Tình Ga nhỏ - Chương 03.1

Chương 3 -
ô Trương đã cùng ăn buổi cơm tối với Khương. Nàng đã bắt đầu hiểu người con trai này. Đây là một chàng con trai bướng bỉnh, cực đoan và phóng túng, chàng khác nào một con mèo hoang, ta chỉ có thể vuốt nhẹ lông nó mà thôi.
Nàng không làm phật lòng chàng vì vậy sau bữa cơm tối, nàng đã dẫn chàng về nhà mình chơi. Từ nhà Khương sát vách văng vẳng có tiếng âm nhạc vọng tới. Hai người họ không cần chú ý đến những tiếng nhạc đó. Ngồi nơi phòng khách trang nhã của nàng, chàng bắt đầu kể chuyện mình. Không, phải nói là chàng đang cởi mở những gì u tối trong lòng chàng mới đúng.
- Kể từ ngày tôi có sự hiểu biết, có trí nhớ, thì tôi thấy mình đã bị nhốt trong một cái chuồng gỗ.
Nàng chau mày. Chàng nói nghe rất lạ làm nàng không hiểu gì hết. Chàng nói tiếp:
- Đấy là một chiếc nôi gỗ rất cũ, đã được nhiều hài nhi nằm ngủ trong đó. Thế mà... tôi đã sống trong đó suốt bốn năm dài.
Tại sao là một chiếc nôi rất cũ, đã nhiều hài nhi ngủ trong đó? Bệnh viện chăng? Vô lý, vì bệnh viện nuôi hài nhi rất kỹ, vậy đâu có một chiếc nôi rất cũ. Hay là... mẹ chàng đã mua lại chiếc nôi cũ cho chàng, làm chàng bất mãn?
- Sau khi sanh tôi bẩy ngày thì tôi được rời bệnh viện và được đưa tới một nhà gởi trẻ rất tầm thường.
Nhà gởi trẻ? Nàng gật đầu. Té ra là thế. Nàng nói:
- Việc được gởi nuôi tại nhà gởi trẻ không phải là một việc tệ hại. Có lẽ mẹ cậu chưa có kinh nghiệm, nên đã gởi cậu vào một nhà gởi trẻ chăm sóc hài nhi không được kỹ lắm.
Chàng cười nhạt:
- Đấy là ý cô nghĩ.
Nàng hỏi trở lại:
- Một ý nghĩ trong tưởng tượng? Tại sao?
Chàng lắc đầu:
- Lúc đầu tôi là một đứa hài nhi chỉ biết khóc, mặc cho ai muốn làm gì thì làm. Tôi không hiểu họ chăm sóc tôi như thế nào. Đến năm tôi lên hai thì tôi có sự hiểu biết. Tôi trông thấy họ chăm sóc những hài nhi khác, mới hiểu trước kia họ đã chăm sóc tôi như thế nào.
Hai tuổi mà đã có sự hiểu biết? Vậy phải kể chàng là một đứa bé thông minh.
- Có lẽ cậu đã hiểu lầm. Tôi nghe đâu các y tá trong nhà gởi trẻ làm việc rất tận tâm.
Chàng lắc đầu tức tối:
- Đây là những gì cô nghe nói chứ kỳ thật những người đó không như vậy đâu. Thậm chí có những người chưa từng được huấn luyện kỹ càng về cách nuôi dưỡng hài nhi.
Khương đã kể lại tất cả những nỗi cô đơn nhọc nhằn trong những ngày chàng sống ở nhà gởi trẻ. Lắm lúc chàng bị sốt rất nặng mà mẹ chàng vẫn không hay biết. Tất cả những cái đó đã làm cho chàng có một cá tánh kỳ dị như ngày hôm nay. Nếu Khương từ lúc nhỏ được mẹ chàng ôm ấp trong lòng, chăm nom kỹ lưỡng từ giọt sữa, từng manh áo, thì ngày nay chàng đâu có trở thành một con người như vậy?
Người mẹ có tình thương, có một mối dây liên hệ thiêng liêng với đứa con của mình mà không có gì thay thế được.
Cô Trương bỗng chợt nhớ ra:
- Nhưng... tại sao cậu lại thích ở trên ngọn cây?
Những lời chàng nói vừa rồi, có liên hệ gì đến cái ổ trên ngọn cây của chàng?
Chàng đáp:
- Tôi muốn lánh xa mọi người, kể cả cha mẹ tôi. Hồi nhỏ cha mẹ tôi bỏ rơi tôi, vậy khi khôn lớn tôi có thể bỏ rơi lại cha mẹ tôi.
Nàng hỏi:
- Nhưng tại sao lại ở trên cây?
- Vì những lá cây rậm rạp giúp tôi có một cảm giác an toàn. Và chiếc chòi bé nhỏ bằng gỗ ấy... rất giống chiếc nôi ở trong nhà gởi trẻ.
Nàng ngạc nhiên:
- Chẳng phải cậu rất ghét nơi đó sao?
- Dù sao... chiếc nôi cũ kỹ ấy vẫn là nơi tôi sống bốn năm dài.
Lời giải thích của chàng không hẳn đúng nhưng nó làm cho người ta đau lòng. Ý nghĩ hoài niệm chuyện cũ ấy đã chứng tỏ chàng là một người con trai nhiều tình cảm. Cô Trương rất cảm động, nhưng cô không biết phải nói gì. Nàng có cách gì giúp cho chàng chăng? Nàng chưa nghĩ ra được. Bỗng nàng nhớ đến Điền:
- Còn Điền là một cô gái hết sức dễ thương, vậy cậu không nhận thấy sao? Cô ấy được các bạn học đặt cho cái hiệu là "cục kẹo thơm" đấy. Cô ta lại rất thích cậu...
Chàng đáp nhanh:
- Nhưng cô ta là một cô bé đầy hạnh phúc.
Hạnh phúc? Nàng ngẩn ngơ. Việc này có liên hệ gì đến hạnh phúc đâu?
- Mẹ của cô ta, các bạn của cô ta đều yêu mến cô ta. Vậy hà tất cần đến tôi nữa?
Nàng cười:
- Có phải cậu ganh tị với cô ta không?
Nàng nhận rằng người tuổi trẻ thường có cái tâm lý đó. Nhưng chàng lắc đầu:
- Tôi không biết. Cô ta nói chuyện suốt ngày. Cười suốt ngày. Không bao giờ thấy cô ta buồn rầu... Tôi rất ghét những người như vậy.
Người con trai này thật là ngây thơ non dại, chỉ có điều là cái ngây thơ ấy đã bị sự lạnh lùng và buồn bực che lấp tất cả.
- Cậu Khương, thế mà cậu còn bảo là không ganh ti....
- Ngoài ra cô ta còn một bạn trai kêu là Mỹ. Tôi rất ghét những thằng con trai chưng diện như con gái.
Cô Trương tươi cười. Nàng đã bắt đầu hiểu được Khương. Chàng nói tiếp:
- Chuyện này từ trước tới nay tôi chưa nói với ai bao giờ.
Câu nói của chàng như chưa được nói hết ý. Nàng đáp như hứa với chàng:
- Cậu yên lòng, tôi không bao giờ đem chuyện này thố lộ với người thứ ba.
Chàng mấp máy đôi môi, dường như còn một câu nói đang dồn ứ nơi cổ, rất khó nói ra:
- Không. Không phải tôi muốn nói như vậy. Tôi muốn bảo là...
Nàng đoán:
- Hy vọng tôi sẽ đem việc đó nói lại giúp cho mẹ cậu?
Chàng thở dài:
- Không...
Chàng bỗng cảm thấy mình hết sức can đảm, nói tiếp:
- Tôi đem chuyện bí mật này nói với cô, là vì... tôi rất thích cô!
Nàng giật mình. Từ sắc diện của Khương nàng đã hiểu được ngay cái tiếng "thích" ấy không phải giản dị đâu. Nàng giả vờ giữ bình tĩnh, vì nàng không muốn làm tổn thương đến chàng:
- Cậu Khương, tôi cũng rất thích cậu, như người chị đối với người em!
Chàng đỏ mặt:
- Không. Không nên như chị với em. Cô đã bảo chúng ta là bạn mà.
Nàng lúng túng:
- Cậu Khương...
Chàng vẫn trang nghiêm:
- Cô chưa có bạn trai. Cô từ trước tới nay không bao giờ đi phố, tôi biết. Mọi hôm tôi ở trên cái ổ nhỏ của tôi đều nhìn thấy cô đi dạy về. Tôi ở đấy trông chờ cô trở về. Cô đã nhìn tôi mỉm cười. Tôi rất thích nụ cười của cô. Tôi...
Nàng nghiêm trang cắt đứt câu nói của chàng:
- Cậu Khường, chớ nói nữa. Cậu đã hiểu lầm rồi. Hơn nữa... cậu không thể thích tôi vì tôi lớn hơn cậu nhiều. Tôi năm nay hai mươi lăm tuổi và...
- Cô chớ nói nữa. Tôi chỉ biết lòng tôi. Tôi thích thì tôi nói thích. Chẳng phải cô đã nhận lời hẹn đi gặp tôi rồi hay sao?
Nàng lỡ khóc lỡ cười:
- Tôi không cảm thấy đó là một cái hẹn. Tôi tưởng có nhiều người tới dự. Cậu đã hiểu lầm thật sự rồi!
Sắc mặt của Khương lộ vẻ thất vọng:
- Cô bảo là... cô không thích tôi tí nào?
Cô Trương tìm lời giải thích rất khó khăn:
- Cái tiếng thích của tôi dùng khác nghĩa với cậu. Tôi lúc nào cũng xem cậu là một đứa em.
Chàng giận dỗi:
- Tôi không còn bé nữa. Tôi đã mười tám tuổi rồi!
Nàng cố gắng giải thích:
- Cậu Khương, cậu hãy suy nghĩ lại. Cô của cậu là bạn học với tôi, vậy cậu không thể thích. Cậu nên thích cô Điền, người con gái vẫn yêu cậu.
Chàng cắn môi và không nói gì nữa. Chàng nhìn thẳng vào nàng trân trối, lạnh lùng và thật lâu. Độ chừng hai phút sau mà vẫn còn nhìn làm nàng cảm thấy rất ngượng nghịu.
Chàng chậm rãi và nhấn mạnh từng tiếng:
- Tôi thích cô. Tôi sẽ thích mãi. Tôi không bao giờ thay đổi, trừ phị.. cô dối gạt tôi.
Nàng kêu lên:
- Dối gạt?
Có gì mà dối gạt? Người con trai này đã hiểu lầm tất cả. Chàng lập lại:
- Dối gạt!
Chàng đứng lên định bước đi. Nhưng lại nói thêm:
- Cô còn nhớ là cô đã hứa với tôi, không đem chuyện của tôi nói lại với người thứ ba.
Thế rồi chàng quay gót bỏ đi thẳng ra cửa.
- Cậu Khương...
Nàng muốn gọi chàng lại, nhưng suy nghĩ thấy gọi chàng trở lại cũng chẳng biết nói gì hơn? Chàng thích nàng, quả là một việc làm cho nàng lỡ khóc lỡ cười. Khương đã rời đi.
Nàng nghe có tiếng cổng, nhưng nàng vẫn ngồi ngẩn ngơ, yên lặng. Thật nàng không dè chuyện lại xảy ra thế này. Khương cũng như Điền đều là người trẻ tuổi, thế mà lại đi yêu một người lớn hơn chàng. Quả là một chuyện lạ lùng.
Hay là hành động này có tương quan với những cảnh ngộ thời thơ ấu của chàng? Nàng cần phải nghĩ cách để giải quyết chuyện này. Nàng là một cô gái bình tĩnh và cứng rắn.
Nàng tự tin mình không bị thất bại. Nàng đứng lên thong thả bước đến trước cửa sổ.
Tiếng âm nhạc từ nhà Khương vẫn còn vang vang vọng tới. Buổi lễ sinh nhật không có chủ nhân vẫn vui vẻ. Người trẻ tuổi có khác.
Khương trở về tới nhà thì sao? Chàng sẽ tham dự vào buổi khiêu vũ không? Không. Chàng không phải là hạng người như vậy. Tánh chàng rất cố chấp... Nàng bỗng ngửa đầu lên trông thấy chiếc ổ nhỏ trên ngọn cây của Khương. Trên ấy dường như có bóng người. Khương lại đến chiếc ổ ấy hay sao? Nàng nhanh nhẹn lui vào nhà. Nàng không muốn gây ra sự hiểu lầm nữa.
Nàng bỗng nhớ đến một việc là Khương chưa từng biết tên nàng là gì, thế mà lại yêu nàng.
Quả là chuyện không thể tưởng tượng.
Khương không tham gia buổi lễ sinh nhật của cha mẹ chàng tổ chức cho chàng, nhưng có điều lạ là mẹ chàng và Điền không ai ngỏ lời trách cứ cả. Điền vốn là cô gái có chi nói nấy, thế mà lần này nàng cũng tuyệt nhiên không đả động tới chuyện ấy. Điều đó làm cho Khương nghĩ ngợi và không hiểu tại sao.
Điền vẫn vui vẻ như xưa. Vào trường nàng vẫn liến thoắng, vẫn xuất hiện trong vườn hoa nhà trường, nhưng nàng không bao giờ tới khuấy rầy Khương nữa. Nàng không theo đòi Khương đưa nàng đi xem xi nê, mà cũng không đứng ở thang lầu gọi to tên chàng như những ngày qua. Có phải Điền đã giận chàng rồi không?
Suốt mười mấy năm qua lúc nào chàng cũng bị Điền theo sát bên cạnh. Giờ đây bỗng vắng bóng nàng, chàng cảm thấy như không quen. Chàng có cảm giác như mình đánh mất một cái gì quý báu trên người mình. Chàng lấy làm băn khoăn. Còn một việc làm chàng cảm thấy lạ, ấy là hình bóng của mẹ chàng dường như xa vắng, chẳng còn thấy tới lui bên cạnh chàng.
Trước kia má chàng luôn thức sớm để cùng ngồi ăn điểm tâm với chàng. Sau khi ngồi với chàng dùng điểm tâm xong, bà mới trở về phòng riêng. Mấy hôm nay điểm tâm buổi sáng chỉ có phần ăn của chàng thôi. Má chàng đâu? Phải chăng đã giận chàng? Chàng đã quen trầm lặng, nên dù thấy lạ nhưng vẫn không mở miệng hỏi chị Thái. Tan học về nhà, chàng không còn thấy mẹ mình đứng đón ở trước cửa nữa. Mẹ chàng vẫn ở trong nhà, bà đang bận rộn với công việc riêng của bà.
Gian nhà càng trở nên lạnh lẽo, quạnh hiu. Chàng càng thêm trầm lặng, càng cô độc. Mỗi hôm chàng vẫn bỏ nhiều thì giờ lên nằm trên cái ổ nhỏ trên ngọn cây. Chàng nằm ở đấy để nghĩ ngợi, để tưởng tượng. Chàng ở lại đấy để chờ đợi cô giáo Trương nhìn chàng mỉm cười. Chỉ có cô giáo Trương là vẫn như thường. Nàng đi dạy đúng giờ, trở về đúng giờ. Nàng vẫn giữ thái độ thân mật, tự nhiên. Nàng vẫn nhìn chàng mỉm cười.
Mặc dù nàng không sang nhà chàng để nói chuyện với chàng, nhưng như vậy chàng đã hài lòng lắm rồi. Chỉ cần nàng mỉm cười là đủ. Một hôm sau giờ tan học, Khương vẫn như mọi ngày bước ra cửa trường một mình. Nhà không xa nên chàng chẳng cần phải chen lấn để lên xe buýt. Bỗng chàng trông thấy bóng của Điền phía trước. Điền đang đi sánh vai với Mỹ. Lại là cậu Mỹ...
Khương lắc đầu. Chàng cảm thấy mình càng ngày càng chán ghét Mỹ hơn. Điền và Mỹ đang nói nói cười cười. Chừng như họ đang thảo luận, những chương trình vui chơi gì đó.
Nhà Điền cũng không xa, nhưng nàng đã theo Mỹ bước lên xe buýt. Có phải họ định đi xem xi nê chăng?
Lòng Khương bỗng cảm thấy một sự bực dọc khó hiểu. Điền tuy là một cô gái nghịch ngợm. Điền tuy thích bám sát chàng để khuấy rầy, nhưng... dầu sao nàng vẫn là một cô gái đáng yêu. Nàng không nên giao thiệp với hạng con trai như Mỹ. Chính mắt chàng trông thấy Mỹ hẹn hò với những cô gái khác. Hạng con trai háo gái ấy làm sao xứng đáng với Điền? Chàng cảm thấy bất bình giùm cho Điền.
Nhìn theo chiếc xe buýt mang Điền đi, chàng ngẩn ngơ như mất của quý. Trở về tới nhà chàng thấy ngôi nhà vẫn vắng tanh, ngay đến khi chị Thái cũng chẳng biết trốn đi đâu mất. Không khí tựa hồ như đông đặc lại. Chàng ném chiếc cặp rồi hối hả đi thẳng ra sau vườn. Chàng có thể chẳng cần biết những người chung quanh. Chàng chỉ cần trông thấy cô giáo Trương mỉm cười là đủ rồi. Bây giờ có lẽ cô ấy cũng sắp về tới.
Chàng trèo lên cây nằm xuống cái ổ bé nhỏ của chàng. Chàng nằm im lặng chờ đợi.
Quả nhiên, chàng đã nghe tiếng xe hơi. Mọi ngày, sau khi khóa xong cửa xe cô Trương thong thả bước vào vườn hoa và đi ngang cái ổ của chàng. Nàng vẫn mỉm cười như thường lệ. Khương ngồi lên định đón nhận nụ cười của nàng, nhưng... Chuyện gì đã xảy ra? Từ trước tới nay cô Trương vẫn đi về một mình, thế tại sao hôm nay bên cạnh cô lại có thêm một người con trai xinh đẹp, cao lớn?
Khương không làm sao đè nén được con ghen tức đang dâng lên trong lòng. Chàng tự biết khuôn mặt mình đang tức đến đỏ hồng. Cô Trương vẫn không tiếc một nụ cười với chàng, nhưng... nàng có vẻ hối hả, có vẻ chiếu lệ quá. Lòng Khương cảm thấy giá lạnh, chừng như đông lại thành từng tảng băng, chàng có cảm giác bị dối gạt, bị một vết thương.
Người con trai ấy... là bạn trai của cô Trương chăng? Nàng đã có bạn trai rồi? Thế tại sao từ trước tới nay không nghe nàng nhắc tới, cũng chưa bao giờ trông thấy y tới nhà nàng? Chả lẽ... hôm nay y muốn thị Oai với chàng? Khương cảm thấy tức giận. Chàng như muốn nhảy xuống chạy vào nhà cô giáo Trương đuổi người con trai ấy ra khỏi nhà. Cô giáo Trương là bạn của chàng, vậy cô phải thuộc về chàng. Trong lòng chàng như đang gào thét, nhưng ngoài mặt chàng lại càng trầm lặng hơn.
Mười phút sau cô Trương và người con trai ấy tay khoác tay từ trong nhà đi trở ra. Nàng thay y phục rất đẹp, môi tô son. Khương nhớ hôm nàng đi dự sinh nhật của chàng, nàng ăn mặc rất tầm thường. Xem ra nàng chỉ quý trọng người con trai này. Nếu không nàng đâu có chưng diện. Cô Trương cười thật ngọt, như đang cảm thấy thật là hạnh phúc. Khi đi ngang Khương nàng đứng lại, kéo người con trai ấy đến chân tường cất tiếng vui vẻ:
- Cậu Khương, tôi giới thiệu với cậu nhe! Đây là anh Vỹ, vị hôn phu của tôi. Anh vừa từ Gia Nã Đại (Canada) về!
Khương chỉ cảm thấy như tiếng kêu o o trong lỗ tai, chớ không còn nghe được gì nữa. Vị hôn phu? Trời! Sao lại có chuyện như vậy? Cô Trương đã có vị hôn phu rồi? Chàng không nhớ là mình đã nói gì, đã làm gì. Chàng chỉ trông thấy khuôn mặt thật tươi, tràn ngập niềm hạnh phúc của cô giáo Trương. Và sau đó, chàng dùng tia mắt tiễn họ rời khỏi khu vườn.
Người con gái khi yêu một người con trai, ta có thể nhận thấy được qua sắc diện của họ.
Với nét tươi vui, với nụ cười, họ khác hẳn bình thường. Cô giáo Trương đã yêu Vỹ, đó là việc mà Khương tin chắn chắn. Yêu... thế còn Khương thì sao? Khương từng nói với nàng là chàng thích nàng. Thật ra Khương muốn nói yêu nàng, nhưng vì chàng e thẹn, không dám nói thẳng ra. Bây giờ...
Cô Trương dựa sát vào vị hôn phu. Hình ảnh đó làm chàng hoàn toàn thất vọng. Không! Làm chàng hoàn toàn thất tình! Thất tình... Đây là một chuyện yêu hoàn toàn trong tưởng tượng. Chỉ có chàng là yêu cô giáo Trương. Đây là một thứ tình yêu đơn phương!
Thượng Đế tại sao lại bạc đãi chàng như vậy? Chả lẽ đời chàng số mạng đã an bày là không bao giờ hưởng được sự ấm áp? Không bao giờ được yêu? Chàng ngồi trơ trơ trên chiếc ổ nhỏ ở ngọn cây, mãi cho đến màu trời hoàn toàn tối hẳn. Chị Thái ra mời chàng vào dùng cơm tối, chàng mới chậm rãi leo xuống. Ý nghĩ bị dối gạt trong đầu óc chàng mỗi lúc như thêm lớn mạnh hơn. Chàng cảm thấy phẫn nộ.
Chàng phải làm một cái gì. Chàng cần phải để cho họ biết chàng... Trần Trọng Khương này chẳng phải dễ coi thường. Nơi bàn ăn, cha mẹ chàng vẫn bình thản, an lành. Mẹ chàng không còn cử chỉ lo lắng gắp thức ăn cho chàng nữa. Không còn khuyên nhủ chàng ăn nhiều hơn và cũng không chú ý nhiều tới chàng.
Qua chuyện cô Trương chàng bị kích thích mạnh, lại thêm thấy cha mẹ không còn chăm sóc tới mình, nên chàng không thể nào chịu đựng được nữa. Chàng cung tay quẹt mạnh tất cả chén đĩa xuống đất. Cha mẹ chàng hết sức ngạc nhiên, nhìn chàng trân trối. Mẹ chàng nói qua giọng kinh dị:
- Khương, con làm gì vậy?
Chàng kêu to:
- Con... muốn giết người!
Cha Khương buột miệng kêu lên:
- Khương...
Khương cười to như điên:
- Phải, muốn giết người! Giết những người đã dồn con vào vùng băng giá. Giết những người đã xem thường, đã lạnh lùng với con. Giết những người giả dối làm bộ chăm lo cho kẻ khác. Giết những người... sinh con ra mà vô trách nhiệm!
Mẹ chàng kêu lên:
- Khương, con điên rồi hả?
- Con không điên. Con bình tĩnh hơn bao giờ hết. Con hiểu rõ hơn ai hết...
Sau một chuỗi cười dài, nước mắt chàng trào ra:
- Ba và má sinh con ra nhưng lại không thương con. Không chăm sóc con. Đã gởi con vào nhà gởi trẻ sống bốn năm trong lạnh lùng. Cuộc sống ấy làm con sợ hãi. Làm con mang một vết thương đau. Ba và me.... là những bậc làm cha mẹ thiếu trách nhiệm nhất trong đời này!
Đôi mắt của mẹ chàng đỏ hoe:
- Khương, tại sao con lại nói như vậy? Mọi việc nào phải thế đâu...
- Tại sao không phải?
Chàng khóc thành tiếng:
- Mẹ đã sợ cực nhọc, sợ mau già, nên không bằng lòng nuôi con. Mẹ đã làm cho con từ khi có sự hiểu biết đã tiếp xúc với những gì giá lạnh. Mẹ đã để con sống bốn năm dài trong chiếc giường gỗ cũ kỹ đáng sợ. Mẹ đã làm cho con sống... cảm thấy mình như một đứa bé bị bỏ rơi, không cha không mẹ. Mẹ đã làm cho con... vĩnh viễn không có cảm giác là mình có gia đình, có tình thương... me....
Cha Khương đứng lên:
- Khương!
Qua sắc mặt xúc động dữ dội của cha Khương, rõ ràng ông đang hết sức xấu hổ:
- Con không được nói bậy!
Khương vẫn khóc:
- Con không nói bậy. Những lời nói của con hoàn toàn đúng. Con là người, là một đứa bé có cha mẹ, tại sao con không thể như bao nhiêu đứa bé khác, như Điền, được sống bên cạnh mẹ hiền. Dù cho nghèo dù cho khổ, nhưng nếu có đươc sự chăm sóc chu đáo, có được tình thương thì cũng chẳng sao. Tại sao con không được những cái đó? Tại sao?

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3