Mẫu Thượng Ngàn - Phần 12 - Chương 05 - Part 02

Chương 5

Thím ba Pháo vốn chẳng bao giờ nề hà khi có người đến nhờ làm công việc khâm liệm ấy, song hôm nay khi ông Trịnh Huyền đến nhà thì lại khác. Từ tối đến giờ, thím đã phải đi giúp làm công việc nguy hiểm ấy cho ba người chết. Thím cảm thấy mệt lử mệt lừ, chân tay bải hoải. Thím ra cầu ao rửa chân tay rồi lên giường nằm ngủ ngay. Vừa mới chợp mắt được một tí, cô Hoa đã dựng thím dậy:
- U ơi! Bác Huyền nhờ u đấy. Khổ! Con nghe thằng Điều chồng cái Nhụ chết rồi u ạ.
Có bao giờ thím cáu kỉnh khi có việc đâu. Thế mà hôm nay thím gắt to. Rồi lại văng tục nữa chứ: Nhụ với Nhị cái gì... Chết đ... gì mà chết lắm thế. Từ tối đến giờ đã ba người rồi. Tôi lạy các ông các bà. Tôi kiệt sức rồi. Cho tôi nghỉ một lúc. Đến sáng mai chẳng được ư? Đi đâu mà vội.
Ông Trịnh Huyền thấy thím Pháo quá mệt mỏi như vậy, lấy làm thương. Ông thầm nghĩ: “Ừ! Đúng phải để đến mai. Vả lại con gái ta cũng muốn như vậy”
Mọi người bàn luận cũng thấy không thể vội. Mấy người lớn đều lên nhà trên, chỉ để một mình Nhụ ở lại nhà ngang. Ông hộ Hiếu dặn cô: "Không được ngủ. Phải thức trông nó đấy. Coi chừng hễ thấy có con mèo nào lai vãng là phải đuổi đi ngay...".
Nhụ ngồi im trong đêm bên xác chồng, thầm nghĩ: “Ôi chao! Tôi chỉ mới mười lăm tuổi đầu. Sao trời nỡ đoạ đẩy tôi đến thế. Tí tuổi đầu đã hóa ra kẻ góa chồng. Mà nào tôi đâu đã được nếm trải những ngọt bùi của đời sống vợ chồng... Thầy tôi ngồi ở thềm nhà trên đang ho. Thầy tôi vẫn thức. Có lẽ thầy sẽ thức thâu đêm... Tôi biết thầy thương tôi lắm. Anh Điều ơi! Sao anh đành lòng bỏ em mà đi, để lại mình em thui thủi...”.
Đêm sao tịch mịch đến thế. Nhụ ngồi nghe tiếng cót két của những cây tre ngoài vườn cọ xát vào nhau. Nghe tiếng lá tre xào xạc buồn buồn. Thậm chí nghe thấy cả tiếng lá mít rơi trên sân. Cái lá mít khô gặp gió chạy trên sân gạch phát ra một tiếng động mơ hồ nhè nhẹ. Rồi nghe thấy cả con mối trên mái nhà tặc lưỡi, con muỗi vo ve. Đôi tắc kè trên cây bưởi ngoài vườn ở chỗ chòi ong thỉnh thoảng lại buông tiếng tắc kè đều đều buồn tênh, tiếng kêu như tiếng giữ nhịp cầm canh cho cái đêm dài vô tận ấy.
Mơ hồ vẳng nghe như có tiếng chân người đi thậm thịch trên đường làng. Tiếng chó sủa rộ lên. Nhụ thấy rợn tóc gáy, khi nhận thấy tiếng chó chạy ngược chiều lúc trước. Cô thầm nghĩ có lẽ con chó vàng nhà ông nhiêu Vạn thực sự đã thành chó ma. Lúc nãy nó ra đầu làng. Bây giờ nó đang quay trở về dẫn đoàn âm binh theo sau. Nó đi đến đâu chó sủa ran đến đó. Cô càng hồi hộp hơn khi hai con chó ở đầu hè gầm gừ rồi đồng thanh sủa lên cùng một lúc. Không như thường lệ có người đến hai con chó phi ngay ra ngõ và sủa rất hăng. Tiếng sủa tấn công. Đêm nay, hình như hai con chó cảm thấy điều lạ nên chúng lại đứng nép bên nhau ở một đầu hè và sủa lên bằng tiếng kêu sợ hãi như muốn chống cự. Đó là tiếng sủa tự vệ. Cô nín thở lắng nghe vì cảm thấy như có người đang đứng ở trước ngõ nhà mình. Cô len lén đứng lên khép cửa buồng, cứ làm như cánh cửa bằng tre kia có thể bảo vệ được mình tránh khỏi lũ quan ôn. Một con chim lợn bay ngang qua vườn ra phía cây đa đầu làng. Con chim vừa bay vừa kêu làm Nhụ càng thêm sởn gai ốc. Dạo trước, Điều bắt được một con chim trắng toát, mắt mở tròn xoe, mỏ khoằm khoằm. Con chim trông đẹp sao tiếng kêu của nó lại ghê rợn đến thế. Con chim ma quỷ! Nó thường tìm đến những nơi đang vất vưởng những hồn người chết. Cũng may, tiếng kêu của nó chỉ xuất hiện trong khoảnh khắc, rồi mất hút trong đêm thâu.
... Nhụ khóc nhiều lắm, nhưng không khóc to thành tiếng. Cô không biết hờ ơ thảm thiết như các bà nạ dòng khóc chồng. Tiếng khóc của họ thê thảm vì họ đã trải qua biết bao ngọt bùi mà người chồng đã đem cho họ. Họ luyến tiếc. Họ đã bị cướp mất thứ của cải vô vàn quý giá mà dấu vết còn sót lại là những đứa con thơ tội nghiệp. Nhưng dù sao họ cũng vẫn còn những dấu vết ngọt bùi ấy. Còn Nhụ, cô là kẻ trắng tay. Cô đã bị ăn cướp thứ báu vật mà cô chưa hề được hưởng. Ítt nhất thì những người đàn bà nạ dòng kia còn giữ lại được những kỷ niệm, đó là những đứa con. Đằng này, cô bị cướp sạch, bị cướp cả những kỷ niệm chưa kịp ra đời. Ôi chao! Sao mà cô dại khờ đến thế. Chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào mà lại dại khờ đến thế... Tiếng khóc của Nhụ chẳng là tiếng hờ ơ thảm thiết. Nó chỉ là tiếng tấm tức, tiếng xót xa đứt ruột nhưng không biến thành được những giọt nước mắt ròng ròng. Tiếng nức nở cuồn cuộn dâng trong lồng ngực, rồi xông lên phía trên, chẹn ngang cổ họng. Cơ hồ cô muốn ngất lịm. Mà ai dám bảo rằng Điều với Nhụ không có những kỷ niệm ngọt bùi. Nhiều lắm chứ! Anh là chồng, còn là người bạn của cô. Anh ra đi, ai là người sẽ uống cái thứ nước mưa ướp hoa nhài mà anh vẫn khen rằng chỉ có tay cô làm mới thơm tho đến thế. Rồi những con cá rô thơm lừng, biết lấy ai là người sẽ nướng cho cô. Ai là người sẽ cõng cô qua suối mỗi khi nước lũ. Ai là người hằng đêm ôm ấp rồi úp cái bàn tay ram ráp nóng rực lên đôi vú chúm chím của cô...
Nhụ lật giở tờ giấy bản phủ trên mặt Điều. Trong đêm vắng, khi mọi người đi hết, chỉ còn cô đối diện với người chết, mới thấm thía nhận ra sự mất mát to lớn đến nhường nào. Nhụ nhìn khuôn mặt quá ư thân quen mà hằng đêm vẫn áp sát vào mặt cô. Khuôn mặt ấy sẽ bị chôn vùi vĩnh viễn, sẽ tan biến đi khỏi cõi đời này hay sao? Ông Huyền ở thềm nhà trên vẫn không ngủ được. Nhụ trông thấy, qua cánh cửa sổ để mở, cái mồi rơm bỗng lóe lên từng đợt từng đợt. Ông đang thổi lửa. Rồi cái nùi rơm bùng lên thành ngọn lửa. Ông Huyền đang hút thuốc lào. Nhụ chạy lên nhà trên, quỳ xuống trước mặt ông và van xin:
- Con lạy thầy! Con lạy thầy!...
- Gì thế hả con? Sao lại nấc lên như thế kia?
- Thầy ơi? Con không... khóc được thầy ạ.
- Cố mà khóc to lên con ạ.
- Hay là... con xin thầy thổi cho nhà con một bài kèn.
- Gì?
- Thầy đã thổi kèn tiễn ông con... Đêm nay, xin thầy lại thổi cho chồng con... và cả cho con nữa...
- Sao... con ăn nói gở như vậy?
- Con không nói gở. Vâng, xin thầy thổi cho cả con nữa. Xin thầy thổi bài lâm khốc... Mà cũng là thổi cho cả những người trong làng đã chết. Có tiếng kèn thì người chết mới được siêu sinh. Có tiếng lâm khốc, thì những cái kết hòn, kết cục trong lồng ngực con mới tan đi được. Thầy ơi, có tiếng kèn thì cái đau trong lòng trong dạ con mới tan được ra thành nước mắt.
Ông Trịnh Huyền lúc ấy mới hiểu hết ý của Nhụ. Ông gật đầu:
- Con nói cũng phải.
- Và thế là trong cái đêm đen ngòm mịt mù ấy, ông Huyền đã thổi những điệu kèn ai oán chưa từng thấy. Ông rứt từng khúc ruột của mình thổ lộ vào tiếng kèn. Trong đời ông đã chứng kiến bao nhiêu người thân rời bỏ ra đi. Những chiến hữu của ông bỏ xác nơi chiến địa, rồi mẹ vợ ông, vợ ông, bố vợ ông, anh trai ông, cha ông... Hôm nay, đến lượt cháu ông, con rể ông, một chiếc lá còn xanh rờn, người nối dõi cuối cùng của cha mẹ ông. Đêm nay, ông thổi khúc tang ca cho Điều, nhưng thực ra là cho tất cả. Còn có thể nói, cho tất cả xóm làng. Ôi chao! Sao đêm nay trời tối đen làm vậy. Tiếng kèn của ông như muốn giang tay vạch cái màn tối kịt mà ra, nó như muốn làm loãng tan cái màu đen thê thảm. Trong đáy sâu tâm khảm, ông mong đó là khúc cầu siêu cho những người thân đang phiêu du ở chốn xa lắc, nơi đồng chiêm trắng mênh mông sóng nước mà có lần tiếng kèn của ông đã tiễn đưa. Cũng là khúc siêu thoát cho những người bạn xưa đã một thời cùng ông đi theo người anh hùng đánh giặc để rồi nằm xuống ở góc rừng, ven suối. Tiếng kèn của ông khóc than cho cả số kiếp những người cùng làng đã thiệt phận hẩm hiu đến nỗi không cả chiếc áo quan đành bó thân trong manh chiếu rách. Tiếng lâm khốc như tiếng nức nở, tiếng sầu thảm như lời kể lể cam chịu, tiếng êm ái như lời ru êm số phận, như lời cầu mong tìm đến một thế giới ảo mộng mà ta chưa bao giờ nhìn thấy.
Chỉ mới nghe được phần mở đầu của khúc tang ca, mà những hòn cục đau đớn trong lòng Nhụ đã lập tức chảy ra, tan ra thành tiếng khóc òa. Tiếng kèn như biết an ủi, xoa dịu, làm vơi nhẹ. Nhụ chẳng biết sợ, ôm lấy Điều để cho dòng nước mắt tự nhiên buông xả. Tóc Nhụ xõa xược ôm trùm lấy Điều. Nhụ nắm chặt lấy bàn tay bất động, lạnh lẽo của chồng, như thể muốn truyền hơi ấm của mình cho Điều. Đầu cô áp vào ngực chồng. Và dù cô chưa hề học thói kể lể khóc than bao giờ, nhưng Nhụ cũng bắt chước được đúng hệt như những người đàn bà chân quê... Cô hờ ơ, cô nỉ non kể lể... Rằng em đã ăn ở chẳng phải với mình... Bao nhiêu lầm lỗi gây ra thất vọng, giận hờn, cô nhận phần sai về mình hết... Rằng anh ra đi vội vàng như thế, thiệt phận cho anh đã đành, nhưng còn để thương, để nhớ, để sầu biết bao nhiêu cho người ở lại... Rằng ông trời xanh độc địa làm cho âm đương cách trở, biết đến bao giờ chồng vợ mới lại gặp nhau... Rằng đèn chong nhớ bóng, thui thủi một mình, giọt lệ chứa chan...
Không biết ai đã đặt ra những câu than khóc như vậy tự bao giờ. Người quê nghe mãi thành nhập tâm khi nào chẳng hay, và khi gặp hoàn cảnh tương tự là người ta thốt ra như vậy, cứ như thể những câu than ấy là thứ gia tài cha truyền con nối. Song tác dụng của chúng không phải nhỏ. Người ta hờ ơ... người ta tỉ tê kể lể, và đi cùng lời than van ấy, nỗi đau trong lòng người dân quê cũng được trôi theo. Tức là đôi mắt Nhụ không còn trơ trơ ra nữa, cô đã khóc được thành nước mắt. Nỗi lòng của cô đã được thất ra thành lời.
Đêm lặng lẽ trôi đi. Tiếng kèn ai oán của ông Huyền cũng đã bặt. Nhụ cũng đã quá mệt. Cô ngủ thiếp đi bên người chết lúc nào không hay. Hai bàn tay cô vẫn nắm chặt tay Điều. Và cô đã nằm mơ.
…Cô thấy mình đang đi trên đường làng. Cô bị giải đi thì đúng hơn. Đi kèm hai bên cô là hai người lính cắp giáo, đội nón dấu, áo nẹp đỏ, thắt lưng bao vàng. Đi dẫn đường là con chó vàng nhà ông nhiêu Vạn. Đúng là nó đã trở thành thứ chó ma, tay sai của các quan ôn. Con chó thành tinh ấy còm nhom lông lởm chởm xơ xác, lưỡi thè lè, mắt đỏ sáng quắc. Nó đủng đỉnh dẫn Nhụ ra cây đa đầu làng. Đến nơi, con chó vàng vươn cổ ra tru lên mấy tiếng như để báo hiệu. Lúc này Nhụ mới chú ý thấy một ông mặt đen mặc áo thụng đỏ, đội mũ cánh chuồn đang ngồi chễm chệ trên cái ngai thờ "đại thụ linh thần". Hai bên ngai là hai hàng lính gươm giáo tuất trần. Một vị áo thụng xanh đang cầm tờ giấy đọc tên người.
- Nguyễn Văn Mỗ, xóm Thượng, xã Cổ Đình...
- Nguyễn Thị Kèo, xóm Hạ...
Các quan ôn đang làm việc điểm danh. Một đám người mặt mũi hốc hác đứng lố nhố nghe. Toàn người trong làng đã chết. Con chó vàng yêu tinh đang quấn quýt với lũ con nhà ông nhiêu Vạn. Con chó chồm lên bíu vào vai thằng cu Còm nhưng không bíu được, vì cu Còm là hồn ma người nó loãng như khí trời, có gì mà bíu. Con vàng bị hẫng hụt ngã lăn quay ra đất, kêu lên ăng ẳng. Còn cái hồn ma loãng của cu Còm thì cười lên khinh khích. Nhụ đưa mắt nhìn tìm ông cụ đồ nhưng không thấy. Chắc cụ đồ Tiết đã điểm tên xong và bị dẫn đi rồi. Lại đưa mắt nhìn tiếp tìm Điều nhưng không thấy bóng dáng anh đâu. Nhụ lo lắng tưởng anh cũng đã bị dẫn đi rồi. Nhụ vẫn cố đảo mắt tìm chồng. Chợt thấy ở một bụi cây cỏ xước gần lũy tre có cái gì cựa quậy giống như bàn tay vẫy. Cô còn nghe thấy mơ hồ tiếng thì thầm vào tai: “Nhụ... Nhụ”. Cô thừa dịp lúc người ta còn xúm đông xúm đỏ quanh ông quan ôn áo thụng xanh nghe một điều gì đó liền len lén đến bụi cỏ xước. Mừng vô hạn vì Điều đang nấp ở đó. Điều thấy cô liền đưa ngón tay lên miệng ra hiệu cho cô im lặng. Rồi Điều nắm lấy tay vợ. Hai đứa lủi sau những bờ ruộng cao chạy ra đồng. Lúc này, Nhụ mới chú ý, bàn tay của Điều lạnh quá. Và trong óc Nhụ bỗng nảy ra một điều nghi hoặc: chồng mình chết rồi cơ mà. Tay Điều lạnh, thế là phải. Nhưng đã là ma thì làm gì có hình hài. Nó phải loãng như con chó vàng yêu tinh ôm lấy vai thằng cu Còm lại hóa ra ôm vào không khí. Đằng này, Nhụ cảm thấy bàn tay Điều lạnh nhưng đúng là bàn tay thật...
Vừa thoáng nghĩ đến con vàng, thì con chó bỗng hiện ra ngay. Thật quỷ quái! Đúng là giống yêu tinh. Con chó lông xơ xác của ông nhiêu Vạn dẫn hai thằng lính áo nẹp đỏ đang phi như bay đuổi theo Nhụ - Điều. Nó vừa chạy vừa sủa ầm ĩ đánh thức cả làng thức đậy. Nhụ quyết không chịu. Cô chạy nhanh lắm, nhanh hơn cả Điều. Cô nắm lấy bàn tay lạnh như băng ấy mà chạy phăng phăng. Cô quyết không chịu bị bắt. Nhưng khốn thay! Đang chạy thì bị vấp vào bờ, ngã lăn đùng ra ruộng... Thế là Nhụ bừng mở mắt. Hóa ra một giấc mơ, tim cô vẫn đập thình thình. Phải mất một lúc, trái tim thổn thức ấy mới trở lại bình tĩnh. Và đến lúc ấy cô mới cảm nhận được thực tại đang sống. Cái gì thế này? Giữa mơ và thực như không có ranh giới. Bàn tay cô vẫn đang nắm chặt bàn tay lạnh lẽo của chồng. Cô nhìn bàn tay ấy. Nhìn chăm chú và chợt giật mình. Cô định thần suy nghĩ. Đúng là có chuyện gì rất lạ vừa mới xảy ra nhưng không biết đó là chuyện gì. Nhụ chợt giật mình khi sực nhớ tới lời ông hộ Hiếu dặn khi ông lên nhà trên. Hay là... hay là khi mình ngủ quên và mơ màng, đã có một con mèo nào từ trên nóc nhà nhảy xuống đây. Ý nghĩ ấy làm cô khiếp hãi. Nhụ hoảng hốt nhìn khắp chung quanh song không thấy gì hết. Căn nhà vẫn lạnh tanh. Đĩa đèn dầu tù mù nhưng cũng đủ sáng để Nhụ nhìn thấy chiếc cối xay ngồi tùm hụp như bà già mặc váy ngồi ở gian ngoài nhà ngang. Bếp trấu vẫn tỏa lên vài sợi khói nửa trắng nửa xanh. Làn khói thẳng tắp, im phắc. Tịnh không thấy bóng một con vật nào cả. Lúc ấy, Nhụ mới thấy yên tâm. Nhưng đầu óc cô vẫn lởn vởn ý nghĩ: rõ ràng mà, mình biết là có chuyện gì mới xảy ra. Cô nhắm mặt lại để nhớ cho kỹ, sợ rằng mình còn để sót một điều gì. Chính lúc nhắm mắt lắng nghe ấy, cô chợt cảm thấy một cái gì đó ngọ nguậy thật khẽ khàng. Khẽ khàng đến độ mơ hồ tưởng chừng như đó chỉ là ảo tưởng. Nhắm mắt, mở mắt đến ba lần cô mới xác định được sự chuyển động ấy từ đâu mà ra. Cái đó đây rồi. Cô nhìn xuống bàn tay mình, ở đó vẫn có bàn tay lạnh lẽo của Điều. Ý nghĩ ấy làm cô hồi hộp. Chẳng lẽ... chiếc bấc đèn trên đĩa dầu lạc chỉ liu riu xanh xanh như hạt đỗ, nhưng cũng đủ sáng để Nhụ chăm chú hy vọng theo dõi những ngón tay của Điều đang nằm trên bàn tay cô. Ơ kìa! Những ngón tay ấy cử động thật rồi. Nó từ từ, rất từ từ co cụp lại rồi lại duỗi ra. Đúng! Nó động đậy thật rồi. Cái ngón tay hãy còn rất yếu ớt, nhưng đã đủ sức để báo hiệu để vẫy gọi vợ mình. Điều sống lại thật rồi... Không còn nghi ngờ gì nữa rồi. Cái ngón tay ấy đã biết gãi nhẹ lên tay Nhụ. Cô con gái vội ghé sát miệng vào tai chồng:
- Anh Điều ơi! Có nghe thấy em gọi không? - Anh còn sống... còn sống! Hãy cố mở mắt ra... mà nhìn em... Anh Điều ơi!
Đôi mi mắt của người chết hình như cố gắng hết sức... song sao đôi mi mắt bé tí mà nặng đến thế...
- Mình ơi!.. Hãy cố lên!... Cố lên mà về với em...
Đôi mi mắt... đã gắng gượng... đã dùng hết sức bình sinh. Cuối cùng, nó cũng hé ra được... lim dim nhìn vào khuôn mặt đầm đìa nước mắt của Nhụ... Cô gái reo to:
- Sống lại thật rồi... anh sống lại rồi!
Cô chạy ùa ra sân, lên nhà trên, líu lưỡi nói:
- Thầy ơi, xuống mà xem! Nhà con sống lại rồi!
Ông Trịnh Huyền vội lật đật xuống nhà ngang. Ông đã tận mắt nhìn thấy đôi mắt hé lờ đờ của chàng rể. Ông bảo con gái:
- Con phải luôn ở bên nó, gọi tên nó, có thể hồn nó mới quay trở lại. Lúc này cái hồn còn yếu ớt lắm. Đừng để cho nó lại bay đi mất.
Lúc đó, ông hộ Hiếu đã về chùa đổ. Ông Huyền phải đốt đuốc chạy ra tìm. Hai chú cháu chạy vội ngay về nhà. Trong khi ấy, Nhụ hết sức âu yếm để giữ cái vong linh lay lắt chỉ chực vụt bay đi mất. Cô thơm vào má Điều. Cô đùng hai bàn tay mềm mại của mình để xoa ấm lồng ngực cho chồng. Thậm chí, cô kéo cả tay anh vào ngực mình. Cô muốn dùng cả đôi vú xinh xinh ấm áp của cô, thứ báu vật mà anh rất thích, để giữ lại mạng sống cho Điều. Khi bàn tay anh chạm vào chiếc vú căng mẩy ấm áp đó, thì Nhụ thấy đôi mắt anh như rực sáng lên. Cô thầm nhủ: “Của anh đấy. Em cho anh. Cho anh tất cả”.
Cụ hộ Hiếu dùng hai bàn tay thần kỳ của mình xoa lên trán Điều, bụng Điều, ngực Điều. Cụ lấy thanh nhục quế rất quý giá, ít khi được đem dùng, mài vào cái bát có chút nước ấm, tạo thành thứ nước trắng đục, cậy mồm người bệnh ra đổ vào. Một hồi sau, bỗng Điều thở dài một cái. Hai con mắt đã biết đưa đi đưa lại... Cuối cùng, chân tay cựa quậy... Cụ Hiếu xoa tay:
- Sống hẳn lại rồi!
Cụ sai Nhụ đi nấu cháo. Nghĩ thế nào, ông cụ lại bảo:
- Tôi nghe nói ông lý Cỏn bên họ Vũ bệnh nặng hơn. Sau nhờ bú sữa bà ba Váy mà sống lại. Hay là ta sang nhờ bà ấy cho thằng Điều bú chực vài bận xem sao...
Nhụ đang đi vào bếp, nghe câu nói ấy quay đầu lại lườm ông già một cái rõ dài. Cô lẩm bẩm:
- Quỷ sứ! Cái ông già này toàn nghĩ ra những chuyện quái gở!