Tên tôi là Đỏ - Chương 51 - Phần 2


"Các ngươi có thấy trang này không?" tôi nói lúc đã khuya, và lần này cả hai người bọn họ chạy đến bên tôi, giơ cao giá nến. 

"Từ thời cháu nội của Tamerlane đến nay, cuốn sách này đã qua tay cả chục vị chủ nhân trên đường nó lưu lạc từ Herat đến đây suốt một trăm năm mươi năm." 

Qua chiếc kính lúp, cả ba chúng tôi đọc những chữ ký, những lời đề tặng, thông tin lịch sử và tên họ các vị vua - những kẻ đã giết nhau - đầy mỗi góc của trang lai lịch ở cuối sách, dính vào nhau, xen giữa và chồng lên nhau: "Cuốn này làm xong ở Herat, với sự trợ giúp của Thượng đế, do bàn tay của nhà thư pháp Sultan Veli, con trai của Muzaffer xứ Herat, vào năm Hegira 849 cho Ismet-ud Dunya, vợ của Muhammad Juki, người em bách thắng của Kẻ cai trị thế giới, Baysungur." Sau đó chúng tôi đọc thấy rằng pho sách này đã trở thành tài sản của vua Hali xứ Akgoýunly, sau đó truyền cho con trai là Yakup Bey, rồi đến các vị vua Uzbek ở phương Bắc, mỗi người trong bọn họ đều giải khuây với nó trong một thời gian, lấy ra hoặc thêm vào một hai bức tranh; bắt đầu với vị chủ nhân đầu tiên, họ thêm khuôn mặt của những cô vợ xinh đẹp của mình vào các bức minh họa và ký tên họ một cách đầy tự hào vào trang lai lịch, về sau nó chuyển sang tay Sam Mirza người chinh phục Herat, và ông này biến nó thành một món quà, với lời đề tặng riêng, cho anh trai của ông ta, vua Ismail, ông này lại mang nó đến Tabriz và biến nó thành một món quà nhưng với một lời đề tặng khác. Khi vua Yavuz Selim đánh bại vua Ismail tại Chaldiran và cướp bóc lâu đài Bảy tầng trời ở Tabriz, cuốn sách này lưu lạc đến đây trong Quốc khố ở Istanbul sau khi du hành qua các sa mạc, núi non và sông ngòi cùng với binh lính của vị vua chiến thắng." 

Siyah và tên lùn kia chia sẻ bao nhiêu mối quan tâm và hào hứng của ông thầy già nua này? Khi tôi giở những pho sách khác và lật các trang trong đó, tôi cảm nhận được nỗi muộn phiền sâu sắc của hàng ngàn nhà minh họa ở hàng trăm thành phố lớn nhỏ, mỗi người một tính khí khác biệt, mỗi người vẽ dưới sự bảo trợ của một vị vua, tù trưởng hay đại hãn thô bạo khác nhau, mỗi người thể hiện tài năng của mình và đều rơi vào kiếp mù lòa. Tôi cảm thấy cơn đau của những trận đòn mà tất cả chúng tôi đều nhận lãnh trong suốt thời gian học việc dài, những cú đánh bằng thước cho đến khi má chúng tôi đỏ lựng lên, hoặc những cú đánh bằng những cục đá hoa dùng để đánh bóng lên cái đầu trọc của chúng tôi, trong khi tôi lật - với cảm giác nhục nhã - những trang của một cuốn sách thô sơ trình bày các phương pháp và dụng cụ tra tấn. Tôi không biết cuốn sách khốn khổ này đóng vai trò gì trong Quốc khố Ottoman: Thay vì xem việc tra tấn như một cách thức cần thiết được thi hành dưới sự giám sát của một quan tòa để bảo đảm sự công bằng của Allah trên đời này, các du khách ngoại giáo lại thuyết phục những người đồng đạo về sự tàn bạo và độc ác của chúng ta bằng cách khiến các nhà tiểu họa đáng khinh phải tự hạ phẩm giá mình mà vẽ bừa nhưng bức tranh này để đổi lấy mấy đồng tiền vàng. Tôi thấy xấu hổ trước niềm vui đồi bại hiển nhiên của nhà tiểu họa này trong khi vẽ những bức tranh về hình phạt đánh roi vào gan bàn chân, đánh đập, những trò đóng đinh, treo cổ hoặc chân, những trò móc, xâu, bắn bằng đại bác, rút móng, bóp cổ, cắt họng, cho chó đói ăn thịt, đánh bằng roi, bỏ bao, siết ép, nhúng vào nước lạnh, bứt tóc, bẻ ngón tay, lột da, cắt mũi và móc mắt. Chỉ những nghệ sĩ thực sự như chúng tôi, những kẻ chịu những trận đánh vào gan bàn chân tàn nhẫn, những cú đấm đá tùy tiện suốt thời học việc để ông thầy cáu gắt, kẻ vừa vẽ một nét sai nào đó, cảm thấy dễ chịu hơn - ấy là chưa kể những giờ chịu đòn bằng gậy và thước kẻ để con quỷ trong chúng tôi bị tiêu diệt và tái sinh thành âm hồn của cảm hứng - chỉ có chúng tôi mới có thể cảm thấy niềm vui tột độ như thế qua việc vẽ những trận đánh vào gan bàn chân và những trò tra tấn, chỉ có chúng tôi mới có thể tô màu những công cụ này với niềm phấn kích như khi tô màu con diều của một đứa bé. 

Hàng trăm năm nữa, những người nhìn thế giới qua những bức minh họa mà chúng tôi từng vẽ sẽ không hiểu được bất cứ điều gì. Với khao khát được nhìn kỹ hơn, nhưng lại thiếu kiên nhẫn, họ có thể cảm thấy sự bối rối, niềm hạnh phúc, nỗi đau sâu sắc và niềm vui của việc quan sát mà hiện tôi đang cảm thấy khi xem xét những bức tranh trong Quốc khố lạnh ngắt này - nhưng họ sẽ không bao giờ thực sự biết. Khi tôi giở từng trang với những ngón tay già nua bị tê cóng vì lạnh, chiếc kính lúp có tay cầm cẩn xà cừ và mắt trái tôi lướt qua các bức tranh giống như cây chĩa cũ đang cào qua mặt đất, hơi chút ngạc nhiên bởi quang cảnh bên dưới. nhưng vẫn kinh ngạc khi thấy những điều mới mẻ. Qua những trang mà chúng tôi chưa được biết đến suốt bao năm nay, một số là huyền thoại, tôi dần biết người họa sĩ nào đã học được những gì từ ai, rồi trong xưởng nào dưới sự bảo trợ của vị vua nào mà cái thứ nay được gọi là "phong cách" đã hình thành đầu tiên, bậc thầy huyền thoại nào đã làm việc cho ai, và chẳng hạn như, những đám mây Trung Hoa vần vũ mà tôi biết đã lan truyền từ Herat ra khắp Ba Tư dưới ảnh hưởng Trung Hoa và cũng được sử dụng ở Kazvin như thế nào. Thỉnh thoảng tôi lại tự cho phép mình thốt ra tiếng "A ha!" mệt mỏi; nhưng một nỗi đau cực độ đã lẩn sâu vào trong tôi, một nỗi buồn và hối tiếc - mà tôi hầu như không thể chia sẻ với các người - dành cho những họa sĩ ốm yếu có đôi mắt linh dương, mặt tròn trịa, xinh đẹp, bị xem thường, dằn vặt - thường xuyên bị các thầy đánh đập - những kẻ chịu đau khổ vì nghệ thuật của họ, nhưng vẫn đầy say mê và hy vọng, vui hưởng tình yêu thương vốn nẩy nở giữa các họa sĩ và những ông thầy của họ và tình yêu chung của họ dành cho hội họa, trước khi rơi vào kiếp vô danh và phận mù lòa sau những năm dài làm việc vất vả. 

Với nỗi buồn phiền và hối tiếc như thế, tôi bước vào thế giới của những xúc cảm tinh tế và đẹp đẽ này, linh hồn tôi đã lặng lẽ quên mất khả năng mô tả nó qua bao năm mô tả chiến tranh và những lễ hội cho Đức vua. Trong một cuốn sưu tập các bức tranh chọn lọc, tôi thấy một chàng trai Ba Tư môi đỏ, eo thon đang giữ một pho sách trên đùi giống y như tôi đang giữ một cuốn lúc này đây, và nó gợi cho tôi về những gì mà các vua chúa với sự ham mê vàng bạc và quyền lực thường quên: Cái đẹp của thế giới thuộc về Allah. Trong một cuốn sưu tập khác do một thợ cả trẻ ở Isfahan vẽ, với nước mắt đầm đìa, tôi nhìn hai người trẻ tuổi tuyệt vời đang yêu nhau, và tôi nhớ về tình yêu mà các thợ học việc trẻ của tôi dành cho hội họa. Một chàng trẻ tuổi giống như con gái, yếu đuối nước da trong suốt, bàn chân bé xíu đã để lộ một cánh tay thanh tú, vốn làm nảy lên trong lòng kẻ khác nỗi khao khát được hôn lên rồi chết, trong khi một mỹ nhân mũi tròn, tơ trẻ, mắt hạnh đào, môi đỏ mọng nhìn với vẻ kinh ngạc - như thể đang nhìn ba bông hoa đẹp - vào ba vết đốt sâu và nhỏ thể hiện niềm đam mê mãnh liệt, mà chàng trai trẻ đã đốt lên cánh tay thanh tú đó để chứng minh sức mạnh tình yêu và sự gắn bó của chàng đối với nàng. 

Thật kỳ lạ. tim tôi bắt đầu đập thình thịch. Như từng xảy ra cách nay sáu mươi năm hồi tôi mới bắt đầu học việc, trong khi tôi nhìn những bức minh họa tục tĩu vẽ những chàng đẹp trai có làn da cẩm thạch và những thiếu nữ ngực nhỏ được vẽ bằng mực đen theo phong cách Tabriz, mồ hôi đã lấm tấm trên trán tôi. Tôi nhớ lại niềm đam mê dành cho hội họa mà tôi đã cảm thấy và chiều sâu tư tưởng mà tôi từng trải nghiệm vào lúc, vài năm sau khi tôi lập gia đình và chập chững bước vào vị trí thợ cắt tôi thấy một chàng trai nước da mịn như những cánh hồng, mắt hạnh nhân, khuôn mặt xinh xắn như thiên thần được đưa vào làm thợ học việc. Trong phút chốc, tôi có cảm giác mạnh mẽ rằng hội họa không hề bao hàm sự u sầu và hối tiếc mà liên quan đến nỗi khao khát mà tôi đang cảm thấy đây, và rằng chính tài năng của họa sĩ bậc thầy đã biến khao khát này trước hết thành tình yêu Thượng đế rồi sau đó thành tình yêu thế giới như Thượng đế thấy nó; cảm giác này quá mạnh mẽ đến độ nó làm tôi nhớ lại với niềm hạnh phúc tột cùng tất cả những năm tôi đã trải qua trên bàn vẽ cho đến khi lưng còng đi, tất cả những trận đòn tôi đã chịu đựng trong khi theo học nghệ thuật này, sự tận hiến cho phận mù của tôi thông qua việc minh họa, mọi thống khổ của hội họa mà tôi đã chịu và buộc người khác phải chịu. Như thể đang lướt mắt qua một thứ gì đó bị cấm đoán, tôi nhìn thật lâu và lặng lẽ vào bức minh họa lạ kỳ này với cùng một niềm vui sướng ấy. Tôi vẫn nhìn hồi lâu. Một giọt nước mắt chảy qua má xuống đến râu tôi. 

Khi nhận thấy một ngọn nến từ từ trôi qua gian Quốc khố tiến về phía tôi, tôi cất cuốn sưu tập đó đi và giở bừa một trong những cuốn mà tên lùn vừa đặt cạnh tôi. Đây là một pho sưu tập đặc biệt được làm cho các vị vua: Tôi thấy hai con hươu tại bìa một khu rừng thưa đang âu yếm nhau, và bọn chó rừng nhìn chúng với vẻ ghen ty thù địch. Tôi lật sang trang khác. Những con ngựa hồng và nâu sẫm vốn chỉ có thể là tác phẩm của một trong những bậc thầy xưa ở Herat - chúng hùng dũng làm sao! 

Tôi lật sang trang: Một viên chức chính quyền ngồi chễm chệ chào tôi từ một bức tranh đã bảy mươi tuổi, qua khuôn mặt tôi không thể xác định đó là ai bởi vì ông ta trông giống bất cứ ai, hoặc ấy là tôi nghĩ thế, nhưng quang cảnh của bức tranh, hàm râu của người đàn ông ngồi đó được vẽ theo nhiều sắc độ khác nhau gợi nhớ một điều gì đó. Tim tôi đập liên hồi khi tôi nhận ra bàn tay tuyệt mỹ được vẽ trong bức tranh này. Tim tôi nhận ra trước khi tôi biết, chỉ có ông ta mới có thể vẽ bàn tay tuyệt vời như thế: 

Đây là tác phẩm của Bihzad. Có vẻ như ánh sáng từ bức tranh đang phụt ra tới mặt tôi. Trước đây tôi có vài lần thấy những bức tranh do bậc thầy vĩ đại Bihzad vẽ; có lẽ bởi tôi không được xem chúng một mình, mà cùng một nhóm thợ cả trước đây nhiều năm, có lẽ bởi chúng tôi không thể chắc chắn liệu chúng thực sự có phải là tác phẩm của Bihzad vĩ đại hay không, nên tôi chưa từng xao xuyến như lúc này. 

Bóng tối ẩm mốc nặng nề của Quốc khố có vẻ sáng lên. Bàn tay được vẽ một cách tinh xảo này hiện ra trong tâm trí tôi với cánh tay gầy tuyệt mỹ mang những dấu hiệu của tình yêu, mà chỉ bây giờ tôi mới thấy. Một lần nữa tôi ca ngợi Thượng đế vì đã cho tôi thấy cái đẹp kỳ ảo này trước khi bị mù. Làm sao tôi biết tôi sẽ sớm bị mù? Tôi không biết! Tôi có cảm giác rằng tôi có thể chia sẻ trực giác này với Siyah, người đang rón rén đến bên tôi cầm cây nến và nhìn bức tranh, nhưng một điều khác lại thốt ra từ miệng tôi.