Mẫu Thượng Ngàn - Phần 09 - Chương 03 - Part 01

Chương 3

Julien Messmer là con trai thứ ba trong gia đình Messmer. Khi người anh cả là Philippe chết, người em Pierre lên thay anh quản lý đồn điền. Pierre là họa sĩ, ông không biết gì về làm ăn. May thay lúc đó có quản Liến rất rành công việc. Quản Liến vốn người trung thực, tận tụy nên công việc đồn điền vẫn tiến triển đều đều Khi ấy. Người em út Julien còn ở trong quân ngũ. Julien phải hành quân liên miên trong những trận truy quét nghĩa quân Đề Thám. Khi đưa tang ông anh Philippe, Julien cũng không về dự được. Mãi mấy năm sau, khi quản Liến nghỉ việc ra với con ngoài Hà Nội, lúc ấy bắt buộc Julien phải rời quân ngũ về trông coi đồn điền bởi vì ông anh Pierre nghệ sĩ rất lúng túng, viết thư cho ông em em bắt phải về nếu không đồn điền sẽ tan rã.
Julien được học hành cẩn thận hơn hai người anh, tốt nghiệp trường sĩ quan Saint Cyr. Sang Đông Dương, Julien rất năng nổ nên khi về mang hàm đại úy. Julien nhìn Đông Dương khác hẳn hai ông anh. Julien đánh giá ông anh cả là cổ lỗ. Đó là con người thuộc lớp người chinh phục, lớp người tiên phong cho sự bành trướng của nước Pháp. Lớp người xưa đó hào hứng, táo bạo, phiêu lưu nhưng còn gắn nhiều với nếp cũ. Ví dụ Philippe là một người ngoan đạo, rất có ý thức dựa vào nhà thờ. Về điều này, thế hệ Julien quan niệm khác hẳn. Ông cho rằng thời kỳ nhà thờ đóng góp vào việc tạo dựng thuộc địa đã qua rồi. Bây giờ phải tách hẳn việc đạo ra khỏi việc đời. Việc Philippe lấy bà Mùi, Julien cũng thấy không được. Người đàn bà bản xứ có cái hấp dẫn riêng, điều ấy Julien công nhận. Nhưng vui chơi với họ thì được, còn lấy họ thì không nên. Bởi vì họ thuộc về một giống nòi khác hẳn. Không nên có sự pha trộn giữa hai dòng máu. Đối với ông anh thứ hai, Julien nhìn với con mắt bao dung. Ông cho rằng những người nghệ sĩ Pháp sang Đông Dương đều là những đứa trẻ mang hình hài người lớn. Họ chẳng làm điều gì để phát triển thuộc địa. Ở chính quốc, người ta gọi họ là những con người lãng mạn, hơi rồ một chút. Họ vô hại, dễ thương nhưng vô tích sự. Cũng nên trân trọng họ bởi vì họ là những thứ trang trí cho đời sống thuộc địa.

Julien là con người hoàn toàn thực tế. Ông sòng phẳng dứt khoát. Ông nói rằng: “Có những dân tộc sinh ra trên trái đất này để thống trị, và cũng có những dân tộc sinh ra để bị trị. Lịch sử là cuộc vật lộn khốc liệt giữa các dân tộc. Dân tộc nào yếu hèn, dân tộc ấy sẽ phải ở vị trí mà họ xứng đáng. Lịch sử loài người mãi mãi như vậy".Người giúp việc đắc lực, cánh tay phải của Julien lúc này là quản Láu. Con trai quản Liến. Người cha rời bỏ công việc, truyền lại cho người con. Gọi quản Láu không phải vì hắn đóng chức quản trong quân đội, mà chỉ là cách gọi tắt của chức quản lý. Thời Philippe làm chủ đồn điền, chưa có gái tơ, đến thời Julien lũ trẻ con của nông dân đồn điền đã lớn thành gái choai choai khá đông. Quản Lác cũng như ông bố trước đây lại làm thêm công việc dắt gái cho ông chủ Julien.Vùng Cổ Đình, về mặt quân sự, là một vị trí chiến lược. Ở đó có thể làm bàn đạp lên Tây Bắc, xuống đồng bằng hoặc sang bên kia sông Hồng. Do vậy, Julien xin với trên cho một đồn binh cạnh đồn điền. Julien là một sĩ quan nhạy bén cả về chính trị. Hắn đã tham gia tiễu trừ Đề Thám nên có nhiều kinh nghiệm mà hắn gọi là chống phiến loạn. Julien muốn vùng mình ở phải tuyệt đối an toàn. Đừng tưởng hắn thích gái tơ, sống phóng túng, có nghĩa là hắn mất cảnh giác đâu. Không! Hắn là người biết để ý đến những biến đổi dù nhỏ xảy ra trong đồn điền, và cả ở các làng lân cận. Tai mắt của hắn là Láu, là lý Cỏn, là tiên chỉ Nhậm và còn là những người vô danh không lộ mặt nữa. Bởi thế hắn để ý tới Trịnh Huyền. Một bận hắn hỏi lý Cỏn:

- Trịnh Huyền mới đến làng ta là ai vậy?
- Anh ta đã đến trình tại nhà tôi. Ông cụ đồ Tiết dẫn đến. Ông cụ bảo Huyền ở dưới Nam lên. Hắn ta vốn con một ông cung văn dưới đó.
- Ông đồ Tiết quan hệ với ông lý thế nào?
- Ông cụ là thầy dạy học tôi thuở bé.
- Chính vì vậy, ông càng cần phải để ý với Trịnh Huyền.
- Tôi đã xem xét kỹ lưỡng. Theo thẻ thuế thân, đúng anh ta ở Sơn Nam. Giọng nói đúng người ở mạn dưới lên. Chỉ có điều...
- Điều gì?
- Điều… ông cụ Tiết đối xử với hai cha con nhà Huyền khá thân thiết. Thân thiết quá mức...
- Đó là chỗ đáng ngờ... ông thử nghĩ xem: Nhà đồ Tiết là nhà phiến loạn; Đinh Văn Chất đã bị chết; Song còn Đinh Văn Phác... Anh ta đã chết hay chưa?
- Kể cũng lạ… Tôi cũng nghĩ mãi… Tên Huyền này nói có nghề cung văn. Còn cụ Tiết là ông đồ nho. Nhà họ Đinh từ xưa không ai theo nghề hát xướng. Nhà nho rất ghét “xướng ca vô loài”.
***
Chính vì sự nghi ngờ của Julien, hôm nay, trên hồ Huyền có con thuyền bơi lên đền Mẫu.

Hồ Huyền là hồ nước lớn, rộng đều vài trăm mẫu. Có chín con suối từ các đồn, các cánh rừng đổ xuống lòng hồ. Người ta bảo xưa kia hồ không lớn bằng ngày nay. Đến đời vua Minh Mạng, một ông quan đi xem xét, thấy có một khe to ở cuối hồ làm nước bên trong bị thoát đi một cách vô ích. Viên quan bèn sai lấp khe, giữ nước lại tưới cho ruộng làng Cổ Đình và vùng lân cận. Hồ có đoạn ăn thông với đòng sông Son; tùy mùa, có lúc nước sông chảy vào có lúc ngược lại.Sáng hôm rằm, gia đình cụ Tiết mang oản nải, một thúng xôi vò, một nồi chè đường xuống thuyền bơi lên núi Mẫu. Làm lễ ngày rằm ở núi Mẫu là cái mẹo của cụ Tiết. Làm như thế cốt để tránh sự nhòm ngó của Juhen, chủ đồn điền. Julien rất ngọt ngào với dân, nhưng đánh hơi rất tinh khi một mầm mống phản loạn xuất hiện trong vùng. Chính vì vậy nên hôm nay cụ Tiết mang con cháu và mời họ hàng làng xóm lên làm lễ ở đền Mẫu.Đền Mẫu, từ khi có bà tổ cô lên ở, đã hết cảnh hương lạnh khói tàn. Chùa làng sụp đổ. Sư chùa làng qua đời. Quản Boong đổi đạo. Ông hộ Hiếu thì điên điên khùng khùng. Chùa làng là nơi các bà các chị đến hương khói mong tìm được niềm an ủi trong kiếp nhân sinh đầy bất trắc, tủi buồn. Không còn chùa người dân tìm đến đền Mẫu. Người nọ bảo người kia, càng ngày đền Mẫu càng đông. Ngày rằm, người ta bơi thuyền trên sông Son đến đền Mẫu, nô nức như những người con tìm về thăm mẹ. Rồi lại có thêm bà Mùi lên ở với cụ tổ cô. Cụ tổ cô đã già quá rồi. Có bà Mùi còn mạnh chân khỏe tay, đền Mẫu này có nhiều điều kiện mở rộng cửa tiếp khách thập phương. Chẳng cứ những ngày lễ, ngày thường bà Mùi cũng mở cửa đền cho mọi người đến. Cụ đồ Tiết mấy hôm trước đã thưa với làng xóm:

- Cháu Trịnh Huyền là cháu đằng ngoại nhà chúng tôi. Gia đình ở tỉnh Nam vốn theo đạo Mẫu. Ở dưới ấy, cũng có điện thờ riêng tại gia. Nay cháu lên đây làm ăn, biết đền Mẫu làng ta là chốn linh thiêng, nên nó cũng muốn đến ăn mày cửa Mẫu. Ngày rằm, cháu làm lễ ra mắt và dâng phẩm vật lên đức thánh Mẫu tại đền.
Ngày hôm ấy cả gia đình cụ Tiết xuống thuyền tới đền Mẫu.
Nước hồ xanh ngăn ngắt. Nhụ ôm cái lồng chim ngắm nhìn phong cảnh đẹp như tranh. Phía bên phải hồ và sông Son là vùng đồi thấp cùng những thung lũng, cánh đồng. Nơi đấy có làng Cổ Đình, đồn điền Messmer và những làng mạc khác. Phía bên phải sông hồ là những rặng núi nhấp nhô thấp cao, trùng trùng điệp điệp, toàn bộ bao phủ bởi những cánh rừng.

Thuyền bơi nhẹ nhàng, lướt nhanh trên mặt hồ biếc. Sớm nay không có gió, mặt hồ lặng tờ, chỉ có sóng lăn tăn nên bơi thuyền rất nhẹ. Thuyền bơi ngang qua đảo Chim, một hòn đảo nhỏ nơi đó trú ngụ đủ cò, vạc, giang, sếu. Chúng kêu vang ríu rít. Đến ngã ba, nơi gặp gỡ giữa sông Son và hồ Huyền. Mùa này hồ còn đầy, nước bên trong chảy ra sông. Tới chỗ hợp lưu, con sông Son bên đục bên trong. Một bên xanh thẫm, một bên đỏ hồng. Trông dòng nước thật lạ và đẹp.Vì lên đền Mẫu thuyền phải ngược dòng, nên tới đây phải hai người chèo đò, một ở mũi một ở lái. Cu Điều đứng đằng mũi. Cu cậu đang đông sức nên chèo đò chẳng biết mệt. Nó còn khoái chí hát hỏng. Cái giọng mới vỡ của nó cất lên ồ ồ ngân nga.Đục trong nứơc chảy đôi dòng

Anh xuôi Cổ Đình em có muốn theo?

Một cô gái choai choai cắt cỏ bên sông đáp lại:Cổ Đình hồ nước trong veo.

Sợ gì trong, đục mà chăng theo anh về.

Cái Nhụ nguýt dài: “Rõ nỡm”. Còn mọi người cười ran. Cụ đồ Tiết mỉm cười, vuốt râu. Ông già liếc nhìn cái dáng vạm vỡ của thằng cháu đích tôn rồi lại nhìn cái đáng thon thả cửa Nhụ. Cô gái vẫn lặng im ngồi ôm cái lồng chim, hết nhìn trời lại nhìn nước. Dòng sông đỏ phù sa vỗ oàm oạp vào mạn con thuyền đang rẽ sóng tiến lên. Nó tạo thành một vết nước dài trắng xóa, trông như một con rắn trắng đang bơi trên dòng sông màu đỏ. Cu Điều mặc bộ quần áo nâu sẫm, trên đầu bịt chiếc khăn đỏ. Dáng cậu trai tơ vạm vỡ đứng vươn cao ở mũi thuyền lại càng làm cho Nhụ liên tưởng đến cái mào đỏ của con rắn trắng. Nhớ hôm nào Điều kể cho cô nghe chuyện đôi rắn thần ở gốc cây đa. Điều bảo rằng đôi rắn trắng huyền thoại, đôi "ngựa ngài" thỉnh thoảng lại từ gốc đa xuống hồ thuyền. Các ngài ngụp lặn tung tăng thỏa thích trên hồ rồi theo sông bơi lên núi Mẫu. Điều còn bảo đôi rắn lên đền Mẫu vì thực ra chúng là ngựa ngự của Mẫu thượng ngàn…Nhụ đang mải suy nghĩ mung lung, chợt thấy con chim trong lồng giãy giụa. Nhụ hé mở tấm lụa ra nhìn. Đôi mắt lóng lánh của con chim gáy cứ chăm chăm nhìn Nhụ như muốn hỏi. Hình như đôi mắt trong veo kia như muốn chất vấn: "Đưa tôi đi đâu thế này?". Nhụ vỗ nhẹ vào chiếc lồng son như để an ủi con chim trời, như để trả lời nói bằng những ý nghĩ thầm thì trong tâm tưởng: “Chim ơi! Em đừng sợ. Ông nội đã nói với chị rồi. Ta mang chim lên đền để em được hầu hạ Thánh Mẫu. Làm lễ xong, ông nội sẽ gõ ba tiếng trống. Cha ta thì đánh đàn, còn ta sẽ hát bài hát dâng. Sau ba tuần hương, ông nội bước ra hiên, mở chiếc lồng son. Chim sẽ bay lên cây cáo của cô Bé Suối, hoặc đậu trên cây sung cô Chín đền Sòng. Cô Bé rất kheo dạy muông thú: Cô dạy voi kéo gỗ, đẩy công mua xòe, dạy chim bách thanh hót đủ trăm giọng. Cô sẽ dạy cho chim cu cườm gáy vang rừng, để muôn loài nghe tiếng gáy của em đều ngẩn ngơ như bị bắt mất hồn. Em sẽ tự do bay nhảy, tha hồ làm tổ trên cây, sẽ ngày đêm hầu hạ bên Thánh Mẫu”.Đắm vào suy nghĩ, con thuyền đã cập bến lúc nào chẳng hay. Mọi người lên bờ. Núi Mẫu chỉ cách bến chừng vài trăm mét. Núi Mẫu không cao lắm, chỉ khoảng hơn trăm mét. Đó là quả núi lẫn đất và đá. Trên núi cây rừng um tùm. Đền Mẫu nằm trên đỉnh núi. Cổng đền chỉ đơn giản là hai trụ gạch cao. Qua cổng đến lối lên dốc. Người ta xếp đá thành những bậc dẫn lên đỉnh núi. Đặc biệt trên đầu lối đi là một vòm cuốn toàn lá. Người Cổ Đình khéo léo trồng hai bên hai hàng cây ô rô, rồi vít những cành cao lại giao nhau để tạo thành thứ vòm xanh thiên nhiên. Lối đi trong vòm mát rượi. Nắng rọi qua vòm lá đổ những vệt vàng lốm đốm trên những bậc đá. Lên đến lưng chừng núi mới hết con đường vòm. Đến đây bậc đá vắt qua một rừng thông. Hết rừng thông đến rừng trám. Hết rừng trám ta kết thúc đường hành hương.Ngôi đền Mẫu hiện ra uy nghi, ngói phủ rêu phong, nằm chính giữa đỉnh núi, giữa những cây giẻ. Một cây ngọc lan cổ thụ ở đầu hồi bên phải tỏa hương thơm ngát. Nhụ không vào nhà chính điện vội, cô đến thảm bà tổ cô. Cụ già vẫn còn minh mẫn. Cụ ngồi trên chiếc ghế mây có tay vịn đặt trên chiếu. Tóc trắng như bông buộc gọn sau gáy. Đôi mắt sáng, hau háu nhìn cô bé. Đôi mắt vẫn tươi như còn thoáng đọng lại những nét đẹp của thời xa xưa. Nhụ quỳ trên chiến chắp nay cúi lạy:

- Con xin chào tổ.
Bà cụ già cười bằng cái miệng móm mém chẳng còn răng:
- Ta nhớ rồi. Hôm xưa, con đã hát cho ta nghe.
- Thưa tổ vâng ạ. Hôm nay con đến dâng lễ vật lên đức Thánh Mẫu.
Bà cụ gật đầu rồi dặn:
- Hôm nay con hát hầu thánh. Phải hát cho thật hay. Rồi chợt mắt cụ nhìn con chim gáy trong lồng. Cụ vẫy tay với con chim và nói:
- Con nhớ để cái lồng sát vào hộc thờ, chỗ có bức tranh ông hổ ấy. Con đã nhớ chưa?
Nhụ ngớ ra không hiểu cụ tổ muốn nói gì. Bà Mùi lúc ấy cũng có mặt, liền đỡ lời:
- Thưa Tổ. Con sẽ bảo cháu làm đúng lời tổ.
Còn Nhụ, cô chỉ biết gật đầu trước cụ già đại thọ, con người cô vừa yêu mến vừa sợ hãi. Ở con mắt cụ như toát ra một ánh sáng kỳ bí nhiệm màu mà với độ tuổi như cô làm sao hiểu nổi.

Nhụ đi qua chiếc sân rộng, leo lên ba bậc thềm vào gian chính điện. Cô sững người ngắm nghía tòa thánh điện rộng lẫy. Trên bàn thờ hậu cung cao vót là tượng thánh Mẫu sơn son thiếp vàng phủ khăn đỏ. Phía dưới là hương án trên bầy đỉnh, bát hương to và hai giá nến. Ngoài cùng là chiếc bàn xây bằng gạch, có vòm cuốn đỡ bên dưới. Ở tận cùng vòm cuốn là bức phù điêu hắc hổ, một bức tranh sơn khắc. Ngồi trên bệ hầu trước điện nhìn vào ta tưởng như ông hắc hổ đang ngồi trong hang để bảo vệ cho thánh Mẫu. Bà Mùi vẫy Nhụ lại. cầm lấy lồng chim đặt sát vào hang và nói:

- Lúc nãy cụ tổ dặn con đặt chiếc lồng chim vào chỗ này. Bây giờ con đã hiểu chưa?
- Con hiểu.

Nhụ trả lời song thực ra cô cũng chẳng hiểu tại sao phải đặt chiếc lồng chim vào chỗ đó.Rực rỡ và uy nghi nhất là hai chiếc dầm vượt trên cao. Ở mọi nhà, hai chiếc dầm vượt thường để bám bụi bặm. Riêng ở đây, chúng bóng lộn, chứng tỏ thường xuyên được lau chùi. Sở dĩ như thế, vì nằm bên hai cây gỗ dài ấy có hai con rắn trắng bằng vải, to như cổ tay, mào đỏ, uốn khúc như hai con rồng bám vào gỗ. Đó là hai chú “ngựa ngài” đứng hai bên nhìn vào hậu điện chầu Thánh Mẫu. Các chú vừa là vệ sĩ vừa là ngựa cưỡi của các vị thánh. Ở hai phía tả hữu và bên trên bệ hầu, còn treo những chiếc nón chóp, nón thúng và những lẵng hoa. Những chiếc nón được giắt hạt cườm và những chiếc kính nhỏ xíu. Phía dưới nón là những quai thao, tua vàng, tua đỏ rủ xuống theo gió phất phơ. Bà Mùi thắp hết đèn nến. Những chiếc nón chợt óng ánh lộng lẫy.Có hai bức tranh lớn được vẽ lên tường. Bên trái là tranh ngũ hổ. Bên phải là tranh Thánh Mẫu. Nhụ rất thích bức thứ hai này. Mẫu đang ngự trên chiếc võng điều được chăng giữa cây táo và cây sung. Chim họa mi đậu trên vai Mẫu. Trên cành sung phía bên phải con vượn nhỏ nghịch ngợm đánh đu. Mười hai cô nàng đứng hầu. Cô cầm quạt, cô cầm hương, cô đánh đàn, cô cầm khay cầm chén... Phía dưới bức tranh là cảnh núi rừng bao la. Và trên rừng là một đôi hài đang bay. Thật đúng như sự tưởng tượng của Nhụ về Thánh Mẫu trong giấc mơ.Ở nước ta, đạo Mẫu thờ tứ phủ, tức là bốn Mẹ: Mẹ Trời, Mẹ Đất, Mẹ Nước và Mẹ Người. Mẹ Trời là Mẫu Thượng Thiên. Mẹ Người là Mẫu Liễu. Mẹ Nước là Mẫu Thoải. Mẹ Đất rừng là Mẫu Thượng Ngàn.Đền thờ Mẫu nhiều lắm ở khắp mọi nơi. Đạo Mẫu là đạo dân gian. Trừ một vài đền lớn còn phần đông các đền thờ đều nhỏ, vì không được vua chúa khuyến khích đỡ đầu còn dân lại quá nghèo. Thường thường dân tìm một nơi phong cảnh hữu tình, kỳ thú, rồi lập đền. Có sông có núi có cỏ cây hoa lá lại thêm cái hồn của con người thành kính tỏa vào đó, các ngôi đền trở thành nơi dung chứa những khát vọng và nỗi niềm của mọi người dân quê nghèo khổ, những nơi ấy tất trở thành chốn linh địa. Nơi nào không lập được đền riêng rẽ, người dân kết hợp luôn vào chùa làng, đình làng. Đằng trước thờ Phật thờ thánh trong tòa đại điện, đằng sau thờ Mẫu trong toà điện nhỏ. Ở giữa điện, trên cao, thường treo bức hoành phi có bốn chữ “mẫu nghi thiên hạ". Cái tôn giáo dân gian ấy đã an ủi bao tâm hồn cay cực của nông dân. Nhưng nó vẫn bị ghẻ lạnh hắt hủi. Thân phận đạo Mẫu chẳng khác gì số kiếp của những người đàn bà của quê hương chúng ta. Tuy ngôi đền nhỏ bé, nhưng cũng vẫn la nơi hương khói quanh năm cho Mẫu. Người dân quê giàu nghèo đều tri ân Mẫu. Mẫu là hồn của đất, Mẫu là cơm gạo ta ăn, cho hoa trái bốn mùa tươi tốt. Những bài hát văn đều ca tụng công ơn. Mẫu dạy chim hót, dạy công múa quạt dạy voi kéo gỗ, dạy hùm thiêng canh giữ nứt rừng, dạy con người biết xót thương… Những vị nhà Nho thường bài trừ đạo Mẫu, cho là cúng bái quàng xiên. Song chẳng hiểu tại sao cụ đồ Tiết lại không bao giờ báng bổ đạo Mẫu. Ông nói với Nhụ: “Mẫu cho ta tất cả”. Bố Trịnh Huyền cũng nói những lời tốt đẹp về Mẫu với con gái. Cả mẹ, người đàn bà bạc mệnh ở dưới suối vàng, cùng với ông ngoại cũng thế. Còn Nhụ, em chỉ hát những lời ca về Mẫu từ thuở ấu thơ, em chưa bao giờ đi lễ; tuy nhiên cứ mỗi lần nghĩ về Mẫu, lòng em lại thấy rưng rưng. Cứ như thể Mẫu đối với em rất thân thiết, gần gũi, mặc dù em chưa bao giờ giáp mặt...Các tín chủ và dân làng lần lượt kéo đến. Mọi người đều ăn mặc tươm tất. Người ta chuẩn bị sắp xếp đồ lễ vật lên ban thờ. Cô Mùi mặc váy lĩnh tía, áo dài mấy lớp, bên trong mặc áo lụa bạch, lớp giữa là áo màu hồng, bên ngoài là áo màu đỏ sẫm, ngoài cùng phủ một chiếc áo đen bằng băng thưa để làm dịu bớt màu đỏ chói chang bên trong. Cô Mùi niềm nở tiếp khách. Trông cô thật tươi tắn, nền nã. Những người làng đến cuối cùng vẫn tíu tít ngoài sân. Nhụ và Trịnh Huyền kính cẩn quỳ lạy trước điện thờ, sau đó mới ra ngồi xuống chiếc chiếu bên trái bục hầu bóng. Ông Trịnh Huyền so dây dạo thử một khúc lưu không. Một bà đồng già trong làng làm lễ cúng thỉnh, đọc dâm câu kinh và đang sớ.Sau lễ cúng thỉnh, cô Mùi chuẩn bị khăn chầu áo ngự. Các cô hầu đâng trang điểm cho bà đồng chính, sắp xếp vật dụng cho các giá đồng sẽ lần lượt diễn ra.Ông Huyền bắt đầu đánh đàn. Tiếng đàn nguyệt của ông thật điêu luyện. Mọi con mắt đều đổ vào nhìn người cung văn. Đã lâu lắm tiếng đàn mới lại vang lên ở ngôi đền này. Đã vài năm qua, dân ở đây cứ phải ngồi đồng chay, không có tiếng đàn câu ca, từ khi ông cung văn cũ qua đời. Phải có tiếng trống, tiếng phách, tiếng hát, tiếng đàn, các cuộc hầu thánh mới thực sự là cuộc ngồi đồng. Khói hương thì ở đâu chả có. Song khói hương chưa đủ. Phải có đờn ca mới làm vơi nhẹ tâm hồn, mới dẫn dắt con người đi đến chỗ thăng hoa, siêu vượt ra khỏi cõi tục, mới rửa sạch được bụi bặm của kiếp nhân sinh. Người ta thì thầm với nhau:

- Sao lắm kẻ cứ đồn nhảm. Ông Huyền này đúng là người tỉnh Nam. Người Nam mới đàn hay đến thế.

Tiếng phách của Nhụ cũng giòn tan. Cái trống cơm thỉnh thoảng lại điểm xuyết vài tiếng bập bung rất có duyên. Giọng của Nhụ bỗng cất lên, lảnh lót như tiếng họa mi. Dân làng hôm nay đến đây dự hầu bóng rất đông. Phải nói trong họ không thiếu gì kẻ tò mò, có người chủ yếu đến nghe cha con Trịnh Huyền đàn hát. Hầu bóng ngoài ý nghĩa tín ngưỡng, còn là cuộc vui hiếm khi xảy ra ở làng quê. Ítt lâu nay, tin đồn về Trịnh Huyền cung văn giỏi của xứ Nam đến làng vẫn là điều bán tín bán nghi. Người làng muốn tận mắt xem hư thực ra sao. Trong đám người đến dự không có lý Cỏn nhưng có mặt bà Hai, bà Ba. Ở đồn điền, cũng nhiều người cất công đến xem, trong số họ chắc chắn có nhiều thuộc hạ của Julien. Giọng Nhụ vang lên bài văn công đồng thỉnh mời chư thánh.Thỉnh mời tứ phủ khâm sai.

Thủ đền công chúa đáng tài thần thông.