Gia đình Penderwick ở phố Gardam - Chương 01 - Rosalind nướng bánh

CHƯƠNG MỘT

Rosalind nướng bánh

Bốn năm và bốn tháng sau

Rosalind đang rất vui sướng. Không phải niềm vui rạo rực, phấn khích rất dễ biến thành thất vọng, mà là niềm vui bình thản thường đến với ta khi cuộc đời đang trôi chảy đúng như ta mong đợi. Ba tuần trước em đã lên lớp bảy ở trường cấp hai (1), và hóa ra nó không đáng sợ như mọi người nói, phần lớn vì em và cô bạn thân Anna đã cùng nhau chia sẻ mọi môn học. Tới giờ đã là cuối tháng Chín, lá cây sắp sửa bừng lên đủ sắc màu rực rỡ - Rosalind rất yêu mùa thu. Giờ lại đang là chiều thứ Sáu nữa, và dù trường học cũng không đến nỗi nào, nhưng có ai lại không thích kì nghỉ cuối tuần hơn cơ chứ?

(1. Ở Mĩ, cấp hai bắt đầu từ lớp bảy thay vì lớp sáu.)

Thích nhất là cuối tuần này dì Claire sẽ đến chơi. Dì Claire thân yêu, với thiếu sót duy nhất là dì sống cách nhà của gia đình Penderwick ở thành phố Cameron, bang Massachusetts, những hai giờ lái xe. Nhưng dì luôn tìm cách bù đắp lại chuyện đó bằng việc đến chơi thật thường xuyên, và tối nay dì sẽ đến. Rosalind có rất nhiều chuyện để kể cho dì nghe, chủ yếu là về kì nghỉ hè của cả nhà, ba tuần tuyệt vời ở một nơi gọi là Dinh thự Arundel ở vùng núi Berkshire. Có vô số cuộc phiêu lưu với một cậu bé tên là Jeffrey, và có lúc Rosalind đã tưởng mình yêu một cậu chàng khác - lớn tuổi hơn - tên là Cagney, nhưng rồi chuyện ấy chẳng đi đến đâu cả. Giờ thì Rosalind kiên quyết trong nhiều năm tới sẽ tránh xa chuyện yêu đương và những rắc rối của nó, nhưng em vẫn muốn kể mọi chuyện với dì Claire.

Có rất nhiều việc phải làm trước khi dì đến - ga sạch trải giường, khăn sạch trong phòng tắm, và Rosalind muốn nướng một chiếc bánh - nhưng trước hết em phải đón cô em út Batty từ Nhà trẻ Goldie về đã. Ngày nào trên đường từ trường về nhà em cũng làm vậy, và thậm chí đó cũng là một phần trong niềm vui của em nữa. Bởi vì đây là năm đầu tiên bố cho phép em trông nom các em sau giờ học, cho đến khi ông về. Trước kia luôn có người trông trẻ, thường là một trong số chị em nhà Bosna xinh đẹp sống ở cùng khu phố với gia đình Penderwick. Và dù chị em nhà Bosna vừa trông trẻ rất giỏi lại vừa xinh đẹp, Rosalind nghĩ giờ mình đã quá lớn rồi - mười hai tuổi tám tháng - nên không cần đến người trông trẻ nữa.

Đoạn đường đi bộ từ trường trung học Cameron đến Nhà trẻ Goldie mất mười phút, và giờ Rosalind đã đi đến phút cuối cùng. Em có thể nhìn thấy ở góc phố trước mặt mình ngôi nhà bằng ván ghép màu xám với hàng hiên rộng đầy đồ chơi. Và giờ thì em còn có thể thấy - em rảo bước nhanh hơn - cô bé đang ngồi một mình trên các bậc thang dẫn lên hàng hiên. Bé có mái tóc quăn màu sẫm, mặc áo len đỏ, và Rosalind chạy nốt mấy bước cuối cùng, vừa chạy vừa quở trách.

“Batty, em phải ở trong nhà cho tới khi chị đến chứ”, em nói. “Em biết đấy là quy tắc mà”.

Batty vòng tay ôm Rosalind. “Không sao đâu, vì cô Goldie vẫn nhìn em qua cửa sổ mà”.

Rosalind ngẩng lên nhìn, và đúng là như thế. Cô Goldie đang đứng ở cửa sổ, mỉm cười vẫy tay. “Ngay cả thế đi chăng nữa thì từ giờ trở đi chị vẫn muốn em ở trong nhà”.

“Vâng ạ. Nhưng mà…”. Batty giơ một ngón tay quấn băng lên. “Em chỉ sốt ruột muốn chỉ cho chị xem cái này thôi. Em bị đứt tay trong giờ thủ công đấy”.

Rosalind cầm ngón tay lên hôn. “Có đau lắm không?”.

“Có ạ”, Batty tự hào đáp. “Em chảy máu ra khắp đống đất nặn và bọn nó hét ầm lên”.

“Nghe thú vị nhỉ”. Rosalind giúp Batty đeo cái ba lô nhỏ màu xanh của bé lên vai. “Giờ thì mình về nhà chuẩn bị đón dì Claire thôi”.

Hầu như ngày nào hai chị em cũng nhẩn nha trên đoạn đường từ Nhà trẻ Goldie về nhà - dừng lại ở chỗ cây dẻ vàng với những chiếc lá hình găng tay, và chỗ cái cống thoát nước thường bị ngập rất đúng mức mỗi khi trời mưa, vừa đủ để cho ta lội qua mà không bị nước lọt vào trong ủng. Rồi cả chú chó đốm vẫn sủa nhặng lên nhưng thực ra chỉ muốn được vuốt ve, những kẽ nứt trên hè phố mà Batty phải nhảy qua, ngôi nhà màu nâu xung quanh toàn là hoa, và những cột điện thoại thỉnh thoảng lại dán những tờ thông báo mất chó mất mèo. Lần nào Batty cũng xem xét chúng thật kĩ, băn khoăn tự hỏi sao người ta không chăm nom vật nuôi của mình cho cẩn thận hơn.

Nhưng hôm nay, vì dì Claire sắp đến chơi, nên cả hai chị em đều vội vã, chỉ dừng lại cho Batty đưa một chú giun đất đã dại dột đi lạc lên vỉa hè đến nơi an toàn, và chẳng mấy chốc chúng đã rẽ vào phố Gardam, nơi cả nhà đang sống. Đó là một con phố yên tĩnh, mỗi bên chỉ có năm nhà, cuối phố là ngõ cụt. Chị em nhà Penderwick đã sống ở đó từ nhỏ, chúng biết rõ và yêu từng centimet một trên phố, từ đầu này đến đầu kia. Ngay cả khi Rosalind đang vội, như hôm nay chẳng hạn, em vẫn hài lòng ngắm nhìn hàng cây thích cao viền hai bên phố - trước mỗi nhà là một cây - những căn nhà trải dài, không còn mới nữa nhưng vẫn ấm cúng và được chăm sóc cẩn thận. Và luôn có ai đó vẫy chào. Hôm nay là ông Corkhill đang cắt cỏ, bà Geiger vừa đi chợ về với một ôtô đầy hàng hóa - và rồi Rosalind thôi không vẫy lại nữa, vì Batty vừa lao lên trước.

“Đi nào, chị Rosalind!”, Batty ngoái lại gọi. “Em đã nghe thấy tiếng nó rồi!”.

Đây cũng là một thói quen hàng ngày của chúng. Cún, chú chó của nhà Penderwick, luôn biết rõ khi nào Batty đã gần về đến nhà, rồi làm loạn lên đến nỗi khắp từ đầu đến cuối phố Gardam, ai cũng nghe thấy. Vì thế nên giờ cả hai chị em đều vội vàng chạy, và chỉ một thoáng sau, Rosalind đã mở cửa trước, rồi Cún nhảy xổ vào Batty như thể bé đã đi xa hàng thế kỉ chứ không chỉ một ngày vậy.

Rosalind lôi Cún quay vào trong nhà cùng với Batty đang nhảy nhót bên cạnh, hân hoan vì lại được sum họp. Cả bọn đi xuôi hành lang qua phòng khách và vào bếp - ở đây Rosalind mở cửa sau rồi đẩy cái đống hỗn độn vui vẻ cô bé và chú chó ra sân sau. Em đóng cửa lại sau lưng hai đứa và tựa mình vào đó để lấy lại hơi. Một lát nữa sẽ đến bữa ăn nhẹ buổi chiều của Batty, nhưng giờ thì Rosalind có một khoảng thời gian riêng cho mình. Em có thể bắt đầu nướng bánh, mà em vừa quyết định sẽ là một chiếc bánh dứa.

Em vui vẻ ngâm nga, lấy quyển Niềm vui nấu nướng từ trên giá xuống. Cuốn sách này là quà cưới của bố mẹ em, và nó đầy những lời ghi chú được mẹ em viết bằng bút chì. Rosalind đã thuộc lòng từng lời ghi chú này, thậm chí em còn có những câu yêu thích nhất nữa, ví dụ như câu viết cạnh công thức chế biến món khoai tây bọc đường chẳng hạn - Sự sỉ nhục đối với khoai tây trên toàn thế giới. Bên cạnh công thức làm bánh dứa thì không có câu ghi chú nào hết. Có lẽ nếu món bánh thành công rực rỡ, Rosalind sẽ thêm lời ghi chú của riêng mình. Thỉnh thoảng em vẫn làm vậy.

“Nấu chảy một phần tư chén bơ”, em đọc, rồi đặt một cái chảo lên bếp, bật bếp lên và bỏ vào đó một cục bơ. Bơ tan ra gần như ngay lập tức, khẽ reo lên líu ríu, làm cho căn bếp tràn ngập một mùi thơ lừng như ở hiệu bánh.

“Cho thêm một chén đường nâu”. Em đong đường rồi đổ vào chảo. “Khuấy cho đến khi hỗn hợp bơ và đường tan ra”.

Khi đường và bơ đã tan lẫn vào nhau, Rosalind nhấc chảo xuống khỏi bếp mở một hộp dứa cắt lát, và xếp những lát dứa lên trên hỗn hợp này. Em lùi lại chiêm ngưỡng công trình của mình. “Trông ngon tuyệt, Rosy ạ. Mày thật là một đầu bếp siêu phàm”.

Em quay lại với cuốn sách nấu ăn, lại ngâm nga trong họng, rồi đột nhiên ngừng lại, vì em vừa nhận ra sân sau im ắng một cách đáng ngờ. Chỉ cần liếc ra cửa là em đã biết ngay tại sao. Batty và Cún đang phủ phục trong dãy hàng rào bằng cây đầu xuân, nhòm vào sân sau nhà hàng xóm. Và đó không phải là nhà hàng xóm bên phải, gia đình Tuttle, vốn đã sống ở đó trước đến nay và sẽ không hề bận tâm ngay cả khi Batty và Cún có đứng ngoài cửa sổ bếp nhòm vào trong lúc họ đang ăn. Không, hai đứa đang do thám nhà hàng xóm bên trái, gia đình Aaronson, những người mới chuyển đến đây. Mọi người đã đặt rất nhiều hi vọng vào những hàng xóm mới này. Một gia đình đông đúc sẽ là tuyệt nhất, vì chẳng bao giờ có thể tụ tập được quá nhiều trẻ con trên phố. Thế nhưng nhà Aaronson hóa ra lại là một gia đình rất nhỏ bé - một bà mẹ và một chú bé mới lẫm chẫm tập đi, nhưng không có bố vì ông đã mất trước khi đứa bé chào đời. Cả hai mẹ con đều có mái tóc đỏ, đó là điều rất hay, vì trên phố không có ai khác tóc đỏ cả, nhưng mà tóc khác người thì cũng chỉ thú vị đến một chừng mực nào đó mà thôi. Ông Penderwick có quen biết sơ qua cô Aaronson từ trước. Họ đều là giáo sư ở trường Đại học Cameron - ông là giáo sư thực vật học, còn cô là giáo sư vật lí thiên thể - nhưng các thành viên còn lại của hai gia đình thì vẫn chưa được giới thiệu với nhau.

Rosalind không nghĩ là chúng nên nhòm ngó nhà hàng xóm trước khi được giới thiệu với họ.

“Batty!”. Em gọi vọng qua cửa. “Lại đây!”.

Batty và Cún luồn lách chui ra khỏi bụi cây đầu xuân và miễn cưỡng quay vào nhà. “Bọn em chỉ chơi trò điệp viên thôi mà”.

“Thế thì chơi trò gì khác đi. Có lẽ nhà hàng xóm không thích bị do thám đâu”.

“Họ không ở sân sau, nên họ sẽ không biết đâu. Với lại bọn em đang tìm con mèo cơ mà”.

“Chị không biết nhà Aaronson có mèo đấy”.

“Ôi, có chứ, một con mèo vàng to lắm. Nó hay ngồi ở cửa sổ, và Cún đã yêu nó lắm rồi”.

Mặc dù Cún vẫy đuôi đồng tình, Rosalind vẫn không tin nổi trong đầu nó đang nghĩ đến sự yêu thương. Em chưa thấy nó ở cạnh một con mèo bao giờ, nhưng em biết nó cảm thấy như thế nào về lũ sóc, và tất cả những chú sóc cố tìm cách làm tổ trên phố Gardam cũng biết. Nhưng có tranh cãi với Batty về tình cảm sâu kín nhất của Cún thì cũng chẳng ích gì, nên em liền đổi chủ đề.

“Em ăn bữa đệm buổi chiều bây giờ nhé?”.

Batty không bao giờ từ chối một bừa quà vặt nào, đặc biệt khi bữa quà ấy có món pho mát, bánh quy xoắn kèm nước nho, và khi mà chị Rosalind cho phép bé ăn ở bên dưới bàn bếp, như hôm nay chẳng hạn, vì dưới bàn bếp là một chỗ trốn tuyệt vời cho các điệp viên mật.

Khi Batty đã ngồi yên, Rosalind quay lại với việc nấu nướng của mình. “Rây một chén bột…”. Nhưng em lại bị cắt ngang, lần này là vì hai cô em gái khác vừa từ trường về nhà và xông vào căn bếp.

“Có mùi gì ngon thế”. Đó là Skye, mái tóc vàng rối tung nhét trong chiếc mũ rằn ri. Em thò ngón tay vào chảo và moi lên một cục đường bơ.

Rosalind cố đẩy em ra xa, nhưng Skye chạy vòng quanh, vừa cười vừa mút ngón tay.

“Gọi bố đi”, Rosalind nói. “Em là đứa cuối cùng về nhà đấy”.

Đó là quy tắc sau buổi học ở trường. Trong khi Rosalind đón Batty ở chỗ cô Goldie thì Skye và Jane cùng đi bộ về từ trường tiểu học Rừng Hoang, nơi Skye đang học lớp sáu, còn Jane lớp năm. Đứa nào về nhà cuối cùng thì phải gọi đến trường đại học cho ông Penderwick để ông biết mọi chuyện đều ổn cả.

“Jane, gọi bố đi”, Skye ra lệnh.

“Em quẫn trí vì giờ Anh văn rồi”, Jane nói.

Nghe thật không giống Jane chút nào, em vốn thích tiếng Anh hơn bất kì thứ nào khác, thậm chí hơn cả môn bóng đá mà em hết sức say mê. Rosalind rời mắt khỏi cuốn sách nấu ăn và chăm chú nhìn cô con gái thứ ba nhà Penderwick. Trông em có vẻ đau khổ. Thậm chí còn hoen nước mắt nữa.

“Có chuyện gì thế?”, Rosalind hỏi.

“Cô Bunda cho nó điểm C bài tập làm văn”, Skye trả lời, thò tay xuống dưới bàn nhón mấy mẩu pho mát của Batty.

“Nỗi nhục nhã của em thế là đã trọn vẹn”, Jane nói. “Em sẽ không bao giờ trở thành nhà văn thực thụ được nữa”.

“Chị đã bảo em là cô Bunda sẽ không thích nó đâu”.

“Cho chị xem bài tập làm văn nào”, Rosalind nói.

Jane lôi mấy cục giấy vo tròn trong túi ra và ném chúng lên bàn bếp. “Giờ em không còn nghề nghiệp gì nữa. Em sẽ phải làm người lang thang thôi”.

Rosalind vuốt phẳng mấy tờ giấy, tìm thấy trang đầu và đọc, “Những người phụ nữ nổi tiếng nhất trong lịch sử bang Massachusetts, của Jane Letitia Penderwick. Trong số tất cả phụ nữ ta nghĩ đến khi nhắc tới bang Massachusetts, có một người nổi bật hơn cả: Sabrina Starr”. Em ngừng đọc. “Em cho Sabrina Starr vào bài tập làm văn của mình à?”.

Sabrina Starr là nhân vật nữ chính trong năm cuốn truyện, tất cả đều do Jane sáng tác. Mỗi câu chuyện kể về một cuộc giải cứu li kì. Cho đến nay thì Sabrina đã cứu một chú dế, một chú sẻ non, một chú rùa, một chú chuột chũi và một cậu bé. Cuốn cuối cùng, Sabrina Starr giải cứu một cậu bé, được viết trong dịp nghỉ hè ở Arundel. Jane nghĩ đó là cuốn viết hay nhất.

“Nhưng đề bài là viết về một người phụ nữ Massachusetts đã từng sống thật cơ mà”.

“Em đã bảo nó đúng như thế đấy. Ui da!”. Skye nhảy bật ra khỏi cái bàn vì vừa bị Batty cấu vào cổ chân để trả thù cho miếng pho mát bị xoáy.

“Em đã giải thích hết mà”, Jane cãi. “Chị đọc trang cuối mà xem”.

Rosalind tìm thấy trang cuối. “Tất nhiên, Sabrina Starr không phải là một phụ nữ Massachusetts có thật, nhưng em viết về cô bé vì cô bé thú vị hơn nhiều so với các bà già Susan B. Anthony (1) hay Clara Barton (2)”, em đọc. “Ôi trời ơi, Jane, chẳng trách cô Bunda cho em điểm C”.

(1. Susan Brownell Anthony (1820 - 1906), nhà hoạt động vì quyền công dân, đóng vai trò quan trọng trong công việc giành quyền bỏ phiếu cho phụ nữ vào cuối thế kỉ XIX.

2. Clarissa Barton (1821 - 1912), nhà giáo, nữ y tá, nổi tiếng với vai trò thành lập Hội Chữ Thập Đỏ của Mĩ.)

“Em bị điểm C vì cô ấy không có trí tưởng tượng. Dù sao đi nữa khi chị có thể sáng tác truyện thì cần gì phải quan tâm đến việc viết bài tập làm văn nữa chứ?”.

Chuông điện thoại reo vang và Skye lao đến nhấc máy. “Con chào bố, vâng, chúng con về nhà cả rồi và đang định gọi bố đấy… Chúng con đều ổn cả, ngoại trừ Jane đang cay cú vì bài văn của nó bị điểm C… Thật thế ạ?”. Skye quay sang Jane. “Bố bảo hãy nhớ là Leo Tolstoy đã bị đuổi khỏi đại học nhưng sau này vẫn viết được Chiến tranh và hòa bình”.

“Chị bảo bố là cứ cái đà này thậm chí em còn chẳng lên nổi đại học nữa cơ”.

Skye lại nói vào điện thoại. “Nó bảo là nó sẽ không bao giờ vào được đại học… Gì ạ? Bố nói lại lần nữa đi… Rồi, con nhớ rồi ạ. Con chào bố”.

“Bố bảo gì?”, Jane hỏi.

“Bố bảo là em không phải lo vì em có tantum amorem scribendi (1)”. Skye nói ba từ cuối thật chậm và cẩn thận, vì chúng là tiếng Latin.

(1. Tiếng Latin, nghĩa là: niềm say mê viết lách.)

Jane khấp khởi nhìn sang Rosalind, “Chị có biết tantum am… gì gì đấy nghĩa là gì không?”.

“Xin lỗi, ở lớp bọn chị mới học đến agricola, agricolae (2) thôi”, Rosalind đáp. Năm học này em vừa bắt đầu học tiếng Latin, với một nỗ lực lớn lao nhằm hiểu được bố mình, người lúc nào cũng đá thứu ngôn ngữ cổ xưa ấy vào trong lời nói hàng ngày. “Cho nên chị sẽ chỉ hiểu được nếu bố nói gì đó về chuyện làm nông dân thôi”.

(2. Tiếng Latin, nghĩa là: người nông dân (agricolae là danh từ số nhiều).)

“Thế thì còn khướt”, Skye nói. “Bố là giáo sư cơ mà”.

“Em phải bao nhiêu tuổi thì mới đọc được Chiến tranh và hòa bình nhỉ?”, Jane hỏi. “Những vết thương lòng của em sẽ được xoa dịu nếu tìm thấy ở ngài Tolstoy một người tâm đầu ý hợp.

“Phải hơn mười tuổi là cái chắc”, Skye nói. Không muốn lại bị cấu vào cổ chân lần nữa, em quay lại với chảo bơ đường, nhưng lần này thì Rosalind đã chắn trước cái chảo.

“Không được ăn nữa”, em nói. “Chị đang làm bánh dứa cho dì Claire, và em sẽ làm hỏng nó mất”.

“Dì Claire sắp đến chơi!”. Mặt Jane sáng lên. “Trong lúc thống khổ em đã quên bẵng mất đấy. sẽ xoa dịu vết thương cho em”.

“Và trong lúc chị nướng nốt cái bánh thì hai đứa có thể dọn dẹp phòng khách cho dì được đấy”.

“Bài tập về nhà…”, Skye lẩm bẩm, lẻn về phía cửa.

“Em có bao giờ làm bài tập vào thứ Sáu đâu”, Rosalind nói dứt khóa. “Đi đi”.

Bất chấp cố gắng trốn việc của mình, Skye vẫn rất tích cực giúp đỡ, và trong một giờ đồng hồ sau đó, mọi việc trong nhà Penderwick đều diễn ra trôi chảy. Ga giường và khăn tắm sạch được chăm chút, phòng khách được dọn dẹp, và thêm một chi tiết đặc biệt nữa, cả Batty lẫn Cún đều được chải chuốt. Đúng lúc Rosalind đang lấy chiếc bánh vừa nướng xong ra khỏi lò thì tiếng reo vui sướng của Jane vang lên khắp nhà.

“Dì Claire đến rồi!”.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay