Hùng Karô - Chương 40 - Part 1

 

Mẹ tôi, một ngừời đàn bà đã trải qua vài ba mối tình mãnh liệt có, nhẹ nhàng có thời con gái đã có lần đúc kết: “Ông trời công bằng lắm, ông không cho ai hết cái gì bao giờ, một gã đàn ông xấu xí lại thường có một tâm hồn đẹp, một gã đàn ông đẹp tâm hồn lại thường nghèo nàn” Nghe mẹ nói tôi chỉ cười nụ, gớm thôi, mấy bà triết lý về tình yêu về con người cứ như mấy cụ đồ ngày xưa, còn lâu nhé, chuyện ấy chả có công thức gì đâu ạ! Cưới chưa xong thì câu nói ấy đã ứng tệ hại vào đời tôi. Anh chồng đẹp mã của tôi đúng là vô tích sự thật. Kỹ sư xây dựng mà ngoài đồng lương chỉ đủ mua hơn yến gạo và những lần chăn gối nửa mặn nửa nhạt ra chồng tôi không biết làm một việc gì khác dẫu rằng ở cái ngành nghề ấy có bao nhiêu việc có thể thêm thắt thu nhập được. Lại còn lên giọng cao đạo thế này nữa mới tức chứ. “Chúng mình trót sinh ra đều là trí thức, nhất là em lại là một cô giáo có uy tín giảng dạy, lành cho sạch rách cho thơm, bây giờ lăn xả vào kiếm sống, thiên hạ người ta không trọng.”
Vậy thì ông ngồi đó mà vuốt ve, mơn trớn lòng tự trọng tong teo của mình, tôi là mẹ, tôi không thể ngồi nhìn con tôi bị đói. Từ lần đó, tôi bỗng đóng vai người chồng và ông chồng lại chấp nhận thủ vai người vợ. Chán không?
Việc đầu tiên là tranh thủ ngày nghỉ ngày lễ, tôi nhảy xe ngược Lạng Sơn dùng đồng vốn vay của con bạn thân có chồng làm to mua sợi thuốc lá về chong đèn thức đêm quấn bán lẻ cho mấy quán chè chén. Một chuyến đi như vậy cũng lãi được vài trăm ngàn, mỗi tháng vài lần, đủ trang trải tiền chợ, tiền đi mẫu giáo cho đứa con gái chưa tròn một tuổi.
Nhưng như thế thì vất quá, lại cò con nửa, có bận đi về ốm cả tuần không dậy nỗi, lại thường xuyên bị mất ngủ, sáng hôm sau đến lớp vừa dạy vừa ngáp khô ngáp sở trước những con mắt tròn xoe ngơ ngác nhìn lên. Thời gian sau tôi chuyển sang buôn nhu yếu phạm ở cửa khẩu Lạng Sơn bắt đầu vào buổi thông thường hai nước nên hàng họ phong phú lắm. Nếu trường vốn tôi có thể mặc sức mua quần áo, chăn mùng, đài địch, đồ gia dụng về bán kiểu gì cũng có lãi một gấp đôi gấp ba, bán khéo, mua đúng mối để đúng nơi có khi còn gấp bốn gấp năm. Bắt đầu ham. Tiền vào đến đâu lương tri nhà giáo giật xuống đến đó, thậm chí còn giật xuống bằng không, dưới không. Cho nó giật, một khi cái chức năng dạy người cao quý không còn cao quý nữa thì cứ khư khư đi ôm cái giá trị hão ấy mà làm gì. Nhà trường bắt đầu chán tôi, đồng nghiệp chán tôi, học trò cũng chán tôi, vậy thì tôi xin nghỉ phép, nghỉ ốm, đủ các thứ nghỉ và rồi cuối cùng chính tôi cũng chán trở lại tất cả mà xin nghỉ luôn, nghỉ thẳng. Thà làm một con buôn tồi mà no đủ còn hơn làm một cô giáo giỏi mà túng thiếu.
*
Chính lúc đó tôi đã gặp anh. Gặp anh lần đầu thú thực trong tôi chỉ trào lên sự khinh bỉ và ghê tởm sâu sắc mặc dù riêng đối với tôi, anh đã có một sự ưu ái đáng kể để tôi không bị ăn đòn, không bị mất trắng. Còn mang máng nhớ lúc ấy trước câu nói khá xấc của tôi về một điều gì đó như là trên xe toàn đàn bà con gái, các anh sức dài vai rộng làm vậy không biết ngượng à, tôi thoáng thấy cái mặt đen đúa, râu ria man rợ của anh hơi tái lại và thoáng nghĩ rằng thế là hết, là vô phúc động vào dã thú rồi nhưng ai dè anh lại nhìn xuống rồi hô cả toán xuống xe.
Thế thôi, dù vậy con người này cũng không để lại cho tôi một ấn tượng nào khả dĩ là cảm thông hơn ngoài cái ấn tượng hắc ám ban đầu, cả cái suy nghĩ rất không đâu vào đâu này nữa: nói đùa, đàn bà con gái cô nào chẳng may dính vào cái gã tướng cướp xù xì, hôi hám như con gấu ngựa này, thì ngay cái chuyện phải ngồi canh, phải tiếp xúc chuyện trò đã nhợn hết cả người lên rồi chứ đừng nói đến chuyện chăn gối, có khi ngất xỉu, tâm thần.
*
Sau hơn hai năm tận lực bươn chải tôi đã có đồng vốn lên tới hơn hai trăm triệu, và với đồng vốn ngày trước có nằm mơ cũng không có đó, tôi đã trở thành một con buôn chuyên nghiệp. “Nghèo mất vợ giàu mất chồng” Một đúc kết khác của mẹ tôi lại một lần nữa ứng báo vào tôi. Chỉ có khác đi một chút là, khi nghèo tôi đâu có ruồng bỏ chồng nhưng khi giàu chồng tôi lại sinh tật. Nhân một lần có toà nhà đang xây bị sập, người ta có ý đổ cho chồng tôi vì tắc trách, vì vô trách nhiệm mà nên, uất ức anh ấy xin nghỉ luôn. Ngồi nhà không phải làm việc gì, lại sẵn tiền tiêu pha, anh bắt đầu nhậu nhẹt tối ngày, nhậu chán lại về cằn nhằn rằng tại tôi, tại tôi mãi lo làm giàu mà chẳng còn chú ý gì đến chồng con, coi chồng như cái thằng gác gôn gác cửa, nhục lắm nhục lắm! Tôi bảo nhục thì kiếm một việc gì mà làm đi, mở nhà hàng, mở công ty tư nhân chẳng hạn, tôi sẽ cấp vốn. Thế là ông ấy nỗi khùng, bảo cái thằng có hai bằng đại học, bốn ngoại ngữ như tôi mà lại đi mở nhà hàng, mà lại đi ăn nhờ vào vốn vợ à, người ta khinh cho đo mẻ. Chán quá tôi chả đá động gì đến nữa, mặc, ông ấy muốn sống thế nào thì sống, tôi chỉ còn tập trung đầu óc lo cho đứa con.
Nhưng ở đời nhàn cư vi bất thiện, vẫn là mẹ tôi bảo thế, sau này tôi nghe tin ông ấy có nhân tình nhân ngãi là một con bé chỉ bằng tuổi con đang học nghề may ở đầu chợ. Tôi vẫn kệ. Nghe chồng có bồ mà vẫn dửng dưng là trong bụng không còn gì nữa. Tôi giật mình nhận ra điều đó. Tuy nhiên có một lần đi xa về, thầy con nheo nhóc, gầy ốm tong teo, xót ruột tôi mới hỏi, liền được trả lời một câu thế này mà nói ra thì tự thấy ngượng:
“Thì lâu nay cô có còn coi tôi là chồng đâu, chồng gì mà mỗi lần muốn gần vợ thì vợ lại hất tay ra, đến nỗi, cô biết không, có bận nằm cạnh cô mà tôi phải lén lút thủ dâm, nhục lắm nhục lắm, thế thì tôi buộc phải đi tìm con đàn bà khác chứ, cô còn hỏi cái nỗi gì!”
Tôi nghe mà cổ họng muốn buồn nôn. Vợ chồng có thể phạm phải trăm ngàn khuyết tật nhưng đã đến nước ấy thì không còn mặt nào nhìn nhau được nữa.
Không nhìn mặt nhau nhưng vẫn phải sống với nhau, một phần vì lễ giáo áp đặt, phần khác vì con bé, trẻ thơ có tội tình gì mà phải sống cảnh thiếu cha để rồi lớn lên nó sẽ trở thành vết hằn đen trong tâm hồn khó có thể tẩy trắng đi được. Nhưng còn phần nữa, cái phần quan trọng nhất là tự trong đáy sâu tâm hồn tôi vẫn còn thương anh ta, thương cả cái câu nói nham nhở nằm cạnh vợ mà phải thủ... của anh. Kể ra tôi cũng nhẫn tâm thật, đàn ông ai chả thế, mọi sự trên đời có thể chịu được nhưng một khi bị vợ khinh, vợ coi thường, vợ chán cả cái năng lực cùng hứng thú đàn ông của mình thì vết tổn thương này khó mà chữa lành cho được.
Đêm đó, như để bù trì, tôi chủ động tìm đến chồng tôi nhưng thật bẽ bàng, ở dưới tôi càng đuỗn đệt ra bao nhiêu thì ở trên ông ấy càng hồ hởi bấy nhiêu để rồi khi xong việc, nước mắt tôi âm thầm chảy ra thì cái miệng của anh ta lại nở nụ cười rạng ngời như con trẻ được kẹo. Khổ chưa, chả lẽ những tháng ngày bươn bả mưu sinh tận lực vừa rồi đã biến tôi thành một người đàn bà vô cảm và lạnh cảm rồi ư?
Không chỉ thế, ba tháng sau, điều bất hạnh đầu tiên của cuộc sống bươn bả ấy đã đến với tôi khi toàn bộ số hàng của tôi trị giá gần hai trăm triệu trong đó một nửa là đi vay nóng đã cháy rụi cùng với cái vụ cháy lớn ở chợ Đồng Xuân.
*
Cùng tắc biến! Sách đã dạy thế. Nhưng ở đây tôi lại cùng tắc... liều. Hơn một trăm triệu vay nóng với mức lãi mười phân ấy nếu không giả được nhanh thì mẹ con chỉ còn có cách bán nhà.
Trong cái rủi nhất định tìm ra cái may, không hiểu sao tôi lại tin như vậy.
Tạm nghỉ ba ngày cho hoàn hồn, đi Hà Nội sắm một bộ cánh thật nên, vào hiệu thẩm mỹ Hồng Kông sửa lại da mặt, làm lại tóc... tôi quyết đinh trở lại nhà máy phân lân với một bộ dạng mà thiên hạ rất dễ nhầm tưởng rằng tôi là một bà chủ trẻ đẹp đang ăn nên làm ra trên thị trường phân bón. Với nụ cười thường trực, với cách nói mềm mỏng của nghề giáo vẫn còn giữ được và với toàn bộ số tiền vét sạch két, tôi mở một mặt trận ngoại giao đơn thương độc mã vào tất cả các cửa, vào tất cả các khuôn mặt quen biết. Không hiểu có phải vì thế không hay vì chính những mầm mống tiêu cực đang ủ bệnh sẵn trong mỗi con người, trong các nội tạng kinh tế mà chỉ một tuần sau tôi đã xoay được những phiếu mua hàng với giá ưu ái đặc biệt.
Vâng, thì vẫn là những kẽ hở cố hữu trong mối quan hệ mang hơi hướng bao cấp giữa phân phối với thị trường, vẫn là mối tương quan mua giá thấp bán giá cao sinh lời chóng mặt. Một tấn phân mua tại gốc giá chỉ 60, mang ra đến cổng đã 65, về đến Hà Nội thành 100, càng đi xa độ chênh càng lớn. Cứ thế đều đặn một tháng hai chuyến, mỗi chuyến là hàng ngàn tấn, mua về để đó cái đã, thuật ngữ buôn bán gọi là ủ, ba tháng sau mới xuất, xuất đến đâu hết đến đó, chỉ sợ thiếu hàng.
Chưa đầy ba tháng sau tôi đã trả hết nợ mà đồng vốn vẫn đều đặn chảy vào mỗi ngày mỗi tăng. Có vốn là có tất cả. Đồng vốn đến đâu mạng lưới làm ăn mở rộng đến đó. Hai năm sau, năm 95, tôi mở sang được cánh cửa chắc nịch của nhà máy phân đạm Hà Bắc. Phân lân và phân đạm, hai nhà máy mang tầm cỡ chiến lược ngày ấy đứng trấn ở hai vùng kế cận, tôi chỉ còn việc chuyên lần vào rồi lấy đạm ra với độ chênh lên tới hai giá. Độ chênh này không lớn nhưng số lượng lại đáng kể nên trung bình một ngày tôi thu vào túi tới 6 triệu bạc. Một tháng ba mươi ngày, một năm mười hai tháng...
Với tuổi ba mươi, từ một cô giáo nghèo kiết, từ một con buôn hàng xén cò con có lúc tưởng như đã đứng trên bờ vực thắm, tôi đã thành một nữ tỷ phú có tiếng khắp vùng.
Thời gian này tôi đã gặp anh lần thứ hai trên chuyến xe lửa lên mạn ngược ấy.
Lần này trông anh khác quá, gọn gàng, nhẹ nhõm, trẻ hắn, và nhìn kỹ lại có phần cũng đẹp trai nữa, một vẻ đẹp phong trần rất nam tính, đúng là không còn nhận ra hình hài cái tên tướng cướp khét tiếng ngày ấy nữa. Trong toa tàu, bằng vào những cái nhìn hướng về tôi lúc rụt rè lúc dạn dĩ, tôi biết anh đã nhận ra tôi, con bé dám nói lời dạy dỗ hôm nào và cả điều này nữa, cái điều mà vừa nghĩ tới tôi đã nổi gai cả người, hình như anh có vẻ chú ý đến tôi. Chú ý theo nghĩa giới tính thông thường hay theo nghĩa là một đối tượng trấn cướp thú thật tôi không biết nữa nhưng bỗng thấy run, run lắm kìa, run như ngày bé sắp sửa phải đi qua bãi tha ma ấy. Và tôi định chuồn, thậm chí định ngầm báo cho lực lượng an ninh trên tàu nhưng rồi không hiểu vì một cái gì đó mơ hồ đã giữ tôi lại- Nhở người ta hoàn lương rồi mà mình làm thế có khi phải tội, và cái này nữa mới sợ, vạ mồm vạ miệng không đâu, anh ta điên lên cho mình một dao vào ngực lại tội con. Thành thử vì thế mà tôi có một câu cũng chả ra đâu vào đâu như thế muốn dùng cái bờ đê ngôn từ mỏng dính để chắn đi lưỡi dao có thể ấy. Cảm ơn lần trước... Nếu anh để râu thì có lẽ đẹp hơn. Hình như tôi đã nói như thế và ngay sau đó, đêm về, lại phát chán cho câu nói chả lấy gì làm thực lòng lắm ấy của mình.
Rồi đến lần thứ ba cũng vậy, mà không hiểu sao cuộc đời lại cố tình sắp xếp cho tôi cứ phải gặp anh hết lần này đến lần khác như thế? Chốc chốc thấy anh cứ lúng túng khổ khổ nhìn về phía tôi như đứa học trò nhỏ đang phạm lỗi, tôi cũng thấy tội. Cho đến lúc anh xuống ga mua đồ ăn lên cho tôi thì quả thật tức cười quá! Trời ơi là trời, muốn ga lăng với phụ nữ mà mặt mày lầm lì, nói năng giật cục, bàn tay run bắn lên thế kia thì ai dám ăn ai dám nhận. Tới khi tôi không nhận thật thì nhìn mặt anh mới biến dạng ghê gớm làm sao, cứ như sắp lên cơn giết người. Khi anh đi rồi, nhìn dọc sân ga chỉ thấy cái bóng to lớn trong hoang vắng mờ dần, mỏng dần, tôi bỗng thấy một thoáng ân hận dâng lên. Chút ân hận qua đi, chút chợt nhớ đến cái liên tưởng lẩn mẩn lần trước về hình hài gớm guốc kia nếu một lần phải trò chuyện, phải chăn gối mà không thể không bật cười. Nói của đáng tội cũng đâu đến nỗi, cái con người ấy, có khi lại còn gây ấn tượng hơn ối kẻ khác.
Bỗng bâng khuâng... Rồi không hiểu còn lần thứ tư gặp lại nữa không và nếu có gặp, anh ta liệu còn giữ được cái nhìn tồi tội, khổ khổ ấy trước mình hay lại biến cải thành một người hoàn toàn khác, lạnh băng, xa cách và ghê gớm?
*
Có! Vậy mà vẫn có lần thứ tư gặp lại, gặp lại sau hơn một năm, nhưng là gặp trong một hoàn cảnh không bao giờ nên gặp.
Trước đó tôi có một người bạn từ Hàn Quốc về nói mặt hàng Penexilin bột ở bên đó đang ăn lắm, một có thể lãi mười, bảo tôi cố tìm nguồn đi. Cái bả kim tiền ghê gớm quá, càng nhiều càng khát không biết thế nào cho vừa, dù biết đó là thứ hảng quốc cấm đính vào tù tội như chơi nhưng tôi vẫn mụ mị cất công vào Nam ra Bắc, xuống xuôi lên ngược đi tìm và tìm được, đó là vùng đất Dak Lak.
Mới có chuyến đầu chỉ trong vòng ba ngày đã lãi gần trăm triệu. Chuyến hai cũng thế, chuyến ba hơn một chút. Ôi chao ôi, hoa cả mắt, cứ đinh ninh cho rằng số mình sinh ra là để thụ hưởng, là để hái trọn mọi hoa tươi lộc biếc trên đời nên vội vã huy động, vay mượn một số tiền chất ngất lên tới trên ba tỷ đồng dồn hết vào canh bạc này. Trời ơi, ai ngờ đó lại là canh bạc cuối cùng! Rõ ràng khi mua thì là hàng thật nhưng khi giao lại giả, giả hết. Chiếc máy kiêm định tinh vi của họ đã thực hiện cú lừa ngoạn muc này mà dù tình tường đến mấy cũng không thể phát hiện ra. Thế là đang là bà chủ có tiếng tăm qua một đêm đã biến thành con nợ. Nợ nhà máy, nợ bạn hàng, nợ người thân, nợ hàng tỷ bạc mà không dám kêu lên. Nước này thì mẹ chỉ có chết thôi con ơi là con ơi!
Nhưng từ bé tôi đã luyện cho mình một tính khí cứng rắn nên nhất định không chịu chết, một mình mò ra biển ngồi suốt ba ngày ba đêm ở nơi hoang vắng nhất để cho đầu óc được tỉnh táo lại mà tìm ra cách. Chợt thấy buồn tan rã. Đáng lẽ những lúc như thế này người chồng sẽ là chỗ dựa tinh thần, là nơi để tôi san sẻ vậy mà tôi lại không thể cho anh ấy biết, biết, thế nào rồi cái miệng ấy cũng đẩu lên:
“Tôi đã bảo cô rồi mà cô đâu có nghe để bây giờ tan nát tan nát, làm khổ lây đến chồng con...”
Vậy thì tốt nhất là gạt ra ngoài con người này cho nhẹ nợ.
Rồi tôi cũng tìm ra cách. Đó là tôi viết một lúc năm lá thư gửi cho các chủ nợ khấu đầu tạ lỗi và hứa năm năm sau sẽ trả đủ cả vốn lẫn lãi. Tôi sẽ nói chồng tôi mang con lên Phú Thọ tạm tá túc với bà chị gái cho khỏi liên lụy rồi tìm đường đi xuất khẩu lao động sang Đức. Tôi sẽ làm việc cật lực, sẽ tằn tiện từng xu, sẽ... nhưng trời ơi, cả năm lá thư chả hiểu sao đều không tới. Mà không tới thì có nghĩa là họ sẽ cùng một lúc phát đơn kiện. Không thể nân ná lâu hơn được nửa để chờ thủ tục hợp pháp, đang đêm tôi vừa khóc vừa lén chổng con nhảy tàu vào Nam, từ đó sẽ tìm đường sang Camphuchia trốn tránh qua ngày cái đã rồi tính tiếp. Hai chục ngày nơi đất khách quê người đêm nào cũng nhớ con không ngủ nổi quá một tiếng, đến ngày thứ hai mốt, không chịu nổi nữa, tôi mới điện về hỏi tin nó liền rụng rời khi nhận được một câu nói ráo hoảnh của chồng: “Cô đi được thì đi luôn đi, đi cho xa đừng về nữa, ở nhà người ta đang đồn cô chả bị mất bị lừa gì hết, cô bịa ra mọi chuyện để cướp không cả số tiền đó đi theo giai kia kìa...”
Chết không sợ, khổ cũng không sợ, chỉ sợ nhục. Thế thì nhục quá, nhục cả cho đời con bé sau này. Sau ba đêm thức trắng nữa, sáng ra xuất hiện mấy sợi tóc bạc như ông Giăng Van Giăng, tôi quyết định trở về nước, ngủ với con một đêm rồi sáng ra đến công an đầu thú. Tại đó người ta hỏi cung tôi qua loa, lập một cái hồ sơ cũng qua loa như cái chuyện xâm phạm tài sản công dân của tôi là chuyện xảy ra cơm bữa đối với cái đất nước vừa lóng ngóng bước ra khỏi thời kỳ kinh tế quan liêu bao cấp này, rồi sau bốn tháng tạm giam, ra toà nhận một cái án mười năm, tôi trở thành một tù nhân chính thức với số tù đẹp như số điện thoại của một hãng Taxi đang có tiếng: 2323.
Chính ở cái trại giam không gần nhà cũng không xa nhà lắm này, tôi đã gặp anh. Gặp trong một trường hợp chả ra làm sao cả. Đêm ấy, đêm đầu tiên nhập trại, tôi đã hiểu thế nào là cái điếm nhục của một thân phận phụ nữ tù đày. Ngoài chuyện những người quản giáo nhìn mình với cái nhìn khinh khi, rẻ rúng ra, điều khủng khiếp hơn là cuộc sống không khác gì địa ngục trong phòng giam. Hầu hết những nữ phạm nhân trong phòng đều là dân xã hội đen, trộm cướp, đĩ điếm, cờ bạc, chích choác, thậm chí đang mắc căn bệnh HIV. Và họ nhìn tôi cũng như thế.
Nhưng đến khi dò la biết được tôi là cô giáo, là lớp người theo họ rặt một thứ cao đạo, giả dối, trí thức rởm thì họ lập tức trở mặt. Thoạt đầu là họ nói mát rồi nói thẳng vào mặt tôi là ngu, là đần thối, có nhan sắc, có chữ nghĩa cớ sao không lợi dụng cái lợi thế đó để cặp với bọn đại gia thích của lạ, bọn quan chức đang chán vợ già thậm chí đánh đĩ thời vụ hay lâu niên với một thằng ngoại quốc da đen da trắng để có cuộc sống ăn sung mặc sướng mà lại vác mặt đi lừa đảo, bịp bợp cho nó khốn nạn cuộc đời. Tôi bảo tôi không lừa đảo, tôi chỉ bị lừa và tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đi làm đĩ để ấm thân, tôi... Chưa nói hết, lập tức tôi đã bị đè xấn ra, bị lột hết áo quần, nằm tơ hơ như sản phụ nằm trên bàn đẻ rồi một đứa mặt mũi nửa đàn ông nửa đàn bà, chân tay có lông có lá chồm lên người, tham lam la liếm, mút nếm, hôn hít, vuốt ve vào tất cả những chỗ kín trên thân thể tôi trong tiếng cười the thé của đám người vây quanh. Càng vùng vẫy càng kêu la tôi càng bị đè chặt, cho đến khi một đứa cầm vật gì đó cứng cứng nhọn nhọn thọc mạnh vào... thì không chịu nổi nữa, tôi bật khóc, khóc nức nở, khóc như chưa bao giờ từng khóc như thế. Lúc ấy chúng mới buông tôi ra, đệm thêm một câu còn đau đớn hơn cả sự ô nhục hành xác vừa rồi:
“Con này chắc lâu lắm đéo có thằng đàn ông nào nó rờ tới hay sao mà cái lỗ... còn khít khìn khịt? Chắc lại là một con đồng tính hay mắc bệnh giang mai?”
Và đêm sau cũng thế, mọi sư diễn ra còn tồi tệ hơn. Không hiểu sao trong thế giới này, tôi càng tỏ ra nhẫn nhịn, càng tỏ ra biết điều thì họ càng làm tới. Tất cả những gì tôi giữ gìn, nâng niu, trân tọng suốt một thời con gái cả thời đàn bà đều bị họ lôi ra, giày xéo, xát muối, nhúng xuống bùn. Và để tránh đêm thứ ba chắc còn kinh khiếp hơn, tránh một sự điên loạn trước sau gì rồi cũng sẽ xảy ra, tôi quyết định bước ra khỏi cuộc đời để thoát bỏ tất cả, thoát hết, thoát mọi khổ đau ô nhục, thoát quá khứ thoát hiện tại, thoát tương lai mờ mịt, thoát luôn cả hình ảnh đứa con gái vô vàn yêu thương mà tôi thấy tôi không còn xứng là mẹ nó nữa.
Chiều muộn hôm đó, sau khi đi làm cỏ lúa về, tôi đã lùi lại trốn kín trong một bụi duối lá cành rậm rạp. Chờ cho mọi người đã vào trại hết, chờ cho ông mặt trời lặn hắn, tôi vội ấn mình sau những rặng sắn chạy thẳng ra bờ sông. Sông mùa này nước cả nên chỉ đi mấy bước là nước đã dâng đến ngang người. Thủy ơi, mẹ sẽ chuộc lỗi với con ở kiếp sau, tha tội cho mẹ! Điều cuối cùng vang lên trong đầu tôi là như thế...
Nhưng ông trời ông ấy không cho tôi chết. Nước sắp sửa ngập đến đầu thì bất ngờ ở trên bờ có tiếng thét vang:
“Hình như có người tự tử kìa!”
Tôi mang máng biết đó là tù nhân trong đội gạch đi làm về nên càng bước nhanh hơn. Song không kịp, lúc toàn thân tôi bắt đầu chìm xuống, lạng ra xa thì cũng là lúc có một bàn tay mạnh mẽ kéo xếch tôi lên, xốc mạnh tôi lên vai, chạy thẳng lên bờ, đặt nằm xuống cỏ, gắt um:
“Cô làm cái gì thế hả? Cô tưởng chết là xong à? Người đâu mà ngu thế?”
Tiếng gắt của anh đấy. Khi tôi nhận ra anh thì cũng là lúc anh nhận ra tôi, mặt mày trở nên bốì rối hắn:
“Ơi! Lá dăm... cô đấy à? Sao cô lại ở đây? Sao cô lại đi xuống đó...”
Còn tôi lại ngồi bật dậy, hất mạnh tay anh ra, gắt trở lại:
“Việc gì anh cứ phải lẽo đẽo đi theo tôi mãi thế? Tôi làm gì kệ tôi, sống hay chết là quyền của tôi, ai khiến anh dính vào! Vô duyên!...”
Trước những câu nói xối xả sũng nước của tôi, anh đứng im, ở trần, to lớn, bắp thịt nỗi hằn, đầu cúi xuống như đứa trẻ vô duyên thật.
*
Hai ngày sau, bà giám thị trại giam nữ gọi tôi lên và với vẻ mặt nghiêm lạnh giao cho tôi một nội dung- công việc mà tý nữa tôi đã khóc nấc lên vì sung sướng: Giáo viên dạy văn hoá cho tù nhân kiêm đội trưởng đội văn nghệ cũng của tù nhân trong trại.
Sau này tôi mới biết đó là nhờ vào sự can thiệp của anh. Dĩ nhiên một tù nhân mang cái án trốn trại và cướp có vũ trang như anh, thực sự anh chả có chút thần thế gì nhưng anh lại có được lòng tín của ông giám thị trại tên là Lâm, vốn là trưởng công an một huyện ở Lai Châu mới được điều về. Nghe đâu hồi còn ở trên đó, ông đã một lần vô tình chứng kiến sự xả thân cứu người bị vùi trong bùn lũ của anh để rồi từ lần đó ông có ý hỏi thăm và đi tìm nhưng không thấy. Ông nói:
“Người đã biết yêu thương đồng loại đến quên cả thân mình như thế thì không thể là người bỏ đi được”.
Phải chăng cũng do vậy mà anh không phải cầm cố ở phòng kín mà được ông cho ra làm đội trưởng đội gạch.
Được làm công việc này tôi thấy ngày tháng trôi qua bớt nặng nề, khô sở hơn, thậm chí còn dễ chịu và có ích. Mà hài hước lắm cơ, ngoài đời tôi đã bỏ nghề để đi buôn ai ngờ vào tù tôi lại được trở lại với nghề. Vậy là trong cùng một khoảng thời gian ngắn tôi đã chịu ơn anh hai lần, một lần cứu tử và lần sau cứu linh hồn, cũng là cứu tử.
Nhưng tôi lại không thể trao gửi tình cảm của mình cho anh mặc dù thi thoảng nhìn vào mắt anh, tôi đã nhận ra điều ấy một cách rõ ràng. Một phần tôi là gái vẫn đang có chồng, phần khác quan trọng hơn là ngoài sự hàm ơn ra, đối với anh trong tôi vẫn chưa có một chút rung động nào hết. Từ nghĩa đến tình là một quãng cách dài lắm, có khi chẳng bao giờ gặp nhau.
Nhưng có vẻ như không biết hay không cần biết đến điều đó, ngày qua ngày, nếu có dịp là anh cứ liên tục đốt thiêu tôi bằng mắt. Chỉ bằng mắt thôi chứ ở anh chưa có một lời nói, một dòng chữ viết nào. Và nếu không có dịp thì anh tạo dịp, tạo một cách bền bỉ và quyết liệt. Trong những buổi dạy học, dạy hát hay những giờ ra sườn đồi trồng rau, tỉa bắp, tôi luôn thấy thấp thoáng cái nhìn của anh dõi theo lúc gần lúc xa. Thà anh cứ nói đại một câu hoặc hét váng lên thì tôi còn thấy dễ chịu hơn, ít nhất cũng biết con người thật của anh thế nào mà liệu cách trả lời cho yên đằng này...