Mẫu Thượng Ngàn - Phần 12 - Chương 05 - Part 01

Chương 5

Bệnh dịch tả, mặc dù Tuấn đã hướng dẫn ăn chín, uống sôi cho cả nhà, vẫn cứ đổ ập xuống gia đình cụ đồ Tiết. Mới đầu là con chim cu mồi, con chim quý của cụ đồ chết. Buổi sáng hôm ấy, nó còn gáy rất rộn ràng, thế mà đến tối bỗng lăn quay ra chết. Cái chết của nó như một điềm báo. Hình như cụ Tiết cảm nhận được điều bất thường. Một sáng, bỗng dưng cụ tắm táp rất sạch sẽ. Rồi đến trưa, cụ đau bụng đi ngoài, ngay sau đó liệt giường luôn. Cụ chỉ còn kịp dặn dò Trịnh Huyền phải dìu dắt thằng Điều cho nên người, vì đó là giọt máu cuối cùng của cụ. Ông già cũng không quên dặn lại, phải đem biếu cụ tú Cao con chim sáo đá. Chẳng là lúc cụ Cao còn nhỏ, cụ đồ hứa sẽ tặng cậu em đồng môn một con sáo biết nói. Thời trẻ không làm được; lúc già định dạy con sáo cho hoàn chỉnh mới đưa tặng; chưa kịp làm xong thì... đã ra đi.
Cụ Tiết chết được một tuần, thì đến lượt cu Điều dính bệnh.
Trận dịch đang hồi hoành hành dữ dội. Người Cổ Đình chết nhiều quá. Đêm nào cũng đốt đuốc rình rịch đi chôn. Ông Trịnh Huyền trong tổ tương tế giúp dân làng việc chôn cất. Tổ thiếu người làm việc, nên cu Điều cũng phải tham gia.
Một đêm, Điều lử thử, kêu mệt. Ông Huyền chột dạ, bắt cháu về nghỉ. Điều kêu bụng anh ách, rồi nhâm nhẩm đau. Nhụ cuống quít lấy dầu xoa cho chồng, rồi chạy đi báo với người thân. Ông hộ Hiếu, bà Mùi, ông Huyền hốt hoảng kẻo về nhà. Điều đã đi ngoài mấy bận. Bà Mùi hái lá rừng làm thuốc, ông Hiếu lấy bùa, rồi cúng lễ van vái... Ba người lớn tìm hết cách để cứu đứa cháu, để hoàn thành lời dặn của cụ đồ Tiết lúc lâm chung, song xem chừng không hiệu quả. Điều mỗi lúc mỗi thỉu đi. Dần dần Điều đã hôn mê.
Làng Cổ Đình, chỉ trong vòng mười ngày đã chết hơn bốn chục mạng. Các cụ già đã trải qua vài lần đại dịch nói rằng mỗi lần có dịch lớn như vậy phải chết khoảng trăm người dịch mới yên. Có gia đình cả cha lẫn mẹ đều chết để lại mấy đứa con thơ, đứa lớn mới lên mười; đứa bé mới lững chững biết đi. Nhà ông nhiêu Vạn có năm người chết cả năm, chỉ còn con chó vàng gầy nhom đi lang thang khắp làng.
Cả làng ai cũng tin dịch tả là thời loạn âm, các quan ôn đêm ngày rình rập đi bắt phu. Chỉ có Điều không tin. Cậu ta nghe anh Tuấn giảng giải, biết bệnh tả do một giống vật nhỏ li ti mắt không nhìn thấy gây ra. Do vậy, cậu thường cười sự mê tín của vợ. Còn Nhụ, cô tin lắm. Cô thường mắng chồng đừng báng bổ mà gặp họa. Nhụ bắt chồng phải theo đúng những lời cô dặn dò. Thứ nhất, ban ngày đừng vào trú nắng ở nơi bóng râm cây cối. Các quan ôn thuộc về cõi âm không chịu được ánh sáng mặt trời. Ban ngày các quan ôn thường tụ tập dưới các gốc cây, người dương vào trú nắng gặp họ chạm vía họ là chết như chơi. Thứ nhì, ban đêm có phải đi đâu thì đốt đuốc cho thật sáng, cầm giáo mác, bôi mặt cho đen để đám quan ôn hết đường nhận ra... Thế mà chồng cô nào có nghe đâu để đến nỗi cơ sự xảy ra thế này.
Trong khi ông hộ Hiếu lập đàn tràng đang quay cuồng múa may ngoài sân để xua đuổi đám ma quỷ hung thần vô hình, thì ở trong buồng nhà ngang, Nhụ ngồi lặng im buồn thảm bên cạnh người chồng đang mấp mé bên bờ vực chết. Cô ngồi dưới đất, bên đống trấu. Cô đã đốt hai mớ chổi xể, lại đốt cả một nắm quả bồ kết. Người ta bảo mùi chổi xể, bồ kết khử hết khí tà độc. Cái mùi hăng hắc thơm thơm tràn ngập căn buồng. Ông hộ Hiếu đã làm lễ xong. Đêm làng có dịch sao vắng lặng đến thế. Cái tĩnh lặng đến ghê người. Ở ngoài đường, có người đi chôn đêm. Nhụ nghe tiếng chân thậm thịch. Có cả tiếng người hú gọi nhau. Cái lệ mùa dịch là như vậy. Có gọi nhau chỉ hú một tiếng. Không được gọi tên. Bởi vì gọi tên lên, quan ôn đang thiếu phu nghe được tên ghi bừa vào sổ bắt phu thì khổ. Tiếng chân người đã đi xa. Xóm làng lại rơi vào tịch mịch. Có tiếng động khe khẽ, rồi tiếng chó tru lên. Chắc là con chó vàng lang thang của nhà ông nhiêu Vạn. Người ta bảo con chó vô chủ ấy đã quen bọn quan ôn. Đêm đêm, nó thường dẫn bọn quan ôn đến từng nhà trong làng. Nghe cũng biết được con chó lang thang ấy đang đến chỗ nào. Bởi vì lũ chó trong các gia đình đều ghét con chó hoang ấy. Nó đến cửa nhà ai, là lũ chó nhà ấy sủa rộ lên để xua đuổi con tà cẩu. Nghe tiếng đủ các loại chó mà rợn cả tóc gáy...
Nhụ cứ ngồi im lìm như thế rất lâu. Nghe tiếng đêm. Nghĩ miên man xa gần. Nghĩ vẩn vơ không đầu không cuối. Cô bồng bềnh lạc vào thế giới riêng tư của mình. Không hiểu sao, Nhụ lại cảm thấy rất ân hận. Phải rồi? Đúng là ân hận. Cô ân hận điều gì? Có đáng để ân hận không nhỉ? Ân hận vì hôm vừa rồi, chỉ có một chuyện cỏn con, cô nhắc chồng ban ngày trời nắng không được trú chân ở dưới bóng cây để tránh gặp vía bọn quan ôn, thế mà hai vợ chồng đã vùng vằng rồi cãi vã nhau chăng? Ân hận vì tháng trước Điều đã ham chơi cùng bè bạn, bỏ cả việc đi tát nước, và Nhụ đã dằn dỗi, đã quá lời với chồng chăng? Bận ấy, Điều và Nhụ đã giận nhau, đã không thèm nói với nhau nửa lời suốt một tuần lễ. Đêm đến, hai đứa quay lưng lại với nhau mà ngủ. Càng tốt thôi! - Nhụ tự nhủ. Bởi vì như thế Nhụ được thoát khỏi đôi bàn tay sấn sổ phũ phàng của anh chàng. Chúng luôn thèm khát quấy rầy đôi nhũ hoa xinh xinh của cô... Mà cũng chẳng phải ân hận vì chuyện đó... Bởi vì có chúng thì cảm thấy bị quấy rầy... mà thiếu chúng thì lại thấy nhớ... Hay là... hay là... tại vì cái con người đang hấp hối kia đã... từng mấy lần ngỏ lời năn nỉ xin nàng mà nàng vẫn chưa... chịu cho... Vậy là, chồng nàng, cái anh chàng mười lăm tuổi kia, một chàng trai nghịch ngợm, khỏe mạnh... cũng dễ thương thế kia, có chết đi vẫn chẳng biết cái nỗi trăng hoa là gì... có chết đi, thì vẫn mãi mãi là một trai tơ...
Có tiếng cựa quậy trên giương. Nhụ đứng dậy, lại gần chỗ Điều nằm. Nhụ nhìn thấy lồng ngực Điều phập phồng rất mạnh. Cứ như thể anh ta đang nức nở. Bỗng nhiên, Nhụ không ngăn được hai dòng nước mắt nóng hổi của mình cứ ứa ra bò lăn trên đôi gò má mà không tài nào ngăn cản được.
Lồng ngực Điều bỗng co thắt rất mạnh. Miệng anh bỗng há ra như đau đớn, như muốn kêu lên song không thành tiếng. Lồng ngực chợt nhô lên rất cao, rồi thở bật ra rất mạnh. Có vài lần lặp lại như thế. Lồng ngực hình như muốn cưỡng lại sự co bóp nhưng cuối cùng nó đành cam chịu, nó đành nằm phẳng lì, lặng im. Nhụ sợ hãi quá, cô kêu to gọi ông Huyền. Ông Trịnh Huyền và ông hộ Hiếu từ nhà trên chạy bổ xuống nhà ngang. Ông Huyền nhìn khuôn mặt đã bất động của Điều, rồi sờ mũi, rồi vành mắt ra xem. Cuối cùng, ông châm một nén nhang để làn khói trắng bay lơ lửng trước mũi chàng trai. Làn khói trắng rất vô tình, cứ thản nhiên bốc lên cao thẳng tắp chẳng hề lay động ngả nghiêng. Ông Trịnh Huyền buông thõng tay xuống và rưng rưng nói:
- Nó đi mất rồi!
Thế là Nhụ bỗng òa lên nức nở:
- Ôi anh Điều ơi! Ôi anh Điều ơi! Sao anh nỡ bỏ em mà ra đi vội vàng...!
Ông hộ Hiếu như còn không tin:
- Nó đi thật rồi sao? Không được! Không thể thế được!
Rồi ông hú thật to:
- Ba hồn bẩy vía thằng Điều ở đâu hãy về với ông... Ba hồn bảy vía...
Gọi xong, ông đến bên Điều giật tóc mai, rồi tát mạnh vào hai má chàng trai. Cái đầu Điều lắc qua lắc lại. Sau đó, ông dùng hai bàn tay xoa lồng ngực, cố hết sức kéo hồn vía cậu cháu trở về cùng thân xác.
Đôi bàn tay của ông hộ Hiếu được cả làng khen là đôi tay kỳ diệu. Khi đến với người bệnh, ông hộ Hiếu vẫn dùng phép bùa chú trừ tà, tuy nhiên nhiều bệnh khỏi được còn nhờ đôi bàn tay như có phép lạ đó nữa. Có người đang sốt nóng rừng rực, ông chỉ dùng đôi bàn tay xoa nhẹ vào trán, tức thì cơn sốt lui ngay. Người đau bụng quằn quại lăn từ trên giường xuống đất, đôi bàn tay ấy cũng dễ dàng cắt được cơn đau. Trẻ con đái dầm, ông hoa tay trên lá bùa, đem bùa về đất cho trẻ uống, bệnh đái dầm cũng hết.
Lần này càng đặc biệt hơn, vì Điều là đứa cháu trai duy nhất của gia đình, nên ông phải cố gắng cứu chữa bằng hết sức mình. Ông xoa rất lâu lên vùng mặt, ông còn xoa khắp thân thể của Điều. Có bao nhiêu năng lượng, ông đem hết ra cho đứa cháu thân yêu. Giá như cái mạng ông mà đổi được, chắc ông cũng đem đổi cho Điều sống lại. Nhưng than ôi! Tất cả cố gắng của ông hoàn toàn vô hiệu. Anh chàng Đinh Công Điều cứ trơ ra như cục đá. Anh ta vẫn nằm im lìm, không một chút phản ứng.
Thế là ông hộ Hiếu đành chịu thua. Ông ngồi phệt xuống đất, bên đống trấu, thở hồng hộc. Ông lão đã dùng quá nhiều sức lực đến nỗi ông rũ hẳn đi. Bà Mùi, Trịnh Huyền và Nhụ đều đặt chút hy vọng cuối cùng vào ông, nhưng chút hy vọng mong manh ấy nay cũng tan biến hoàn toàn. Thêm những lời gửi gắm của cụ đồ Tiết trước lúc lâm chung, dặn dò mọi người phải chăm sóc cho giọt máu cuối cùng của cụ, nay bỗng trở thành mây thành khói.
Đêm hôm ấy không trăng, trời tối đen như mực. Ông Trịnh Huyền nhìn đứa cháu, thấy lòng dạ rã rời. Nỗi đau xót tưởng như đứt từng khúc ruột. Ông hỏi ý mọi người:
- Chưa đến nửa đêm. Để xác cháu nằm tơ hơ thế này trông thảm lắm. Hay là... ta đốt đuốc đem nó ra đồng chôn ngay đêm nay.
Nghe thế, Nhụ giãy nảy rồi khóc thét lên:
- Bố ơi! Con cắn cỏ con lạy bố. Bố đừng chôn anh ấy.
Ông hộ Hiếu giảng giải an ủi:
- Cháu ơi! Đừng thế. Nín đi. Bệnh thời khí mà. Còn phải nghĩ đến cả nhà nữa chứ. Để lâu chẳng có lợi. Mà càng để nó ở lâu trong nhà, mắt nhìn thấy càng thêm đau xót.
Nhụ không biết nói thế nào. Cô chỉ còn cách phản đối là xông lại ôm chặt lấy Điều không chịu rời ra. Ông Trịnh Huyền thấy con gái như vậy vừa thương vừa lo lắng. Ai cấm được vợ khóc chồng. Ai cấm được nó ôm lấy người đàn ông yêu quý của nó. Nhưng khốn thay, cứ để thế này rất dễ lây bệnh. Số phận con gái ông rồi sẽ ra sao. Ông không muốn nó, vì quá xót thương, chẳng biết sợ cái chết là gì. Nghĩ vậy, ông Huyền vội vàng chạy sang nhà thím Pháo. Ông thầm tự nhủ phải nhờ thím ấy giúp cho ngay thôi. Bà ba Pháo, từ lúc có dịch tả, vẫn chuyên phải làm công việc rửa ráy, thay quần áo, khâm liệm cho người chết. Không phải từ khi có dịch, trước đây thím vẫn làm công việc khâm liệm ấy. Phải nói thím là người rất tợn. Tiếp xúc với người chết, thím chẳng hề biết sợ. Nhà giàu chẳng nói làm gì, vì nhà giàu nghi lễ phiền phức, vả lại ai đời một nhà gia thế lại đi nhờ một mụ mõ làm cái việc quan trọng ấy. Song người nghèo lại khác, hầu hết người nghèo trong nhà có tang đều nhờ đến tay thím giúp đỡ, bởi vì thím quen việc, lại chẳng đòi tiền công bao giờ. Lúc Iàm cỗ đám ma, chỉ gói cho thím một gói phần hậu hĩ, thế là xong. Đến khi dịch xảy ra, lúc này chẳng cứ nhà nghèo, nhà giàu có người chết cũng phải nhờ đến thím, bởi vì cả làng Cổ Đình ai ai cũng sợ phải chạm tay vào người chết tả. Riêng thím Pháo là người gan lì, thím vẫn đi khâm liệm cho mọi người như thường. Chỉ có điều, lúc này người ta biết điều hơn; nhà khá giả, mỗi khi thím làm xong việc, thường trả cho thím ba xu. Người làng bảo sở dĩ thím bạo tợn như thế, do bởi ngày xưa cả chồng và hai con của thím đều đã chết vì tả. Còn thím đã dính bệnh nhưng không chết, đó là vì lão quan ôn đã định bắt thím rồi nhưng số thím chưa hết, nên lão đành cạch mặt thím ra. Cũng có thể, sở dĩ thím phải lăn lóc với công việc chẳng ai muốn này vì thím là mõ. Mõ là người hèn hạ nhất trong xã hội bấy giờ. Người trong làng chẳng nói ra miệng, nhưng người ta đều âm thầm đồng lòng đùn đẩy công việc bẩn thỉu nhất và nguy hiểm nhất này cho thím. Vả lại, cũng còn có thể vì thím là con người có một tấm lòng giản dị rộng mở và thương xót đối với mọi người.