Chân Trời Hạnh Phúc - Chương 01.2

Hoanh ngập ngừng :
- Để coi.
Tôi trề môi :
- Để coi cái gì? Có ăn không thì nói, để ta dặn bà vú nấu thêm. Chiều nay có canh chua cá lóc, gà kho sả ớt, đậu đũa xào tôm. Mấy món đó mi thích lắm mà.
Hoanh cười ha hả :
- Chiều nay nếu chị không mời em cũng ở lại.
Tôi nguýt xéo Hoanh :
- Đồ ham ăn!
Má tôi ngồi khâu quần áo. Bà dừng tay, bỏ cặp kính lão xuống, cười ngất :
- Tụi bây xúm lại chỉ có nói chuyện ăn. Ai mà lấy bây thiệt vô phước!
Hoanh cười lớn :
- Cô nào mà gập cháu là có phước đó, bác! Còn anh chàng nào gặp chị Thu thì, ôi thôi, tội nghiệp! Lãnh lương ba mươi tây, nhưng cỡ chừng bốn, năm tây đầu tháng kế thì không còn đồng xu dính túi.
Tôi châu mỏ, mắng :
- Thôi im đi. Cổ nhân có nói: “Trời sanh cỏ, nhỏ sương”. Mi chờ coi, chị của mi sau này sẽ có một đấng lang quân rộng rãi, chớ không keo kiệt như mi đâu.
Hoanh nín cười ngồi quay lại :
- Thôi không đùa nữa. Chúng ta vào đề đi, em đang lưỡng lự không biết chọn binh chủng nào đây?
Tôi ngập ngừng :
- Chú thím bên nhà biết chưa?
- Biết rồi. Ba má em nói tùy em lựa chọn. Chinh chiến cứ kéo dài, ngập ngũ tòng quân là bổn phận của trai tráng. Binh chủng nào cũng đánh đuổi giặc, giữ gìn đất nước. Chị nghĩ có đúng không?
- Thì đúng rồi! Mi cao ráo, thước tấc đầy đủ, sức khỏe có thừa, bộ dạng coi cũng được. Mi dư sức đi Không quân. Nhưng ta thấy mi nên đi Hải quân thì hơn. Làm “một vì sao xanh” rất thích hợp với mi. Ta còn nhớ hè năm trước, tụi mình đi cắm trại ở Vũng Tàu. Thấy tàu Hải quân ra khơi, mi nói: “Nếu sau này có chọn binh nghiệp, thì em sẽ chọn Hải quân”. Bây giờ mi có dịp rồi đó. Hãy tận dụng khả năng mình. Vừa giúp nước, vừa thỏa chí tang bồng hồ thỉ, thì mi còn chở gì nữa.
Tôi dừng lại. Hoanh đang lắng tai nghe, vẻ mặt thành khẩn, đăm chiêu, trông thật tội nghiệp. Rồi Hoanh chớp mắt tươi cười :
- Chị có lý lắm, em sẽ đi làm “một vì sao xanh”, ủa tại sao phải là “sao xanh” hả chị?
Tôi không trả lời, chỉ nói :
- Mà nè, đó là ý kiến của ta. Còn quyết định thì do mi nghe. Ta không muốn sau này mi đổ thừa ta xúi bậy. Ta sợ mi là thứ hễ gặp kết quả tốt là quên ơn người khuyên, còn gặp kết quả tai hại là mắng nhiết người khuyên.
- Thưa biết rồi, khổ lắm nói mãi.
Hôm sau mới chín giờ sáng Hoanh đến, gõ cửa phòng tôi :
- Chị Thu, Chị Thu thức chưa?
Hên cho Hoanh, tôi định đi chợ mua một vài thứ cần dùng cho lớp học ngày mai, nên đã thức dậy từ tám giờ. Hôm nay, trời đẹp. Đêm qua sao sáng rộ. Thế nào cũng có nắng ấm và khô ráo suốt ngày. Tôi diện chiếc áo sơ mi ngắn tay bằng lụa màu hột gà, chiếc quần tây màu đen, cột trên mái tóc chiếc “băng đô” màu hoàng yến, để chút nữa ra đi chợ luôn. Tôi mở cửa nạt :
- Làm gì mà ào ào vậy?
Hoanh diện áo sơ mi trắng mới, quần tergal xám da chuột. Hoanh nghiêm nghị bảo :
- Em đã quyết định rồi, chọn binh chủng Hải quân. Ba má và các em của em đều đồng ý cả.
Ba tôi ngồi xem báo gần đó, nghe chúng tôi nói chuyện, ông lắc đầu dừng lại. Lúc nào ông cũng muốn chúng tôi theo ngành sư phạm như ông, nên nói :
- Người ta chưa động viên, mà tụi bây định tình nguyện cứu quốc. Tại sao không đứa nào vào làm nhà giáo như bác vậy? Ngành giáo dục cũng giúp ích nhiều cho nước nhà. Chừng nào động viên rồi hãy đi.
Chúng tôi len lén nhìn nhau cười. Tôi dịu giọng :
- Ba à, nước mình chinh chiến gay go như vầy, thanh niên trước sau gì cũng phải đi lính. Bây giờ Hoanh có điều kiện để chọn, nếu không chọn, mai mốt đến tuổi động viên, người ta đưa vào binh chủng nào, thì mình phải vào đấy, không được như ý. Bởi vậy Hoanh tình nguyện vẫn hơn chớ ba.
Ba tôi nói xuôi :
- Ồ thì ba chỉ tiếc cho bọn bây. Thôi thì Hải quân cũng tốt, không phải lội bộ như con thầy Ngươn. Nghe nói quanh năm suốt tháng nó ở dưới rừng Cà Mau! Thật tội nghiệp cho bọn trẻ tụi bây!
Ba tôi vừa nói vừa chép miệng thở dài, cầm tờ báo đi lên nhà trên. Tôi nói nho nhỏ sắp có thêm “một vì sao xanh”. Hoanh nhìn tôi đăm đăm, cặp mắt thâm quầng vì thức khuya. Hoanh hỏi :
- Chị nói gì vậy? Chưa tỉnh ngủ hả? Hôm nay em đến sớm, quấy hết cả nhà. Chị muốn đi ăn phở không? Rủ anh Tâm đi với.
Tôi cười trêu ghẹo :
- Sao hôm nay mi bảnh quá vậy? Mới lãnh tiền bánh hả? Ờ, đi thì đi. Nhưng ta nghĩ anh Tâm không đi đâu. Ảnh đang lục đục chuẩn bị hành lý để lên đường.
Tuy nói với Hoanh vậy nhưng tôi vẫn đi lần về phía phòng anh Tâm, rủ rê :
- Anh Tâm à, anh có muốn đi ăn phở với Hoanh không? Nó bao hết đó.
Anh Tâm từ trong phòng nói vọng ra :
- Chắc là không. Nè, Thu vào đây đi.
Tôi bước vào phòng, chưng hửng. Anh chưa chuẩn bị hành lý xong: sách vở, áo, quần còn ngổn ngang trên giường. Anh đang lúi húi sắp từng món vào chiếc va li da vàng.
Tôi sốt sắng :
- Có cần em phụ không?
Anh Tâm lắc đầu. Hâm nay, trông anh sáng mắt, tóc thấm nước chải láng, quần jeans màu đá xanh, áo thun trắng, cổ lật. Anh móc túi lấy hai tờ giấy năm trăm đưa cho tôi :
- Cho em năm trăm. Cho Hoanh dùm anh năm trăm. Nói anh mừng Hoanh thi đậu. Chừng nào có tiệc, anh về sẽ cho quà nhiều hơn.
Tôi hí hửng :
- Cảm ơn anh. Được rồi để em đưa cho nó. Cứ mỗi tuần anh về một lần, cho em tiền như vầy là đúng điệu lắm.
Anh Tâm cười hiền, khóe mắt long lanh. Anh hỏi tôi :
- Thu nè, em định khi ra trường thì làm việc ở đâu?
Tôi trả lời ngay :
- Ở đâu cũng được, nhưng không phải là Cần Thơ và Cà Mau.
Anh Tâm ngạc nhiên, nụ cười vẫn nở trên môi phô hàm răng trắng bóng và đều đặn :
- Sao vậy?
- Vì Cà Mau đã có anh rồi, còn Cần Thơ thì thì...
Tôi vừa nói đến đây thì má tôi cũng vừa đi tới. Bà nói bằng giọng hờn mát tiếp theo câu tôi chưa nói hết :
- Thì bây giờ không muốn ở gần cha mẹ. Chim mọc lông mọc cánh rồi thì phải bay xa ổ...
Tôi cười chu mỏ nhìn má :
- Má à, không phải vậy đâu. Con muốn ở mỗi tỉnh vài tháng, hoặc một năm, chừng vài năm con sẽ về ở đây với má luôn mà.
Má phì cười :
- Vài năm nữa mi có chồng mất rồi.
Tôi véo von :
- Thì má sẽ có lời, chừng đó má sẽ có rể nè, có cháu ngoại nè.
Nói đến đây tôi không nhịn được cười. Má và anh Tâm cũng cười theo. Má vui vẻ bảo tôi :
- Ờ Thu, con biết bác Chấn dây chung trường với ba không? Hôm đi đám cưới con thầy Danh, gặp má, bác có hỏi thăm con. Bác nói cậu Tân con trai lớn của bác là kỹ sư Nông Lâm Súc, đang làm ở Lâm Đồng, năm nay sẽ đổi về đây. Bác nhờ má dọ ý con, nếu con bằng lòng bác sẽ nhờ mai mối. Cậu ấy cũng biết mặt con rồi. Xem ra họ có cảm tình với con lắm.
Tôi nhăn mặt :
- Nhưng con không biết anh ta. Và con cũng không thích lấy chồng đâu.
Quay sang anh Tâm, tôi gọi khẽ: “Anh Tâm”, để cầu cứu :
- Má lo cho anh Tâm đi, ảnh lớn rồi.
Má dịu giọng :
- Anh Tâm là con trai, má không phải lo. Má chỉ lo cho con thôi.
Tôi khều nhẹ anh Tâm và gọi lần nữa. Anh cười nheo mắt trêu tôi :
- Thôi má à, em con không thích thì thôi. Vả lại Thu còn nhỏ, chưa ra trường mà. Má lo chi cho sớm?
Má hờn dỗi :
- Thôi được rồi, má sẽ để cho bọn bây ở vá hết.
Anh Tâm vói níu tay má, nhái theo giọng cải lương :
- Má đừng lo, chừng nào tụi con cảm thấy mình ở vá, thì sẽ mang tấm bảng trước ngực: “Mùa lạnh kiếm chồng, mùa đông kiếm vợ”.
Anh làm tôi cười đến sặc. Má cũng cười rồi bỏ xuống bếp, để coi nồi giò heo hầm măng tươi, và ơ cá bống kho tiêu của bà.
Năm đó Hoanh vào binh chủng Hải quân, được đưa ra Nha Trang thụ huấn quân sự, và được sang Mỹ học tu nghiệp.
Thời gian dài nhưng qua mau. Ngày Hoanh trở về, gia đình chú tôi hết sức vui mừng. Gia đình chúng tôi cũng vậy. Và mừng hơn nữa, tôi vừa đậu tốt nghiệp, cho nên má tôi làm tiệc đãi cả hai gia đình. Hoanh mua quà cho mọi người, riêng tôi có con voi bằng lông trắng, và lọ nước hoa, mùi thơm gắt quá, nên không thích hợp với tôi. Trong lúc tôi còn cầm hai món quà ngắm nghía, thì Hoanh nói :
- Em có biết đâu, thấy mấy đứa bạn mua quà cho em, cho chị tụi nó nên em cũng bắt chước mua, chớ có ai dặn dò gì đâu. Chị biết không? Mấy đứa nhỏ bên nhà nói “Anh Hai mua phấn son, màu này chõi màu kia. Tụi em trang điểm xong, lòe loẹt trông như mấy cô đào hát bội, hát tiều vậy”.
Nói đến đây Hoanh bật cười, tôi cũng cười thông cảm cho tánh thẳng thắn của Hoanh. Tôi nói :
- Hoanh, ta thích nhất là chú voi này. Hai mắt xanh như hai hòn bị Cái vòi, cái tai, cái đuôi điểm màu hồng. Trông xinh quá là xinh! Nếu vặn dây thiều theo chiều kim đồng hồ, thì có tiếng nhạc êm dịu phát ra. Đầu voi nghiêng qua, nghiêng lại thật dễ thương quá! Cảm ơn mi nghe Hoanh. Mi chu đáo với mọi người thân thuộc.
Hết hai tuần nghỉ phép, Hoanh đi trình diện đơn vị. Còn tôi cũng chờ sự vụ lệnh để lên đường nhận việc. Cứ mỗi lần ông phát thư đến đầu ngõ, tôi lắng nghe tiếng chuông xe “kinh-cong” quen thuộc, tiếng nói cười ấm áp và giòn dã cùng tiếng hỏi chào niềm nở của ông, với những người hàng xóm, là tôi lật đật ra cổng, đợi ông đến, coi có giấy báo tin chưa? Sau này, nhớ lại tôi nghĩ mình thật dại dột quá, vì trình điện nhiệm sở, nhận việc rồi, thì cuộc đời về sau cứ gắn liền với trăm thứ công việc bận rộn và phiền phức. Lúc đó, tôi chắc gì có thời gian rỗi rãnh để làm thơ, để viết nhật ký, tùy bút. Chắc gì tôi có dịp ngồi bên thềm dưới ánh trăng trong để thả hồn trôi theo tiếng nhạc tây ban cầm của anh nam sinh hàng xóm thường đánh bản “Ai về sông Tương”, “Trăng mờ bên suối”? Chắc gì tôi còn có dịp cùng lũ bạn tụm năm tụm bảy vừa ăn trái chua chấm muối ớt, vừa bàn tán mấy chàng Không quân, Hải quân thường đi dạo dưới bến Ninh Kiều, hoặc cùng bọn chúng đi dạo phố?
Tôi vừa bước vào đời, bước vào cuộc chiến với nghề y tá. Tôi chưa được má tôi truyền cho nghệ thuật làm bếp. Bà có tài kho cá tuyệt vời. Cá đen, cá trắng, cá biển, cá sông, cá đồng đều được bà kho bằng bí quyết riêng. Nên dù cá dở, qua tay bà cũng trở thành cá ngon. Tôi cũng chưa được thím tôi chỉ dạy những mũi đan len tỉ mỉ, những mũi thêu hóc búa. Tôi cũng chưa kịp học lén hai cô em con chú tôi vẻ yểu điệu nhu mì, khoa ăn nói dịu ngọt dễ ưa. Tôi chỉ bước vào đời bằng trái tim nồng nhiệt, với tánh nghịch ngầm tự nhiên mà thôi.