15. Chết nhầm người là chuyện thường thấy - Phần 01

Chết nhầm người là chuyện thường thấy

1

Có một câu nói thế này: “Chết người là chuyện thường thấy.” Nhưng cũng còn một câu nói không chính thức nữa là: “Chết nhầm người cũng là chuyện thường thấy.” Chết nhầm ở đây không phải là những án oan án sai trên dương thế, những cái đó không được ghi là “chết nhầm” trong sổ sách dưới âm phủ, giống như bác sĩ giết người, đều là do quỷ thần dưới âm phủ tác oai tác quái, nhìn thì tưởng “chết nhầm” nhưng thực ra rất đúng “ý trời”. Chết nhầm ở đây có nghĩa là thời hạn trong sổ sinh tử chưa đến, bị bắt trước, hoặc vốn quỷ sai phải bắt Mã Ngũ thì lại dắt về Ngưu Lục.

Việc nha môn bắt nhầm người vốn là chuyện có thể tránh, nhưng lại thường xuyên xảy ra. Đám sai nha chỉ chăm chăm lo việc bắt người, những lời giải thích biện hộ của người bị bắt chúng không thèm nghe, câu cửa miệng là: “Đến gặp lão gia rồi nói”, nhưng khi đã đến trước mặt lão gia rồi thì lại càng hỗn loạn, đầu tiên là chịu một trận đòn, khi mông đít nở hoa, hỏi lại chẳng thấy ai dám kêu oan nữa. Những việc bắt nhầm, phán nhầm, thẩm nhầm, thậm chí là giết nhầm trên nhân gian thường xuyên xảy ra, nghĩ tới đây, đôi lúc cũng không thể đưa ra yêu cầu cầu toàn cho âm giới. Nhưng sự bắt nhầm dưới âm phủ đồng nghĩa với việc giết nhầm trên nhân gian, nếu như những kẻ dưới âm phủ hồ đồ thì người trên nhân gian có thể một đi không trở về. Cũng may, âm phủ trong những câu chuyện ma đều rất rõ ràng, sinh hồn áp giải đến đó, có thể nhanh chóng phân biệt được đúng sai, phân biệt rõ rồi thì sẽ được thả về, rất ít để lại hậu quả. Tác phong biết sai là sửa này khác hoàn toàn với quan trường trên nhân gian, dường như khiến người ta phải ngưỡng mộ, nhưng nếu như làm sai ít đi hoặc đừng làm sai thì có phải tốt hơn không? Điểm này thật khó mà làm được, giống như trong chuyện Cổ Văn Hợp trong Sưu thần ký do Can Bảo viết, khi ông ta đuổi kịp đám linh hồn bị bắt thì những người trùng tên với ông ta, tính cả nam cả nữ là hơn mười người, cũng chính là một lần bắt nhầm tới hơn mười người.

Suy đoán để tìm nguyên nhân, có lẽ là vì minh phủ cũng giống như quản sử trên dương gian, cần được đánh giá, sự đánh giá này cần những người bị bắt nhầm giúp họ làm quảng cáo. Những sinh hồn được hoàn dương này, sau khi quay về dương gian nhất định khen ngợi sự công chính nghiêm minh dưới âm phủ, không tha cho kẻ xấu mà cũng không hàm oan người tốt, bởi vì đồng thời lúc này cũng có thể chứng minh cho mọi người biết mình là người tốt, vì vậy kể chuyện càng thêm thắt, hào hứng hơn. Sau đó lại được viết báo, thêm mắm thêm muối, truyền từ người này qua người khác, đến tai Ngọc Hoàng đại đế, đánh giá cuối năm sẽ được thêm vài điểm, khiến cho danh tiếng của Diêm Vương có thể xếp ngang hàng với Bao Thanh Thiên ngàn năm có một trên dương gian.

Bắt nhầm người là một việc vui như thế, hà tất gì mà lại không bắt nhầm chứ? Diêm Vương nghĩ thế, đám quỷ tốt cũng vui vẻ phối hợp, mặc dù Diêm Vương cũng làm bộ làm tịch mắng mỏ, giáo huấn vài câu, nhưng sau đó lại nhận được tiền cảm ơn của cái tên từng chết một lần còn muốn tạ long ân kia. Đặc biệt không thể xem thường là, đám hòa thượng cũng rất nhiệt tình với việc này, đừng nói gì đến Diêm Vương, tiểu quỷ. Bởi vì bọn họ có thể nhân lúc những sinh hồn này chuẩn bị hoàn dương, đưa họ đi thăm địa ngục, thế là tuyên truyền Phật pháp, giáo hóa ngu mị. Trong quyển năm cuốn Hữu đài tiên quán bút ký của Du Việt có một câu chuyện, hoài nghi trước việc bắt nhầm người dưới địa phủ, cho rằng trong đó ít nhiều là do cố ý.

Phạt ác khuyên thiện, công đức vô lượng, tiếp theo đó đi khất thực cũng là vô lượng, bởi vì “hòa thượng cũng phải ăn cơm” mà! Những lời này, mặc dù khó tránh khỏi mấy kẻ làm ở những ngành nghề không rõ ràng lấy ra làm cái cớ, nhưng cũng còn hơn là khuyên người khác hít gió uống sương như mấy tên giả đạo học nhiều.

2

Mặc dù việc chết nhầm nhiều như cơm bữa, nhưng những cách chết nhầm lại không nhiều, hàng nghìn năm nay, gần như chỉ có một hình thức duy nhất: Bắt nhầm xuống địa ngục - tra sổ biết là nhầm - thăm quan địa ngục - thả về dương gian, thậm chí trước khi được thả về còn đặc biệt dặn dò, sau khi quay về dương gian đừng quên tuyên truyền cho địa ngục và minh phủ. Chuyện này ở thời Ngụy - Tấn - Lục triều cũng có chút mới mẻ, nếu như hàng nghìn năm nay cách thức đó vẫn lặp đi lặp lại, điều đó chẳng khác gì muốn nói những người khỏe đi thổi nhựa thành dép lê.

Chúng ta đừng nghĩ những vị hòa thượng xây dựng chuyện thiếu sức sáng tạo, bởi vì hàng nghìn năm nay vẫn cứ kể như vậy, vĩnh viễn là một loạt các câu chuyện như Pháp uyển châu lâm, các tín nam tín nữ đều nghe với vẻ mặt háo hức như thế, say mê như thế thì hòa thượng thuyết pháp chỉ cần luyện cho cách nói của mình điêu luyện, trơn tru hơn là đủ rồi.

Nếu suy nghĩ kỹ thì tình tiết bắt nhầm người đó thật ra rất khó để sáng tạo thêm những chi tiết mới mẻ, so đi tính lại, quanh quẩn vẫn là vì nhầm tên. Một đất nước Trung Quốc rộng lớn thế này, dân số hơn tỷ người, những người cùng họ cùng tên thật ra không ít, lấy ngay những ví dụ gần đây cho dễ, những tên như “Viện Triều”, “Quốc Khánh”, “Văn Cách” thì có hàng vạn người cùng đặt, lại thêm một khoản nữa đó là họ tên không giống nhưng âm đọc lại tương đồng, lại có người lúc lơ mơ, nhìn poster quảng cáo mua vé “Lưu Đức Hoa”, vào rồi mới biết là “Lưu Đức Hải”, lại còn có những trường hợp họ và tên đệm thì giống nhưng tên không giống, chán cái là họ đều làm quan, thế là chuyện xưa mới kể rằng có người mang quà đến nhà Lý sở trưởng nhưng lại mang nhầm vào nhà bảo vệ Lý sở trưởng... Những kiểu như thế bình thường bị nhầm lẫn cũng không phải chuyện gì ghê gớm, đặc biệt là vụ quà cáp biếu xén, đúng là một việc tốt “hiếm khi mà hồ đồ” đến vậy, nhưng nếu hồ đồ tới mức liên quan đến tính mạng, pháp luật thì tuyệt đối không phải chuyện đơn giản.

Nếu cùng tên cùng họ, thậm chí cùng nơi ở, cùng làng, cùng xã thì việc bắt nhầm có thể hiểu được, ai bảo bọn họ khi đặt tên cứ thích chạy theo thời thượng cơ! Vấn đề là nhiều người tên họ rất khác nhau, thế mà vẫn bị bắt nhầm. Giống như câu chuyện được nhắc tới ở trước, Đường Cao Tông ở dưới âm phủ hưởng thanh phúc muốn tìm phán quan Tịnh Châu - Bối Tử Nghị xuống làm bạn, kết quả người bị bắt xuống địa phủ là quan địa phương Chu Tử Cung. Mặc dù chức quan thì giống nhau, trong họ tên có một chữ Tử, nhưng chỗ này sai cũng hơi thái quá. Trên đây là hai hiện tượng cực đoan. Ngoài ra, còn có trường hợp nhầm giữa tên và tự của người ta, như trong Kê thần lục do Từ Huyễn thời Ngũ Đại viết, quan coi kho người Nam Đường là Hữu Tạng, tên Trần Cư, tự Đức Ngộ, tối đó trực ban tại kho, vợ ở nhà, đột nhiên mộng thấy hai sử, tay cầm văn thư, hỏi: “Đây là nhà của Trần Đức Ngộ phải không?” Vợ ông ta trả lời, đúng, nhưng thấy tình hình có vẻ không ổn, không giống như tới để tặng quà hoặc tạo quan hệ, liền vội vàng nói: “Chồng tôi tự là Đức Ngộ, nếu quý quan muốn tìm một người có tên Đức Ngộ, vậy thì là quan chủ nông kho Trần Đức Ngộ rồi. Nhà ông ấy ở phía đông.” Hai sử nhìn nhau cười, nói: “Suýt nữa thì nhầm.”

Còn có những người giống tên không giống họ, chỉ lý do đó thôi mà cũng trở thành người bị bắt nhầm. Trong quyển năm Lục dị ký của Đỗ Quang Đình thời Ngũ Đại có ghi lại một chuyện, Tây Thục có hòa thượng Huệ Tiến, tên tục là Vương Thị. Một hôm, sáng sớm ra khỏi nhà, gặp một người rất cao, màu xanh, đi sát theo sau. Anh ta cảm thấy hơi bất thường, liền đi nhanh hơn, rồi lẻn vào nhà một hộ dân. Không ngờ người đó cũng vào theo, tóm chặt lấy tay, bám riết không tha. Hòa thượng cầu xin tha mạng, lúc này người ấy mới hỏi một câu: “Ngươi họ gì?” Hòa thượng nói họ Vương. Người đó liền buông tay: “Cùng tên khác họ”, sau đó đến một câu xin lỗi cũng không có, quay đầu bỏ đi.

Có trường hợp thì lại trùng họ, trùng chức quan, rất dễ bị quỷ sai nhầm lẫn. Trong quyển bảy Di kiên tam kỷ do Hồng Mại viết có truyện Trai trưởng[92] Tiết Tính Du, kể về chuyện xảy ra ở thời Tống Quang Tông, trai trưởng của thái học tiết tính trai Du Sâm, tự Đức Mậu, bệnh tim bộc phát, bất tỉnh nhân sự, thấy một tên lính áo vàng cầm lệnh bài đi đến, trên lệnh bài viết: “Du trai trưởng - Phong Châu...” Còn chưa đọc xong, tên tốt áo vàng liền nói: “Nhầm rồi”, cướp lại lệnh bài rồi bỏ đi. Ngày hôm sau, Học dụ tiền lang Du Lương, tự Quý Lương đột nhiên bị bệnh nặng, chết ngay. Thì ra Du Lương là trai trưởng tiền nhiệm của Tiết Tính, tiếp nhận học dụ xong, Du Sâm mới nhậm chức trai trưởng. Cũng may trên lệnh bài không chỉ ghi chức vụ mà còn ghi cả danh tính. Sự thay đổi về chức vụ và đổi tên đổi tự cũng rất dễ gây ra những phiền phức trong quá trình đi bắt hồn của âm phủ, nhưng dưới âm phủ có nhiều đặc vụ, mật thám chuyên kiêm chức như thế, về lý mà nói thì phải nắm bắt được tình hình tức thời chứ. Trong Khâu giản phản hồn ở quyển bốn Di kiên tam nhâm có kể về một sĩ nhân tên Khâu Giản, bị âm sai đuổi bắt, giải về âm phủ. Âm sai bẩm báo với cấp trên: “Bắt được Khâu Giản rồi ạ!” Người bên cạnh liền nói: “Bảo ngươi bắt Khâu Viên, sao lại bắt Khâu Giản? Mau trả về dương gian!” Âm sai đưa Khâu Giản ra ngoài, lạnh lùng đẩy xuống một cái hố sâu, Khâu Giản giật mình tỉnh khỏi giấc mơ. Không ngờ người này vốn tên là Khâu Viên, Khâu Giản là tên mới anh ta vừa đổi. Thế là anh ta rất đắc ý, nghĩ rằng mình đã thoát khỏi kiếp nạn này. Không ngờ ngày hôm sau tên âm sai đó lại lên bắt anh ta đi, thì ra người ta đã tra được tên gốc của Khâu Giản, nạn này khó thoát.

[92] Trai trưởng: là một chức vụ trong các trường học thời Tống.

Còn một kiểu bắt nhầm nữa, đó là cùng tên khác họ, nhưng lại cùng hàng. Điều này càng khiến người ta thấy khó hiểu, lẽ nào trên lệnh bắt hồn của âm phủ chỉ ghi “Trương lão tam”, “Vương lão ngũ” sao? Và khi thẩm vấn cũng hỏi: “Ta hỏi ngươi, Trương lão tam” sao? Trong truyện Tiết Nhị ở quyển hai Bắc Đông Viên bút ký lục tư biên do Lương Cung Thần viết rất hay, viết đúng cách hỏi như thế.

Huyện lệnh thực tập Tiết Định Vân, một hôm đang ăn mỳ trong phủ, đột nhiên một tên âm sai tới hỏi: “Ngươi họ Tiết phải không?” “Phải.” “Ngươi xếp hàng thứ hai đúng không?” “Không sai.” “Lão gia của bọn ta sai tới bắt ngươi.” Tên âm sai này cũng không để Tiết huyện lệnh ăn hết bát mỳ, lập tức bắt đi ngay. Vào trong quan đường, thấy phía trên có một vị quan đang ngồi, mũ quan mang hàm cấp một, nghiêng đầu hỏi: “Ngươi là Tiết lão nhị phải không?” Tiết huyện lệnh trong lòng bực bội, chúng ta là cán bộ cùng cấp, sao lại chào hỏi nhau kiểu như thế được! Vị quan ngồi trên kia lại nói: “Tại sao gặp ta không quỳ?” Cũng không đợi Tiết lão gia giải thích, lệnh cho lính tát hai mươi cái vào miệng. Tiết lão gia bị đánh vào miệng xong, trong lòng thầm nghĩ, vị đại nhân này dám trách phạt ta, chắc chắn chức quan phải to hơn ta, liền lớn tiếng kêu thảm thiết: “Xin đại lão gia điều tra rõ bị chức mắc phải tội gì.” Vị quan ngồi trên đáp: “Ngươi là cái thá gì, mà dám xưng bị chức?” Lúc này Tiết lão gia mới có thời gian để nói rõ thân phận của mình. Vị quan ngồi trên hoảng hốt, vội vàng đứng dậy tạ lỗi, rồi trách mắng tên khốn kiếp nào dám bắt Tiết huyện lệnh đến đây. Sau đó phạt tên âm sai đó ba mươi trượng vào mông, hai mươi trượng là để đền cho hai mươi cái tát vào miệng Tiết huyện lệnh, mươi trượng là trị tội tên âm sai làm ăn linh tinh, sau đó lệnh cho hắn đưa Tiết huyện lệnh quay lại nhân gian. Ra khỏi quan phủ, Tiết Định Vân quay đầu lại nhìn, thì ra là miếu Thành Hoàng của bản huyện. Mặt ông ta bị đánh đau rát như xát ớt, cổ họng nghẹn ứ như vừa bị ai nhét cái màn thầu vào, xin nghỉ liền mười ngày phép, mới dám ra ngoài gặp người khác. Miếu Thành Hoàng đó làm ăn quá vớ vẩn, tắc trách, kết quả một mồi lửa trời thiêu rụi không để lại dấu vết.

Âm sai đó bắt nhầm người, nguyên nhân là lệnh bắt của Thành Hoàng đại lão gia viết không rõ ràng, nhưng đại lão gia sẽ không bao giờ thừa nhận mình sai, đành mang tên âm sai ra gánh tội giúp. “Thông minh, chính trực ở đâu!” Vì vậy, miếu Thành Hoàng làm ăn vớ vẩn đó mới bị đốt cháy rụi.

Mà kiểu làm ăn vớ vẩn nhất là đến nam hay nữ cũng không phân biệt được, vốn phải bắt chồng thì lại bắt nhầm vợ. Đấy là chuyện xảy ra vào cuối triều Thanh, vì muốn tâng công hưởng lộc, âm dương từ trên xuống dưới đều rặt một lũ làm ăn chẳng ra sao.

Chuyện được ghi lại trong quyển tám cuốn Động linh tiểu chí, kể về huyện lệnh Lý Gia Trác, con dâu của ông ta Bành Thị bị ốm nặng và mất. Theo phong tục của địa phương, những người đi đưa tang phải dùng giấy cuộn thành kiệu giấy, người giấy, coi như lễ bắt buộc để xuống địa phủ, mà sau lưng mấy kiệu phu đó đều phải ghi tên, và đó là tên của những nha dịch đã chết trong nha huyện. Sau khi đốt kiệu giấy và người giấy xong, Bành Thị chưa được đưa vào quan tài, vẫn nằm trên giường, có mấy người đứng quanh để giữ xác qua đêm, trong số đó có một người là anh trai của Bành Thị. Không ngờ, đến nửa đêm, Bành Thị đột nhiên ngồi dậy, mọi người sợ hãi bỏ chạy, chỉ có anh trai thị là không sợ, hỏi thăm dò: “Em gái, em không sao chứ?” Bành thị nói: “Không sao rồi. Mấy kiệu phu đó đều biết em, gọi em là thiếu phu nhân, sau đó rước em vào âm phủ. Lão gia trong âm phủ vừa nhìn, biết là bắt sai người, vội vàng đưa về. Thế là em được sống lại.” Nhưng khi mọi người còn đang vui mừng vì thiếu phu nhân đã sống lại, thiếu gia chồng của Bành Thị đang yên đang lành, không bệnh không tật chết đột ngột, thì ra người mà âm phủ muốn bắt là người chồng, nhưng lại bắt nhầm vợ. Ngày đầu tiên chồng khóc vợ, ngày thứ hai vợ lại khóc chồng, đây có lẽ là trường hợp duy nhất trong lịch sử từ trước tới nay.