Nàng Thị Nở thời hiện đại - Chương 2 Căn bệnh khó nói

Chiếc ô tô thể thao màu bạc của Dương bon bon trên đại lộ Đông Tây. Ngồi trong xe, Nhung vẫn còn tức anh ách vì cơ hội được vẽ bìa sách cho nhà văn nổi tiếng đã vỡ bụp như bong bóng. Dương bật nhạc sàn ầm ĩ, Nhung nghe càng thấy bực mình. Cô quay sang cáu gắt:

- Tắt nhạc này đi. Mở đĩa nào có giai điệu nhẹ nhàng đó. Nhạc nhẽo gì nghe đau cả đầu.

- Chị nghe Kpop không? Trước mặt chị có mấy đĩa Kpop đó. Chị coi thích nhóm nào bỏ vào ổ giùm em.

Nhung lấy chồng đĩa săm soi. Super Junior, BigBang, DBSK, Beast, B.A.P, B1A4… Không thấy đĩa nhạc của Lee Hyori, Nhung hỏi Dương:

- Không mua album mới của chị Lee Hyori hả?

- Không. Số đĩa đó của con Sương. Bữa nào chắc phải gom trả lại cho nó.

Nhung liếc mắt qua nhìn Dương. Cô thấy hơi lạ vì anh gọi con bé người yêu là “con Sương” chứ không phải “bé Sương”. Dương quay mặt sang cười một cái:

- Nó đá em rồi. Cặp thằng đi xe 5 tỷ.

- Ồ? - Nhung nheo một mắt rồi cười phá lên. - Ha ha. Tôi đã nói rồi mà. Sớm nở tối tàn.

Mất cả chì lẫn chài nên mới đi uống rượu say bét nhè rồi tới nhà người ta quậy. Nhung nhớ lại chuyện xảy ra tối qua liền bực tức nói:

- Bị lừa sạch tiền rồi chớ gì? Chưa thấy thằng nào ngu bằng cậu.

- Không. Chỉ mất cái vòng vàng.

- Thế còn thẻ ATM, máy giặt, máy lạnh cậu lắp cho căn hộ của nó?

- Căn hộ đó của em mà. Hề hề. Sáng nay tới đổi mã số rồi. Mai mốt được giá bán. Thẻ ATM cũng khóa tài khoản rồi.

- Vẫn ngu. Cho nó ăn biết bao nhiêu tiền.

- Đó là tình phí mà chị. Thằng con trai nào có bồ không phải chi khoản đó.

- Tiền ngu thì có.

***

Thả Nhung trước tòa cao ốc văn phòng mới xây tọa lạc giữa trung tâm thành phố, Dương giơ tay chào cô kiểu quân đội rồi phóng xe đi. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật, Dương xung phong đi bộ đội. Ngày Dương xuất ngũ, cô chẳng nhận ra nữa. Da đen, cơ bắp cuồn cuộn nhìn nam tính ngời ngời, chẳng còn dáng vẻ của một thằng công tử bột trắng bốp. Anh kể hai cái Tết liền đều ngồi giữa đại ngàn Tây Nguyên tập hát Hơ ri, Hơ mon rồi cùng binh đoàn gùi gạo nếp, đậu xanh, lá, rượu và bánh kẹo tõe về các buôn làng, ăn Tết với bà con các dân tộc Ba Na, Ê đê, Gia Rai… Rồi mùa lũ cuốn trôi nhà cửa tài sản của dân, Dương và các đồng đội của mình ngâm mình trong nước nỗ lực cứu nhà, cứu người thoát khỏi lũ quét, lở đất.  Không ngờ thằng con trai mà Nhung thường chọc là “mặt búng ra sữa” lại làm được vô khối việc như thế.

Văn phòng công ty sách nơi An làm việc nằm trên tầng 11. Tường lát đá hoa cương, gạch lát nền bóng loáng sạch bong. Nhung đi ngang qua những mái đầu chăm chỉ làm việc bước tới phòng của trưởng phòng Phát hành sách gõ cộc cộc.

- Mời vào.

Nghe tiếng An đáp lại, Nhung đẩy cửa bước vào phòng cười toe toét:

- Hello.

Đang dán mắt vào màn hình máy tính, An ngẩng đầu lên cười hỏi:

- Bữa nay gõ cửa nữa mới ghê.

Nhung ngồi xuống ghế xoay cười tươi như hoa:

- Em đang muốn trở thành một VPP1.

Rồi cô hỏi An:

- Có việc mới gọi em tới phải không? Hê. Em hơi bận một chút nhưng vẫn sắp xếp thời gian được.

- Ừ. Công ty anh muốn xuất bản mấy cuốn truyện tranh cổ tích. Lúc trao đổi về vấn đề mời họa sĩ vẽ tranh, chính anh là người đề cử em đó và các trưởng phòng khác cũng đã thông qua.

Nhung nhìn An bằng ánh mắt long lanh:

- Em không biết phải cám ơn anh như thế nào đây. Từ trước tới giờ chưa bao giờ em được vẽ truyện tranh rồi xuất bản thành sách đâu.

- Làm cho tốt vào là được.

An lục lọi đống giấy tờ trên bàn rồi rút ra tập giấy in các truyện cổ tích đưa cho Nhung:

- Cầm về nghiên cứu nè. Chọn một truyện bất kỳ để vẽ sau đó gửi bản vẽ cho anh. Cứ từ từ mà vẽ không việc gì phải vội vàng hấp tấp mà hỏng việc.

Nhung cầm tập giấy cười hỉ hả:

- Dạ. Em biết rồi anh.

***

Con đường yên bình khuất mình dưới hàng cây cổ thụ. Mỗi khi có cơn gió thổi qua tàng cây, những chiếc lá già cỗi úa vàng nhẹ nhàng đáp xuống mặt đường hay đậu hờ trên vai chị lao công miệt mài quét đường. Quán nhỏ, độc tông màu gỗ, kê những bộ bàn ghế bằng gỗ đơn giản. Thực đơn của quán khá phong phú bao gồm shusi, lẩu sukiyaki, bánh xèo okonomiyaki… và độc đáo nhất là món bánh nhân bạch tuộc takoyaki. Anh chủ quán kiêm luôn đầu bếp cùng với một cậu nhân viên phục vụ thay phiên nhau chạy bàn. Nhóm của Nhung gồm năm người gọi một bàn đầy đồ ăn, hỉ hả cười nói. Hiền, Dương và Linh đều bằng tuổi nhau nên xưng hô toàn bà với ông. Khang và Nhung cũng bằng tuổi xưng tên từ hồi còn học đại học nên mấy năm rồi vẫn vậy. Với lại, hai đứa đồng nhất quan điểm không thích xưng hô là ông với bà vì sợ “già”.

Nhung vừa ăn bánh xèo vừa nói với Khang:

- Chừng mấy cuốn truyện tranh được xuất bản nhờ Khang viết giới thiệu sách trên báo nha.

Khang cười cười:

- Ok.

Anh chàng Linh đầu xù chen vào:

- Chị Nhung sắp nổi tiếng rồi. Đã nha.

Hiền cũng quay sang nhìn Nhung cười hì hì:

- Em háo hức chờ tới ngày truyện tranh chị vẽ được xuất bản ghê. Để mua về cho bé Ti cháu em.

Uống ngụm trà sữa, Nhung cười he he:

- Đây là cơ hội để chị phát huy hết khả năng của mình. Chị sẽ cố gắng hết sức.

Rồi Nhung nói với Hiền, giọng áy náy:

- À, Hiền nè, cuốn tiểu thuyết của cô nàng tác giả Minh Bảo bạn em chị không nhận vẽ bìa được rồi. Em xin lỗi Bảo giùm chị nghen.

- Dạ. Em sẽ nói lại với Bảo.

Trong đời mỗi người, cơ hội không phải lúc nào cũng đến. Nếu để cơ hội vuột mất khởi tay sẽ tiếc nuối vô cùng và không thể tiến thẳng về phía trước. Nếu các cuốn truyện tranh cổ tích do Nhung vẽ được độc giả nhí và phụ huynh của các bé đón nhận nồng nhiệt, cô tin rằng nhiều công ty sách sẽ mời cô cộng tác.

Hiền ngồi cạnh Dương, quay sang chọc một câu:

- Ê, chị Nhung sắp nổi tiếng rồi. Còn ông thì sao hả?

Dương húp muỗng lẩu bò cười trả lời:

- Tui vẫn đang vẽ ở nhà. Chừng nào hoàn thành tui sẽ tổ chức triển lãm.

Nhung liếc mắt nhìn thằng em khóa dưới, lòng thầm ghen tị. Ba mẹ Dương giàu sụ nên anh chẳng phải vất vả bươn chải với nỗi lo cơm áo gạo tiền giống cô. Đó chính là khoảng cách giàu nghèo được phân chia rạch ròi trong xã hội. Dương sẵn sàng tung tiền ngu cho em bồ xinh tươi mà không thấy tiếc đứt ruột. Còn Nhung, làm quần quật cả tháng trời kiếm tiền trả tiền nhà, tiền ăn, tiền điện nước và nhiều khoản lặt vặt khác như ga, dầu ăn, mắm, muối… muốn hộc hơi. Ba mẹ ở Kon Tum làm nông vất vả nuôi cô ăn học nên người cô đã vô vàn biết ơn ba mẹ. Triển lãm tranh cần nhiều tiền. Với một họa sĩ mà thu nhập chỉ đủ sống như cô thì chẳng bao giờ dám mở miệng tuyên bố tôi sẽ tổ chức triển lãm. Con đường mà Dương đang đi bằng phẳng và đẹp đẽ, hai bên đường hoa thơm nở rộ ong bướm dập dìu trong khi con đường của Nhung toàn ổ gà, gổ voi đầy gai mắc cỡ, muốn tiến về phía trước phải phát hoang bụi rậm, dẹt những tàng cây um tùm chắn đường. Nhưng cả hai đều có chung  một niềm đam mê nghệ thuật, thỏa sức sáng tạo với công việc mình yêu thích.

Dương chợt quay qua bắt gặp ánh mắt của Nhung. Anh nháy mắt một cái kiểu của mấy gã Đông Gioăng muốn thu hút sự chú ý của các cô gái. Nhung gắp miếng bánh xèo rồi há to miệng ngoạm lấy vừa nhai vừa lườm Dương. Đông Gioăng hay Tây Gioăng gì cũng đáng ghét như nhau.

***

Sau khi chia tay Khang, Hiền và Linh, Nhung đi thẳng đến xe ô tô của Dương mở cửa ngồi vào trong. Ăn một bụng no căng, có lẽ tối nay năng suất làm việc của cô sẽ được đẩy lên mấy bậc. Dương ngồi vào ghế lái vừa thắt dây an toàn vừa vui vẻ đề nghị:

- Chị, hai mình đi uống rượu đi.

Nhung gài xong dây an toàn, phẩy tay:

- Bận rồi. Để lúc khác.

Lúc này là lúc nào mà còn nhởn nhơ đi uống rượu được chứ. Nhung phải vẽ xong tranh minh họa truyện ngắn cho báo H.T số ra thứ bảy này và báo T.N số ra vào thứ hai tuần sau. Các anh ở tòa soạn gọi điện thúc giục cô từ sáng giờ.

- Chị. Mình chỉ ngồi một tiếng thôi mà.

- Bộ cậu hết bạn rồi hay sao mà rủ tôi hoài vậy? Cậu thừa biết là một người bận rộn như tôi lấy đâu ra thời gian để đi uống rượu với cậu. Chở tôi về mau lên.

Dương khởi động xe làu bàu:

- Đi có một tiếng đồng hồ mà làm gì dữ…

Nhung gác tay lên cửa xe, để cậu em nói chuyện một mình. Những người độc thân thường chọn giải pháp ráp cặp với nhau đi uống rượu để không thấy lẻ loi. Nhưng người độc thân rãnh rỗi mà muốn ráp cặp với người độc thân bận rộn thì đó sẽ là sự lựa chọn không hoàn hảo.

Điện thoại Nhung chợt phát giọng hát của Lee Hyori. Cô lục túi xách lấy điện thoại ra nhìn chằm chằm vào màn hình giây lát rồi mới bắt máy:

- Alo?

Giọng một người đàn ông vang lên bên kia đầu dây.

- Nhung hả? Giờ Nhung đang ở đâu? Nhung… có rãnh không?

Nhung nhìn sang Dương đang tập trung lái xe rồi trả lời:

- Nhung đang trên đường về nhà.

- Gặp Dũng được không?

Nhung nhìn đồng hồ đeo tay:

- Ok. Dũng cho Nhung địa chỉ đi.

Sau khi cuộc gọi kết thúc, Nhung quay sang nói với Dương:

- Tôi sẽ xuống ở cột đèn đỏ.

Dương quay mặt sang:

- Chị muốn đi đâu? Để em chở đi.

- Không cần đâu.

Đến cột đèn đỏ, Dương dừng xe lại. Lúc Nhung tháo dây an toàn đang định đẩy cửa xuống xe thì Dương giữ cánh tay cô lại:

- Chị. Em chở chị đi cũng được mà.

Nhung lắc đầu, xuống xe, bước lên vỉa hè vẫy tay chào Dương. Dương không thể tiếp tục đỗ xe ở đây vì đèn đã bật xanh và chiếc ô tô đằng sau bắt đầu nhấn còi thúc giục nên anh phải cho xe chạy đi. Nhìn qua gương chiếu hậu, Dương thấy gương mặt Nhung phảng phất nét buồn bã.

***

Nhung không nhớ rõ là ngày mấy nhưng cũng trong tháng Sáu. Cũng vào buổi tối. Cũng ở quán cà phê Princess and the pea với những chậy hoa nhỏ xinh và ly café sữa trong không gian cổ tích ấm cúng. Chỉ khác là năm ngoái Dũng ngồi đối diện với Nhung phấn khởi đưa thiệp đám cưới, còn bây giờ gương mặt anh phờ phạc, hốc mắt hõm sâu thâm quầng, râu ria xồm xoàm.

Dũng và Nhung đều là người Kon Tum. Những ngày đầu trọ học ở thành phố thiếu thốn đủ thứ, cô phải căn cơ dè xẻn từng đồng trong số tiền ba mẹ bán lúa đưa cho. Cũng vì bí bách quá nên cô giấu ba mẹ đi làm thêm ở quán cà phê với Dũng. Hai đứa đã giúp đỡ nhau nhiều trong những tháng ngày khó khăn đó. Dũng học Kinh tế ra làm việc cho một công ty kinh doanh đồ gỗ cao cấp. Anh kết hôn với một cô vợ xinh đẹp, ngoan ngoãn. Cuộc sống đầy đủ tiện nghi trong một căn hộ chung cư cao cấp. Mới tháng trước gặp Dũng trong đám cưới của một người bạn, Nhung thấy anh vẫn đẹp trai phong độ khoác tay cô vợ xinh đẹp cười nói vui vẻ. Sao bây giờ nhìn anh khác nhiều quá, như già đi mấy tuổi.

- Dũng gọi Nhung ra đây rồi ngồi im lặng cả buổi vậy hả? Rốt cục đã có chuyện gì Dũng nói đi chứ?

Oanh, vợ Dũng là cô bạn ở chung phòng với Nhung suốt mấy năm Đại học. Cái cảm giác khi chứng kiến chàng trai tuyệt vời mình yêu đơn phương quỳ xuống tỏ tình với cô gái xinh đẹp là bạn chung phòng trong tiếng vỗ tay rầm rầm của các sinh viên trong xóm trọ có lẽ cũng giống như cảm giác tẽn tò khi đi nộp hồ sơ xin việc cùng với một cô gái xinh như hoa hậu. Anh phó giám đốc chỉ nhìn và nói chuyện với một mình cô gái, để Nhung ngồi lẻ loi bên cạnh bức tượng thần Siva xanh mốc meo. “Anh ấy nói dốt cũng có thể đào tạo được chứ xấu thì hết cách” Cô gái xinh như hoa hậu sau khi được gọi vào phỏng vấn với giám đốc công ty bước ra gọi điện cho mẹ. Dĩ nhiên sau đó cô gái trúng tuyển còn Nhung thì trượt. Như trượt một vỏ chuối té đập đầu đau điếng nhưng không khóc. Ba mẹ sinh ra mình khỏe mạnh và yêu thương mình, tại sao phải khóc chỉ vì xấu xí. Nhung vẫn vô tư đi xin việc nhiều nơi. Công ty này không nhận thì còn công ty khác. Thậm chí cô chấp nhận làm việc ở xưởng vẽ quảng cáo lương thấp và vất vả. Chỉ cần mình yêu những gì mình làm thì sẽ thấy công việc trở nên nhẹ nhàng và không còn thấy mệt mỏi hay buồn chán.

- Dũng… Dũng ngập ngừng, những lời anh định nói cứ như bị mắc kẹt ngay cổ.

Nhìn Dũng gầy rộc đi, Nhung không khỏi thấy xót xa:

- Dũng bị mất tiếng rồi hay sao mà không nói hết câu hả? Nếu Dũng không kể đã có chuyện gì xảy ra Nhung sẽ đi về.

Lúc nãy, khi bước vào quán và nhìn thấy bộ dạng thảm thương của Dũng, Nhung vồn vã hỏi nhưng anh không trả lời, thậm chí ngay cả đến một cái gật đầu hay lắc đầu cũng không. “Dũng và Oanh cãi nhau hả?” “Ở quê Dũng có chuyện gì hả?” “Hay Dũng bị thất nghiệp?”. Đã hơn nửa tiếng trôi qua nhưng Dũng không nói trọn vẹn được một câu nào.

- Dũng kỳ cục thật đó. Mất thời gian của Nhung.

Nhung đứng bật dậy đang định rời khỏi bàn thì nghe Dũng nhỏ giọng nói:

- Nhung… Dũng không thể làm cha. Dũng bị vô sinh.