49. Hồ Hải Quy Tâm
Ở nước Việt-nam ta, cũng như các nước Trung-hoa, Nhật-bản, Triều-tiên, với những cuộc khánh hỷ, người ta thường mừng nhau bằng chữ, tức bằng phú, bằng thơ, bằng câu đối hoặc đại tự, v.v…
Trong tất cả bằng ấy cái, có lẽ đại tự là thông dụng hơn hết, vì nó chỉ có, hoặc hai hoặc ba hay bốn chữ, không cần dài dòng, cần niêm luật hay đối nhau gì cả.
Bởi vậy, có người đã cho đại tự là việc rất dễ làm. Nhưng xét ra, cũng chẳng dễ gì đâu, nếu làm cho vừa sát với hoàn-cảnh của người, vừa nói được dụng ý của mình, nhất là những ẩn ý, có khi rõ ràng là mừng đấy khen đấy mà chính thực lại là chê đấy và chửi đấy. Chẳng hạn chuyện « Tử tôn thằng thằng » sau đây :
Chuyện rằng :
Trước đây một ông bầu gánh hát bộ ở Bắc-ninh khi ăn mừng tiệc thọ, có người tặng bốn chữ : « Tử tôn thằng thằng » nghĩa là con cháu dằng dặc (đông đúc) đời đời nối dõi, không bao giờ đứt đoạn.
Bốn chữ này rút trong Kinh Thi ở trong chương Chung-Tư. Chữ đã hay, lại là chữ của ông Thánh, ai còn bắt bẻ vào đâu được. Và được mừng thế, hẳn là chủ nhân phải thích đến phổng mũi ra vậy. Song, nếu đem bài Chung-Tư đọc hết ra :
Chung tư vũ, 螽斯舞
Hoằng hoằng hề 弘弘兮
Nghi nhĩ tử tôn 宜爾子孫
Thằng thằng hề. 繩繩兮
Và nghiền ngẫm cho kỹ, mới thấy dụng ý người viết bốn chữ ấy bảo chủ nhân rồi đây con cháu cũng chỉ lại làm « thằng hề » như bố và ông nội mà thôi.
Kể thật bí hiểm và hay đấy ! Nhưng chỉ giá trị với những ai quan niệm xướng ca là những kẻ vô loại. Còn đối với những người khác là cả một câu văn phải cần xét lại về nội dung tư tưởng.
Theo tôi, những bức đại tự đem mừng có tính cách như trên phải nói đến câu của một nhóm nhân sĩ trong Nam mừng Nguyễn-văn-Tâm mới thật là ý nhị và cũng không kém phần lịch sử.
Nguyễn-văn-Tâm, một người đại ác, ác đã nổi tiếng thành « Cọp xám Cai-lậy » thành « hung thần đệ nhất » của Nam-Kỳ-Quốc xưa kia, đủ biết là kẻ ác thế nào.
Ấy, nhưng sừ ta lại đặc biệt khác những tên cùng thuyền cùng hội ở chỗ thường hay làm thơ và ký với biệt hiệu là Trương-Duy Chánh-Đạo.
Vì hay làm thơ, nên hồi còn là Đốc-phủ-sứ cho nhà nước thuộc địa, mỗi khi đi trấn nhậm đâu, Nguyễn-văn-Tâm đánh hơi được những ai là nhà thơ trong vùng, tức thời cho thỉnh tới để cùng ngâm nga xướng họa chơi, mà mục đích chính không hơn là tự đề cao cá nhân để làm ra vẻ ta đây cũng văn chương chữ nghĩa bề bề, đồng thời để vừa đánh trống lấp đi những hành-động không tốt của mình, vừa để mua lòng sĩ phu bằng giá rất rẻ cho lũ quan thầy thực dân Pháp.
Nhớ lại, khi làm Bộ-trưởng An-ninh (trùm Công-An Mật-Vụ) cho các chánh quyền thời quốc-trưởng bù nhìn Bảo Đại, bữa nọ đi kinh lý Cần-thơ, Nguyễn-văn-Tâm đã làm một bài thơ « Tào-Tháo tự thuật » theo thể luật Đường sau :
Đất nước cơ trời khiến rẽ ba,
Nghiêng vai nhớm thử gánh sơn hà.
Cáo cầy chi xá Viên cùng Lữ
Hào kiệt ai bằng Bị với ta
Dũng dám vào dinh đâm Đồng-Trác.
Nhân đành mở ải thả Quan gia.
Người đời chê Tháo là tôi nịnh,
Tôi nịnh như ông mấy mặt mà !…
Bài thơ này của Tâm cũng đủ luật, và Tâm đã lên mặt kiêu ngạo tự ví mình với ai hắn không cần nói, mọi người cũng dư biết dù chẳng phải là một nhà văn hay nhà thơ.
Vì thế, một thi-nhân khác ở đương thời là Lăng-Ba đã viết bài họa lại :
Mưu đồ vương nghiệp phải bôn ba.
Phạt bắc chinh đông chẳng nại hà.
Tiên bội diệt Tiên an dạ chúng
Hán hèn phế Hán toại lòng ta.
Thất điên Vị thủy khen tài Mã
Bát đảo Huê-dung phục kế gia
Thời loạn kể gì trung với nịnh,
Được vua, thua giặc lạ chi mà !
Ngụ ý ông Lăng-Ba cho Tâm là một kẻ ba hoa khoác lác, tàn dân hại nước, phản bạn lừa thầy như Lữ-Bố, cần phải diệt trừ cho yên lòng trăm họ, không thể tha thứ, còn cái « ông » Quốc-trưởng của y cũng hèn hạ, nên phế đi như Hán Hiến-đế xưa là xong.
Câu chuyện thơ này nghĩ ra cũng thật cay đắng cho con người bán nước của Tâm. Nhưng kẻ đã như Tâm, hỏi còn gì liêm-sỉ, còn gì nhân phẩm, nhân cách, và còn gì mà biết ?…
Tục truyền, chính cũng vì thế, năm 1952, Tâm được Bảo-Đại và thực dân Pháp phong làm Thủ-tướng, khi ra kinh-lý Hà-nội, các nhân sĩ Bắc-hà có tặng một bức hoành phi sơn son thếp vàng viết bốn chữ « Đại điểm quần thần » 大點君臣 có nghĩa là một người bầy tôi lớn nhất, ở điểm nhất, tức Thủ-tướng, nhưng « đại » nghĩa là to, « điểm » là chấm, « quần thần » là bầy tôi, cả câu có nghĩa là « chấm to bầy tôi » đọc lái thành ra « chó Tâm bồi Tây », thế là chửi xéo, chứ không phải là mừng.
Câu này kể cũng đắt giá, song giả sử có thật thì lại lấy ý từ câu « vạn lý quần thần » 萬里君臣 của đồng-bào Hà-tĩnh mừng Hoàng-Cao-Khải khi ăn khao quận-công. Vạn lý quần thần có nghĩa là « muôn dặm bầy tôi » nhưng đọc lái là « muôn dặm bồi Tây » ý nói họ Hoàng bỏ xứ đi xa muôn dặm ra Hà-nội tưởng làm gì, té ra làm tay sai cho Pháp. Do đó bốn chữ đại tự này phải nhường chiếu cho bốn chữ của nhân sĩ miền Nam.
Cũng khi làm Thủ-tướng, vào lúc đồng-bào mừng xuân đón Tết, một số nhân sĩ ở Saigon-Chợ-lớn có kính biếu Thủ-tướng một bức đại tự bằng vóc đào Thượng-hải, xung quanh thêu long ly quy phụng bằng kim tuyến rất đẹp. Còn giữa là bốn chữ : « HỒ HẢI QUY TÂM » 湖海歸心
Bốn chữ cũng thêu bằng kim tuyến, thành thử treo lên lóng lánh như vàng tỏa khắp nhà.
Lời văn rất gọn, chữ viết rất đanh, ý nghĩa lại rất hay. Nguyễn-văn-Tâm thích lắm. Người học Nho trông thấy ai cũng phải khen, vì nó có nghĩa : « năm hồ bốn biển, chỗ nào cũng thuộc tâm » hay nói cách khác cũng có nghĩa « người có tài đức để thu phục nhân tâm ở khắp thiên hạ » hay « cả thiên hạ đều dốc tâm theo về ». Đặc biệt chữ « Tâm » ở đây lại là « quý danh » của con người được mừng. Như thế, còn gì giá trị bằng, còn gì đáng để truyền tử di tôn hơn !
Kẻ thuật lại chuyện này, lúc đó cũng nghĩ vậy và không khỏi trách những ai đó sao lại viết những chữ ấy để mừng cái ngài Thủ-tướng ấy. Nhưng sau được một nhà Nho cắt nghĩa, mới biết bốn chữ ấy không phải để mừng, trái lại là cả bản án kết tội một đời Nguyễn-văn-Tâm. Chính nghĩa của nó không phải như trên, mà gốc ở trong câu nói của nhà sư Từ-đạo-Hạnh đời Lý nói với nhà sư Nguyễn-Minh-Không :
Hồ hải tích ác đồng quy vu tâm.
湖海積惡同歸于心
Nghĩa là : Tội ác ở năm hồ bốn biển, đâu đâu cũng do cái tâm mình.
Như thế ở đây, bốn chữ « Hồ hải quy tâm » có nghĩa là : Tội ác đầy dẫy khắp năm hồ bốn biển, chỗ nào cũng đều do tên Tâm hết thảy.
Nghe nói, lời giải thích này sau đến tai Thủ-tướng Nguyễn-văn-Tâm. Thủ-tướng cả giận, cho hạ xuống xé ra lập tức, và xuống lệnh cho công-an mật-vụ truy tầm kẻ viết. Nhưng tội nghiệp cho ngài, bức đại tự lạc khoản chỉ để một nhóm nhân sĩ, không có tên họ người nào cả.
Và mặc dù ngài xé đi thì xé, bốn chữ « Hồ Hải Quy Tâm » vẫn còn trên đời này mãi mãi để truyền bia miệng cho ngài cùng những kẻ như ngài.
Thật, đại tự mà viết đến thế mới thật bí hiểm và giá trị, mới là những lát búa của tòa án dư luận quay thẳng vào mặt những kẻ đã chất chứa trong đời không biết cơ man nào tội lỗi xấu xa mà cứ « gái đĩ già mồm » muốn cho người ta phải ca ngợi tâng bốc.
Chưa mạnh, cũng như chưa phải tích cực, nhưng đây cũng là việc làm đáng khen của những người trí thức ở trước một giai đoạn lịch sử, những trí thức đứng đắn gần sát dưới danh từ của nó, không phải của những kẻ chỉ phết sơn, mạ kền bằng các văn bằng nọ, chức vụ kia, để hễ nghe đâu động mâm bát thì nhảy xổ ngay vào như lũ kên kên ở trước cái thây ma con chuột.
Hỡi các ông bà trí thức « kên kên » !
Hỡi những kẻ thây ma con chuột !
Kẻ viết bài này xin mạn phép được tặng các ngài giai thoại văn chương trên, và hy-vọng được mừng thấy các ngài không còn hụp lặn ở dưới ao hèm như bấy lâu nay nữa, nhất là toàn dân đã vùng dậy, đã thức tỉnh lâu rồi mà trong số các ngài lại còn lắm gã tồi tệ hơn Nguyễn-văn-Tâm xưa.