi. Nhưng mà bạn của anh lạ hoắc à. Một ông Babilắc thì đúng hơn. Em chưa gặp lần nào.
Tôi ngạc nhiên đi thẳng ra sân. Qua vòm cổng đầy hoa giấy đỏ hồng buông rủ xuống, quả thật có một người lính với bộ đồng phục quân trường màu xanh cỏ úa đang đứng lóng ngóng nhìn vào.
Tôi kêu ở một tiếng và mừng rỡ gọi:
- Trời ơi Viễn, tao cứ tưởng thằng nào chứ. Mới được về phép hả?
Viễn vẫy tay cười. Tôi chạy ra mở cổng. Viễn bước vào, nó thật khác lạ, thảo nào em tôi nhìn không ra. Bây giờ trông Viễn chững chạc hẳn ra trong bộ đồ nhà binh. Măt. Viễn đen bóng, tóc cắt cụt ngủn. Nó đấm vào vai tôi:
- Bạn khoẻ nhỉ, ở nhà ăn no ngủ kỹ bắt anh em chờ cả tiếng mới chịu cho vào.
Tôi cáu sườn:
- Khỉ. Tại con nhỏ em nó mới vừa chịu há miệng cho biết là có mày chờ ngoài này. Nó lại còn bảo ông nào lạ hoắc.
- Trời đất, mới nói?
- Cố nhiên.
- Nãy giờ cả tiếng đồng hồ mới chịu nói?
- Con nhỏ kiếp trước là rắn độc mà. Nó mát nặng. Mày cũng biết rồi từ khi chưa đi bộ đội.
Viễn cười cười:
- Ngày xưa rồi nhỉ.
- Xưa khỉ gì. Mày mới đi có mấy tháng.
- Bạn không hiểu thời gian là nước sao. Nó tàn phá ghê gớm.
- Chúa ơi, mày say nắng hả Viễn?
Viễn khoát tay tôi cười xòa. Hai đứa lững thững đi vào nhà. Tiếng giày của Viễn nện mạnh trên nền gạch hoa trước thềm, làm con mèo của Phố đang say sưa với mộng đẹp trong bóng nắng ấm đầu ngày vội vàng tỉnh thức. Con mèo cong người, vươn mình khoan khoái rồi ngước đôi mắt màu xanh biếc nhìn Viễn.
Tôi cười:
- Mày lạ, con mèo cũng không nhận ra. Ngày trước mày tới nó hay nhảy vào lòng mày.
Viễn đưa tay ra định bắt lấy, con mèo sợ hãi nhảy mấy cái rồi biến vào nhà với một tràng tiếng kêu meo meo vọng lại. Trong nhà có tiếng Phố gọi rối rít:
- Cam Thảo ơi, cưng thức dậy rồi hả, vào đây, vào đây.
Tôi vẫn chưa hết cáu sườn:
- Miệng lưỡi như rắn độc.
Viễn cười:
- Phố không nhớ tao à?
- Cái chắc, nếu nhớ nó đã không bỏ mày đứng ngoài cổng cả giờ để ngắm cảnh.
- Lạ nhỉ.
- Khỉ gió. Lạ gì. Mày đen như cột nhà cháy nó nhận không ra là phải.
Hai đứa vào phòng khách. Viễn ngồi một ghế, tôi một ghế. Viễn rút thuốc nhìn quanh căn phòng rộng như tìm vẻ quen thuộc ngày xưa. Trong đôi mắt nó tôi hiểu như vậy. Tôi cười cười, cái thằng lạ. Mới đi bộ đội có mấy tháng, chưa ra trường, nó đã có vẻ như một nhà hiền triết. Cái nhìn ẩn chứa xa xăm.
Tôi thúc Viễn:
- Ðể tao cho con nhỏ Phố một mẻ ngạc nhiên chơi. Mày im nhé.
Tôi quay vào gọi lớn:
- Phố ơi, rót anh một tách nước.
Một lúc, Phố bưng ra hai tách nước. Ðợi Phố đặt nước xuống bàn xong. Tôi nói:
- Ông "lính" này có chuyện muốn nhờ Phố, hãy tiếp chuyện với ông một lúc.
Tôi làm như thật, đứng dậy biến vào trong. Một thoáng sau, Phố chạy vào đấm thùm thụp lên lưng tôi la ầm ĩ.
- Ðáng tội anh, phá người ta. Tức ghê.
Con nhỏ ngượng thật, mặt mày đỏ bừng. Tôi cười hỏi:
- Vậy mà bảo ông nào lạ hoắc.
- Lạ thật chứ bộ. Ai mà nhận ra.
Tôi trở ra cùng với Phố. Con nhỏ bẽn lẽn ngó Viễn:
- Tại anh Viễn không nói. Cho đứng ngoài đó mỏi chân luôn.
- Chưa kịp nói cô bé đã quay vào.
- Mà anh Viễn lạ thật đấy chứ.
Viễn vuốt mái tóc cụt ngủn:
- Có lẽ tại tóc cắt ngắn ngủn?
- Gương mặt nữa. Ðen và lạ hẳn ra.
- Vậy mà còn phê bình người ta là lính Babilắc.
Phố cong môi:
- Bộ không phải sao?
- Người ta phong trần sương gió đầy hai vai rồi cô bé ơi.
- Anh Viễn có cần em pha cho một ly sữa bự như anh Hưởng không?
Nhắc tới sữa tôi mới nhớ bữa ăn sáng bị bỏ dở. Tôi ngó Viễn:
- Bạn ăn sáng chưa?
- Chưa. Vừa bước xuống xe là tới đây ngay. Chỉ đứng đợi bạn sơ sơ mất có tiếng đồng hồ thôi.
Tôi cười:
- Vào ăn sáng với ta đi, có vài miếng bánh mì hẩm hiu thôi. Lát nữa muốn ăn sang sẽ có người đài thọ.
Tôi nhìn Phố, con nhỏ ném trả lại tôi hai đuôi mắt thậ tdài.
- Anh Viễn đừng nghe lời phát ngôn viên này nhé. Ông ấy chuyên loan tin thất thiệt.
Viễn nheo mắt:
- Yên chí, "lính" có nhiều tiền đây. Ai đi ăn cái gì đây cũng sẵn sàng.
Tôi thoi Viễn:
- Hào hoa dữ. Tao đang mơ ước một tô bún bò đây mà dụ khị nhỏ Phố từ sáng giờ chưa xong.
- Vậy chút nữa ta đi ăn bún bò.
- Mày đi chơi được cả ngày chứ?
- Coi như gần một ngày.
- Tốt, từ đây tới bốn giờ tao dành cho mày.
- Viễn ngồi xuống ăn bánh mì với tôi.
Phố cười, nheo mắt:
- Nhà hết cà phê rồi. Bây giờ hỏi thật, anh Viễn có cần một ly sữa như anh Hưởng không?
Viễn cười:
- Nếu Phố sẵn lòng.
Phố đi pha sữa. Nhưng Viễn đã la trước.
- Một ly nhỏ thôi, ly bự như ông Hưởng là tôi thành... trẻ em ngay đó.
Phố nói:
- Anh Viễn đi bộ đội mập ra. Anh Hưởng uống sữa nhiều như em bé mà vẫn còn còm nhom.
- Mập tốn vải lắm. Thời bây giờ vải vóc mắc mỏ.
- Bạn em chê anh Hưởng qua cầu gió bay đấy.
- Bạn của mi khiếp đảm nhất Giao Chỉ.
- Anh dám noí thế hả?
Tôi cười nuốt gọn miếng bánh mì. Chả dại mà gây gổ với con nhỏ này nữa, nhất là trong sáng hôm nay, cả ngày nay. Tôi đang mơ một buổi chiều huy hoàng với những cánh hoa hồng, với những ánh nến, và màu sắc rực rỡ của chiếc bánh sinh nhật to khoẻ ngự trị trên bàn tiệc. Sau đó là một lô những bánh ngọt mặn khác, và có thể, cả thịt gà quay nữa. Chúa ơi, từ một tô bún bò mơ ước tới hằng hà sa số bánh và thịt rượu, nước ngọt và trái cây thơm ngon béo bổ quả thật là một chuyện đi xa trong tương lai. Cứ tưởng tượng ra thôi tôi cũng muốn vỡ tung bao tử.
Có lẽ còn tức giận tôi nên con nh? chêm cho một câu:
- Uống nhiều, ăn nhiều. Anh Hưởng vẫn không chịu lên cân.
Tôi tằng hắng:
- Thôi nhỏ.
Phố mang ly sữa tới đặt trước mặt Viễn. Ðồng hồ treo tườn thong thả gõ chín tiếng.
Viễn hỏi:
- Hai bác đi vắng hả bạn?
- Vắng rồi. Chắc ông bà đưa nhau đi ciné.
Phố lườm:
- Anh xuyên tạc. Bố mẹ đi ăn tiệc ở nhà bác Lê đó.
- Ai biết, nhỏ không chịu nói.
- Vậy làm sao đi chơi nhỉ?
Tôi cười:
- Có gì trở ngại đâu. Nhỏ Phố lãnh nhiệm vụ giữ nhà. Hai ta "bai".
Viễn cười:
- Sẽ mang về cho Phố hai cốc kem ngon nhất.
Tôi thay đồ trong vòng hai phút. Xong dắt xe ra sân. Viễn ngồi phía sau giục giả:
- Nhanh lên bạn, thời giờ ta có ít, rất ít. Ta muốn nhìn thành phố sau mấy tháng nằm vùi trong quân trường. Nó có thay đổi như ta không.
Tôi cười cười. Phố một tay ôm con Cam Thảo, tay kia đẩy rộng cánh cửa sắt. Viễn vẫn nhắc:
- Sẽ mang về cho cô bé hai cốc kem.
Phố cười. Nụ cười con nhỏ khó mà đóan nổi. Trái lại hôm nay, một ngày chủ nhật, tôi hiểu rõ là một ngày vui đối với tôi vì có Viễn, một tên bạn cũ về bất ngờ. Tiền hung hậu kiết. Tôi mỉm cười. Và dĩ nhiên, Viễn cũng không tài nào hiểu nổi khi tôi chạy xe như bay giữa đường phố đông đảo của một ngày chủ nhật.