Chân Trời Hạnh Phúc - Chương kết End

Tôi hỏi gặn Minh :
- Minh có phải anh cô Phượng không?
- Dạ phải, chị biết Phượng sao?
- Biết chớ, cô ấy có cháu nào chưa? Gia đình cổ có đến Mỹ không?
- Thưa chị, Phượng còn kẹt ở quê nhà. Phượng đã có cháu trai lên mười tuổi rồi. Chị mới biết tôi thôi, nhưng tôi biết chị trước khi đất nước mình gặp cuộc đổi đời. Lúc chưa quen Phượng, nhờ qua lại thư từ với chị mà Hoanh cảm thấy cuộc đời lênh đênh trên biển cả được an ủi nhiều. Ảnh thường nhắc nhở tới chị và có lần được xem hình chị chụp chung với gia đình ảnh. Khi bị giam cầm ảnh cũng cho biết chị thường hay gởi lương khô, thuốc men cho ảnh. Tô còn nhớ lúc cả hai còn chung tàu lênh đênh ngoài biển khơi, anh Hoanh khi đọc thư chị mà ảnh vừa mới nhận, không biết chị viết thư ra sao mà ảnh cười từng chập. Bạn bè tưởng ảnh được thư người yêu nên vui vẻ như vậy. Ảnh bảo: “Thư này của chị họ tao, chỉ viết vui lắm! Tụi bây không rành tâm lý chút nào. Hễ đọc thư người yêu thì mình khóc vì cảm động, và có thể khóc khi mình hạnh phúc vì lời lẽ tha thiết của người yêu trong thư”. Nhưng sắc mặt của anh Hoanh có vẻ xúc động. Coi bộ ảnh hãnh diện có một người chị họ như chị, nên thường kể cho lũ bạn thân ảnh nghe về thời thơ ấu và thời hoa niên của hai chị em chị rất tương đắc nhau. Ảnh nói: “Chị Thu nhỏ hơn tao hai tuổi, làm y tá. Chẳng những chị ấy đẹp, dễ thương mà còn là quân sư của tao nữa. Tụi bây có biết không? Khi có chuyện gì thắc mắc, hay có vấn đề gì nan giải, tao nhờ chị ấy giải đáp, thì chị ấy bày kế chỉ dẫn. Mỗi khi tao hụt tiền, đến mượn tiền là chị ấy có ngay”. Lũ bạn nghe vậy có đứa đòi Hoanh giới thiệu chị cho mình. Anh Hoanh lắc đầu bảo: “Đừng có ham, hoa đã có chủ rồi! Đính hôn rồi đó nghe”. Tên nọ trơ trẻn bảo: “Ờ như vậy là chưa có đám cưới. Được lắm, mày cứ giới thiệu cho tao đi”. Hoanh bảo: “Bộ mày muốn bị trời đánh sao mà đòi nhào vô bả. Hôn phu của bả là sũ quan Sư đoàn 21 bộ binh. Bộ mày không nghe sư đoàn này được báo chí quân đội mệnh danh là Sét Miền Tây hay sao?”. Tên nọ tẽn tò, nín khe làm ai cũng cười ngất.
Tôi thì nóng lòng muốn biết tin Hoanh. Còn Minh thì kể chuyện con cà con kê hồi năm Thìn bão lụt gì đâu! Tôi hơi bực mình, nhưng giả giọng vui ngắt ngang lời Minh :
- Thằng đó thì hay nói tếu lắm. Mà nè Minh, Hoanh có cùng đi với Minh không?
Minh bảo :
- Chị đừng nóng. Trốn khỏi trại tù cải tạo, tôi về quê ngoại ở Bến Tre. Người nhà tôi liên lạc với ba má anh Hoanh, mới biết ảnh trốn ở làng Cổ Cò thuộc tỉnh Mỹ Tho. Đường thủy từ Cổ Cò qua Bến Tre rất tiện, dễ tránh được trạm kiểm soát của bọn công an. Anh Hoanh đến ở nhà bà dì tôi. Chúng tôi chờ chuyến vượt biên. Ngày chờ đợi đã đến, chúng tôi làm tài công cho tàu vượt biên của người anh họ mợ dâu tôi.
Tôi mừng rỡ :
- Nó cùng đi với Minh hả? Hay quá, giờ nó còn bên trại hả? Minh qua đây lâu chưa?
Giọng Minh bỗng trở nên ngậm ngùi :
- Tàu chúng tôi chở trên dưới sáu mươi người, vì tránh né bọn công an, nên sau ba ngày tàu mới ra khỏi hải phận. Qua ngày thứ tư, tàu bị hỏng máy, lên đên trên biển cả. Gặp bảy lần cướp biển trong bốn ngày liền. Tàu cứ trôi theo nước. Đến ngày thứ chín, lại gặp hải tặc nữa. Lần này mới hãi hùng! Bọn cướp tìm không thấy của cải, chúng lục lạo lấy hết dụng cụ sửa chữa tàu, dụng cụ đi biển. Chúng bắt đàn ông con nít trói lại thành từng chùm với nhau. Chúng tôi ai nấy đều vật vờ, vì sóng gió, vì đói khác, không còn sức phản kháng. Chúng bắt đàn bà con gái thay phiên nhau hãm hiếp. Anh Hoanh không chịu được sự tàn bạo dã man đó, lần mò vuột dây trói ra hồi nào không ai hay biết. Ảnh lấy cây chống ghe xông lại đập bọn chúng. Chúng đông người nhào vô đánh, đâm ảnh túi bụi, rồi xô ảnh xuống biển. Chúng còn chưa hả giận, lấy máu tàu, nhận chìm tàu. Đàn bà con gái lớp bị bắt đi, lớp bị giết. Tàu bập bềnh, không chìmhẳn. Tôi và vài người nữa đeo vào mạn tàu, mấy ngày sau kẽ còn sống sót mới được tàu Mỹ đến cứu vớt.
Tôi run giọng :
- Trời ơi! Vậy là Hoanh chết rồi sao?
- Tôi không chắc chắc chị à. Nhưng khi được cứu và được đưa vào trại tị nạn, tôi có dò tìm ảnh khắp nơi. Nhưng không ai biết số phận chiếc tàu và những người khác, ngoài hai người được cứu cùng với tôi. Tôi có đem chuyện đau thương này trình lên Cao Ủy Tị Nạn. Nhưng mãi đến khi rời trại tôi vẫn không nghe ai nhắc đến việc yêu cầu của tôi.
Tôi nghẹn ngào tức tưởi :
- Minh ơi, tôi không chịu đựng được nữa. Hôm khác tôi sẽ gọi lại Minh.
Không chờ bên kia đầu dây trả lời, tôi buông điện thoại và ngồi quỵ xuống ghế tự bao giờ.
Vĩnh đứng sát bên :
- Hoanh ra sao em? Em hãy bình tĩnh. Hoanh hiện giờ ở đâu?
Tôi nói qua màn nước mắt :
- Nó chết rồi! Hèn chi mấy năm nay bên nhà cứ giấu diếm em.
Hoàng Hoanh ơi! Hoàng Hoanh ơi!
Nay mi đã vĩnh viễn ra đi. Ngôi sao mi đã chọn cho chính mình, lúc cùng đồng đội theo tàu ngoài biển khơi để bảo vệ quê hương. Bây giờ mi đã thật sự trở thành ngôi sao ấy rồi đó. Hãy an bình thanh thản nghe Hoanh! Hãy tìm đến nơi nào mi thích. Hãy tỏa ánh sáng trên đại dương mênh mông, trên núi rừng hùng vĩ, trên quê nghèo khốn khổ đau thương để dẫn đường cho kẻ lạc trong rừng và lạc trên biển cả. Đời người ngắn ngủi, mong manh. Mi lại ra đi quá sớm. Nhưng mi đã làm tròn bổn phận một người trai cũng đủ lắm rồi.
Hoàng Hoanh ơi! Hoàng Hoanh ơi!
Trong lòng ta, nhứt là trong lòng đồng đội lúc còn tại ngũ, lúc ở trong tù, lúc trên đường đưa người tìm tự do, mi là một trong những vì sao rực sáng, trên bầu trời tối âm u. Để mọi người cùng chí hướng với mi nhớ hoài một giai đoạn hào hùng của lịch sử. Và vào những đêm tạnh trời nào đó nhìn những ngôi sao lấp léo lửa xanh, họ sẽ nhớ những chàng chiến sĩ hải quân trong đó có mi.
Biển ngát xanh xanh trải cuối trời
Sóng đùa, sóng vỗ sóng ra khơi
Nhấp nhô đáy nước bầu trời rộng
Lồng bóng sao xanh sáng tuyệt vời
Tệ xá Diễm Diễm Khánh An
Vào Thu 2001
Dư Thị Diễm Buồn
HẾT