Tên tôi là Đỏ - Chương 29 - Phần 1

 

TÔI LÀ DƯỢNG YÊU QUÝ CỦA CHÁU 

Một sự im lặng bao trùm căn phòng khi anh ta thú nhận mình đã giết Zarif Kính mến. Tôi cho rằng anh ta cũng sẽ giết tôi. Tim tôi đập liên hồi. Anh ta đến đây để giết tôi hay để thú nhận và làm tôi sợ hãi? Liệu anh ta có biết mình muốn gì không? Tôi thấy sợ, nhận ra rằng tôi hoàn toàn không hiểu được thế giới nội tâm của người nghệ sĩ tài hoa mà những dòng chữ tuyệt đẹp và cách sử dụng màu sắc đầy ma lực đã quen thuộc với tôi trong nhiều năm này. Tôi cảm nhận được anh ta đang đứng sau lưng tôi, ngay sát gáy tôi, người cứng đơ, tay nắm chặt cái bình mực đỏ to kia, nhưng tôi không quay lại đối mặt với anh ta. Tôi biết sự im lặng của tôi sẽ làm anh ta lo lắng. "Lũ chó cũng không chịu im mồm nữa," tôi nói. 

Chúng tôi lại im lặng. Lần này tôi biết rằng cái chết của tôi, hoặc việc tôi ít nhiều tránh được bất hạnh này, sẽ tùy thuộc vào điều tôi nói với anh ta. Ngoài công việc của anh ta, tôi chỉ biết rằng anh ta rất thông minh, và nếu công nhận rằng một nhà minh họa không nên để lộ tâm hồn mình trong tác phẩm, thì sự thông minh, dĩ nhiên, là một vốn quý. Sao anh ta lại dồn tôi vào chân tường tại nhà khi không có ai khác ở đây? Đầu óc già nua của tôi bị ám ảnh một cách giận dữ với câu hỏi này, nhưng tôi quá bối rối đến độ không thể tự cứu mình thoát khỏi trò này. Shekure đâu rồi? 

"Ông đã biết đó là tôi, đúng không?" anh ta hỏi. 

Tôi hoàn toàn không biết gì cả, cho đến khi anh ta nói với tôi. Trong thâm tâm thậm chí tôi đang tự hỏi phải chăng anh ta không giết được Zarif Kính mến và rằng tay tiểu họa quá cố có thể thực sự đã không chịu nổi những lo lắng của anh ta và gây rắc rối cho những người còn lại chúng tôi. 

Tôi còn hơi biết ơn tên giết người mà tôi đang một mình đối diện trong ngôi nhà vắng vẻ này nữa. 

"Ta không ngạc nhiên việc anh giết anh ta," tôi nói. "Những người như chúng ta vốn sống với những cuốn sách và luôn luôn mơ về những tranh sách của họ, chỉ sợ một điều duy nhất trên đời này. Hơn nữa chúng ta đang đấu tranh với một điều còn nguy hiểm và bị cấm đoán hơn, nghĩa là, chúng ta đang đấu tranh để làm những bức tranh trong một thành phố Hồi giáo. Cũng như Sheikh Muhammad xứ Isfahan, những nhà tiểu họa chúng ta thường cảm thấy có lỗi và hối tiếc, thoạt tiên chúng ta tự trách mình trước khi người khác khiển trách, xấu hổ và cầu xin Thượng đế cùng cộng đồng thú tội. Chúng ta làm sách trong vòng bí mật giống như bọn tội phạm đáng xấu hổ. Ta biết quá rõ rằng việc khuất phục trước những lời công kích bất tận của các hoja, nhà thuyết giáo, quan tòa và những tu sĩ phái thần bí vốn buộc chúng ta tội báng bổ, rằng cảm giác tội lỗi khôn nguôi vừa bóp chết vừa nuôi dưỡng trí tưởng tượng của người họa sĩ như thế nào mà." 

"Ông không trách cứ tôi vì đã giết tay tiểu họa ngu ngốc đó, đúng không?" 

"Những gì thu hút chúng ta vào việc sáng tác, minh họa và vẽ tranh gắn liền với nỗi sợ bị báo thù này. Không phải chỉ vì tiền và đặc ân mà chúng ta bò lê trước tác phẩm của chúng ta từ sáng đến tối, tiếp tục bên ánh nến thâu đêm cho đến khi bị mù và hy sinh bản thân cho những bức tranh và sách, ấy còn là để thoát khỏi chuyện tầm phào của kẻ khác, để thoát khỏi đám đông, nhưng ngược với đam mê sáng tạo này, chúng ta cũng muốn những người mà chúng ta từ bỏ thấy được và đánh giá cao những bức tranh đầy cảm hứng mà chúng ta tạo ra - và liệu họ có cần phải gọi chúng ta là những kẻ tội lỗi không? Ôi, đau đớn thay cho nhà minh họa tài năng thực sự! Nhưng hội họa đích thực thì ẩn trong nỗi đau khổ mà không ai thấy và không ai tạo ra. Nó nằm trong bức tranh, mà thoạt nhìn lần đầu họ sẽ cho là xấu, khiếm khuyết, bất kính hay dị giáo. Một họa sĩ đích thực biết anh ta phải đạt đến chỗ đó, nhưng đồng thời anh ta lại sợ sự cô độc vốn đang chờ đợi anh ta ở đó. Ai sẽ tán thành một kiếp sống căng thẳng, đầy đe dọa như thế? Bằng việc tự trách mình trước khi bị người khác trách, người nghệ sĩ tin anh ta sẽ thoát khỏi những gì anh ta đã sợ hãi trong nhiều năm. Những người khác chỉ lắng nghe và tin anh ta khi anh ta thừa nhận tội lỗi của mình, mà rồi vì nó anh ta sẽ bị kết án hỏa thiêu trong Địa ngục - chính nhà minh họa xứ Isfahan đã châm ngọn lửa hỏa ngục đó." 

"Nhưng ông không phải là một nhà tiểu họa," anh ta nói. "Tôi không giết anh ta vì sợ." 

"Anh đã giết anh ta vì anh muốn vẽ như anh muốn, mà không sợ hãi." 

Lần đầu tiên trong một thời gian dài, nhà tiểu họa, người khao khát trở thành kẻ giết tôi, nói một điều hết sức thông minh: "Tôi biết ông đang giải thích mọi chuyện này để làm tôi phân tâm, để đánh lừa tôi, để gỡ ông ra khỏi tình huống này," Và anh ta nói thêm: "nhưng điều ông vừa nói là sự thật. Tôi muốn ông hiểu và lắng nghe tôi." 

Tôi nhìn vào mắt anh ta. Anh ta đã hoàn toàn quên nghi thức quen thuộc giữa chúng tôi khi anh ta nói: Anh ta đã bị ý tưởng của chính mình cuốn đi. Nhưng tới đâu? 

"Đừng bao giờ sợ, tôi sẽ không xúc phạm đến danh dự của ông," anh ta nói. Anh ta bật cười cay đắng khi vòng ra đằng trước, đối diện tôi. "Ngay cả bây giờ," anh ta nói, "khi tôi đang làm chuyện này, thì tôi cũng không có vẻ là tôi nữa. Như thể có điều gì dằn vặt trong tôi ép tôi tuân theo ý đồ xấu xa của nó. Tuy nhiên tôi vẫn cần điều đó. Với việc vẽ tranh cũng vậy." 

"Đó là chuyện kể của các bà già về Quỷ sứ." 

"Vậy ông cho là tôi nói dối hả?" 

Anh ta không có đủ can đảm để giết tôi, vì vậy anh ta muốn tôi chọc giận anh ta. "Không, anh không nói dối, nhưng anh cũng không thừa nhận điều anh cảm thấy." 

"Tôi thừa nhận những gì tôi cảm thấy. Tôi chịu đựng những giày vò của cái chết mà không chết. Vô tình chúng tôi ngập cổ trong tội lỗi vì ông, thế mà bây giờ ông đang thuyết giáo "hãy can đảm hơn". Ông chính là người biến tôi thành kẻ sát nhân. Bọn tay chân hung ác của Nusret Hoja sẽ giết tất cả chúng ta." 

Càng mất tự tin, anh ta càng cao giọng và càng siết chặt bình mực trong tay hơn. Liệu có ai đi ngang qua trên con đường đầy tuyết này nghe được tiếng la của anh ta và bước vào nhà không? 

"Anh đã giết anh ta như thế nào?" Tôi hỏi, để kéo dài thời gian hơn là vì tò mò. "Làm sao các anh tình cờ gặp nhau ngay miệng giếng đó?" 

"Cái đêm Zarif Kính mến rời nhà ông, anh ta đến chỗ tôi," anh ta nói, với một khao khát thú nhận bất ngờ. "Anh ta nói anh ta đã thấy bức tranh tờ đôi cuối cùng đó, tôi cố hết sức thuyết phục anh ta đừng làm lớn chuyện. Tôi kéo anh ta đi tới khu bị hỏa hoạn tàn phá. Tôi bảo anh ta tôi có chôn tiền cạnh một cái giếng. Nghe tôi nói vậy, anh ta tin ngay... Còn có chứng cứ nào tốt hơn cho việc nhà minh họa chỉ bị lòng tham thúc đẩy nữa không? Đó cũng là một lý do khác khiến tôi không hề thấy hối tiếc. Anh ta là một nghệ sĩ tài năng nhưng tầm thường. Tên ngốc tham lam đó sẵn sàng lấy móng tay đào lớp đất cứng kia. Ông biết đó, nếu tôi thực sự có chôn vàng cạnh cái giếng thì tôi đã không giết anh ta. Phải, ông đã thuê một tên đê tiện khốn nạn làm việc mạ vàng cho ông. Kẻ quá cố đó khéo thì có khéo, nhưng việc chọn lựa màu sắc và cách ứng dụng của anh ta thì bình thường và những trang trí của anh ta thì thiếu cảm hứng. Tôi không để lại dấu vết... Vậy, cho tôi biết, cốt tủy của "phong cách" là gì? Ngày nay cả người Trung Hoa lẫn Tây vực đều nói về tính cách trong tài năng của một người họa sĩ, thứ mà họ gọi là "phong cách". Phong cách có phân biệt được một nghệ sĩ tài hoa với những người khác hay không?" 

"Đừng sợ," tôi nói, "phong cách mới không xuất phát từ ước muốn riêng của nhà tiểu họa. Một ông hoàng qua đời, một vương hầu thua trận, một thời đại có vẻ trường tồn muôn thuở lại chấm dứt, một họa xưởng bị đóng cửa và các thành viên của nó giải tán, tìm kiếm mái ấm khác và những người yêu quý sách khác để làm người bảo trợ cho họ. Một ngày nào đó, một vị vua giàu lòng trắc ẩn sẽ tập hợp những kẻ lưu lạc này, những nhà tiểu họa và thư pháp tha phương hoang mang nhưng đầy tài năng này trong lều hoặc lâu đài của ông và bắt đầu thành lập xưởng làm sách nghệ thuật của riêng ông. Thậm chí dù những nghệ sĩ này, vốn không quen biết nhau, ban đầu vẫn tiếp tục theo những phong cách vẽ tranh riêng của họ, thì qua thời gian, giống như trẻ con dần trở thành bạn bè qua việc đùa giỡn trên đường phố, họ sẽ cãi nhau, chơi lại với nhau, đánh nhau rồi lại dàn hòa. Sự ra đời của một phong cách mới là kết quả của những năm tháng bất đồng, đố kỵ, kình địch và nghiên cứu về màu sắc và cách vẽ. Nói chung, thành viên tài hoa nhất của xưởng sẽ là cha đẻ của hình thức này. Cứ gọi anh ta là người may mắn nhất. Những nhà tiểu họa còn lại chỉ có nhiệm vụ hoàn thiện và trau chuốt phong cách này qua việc bắt chước không ngừng. 

Không thể nhìn thẳng vào mắt tôi, anh ta đột nhiên có vẻ hòa nhã, và cầu xin lòng trắc ẩn cũng như sự trung thực của tôi, anh ta hỏi tôi, run rẩy như một trinh nữ: 

"Tôi có phong cách riêng của tôi không?" 

Tôi nghĩ mình sẽ khóc. Với tất cả sự dịu dàng, đồng cảm và ân cần mà tôi có thể tập trung, tôi vội vàng nói với anh ta điều tôi tin là chân lý: 

"Anh là họa sĩ có thần hứng và tài năng nhất với phong cách mê hoặc và con mắt tinh tường đến từng chi tiết nhất mà ta từng gặp được trong suốt sáu mươi năm qua. Nếu anh đặt một bức tranh trước mặt ta, người đã từng thấy tác phẩm kết hợp của hàng ngàn nhà tiểu họa, ta vẫn có thể nhận ra ngay lập tức vẻ tráng lệ thiên phú từ ngòi bút của anh." 

"Đồng ý, nhưng tôi biết ông không đủ thông minh để hiểu sự huyền bí trong tài năng của tôi", anh ta nói. "Lúc này ông đang nói dối, bởi vì ông sợ tôi. Hãy mô tả một lần nữa đặc điểm trong những phương pháp của tôi." 

"Ngòi bút của anh có vẻ tự nó chọn ra đường nét đúng, cứ như không cần anh xen vào. Những gì ngòi bút anh vẽ không chân thật mà cũng không phù phiếm! Khi anh vẽ chân dung một đám đông người, sự căng thẳng hiện ra từ cái nhìn giữa các nhân vật, việc sắp xếp bọn họ trên trang giấy và ý nghĩa của bài văn biến thành một tiếng thì thầm tao nhã muôn thuở. Ta xem đi xem lại các tranh của anh nhiều lần để nghe tiếng thì thầm đó, và mỗi lần ta lại mỉm cười nhận ra rằng ý nghĩa đó đã thay đổi, và ta biết nói thế nào đây, ta bắt đầu hiểu bức tranh lần nữa. Khi những tầng ý nghĩa này được kết hợp lại với nhau, một độ sâu thẳm hiện lên thậm chí vượt hẳn luật phối cảnh của những bậc thầy châu Âu." 

"Đẹp và hay. Hãy quên những bậc thầy châu Âu đi. Hãy khởi sự từ đầu." 

"Anh có một đường nét cuốn hút và thực sự tuyệt vời đến độ người xem tranh tin vào những gì anh vẽ hơn là vào chính thực tế. Và bởi vì tài năng của anh có thể tạo ra một bức tranh buộc kẻ sùng đạo nhất phải từ bỏ niềm tin của mình, nên nó cũng có thể đưa một kẻ vô thần cứng đầu và ngoan cố nhất đi theo con đường của Allah." 

"Đúng, nhưng tôi không chắc rốt cuộc nó lại là một lời tán dương. Nói lại đi." 

"Không một nhà tiểu họa nào biết được độ đặc nhuyễn của thuốc màu và những bí mật của nó bằng anh. Anh luôn luôn chuẩn bị và sử dụng những màu thật nhất, rực rỡ nhất, tỏa sáng nhất."

"Phải, còn gì khác nữa?" 

"Anh biết anh là họa sĩ vĩ đại nhất sau Bihzad và Mir Seyyid Ali." 

"Phải, tôi biết rõ điều này. Nếu ông cũng biết vậy, sao ông làm cuốn sách này với tay Siyah Kính mến tầm thường đó?" 

"Trước tiên, công việc anh ta làm không đòi hỏi kỹ năng của một nhà tiểu họa," tôi nói. "Sau nữa không như anh, anh ta không phải là kẻ sát nhân." 

Anh ta cười một cách duyên dáng trước lời nói đùa của tôi. Thấy thế, tôi nghĩ mình có thể thoát khỏi cơn ác mộng này nhờ một cách diễn đạt mới - thuật ngữ "phong cách" này. Khi tôi khơi mở đề tài, chúng tôi bắt đầu một cuộc thảo luận thú vị liên quan đến cái bình mực Mông Cổ bằng đồng anh ta đang cầm, không như cha với con trai, mà như hai ông già từng trải và tò mò. Trọng lượng của đồng, sự cân đối của cái bình mực, độ sâu của cổ bình, độ dài của những cây bút sậy thư pháp xưa và những điều huyền bí của mực đỏ, độ đậm nhuyễn của nó mà anh ta có thể cảm thấy trong khi vung vẩy nhẹ nhàng bình mực trước mặt tôi... Chúng tôi đồng ý rằng nếu người Mông Cổ không mang những bí mật về thuốc màu đỏ - điều mà họ học được từ những bậc thầy Trung Hoa - đến Khorasan, Bukhara và Herat, thì chúng tôi ở Istanbul đã hoàn toàn không thể làm ra những bức tranh này. Trong khi chúng tôi nói, độ đặc nhuyễn của thời gian, giống như độ đặc nhuyễn của thuốc màu, có vẻ thay đổi, chảy nhanh hơn. Trong tận cùng thâm tâm, tôi đang tự hỏi sao chưa có ai về đến nhà. Giá mà anh ta đặt cái vật thể nặng nề đó xuống.

Với sự thoải mái thường lệ quen thuộc của chúng tôi, anh ta hỏi, "Khi cuốn sách của ông hoàn tất, những ai thấy tác phẩm của tôi có đánh giá cao khả năng của tôi không?" 

"Nếu, theo ý Thượng đế, chúng ta có thể hoàn tất cuốn sách này mà không bị gián đoạn gì, dĩ nhiên là Đức vua sẽ xem qua nó, kiểm tra trước xem chúng ta có sử dụng đủ hết những miếng vàng lá ở những chỗ thích hợp không. Sau đó, như đọc một bản mô tả về chính Ngài, như bất cứ vị vua nào khác sẽ làm, Ngài sẽ nhìn bức chân dung của Ngài, bị ấn tượng bởi hình ảnh đó giống hệt Ngài hơn là bởi những bức tranh minh họa lộng lẫy của chúng ta; sau đó, nếu Ngài dành thì giờ để xem xét cái phong cảnh mà chúng ta đã khó nhọc và tận tụy tạo ra bằng cái giá là thị lực của chính chúng ta thì càng hay. Anh, cũng như tôi, đều biết rằng trừ phi có phép màu, Ngài sẽ cất kỹ cuốn sách trong kho báu mà thậm chí không hỏi xem ai đã làm cái khung hay những bức minh họa dát vàng, ai vẽ người này hay con ngựa kia - và giống như mọi nghệ nhân tài hoa khác, chúng ta sẽ trở lại với việc vẽ tranh, luôn hy vọng rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ được đền đáp xứng đáng." 

Chúng tôi im lặng hồi lâu, như thể đang chờ đợi một điều gì đó. 

"Khi nào ta mới được đền đáp như thế?", anh ta hỏi. "Khi nào những bức tranh chúng ta đã làm cho đến khi mắt không còn nhìn thấy nữa thực sự được đánh giá cao? Khi nào người ta sẽ cho tôi, cho chúng ta sự tôn trọng mà chúng ta đáng được hưởng?" 

"Không bao giờ!" 

"Sao lại thế?" 

"Họ sẽ không bao giờ cho anh những gì anh muốn," tôi nói. "Trong tương lai, thậm chí anh còn ít được đánh giá cao hơn." 

"Sách tồn tại qua nhiều thế kỷ mà," anh ta nói một cách tự hào nhưng không tự tin. 

"Tin ta đi, không một bậc thầy Venice nào có được sự nhạy cảm nên thơ, niềm tin, sự mẫn cảm của anh, sự thuần khiết và rực rỡ trong màu sắc của anh, nhưng tranh của họ hấp dẫn hơn bởi chúng giống cuộc sống thực hơn. Họ không vẽ thế giới này như được thấy từ ban công của một ngọn tháp mà bỏ qua những gì họ gọi là luật phối cảnh; họ vẽ những gì trông thấy được ở trên đường phố, hoặc từ bên trong căn phòng của một ông hoàng, ghi lại chiếc giường ngủ, tấm mền bông, bàn làm việc, gương soi của ông ta, con cọp, nàng con gái và những đồng tiền vàng của ông ta. Họ ghi nhận tất cả, như anh biết đó. Ta không tin vào mọi thứ họ làm. Việc cố mô phỏng thế giới một cách trực tiếp thông qua hội họa với ta có vẻ đáng hổ thẹn. Ta phẫn nộ về việc đó. Song, những bức tranh họ làm theo phương pháp mới đó có sức cám dỗ không thể chối bỏ. Họ vẽ những gì mắt ta thấy đúng như con mắt nhìn thấy nó. Thực sự thì họ vẽ những gì họ thấy, trong khi chúng ta vẽ những gì chúng ta nhìn. Ngắm tác phẩm của họ, người ta dần nhận ra rằng cách duy nhất để làm sống mãi một khuôn mặt là thông qua phong cách Tây vực. Và không chỉ dân Venice mới chấp nhận khái niệm này, mà mọi thợ may, đồ tể, binh lính, thầy tu và chủ tiệm tạp hóa trên mọi miền đất Tây vực đều như thế... Tất cả họ đều được vẽ chân dung theo cách này. Chỉ cần nhìn vào những bức tranh đó là anh cũng sẽ muốn thấy chính mình theo cách đó, anh sẽ muốn tin rằng anh khác với mọi người, một con người cá biệt, đặc thù, độc nhất. Vẽ con người không như trí não ta mường tượng họ mà như ta thực sự thấy họ bằng con mắt phàm trần, vẽ theo phương pháp mới này cho phép ta đạt được khả năng đó. Một ngày nào đó mọi người sẽ vẽ như họ. Khi đề cập đến "hội họa", cả thế giới sẽ nghĩ đến tác phẩm của họ! Ngay cả một thợ may ngốc nghếch nghèo khổ vốn chẳng hiểu gì về hội họa cũng sẽ muốn một bức chân dung như thế, để khi thấy đường cong độc đáo của mũi anh ta, anh ta có thể vững tin rằng anh ta không phải một tên ngốc bình thường, mà là một kẻ khác thường."