Chân Trời Hạnh Phúc - Chương kết

Chương kết: -Ngày 30 tháng 4 năm 1975, miền Nam bị bức tử đầu hàng----

H
ầu hết các Quân, Cán, Chánh đều bị bắt tập trung vào các trại tù cải tạo. Chồng tôi và Hoanh cũng trong tình trạng đó.
Những ngày tháng năm dài trong tù cải tạo của Việt Cộng, Vĩnh bị giam trong vùng Đồng Tháp Mười. Vì có chồng là sĩ quan của chế độ cũ tuy tôi vẫn còn làm y tá, nhưng không được vào biên chế nhà nước; coi như một nhân viên phụ. Khi không cần tôi nữa thì họ cho nghỉ việc. Tôi không buồn hoàn cảnh bi đát của mình, mà chỉ cảm thấy xót đau cho những bịnh nhân ở chế độ mới không đáng chết mà phải chết vì thiếu thuốc men, thiếu phương tiện cứu chữa.
Khi Vĩnh còn ở tù thì tôi cho bà vú nghỉ việc. Bà khóc lóc xin ở lại vì quyến luyến thương mến vợ chồng tôi và các cháu, bà nói không cần nhận tiền hàng tháng, chỉ cần có cơm ăn mà thôi. Chúng tôi ở đâu bà sẽ theo đó cho đến hết đời. Không phải tôi không có tiền trả cho bà. Tôi khóc với bà thật nhiều, tôi cũng không muốn để bà đi. Nhưng vì hoàn cảnh không thể giữ bà ở lại.
Tôi không muốn phiền phức với chế độ Cộng Sản mà thôi. Họ nói nhiều quá! Họ nói thật hay hứa hẹn với dân nghèo đủ thứ! Nhưng những người nghèo còn khổ trăm vạn lần hơn trước. Những ai đã từng giúp đỡ Cộng Sản, những ai đã tuyên truyền không công cho chúng mới càng ngày càng thấm thía ê chề ôm hận, lỡ khóc, lỡ cười.
Hoanh trình diện ở Cần Thơ nên bị đi tù ở vùng Năm Căn. Thím tôi có cho tôi biết cô giáo Phượng, người yêu của Hoanh, có tìm đến tận nơi thăm Hoanh hai lần. Rồi cô không đến nữa, sau khi nhận được thiệp hồng báo tin cô đi lấy chồng. Chú thím tôi không trách cô được. Hoanh và Phượng yêu nhau lâu rồi, mà chưa bao giờ Hoanh ngõ ý đính hôn, hay hứa hẹn gì với cô cả. Tin cô Phượng lấy chồng, ba má tôi và bên chú thím tôi ai cũng biế, nhưng chắc chắn Hoanh không biết!
Mỗi lần thím tôi đi thăm Hoanh, tôi thường gởi thuốc cảm, thuốc sốt rét, đường tán, hay đường thẻ cho Hoanh. Không biết Hoanh thích những món quà đó không? Nhưng mỗi lần đi thăm Hoanh, Vĩnh đều bảo tôi gởi cho Hoanh những thứ đó.
Lúc Vĩnh ở trong tù, thì ở ngoài tôi tìm đủ mọi cách chạy lo cho chàng ra. Thế mà ba năm sau chàng mới được phóng thích. Và vợ chồng tôi bồng bế con cái tìm cách vượt biên.
Mười ngày lênh đênh trên biển cả thừa chết thiếu sống. Chín tháng lang thang từ đảo này qua đảo khác. Có lúc cả gia đình tôi tưởng chừng chết hết vì bệnh sốt rét. Nhờ Ơn Trên che chở, chúng tôi bình yên định cư trên đất nước Hoa Kỳ.
Sự khác biệt về ngôn ngữ, phong tục, cách sống ở xứ người làm tôi hết sức bỡ ngỡ, lo âu. Khi các con tôi đến trường, Vĩnh đi làm, giữa lúc ngoài trời tuyết rơi, thì tôi khóc. Tôi khóc vì nhớ người thân, nhớ nhà, nhớ nơi chôn nhau cắt rún. Và những kỷ niệm của nửa đời người bên đó mãnh liệt sống lại trong tôi. Mọi vật chung quanh nơi đây đối với tôi thật vô vị, lạt lẽo, buồn chán. Thấy tôi ngày càng gầy gò Vĩnh khuyên :
- Anh biết em buồn lắm, nhưng phải cố gắng lên, phải nghĩ đến hiện tại và tương lai của các con. Em lại có mang, đừng để tâm hồn sụp đổ. Chúng mình đã tốt số hơn những người khác, vì họ không đến nơi được, chốn đất tạm dung. Chúng mình còn trẻ mà, gầy dựng lại mấy hồi, cố gắng lên em...
Lúc chúng tôi đến đây được một tháng mười chín ngày, thì Vĩnh xin được việc làm. Khi sanh đứa bé trai được hai tháng thì tôi xin được việc làm ở một viện dưỡng lão trong làng. Tôi làm phụ y tá từ sáu giờ sáng đến hai giờ chiều. Vĩnh làm từ ba giờ đến một giờ sáng hôm sau. Tôi về vừa đến nhà thì Vĩnh phải đi. Giờ giấc như vậy, nên chúng tôi chỉ cần một chiếc xe thôi, và không phải mất tiền cho người giữ cháu bé.
Nhờ sự thức thời và thực tế của Vĩnh, tôi quên dần đi nỗi buồn phiền mặc cảm ngày mới đến. Giờ đây thì gia đình tôi hoàn toàn thích ứng với cuộc sống mới, an phận nơi xứ lạ quê người.
Viết thư về thăm gia đình, tôi đều hỏi thăm tin tức của Hoanh, nên biết Hoanh vẫn còn kẹt trong tù. Mỗi lần nhận tin tôi lại biết Hoanh ở trại tù khác. Khi gởi quà về gia đình bên tôi, tôi đều dặn người nhà gởi cho Hoanh một ít. Nếu không tiện thì đưa tiền cho thím tôi để thím mua quà cho Hoanh.
Không biết tại sao, bốn năm gần đây, ba má và chú thím tôi, không nhắc đến Hoanh, mặc dù thư nào gởi về tôi cũng thăm hỏi Hoanh cả.
Tính nhẩm chúng tôi đã lìa xa quê đã mười mấy năm rồi. Thời gian đi qua mau quá! Con gái, con trai tôi đã vào Đại học. Tôi và Vĩnh đã có hai màu tóc. Hoanh vẫn biệt tăm biệt tích. Hoanh hiện giờ ở đâu? Một ngôi sao biển yêu đời tự tin đầy nhiệt huyết, nay vì thời cuộc đã bị chế độ mới vùi dập, thật đáng tiếc! Tôi còn nhớ lần gặp Hoanh sau cùng ở giữa năm 1974. Trên đừơng công tác, Hoanh ghét tạt qua thăm chúng tôi. Hôm ấy, Vĩnh về vườn phụ hái trái cây, chỉ có tôi và hai đứa nhỏ ở nhà.
Tôi ân cần :
- Hoanh ở lại ăn cơm nghe. Xế xế, anh Vĩnh sẽ về.
Tôi lại xúi giục :
- Cưới cô Phượng đi Hoanh. Mi có còn thương cô ta nữa không, mà sao chần chờ hoài vậy? Các em mi đã lần lượt lập gia đình hết rồi. Phải để cho chú thím ẵm cháu nội chớ. Già rồi mà còn kén chọn.
- Chị này thiệt là kỳ. Hèn gì mấy bà có chồng rồi thì thường hay lẩm cẩm. Em nhớ anh Vĩnh khi cưới chị cũng gần ba mươi tuổi rồi mà.
- Ờ, đúng vậy đó. Giờ anh ngoài ba mươi mà con gái tụi này chưa tròn ba tuổi. Thật là cha già, con muộn.
- Chà, chà, em không ngờ tâm hồn chị đã già đến thế.
Con gái tôi chạy đến đòi bồng, đưa hai tay lên :
- Cậu Hoăn, cậu Hoăn...
Hoanh ẵm con bé lên :
- Diễm này, nói với mẹ con hộ cậu rằng bao giờ Diễm làm phù dâu được, thì cậu Hoăn sẽ cưới vợ.
Tôi liếc xéo Hoanh :
- Thôi đi mi cứ dần dà hoài coi chừng cô Phượng sẽ đi lấy chồng. Lúc đó mi sẽ thất tình rồi khóc lóc hu hu.
Hoanh cười ngất bỏ con gái tôi xuống :
- Thôi em đi đây. Gởi lời chào anh Vĩnh. Nhớ nhắn dùm em, lần sau về phép em cùng ảnh uống 33. Và em sẽ méc với ảnh rằng chị chê ảnh già.
Hoanh nói xong cười lớn, lấy nón rồi đi ra cửa. Tôi nhìn theo Hoanh. Lòng tôi tự dưng ray rứt. Sự tình nào đó, việc bỏ ngang xương của Hoanh cũng phải có một lý do nào khác ngoài lý do chống giặc cứu nước? Lúc nào Hoanh cũng vui vẻ cười hồn nhiên. Hai thứ đó như che lấp một tâm sự bí ẩn và đau lòng của Hoanh. Ai gây ra vết thương lòng sâu đậm cho Hoanh? Sau lưng tôi, sau lưng mỗi người trong gia đình, Hoanh có cuộc sống tình cảm ra sao?
Mười mấy năm êm đềm trôi qua. Thật không ai hiểu tôi hơn chồng tôi. Những gì tôi định làm là chàng biết trước. Trong hoàn cảnh nào, chồng tôi cũng là cột trụ của gia đình, luôn luôn che chở bảo vệ mẹ con tôi. Chúng tôi kết hôn với nhau đã hăm mấy năm rồi, chưa bao giờ Vĩnh lớn tiếng với tôi. Chỉ có tôi ưa cằn nhằn chàng thôi. Nhớ lúc còn ở quê nhà, có lần má tôi nói với Vĩnh :
- Con cưng chìu nó quá nó sẽ hư.
Vĩnh nhìn tôi nheo mắt và nói với mẹ vợ :
- Má à, con cũng muốn la rầy Thu lắm. Nhưng tìm mãi không có cớ gì hết. Tại má sanh Thu ra cho con nuông chìu mà.
Lần khác, chúng tôi về bên nhà Vĩnh thì nhằm ngày Tết. Ai nấy đều chúc phúc cho nhau. Đến khi chúc chúng tôi, cô em họ của Vĩnh nói :
- Anh chị Vĩnh thì khỏi phải chúc, vì hạnh phúc anh chị đã ngập tràn rồi. Chỉ nên chúc anh chị thêm nhiều cháu, cho hai nhà thêm vui, để mỗi lần gặp nhau mình không tranh nhau mà bồng.
Phải, cô ấy nói rất đúng! Gia đình chúng tôi là một gia đình hạnh phúc mà chồng tôi đã mang thứ quý giá có một không hai đến. Nhưng hạnh phúc vẫn có giá rất mắc! Tôi phải gìn giữ, phải trả bằng thiện chí, bằng nghị lực.
Thời gian qua thật mau! Chúng tôi rời khỏi quê hương cũng lâu rồi mà tôi cứ tưởng chừng như mới hôm qua. Tôi thường liên lạc nhỏ Hồng đang sinh sống ở California với chồng và bốn con. Ba gái, và trai út.
Trong lúc điện đàm tôi hỏi nó :
- Mầy còn nằm chiêm bao thấy lên năm tầng lầu để vào phòng huê chúc nữa không?
Nó cười ngất bảo :
- Tao thấy chỉ có một mình leo lên năm tầng lầu, khi mở cửa phòng ra thấy chồng tao ôm một người đàn bà đẹp hơn tao. Tao vừa quơ chổi chà lên thì thằng chả xô tao té nhào xuống đất. Tao hét lên, tỉnh dậy thì thấy mình đang nằm bên cạnh chồng. Thằng chả vẫn ngủ ngon, ngáy như cưa gỗ.
Còn nhỏ Huệ thì có một đứa con trai. Hồng nhan bạc phận. Tình duyên nó trắc trở. Ông chồng trời đánh của nó vượt biên qua trước. Qua Mỹ đâu được hai năm thì “giàu đổi bạn, sang đổi vợ”. Hắn không kể số gì tới tình vợ chồng tấm mẳn lúc hàn vi, gặp người khác là bỏ nó. Tội nghiệp! Khi còn ở quê nhà nó có biết chi đâu? Nó bồng bế con vượt biên đến trại tị nạn, chờ chồng bảo lãnh. Hai mẹ con chờ đợi mỏi mòn. Nhưng chồng nó vẫn biệt tăm. Ở trại đâu hai năm, mới có người Mỹ trong hội Tin Lành bảo trợ nên hai mẹ con được về định cư ở Florida. Và sau này ông Mỹ đó cưới nó.
Huệ có thêm đứa con gái hai dòng máu. Con nhỏ trong ảnh đẹp ơi là đẹp! Nó khoe rằng đứa con lai này nói tiếng Việt như két, giỏi hơn những đứa con cha mẹ Việt sinh đẻ ở đây. Bây giờ nhỏ Huệ sống rất hạnh phúc với người chồng vừa có tình vừa có nghĩa này.
Con trai Huệ đã tốt nghiệp y khoa và con gái sắp ra đại học. Nó muốn làm sui với con Hồng, mà không biết mấy đứa nhỏ có phải lòng nhau không đây? Lúc điện đàm vui miệng tôi hỏi nó :
- Sao, dạo này mi còn hay chiêm bao nữa không?
Nó cười hì hì trả lời :
- Tao với chồng cũ tao hết duyên nợ rồi, nên tao không nghĩ ngợi thù ghét chi thằng chả hết. Kiếp người mà! Không tin duyên số cũng không được. Tao cũng thường chiêm bao thấy mình ỏ trong phòng huê chúc. Nhưng tao không thấy thằng chồng nào tặng ổi, tặng me hay chùm ruột gì cả. Tao chỉ thấy một sắp thư đặt trên bàn, giấy màu hồng có ướp nước bông lài, bông huệ. Tao nghi là thư tình của tên chồng Mỹ tặc tao, nên tao quẹt hộp quẹt đốt. Ai dè lửa cháy cả căn buồng. Tao hét lên, tỉnh dậy liền. Chiêm bao kiểu này càng tỉnh dậy sớm càng tốt.
Rồi nó hỏi tôi :
- Còn mày, có khi nào mày nằm chiêm bao thấy mình trở lại đêm tân hôn không?
Tôi bảo :
- Lâu nay ít khi ta nhớ được những gì trong chiêm bao.
Tại sao tôi không cho hai con xí xọn già đó biết là tôi thường nằm chiêm bao thấy ông xã tôi dắt tôi qua Chợ cũ ở Mỹ Tho, bên kia Cầu Quây gần rạp hát Viễn Trường ăn vịt xáo măng, ăn gỏi vịt trộn bắp chuối hay ăn mì tiệm Phánh Ký. Nhưng mà sao lạ lùng thay, mỗi lần tôi thò đũa vào dĩa gỏi, hay tô mì là mười lần đủ chục, tôi tỉnh giấc chiêm bao. Có lẽ giấc chiêm bao thường hà tiện, không cho người nằm chiêm bao hưởng trọn cái lạc thú của nó hay chăng?
Trong thực tế, gia đình tôi và gia đình hai cô bạn cũ của tôi đều hạnh phúc. Nhỏ Hồng chê phong cảnh ở Cali ít có cây cao bóng mát như phong cảnh ở Mỹ Tho, chê California không có những cơn mưa thơ mộng, chê nắng Cali gắt chói và nhức mắt.
Nhở Huệ thì khen biển ở Florida xanh trong như bích ngọc, còn nước biển ở Vĩnh Bình (quê chồng cũ của nó) xanh có vẻ khó ưa, xanh lấp lánh ánh nắng có vẻ hỗn láo. Nó khen gà trong các trang trại ở Florida gáy nghe dễ thương, còn gà ở Vĩnh Bình gáy nghe xấc xược...
Cồng Tôi nghe nó tố khổ Vĩnh Bình, miền quê ông chồng bạc bẽo của nó cũng phải bật cười, buột miệng :
- Con mụ này khùng rồi!
Các con tôi giờ đã lớn khôn. Chúng đi học xa nhà, ở nội trú, đến hè hoặc lễ lớn mời về. Diễm tròn mười tám, còn Phúc thì mười bảy tuổi rồi, cao lớn hơn bố nhiều. Ra đường ai cũng nói chúng là em chúng tôi. Điều làm tôi sung sướng nhứt là các con tôi rất ưa thích những món ăn Việt Nam, mặc dù mẹ nó nấu ăn dở ẹt! Ông bà mình thường nói: “Muốn ăn thì lăn vô bếp, muốn chết thì lết vào hòm”. Ở đời ai cũng tham sống sợ chết. Đã ham sống thì cũng... ham ăn ngon. Cho nên tôi tập làm bếp, tìm tòi, học hỏi để làm món ngon cho chồng con. Càng ngày tôi càng khám phá ra, tôi có khả năng làm bếp như những bà nội trợ khác. Nhưng lúc đầu, tôi chỉ làm các món ăn phổ thông như các món canh, món mặn, món xào mà các bà nội trợ trung lưu thường làm cho các mâm cơm thường nhựt. Sau đó tôi mới làm các món thường bày bán trong tiệm ăn như: phở, bánh canh, cháo lòng, mì xào giòn, bánh cuốn, bò bún, bì cuốn, gỏi cuốn...
Ngày cuối tuần, tôi và Vĩnh đi thăm các con, thì hai giỏ xách đầy những món ăn mà chúng ưa thích. Ở nội trú, phần ăn dành cho sinh viên gốc Mỹ, con gái tôi làm sao ăn hết? Vậy mà lúc nào tôi cũng đem cho chúng những món quốc hồn quốc túy để chúng ăn sau khi học bài nữa đêm thấy đói bụng. Nào là bánh bao, bánh mì thịt, chả giò... (những món ăn làm cho chúng không để nhiều hành, tỏi, gia vi... vì khi hâm nóng, mùi bay ra sẽ làm phiền người khác). Đó là những món có thể để trong tủ lạnh đôi ba ngày vẫn được. Có hôm khuya lơ, Diễm còn điện thoại về :
- Ba ơi, con vừa học bài xong. Nhớ nhà quá, nhớ những món ăn của mẹ làm càng nhiều hơn.
Thế là những món ăn Diễm kê khai, Vĩnh luôn nhắc tôi phải làm, để đem theo vào tuần sau trong cuộc đi thăm viếng. Còn Phúc thì thường nói :
- Con thích ba nhất là khi ba nói: “Để ba cày thêm ít giờ, cuối tuần dắt mẹ, và tụi con đi ăn nhà hàng”.
Vĩnh cười khì khì khi nghe tôi rầy la Diễm :
- Con đã mười tám tuổi rồi, sao không học nấu ăn. Chẳng lẽ mai sau lập gia đình rồi mà con ăn đồ hộp hoài sao?
Diễm chu mỏ nói :
- Mẹ nấu ngon nhất, cả nhà thích những món ăn mẹ nấu, ăn xong con xin lãnh phần dọn dẹp, rữa chén bát. Chừng nào lập gia đình con sẽ học việc bếp núc. Nhưng ngày đó chắc không bào giờ có đâu mẹ ạ, vì con không thích lập gia đình.
Tôi lắc đầu cười thầm: “Lúc ở tuổi con, mẹ cũng nói với ngoại như vậy”. Nhưng tôi vẫn réo Vĩnh :
- Vĩnh, anh có nghe con gái cưng của anh nói chưa?
Vĩnh từ trên phòng khách, đang giỡn với hai đứa kia, nói vọng xuống :
- Diễm, con phải nghe lời mẹ con chớ. Nhà này mẹ không nấu ngon thì ai nấu ngon? Nhớ lúc xưa, mẹ vừa nấu cháo gà vừa khóc.
Diễm nghe nói đến đó, lẹ chân chạy lên ngồi gần Vĩnh :
- Sao, bả Ba nói gì vậy? Nói lại đi ba.
Tôi tằng hắng tròn mắt nhìn Vĩnh, ra dấu chàng đừng nói. Những Vĩnh lờ như không thấy thái độ của tôi, nói với lũ con :
- Lúc ba cưới mẹ, mẹ tuổi khoảng hăm hai, hăm ba gì đó. Mẹ rất dễ thương, rất thanh nhã, rất hiền lành, nhưng lại không biết nấu ăn! Tết, bà vú về quệ Mẹ nấu cháo gà cho hai người ăn. Cái nồi thì nhỏ, mà dùng cả lút gạo, gần một ký lô ở đây. Càng nấu, gạo càng nở, mẹ con múc đổ bớt, đổ bớt. Những nồi cháo vẫn ấm ách. Tức quá, mẹ khóc òa lên. Ba hoảng hồn không biết việc gì. Thì ra nồi cháo gà quá nhiều gạo!
Diễm và Phúc cười lớn :
- Hay quá! Ba kể thú vị quá! Kể nữa đi ba! Kể nữa đi!
Thằng bé An mới đi lửng chửng, cũng bắt chước cười hí hí :
- Ba nhói hay dá, nhói nhũa chi, nhói nhũa chi ba, hí... hí...
Tôi không nhịn được cười, và nói lớn như hét :
- Cha con bây có im hết không! Coi chừng ta cho ăn cơm sống, ăn gà luộc nhão nhừ để cả bọn nuốt không trôi.
Phúc cười ngất ngất, nói liền :
- Vậy ba sẽ làm thêm vài giờ, dắt mẹ và tụi con đi ăn nhà hàng có phải bảnh tẽn hơn không?
Rồi bốn cha con cười ồ ồ lên. Tôi cũng cười theo.
Bên ngoài tuyết rơi ngập lối đi. Những mảng tuyến bay bay trắng xóa trong bầu trời xám đục, giá rét căm căm của vùng Bắc Mỹ. Nhưng trong căn nhà nhỏ của chúng tô, gia đình hòa thuận đem lại không khí ấm cúng vô cùng.
Và tôi nghiệm thấy rằng cuộc đời của mấy ai được suông sẻ? Con người phải chịu thử thách để tâm chí, nghị lực được trui rèn. Có trải qua những khó khăn, những tai ương, hoạn nạn, vợ chồng tôi càng ham sống, càng vững niềm tin để làm lại cuộc đời ngay trên đất nước xa lạ.
Các con tôi lớn lên trên đất nước Hoa Kỳ, được bồi dưỡng bằng thực phẩm Hoa Kỳ song song với các món ăn quốc túy quốc hồn nên thể chất chúng nẩy nở sung mãn. Chúng cao lớn, cường tráng như thanh niên bản xứ. Chúng lại có tâm hồn lạc quan, không mặc cảm nhì nhằng, không lo nghèo đói tai họa trên đất nước thanh bình này, nên chúng an tâm học hành để đua chen với các sinh viên bản xứ cùng thế hệ với chúng.
Chiều thứ sáu, lúc đi chợ về, tôi nhận được thư chú tôi từ quê nhà gởi thăm. Cuối thư, chú ngõ ý, nếu tôi muốn biết tin Hoanh thì hãy liên lạc với địa chỉ chú viết kèm bên dưới lá thư.
Sáng cuối tuần, vợ chồng tôi được nghỉ ở nhà. Các cháu cũng về chơi chiều hôm qua, ăn uống, nói chuyện đến khuya. Cho nên hôm nay cha con nó thức trễ. Chỉ có tôi thức sớm, lục đục pha trà, cà-phê... Rồi lột tôm, xắt thịt để trưa đổ bánh xèo. Hầm xương heo để chiều nấu hủ tíu Mỹ Tho mà đã hơn mười một giờ rồi.
Vĩnh từ phòng tắm bước ra, mặt mày tươi tỉnh, đến bàn rót tách trà rồi ngồi xuống ghế. Tôi nhìn chàng cười: “Good morning sir!”. Vĩnh cũng cười: “Good morning!”
Tôi đưa thư nhận được hôm qua cho Vĩnh xem. Xem xong, thư còn cầm trong tay Vĩnh nói :
- Theo địa chỉ chú cho thì người này ở không xa mình lắm, khoảng bốn giờ lái xe thôi. Để anh gọi tổng đài xin số điện thoại cho em. Nếu không được thì mới viết thư cho ông ta. Thư thì phải đợi cả tuần. Nếu ông ta không siêng trả lời thư thì không biết mình phải chờ bao lâu nữa.
- Thì anh gọi ngay, đi anh.
Vĩnh gọi cho tổng đài xong, đưa cho tôi mảnh giấy và nói :
- Có số điện thoại đây rồi. Em gọi đi, nhưng phải ngồi xuống ghế đã. Lại nghĩ gì nữa đó?
Vĩnh vừa hỏi, chàng vừa ấn nhẹ tay trên vai tôi, có ý bảo tôi ngồi. Tôi cười :
- Được rồi, để em gọi mà!
Tuy tôi nói vậy, nhưng Vĩnh vẫn kéo ghế kề sát bên tôi. Tôi ngập ngừng :
- Hello! hello!
Bên kia đầu dây, một giọng trầm khàn vẳng lên :
- Hello! hello! Tôi nghe đây!
- Dạ tôi là Cao Minh Thu. Tôi là chị của Cao Hoàng Hoanh. Ông còn nhớ Cao Hoàng Hoanh không? Hải quân! Đại úy Cao Hoàng Hoanh đó!
Tôi nói thật chậm họ và tên, và lập lại lần nữa để gợi nhớ cho ông ta. Ở đầu dây bên kia có tiếng lập lại nhỏ nhỏ tên Hoanh.
- Dạ có, tôi nhớ rồi. Thưa bà là ai? Ở đâu gọi vậy?
- Tôi là chị của Hoanh, ở Illinois. Hôm nay ông có rảnh không? Tôi muốn hỏi tin tức về Hoanh.
- Thưa bà hôm nay cuối tuần mà. Tôi chẳng có gì bận rộn cả. Sao bà biết mà gọi tôi vậy?
Tôi kể sơ về sự liên hệ của tôi và Hoanh, và tại sao tôi biết ông ta để mà gọi hỏi thăm tin đứa em họ biệt tung biệt tích hơn mười mấy năm qua. Tôi đề nghị với Minh:
Ông hãy gọi tôi bằng chị đi, vì ông là bạn của em tôi.
Tôi vừa dứt lời thì người bên đầu dây kia vui vẻ tiếp :
- Dạ được, chị cũng gọi tôi là Minh đi, tôi nhỏ tuổi hơn Hoanh. Chị có ghế ngồi chưa? Câu chuyện hơi dài đó!
- Cảm ơn Minh, tôi sẵn sàng rồi. Hãy kể đi.
Giọng Minh ấm áp và rõ ràng hơn lúc bắt điện thoại, nhưng phảng phất một chút xúc động :
- Tôi và anh Hoanh cùng binh chủng, cùng đơn vị, ảnh ra trường trước tôi hai khóa. Ảnh là khóa đàn anh mà chúng tôi thương mến kính nể. Ảnh vui tính, cương trục biết lo cho đồng đội, luôn giúp đỡ anh em trong lúc lâm nguy. Những năm dài sống bên ảnh, chúng tôi vui buồn nguy hiểm có nhau. Ảnh luôn luôn là người tự tin, yêu đời và rất nhiệt tình. Ngày Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam, tôi về ở Biên Hòa, còn anh về trình diện ở Cần Thơ. Trời đất dung rủi, sau khi bị đày ải qua nhiều trại, nhiều nơi giam giữ khác nhau, ảnh và tôi lại gặp nhau. Trong tù cải tạo, ảnh luôn làm gương sáng cho anh em, ảnh giúp đỡ bạn bè yếu đuối, ốm đau. Ảnh tỏ ra bất phục tùng bọn chó săn, tay sai. Vì vậy ảnh bị đày qua trãi cấm mấy lần. Và khi có cơ hội thuận tiện chúng tôi đào thoát. Vì tôi và ảnh đã chuẩn bị cả năm trước rồi.