Chân Trời Hạnh Phúc - Chương 01.1

Chương 1: -----

 

C

hú Mười tôi có bốn người con: hai cậu con trai trắng trẻo và hai cô bé gái xinh đẹp Cho đến bây giờ tôi cũng không biết chú làm gì trong Dinh Độc Lập, vào thời Tổng thống Ngô Đình Diệm. Đến khi Ngô tổng thống bị lật đổ, nội các tan rã, thì chú về sống ẩn nhẫn với gia đình, trồng cây kiểng, nuôi chim hoàng yến và cá lia thia Tàu. Chỉ có làm những chuyện lặt vặt đó chú mới tìm được thú vui lành mạnh mà thôi.
Chú Mười là em ruột của ba tôi. Má tôi nói lúc bà về làm dâu ông bà nội tôi, chú là đứa trẻ thông minh đĩnh ngộ mới tám tuổi. Ông bà nội tôi mất sớm. Ba má tôi chăm lo cho chú ăn học đến khi khôn lớn, cưới một cô vợ xinh đẹp cho chú. Từ đó chú mới ở riêng. Ba tôi là con trưởng, và chỉ có chú là em ruột. Thật ra, chúng tôi còn có một người cô, nhưng đã qua đời từ lúc nhỏ. Hai gia đình chúng tôi ở cùng thành phố. Chú thím tôi kính trọng ba má tôi. Ba má tôi cũng lo lắng gia đình chú thím. Tình anh em giữa ba tôi và chú như vậy, nên các con chú thím và anh em chúng tôi đều thương mến nhau.
Thím Mười có sạp vải ở góc đường Nguyễn An Ninh, chợ Cần Thơ, nên dù chú không đi làm, gia đình chú vẫn sống thoải mái. Thím có vóc dáng mảnh mai, da trắng mịn màng, tóc quăn tự nhiên. Tôi thích những sợi tóc mai, lòa xòa e ấp chiếc cổ trắng ngần của thím, nên trông rất đẹp. Người ta thường nói: “Những người thắt đáy lưng ong, vừa khéo chiều chồng, vừa khéo nuôi con”. Thật chẳng sai chút nào cả. Thím tôi rất khéo trong dạy dỗ con cái. Thím chăm lo từ miếng ăn, giấc ngủ cho chồng cho con. Thím còn thương mến anh em chúng tôi như con. Vì vậy, chúng tôi quí mến thím lắm. Ba má tôi thường khen gia đình chú Mười là gia đình hạnh phúc.
Hoanh là trưởng nam của chú thím. Hoanh cao lớn, mặt mày tươi sáng hồng hào, học rất giỏi, môn nào cũng đứng đầu cấp, từ toán, lý hoá, Việt văn, sinh ngữ v.v... Duy có một điều là Hoanh hát dở quá, vì giọng Hoanh mà rống lên thì gà bay chó chạy, chim chóc tán loạn. Bởi vậy Hoanh sợ nhứt là giờ âm nhạc! Gần như các bạn trong trường đều biết tẩy, nên khi có lễ lộc, tiệc tùng, ai chơi cắc cớ đề nghị Hoanh hát, là mặt Hoanh nhăn y như khỉ ăn nhằm phải ớt vậy! Tuy nhiên, Hoanh cũng không tỏ vẻ hờn giận, mà làm trò gì đó để giúp vui. Hoanh hoạt bát, vui vẻ, không ganh tị, không khó chịu trước cái thành công hay cái trội hơn của kẻ khác. Cho nên Hoanh hầu hết được các bạn bè cảm tình và mến mộ, nhất là các nữ sinh.
Đêm đêm, Hoanh học bài rất khuya, quanh năm suốt tháng Hoanh dậy sớm, chở mẹ xuống chợ, sắp xếp vải ra sạp, đâu đó xong xuôi rồi mới đạp xe về nhà. Đánh thức các em, hối thúc chúng ăn uống xong, Hoanh mới sửa soạn đến trường cho kịp giờ. Ngày ngày Hoanh chở thằng Út bỏ trước cửa trường Tiểu Học, rồi mới đến trường mình. Còn hai cô em gái thì thong thả cuốc bộ, vì nhà họ cũng không xa trường lắm.
Hoanh thường nói với tôi rằng, bao giờ lấy xong Tú Tài phần hai, Hoanh sẽ vào trường Đại Học Y Khoa, vì Hoanh rất thích ngành này. Còn tôi, tôi không dám mơ cao, nên chọn ngành y tá là một thứ trái vừa tầm tay hái của tôi.
Chúng tôi chào đời gặp hồi quê hương chinh chiến. Có những đêm thanh vắng tôi giật mình sợ hãi vì tiếng đại bác nổ long trời lở đất, ánh hỏa châu sáng lòe trong đêm tối, tiếng xe thiết giáp rầm rập trên đường. Rồi những trận mưa pháo nã vào thành phố, những quả lựu đạn ném vào chỗ đông người, vào rạp hát, làm bao người bị thương vong. Vì vậy có thời gian dài, ba má tôi cấm không cho chúng tôi đi xem hát. Trong xóm cứ vài tháng lại có người đi lính tử trận. Giặc giã càng ngày càng lan rộng! Công chức các ngành nghề được động viên, được tái ngũ.
Thuở đó tôi tuổi mười tám, bắt đầu mơ mộng lai rai trên trang tiểu thuyết, bắt đầu viết tùy bút và làm thơ. Những gì tôi viết ra đều được giấu kín. Các “tác phẩm” của tôi chỉ có một độc giả duy nhất là... tôi đây! Trong khi hai cô em con nhà chú của tôi ngoài giờ học còn bận bịu với việc bếp núc, thêu thùa, may vá thì tôi ưa làm những chuyện tào lao phù phiếm. Tụi nó đều đẹp hơn tôi, vẻ đẹp thùy mị đoan trang, lại ăn nói mềm mỏng nhu mì. Còn tôi ngoài việc học hành chỉ biết nghịch ngợm ngầm, lơ là việc nhà. Tôi ưa lén xem kiếng, bằng lòng ở chi tiết này trên khuôn mặt, bất mãn những chi tiết khác. Nhưng tôi thấy mình không đến nỗi làm hậu duệ bà Chung Vô Diệm. Và hơn nữa trời cho tôi có khuôn mặt dễ nhìn, có thân hình cũng không tệ lắm, tay chân mềm mại. Mặc dù hơi ốm một chút, tôi cũng thấy mình xứng đáng làm người yêu cho một chàng quân nhân hào hoa phong nhã. Nhưng chàng chỉ xuất hiện trong các bài thơ yêu lính của Lệ Khánh, của Nhất Tuấn, chỉ xuất hiện trong các bài hát của Lam Phương, Lê Dinh, Anh Bằng, Trần Thiện Thanh, chớ tôi chưa từng thấy ở chung quanh tôi.
Dư hưởng trận mưa rào hôm qua vẫn để lại cho không khí một chút mát mẻ dễ chịu. Tôi mở tung cửa sổ, vén màng sang một bên. Mặt trời đã lên quá đỉnh đầu. Bầu trời rộng, trong xanh. Mây trắng từng cụm đùn ở xa xa. Gió lùa nhẹ qua cửa sổ, lay động chiếc chuông gió leng keng, leng keng... Âm thanh nghe thật êm dịu trong trẻo và dễ thương lan trong căn phòng ngập tràn ánh sáng. Tôi rất thích âm thanh này, nên khi ông bạn của anh tôi đi công tác ở Đài Loan về tặng cho cả nhà cái chuông gió, là tôi xí phần dành ngay.
Gió nhẹ đưa xào xạc những cành mận hồng đào bên hông nhà. Nhờ cơn mưa đêm qua mà lá mận xanh mướt. Những chùm trái mới đây hãy còn nhỏ xíu, nay to lớn tròn trịa hẳn lên. Những chùm bông trắng nhụy vàng nở to, quyến rũ ong xanh bướm trắng chập chờn vây quanh.
Vào ngày cuối tuần nên đường phố vắng vẻ hôn. Và có lẽ cũng là giờ ngủ trưa của người khác. Tôi vung tay lên, làm một động tác thể dục, hít thở, rồi lấy quần áo, khăn, mở cửa đi về phía phòng tắm. Vừa đi tôi vừa lẩm bẩm hát theo tiếng hát từ chiếc transitor phát ra. Đồng hồ trên tường gõ một tiếng. Vẫn biết là ngày cuối tuần không làm gì, không đi đâu nên tôi ngủ dậy trễ, dẫu có thức sớm tôi cũng nằm nướng. Nhưng vừa thấy mặt tôi, má tôi kêu lên :
- Chèn ơi! Giờ này con mới chui ra khỏi ổ. Ai vô phước lấy con, kẻ đó trúng sổ đoạn trường.
Tôi nheo mắt cười với má :
- Má à, tại mấy hổm rày con phải thức khuya. Hôm nay thứ bảy má phải cho con ngủ no giấc chớ. Con sẽ không lấy chồng để cho ai kia khỏi trúng sổ gì gì... má nói đó.
Má cười hiền hậu, nét mặt tươi nói:
- Cả nhà ăn rồi, phần con trong lồng bàn, chừng nào thấy đói bụng lấy ra mà ăn.
Tôi giở lồng bàn ra thấy hai cái bánh ích. Tôi biết là cái bánh trắng nhưn ngọt hình Kim Tự Tháp để ngồi. Cái bánh ngọt nhưn trắng, tròn dài vặn hai đầu để nằm khum. Tôi chợt nhớ trước ngày giỗ nội tôi, vào tháng rồi. Trưa hôm đó hai cô em họ, và thím tôi bưng lá chuối qua nhà tôi để gói bánh ích. Má tôi đứng chỉ bảo và canh cho bà vú nhồi bột. Làm bánh trắng, nhồi bột nếp với nước ấm và chút muối thôi. Còn làm bánh ngọt thì phải nhồi với đường tán vàng, hoặc đường thẻ thắng tan ra và đường phải lóng bỏ cặn. Còn nhưn thì chính tay má tôi xào, không để bà vú xào. Bà nói :
- Bánh ích ngon hay dở, khéo hay vụn phần lớn là ở cái nhưn. Bánh trắng lột ra thì bột trong ngần, thấy nhưn mờ mờ bên trong. Nhưn ngọt phải làm bằng dừa khô xào với đường, nhưng dừa không cứng quá, nếu cứng khô quá nhai sẽ xảm. Khi xào nhưn dừa sắp tới, phải đâm gừng lấy nước cốt, và đậu phọng rang đâm bể năm, bể ba để vô xào chung cho thơm. Bánh ngọt bột trong như ngọc mã não, lồ lộ nhưn trắng. Khi cắn ăn, ngoài ngọt lạt vừa miệng tùy theo sở thích mỗi người, nhưng nhưn bánh phải dẻo, không bời rời, không khô. Người ăn khi cắn nhưn không bị rớt xuống đất là bánh khéo.
Nghe má tôi nói, nhưng tôi không nghĩ ngợi nhiều, vì tôi chẳng khéo tay, chẳng giỏi nấu ăn như bà. Tôi không tẳn mẳn, tỉ mỉ như hai cô em họ vốn giỏi giắn đủ mọi điều.
Tôi cầm cái bánh ngọt lên. Nhìn về phía căn bếp lạnh tanh ánh lửa, hỏi :
- Vú đâu má?
Má sửa lại bó hoa cẩm nhung trong chiếc lọ đặt trên bàn học của tôi, bảo :
- Bả đi chợ để mua đủ bộ vận làm món ăn hôm qua mi dặn.
Tôi reo lên phơi phới :
- Ô hay quá, con ăn chút gì thôi, để chiều ăn cơm luôn cho ngon.
Má phàn nàn :
- Lại không ăn, thân hình con sẽ lép như con khô cá lẹp cho mà coi.
Tôi chu mỏ :
- Con giữ eo số 8 mà má.
Má mỉm cười trìu mến nhìn tôi. Tôi biết mình là đứa con được cưng yêu chiều chuông nhứt nhà, vì ba má tôi có ba đứa con, mà tôi là đứa con gái duy nhất của ông bà.
Vừa ra khỏi nhà tắm, với chiếc áo bà ba trắng thêu đục lỗ, và chiết quần sa ten đen, tôi đứng chải tóc trước kiếng. Bỗng có tiếng nói rổn rảng của Hoanh. Hoanh chào hỏi anh tôi ở tận sân lót gạch tàu, nơi ấy có bày những chậu cau kiểng, mai chiếu thủy, mai tứ quý gần hòn non bộ. Hoanh vồn vã :
- Chào anh Tâm, anh về đây hồi nào?
- Hôm qua. Chú thím và các em vẫn mạnh hả? Chiều nay anh sẽ sang thăm.
Hoanh ngọt ngào :
- Gia đình em vẫn mạnh. Má em nói có để dành anh một món quà bên nhà.
- Quà gì vậy?
- Em không biết.
Giọng anh Tâm vui vẻ :
- À, chúc mừng Hoanh thi đậu. Bao giờ chú thím mở tiệc đây?
- Cảm ơn anh, em vẫn chưa biết. Chừng nào có tiệc em sẽ cho anh hay. Nhớ về dự nghe. Hôm nào anh đi Cà Mau?
Anh Tâm hạ giọng uể oải :
- Trưa mai, về thăm nhà chưa được bao lâu anh lại phải đi. Chán quá!
Rồi Hoanh chào ba tôi :
- Dạ con chào bác.
Ba tôi vồn vả :
- Hoanh đó hả? Mấy em của cháu đâu?
Hoanh trả lời :
- Dạ, sáng nay có mấy con dì Tám cháu đến chơi. Tụi nó rủ nhau về thăm vườn bên ngoại rồi.
Ba tôi phàn nàn :
- Vườn bên Cái Vồn, sao ba con để bọn nhỏ đi xa vậy?
Hoanh trấn an :
- Không sao đâu bác. Bên ấy có người lớn. Vả lại hai con em của cháu cũng đã đi Cái Vồn mấy lần rồi.
Ba tôi vẫn chưa an tâm :
- Phải cẩn thận là hơn. Tình hình lóng rày lộn xộn quá! Chiến tranh cứ kéo dài hoài. Lúc bác còn nhỏ thì cũng đã có chiến tranh. Bác cứ ngỡ đến đời tụi bây chiến tranh sẽ hết. Nhưng không ngờ tình hình ngày càng gay go thêm. Thôi, vào nhà đi. Chị Thu cháu hình như vừa mới thức đó.
Hoanh qua nhà ngang, có hàng lu chứa nước mưa để dành uống. Có bốn lu đậy kín, má tôi cho thả mỗi lu mấy trái bí đao vào khoảng mùa Thu năm trước. Mùa Hè năm nay giở nắp lu ra, nước trong vắt, uống mát tới ruột. Má tôi nói: “Nước mưa mà ngâm bí đao để dành uống vào mùa nóng, mình sẽ khỏe khoắn trong người”.
Hoanh vừa đi vừa huýt sáo. Theo vai vế trong gia đình, Hoanh gọi tôi bằng chị. Nhưng thật ra, Hoanh lớn hơn tôi hai tuổi. Chúng tôi xấp xỉ tuổi nhau, và có lẽ vì không có chị gái, nên việc gì Hoanh cũng thường hay hỏi ý kiến tôi, hoặc tâm sự với tôi. Tôi cũng thương mến Hoanh lắm vì Hoanh khôn khoan, hoạt bát,, thành thật, và nhứt là đi đến đâu, gieo rắc tiếng cười trẻ trung, cởi mở đến đó. Hoanh vào tới, chào má tôi, và hướng về phía tôi, hỏi :
- Một giờ trưa rồi, chị mới tỉnh giấc mơ tiên đó hả?
Tôi nguýt Hoanh :
- Xì, mơ tiên gì, ba bốn tuần nay ta thức trắng dờ con mắt. Sắp tới kỳ thi cuối năm, nếu ta lơ mơ rớt ở lại, thì ê mặt với lớp đàn em. Ê, có muốn ăn bánh ích không?
Tôi lấy cái bánh ích hình Kim Tự Tháp. Bánh bột trắng, nhưn dừa ngọt đẩy lại gần Hoanh hơn, ân cần :
- Nè còn một cái, cho mi đó.
Hoanh ngồi xuống ghế, cầm cái bánh mở lớp lá chuối ra. Tôi lấy hai ly thủy tinh lại bình vặn nước lọc, đưa cho Hoanh một ly đầy rồi hỏi :
- Hôm nay mi có việc gì vui mà có vẻ hí hửng ra mặt vậy?
Hoanh có vẻ suy nghỉ :
- Chị xem, Không quân, Hải quân, Bộ binh, Hoanh nên chọn ngành nào?
Tôi ngạc nhiên :
- Sao vậy, bỏ ý định học ngành thuốc rồi hả?
Hoanh ngậm ngùi :
- Vẫn còn thích lắm. Nhưng chị thấy đó, quê hương mình giặt giả càng ngày càng ác liệt, gay go hơn. Làm sao Hoanh yên tâm ngồi trong phòng thí nghiệm để thử chất này, nếm chất kia. Chị là gái mà còn ngảy ra học nghề, còn em làm sao chịu được?
Tôi ngẫm nghĩ :
- Như vậy cũng đúng, nhưng tương lai của mi, làm sao ta chọn?
Hoanh cười buồn :
- Thì cho ý kiến thôi.
Chị em chúng tôi buồn cười lắm, cứ mỗi lần Hoanh chỉ bài cho tôi, thì tôi coi Hoanh như anh cả. Còn lúc nào Hoanh hỏi ý kiến tôi, thì tôi coi Hoanh như em út vậy. Tôi cười tinh nghịch :
- Vậy thì cũng được, nhưng ta có điều kiện.
Hoanh làm bộ chán nản :
- Còn điều kiện nữa. Thôi miễn cho em lần này, lần sau sẽ tính.
Tôi cười tinh quái :
- Không được miễn! Lần trước ta nhờ mi giải hai bài đại số, ta đã phải chịu một giấy chiếu bóng, một chầu kem ở bến Ninh Kiều. Giờ việc mi hỏi rất là trọng đại, ta phải suy nghĩ tốn nhiều công sức, nên ta phải đặt điều kiện chớ!
Hoanh cười giả lả :
- Thôi được rồi, điều kiện gì nói đi.
Tôi cất giọng sôi nổi :
- Nghe đây. Một vé chiếu bóng rạp Tây Đô, một tô mì hoành thánh tiệm bà Tiều ở sau góc đường Phan Thanh Giản, một khúc bánh mì Ba Lẹ ở bến Ninh Kiều, và một ly sinh tố lớn. Có vậy thôi!
Tôi vừa dứt lời, Hoanh mở to mắt :
- Trời đất! Người bé xíu mà sao ăn nhiều quá vậy? Không sợ mập ú để rồi chịu cảnh ế chồng hả?
Tôi sừng sộ :
- Ê, ê đùng nói câu có chữ “ế” đứng đầu đó nghe. Đó là câu kỵ đối với ta. Nếu mi nói nữa thì ta sẽ không cho ý kiến.
Hoanh lẩm bẩm, mặt như mếu :
- Toi mất nửa tháng tiền bánh.
Tôi không nhịn được, cười lớn :
- À, nếu mi keo kiệt quá thì thôi. Mi rút lại còn kịp mà.
Hoanh nói xuôi :
- Thôi cũng được.
Tôi đổi thái độ, ân cần mời mọc :
- Vậy chiều nay ở lại ăn cơm nghe?