Angiêlic và tình yêu, chương 33, 34

Chương 33: -

Trên khoang thượng đuôi tàu, những làn sóng trong suốt truyền qua sương mù, mang tới cho Angielic tiếng nói xa xăm của đất liền. Tiếng hát hay tiếng gọi? Thế giới xa lạ ẩn hiện cách vài sải cáp kia là nơi Giôphrây đờ Perắc thả neo và chọn làm đất sống. Vì lí do đó, Angielic đã gắn bó với vùng đất này.
Nàng lắng tai nghe, trong một niềm hứng khởi tràn ngập lòng nàng làm tiêu tan hết mọi sự mệt mỏi. Nàng đã mất đi thói quen dùng từ hạnh phúc, nếu không, ắt hẳn nàng nhận ra thực chất lòng nàng cảm nhận những gì. Chỉ là một chút thoáng qua, mong manh, nhưng nàng cảm thấy tâm hồn mình sau những trận chiến đấu được nghỉ ngơi trong một trạng thái thỏa mãn không sao tả xiết. Giờ phút này thật trọng đại. Nó sẽ trôi qua nhanh nhưng vẫn đọng lại trong ký ức nàng, ánh sáng của nó đánh dấu con đường định mệnh của nàng.
Angielic sống như thế trong đợi chờ giữa sương mù. Nàng ở lại một mình trên boong tàu với Ônôrin sau khi mang tin mừng đến cho những người đàn bà đang lo lắng.
Nàng cần ngồi một mình. Lòng nàng bộn bề trăm mối. Nàng đã thoát khỏi tai họa.
Giôphrây đờ Perắc mới chia tay, nàng đã mong ngóng chàng trở về. Nàng lắng đợi tiếng nói của chàng, lắng đợi tiếng nước róc rách, tiếng mái chèo khỏa sóng báo hiệu một chiếc xuồng đến gần, có thể là chiếc xuồng của chàng, nàng lắng đợi bước chân của chàng. Nàng thèm khát được sống cạnh chàng, được trông thấy chàng, được nghe chàng nói. Được chia sẻ cuộc sống nội tâm của chàng, những lỗi lo âu, những ước mơ, những tham vọng của chàng. Được nấp dưới bóng chàng, được nằm trong cánh tay chàng.
Bỗng nàng cười khanh khách.
- Si tình! Si tình! Mình si tình ghê thật.
Lòng nàng tràn ngập niềm vui được yêu. Nàng muốn tung tăng ca hát trên đồi núi. Nhưng trong sương mù nàng còn phải chờ đợi trước cánh cửa hạnh phúc trong khi còn bị cầm tù trên con tàu đã đưa họ qua vùng biển tối tăm. Bây giờ nàng nhớ lại từng cử chỉ, từng lời nói của chàng, nhớ lại bàn tay gân guốc và thanh nhã vuốt ve tóc nàng, nhớ lại giọng nói nghẹn ngào và đột nhiên như âu yếm: “Mời bà ngồi xuống, bà tu viện trưởng…”
“Chắn hẳn chàng không chấp nhận những lời van xin của mình nhanh chóng đến thế nếu không yêu mình. Chàng đã tha chết cho họ! Chàng đã ban cho mình ân nghĩa ấy như một món quà thật quí giá còn mình thì đã để chàng bỏ đi…như ngày xưa, khi chàng thanh thản tặng mình những đồ trang sức lộng lẫy mà mình không dám cảm tạ chàng. Thế có lạ không?...Bao giờ chàng cũng làm mình sờ sợ. Phải chăng vì chàng khác xa những người đàn ông khác?...Hay vì mình cảm thấy yếu ớt trước mặt chàng?...Mình rất sợ bị kẻ khác chế ngự. Nhưng chàng chế ngự mình thì có sao? Mình là đàn bà..mình là vợ chàng kia mà”.
Quan hệ hôn nhân tuy trói buộc hai người nhưng cho phép họ tìm gặp nhau. Mặc dù bá tước đờ Perắc bảo nàng phản bội, chàng vẫn không thể hoàn toàn bỏ mặc người đàn bà vốn là vợ mình. Chàng đã từng lao tới cứu nàng ở Canđi và khi được Osman Feraji báo cho biết chàng đã lên đường đi Micơnedơ ngay tức khắc. Cũng chính để cứu nàng mà chàng đã đến La Rôsen.
Angielic giật nảy mình. Bây giờ thì nàng biết chắc không phải ngẫu nhiên mà bá tước đờ Perắc đến dưới thành La Rôsen. Chàng biết nàng đang ở trong thành phố. Ai đã báo cho chàng hay?...Nàng đặt ra nhiều giả thuyết nhưng dừng lại ở giả thuyết có phần đích xác nhất: những lời tán gẫu với tay Rôsa. Ở các hải cảng lớn hướng cả về phương Đông lẫn phương Tây này, tin tức nào cũng dễ dàng lan truyền đi cả.
“Bao giờ chàng cũng tìm cách giúp mình khi biết mình gặp khó khăn. Như vậy là chàng vẫn thiết tha tới mình còn mình thì chỉ gây cho chàng toàn những điều phiền muộn…”
- Mẹ ơi, mẹ đang run như khi mẹ nằm mơ ấy mẹ ạ - Ônôrin nói giọng trách móc.
Cô bé hoàn toàn có vẻ không bằng lòng.
- Con không thể nào hiểu được đâu – Angielic đáp – Tuyệt diệu con ạ!...
Ônôrin bĩu môi để tỏ rõ nó không đồng ý, Angielic vuốt ve làn tóc đỏ hoe của nó với một nỗi ân hận âm thầm. Ônôrin luôn luôn đoán biết hễ mọi việc ổn thỏa giữa Người đàn ông đen và mẹ nó là sự an ủi của nó sẽ bị đe dọa. Mẹ nó sẽ quên nó đi hoặc sẽ đau khổ về sự có mặt của nó…Vì sao vậy?
- Con đừng sợ gì cả - Angielic thì thầm – Mẹ không rời khỏi con đâu, con của mẹ ạ, chừng nào con còn cần đến mẹ. Mẹ không thể để con không có mẹ đâu. Con cũng vậy, trái tim bé bỏng của con cũng bị dằn vặt. Nhưng mẹ bao giờ cũng có mặt vì con.
Và vừa vuốt ve cái đầu tròn vo của nó, nàng vừa sóng lại tình thân giữa hai mẹ con nàng, một tình thân bí ẩn tới mức mẹ cũng như con không thể xác định được tính chất của mối quan hệ bất diệt đó.
- Mẹ nói với con điều này, Ônôrin yêu quí của mẹ. Con là đứa con cưng nhất của mẹ. Mẹ yêu con hơn mọi đứa con khác của mẹ từ trước đến nay. Tiếc thay! Hình như con đã dạy mẹ làm mẹ. Nhẽ ra mẹ không được nói với con điều đó. Nhưng dẫu sao mẹ vẫn muốn con cũng được biết. Bởi vì lúc ra đời con chưa hề nhận được gì cả
Nàng nói rất khẽ. Ônôrin chẳng hiểu nàng nói gì mà chỉ đoán ra qua giọng nói.
Một bóng đen phủ xuống hạnh phúc của Angielic. Và cả những bóng đen khác chưa thoát khỏi: những đứa con trai của hai vợ chồng mà chàng trách nàng không bảo vệ đến nơi đến chốn, những lần thất tiết của nàng mà lần nghiêm trọng nhất không phải do nàng gây nên.
Rồi sẽ có ngày nàng phải có can đảm nói với chồng rằng chưa bao giờ nàng là tình nhân của Nhà vua, nàng chưa bao giờ yêu – và vì những ly do hiển nhiên – kẻ vốn là cha của Ônôrin.
Cũng phải nói về Phlôrimông. Cha mẹ nó phải có trách nhiệm cố tìm lại chàng trai đã kịp thời trốn chạy khỏi thái ấp Plexi để thoát chết. Phải có can đảm nhắc lại những giờ phút khủng khiếp. Và nếu chàng nói với nàng về Canto thì sao? Chuyện đó sẽ làm nàng đau lòng. Giôphrây là người bao giờ cũng biết rõ điều mình làm, vậy vì sao khi tấn công hạm đội hoàng gia, chàng không biết con trai mình đang ở trên một trong những chiếc thuyền ấy? Đây là hành động hiếu chiến duy nhất chàng không trực tiếp tiến hành chống vua Pháp…Điều run rủi…Điều không may chăng? Hay một duyên cớ khác?..
Cũng như lúc nãy, khi nghĩ tới Rôsa, Angielic có cảm giác nàng sắp sửa khám phá ra một điều thật sơ đẳng mà nhẽ ra nàng phải biết từ lâu.
Đầu óc nàng chập chờn. Nàng ngước mắt nhìn trời và đồng thời cảm thấy một nỗi sợ hãi nguyên thủy. Vùng ánh sáng luôn luôn tỏa rộng, chuyển qua màu cam tím, rồi màu đỏ, cuối cùng cố định ở một màu da cam rất khó chịu. Ánh sáng hình như khuếch tán nhưng cùng một lúc tỏa ra khắp vòm trời.
Bất giác Angielic lại ngẩng đầu lên cao hơn. Một hình cầu khổng lồ màu da cam mở ra như một cây nấm trên đầu nàng. Nàng cảm thấy hơi nóng khủng khiếp và phải cúi đầu xuống.
Ônôrin đưa ngón tay chỉ:
- Mẹ ơi ông mặt trời!..
Angielic suýt bật cười.
- Chỉ là mặt trời thôi mà.
Thế nhưng sự hoang mang của con bé chẳng có gì là buồn cười. Cái mặt trời này đến lạ. Nó chuyển sang màu đỏ rồi cứ to mãi như thế mặc dù đã lên cao trên bầu trời. Nó như được bao quanh bằng một loạt những tấm màn sắc màu khác nhau, những bức bình phong đính ngọc trai và trong suốt, hơi uốn con và xếp dọc theo nhau, chiếc nọ sau chiếc kia.
Sức nóng của mặt trời tương phản với cơn lạnh bất ngờ do gió thổi về. Sau khi tưởng mình bị trời dội lửa xuống đầu, Angielic cảm thấy nàng đã hóa thành tượng bằng băng giá. Nàng cuộn Ônôrin vào chiếc áo khoác và bảo con: “Chúng ta về buồng nhanh lên” nhưng nàng không nhúc nhích. Cảnh tượng trước mắt chôn chân nàng tại chỗ.
Lớp sương mù dày đặc tan biến đi như những tấm mạng mutxơlin rơi xuống hay bị vén lên.
Nàng tưởng trông thấy một con quái vật màu ngọc bích hiện hình, vươn dài, to lên ghê gớm và phóng ra khắp nơi những cái vòi mênh mông với những móng vuốt màu hồng chói chang. Và đột nhiên, không còn một chút sương mù. Bị một luồng gió lạnh quét đi, màn sương mù cuối cùng rơi xuống. Bầu không khí tinh khiết lại rung lên như tiếng tù và. Vầng dương nhợt nhạt vẫn giữ ánh hào quang muôn sắc trên bầu trời có nhiều sắc xanh khác nhau; nhưng phía dưới, cái mà Angielic lầm tưởng là con quỉ màu ngọc bích hóa ra là quanh cảnh những ngọn đồi giữa một khu rừng rậm kéo dài đến tận vô số những mũi và những mỏm, viền bằng những bãi sỏi và cát màu đỏ và hồng.
Rừng lấp lánh và từ xa cũng trông thấy những màu sắc chói chang và kỳ lạ, điểm xuyết màu đen của linh sam, màu xanh ngọc lam của những cây thông khổng lồ vút lên như những chiếc tàu, màu đỏ ối của mấy bụi rậm báo hiệu mùa thu. Mùa thu rồi ư? Thế mà đâu có thấy mùa hè. Khắp nơi xung quanh, trên vịnh và xa xa hơn nữa, trên mặt biển một màu xanh thẫm, chạy dài những hòn đảo viền màu hồng với những rặng cây sum xuê trên đỉnh. Đảo trông giống như một đàn cá mập dùng những bãi đá ngầm nguy hiểm để bảo vệ bờ biển tuyệt đẹp chống lại sự thèm khát của con người. Len lỏi giữa những hòn đảo này để đi vào nơi ẩn náu, chỗ con tàu đang đung đưa, hình như là một công việc không thể làm được.
Sau những ngày mù sương nhợt nhạt, giờ đây biết bao màu sắc sống động, vui tươi trải ra trước mắt như một sự hiện hình chỉ trong mơ mới có và mê hoặc Angielic tới mức nàng không nghe thấy tiếng xuồng trở về.
Giôphrây đờ Perắc đã đứng sau lưng nàng. Chàng quan sát nàng và đọc thấy niềm hân hoan rạng rỡ trên gương mặt nàng. Quả là một người đàn bà thuộc dòng giống tốt. Cái rét và vẻ man rợ nơi đây không làm nàng xúc động bằng vẻ đẹp siêu phàm của nó.
Khi nàng quay lại nhìn chàng, chàng khoát rộng tay và nói:
- Bà muốn có hải đảo, thưa bà. Thì hải đảo đây.
- Xứ này gọi tên là gì hả anh? – Nàng hỏi
- Xứ Gunxbôrô.
XỨ SỞ CẦU VỒNG

Chương 34: -

- Chúng ta đến châu Mỹ rồi phải không? – Một cậu con trai nhà ông Care hỏi.
- Thật tình tôi cũng chẳng biết, nhưng tôi tin là đã đến – Maxian nói.
- Trông chẳng giống như ông mục sư Rôsơpho viết.
- Nhưng mà đẹp hơn
Chỉ nghe tiếng lũ trẻ cất lên trong khi hành khách ngồi túm tụm trên bong tàu với vẻ im lặng nặng nề.
- Sắp đến đất liền à?...
- Phải!
- Rồi cũng phải đến!
Mọi người nhìn về phía rừng cây. Do sương mù dâng lên từng đợt, lúc dày, lúc mỏng, khó ước lượng được khoảng cách. Mãi sau này Angielic mới biết rằng phong cảnh ở đây ít khi lộ ra hoàn toàn như cái vẻ tinh khôi mà nàng vừa nhìn thấy và sẽ không bao giờ quên được đó. Thường thường phong cảnh chỉ lộ ra từng quãng lúc nào cũng có một vài chỗ ẩn khuất và bí hiểm như để gợi nỗi lo âu hoặc tọc mạch của con người.
Tuy nhiên thời tiết cũng đủ sáng sủa để có phân biệt được đất liền và những chiếc xuồng làm bằng vỏ cây sơn đỏ, nâu, trắng đang từ bãi biển hướng tới con tàu.
Manigô, Bécnơ và bạn bè của họ đều nhìn về hướng đó khi vừa từ hầm tàu chui lên. Từ phía ghềnh dựng đứng là một bức tường nước đang gầm thét và thở hồng hộc. Đối với những kẻ bị giam giữ, đám bọt nước khủng khiếp này tượng trưng cho sự bất lực của họ trong ý đồ trốn thoát khỏi cái hang ổ được canh giữ cẩn mật này.
Tuy vậy, họ cũng bước đi một cách vững vàng. Angielic hiểu ngay rằng họ vẫn chưa biết vì cớ gì mà người ta đã tháo bỏ xiềng xích cho họ và đưa họ lên boong tàu. Rescartor kéo dài sự trả thù bằng cách cứ để cho họ sống trong tình trạng mập mờ chết người làm căng thẳng thần kinh và chắc hẳn họ nghĩ rằng việc hai thủy thủ câm như hến đến săn sóc họ là sửa soạn cảnh tang tóc của họ đây. Quả vậy, người ta trả lại cho họ những đồ dùng cần thiết để cạo râu, mang tới cho họ khăn trải giường trắng tinh và quần áo họ thường mặc, cũ lắm rồi nhưng sạch sẽ và thẳng thớm.
Họ xuất hiện, gần như giữ được dáng vẻ trước đây. Angielic cảm động thấy họ không bị xiềng xích, đúng như chồng nàng đã báo trước với nàng. Nàng vô cùng cảm biết ơn chàng vì nàng biết vì sao mà chàng đã tránh cho họ khỏi chịu nhục trước con cái họ.
Đấy chính là vì nàng, vì để đẹp lòng nàng! Nàng đưa mắt tìm chàng. Chàng vừa xuất hiện một cách bất ngờ như thói quen, vẫn mang trên mình chiếc áo choàng lớn màu đỏ chàng mặc hôm qua. Và những chiếc lông chim màu đỏ và đen trên chiếc mũ phớt của chàng góp thêm với rừng lông chim rung động khắp nơi. Những người da đỏ lặng lẽ lên cả boong tàu với vẻ nhanh nhẹn của loài khỉ. Chỗ nào cũng có. Sự im lặng và cái nhìn bí ẩn của những con mắt xếch ngược lên của họ gây ấn tượng bức bối.
“Ngày xưa ta cũng đã trông thấy một người da đỏ trên Cầu Mới – Angielic nhớ lại – Một người thủy thủ già chỉ cho ta như chỉ một vật lạ. Hồi đó ta không nghĩ là rồi mình cũng có lúc đến tận Tân lục địa, sống với họ và có thể còn phụ thuộc vào họ nữa”.
Đột nhiên, những người Anhđiêng quắp những đứa trẻ nhỏ nhất và biến mất. Các bà mẹ kinh ngạc và hoảng hốt kêu lên.
- Ê! Bình tĩnh nào các mụ lắm điều – Ngài đờ Uyêcvin vui vẻ nói lớn. Ông ta vừa lên tàu bằng chiếc xuồng lớn của tàu Gunxbôrô – các ngươi quá đông nên không đào đâu ra xuồng mà chở hết. Các ông bạn người Môhican sẽ chở bọn trẻ con bằng những chiếc thuyền nhỏ làm bằng vỏ cây của họ. Có gì mà phải hốt hoảng lên như thế. Đấy đâu phải là những người man rợ!...
Thấy nét mặt vui vẻ của ông ta, lại còn nghe ông ta nói tiếng Pháp, các bà vững tâm. Tay cướp biển xứ Noócmăngđi chăm chú nhìn những gương mặt đàn bà.
- Trong số các mụ này, có khối bà xinh ra phết – ông ta nhận xét.
- Bây giờ đến lượt tôi nói với anh: hãy bình tĩnh ông bạn ạ - Giôphrây đờ Perắc nói – Anh chớ quên là anh đã lấy con gái ngài Đại tù trưởng của chúng ta và anh phải thật chung tình với cô ta nếu như anh không muốn nhận một mũi tên cắm phập vào giữa con tim lông bông của anh.
Ngài Uyêcvin nhăn mặt, rồi ông ta nói to là đã đến lúc phải quyết định xuống xuồng và ông ta sẵn sàng đón vào cánh tay ông ta một bà can đảm nhất trông số các bà đây.
Với ông ta, bầu không khí bi đát tuồng như bỗng nhiên bị xua tan. Biết là cuộc hành trình đã kết thúc, người nào người nấy chuẩn bị sẵn số ít của cải mang theo từ lúc rời La Rôsen.
Angielic được mời ngồi chiếc xuồng cỡ lớn. Những người bị giam giữ cũng được đưa xuống theo, cùng với mục sư Bôke, Abighen, bà Manigô và các cô con gái của bà ta, bà Mécxơlô và Bécti, bà Care và một phần đàn con của bà ta.
Giôphrây đờ Perắc nhảy xuống sau cùng, đứng trước mũi xuồng và ngỏ lời mời mục sư đến cạnh chàng.
Ba chiếc khác do các thủy thủ hướng dẫn chia nhau chở hết số hành khách còn lại.
Rời khỏi con tàu Gunxbôrô chẳng ai còn lòng dạ nào mà ngoái nhìn lại nó. Đã hạ hết cột buồm, nó đang lắc lư. Người ta chỉ nhìn về phía bờ biển.
Các con thuyền tiến vào bờ kéo theo cả một hạm đội những chiếc xuồng nhỏ làm bằng vỏ cây của người da đỏ, từ đấy vang lên một điệu hát trầm, nhịp theo tiếng sóng. Trong giờ phút họ đang sống đây, khúc ca đơn điệu đó đem lại một vẻ trang nghiêm mà mọi người đều cảm thấy. Sau những ngày dài sóng gió giữa trời nước mênh mông, vùng đất nguyên sơ đã xuất hiện trước mắt họ. Vào gần bờ họ thấy một đám người sặc sỡ màu sắc tập hợp trên một bãi nhỏ đầy cát và vỏ sò màu hồng nhạt. Những tảng đá lớn màu đỏ và đỏ sẫm, nhô lên gần bờ và nối nhau tạo trùng điệp trên sườn dốc đá hoa cương, được bao bọc bởi những rừng thông mênh mông, xen lẫn màu trắng xương xẩu của mình những thân cây phong và tán lá cuồn cuộn của những cây sồi to lớn.
Dưới chân những hình thù khổng lồ đó, con người trông cứ như những con kiến đang bò đi bò lại, cứ như từ trong các rễ cây chui ra. Nhưng nhìn gần hơn, người ta thấy một đường mòn dốc đứng chạy đến tận một khu rừng trồng giữa dốc, trên mặt phẳng nghiêng ra biển. Ở đấy có mấy túp lều thấp lè tè và mấy căn nhà lá của người Anhđiêng. Rồi con đường còn vươn mãi đến tận chóp núi và người ta phát hiện ra một loạt pháo đài xây toàn bằng những khúc gỗ tròn. Một hàng giậu dài, cao mười bộ làm bằng toàn thân cây thông, vây quanh một ngôi nhà cao hơn có hai ngọn tháp hình vuông.
Hàng giậu được trổ bốn hành lang ngầm dưới đất ở cuối đường người ta có thể thấy con mắt tròn của những cỗ đại bác đang rình rập.
Mặc dù có dấu vết của sự sống, nơi này vẫn mang một vẻ đẹp hoang dã và vô tình không thể so sánh được. Nhất là các màu, như được đánh bóng rực rỡ với nhiều sắc độ, được làm giàu thêm bởi sương mù bay qua đã đem lại một cảm giác siêu thực. Rồi cả tầm cỡ của các vật. Mọi thứ ở đây hình như đều đồ sộ, quá lớn đè nặng.
Họ nhìn, câm lặng. Cả xứ sở thu vào tầm mắt họ.
Chiếc xuồng được một ngọn sóng sủi bọt mang đi, chạm vào bãi sỏi màu đỏ như máu dưới làn nước trong suốt, đột nhiên biến thành màu tím. Mấy người thủy thủ lội xuống nước ngập đến thắt lưng để kéo thuyền lên bãi biển.
Giôphrây đờ Perắc vẫn đứng trước mũi thuyền quay lại mục sư.
- Thưa mục sư, cái vũng heo hút, khuất nẻo này trước đây và bây giờ cũng vậy, bao giờ cũng là nơi ẩn náu của bọn cướp…Từ thuở xa xưa, những nhà hàng hải phương Bắc mà người ta gọi là Viking, những kẻ tà đạo, từ châu Âu đến cũng tìm nơi ẩn náu ở đây. Họ đều là bọn cướp hoặc những kẻ giang hồ hảo hán, những kẻ sống ngoài vòng cương tỏa và tôi tự xếp mình vào hàng ngũ những người đó mặc dù tôi không đi tìm tội ác cũng chẳng đi tìm chiến tranh. Luật lệ duy nhất tôi phải tuân theo là luật lệ của riêng tôi. Thưa mục sư, tôi muốn nói rằng, cha sắp sửa là người đầu tiên của Chúa, đã đến được những vùng đất này và nắm lấy quyền sở hữu. Vì vậy tôi đề nghị mục sư đổ bộ xuống trước nhất và hướng dẫn người của cha đến miền đất mới.
Ông già không ngờ lại có được lời thỉnh cầu như vậy, vụt đứng dậy. Ông ôm chặt cuốn Kinh thánh dày cộp là tất cả gia tài của ông vào ngực. Không cần chờ được giúp đỡ, với vẻ nhanh nhẹn không ngờ, ông nhảy từ xuồng xuống và lội băng băng dưới nước, vượt qua một khoảng cách ngắn đi vào bờ.
Mái tóc của ông phất phơ trước gió vì ông đã để mất chiếc mũ trong lúc đi đường. Ông tiến về phía trước, gầy, đen và sau một quãng đi trên bãi biển, ông dừng lại đưa cuốn Thánh kinh lên cao quá đầu và hát một bài thánh ca. Những người khác đồng thanh hát theo.
Đã bao nhiêu ngày rồi họ không có dịp hát lên như thế để ca ngợi Chúa, cổ họng họ cháy bỏng vì muối, con tim họ tan nát vì buồn lo nên họ không muốn cùng nhau cầu nguyện. Tụ họp quanh vị mục sư của họ, họ hát với giọng loạc choạc của những người đang hồi sức. Có mấy người vừa đi lại được vài ba bước chân đã quì thụp xuống như bị ngã khuỵu. Những người Anhđiêng trên các thuyền con bế các đứa trẻ trên tay. Tương phản với nước da nâu bóng như đồng, những đứa trẻ châu Âu này nhợt nhạt và thảm hại trong những bộ quần áo bạc màu rộng thùng thình vì người chúng gầy. Chúng giương những đôi mắt lạ lẫm nhìn lên.
Người ta đứng vòng trong vòng ngoài để nhìn ngắm những người mới đến, đại diện cho sự pha trộn kỳ lạ nhất của loài người, “tộc người Đâu Ixt” – Giôphrây đờ Perắc gọi thế. Đàn ông và đàn bà Anhđiêng, dân bản hay chiến binh với những chiếc lông chim, lông thú, giáo mác sáng ngời, sơn phết đầy mình, những người đàn bà mang trên lưng mỗi một người một cái bọc nhỏ sặc sỡ bó chặt đứa con mới đẻ của họ, tiếp đến là bọn người quần áo đốm sọc sặc sỡ của đoàn thủy thủ, từ người Địa Trung Hải đen sạm đến chàng trai trắng nhợt tóc hung của vùng bắc Âu, Ericxon béo lùn, nhai thuốc lá, bên cạnh một người nhà quê ở thành phố Napơlờ đội mũ chụp đỏ, trong khi những chiếc áo choàng của hai người Ả rập phồng lên trong gió, cả hai đều mang theo gươm ngắn, gươm dài. Mấy người râu xồm kiểu Nicôla Perôt mặc áo da, đội mũ lông thú chống tay lên khẩu súng trường nhìn ra xa, trong khi một tốp lính canh người Tây Ban Nha áo giáp, mũ sắt màu đen bóng lộn, đứng cứng nhắc, tay cầm ngọn giáo dài như sắp sửa đi diễu binh.
Một nhà quí tộc Tây Ban Nha gầy gò với bộ ria đen nhánh kỳ dị hình như là chỉ huy của họ. Angielic đã trông thấy ông này trên tàu Gunxbôrô, trong trận tấn công làm tiêu tan mọi hy vọng của những người Tin lành. Ông ta mím chặt môi và chốc chốc lại nhe răng ra trông đến là dữ tợn, không nghi ngờ gì nữa, vị thần dân của Đức hoàng thượng chí thánh, đang vô cùng đau khổ và phẫn uất vì phải trông thấy những kẻ dị giáo đổ bộ xuống vùng bờ biển này. Với Angielic, ông ta là kẻ bất lịch sự nhất trong tất cả mọi người. Ông ta làm gì ở đây, con người như từ khung ảnh thiếp vàng của đại lãnh chúa Tây Ban Nha bước ra này?
Nàng mải nhìn ông ta và bọn lính cứng đờ như gỗ của ông ta đến nỗi vấp khi bước xuống xuồng. Nàng muốn gượng lại. Có điều gì xảy ra vậy? Tất cả quay cuồng. Mặt đất dâng lên và hụt hẫng dưới chân nàng. Nàng cũng vậy, suýt nữa thì ngã khuỵu xuống.
Một cánh tay vững vàng giữ nàng lại và nàng thấy chồng mình cười.
- Đất liền làm em kinh ngạc. Cả mấy hôm nữa, em vẫn còn cảm thấy như mình ở trên boong tàu.
Cứ thế vịn tay chàng, nàng bước lên bãi biển. Cử chỉ của chàng chỉ tình cờ nhưng nàng nhận ra rằng đấy là một điềm lành.
Tuy vậy những khẩu súng trường của đám thủy thủ tàu Gunxbôrô chĩa vào những người đàn ông Tin lành không cho phép được quá lạc quan.