Tình Ga nhỏ - Chương 02.2
Nàng không đủ can đảm nhận câu nói đó là do nàng
bịa ra. Khương sờ hộp thịt bò, sắc mặt thật buồn. Chàng không nói gì
nữa và không ai biết chàng đang nghĩ gì.
- Thật ra cô Trương rất tốt. Cô ấy nói như vậy là lo nghĩ tới anh đấy.
Khương đáp cộc lốc:
- Không cần cô ấy lo nghĩ tới anh.
Điền hỏi:
- Như vậy là anh có ý bảo... anh sẽ không theo em đến nhà cô ấy?
Chàng nói như giận dỗi:
- Không đi!
Điền nhún vai, thản nhiên lấy bò khô. Khương có
bằng lòng sang nhà cô Trương chơi không? Khương có thích cô Trương
không? Những việc đó đối với nàng đều không quan trọng. Chỉ cần Khương
thích nàng là đủ rồi. Nàng có thể đi một mình sang nhà cô Trương chơi.
Việc đó và Khương là hai việc riêng biệt nhau. Nàng đã thầm nghĩ như
vậy. Nàng nói:
- Vậy, em đi về nhe.
Nàng đang muốn về nhà nằm lên giường nhai bò khô thích hơn chớ dại gì ở đây chọc cho Khương giận. Khương nói lớn:
- Về đi!
Điền bước ra. Khương vẫn ngồi yên trước bàn học.
Trong lòng chàng, trong óc chàng đang quay cuồng lời nói của cô Trương
bảo chàng điên. Mọi hôm cô Trương nhìn chàng mỉm cười, vậy có nghĩa là
cười chàng điên? Thế tại sao cô Trương lại mỉm cười với một người điên?
Trên đời này ai cũng bảo chàng kỳ dị, bảo chàng điên cũng chẳng sao
nhưng nếu cô Trương...
Chàng cảm thấy thật đau lòng. Chàng rất kính nể,
rất mến thích cô Trương nên chàng càng thêm đau lòng. Chàng không còn
muốn lên cái ổ trên ngọn cây nữa. Chàng không muốn và không dám nhìn
thấy cô Trương nữa. Nụ cười của nàng xuất phát từ ngụ ý gì? Tò mò?
Thương hại? Nhưng chàng nào phải là con khỉ!
Chàng cảm thấy rất buồn. Trời đã tối, sắp đến
giờ dùng cơm. Con người tại sao nhất định phải ăn? Ngồi vào bàn ăn mà
Khương cảm thấy như bị hình phạt. Nếu con người không ăn có phải hay hơn
không? Chàng không thích mà cũng không quen cùng ngồi chung với cha mẹ.
Chàng thấy mình nên sống riêng rẽ hay hơn. Ngay từ lúc nhỏ chàng có cảm
giác như vậy rồi. Cha mẹ chàng chỉ sanh chàng ra mà thôi. Con người
chàng phải sống độc lập. Tuyệt đối độc lập. Chị Thái lên mời chàng dùng
cơm. Chàng bất đắc dĩ phải đi xuống dưới nhà.
Cha mẹ chàng đã đợi ở đấy. Hai ông bà đều nhìn
chàng, chừng như họ rất lo lắng cho con, rất yêu con, nhưng... Có thật
thế không? Chàng hoài nghi tình thương đó!
Không có người con nào lại nghi ngờ tình thương
của cha mẹ. Chỉ có chàng mà thôi. Chàng thật sự hoài nghi và hoài nghi
trong nhiều năm qua. Sự chăm lo và tình thương của cha mẹ theo chàng
nghĩ không phải là thế. Vậy phải thế nào? Chàng không cắt nghĩa được.
Không khí nơi bàn ăn rất tẻ lạnh. Tia mắt của
cha mẹ chàng làm chàng nuốt không trôi. Chàng thấy thà là không ăn để
lẩn trốn tia mắt đó. Chàng chạy trốn trước sự chăm lo của cha mẹ mình?
Sau bữa cơm tối chàng lại ra sau vườn, đến cái ổ trên cây của chàng.
Chàng thấy Điền gọi nó là cái ổ thật đúng. Nhưng chàng không bao giờ
chịu nhìn nhận là đúng trước mặt nàng. Chàng nằm lên những tấm gỗ sùi mà
lại thấy bình tĩnh thản nhiên. Việc đó thật là tế nhị. Ngoài chàng ra
không ai biết được nguyên nhân.
Nó có nguyên nhân! Khương không phải điên đâu.
Chắc rồi một ngày nào đó... cô Trương sẽ hiểu được. Chàng nằm im lặng.
Ánh trăng thật yên tĩnh, thật lạnh, khác hẳn với ánh nắng nóng ban ngày.
Khương nhìn chăm chú cửa sổ nơi phòng ngủ của nàng. Đêm đêm nàng đều
ngồi trước cửa sổ xem sách.
Tại sao đêm nay không thấy bóng nàng? Nàng ít đi
ra phố và thường ở nhà. Nàng cũng ít có bạn bè. Khương thích việc nàng
không có bạn. Như vậy... tựa hồ nàng là của chàng. Đây là một ý nghĩ rất
điên rồ! Nhưng chàng vẫn nghĩ như thế. Chàng chờ đợi... đợi mãi. Chàng
thấy nó dài như một thế kỷ. Nàng đã đi đâu?
Trong khi chàng đang nghĩ ngợi thì bỗng nghe có tiếng nói:
- Ồ, cậu Khương!
Đây là tiếng nói của cô Trương. Khương cảm thấy
lòng mình bình tĩnh và không còn trống trải nữa. Chàng vội vàng ngồi
dậy. Chàng sợ bị hiểu lầm là thiếu lễ độ. Chàng ấp úng:
- Chào cô Trương!
Cô Trương ăn mặc đàng hoàng. Y phục của nàng bao
giờ cũng sang trọng. Nàng không bao giờ mặc những y phục mà người ta
nhìn vào bắt tởm. Nàng vừa đi đâu về. Nàng đi phố chăng? Khương cảm thấy
rất lạ. Cô Trương mỉm cười:
- Cậu đang xem trăng đó hả?
Nàng có vẻ đang vui. Chàng đáp:
- Không... chỉ nằm đây nghỉ yên tĩnh một lúc thôi.
Yên tĩnh? Cô Trương chau mày. Nàng không hiểu
tại sao nhà Khương chỉ có ba người, không bao giờ có một tiếng động lớn,
thế tại sao Khương lại bảo là ra đây để hưởng sự yên tĩnh? Nàng không
hỏi ngay nhưng biết chắc có nguyên nhân gì. Để thong thả rồi sẽ tìm
hiểu. Cô Trương hỏi:
- Cô Điền có đem bò khô về cho cậu ăn không?
Nàng xem chàng là một cậu bé con, hoặc như một
đứa học trò của nàng dậy. Giọng nói của nàng không phải là giọng nói với
một người bạn. Chàng gật đầu:
- Dạ có.
Nàng đáp:
- Nếu có rảnh cậu hãy cùng Điền sang nhà tôi chơi. Nhà tôi yên tĩnh lắm, cậu đừng lo.
Chàng lại gật đầu:
- Dạ!
Chàng chỉ đáp một tiếng. Nàng lại hỏi:
- Cậu thích xem sách không? Tôi có nhiều sách lắm cậu có thể sang đây mượn.
Chàng lắc đầu. Chàng không thích sách.
- Không xem sách, vậy cậu vẫn mãi... nghỉ ngơi thế sao?
Nàng ngập ngừng để tìm một tiếng nào tốt đẹp hơn, hay thay thế cho tiếng ngẩn ngơ mà nàng định nói.
Chàng gật đầu:
- Vâng!
Ít có người con trai nào như vậy. Chàng quả là người rất đặc biệt. Nàng nói:
- Tôi không thể trầm tư như cậu, vậy mong có ngày nào tôi sẽ hiểu cậu hơn.
- Hiểu hơn?
Mắt chàng sáng lên. Đối với chàng, đây là những
chữ rất mới mẻ. Không ai hiểu chàng cả, vậy cô Trương là người thứ nhất
định làm việc đó. Chàng rất xúc động nhưng không bộc lộ ra. Chàng quen
tánh lạnh lùng rồi. Mặt chàng lúc nào cũng lạnh như tiền.
- Cộ.. thật tốt!
Giọng nói của chàng hơi run. Nàng đã nhận thấy. Nàng tươi cười. Cậu con trai này chừng như rất kính nể nàng.
- Nếu cậu thích, tôi sẽ xem cậu như một người bạn.
- Bạn!
Đôi mắt Khương càng sáng lên. Nàng từ bên kia tường đưa một cánh tay ra:
- Phải, bạn.
Chàng do dự một lúc lâu và cuối cùng đã thò tay bắt tay nàng, cái bắt tay ấy mang đến cho chàng niềm hy vọng và niềm tin.
Hôm ấy cô Trương lái xe từ trường học về nhà.
Nàng gặp Khương đang đứng chờ ở cửa sau. Đây là trường hợp rất đặc biệt,
vì Khương lúc nào cũng thích lên ngọn cây. Nàng chào chàng trước:
- Cậu Khương.
Nàng biết chàng có tánh mắc cở. Khương bước tới:
- Cô Trương!
Nàng hỏi:
- Có việc gì không cậu Khương?
Trên tay nàng đang ôm mấy cuốn sách, trên vai
đang vác chiếc cặp da, dáng điệu trông thật là trang nhã, thái độ thật
là bình thản. Chàng lấy hết can đảm:
- Tôi muốn mời cô dùng cơm tối.
Nàng bằng lòng ngay:
- Cơm tối? Được! Chừng nào?
Trên mặt chàng thoáng hiện một niềm vui khó tả:
- Ngày mai!
Nàng hỏi:
- Có chuyện gì? Sinh nhật cậu hả?
Chàng nghĩ ngợi rồi gật đầu. Chàng đáp:
- Đúng mười tám tuổi.
Nàng mỉm cười:
- Ô! Thế là người lớn rồi!
- Ngày mai... đúng sáu giờ tôi chờ cô ở đây.
Chàng cúi mặt nhìn đôi bàn chân. Người con trai này thường hay mắc cở. Nàng hơi ngạc nhiên:
- Không phải ở nhà cậu sao?
Chàng đáp:
- Tôi đặt bàn tiệc ở nhà hàng.
Nàng gật đầu chẳng cần nghĩ ngợi:
- Được!
Xem như đã làm tròn nhiệm vụ, Khương im lặng không nói gì nữa. Chàng chỉ nhắc:
- Đúng sáu giờ ngày mai.
Nàng đáp:
- Mười tám tuổi là sinh nhật lớn, vậy để đêm nay tôi nghĩ xem phải tặng cậu một món lễ vật gì.
Chàng lắc đầu:
- Chẳng cần lễ vật. Cô đị.. là tốt rồi.
Nàng đưa tay vỗ vai chàng một cách tự nhiên:
- Sao lại nói vậy? Nhất định phải có chớ!
Khương mới mười tám tuổi mà đã cao hơn nàng một cái đầu, dù khuôn mặt Khương hãy còn trẻ con lắm. Chàng nói:
- Vậy tôi về nha.
Nàng vẫy tay:
- Cậu về nhé. Tôi còn phải sửa một xấp bài thi.
Nàng bước tới mở cửa. Thái độ của nàng rất tự
nhiên. Nàng là một cô gái hiếm có. Khương lại đứng đấy một hồi nữa rồi
mới thong thả trở về nhà. Chàng không leo lên ngọn cây nữa. Ngày mai
chàng phải thi một môn học. Trên cây không có đèn chàng không thể học
bài được. Chàng vỗ nhẹ vào thân cây chừng như rất có cảm tình. Chàng
nhanh bước trở vào nhà.
Mẹ chàng và Điền đang ngồi nơi phòng khách. Điền lên tiếng hỏi:
- Anh Khương, nãy giờ anh đi đâu? Em ra cái ổ của anh mà không thấy anh ở đó?
Chàng đáp:
- Tôi có tí việc.
Mẹ chàng cũng hỏi:
- Ngày mai là sinh nhật của con, vậy con muốn làm sinh nhật không?
Chàng đáp quả quyết:
- Không cần!
Chàng đã có một cái hẹn rất quan trọng, phải thế không?
Má chàng lại hỏi:
- Sinh nhật của con, tại sao lại không làm được?
Khương không nói gì, vì tới ngày giờ đó... chàng nhất định phải đi. Chàng mặc họ muốn làm gì thì làm. Mẹ chàng lại hỏi:
- Má đã mời khách cho con rồi, vậy con muốn khiêu vũ không?
Chàng quay lưng bước đi:
- Không cần!
Điền đuổi theo:
- Anh Khương, em đã mua quà cho anh rồi!
Khương nhìn nàng:
- Cho cô nhiều chuyện.
Điền kêu lên:
- Nhiều chuyện? Dì đã chuẩn bị làm sinh nhật cho anh, đã mời nhiều người rồi.
Chàng lạnh lùng:
- Thì để cho bà ấy mời.
Chàng sẽ đi gặp cô giáo Trương trong ngày hẹn. Chàng nhất định đi. Điền hỏi:
- Tại sao không khiêu vũ, anh Khương?
Chàng chau mày:
- Tùy cô!
Chàng không có mặt, vậy họ muốn làm gì thì làm.
Điền mỉm cười hài lòng. Nàng tưởng Khương đã chiều nàng. Nhờ vậy Khương
đi lên lầu mà nàng không đuổi theo. Nàng suy nghĩ ngày mai này mình phải
mặc áo màu gì?
Đêm hôm ấy mọi người đều thấy vui. Sáng sớm hôm
sau, Khương vẫn đi học như thường. Sau khi tan học chàng về nhà thật
sớm. Má chàng thấy vậy trong lòng rất vui. Khương đã thay đổi tánh tình
rồi chăng? Chàng vào phòng thay một bộ âu phục, chải đầu tươm tất. Sắp
đến giờ rồi, vậy chàng phải tìm cách trốn đi mà không để ai trông thấy.
Đêm nay chàng sẽ cùng cô Trương đến một nơi
riêng biệt. Nghĩ đến đây tim chàng nhảy lên thình thịch. Trọn đêm nay
chàng sẽ đối diện với cô Trương, vậy chàng không vui sao được. Má chàng
đang chỉ bảo chị Thái lo sắp đặt bánh trái trong nhà bếp. Điền chưa tới.
Cha chàng vẫn còn ở trong phòng xem báo. Vậy đây là giờ phút tốt để
chàng trốn đi.
Chàng rón rén xuống lầu, rồi đi thẳng ra vườn.
Chàng cẩn thận không gây ra một tiếng động khẽ. Chẳng mấy chốc chàng đã
đứng trước cửa nhà cô giáo Trương. Đã sáu giờ kém năm rồi, chắc cô cũng
sắp bước ra. Chàng tin chắc cô đã về nhà, vì chiếc xe của cô đang đậu ở
đây.
Năm phút sau, quả nhiên cô Trương bước ra. Nàng
thật đúng giờ. Nàng không mặc y phục đặc biệt, ngay đến son cũng không
tô. Nhưng dưới mắt Khương, nàng là một cô gái thật hoàn toàn. Nàng hỏi:
- Bây giờ đi hả?
Khương nhìn nàng chăm chú:
- Đi được rồi chớ? Cộ.. còn có việc gì không?
Chàng hết sức thích nàng. Thích nàng có thái độ
thân mật, nhiệt thành. Sống gần nàng, chàng không còn cảm giác cô độc
nữa. Nàng nói:
- Đâu còn chuyện gì nữa. Hôm nay là ngày sinh nhật của cậu mà.
Khương cảm thấy lòng mình hết sức ấm áp. Chàng được nàng coi trọng.
- Đi xe tôi nhé? Như vậy sẽ tiện hơn.
Nàng tự mở cửa xe bước lên. Tánh nàng rất tự
lập, rất hồn nhiên. Nàng không cần người con trai nào giúp đỡ nàng.
Chàng rất thích cái cá tánh đó. Nàng lái xe rất thạo và rất đẹp. Chiếc
xe chạy thật nhanh, chẳng bao lâu đã tới nhà hàng Khương đặt tiệc.
Đây là một nhà hàng rất nổi tiếng và rất đắt
tiền. Người tầm thường ít ai dám bước vào. Ngày sinh nhật của Khương tất
nhiên cần phải sang trọng một tí. Nàng thầm nghĩ như vậy. Hai người
bước vào được người bồi đưa đến chiếc bàn đã dọn sẵn. Đây là một chiếc
bàn nho nhỏ, bên trên có để một bình hoa màu bạc và cắm một đóa hoa
hồng. Chỉ có hai chiếc ghế thôi.
Cô Trương hết sức ngạc nhiên. Chỉ có hai người? Tại sao vậy?
Cô không phải là một cô gái bé thơ nữa, nên liền lên tiếng một câu nhiều ngụ ý:
- Cậu Khương, còn những người khác chưa tới sao?
Khương cười rất vui vẻ:
- Không còn người nào khác hết!
Tất nhiên, một cậu con trai mười tám tuổi, không sao tránh được sự thẹn thuồng.
- Không còn?
Cô Trương dừng ngang lại, không nói hết những
lời ngạc nhiên mà cô định nói ra. Đã đến đây rồi thì phải ngồi xuống chớ
biết sao. Mặc dù nàng có cảm giác ngượng nghịu bất ngờ, nhưng nàng vẫn
rất bình tĩnh. Nàng nói tự nhiên:
- Tôi tưởng ba má cậu làm sinh nhật cho cậu chớ.
Chàng lắc đầu:
- Tôi không cần ba má tôi làm.
Chàng mặc một bộ âu phục nên xem có vẻ khá lớn.
Đối với việc mời cô Trương đêm nay, chừng như chàng đã có kế hoạch từ
lâu rồi. Riêng cô Trương cảm thấy thật lúng túng. Tuy nàng không biết ý
chàng muốn gì, nhưng nàng cảm thấy khung cảnh này thật không thích hợp.
Khương tại sao chỉ mời có nàng, vậy còn cô bạn gái sống bên cạnh chàng
từ thuở nhỏ là cô Điền kia đâu?
Nàng tự nhiên thấy cần phải dè dặt, cần phải đề
phòng. Nếu nàng nói lỡ một lời nào, chắc sẽ còn gây ra sự hiểu lầm to
tát hơn. Nàng bèn giả vờ hỏi:
- Còn Điền đâu? Tại sao không mời cô ấy?
- Con bé ấy mà có biết gì!
Nàng chau mày. Xem ra chuyện này có một nội dung không phải giản dị đâu. Nàng lúng túng:
- Tại sao cậu lại nghĩ... đến việc mời tôi?
Chàng đáp nghiêm trang:
- Tôi cảm thấy... chỉ có cô mới đáng cho tôi mời.
Nàng cố ý nói để tạo một không khí nhẹ nhàng hơn:
- Vì tôi là một giáo sư?
Chàng đáp qua giọng buồn buồn:
- Vì cô là một người bạn.
Cô Trương đã thật sự bắt đầu lo lắng. Cậu Khương
này chắc chắn giống như số đông những cậu con trai mới lớn lên, trong
lòng không có những cảm tình đúng đắn đối với người lớn. Nàng hỏi:
- Chắc cậu còn nhiều người bạn khác lắm, phải không?
Chàng quả quyết:
- Tôi chỉ có một người bạn thôi.
Nàng không nói gì nữa. Nàng đã biết chắc nàng
đến đây là sai lầm rồi. Tại sao nàng không hỏi rõ ràng trước? Nếu nàng
biết chỉ có mình là khách, thì dù chàng nói gì nàng cũng không đến.
Khương tuy là một người đẹp trai, nhưng hãy còn trẻ con. Nàng năm ấy đã
hai mươi lăm tuổi đầu, như vậy... người ta sẽ cười chết!
Nàng không còn vẻ tự nhiên như lúc đầu nữa. Khương nói:
- Má tôi ở nhà đãi khách, nhưng tôi lại mời riêng cô.
Nàng giật mình:
- Cậu bỏ nhà ra đây... vậy má cậu không biết sao?
Chàng đáp rất tự nhiên:
- Tôi đã lén đi. Tôi nào chịu tham dự buổi khiêu vũ vô vị của họ tổ chức.
Cô Trương nghiêm nghị:
- Cậu Khương, cậu đã làm sai rồi, cậu có biết
không? Buổi tiệc sinh nhật ở nhà là buổi tiệc sinh nhật của cậu, vậy dù
sao cậu cũng phải tham dự. Cậu đi riêng với tôi tới đây, dễ gây sự hiểu
lầm lắm.
Chàng cãi bướng:
- Không. Không có hiểu lầm gì đâu.
- Cậu nên trở về nhà ngay. Tôi chỉ muốn tham dự buổi lễ sinh nhật tại nhà cậu.
Chàng cương quyết:
- Tôi không về.
- Tổ chức tiệc sinh nhật như vầy, làm tôi cảm thấy khó xử lắm, cậu có biết không?
- Không đâu. Không có ai biết đâu.
Nàng nhìn thẳng chàng:
- Cậu Khương, tại sao cậu lại dại dột tưởng là không có ai biết? Còn cậu? Còn tôi? Tôi không bao giờ chịu nói dối!
Chàng im lặng một lúc, bỗng nói:
- Tại sao tôi không thể làm những gì tôi thích? Còn họ thì có thể làm được?
Chàng nói nghe rất lạ. Họ là ai? Nàng hít vào một hơi dài:
- Tôi không hiểu.
Nàng cần phải bình tĩnh. Nàng không thể dồn ép
người con trai kỳ dị này một cách thái quá. Hơn nữa... chẳng phải nàng
có ý nghĩ muốn giúp đỡ chàng sao? Hay đây là một dịp tốt?
Mặt chàng đỏ bừng, có vẻ rất xúc động:
- Tất nhiên cô không thể hiểu được. Không ai có thể hiểu được hết.
Nàng cố trầm tĩnh:
- Nếu vậy... cậu bằng lòng nói cho tôi biết, để tôi hiểu cậu không?
Chàng không nói gì, có vẻ đang suy nghĩ. Nàng đổi giọng dịu dàng:
- Cậu Khương, cậu nên biết sinh nhật không phải
chỉ riêng là ngày vui của cậu, mà đó còn là ngày kỷ niệm mẹ cậu đã chịu
khổ sở phải không?
Chàng kêu lên như giận dữ:
- Ai bảo bà ấy sanh ra tôi? Nếu bà ấy không sanh tôi... thì chẳng phải không có chuyện gì hết hay sao?
Đây là một nhà hàng có bầu không khí rất yên
tĩnh. Chàng kêu lên như vậy đã làm nhiều người chung quanh chú ý. Cô
Trương luống cuống đến đỏ mặt một lúc lâu. Khương tức giận cúi gằm mặt.
Đáng lý chàng không nên kêu to như vậy. Chàng tự biết lắm. Chàng liền
cất tiếng khẽ:
- Tôi xin lỗi cô!
Cô Trương tươi cười và cất giọng lo lắng:
- Vừa rồi tại sao cậu lại nói... những lời nói như thế? Cậu phải thương mẹ cậu chớ.
Khương cắn môi nhìn thẳng nàng một lúc lâu mới quyết định nói rõ sự thật:
- Bà ấy không thương gì tôi. Bà ấy... chắc chắn không muốn tôi sống trên cõi đời này.
Cô Trương hết sức ngạc nhiên:
- Sao lạ vậy? Bà ấy là ai, là mẹ của cậu hả? Cậu Khương, chắc chắn không thể có như vậy được.
Khương nói rất quả quyết:
- Có! Ngay từ lúc nhỏ tôi đã biết. Bà ấy... rất chán ghét tôi.
- Chắc là cậu đã hiểu lầm. Tôi có thấy mẹ cậu. Bà nào phải người như vậy?
Giọng nói của nàng rất dịu dàng. Nàng nghĩ phải
chăng đây là nguyên nhân đã làm cho Khương trở thành con người kỳ dị,
lạnh lùng và cô độc? Khương vẫn với giọng tức giận:
- Bà ấy là... là một bà mẹ thiếu trách nhiệm nhất trên đời này. Bà ấy không đủ tư cách để làm một bà mẹ. Tôi rất oán hận bả.
Cô Trương càng hết sức ngạc nhiên:
- Cậu Khương...
Chàng hít vào một hơi dài để giữ sự bình tĩnh, nói tiếp:
- Cô bằng lòng nghe tôi kể hết mọi việc không? Tôi sẽ kể với cộ.. vì tôi thích cô.
Cô Trương gật đầu. Cô sẽ nghe chàng kể hết
chuyện của chàng rồi sẽ tìm hiểu cái tiếng "thích" ấy sau. Nàng nhất
định sẽ giúp đỡ cho chàng.