36. Bạc Thuồn Chục Một Chết Cha Dân
Thứ nhất là rắn mang hoa,
Thứ nhì Từ-Đạm, thứ ba Tán-Bình.
Xin thề hai câu này không phải của chúng tôi bịa ra mà chính là câu phương ngôn ở tỉnh Ninh-bình ngoài Bắc-Việt.
Từ-Đạm và Tán-Bình là hai viên tuần-phủ ở tỉnh Ninh-bình trước. Không biết các « ngài » ăn ở ra sao, làm « dân chi phụ mẫu » thế nào, mà để đến nỗi trăm năm bia miệng vậy.
Kẻ hậu sinh này may mắn không phải sống dưới chế độ hai vị quan lớn trên. Nhưng theo tục truyền, các ngài là những kẻ hét ra lửa mửa ra khói, chớ chẳng phải chơi đâu.
Quan Tán-Bình thì chuyên môn vi hành như một thằng kẻ cắp, rình bắt rượu lậu, để lập công với nhà đoan Đại Pháp. Quan Từ-Đạm thì khỏi nói đến cái tật xơi hối lộ của ngài. Song quan Từ có hơn quan Tán một điều là tính thích văn chương, bởi vốn xuất thân hàng Tam giáp tiến sĩ.
Ngày nay, qua Ninh-bình, có ai ghé lại núi Dục-thúy, tục gọi núi Non-Nước, còn thấy hai bàn chân khắc vào đá, đó chính là di tích bàn chân của Từ, và còn nhiều thơ của quan đã mửa vào sườn núi theo những nét đục của mấy anh thợ đá.
Dù sao, những lời « nhả ngọc phun châu » cũng chỉ có khả năng làm dơ dáy thắng cảnh, chớ không thế nào dẹp yên được lòng căm phẫn và biết quan quá xá của đồng bào tỉnh Ninh.
Vì thế, khi quan khắc dấu chân mình vào đá, thợ mới làm xong đêm đến đã có người lén đề bốn câu thơ vịnh rằng :
Năm ngoái thấy quan đục bốn vần,
Năm nay quan lại đục hai chân.
Khen cho đá cũng lỳ gan thật,
Chịu được cho quan đục mấy lần.
Bốn câu thơ móc họng bay bướm này đến tai quan lớn họ Từ, nhưng quan vẫn tật nào nết ấy, văn chương vẫn chỉ là văn chương, hối lộ vẫn ngang tàng hối lộ. Mấy câu ấy chưa thành lửa đỏ chăng ? Nên chưa uốn được cái (…) của quan. Quan cố ếm đi, song văn chương tự nó vẫn truyền tụng. Ở đời xưa nay, ai không muốn đẹp đẽ khoe ra, xấu xa đậy lại. Nhưng đến chuyện này thì quan không thể đậy được, dù có tài thánh đi chăng nữa !
Ngày ăn mừng lễ ngũ tuần mẹ vua Đồng-Khánh. Vâng lệnh triều-đình bù nhìn Huế và nhà nước Lang-sa, tại Ninh-bình, nhân danh quan đầu tỉnh, họ Từ sai tổ chức cuộc lễ ăn mừng rất linh đình, trọng thể. Lẽ tất nhiên, quan thì vui say, mà dân thì phải đổ mồ hôi xót con mắt phục dịch.
Lần này lại ngón văn chương đem lòe bịp thiên hạ nữa, để làm nước hoa thoa mũi sặc hơi tiền của mình. Quan ra một vế câu đối cho mọi người trong tỉnh, ai đối lại được, quan thưởng năm chục quan tiền :
Rượu chuốc năm mươi mừng mẹ nước.
Quan tưởng với cái đầu đề thời sự ấy dễ ai mà đối được. Muốn đối hay cũng phải có tính chất thời sự như quan, nhất là hai chữ « mẹ nước » thì khó mà tìm ra hai chữ để đối lại cho chỉnh.
Nhưng cao nhân tất hữu cao nhân trị, quan thanh liêm đàng hoàng, thiên hạ cũng khó lòng dối thật. Đằng này quan trái lại chỉ ngay cái việc quan trườn mặt « khoa bảng » ra làm tôi giặc Pháp cũng đủ để chê rồi. Vì thế, giữa đám đông dự lễ, mới có anh học trò, xung phong đi ra, đến trước mặt quan vợ chồng tên công sứ Pháp (Le Résident de France) đối lại rằng :
Bạc thuồn chục một chết cha dân.
« Rượu chuốc năm mươi » mà đối với « bạc thuồn chục một » cũng như « mẹ nước » mà đối với « cha dân » thì còn gì hay bằng.
Rằng hay thì thật là hay, nhưng nghe đối mọi người đều lè lưỡi lắc đầu cho số phận anh chàng, nhất là khi nhìn vào lại thấy mặt quan lúc đó xám xanh như tàu lá, rồi giây phút lại bừng bừng đỏ lên như mặt người say rượu, đoạn giây phút nữa lại tím hẳn như chàm.
Song buộc lòng quan phải cho là hay, phải cắn răng bóp bụng móc ra năm chục bạc để thưởng, quan thưởng nhưng ác ôn thay, quan lại truyền lính phạt anh chàng nọ ba mươi roi mây về cái tội xỏ, có nghĩa là thất lễ với quan, không biết kính quan là chúa tỉnh, là « dân chi phụ mẫu » :
Than ôi ! Ba chục roi đòn, đâu có xóa đi được cái chuyện trên và câu đối lại lịch sử ấy.
Tham thì thâm, cổ nhân đã dạy, quan sao chẳng nhớ ? Phải chăng có học mà còn tệ hơn không học ?
Giá quan đừng tham, thì đâu đến nỗi phải bể chuyện diễu đời như vậy.
Trăm năm bia đá thì mòn,
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.
Nghĩ lại, thật là bài học đáng giá cho những kẻ ngoài miệng thì thêu hoa dệt gấm, văn kia đối nọ, mà trong thì chứa toàn những thứ dơ và độc.