Mẫu Thượng Ngàn - Phần 15 - Chương 02 - Part 02 - End

Chương 2

Pierre biết em mình mắc bệnh. Người họa sĩ mời bác sĩ Alexandre về khám cho Julien. Bác bĩ khám xong còn tự mình đánh xe đưa Julien về Hà Nội, nhờ một người bạn, một giáo sư trứ danh từ Paris sang khám cho. Cả hai người cùng khuyên Pierre nên đưa Julien về Pháp chữa bệnh. Họ bảo chứng này là hoang tưởng khứu giác. Julien buộc phải trở về Pháp.Từ đó họa sĩ Pierre trở thành ông chủ đồn điền bất đắc dĩ. Đó là triều đại thứ ba của dòng họ Messmer ở đất Kẻ Đình. Pierre bảo rằng ông không có tố chất một nhà kinh doanh, ông chỉ quản lý tạm thời để chờ người cháu là André trưởng thành. André là con của người anh cả Philippe và bà Hélène. Người cháu đang học đại học, sau này tiếp nhận đồn điền, anh ta là người thứ tư kế nghiệp. Người sinh viên này chưa sang, nhưng đã viết thư cho ông chú Pierre và nói rằng: "Nếu để mất đồn điền thì đâu còn mềm vinh quang kiêu hãnh của dòng họ Messmer. Cháu đang học canh nông, ngoài ra còn học thêm cả Đông phương học. Cháu thích xứ Đông Dương mặc dầu chưa đặt chân qua đấy. Thuở nhỏ, cháu được mẹ dạy dỗ để sợ hãi cái xứ sở nguyên thủy hoang sơ, đầy bất trắc và phì nhiêu ấy. Nhưng mẹ cháu càng nhồi nhét vào đầu cháu những điều đó thì cháu lại càng âm thầm đi ngược lại những điều bà nói. Cháu thường lén đọc những bức thư mà ba cháu gửi về từ Đông Dương. Cháu yêu mẹ, nhưng cái tính khí can trường, đi mở rộng vinh quang, đi chiếu rọi ánh sáng của nền văn minh Pháp tới những vùng đất mới làm cho trí tưởng tượng bay bổng của cháu được thỏa mãn...".Người chú đọc xong lá thư của người cháu, vừa thấy vui, vừa thấy buồn. Ông vui vì người con trai độc nhất của gia đình Messmer đã lớn thật rồi. Anh ta đã thành người đàn ông. Còn buồn vì sao ông cũng chẳng biết nữa. Không hiểu sao ông lại nhớ tới một câu nói của ông già Lệnh bên bàn đèn thuốc phiện. Ông ta bảo:
- Ông chủ Pierre có biết không Người An Nam gọi người Tầu chúng tôi là “chú khách”. Hay thật! Tầu chúng tôi sang xứ này đã từ hơn hai nghìn năm trước, lại cai trị xứ này một nghìn năm. Thế mà chúng tôi vẫn là khách... Khi mới sang xứ An Nam này, nghe họ nói như thế, tôi rất tức. Tôi không chịu…
- Còn bây giờ thì sao?
- Bây giờ à?... Bây giờ thì tôi chịu. Nói xong, ông già Tầu cười phá lên, cười rất to. Ông nheo nheo con mắt nhìn Pierre. Người họa sĩ cứ nhớ mãi cái ánh mắt của ông già Tầu. Cái ánh mắt muốn nói nhiều mà không nói.
Một hôm, René về chơi, rủ Pierre lên thăm đền Mẫu. René, từ khi được Pierre cho xem mấy bức tranh "Lên đồng" của họa sĩ Tuấn, tỏ ra chú ý đến đạo Mẫu. Ông đã viết một bài về lên đồng trong cuốn “Tín ngưỡng và tôn giáo của người An Nam”, tuy nhiên, ông chưa thỏa mãn và muốn tìm hiểu sâu hơn.Hai người lên đến sân đền, bắt gặp bà Mùi đang chơi với một em bé gái chừng ba, bốn tuổi. Con bé bụ bẫm, tóc để cun cút. Cả đầu cạo trọc, chỉ còn mớ tóc đen đằng trước xõa xuống trán. Nó mặc chiếc quần lửng quá đầu gối. Áo may bằng vải đỏ, thứ vải lấy từ tấm trướng cũ phá ra may. Có lẽ đó là tấm trướng của một nhà giàu, con mắc bệnh nặng được bà Mùi chữa khỏi đã đem tặng, trên đó ca tụng công đức của bà đồng kiêm bà lang. Tấm trướng cũ đã phai màu, bà Mùi bóc chữ nho đi rồi lấy vải, may cho cháu để lấy khước. Đứa bé một tay chống nạnh, một tay cầm cái quạt, hát bi bô một câu gì đó. Chắc nó bắt chước mẹ nó.Pierre trông thấy đứa bé mặt sáng ngời ngời đáng yêu quá. Ông thích cái áo đỏ đặc biệt. Những chữ nho đã được bóc đi nhưng còn để dấu vết in trên nền vải. Thành thử cái áo như được trang trí bằng những chữ tượng hình lạ mắt. Từ hồi thuê nhà bà ba Pháo, Pierre đã biết cách khéo léo thu hút trẻ nhỏ. Lúc nào trong túi ông cũng có kẹo. Vì vậy ông làm quen ngay được với bé gái. Bà Mùi cũng rõ tính tình tử tế của Pierre từ khi bà còn ở với ông Philippe, nên niềm nở tiếp đón người họa sĩ ngoại quốc. Pierre nói bằng thứ tiếng Việt rất sõi:
- Em chào bà chị. Đứa trẻ nào vậy? Tên nó là gì?
- Cháu ngoại tôi đấy. Tên nó là Nhị.
- Em tưởng… Người họa sĩ tây tỏ vẻ ngạc nhiên nhưng không đám nói hết câu.
- Ừ… Nó là cháu ngoại vì mẹ nó là cái Nhụ.
- À à… Như vậy là em hiểu rồi... Ôi chao? Con bé đáng yêu quá. Chị giúp em một chút nhá... Chị ôm lấy cháu cho em vẽ cả hai bà cháu.
Và thế là khi ông René đi thăm thú ngôi điện, đứng xem bức tranh cô Chín đền Sòng trên tường, rồi ngắm nghía đôi bạch xà, những chiếc nón... thì Pierre cặm cụi ngồi vẽ bà Mùi và bé Nhị. Chẳng phải chỉ vì cái cun cút ngộ nghĩnh trên đầu con bé, cũng chẳng phải chi vì cái áo vải đỏ độc đáo mà Pierre vẽ bé Nhị. Khi nhìn thấy đứa bé, lòng người họa sĩ đột nhiên như run lên. Có cái gì ở con bé thật gần gũi, thật thân thương mà Pierre không hiểu nổi. Khuôn mặt con bé thanh tú lạ thường, thông minh lạ thường. Ừ, mà sao con bé lại dễ làm quen với mình thế nhỉ?Cuộc đi thăm đền Mẫu hôm ấy rất bình thường nhưng không hiểu sao nó để lại cho Pierre một ấn tượng rất lạ lùng; cũng có thể nói, lòng ông đột nhiên xao xuyến. Tại sao lại xao xuyến? Khi ông đến, rõ ràng đứa bé hồn nhiên tươi vui. Nhưng khi ông vẽ, khi đứa bé quàng tay vào cổ bà nó và tròn mắt nhìn ông thì chao ơi? Sao đôi mắt còn bé buồn đến thế. Đúng! Đôi mắt bé Nhị rất buồn. Rất hiếm khi ta gặp trẻ con buồn. Trẻ con có thể khóc nhưng không buồn. Và trẻ con đã buồn ra đôi mắt thì, chao ôi! Thật nao lòng. Ông không muốn nghĩ đến đôi mắt trẻ thơ ấy nữa. Vì nghĩ đến nhiều, chúng như một lời trách móc.Tối hôm ấy Pierre và René lại đến cuối khu vườn bưởi, đến bàn đèn của ông Lềnh. Người đầu bếp Tầu khi ấy đã già lắm rồi. Ông già không làm việc được nữa, nhưng Pierre vẫn để cho ông ta ở trong căn nhà nhỏ. Ông ta vốn tằn tiện, định dành dụm để mở một hiệu thuốc. Bây giờ thì chả cần cái cửa hiệu ấy nữa rồi, vì ông sống độc thân chẳng vợ chẳng con. Do vậy, ông đem số tiền để dành đó ra mua thuốc hút dần dần. Cả đến việc này ông cũng có kế hoạch. Số tiền đủ cho ông hút hơn mười năm nữa. Khi ấy ông cũng đã hoàn chín mươi. Không biết có còn sống được đến ngày ấy không.Ông Lềnh già, nhưng cái thói quen tán chuyện của ông lại không hề già chút nào. Cũng có thể nói ông càng già tán chuyện càng hay. Đêm nay ông nói với hai người bạn Tây về những người đồng hương của ông:
- Người Trung Hoa chúng tôi sang nước An Nam này kéo dài suốt hai nghìn năm nay. Có người sang làm quan, có người sang buôn bán, nhưng phần đông sang để trốn tránh loạn lạc hoặc vì nghèo khó phải đi tìm nơi đất lành chim đậu. Ở nước tôi có làm cuộc loạn lạc, thay đổi triều đại, nên mỗi lần lại có một đợt di cư. Đi bằng đường bộ thì núi cao sông dài, lam sơn chướng khí, khó mà đến nơi còn sống sót. Do vậy, phần đông chúng tôi sang bằng tầu thuyền. Nước An Nam dài dằng đặc, lại nằm sát biển, nên thuyền đến đâu cũng có thể lên bờ được. Vì chúng tôi di cư đến bằng tầu bằng thuyền, nên dân gian gọi chúng tôi là người Tầu…
- Chúng tôi chẳng đến xứ này bằng tầu hay sao? Sao họ chẳng gọi chúng tôi là người Tầu? - René hài hước nói.
- Vì các ông đến sau, lại mới đến nên chữ Tầu đã dành cho chúng tôi mất rồi. Còn điều này nữa, người dân xứ này hiếu khách, nên họ đối đãi với chúng tôi như khách. Họ gọi chúng tôi là chú khách.
- Chúng tôi chẳng là khách hay sao? - René lại hỏi.
- Đúng. Các ông cũng là khách nhưng ở lại muốn làm chủ. Chúng tôi cũng đã có lúc như vậy. Nhưng điều ấy chỉ gây ra những nỗi buồn... Có một điều làm tôi suy ngẫm rất nhiều, đã từ lâu lắm rồi. Đó là: Nước chúng tôi là một nước văn hiến hơn xứ sở này; vậy tại sao rất nhiều người sang đây, lại không bao giờ quay trở về quê cũ, để cuối cùng trở thành người xứ này?
René nghe vậy đã định tranh cãi song lại ngồi yên. Ông Lềnh cũng đoán được ý nghĩ của nhà dân tộc học, liền cười và nói:
- Tôi cũng hiểu chả thiếu gì người xứ này muốn trở thành người chúng tôi hay người các ông, song tôi chỉ muốn bàn tới điểm tại sao người chúng tôi lại muốn trở thành người xứ này. Điều phải bàn là tại sao người ta có thể muốn từ cao xuống thấp. Có thể nguyên nhân là người đàn bà chăng? Người đàn bà là Mẫu, là Mẹ - Người đàn bà là Đất xứ sở. Người đàn bà là văn hiến. Mà người đàn bà xứ này có hai điểm để cho nhiều người đàn ông muốn lập sự nghiệp yêu thích, đó là sự đằm thắm và sụ gánh vác cam chịu… và những đứa con của họ mới tuyệt vời làm sao. Những người bạn của tôi lấy vợ An Nam đều nói: "Chúng tôi có thể hoàn toàn yên tâm nhắm mắt vì những đứa con họ đã sinh cho chúng tôi".
Pierre gật gù, anh nghĩ miên man tới nhiều chuyện nhưng anh không nói ra. Anh chỉ cười và bảo:
- Ông Lềnh là người hoan nghênh những đứa con lai.
René ngẫm nghĩ mãi mới cất lời:
- Tôi còn nhớ một câu nói của một nhà văn Đức: "Nul ne se promène impunément sous les palmes" (chẳng ai đi dưới bóng hàng cọ mà lại không hề hấn gì). Phải chăng, khi ra khỏi bóng hàng cọ, ta sẽ chẳng còn giống như xưa? Ở đời, trong cuộc chơi, cả hai bên đều phải đi qua dưới bóng hàng cọ.
***
Một bận, Xuân lên đền Mẫu. Nhụ dẫn anh ra khu rừng Báng thăm mộ ông Huyền. Ngôi mộ bà Mùi chỉ chôn mỗi cái đầu của con người đánh đàn tài hoa. Bây giờ, Xuân và Nhụ đã nhận anh em. Xuân bảo: "Thầy đẻ ra anh. Còn cô được thầy nuôi nấng yêu thương từ tấm bề. Cô là em anh. Anh có bổn phận chăm sóc cho mẹ con cô".
Xuân thắp hương trước mộ. Nhụ đi đánh những bụi cúc dại trồng quanh mộ. Xuân ngồi trên cỏ nhìn khói hương ngẫm nghĩ. Từ cái buổi mới gặp ông Huyền lần đầu tiên, anh cứ suy nghĩ mãi về khuôn mặt ấy. Tại sao gương mặt ông lại một nửa đẹp đẽ, còn nửa kia quái dị? Trải qua những biến động trong làng xóm, lúc này hình như anh đã hé nhìn thấy một điều gì đó. Điều ấy có lẽ là câu hỏi day dứt của những người như anh, như Tuấn, như Huy, như cụ Tú cụ Đồ và rất nhiều người khác. Tuấn ra đi thật xa để nhìn về gần. Huy dấn vào con đường bão tố. Phải chăng cũng vì điều ấy. Còn Xuân, sinh ra từ ngôi làng, từ hoàn cảnh éo le, anh hiểu trong lòng anh có cả tiếng đàn ngọt ngào của người cha và cả nửa khuôn mặt xấu xí kia. Nhưng dù sao đó là khuôn mặt của người đã sinh thành ra anh...
Đứa con gái nhỏ xíu của Nhụ theo mẹ đi đánh hoa dại. Con bé nói chưa sõi, nhưng đã biết líu lo hát câu gì đó. Hai mẹ con bỗng cười giòn. Xuân hỏi:
- Nó hát thế nào, anh nghe không rõ.
- Chẳng là em vẫn ru con bé ngủ bằng câu hát ấy. Và con bé đã nhập tâm. Câu hát thế này:
Người đâu đẹp lạ đẹp lùng.
Rõ ràng cô Chín đền Sòng giáng lâm.
Rồi Nhụ nói thêm:
- Anh ạ, ngày xưa có lần mẹ em bảo: “Đã là người ta, con ơi, ai chẳng là con của Mẫu”. Cho đến hôm nay em mới hiểu rõ câu nói ấy.
2001-2005
NGUYỄN XUÂN KHÁNH
Hết