Bãi bờ hoang lạnh, chương 15 cont

Được hơi men phá vỡ và được cung cách tiếp khách hết sức ân cần lịch duyệt của nữ chủ nhân tác động, thời tiết trong mâm bắt đâu chuyển. Những con người mệt mỏi đã quá quen với sự im lặng bắt đầu quay qua nhau hỏi han chuyện trò. Người đầu tiên thực hiện tiều đó không ngờ lại là Vũ. Phải chăng bản năng nghề nghiệp trong anh thức dậy, anh rót thêm bia vào ly cho Quang, con bệnh đã được chủ nhà có lợi gửi gắm:
- Anh Quang bị thương trong trường hợp nào?
Quang nhìn chăm chú vào mặt Vũ một lúc rồi mới trả lời bằng cái giọng khàn khàn của một người không quen nói nhỏ:
- Tôi hả?… Tôi không bị thương đâu. Tự dưng đang chạy không hiểu vật gì nó va phải đầu, thế rồi không biết cái gì nữa. Có khi do… do ngã đấy.
- Nó nói bậy rồi bác sĩ ơi? - Lân hét lên - Ngã thế nào? Một mình nó bắn gục hơn hai chục thằng Pôn Pốt, đến thằng thứ hai mươi mốt thì súng nó toác nòng. Thế là nó xông lên vật lộn. Sức nó khoẻ như con bò tót chả thằng nào chịu nổi một đòn, cứ la lối ngã nghiêng ngã ngửa… Cho đến khi có một thằng chĩa nòng súng vào sau ót nó…
Quang ngó trân trân vào cái miệng đang nói của bạn rồi nhe răng ra cười.
- Có đúng như vậy không anh Quang? - Dung tò mò hỏi - Người hùng một thời như thế mà lại không nhớ được chút gì ư?
- Không… Tôi không phải người hùng đâu - Quang gãi đầu cười bẽn lẽn - Tôi sợ chết thấy mồ, tôi chỉ thích về nhà ra biển đánh cá thôi nhưng họ…
- Họ nào? - Lân nhắc - Bọn Pôn Pốt!
- Ừ, bọn Pôn Pốt. Họ chơi không ngon, đang ngủ cũng chui vào mùng bắn lén.
Hoà quay sang bác sĩ Vũ:
- Anh ấy không nhớ được gì đâu bác sĩ ạ! Cũng không thích nói về mình. Hỏi hoài là nổi quạu đấy. anh ấy bảo mỗi khi anh ấy hú to hay bỏ chạy là khi đó cú cảm thấy có ai đó đang cầm dao đuổi theo đòi xẻ thịt mình. Anh Vũ biết tại sao chị Dung lại tổ chức lễ sinh nhật vào buổi sáng mà không vào buổi tối như lệ thường không? Vì chị ấy sợ về chiều oi bức, anh Quang dễ lên cơn la hú rồi chạy cùng đồi.
- Tội nghiệp! - Vũ khẽ thở dài - Trông anh ấy đẹp đẽ khoẻ mạnh là thế!
Không khí đang im lặng chợt Hoà kêu lên:
- Hẽn!
Thi Hoài giật nảy mình, ngẩng lên ngơ ngác nhìn xung quanh…
- Anh Hoàng Như Hẽn! - Hoà kêu lên một tiếng nữa to hơn.
Lần này thì Thi Hoài đã định vị được tiếng kêu đó, anh thoắt trở nên bối rối:
- Cô gọi…
- Anh có phải là Hẽn, Hoàng Như Hẽn không? - Hoà hỏi tiếp.
- Nhưng sao cô lại…
Khuôn mặt Hoà bừng sáng, cô reo lên với mọi người.
- Đúng anh là Hẽn rồi? Anh Hẽn còn nhớ em không. Hồi anh vừa mới ở ngoài kia vào còn chân ướt chân ráo, chính em đã cáng anh về trạm xá B2 đó. Gớm nằm trên võng anh rên mới khiếp chứ. Anh bị sốt rét mà, nhớ không? Thế rồi em trở lại trọng điểm mấy tháng sau em nghe tin anh ra viện và biên chế chính thức về một cái trại sản xuất tăng gia nào đó. Rồi em lại nghe nói về sau có một chú nhà văn già tên là gì gì ấy ở trên Rờ xuống xin cho anh được về trên ấy vừa làm công vụ vừa dự trại sáng tác văn học, đúng không.
- Ờ ờ văn học nào?… Sao lại tăng gia?… Tôi… - Mặt thoắt đỏ như gấc. Thi Hoài ấp úng nói không ra lời.
- Hôm đầu gặp anh ở đây em đã ngờ ngợ nhưng không dám hỏi. Hồi đó anh trông khác lắm cơ, đâu có tóc tai râu ria lướt thướt như thế này. Và tại cái tên Thi Hoài nữa! Giá anh cứ tên là Hẽn như trước thì em nhận ra ngay.
- Thế à?… Thế ra chúng ta cùng chung một chiến hào… Cùng… Thì ra cô đã cáng tôi đấy à?… Khoẻ nhỉ?
Thi Hoài lắp bắp nói những câu hết sức vô nghĩa và im bặt. Cố gắng nhịn cười, nữ chủ nhân đi đến bên anh:
- Giá tôi cũng có được những ngày ở rừng như mấy anh nhỉ? Tha hồ có chuyện để kể, để nói nhé? - Dung vẫn tươi tắn - Tôi cảm thấy ngồi đây. anh Quang và anh Hoài tạo thành một thế đối tỷ rõ rệt: Một người nói thật như giả, người kia lại nói giả như thật.
Đã dạn đòn và đã vượt qua được cái xúc động quá mạnh ban đầu Thi Hoài trở nên câng câng và lì lợm anh nói phun cả nước miếng ra:
- Giỏi! Một nhận xét rất giỏi! Xin cụng ly! Xin cụng với cả cô gái đã cáng tôi trong rừng nữa. Nào…
Nhưng cái liều lĩnh ấy của anh chưa kịp phát lộc thì ở ngay đầu con đường cát dẫn vào chòi, bất chợt vang lên một tiếng còi ô tô rất ấm. Ngay sau đó, chiếc Lada trắng cuốn cát bon vào.
- Chú Tư… Hoà khẽ kêu lên và bật đứng dậy.
Dung vẫn ngồi im, nét mặt bình thản, ánh mắt chỉ thoáng xao động một chút. Gần tới khóm điều, chiếc Lada dừng lại. Từ trên xe bước xuống hai người: Tư Đương và một ông già dong dỏng cao, ăn mặc nhã nhặn, tóc bạc, rất đẹp lão. Ông già dáng vẻ bồn chồn đảo mắt nhìn nhanh vào đám người đang ngồi, rồi như bị vấp, ông đi nhanh về phía Dung, người hơi lao về trước… Thoáng nhìn thấy ông, mặt Dung tái đi, chị từ từ đứng dậy rồi rời đám người đi ra, bước đi hơi cập rập… Thoáng chốc, hai người đã nép chặt vào nhau và trong tròng mắt cả hai đều dường như có nước…
Tư Đương mệt mỏi quẳng cái ca táp cho cậu lái xe, nói khẽ với Hoà:
- Đây là chú Hai, ba ruột của Dung vừa ở Hà Nội vào. Cháu chuẩn bị chỗ nghỉ cho tốt và nước nóng cho chú Hai tắm nhé? - Thấy Hoà vẫn đứng tròn mắt anh nói thêm - Kể từ ngày giải phóng năm bẩy lăm, đây là lần đầu tiên hai cha con gặp nhau.
Cái thông báo bất ngờ đó khiến tất cả đều sửng sốt. Họ vội buông bát buông đũa và quay cả về phía hai cha con chờ đợi… Bị ấn tượng mới mẻ đó choán ngợp, nhà thơ đã quên đi điều hẫng hụt hồi nãy, vội ngơ ngác hỏi:
- Gần chục năm trời kia ư? Tại sao lại thế? Mất liên lạc à?
- Không? Hoàn toàn thông tin tức nhưng cô ấy dường như không muốn gặp. Còn tại sao thì chính tôi cũng không biết.
Đến lúc này anh mới quan lại lần lượt nhìn kỹ tìm người với vẻ vừa lãnh đạm vừa muốn tỏ ra thân thiện. Đứng lùi vào một góc, Lê Hoàng lẩm bẩm:
- Ba ruột của Dung?… Ông già trông quen quá! Hình như tôi đã có lần gặp ở đâu?
Chả lẽ cứ đúng không mãi, Tư Đương buộc phải trả lời:
- Hiện nay ông cụ là người lãnh đạo chủ chốt một bộ quan trọng của Trung ương. Có lẽ đồng chí gặp ông cụ trong các hội nghị.
Thông tin thứ hai này đẩy cả bàn tiệc đứng dậy. Họ không thể cứ yên vị khi xuất hiện một viên chức cao cấp như thế của quốc gia, nhất là viên chức đó lại là cha ruột của Dung. Chắc nhận ra điều đó, ông cụ rời cô con gái ra, đưa một tay lên cao quá đầu:
- Các đồng chí cứ tự nhiên, cứ tự nhiên đi! Để hai cha con tôi đứng với nhau một chút.
Thi Hoài, phải, chính lại là Thi Hoài chứ không ai khác cầm một ly bia đầy tràn tiến đến trước mặt ông cụ:
- Thưa bác, hôm nay là ngày sinh nhật của Dung, thật không ngờ bác lại tới. Xin chúc bác sức khoẻ và thành thật chúc mừng bác đã sinh ra một người con gái tuyệt vời!
Ông già đỡ lấy ly bia nhưng không uống, giọng ông ngàn ngạt:
- Ngày sinh nhật con tôi… Tôi nhớ chứ. Mười sáu tháng ba năm một ngàn chín trăm năm mươi hai… Tôi nhớ chứ! Nhưng nó có bao giờ chịu báo cho tôi!
- Thôi ba! - Dung đã lấy lại được vẻ mặt tươi tỉnh - Nhắc lại chuyện đó làm gì ba. Ba đã đến đây rồi, mời ba ngồi xuống đây luôn với tụi con cho vui. Tụi con đây là toàn bộ cư xóm dân xóm Vườn Điều đó ba.
- Ba mệt quá! Lâu lâu không đi xa, đường sá lại xuống cấp nhiều. Có lẽ để cho ba nằm nghỉ một chút?
Tư Đương đưa mắt cho Dung:
- Thế cũng được Dung ạ! Bác họp hành suốt ba ngày hôm nay cả đêm lẫn ngày ở thành phố nên cũng đuối. Dung đưa bác vào nhà nghỉ tạm đã nhé!
Chủ tịch Lân chạy đến:
- Thế này hơn, để tôi đưa bác Hai về nhà khách huyện uỷ, chỗ ấy tốt hơn.
- Không sao! Không sao! - ông già vội xua tay - Tôi nghỉ đâu cũng được, chút xíu thôi mà. Vả lại tôi cũng muốn biết con gái tôi làm gì ở đây, sinh sống thế nào? Cho phép tôi tụ nhiên nhé, các bạn trẻ!
Dung một bên, Hoà một bên, họ dìu ông cụ đi qua vườn điều vào chòi. Nhìn theo bước chân của ông cụ còn khoẻ khoắn, cái lưng còn thẳng ngay, mọi người đều hiểu đây chỉ là cái cớ để ông cụ có điều kiện trò chuyện riêng với con gái của mình.
Không còn sự hiện diện tươi tắn và duyên dáng của nữ chủ nhân nữa, lại thêm sự xuất hiện bất ngờ của những người khách lạ, bữa ăn bỗng trở thành chống chếnh, mặc dù đã được bổ sung thêm cái dáng ngồi bệ vệ của Tư Đương ở giữa tấm pông-sô.
- Thì ra là như thế? - Thi Hoài trầm ngâm nhả khói thuốc nói như một lời độc thoại - Biết đâu cô ấy lại là con của một vị Cộng sản gốc? Hoá ra ở đời, không có gì là không được bắt nguồn tù một gốc nguồn sâu xa cả…
- Anh nói cái gì là thơ? - Lân hỏi to.
- Không… Tôi không nói gì cả.
- Chị ấy giống ba quá! - Vũ nói theo cũng như nói một mình - Nhưng sao chị ấy không ở thành phố hay ở Thủ đô với ông cụ mà lại ra ở đây?
Có lẽ không quen chịu đựng những giây phút chìm lắng nặng nề như thế này, Lân oang oang:
- Tôi đồ chừng hai cha con chị ấy đang có điều gì trắc ẩn không bình thường. Cứ xem cái cách bà Dung gặp lại ông già ruột sau gần cả chục năm là biết. Cũng xúc động, cũng nước mắt nước mũi đấy nhưng không vui, có phải không thú trưởng Tư Đương?
Đang mải nghĩ ngợi một điều gì đấy, bị hỏi bất ngơ, Tư Đương hơi giật mình nhưng không trả lời, anh chỉ khe khẽ lắc đầu. Nhận điếu thuốc từ tay Lê Bá Hoàng, tiện miệng, anh hỏi luôn:
- Đồng chí là Lê Bá Hoàng?
- Dạ! _ Hoàng trả lời ngay như anh đã chờ đời câu hỏi này từ lâu rồi.
- Đi dạo loanh quanh một chút đi! Cảnh vật ở đây đẹp quá!
Họ lặng lẽ đứng lên mà không gây một sự thiếu vắng nào cả vì bữa ăn đã quá trống vắng rồi.
- Tôi đã được nghe nói về việc của đồng chí - Tư Đương nói. - Tuần trước Tỉnh có nhận được bản tường trình dài hơn mươi trang của cậu Duy, người phó của đồng chí. Chắc đồng chí có biết?
- Dạ! - Tiếng "dạ" của Hoàng đã hơi rung lên.
- Y kiến của đồng chí thế nào?
- Tôi… Tôi đang suy nghĩ.
- Với bản chất và nội dung của bản tường trình ấy, nếu đồng chí im lặng thì có nghĩa là đồng chí sẽ có lợi.
- Vâng tôi hiểu, nhưng…
- Nhưng tỉnh không thể chấp nhận toàn bộ điều dó được. Chấp nhận nó tức là Đảng chấp nhận sự yếu kém của mình, làm sao một đảng viên lâu năm như đồng chí, trong tay lại có cả một đảng bộ vững mạnh nữa mà lại để cho một quần chúng có thành phần lai lịch không rõ ràng lũng đoạn, dắt mũi đi từ cái sai này sang cái sai khác, toàn những cái sai cơ bản cả.
- Như vậy tức là…
- Tức là đồng chí chỉ được quyền im lặng một nửa, nửa kia đồng chí phải dũng cảm thừa nhận những lầm lỗi của chính mình. Như thế, mức độ kỷ luật của đồng chí cũng sẽ nhẹ đi được một nửa. Đồng chí Hoàng thấy thế nào?
Sau một lát im lặng, Hoàng ngẩng lên, giọng không còn run lên nữa:
- Vâng, tôi hiểu! Tôi rất hiểu. Nhiều khi số phận và giá trị thực của một con người không phụ thuộc vào bản thân họ mà lại phụ thuộc vào những cái ở đâu đâu, hoàn toàn xa lạ… Đồng chí! Các đồng chí để tôi được tiếp tục suy nghĩ. Tôi còn tám ngày nữa…
- Tốt! Hãy suy nghĩ cho chín đi? Tất cả những cái gì có thể làm được cho đồng chí, tôi đã làm cả, mặc dù đây không thuộc phạm vi chức trách của tôi.
- Cám ơn? Rất cám ơn! - Hoàng buông một câu gọn lỏn rồi bỏ về chỗ ngồi. Từ đó anh không nói thêm một lởi nào nữa, hai con mắt cứ sa sầm xuống.
Thi Hoài cầm ly bia đầy tràn chạy đến trước mặt Tư Đương, tiếng nói cố làm ra khoái hoạt nhưng những mảnh vụn khiêu khích vẫn lanh canh va chạm ở đầu lưỡi:
- Xin được cụng ly với nhà quản lý kiêm chính khách của tỉnh nhà. Nghe nói anh Tư là dũng tướng trong địa hạt làm ăn mới, làm hết mình, sống hết mình? Dám chịu trách nhiệm với tất cả những cái gì mình đề xuất ra cũng… hết mình. Để đi thẳng vào đây trên chiếc xe hào nhoáng giữa ban ngày, lại bẩm còi nữa, tôi hiểu anh Tư đã phải thực hiện một cuộc hành trình tự vượt mình để tiếp cận tư duy hiện đại như thế nào. Hỡi con người, xin hãy trở về đúng mình, như vậy cuộc sống sẽ đáng tin yêu hơn. Xin mời!
Rọi một tỉa mắt khá tinh ranh vào người đang nói, Tư Đương thả gọn một câu hỏi:
- Thế nhưng câu nói líu ríu vừa rồi, anh bạn nói đúng mình hay khác mình đấy?
- Hoan hô! - Chủ tịch Lân vỗ tay đôm đốp - Phen này nhà thơ hết biết đường ăn nói nhé! Hoan hô!
Nhạy bén trong tấn công nhưng lại rất ngu ngơ trong phòng ngự, bị phản kích một đòn rất nhẹ như thế nên Thi Hoài đã choáng váng mặt mày, không còn biết nói lại một câu gì nữa. Thấy vậy, với cái cười đại lượng, Tư Đương giơ tay vỗ mạnh vào vai Thi Hoài:
- Đồng chí là nhà thơ Thi Hoài?
- Còn một cái tên nữa là Hoàng Như Hèn, như mọi người ở đây vừa đặt - Anh trả lời và cười khẩy. Vậy xin chúc mừng đồng chí?
- Chúc mừng tôi?
- Một anh bạn trong Ban lãnh đạo Hội Văn nghệ thành phố có nhờ tôi xuống đây nếu gặp nhà thơ Thi Hoài thì thông báo hộ cậu ấy vừa trúng giải thưởng loại A về tập thơ kháng chiến và nhắn tuần sau về nhận giải.
Ly bia gần như sắp tụt khỏi tay, Thi Hoài run lẩy bẩy:
- Giải A! Thật hay giả? Anh Tư không nói giỡn đó chứ anh Tư?
- Bộ tôi hay nói giỡn lắm sao? Mà cái giải ấy được bao nhiêu triệu để đồng chí sửng sốt quá trời vậy?
- Trời ơi! Giải A! Tôi trúng giải A! - Thi Hoài nói như người mê sảng - Các bạn, chức mừng tôi đi! Các đồng chí, chúc mừng tôi đi! Chúc mừng cho những giá trị được hoàn nguyên giá trị đi!
Ly bia trong tay Thi Hoài quét ngang qua mặt mọi người như một thanh đoản đao sóng sánh nước. Chỉ riêng anh chủ tịch là không hưởng ứng. Anh ngơ ngác nhìn Hoài như nhìn vào một vật thể kỳ dị… Trong thâm tâm anh hoàn toàn không thể hiểu nổi rằng, một con người vừa có thể chửi rủa không tiếc lời về một chuyện lại có thể sung sướng đến phát rồ lên cũng vì chính cái chuyện ấy?
- Xin chúc mừng con người đoạt giải cao nhất về dòng thơ kháng chiến.
Một tiếng nói thanh thanh quen thuộc cất lên từ phía sau mọi người: Nữ chủ nhân đã ra cùng với người cha của mình. Chị tươi tắn đi đến đón từ tay Tư Đương ly bia và quay qua Thi Hoài đang đứng sượng cứng người:
- Hy vọng sau cái giải thưởng này, nhà thơ xóm Vườn Điều của chúng ta sẽ thôi làm mình, làm mẩy với cuộc đời. Nào xin mời các anh! Xin lỗi các anh về chuyện vắng mặt không đúng lúc của tôi vừa rồi - Chợt chị sững lại - Ủa! Quang đâu rồi? Anh ấy chạy đi đâu rồi?
Đến lúc đó, mọi người mới phát hiện ra sự vắng mặt của con bệnh tâm thần. Hầu như không ai bảo ai, họ đều ái ngại nhìn lên đỉnh đồi.
- Anh ấy chắc lại lên trên ấy rồi? Anh ấy lại sắp lên cơn… Lại tưởng thiên hạ sắp bâu vào xẻ thịt mình - Hoà nói rầu rầu.
- Đặc điểm của bệnh lý này là không chịu được tiếng ồn và chỗ đông người. - Vũ gượng nhẹ nói thêm.
Có lẽ để tự giải thoát khỏi sự sượng sùng phải chịu đựng liên tiếp từ sáng đến giờ và cũng có lẽ do tác động lâng lâng của cái giải thưởng vừa được thông báo, Thi Hoài lên tiếng đầy chất khái quát:
- Cứ để mặc cho cậu ta trở về đúng vị trí của mình. Cậu ta đang mang một căn bệnh của thời đại là bệnh sợ con người. Cảm thấy bị ăn thịt hay bị ăn thịt thật, hai cái đó không cách xa nhau là mấy.
Câu triết lý này rơi tõm vào khoảng không, chẳng có một ai để ý. Họ còn đang mải chú trọng đến người cha đang đi đến. Tư Đương vồn vã:
- Bác đã đỡ mệt rồi chứ ạ? Mời bác ngồi xuống đây, tất cá còn đang chờ. Chỉ tại con đường quá xấu. Lần này!
- Dạ! Anh Tư kêu! - Đang mải say sưa nói gì với Hoà, nghe gọi, chủ tịch Lân vội quay ngoắt lại.
- Cậu làm công văn xin kinh phí đi! Mình hứa sẽ ủng hộ. Không thể để đường sá quá thể như thế này được. Ngượng chết! Mời bác ạ? Hôm nay là ngày sinh nhật của Dung…
- Cốc bia của tôi đâu? - Ông già hỏi cắt ngang - Đây hả? Nào, xin cạn một cốc này vì sức khoẻ của con gái tôi và… tất cả các bạn trẻ ở đây - Ông cụng ly với tất cả, đến Dung, ông hơi dìm lại một chút nói khẽ - Mong con hiểu ba hơn… Ba cũng già rồi…
Và ông uống, uống từng hớp một, uống như không phải đang uống bia. Càng uống cặp mắt ông càng trĩu buồn, ảm đạm.
- Bây giờ tôi đi! - Ông đột ngột nói - Mong các bạn thể tình cho.
- Kìa, chú Hai! Sao lại đi ạ?
Tư Đương hoảng hốt kêu lên rồi ngơ ngác nhìn sang Dung lúc ấy đang bặm môi cúi xuống…
- Ở hay! Chị Dung, chị phải giữ bác lại chứ! - Chủ tịch Lân cũng kêu lên - Ai lại để bác đi như thế? Cha con gần chục năm mới gặp nhau chứ ít ỏi gì. Chị Dung…
Dung vẫn bặm chặt môi không nhìn lên, khẽ lắc đầu, Hoàng lúc đó mới lên tiếng, cũng như từ trước đến nay, anh luôn rèn cho mình cái thói quen chỉ lên tiếng khì không thể không lên tiếng.
- Chú Hai… Bọn cháu biết chú bận việc, rất bận việc nhưng hôm nay là ngày vui của Dung, mà không phải ngày vui chỉ của một người, nó còn là ngày vui lần đầu hội ngộ, như Dung nói, của bọn cháu, tất cả cư dân xóm Vườn Điều. Chú không ở lại được cả ngày nay, đêm nay thì ít nhất cũng phải được vài giờ. Bọn cháu thực sự coi chú như người ruột thịt trong nhà, sự có mặt của chú sẽ quyết định sự vui buồn của Dung, của bọn cháu.
Một thoáng cảm động chạy lướt qua vầng trán cao có nhiều nếp nhăn nhưng dù sao đấy vẫn chỉ là một thoáng, nét mặt ông già không hề thay đổi.
Giữa lúc ấy, một tình huống không ai ngờ bỗng dưng xảy ra. Chủ tịch Lân cầm tay Hoà lôi thếch đứng dậy, anh chàng lôi mạnh đến nôi người ta nghe được cả tiếng chỉ đứt ở một chỗ nào trong áo cô gái.
- Nếu bác không vì chị Dung, không vì mọi người thì bác hãy vì chúng cháu đây!
Choang! Câu nói nặng chình chích đó bổ mạnh xuống như một nhát chém khiến mọi người ngỡ ngàng nhìn lên. Thây kệ những cái nhìn thảng thốt ấy, thây kệ cả vẻ bối rối tột độ hiện lên từng mảng trên gò má chín dừ của cô gái, súng đã nổ rồi, vị chủ tịch đứng thẳng chân, ngực vênh lên, mắt nhìn trang nghiêm và bao quát theo kiệu nhìn của người chỉ huy tối cao sắp đem quân đi dẹp bạo loạn:
- Chúng tôi quyết định cưới nhau - Anh nói - Tôi yêu cô ấy và cô ấy cũng yêu tôi. Nhân ngày vui hôm nay, chúng tôi chính thức tuyên bố như vậy. Và cứ tạm coi buổi nhậu hôm nay như một buổi ăn hỏi, xin tất cả mọi người làm chứng và tán thành cho. Kể từ giờ phút này, tôi bắt đầu gia nhập xóm Vườn Điều với tư cách là công dân thứ năm. Tôi nói điều này thật lòng, nếu có gì khuất tất, xin trời phật và thần biển vật chết tươi.
Bất ngờ như không có thật, đột ngột như một chuyện đùa, mọi người lặng đi một chút rồi mới lác đác vang lên những tràng vỗ tay tất nhiên đó vẫn là những tràng vỗ tay gượng nhẹ. Thi Hoài tự nhiên lảng nhìn ra ngoài nắng… Từ trong một góc sâu xa cuối cùng của sự mềm mại, trái tim anh rung nhẹ. Anh xúc động thật sự. Và lạ lùng làm sao, cùng với những giọt nước mắt sung sướng dâng trào ra trên gương mặt của cô gái Trường Sơn đã lỡ thì, Thi Hoài cũng để mặc cho sự rưng rưng trong mình dâng lên không cần kiềm chế.
Cùng một tâm trạng như thế, Dung quay sang ôm chặt lấy đôi vai đang rung lên của bạn:
- Chị thành thực mừng cho em. Chị biết rồi nhất định sẽ đến lúc em được như thế này. Anh ấy là một người đàn ông tốt, em có thể tìm được sự yên bình và hạnh phúc bên chồng em. Yên bình và hạnh phúc! Có một người đàn ông yêu mình và mình cũng yêu trở lại, chỉ cần thế thôi là đàn bà con gái chúng mình có thể đi hết được cuộc đời mà không đòi hỏi gì thêm cả.
Tiếng nói của chị nghẹn lại, nước mắt ứa ra nhưng trên môi vẫn giữ được một nụ cười dìu dịu.
- Thưa bác Hai! - Giọng Lân lại vang lên - Chả lẽ bác lại nỡ bỏ đi giữa ngày vui của chúng cháu sao?
Ông già nắm chặt lấy bàn tay của đôi vợ chồng không còn trẻ:
- Cám ơn… Xin chúc mừng… Tôi muốn ở lại lắm, ở lại thật lâu, ở suốt đời với các bạn, với bãi biển thanh vắng này nhưng… tôi phải đi! Cần phải đi! Tôi không… Không nên ở lại đây. Còn sống lâu ở trên đời này, rồi các bạn sẽ hiểu điều tôi nói và thể tất cho tôi. Có những sai lầm không bao giờ có thể sửa chữa được đâu… Xin chào tất cả! Chúc tất cả cứ sống với nhau yên ấm hoà thuận như thế này - Ông đi đến gần con gái, giọng chìm thoảng - Ba đi nghe con. Ráng giữ gìn sức khoẻ… Nếu có gì nhớ báo tin cho ba. Ba… Ba yêu con!
Nói xong, ông quay người đi nhanh ra xe, dáng đi vẫn thẳng nhưng thỉnh thoảng lại vấp nhẹ, đôi vai nhô lên, mái tóc bạc rũ xuống…
Dung bật nấc lên một tiếng rồi chạy vụt trở lại chòi… Tư Đương nói nhanh với người lái xe:
- Đưa ông cụ ra thì trấn trước, chờ mình ở đó một lát.
Nói xong, anh cũng rảo bước theo Dung… Dung đang ngồi đó, chìm trong bóng tối góc phòng và khác hẳn với dự cảm của anh, chị hoàn toàn lặng lẽ..
- Sao thế em? (Dung lắc đầu). Có việc gì xảy ra thế em? (Dung lại lắc đầu) Không còn thời gian nữa, anh phải đưa ông cụ về thành phố đây (Dung gật nhẹ đầu). Anh muốn tranh thủ nói với em một chuyện… Cái ấy… tức là cô vợ của anh đã điện vào đồng ý ra toà… Anh muốn…
- Đến lúc ấy, Dung mới ngẩng lên, đôi mắt buồn mênh mông:
- Anh hãy điện trở lại đi, rằng anh không đồng ý.
- Sao? - Tư Đương hỏi lạc giọng.
- Anh Tư!… Anh tốt với em nhiều lăm! Anh là người đàn ông tốt nhất mà em được gặp. Em ơn anh và kính trọng anh… Những ngày u uất buồn nản nhất, buồn nản đến muốn tự tử, trời đã cho em may mắn được gặp anh. Anh đã không khinh em, thành kiến với em, anh đã cưu mang, đã khuyên nhủ, đã nhận em vào làm trong công ty của anh và em đã sống trở lại, đã tìm được sự cân bằng trong tâm hồn quá ư khủng hoảng của mình. Nhưng anh đã không thật hiểu em. Anh đã nhầm lẫn giữa lòng kính trọng và tình yêu. Em không… Hãy tha lỗi cho em. Trong chuyện này em đã có lỗi, đã không đủ nhẫn tâm nói hết với anh ngay từ buổi đầu để anh phải sống trong dằn vặt, đau khổ và hy vọng. Em không bao giờ muốn anh phải từ bỏ tất cả để chỉ vì một cái xác chết lạnh giá như em. Vâng, từ lâu trái tim em đã chết, em đang chết! Gần đây em đã tưởng rằng nó sẽ được sưởi ấm trở lại nhưng rồi càng lạnh giá hơn. Đây là em đang nói về một người khác ngoài anh. Anh Tư… Hãy tha thứ cho em về mọi chuyện và hãy điện trở lại cho chị ấy đi… Vĩnh biệt anh!