Tên tôi là Đỏ - Chương 58 - Phần 1

 

TÔI SẼ BỊ GỌI LÀ TÊN SÁT NHÂN

Các vị đã quên tôi rồi, đúng không? Tại sao tôi phải che giấu sự hiện diện của tôi với các vị thêm nữa? Bởi vì nói chuyện bằng giọng này, cái giọng càng lúc càng trở nên mạnh mẽ hơn, đối với tôi đã trở nên quá thú vị. Nhiều lúc, phải cố lắm tôi mới kìm được mình, và tôi sợ rằng sự căng thẳng trong giọng nói của tôi sẽ tố giác tôi là ai. Nhiều lần, tôi tự cho phép mình thoải mái, và đó là khi những lời này, những dấu hiệu của tính cách thứ hai của tôi - mà các vị có thể nhận ra - thốt khỏi miệng tôi; hai tay tôi bắt đầu run, mồ hôi lấm tấm trên trán và tôi lập tức nhận ra rằng những lời thì thào nho nhỏ của thân thể tôi đây, đến lượt chúng sẽ cung cấp những manh mối mới. 

Nhưng tôi rất toại nguyện ở đây! Khi chúng tôi an ủi nhau bằng hai mươi lăm năm ký ức chúng tôi được gợi nhớ lại không phải về những oán thù, mà về những cái đẹp và niềm vui của hội họa. Cũng có một điều gì đó trong việc chúng tôi ngồi đây với một cảm giác về ngày tận thế sắp đến, vỗ về nhau bằng đôi mắt đầy lệ khi chúng tôi nhớ lại cái đẹp của những ngày đã qua, điều gợi ta nhớ lại những phi tần trong hậu cung. 

Tôi lấy so sánh này từ Abu Said xứ Kirman, người đưa những câu chuyện về các bậc thầy xưa của Shiraz và Herat vào cuốn Tarih của ông viết về các con trai của Tamerlane. Cách nay ba mươi năm, vua Jihan, người trị vì Garagoýunly, đến phương Đông, ở đó ông đánh bại những đội quân nhỏ và cướp đất của các đại hãn và tiểu vương Timurid vốn đang đánh lẫn nhau. Cùng những bộ lạc Thổ Nhĩ Kỳ bách thắng của mình, ông đi xuyên Ba Tư vào tới phương Đông, cuối cùng, tại Astarabad, ông đánh bại Ibrahim, cháu nội của vua Ruh vốn là con trai của Tamerlane; sau đó ông chiếm Gorgan và phái quân tấn công pháo đài Herat. 

Theo sử gia xứ Kirman nói trên, chiến thắng này, vốn đã tàn phá không chỉ Ba Tư mà cả sức mạnh bất khả chiến bại từ trước đến nay của triều đại Tamerlane vốn cai trị hơn nửa thế giới từ Hindustan đến Byzantium trong nửa thế kỷ, đã gây ra một cơn bão táp hủy diệt đến nỗi mọi đàn ông và phụ nữ trong pháo đài Herat bị bao vây chìm trong hỗn loạn. Sử gia Abu Said gợi lại cho người đọc với một niềm vui tai ác về việc vua Jihan xứ Garagoýunly đã tàn sát tất cả nhũng ai thuộc dòng dõi Tamerlane tại các pháo đài ông ta chinh phục được, rồi tuyển lựa phi tần từ những hậu cung của các tiểu vương và vương hầu mà bổ sung họ vào hậu cung của mình, và nhẫn tâm phân tán các nhà tiểu họa và buộc họ làm thợ học việc cho nhũng họa sư của ông ta. Đến chỗ này trong cuốn Tarih, sử gia chuyển sự chú ý từ vị vua và các chiến binh của ông ta, những kẻ đang cố hất văng đối phương ra khỏi các ngọn tháp có lỗ châu mai của những pháo đài, sang những nhà tiểu họa ngồi giữa đống bút và thuốc màu trong xưởng, chờ đợi cao điểm khủng khiếp của cuộc vây hãm mà kết quả của nó từ lâu đã rõ ràng. Ông ta liệt kê tên của các họa sĩ, tuyên bố lần lượt từng người trong bọn họ đã nổi tiếng thế giới như thế nào và sẽ không bao giờ bị lãng quên, và những nhà minh họa này, tất cả họ, giống như các phi tần trong hậu cung của nhà vua, từ lâu đã bị quên lãng ôm nhau khóc, không thể làm gì khác ngoài việc nhắc lại những tháng ngày hạnh phúc tuyệt vời đã qua của họ. 

Chúng tôi, giống như những phi tần buồn rầu trong hậu cung, cũng nhớ lại những món quà gồm những áo viền lông và những túi đầy tiền mà Đức vua đã ban cho chúng tôi để trả công cho những chiếc hộp, tấm gương và bản khắc được trang trí đầy màu sắc, những quả trứng đà điểu được tô điểm, tác phẩm cắt giấy, những bức tranh tờ đơn, những cuốn sưu tập ngộ nghĩnh, những bộ bài và cuốn sách chúng tôi dâng lên Ngài vào những dịp lễ. Đâu rồi những họa sĩ có tuổi, nhiều đau khổ, làm việc vất vả của thời đó, vốn vẫn hài lòng với những phần thưởng nhỏ bé như vậy? Họ không bao giờ giam mình tại nhà và giấu giếm một cách đầy ghen tỵ những phương pháp của họ với người khác, sợ rằng việc làm thêm ban đêm của họ bị phát hiện, mà vẫn đến xưởng mỗi ngày dù chuyện gì xảy ra đi nữa. Đâu rồi những nhà tiểu họa già cống hiến cả cuộc đời cho việc vẽ những họa tiết rắc rối trên các bức tường lâu đài, những lá cây bách mà sự độc đáo của chúng phải xem xét kỹ mới nhận ra, và những thứ cỏ thảo nguyên bảy lá được dùng để lấp đầy khoảng trống? Đâu rồi những thợ cả tầm thường, những người không bao giờ nhen nhóm chút lòng ghen tỵ, đã chấp nhận sự thông minh và công bằng vốn có trong việc Thượng đế ban phát tài nghệ và khả năng cho một số họa sĩ này và ban sự kiên nhẫn và cam chịu cho một số họa sĩ kia. Chúng tôi nhớ lại những bậc thầy này, một số họ bị còng lưng và không ngớt mỉm cười, một số khác mơ mộng và say sưa, một số khác nữa quyết tâm gả đi một cô con gái lỡ thì; và khi hồi tưởng, chúng tôi đã nỗ lực dựng lại những chi tiết bị quên lãng của xưởng làm việc như nó từng có trong những năm học việc và buổi đầu làm thợ cả của chúng tôi. 

Các vị còn nhớ chăng, tay họa sĩ thường độn lưỡi trong má khi anh ta kẻ dòng các trang giấy - độn sang bên trái nếu dòng anh ta kẻ hướng sang phải, và sang phải nếu dòng đi về phía trái; người nghệ sĩ gầy, nhỏ con thường cười một mình, cười như nắc nẻ và lẩm bẩm, kiên nhẫn, kiên nhẫn, kiên nhẫn, trong khi nhỏ thuốc màu; người thợ mạ vàng bậc thầy bảy mươi tuổi, dành nhiều giờ liền nói chuyện với các thợ học việc của người đóng sách dưới nhà và tuyên bố rằng mực đỏ phết lên trán thì có thể ngăn lão hóa; bậc thầy khó tính, người đã nhờ một thợ học việc cả tin, nếu không thì chặn bất cứ ai ngẫu nhiên đi qua để nhờ họ thử độ đậm đặc của thuốc màu bằng móng tay của họ sau khi móng tay của chính ông ta đã được sơn hết cả; và nhà họa sĩ bệ vệ, kẻ thường khiến chúng tôi cười to mỗi khi ông ta vuốt râu mình bằng cái chân thỏ đầy lông dùng để gom bụi vàng được sử dụng trong việc mạ? Các vị còn nhớ họ không? Tất cả bọn họ đâu rồi? 

Đâu rồi những bàn đánh bóng sử dụng quá nhiều đến độ trở thành một bộ phận của thân thể thợ học việc rồi sau đó bị ném sang một bên, và những chiếc kéo cắt giấy bị các thợ học việc làm cho cùn vì trò chơi "kiếm sĩ"? Đâu rồi những bàn viết có khắc tên những bậc thầy vĩ đại để chúng không bị lẫn lộn, mùi thơm của mực Trung Hoa và tiếng kêu lách cách nhè nhẹ của những bình cà phê đang sôi trong im lặng? Đâu rồi những loại cọ khác nhau chúng tôi làm từ lông cổ và lông trong tai những con mèo con được sinh ra từ lũ mèo mướp của chúng tôi mỗi mùa hè, và những bó giấy Ấn Độ lớn được giao cho chúng tôi để những lúc nhàn rỗi chúng tôi có thể thực hành nghệ thuật của mình như những nhà thư pháp đã làm? Đâu rồi con dao nhíp cán bằng thép xấu xí mà muốn sử dụng thì phải được Trưởng ban Minh họa cho phép, do đó tạo ra một sự răn đe cho cả xưởng khi chúng tôi phải cạo bỏ những sai sót lớn; và những gì đã xảy ra với những nghi thức vốn xoay quanh những sai sót này? 

Chúng tôi cũng đồng ý rằng Đức vua quả là sai khi để cho những nhà tiểu họa bậc thầy làm việc tại nhà. Chúng tôi nhắc đến những chiếc bánh nóng tuyệt vời được người ta bưng từ nhà bếp cung điện ra cho chúng tôi vào những tối mùa đông sau khi chúng tôi làm việc đến nhức mắt dưới ánh nến và đèn dầu. Cười to với những giọt lệ trên khóe mắt, chúng tôi nhớ lại cách ông thợ cả mạ vàng già cả lú lẫn, người mắc chứng bệnh run kinh niên và không thể cầm bút hay giấy, vào những lần đến thăm xưởng làm việc hàng tháng, luôn mang theo những chiếc bánh rán tẩm xirô mà con gái ông làm cho bọn thợ học việc chúng tôi. Chúng tôi nói về những trang cực đẹp do Kara Memi quá cố, Trưởng ban Minh họa trước Thầy Osman thực hiện, được phát hiện trong phòng ông, vốn vẫn bỏ trống nhiều ngày sau đám tang của ông, trong cặp giấy nằm bên dưới cái nệm lông ông thường trải ra để ngủ mỗi buổi chiều. 

Chúng tôi nói về và đặt tên cho những trang mà chúng tôi thấy tự hào và thỉnh thoảng muốn lấy ra nhìn nếu có bản sao của chúng, theo cách mà Thầy Kara Memi đã làm. Chúng giải thích cách thực hiện bầu trời ở nửa trên của bức tranh vẽ cung điện trong cuốn Huner-nama được minh họa với lớp sơn lót vàng, báo trước ngày tận thế, không phải vì chính màu vàng của nó, mà bởi sắc độ của nó giữa các ngọn tháp, mái vòm và cây bách - cách sử dụng màu vàng sao cho tao nhã. 

Chúng thể hiện trạng thái bối rối và khó xử của đấng Tiên tri Vinh quang của chúng ta, khi những thiên thần xốc nách ông giữa lúc ông bay lên Thiên đàng từ một đỉnh tháp; một bức tranh có màu sắc long trọng đến độ khi nhìn vào cảnh tượng đầy ơn phúc này thì ngay cả trẻ con trước tiên cũng run lên với lòng sùng mộ và kính sợ sau đó thì cười to đầy kính cẩn như thể bản thân chúng bị cù. 

Tôi đã giải thích cách tôi khắc họa lại dọc theo rìa trang giấy việc quan tể tướng trước đây trấn áp bọn nổi loạn đã chạy trốn lên núi bằng cách xếp chồng những đầu lâu mà ông ta đã chặt một cách đầy tôn kính và tế nhị, vẽ từng cái đầu một cách trang nhã, không như cái đầu của một xác chết bị thương mà như một khuôn mặt độc đáo và riêng biệt theo phong cách của họa sĩ chân dung Tây vực vẽ những nếp nhăn trên trán họ trước khi chết, quệt màu đỏ lên cổ họ, làm cho đôi môi muộn phiền của họ lục vấn về ý nghĩa của cuộc đời, mở lỗ mũi của họ cho đến hơi thở gấp gáp cuối cùng, và khép mắt họ lại với cõi đời này; và vì thế, tôi làm cho bức tranh thấm đẫm ánh hào quang kỳ bí khủng khiếp. 

Như thể chúng là những ký ức không thể quên và không thể tìm lại được của riêng chúng tôi, chúng tôi nuối tiếc thảo luận những cảnh trí ưa thích về tình yêu và chiến tranh, nhắc lại những điều kỳ diệu phi thường nhất và những nét tinh tế đến rơi nước mắt trong những bức đó. Những khu vườn biệt lập và bí ẩn nơi các cặp tình nhân gặp nhau trong những đêm đầy sao đi qua trước mắt chúng tôi: cây cối mùa xuân, những con chim kỳ quái, thời gian ngưng trôi... Chúng tôi tưởng tượng những trận chiến đẫm máu kinh hoàng và gần ngay trước mắt như những cơn ác mộng của chính chúng tôi, những thân thể bị xé làm đôi, những con ngựa chiến với áo giáp lấm tấm máu, những con người đẹp đẽ đâm nhau bằng dao găm, những phụ nữ miệng nhỏ, tay nhỏ, mắt xếch, cúi đầu theo dõi các sự kiện qua cửa sổ mở hé... Chúng tôi nhớ lại những chàng trai tuấn tú cao ngạo, tự phụ, và những vua chúa đẹp trai mà quyền lực cũng như cung điện của họ từ lâu đã chìm vào lịch sử. Giống như những phi tần cùng nhau khóc trong hậu cung của các vị vua đó, chúng tôi hiện biết mình đang chuyển từ cuộc sống sang ký ức, nhưng chúng tôi có chuyển từ lịch sử sang truyền thuyết như họ không? Để tránh bị lôi xa hơn vào cõi kinh hoàng bằng việc kéo dài bóng dáng của nỗi sợ bị lãng quên - thậm chí khủng khiếp hơn cả nỗi sợ chết - chúng tôi hỏi nhau về những cảnh chết chóc mình ưa thích.