Mẫu Thượng Ngàn - Phần 14 - Chương 05 - Part 01

Chương 5

Đám rước phồn thực ấy không biết có ảnh hưởng gì tới thiên nhiên hay không, hay chỉ tại mùa xuân đã đến…
Mưa xuân, gió xuân. Cỏ cây, hoa lá mọc ngút ngát. Những quả đồi trọc đã xanh mướt. Hoa mọc khắp nơi. Những dòng suối trắng xóa hoa bướm, hay đỏ rực hoa trạng nguyên. Trên đồi hoang rực rỡ hoa vông vang, vàng ươm, hoa loa kèn trắng, đỏ, hoa mẫu đơn trắng ngan ngát... Trong rừng thì ê hề các loài hoa biết tên và không tên, từ những giò phong lan đủ màu sắc rực rỡ, đến những vạt rừng giẻ hoa vàng suộm, đến những cây mai với nghìn vạn bông hoa làm vàng rực một góc rừng, đến những bãi bưởi hoang trắng xóa thơm ngát ngút trời. Tất cả cây cỏ đều phun hương rắc phấn. Phấn hoa, hương hoa trộn vào không khí được gió đưa đi. Không khí như ngầy ngậy, như ngan ngát, như quanh quánh. Thứ không khí được vật chất hóa ấy làm cho con người say say. Nó kích thích khứu giác, khêu gợi não trạng, thức tỉnh các bản năng sinh sôi của muôn vật. Kìa con công đương xòe đuôi múa một vũ điệu tình ái. Kia đôi sóc say tình đương đuổi nhau vun vút trên cành cao. Kìa đôi hổ vàng đương vờn nhau, chúng là những kẻ điên tình, giai điệu vũ điệu là những tiếng gầm rút là những bước nhảy quằn quại, cuộc ái ân làm náo động cả khu rừng già, làm tan hoang cả vạt cỏ tranh rộng vài mẫu ruộng. Cuộc vờn tình của đôi dã thú thật kinh hoàng. Con đực gào thét để bộc lộ sức mạnh đã đành. Còn con cái gầm rú lên để làm gì. Cứ tưởng như chúng đang cắn xé nhau. Răng vuốt đều trưng ra hết cỡ. Chúng ngoạm vào da thịt nhau, chúng cấu xé vào da thịt nhau để rồi ôm trùm lên nhau đi tìm cái hòa điệu tột đỉnh.

Bà ba Váy là người đến hội muộn hơn cả làng. Bà còn phải bận bịu với ông chồng. Từ một năm nay sau trận dịch, sức khỏe lý Cỏn kém hẳn đi. Tạng của ông Lý vốn gầy gò, trận ốm thập tử nhất sinh lại làm ông gầy gò thêm. Ông cứ như ốm lửng ốm lơ. Đã thế, bà vợ ba lại càng ngày càng phây phây ra. Da thịt hồng hào nõn nà. Người đàn bà ba sáu tuổi ấy đã sáu con, không hiểu sao lại nhiều sức sống đến thế. Những lần sinh nở hình như chẳng làm suy kiệt, mà chỉ làm cho bà được vỡ da vỡ thịt, da thịt được triển nở sung mãn. Lý Cỏn nhìn bà thầm nghĩ: mụ ấy có khi còn đẹp hơn thời con gái. Và thế là lão lao đầu vào say sưa với bà vợ lẽ. Bây giờ chẳng còn bà cả Cỏn để kiềm chế ông, để dọa mách cụ chánh Thi nữa; do vậy lão lao vào ái ân như con thiêu thân. Bà Hai, chẳng hiểu vì ghen tức hay vì thương chồng, đã nói với lão:

- Ông vừa vừa phải phải thôi. Trông gương thằng em ông đấy. Con mẹ Mùi nó chẳng hiếp cho chết rồi sao? Ăn dè thì sống lâu. ăn tham thì chóng chết.
Lão trả lời rất bài bây:
- Chết thế nào được! Tao khác, thằng em tao khác.
Nói cứng vậy thôi chứ thực ra trong bụng ông lý Cỏn đã thấy chột dạ. Bà hai Cỏn đem chuyện mách với cụ tú Cao. Cụ Tú gọi cháu sang, bắt mạch rất lâu rồi bảo:
- Anh muốn chết hay muốn sống? Muốn sống thì hãy nghe tôi. Đã suy kiệt rồi đấy, tuy nhiên vẫn còn gỡ được...

Từ khi khỏi dịch, lý Cỏn ở lỳ tại nhà bà Ba. Sau hôm bắt mạch, ông chú bắt ông cháu phải trở lại nhà chính. Ông cụ còn cắt thuốc bổ cho uống, và kiên quyết dặn ông cháu phải hoàn toàn chay tịnh. Đến lúc ấy, lý Cỏn mới thấy ông chú mình bắt mạch thánh thật. Ông cụ bảo: "Vừa qua, anh lầm tưởng là anh mạnh lắm. Sở dĩ anh đi lại háo hức được với vợ anh, chẳng qua chỉ là ngọn đèn tàn, chợt bùng lên chốc lát. Sau cơn bệnh nặng, con người dễ ngộ nhận về cái sức của mình. Khi ta sống lại, cái tinh lực trong ta cũng bừng nhen nhóm. Khi ấy, nếu biết tàng tinh, con người sẽ hồi phục. Còn như nếu ảo tưởng về mình... thì vô phương cứu chữa". Lý Cỏn toát mồ hôi khi nghe lời cụ Tú. Quả nhiên, đúng như lời ông chú sau khi tách khỏi nhà bà vợ Ba, lý Cỏn chợt nhận ra là mình đã suy yếu rất nhiều. Đúng là ngọn đèn dầu lạc sắp tàn bỗng bừng lên thật. Cái mạnh mẽ cương cường của ông bỗng nhiên biến đâu mất. Lý Cỏn lúc ấy mới mừng thầm, may mà đã dừng lại kịp. Và từ lúc ấy, ông mới chịu tuân theo lời ông chú...Sau bốn, năm tháng cách ly bà Ba, trở về nhà chính, sức khỏe lý Cỏn khá lên. Lão không được suốt đêm ở nhà người vợ lẽ phây phây kia nữa, thì lão lại quay trở về thói quen xưa cũ, nghĩa là lão lại chớp nhoáng đè ngửa bà Ba ra, rồi nhanh nhẹn tốc cái váy lên… Hậu quả là lão lại ho húng hắng và đêm đêm, trán cứ toát mồ hôi trộm. Cụ Tú bắt mạch biết ngay sự tình. Cụ nghiêm nghị bảo:

- Thực sự, anh muốn sống hay muốn chết? Sao tôi bảo mà anh chẳng nghe lời?
- Dạ, thưa chú... - Lý Cỏn cố tìm lời biện bạch, song cụ Tú gạt phắt đi:
- Một là anh nghe lời tôi. Hai là nếu không, tôi bỏ mặc anh, không chữa cho anh nữa...

Đến nước ấy, lý Cỏn mới chịu tuyệt đối nghe lời ông chú. Bà Ba cũng chẳng thích thú gì chuyện ân ái với chồng. Bởi vì, cái cách của lý Cỏn chỉ làm bà thêm khao khát. Cái khao khát của một người đàn bà luôn cảm thấy mình bị tước đoạt. Cái cảm giác ấy bà không ý thức rõ ràng, nhưng nó đã tạo ra một bức bối mơ hồ mà bà chẳng thể nói nên lời. Lý Cỏn cứ ốm lơ lửng như vậy cho đến ngày hội. Dạo ấy, cụ Tú ngừng cho Cỏn uống thuốc. Cụ cho Cỏn ăn nhưng thức rất dân dã như đậu đen, cá diếc, hạt sen chim bồ câu ra ràng... Cụ bảo: "Chẳng cần sâm quy gì hết. Những thứ phẩm vật thiên nhiên quê mùa ấy mới là những thứ đại bổ. Chớ nên coi thường". Quả vậy, dạo này lý Cỏn nghe chừng lại tí tởn. Bà Ba làm thức ăn chẳng ngon bằng bà Hai. Tuy nhiên, ông Lý vẫn bắt bà hàng ngày sang nhà chính hầu hạ ông, đến tối mới thả cho về.Sang đến ngày mười bốn, ngày tan hội bà Ba bảo rằng: “ Hội mấy hôm rồi mà tôi chưa đi lễ được. Hôm nay là ngày cuối, tối nay tôi phải lên đền Mẫu. Ông bảo bà hai tối nay nấu báo đêm cho ông”. Lý Cỏn kéo bà lại gần rồi thò bàn tay gầy guộc của mình chui vào cái yếm trắng, xoa xoa, véo véo đôi vú sáu con mà vẫn mây mẩy của bà. Chán chê mới chịu cho đi. Bà Ba nguýt chồng: “Rõ nỡm!”.Người đàn bà về nhà, ăn Cơm qua quýt, rồi bưng cái thúng lễ vật xinh xinh, trong đó có đủ trầu cau, oản nải, vàng hương, ra bến Đình bơi đò ngược dòng sông Son đến đền Mẫu.

Bà Ba ba chân bốn cẳng lên đền. Lúc này khách thập phương đã vãn. Tuy nhiên tòa đại điện vẫn hương khói nghi ngút, đèn nến sáng trưng. Không còn người hầu thánh nữa. Bà Mùi hỏi:
- Sao bà Ba lên lễ muộn thế?
- Lạy thánh mớ bái! Em đâu phải vô tâm. Nhưng bận quá, bây giờ mới lên lễ Mẫu được.
- Tâm động, quỷ thần tri! Còn lễ đến nửa đêm mới đóng cửa đền. Bà đến bây giờ vẫn kịp.

Ông Trịnh Huyền cũng vừa đánh đàn cho đám cô đồng xóm Mít làng Già hầu thánh xong. Đó là đám hầu bóng cuối cùng. Ông định thu xếp trở về. Ông Huyền và bà Ba cúi đầu chào nhau. Đến một năm rồi, bốn con mắt ấy mới mặt giáp mặt. Chạm vào ánh mắt của ông, bà Ba chợt thấy toàn thân mình run lên. Tâm thần chợt xốn xang bất định. Bà đặt lễ lên bàn thờ ngồi trước điện lầm bầm khấn vái. Nhân thể tay còn cầm đàn, ông Trịnh Huyền khẽ khàng nảy lên khúc đàn thỉnh Mẫu. Thế là, bà Ba không ngồi đồng, nhưng bà ngồi trước điện thờ rất lâu. Không có lời hát, không có trống phách, chỉ có tiếng đàn rỉ rả rót nhẹ vào tâm hồn bà. Tiếng đàn nói với bà những gì? Điều đó ai mà biết được. Chỉ có lòng bà cảm nhận. Chỉ có ông Huyền biết mà thôi. Đó là một cuộc lên đồng. Một cuộc lên đồng lặng lẽ. Bởi vì hồn bà thực sự đã lạc vào một thế giới ngoài trần thế. Bởi vì bà đã như mê đắm. Đến nỗi tiếng đàn đã bặt lặng tự lúc nào mà bà chẳng hay. Sau khi bà lễ tạ và ngẩng đầu nhìn sang bên, thì ông Trịnh Huyền đã đi khỏi tòa đại điện từ lâu.Bà Ba cầm thẻ nhang ra cây hương tại gốc lan cổ thụ. Năm nào cũng vậy, sau khi lễ ở đại điện xong, bà vẫn đến cây lan. Bà đồng Mùi bảo căn của bà Ba là cô Bé thơm tho, thanh tịnh. Cây lan tháng ba ra hoa ngút trời. Hương ngọc lan bao trùm khắp ngôi đền Mẫu. Trên cây hương, có chiếc mâm bồng to, sơn son, đổ đầy hoa lan trắng muốt. Mỗi người lễ cô Bé xong, đều được phép nhặt một bông hoa lan cho vào túi, hoặc cài lên mái tóc. Lộc đặc biệt của cô Bé quý vô ngần. Lễ ở bước cây lan xong, ai cũng thấy lòng mình nhẹ nhõm, hồn mình thơm ngất ngây.