Thành phố hoang vắng - Chương 40 part 2

Cô chột dạ, bởi trên mặt Quý Hoàng chẳng có chút biểu cảm nào, vẫn là khuôn mặt lạnh lùng như hồi hai người gặp lần đầu. Hơn nữa, trông anh vừa đen vừa gầy, trong đôi mắt phảng phất nét lành lạnh dưới ánh sáng trắng bạc của đèn huỳnh quang.

Món cháo ngon không thể chê khiến Thái Hồng nhớ đến những ngày tháng hai người từng ở bên nhau. Để tiết kiệm tiền, hai người rất ít khi ra tiệm ăn, nhưng nếu có lần nào Thái Hồng đi cùng người khác ra quán ăn, ăn được món nào ngon, về nhà chỉ cần miêu tả lại với Quý Hoàng, bảo đảm sang ngày hôm sau anh có thể nấu ra món y như vậy.

Thực sự là rất đói, cô ăn liền hai bát cháo. Đặt bát xuống, Quý Hoàng vắt khô một chiếc khăn bông, giúp cô lau miệng.

“Chắc khuya lắm rồi nhỉ?” Cô nói. “Cảm ơn anh đã chăm sóc em, anh mau về đi.”

“Bây giờ là nửa đêm.”

“Ồ.” Cô khẽ cười. “Bệnh viện này tốt quá nhỉ, cho phép người nhà thăm nuôi ban đêm.”

Thoáng khựng lại, cảm thấy hai chữ “người nhà” dùng không ổn lắm, cô lúng túng cười trừ với anh.

“Cũng không phải.” Anh nói. “Mẹ anh từng nằm ở đây trong thời gian dài, anh rất quen với các y tá, bác sĩ ở bộ phận nội trú này.”

Cô cúi đầu im lặng, hồi lâu sau mới hỏi: “Em bị bệnh gì? Bệnh tim à?”

“Ngộ độc khí CO, lúc phát hiện em đã hôn mê rồi.”

Cô sực nhớ đến chuyện cô con gái một đồng nghiệp của mẹ trước kia, cũng bị trúng độc khí ga, phát hiện quá muộn, sau khi được cấp cứu hồi lâu mới cứu sống được, nhưng não bị tổn thương, nói chuyện ấp úng, thường xuyên bị đau đầu và thần kinh suy nhược nghiêm trọng. Không khỏi đâm ra căng thẳng: “Ngộ độc khí CO? Em sẽ không bị di chứng gì chứ?”

“Bác sĩ nói là ngộ độc mức trung bình, chắc là không sao. Nhưng cũng không loại trừ tình huống bất ngờ. Em cảm thấy không khỏe ở chỗ nào nhất định phải báo ngay với bác sĩ, để họ kịp thời kiểm tra.”

Cô ngẫm nghĩ, nói: “Lạ thật, em đâu có dùng khí ga đâu, bếp ga đâu có mở... Chẳng lẽ là đường ống khí ga rò rỉ?”

“Là lò than em dùng để sưởi ấm.” Anh nhìn cô, thở dài. “Em dùng nó nướng khoai lang, nắp lò mở quên đóng lại.”

Như thế cũng bị trúng độc sao? Cô nghĩ mãi mà không hiểu, nhưng lại lập tức phát hiện ra một vấn đề khác: “Ấy? Quần áo của em đâu? Ai thay quần áo cho em vậy?”

“Em nôn mửa, anh giúp em thay, nhờ người mang đi giặt rồi.”

“Anh cứu em làm gì?” Cô nhỏ giọng nói. “Để em chết đi cho rồi, cứ coi như báo thù cho mẹ anh.”

Mặt anh chợt biến sắc, trong ánh mắt thoáng qua sự đau khổ.

“Xin lỗi!” Cô vội nói. “Lỗi là do mẹ em gọi cú điện thoại đó, nếu không bác gái cũng sẽ không...”

“Mẹ anh sẽ không vì một cú điện thoại mà dễ dàng từ bỏ mạng sống của mình. Nếu như dễ dàng từ bỏ đến thế, mười mấy năm trước bà đã từ bỏ rồi.” Anh lạnh lùng cắt ngang lời cô. “Sở dĩ bà muốn ra đi là bởi quá yêu con trai mình.”

“Tóm lại vẫn rất xin lỗi anh.” Cô thì thào nói.

Từ khi nghe được sự thật mẹ Quý Hoàng tự sát, trong cơn thịnh nộ, Thái Hồng xông ra khỏi nhà, ngồi xe lửa một mạch đến Trung Bích, ngay đến chuyện từ chức lớn như thế mà cô cũng nhờ Quan Diệp viết đơn hộ. Sau đó, vì vài thủ tục quan trọng không thể không trở về thành phố F, cô cũng chỉ đi thẳng đến khoa Trung văn. Buổi sáng đến nơi, cô làm xong việc liền lập tức rời đi, ba lần qua cửa nhưng không vào nhà. Thái Hồng cảm thấy, chỉ vì không muốn cô và Quý Hoàng yêu nhau mà mẹ đã giở thủ đoạn, mánh khóe hết lần này đến lần khác, vì nể trọng ơn nuôi dưỡng bao năm mà cô đã nhẫn nhịn. Cô tin rằng người bề trên tuy tư tưởng cố chấp, quan niệm lạc hậu nhưng xuất phát điểm vẫn là vì con trẻ. Nhưng cú điện thoại này như một đòn giáng mạnh vào đầu cô, khiến cô được một lần áp dụng tính quyết đoán và cay độc của mẹ mình.

“Đợi vài ngày nữa em xuất viện thì đi tìm chủ nhiệm khoa xin từ chức đi.” Quý Hoàng đứng dậy, thu dọn bát và thìa cô vừa ăn xong. “Em hậu đậu như thế, sớm muộn gì cũng xảy ra chuyện nữa.”

“Em không từ chức”, Thái Hồng kiên quyết. “Em thích sống ở đây.”

Anh vốn đã bước đến cửa, nhưng rồi quay trở lại: “Thế em định ở đây đến khi nào?”

“Em ở đây đến khi nào mắc mớ gì đến anh?” Thái Hồng uống một ngụm nước, mở to mắt nhìn anh. “Em là giảng viên chính thức của học viện, không ăn của anh cũng chẳng uống của anh. Anh bạn Quý Hoàng của tôi ơi, anh quản được chuyện em ở đây bao lâu sao? Hà Thái Hồng em tài năng có, sắc đẹp có, đến tuổi thì tìm một tấm chồng, em quyết cắm rễ ở Trung Bích luôn.”

Anh cười nhạt: “Em đến đây để quấy rối chứ gì, Thái Hồng?”

“Đúng đấy, Quý Hoàng, em quyết ở đây để quấy rối anh đấy.”

“Em...” Anh tức đến mức nói không nên lời, với tay đóng cửa lại, bỏ đi.

Thái Hồng ngỡ rằng Quý Hoàng sẽ không đến thăm cô nữa, nào ngờ sáng sớm hôm sau anh lại đến, còn mang theo bữa sáng cho cô.

Chỉ là anh không nở một nụ cười, mặt luôn đanh lại, phớt lờ cô, từ chối thảo luận bất kỳ vấn đề học thuật nào. Thái Hồng nằm mãi trên giường cũng thấy chán, chỉ còn cách ôm laptop cắm đầu chơi game. Nếu có y tá đến, Quý Hoàng sẽ giải thích rằng Thái Hồng là giảng viên trẻ mới được phân công về trường, người ở vùng khác, sức khỏe có chút vấn đề, trong khoa phân anh đến chăm sóc cô. Bộ phận nội trú có căng tin nhưng Quý Hoàng luôn mang bữa trưa và bữa tối đến. Một món canh, một món mặn, mùi vị chắc chắn thuộc loại thượng hạng, ăn xong còn có bánh ngọt, trái cây và thức ăn khuya. Được đối đãi như thế này là điều Thái Hồng không dám mơ tưởng, cho nên những thứ Quý Hoàng mang đến cô đều ăn sạch, không hỏi cũng chẳng nói gì, mở hộp cơm ra là cầm thìa ăn, khiến cô tự cảm thấy mình như kẻ ăn mày, hằng ngày chỉ chờ đến mấy bữa cơm.

Có khi Quý Hoàng ở lại cùng cô cả buổi chiều, ngồi trên chiếc sofa bên cạnh đọc sách, cô muốn chồm qua bắt chuyện với anh, anh liền tỏ vẻ lạnh nhạt, khiến cô sợ đến mức rụt cổ lại, đành tiếp tục chơi game.

Một tối nọ, trong nước truyền dịch có thêm một loại thuốc, bác sĩ bảo có thể sẽ có phản ứng phụ, quả nhiên cô thấy khó chịu trong người, nằm trên giường lăn qua lăn lại. Đến tối, khi Quý Hoàng rời đi, cô cứ đau đáu nhìn anh với vẻ tội nghiệp, không nói tiếng nào.

“Vẫn thấy khó chịu à?” Anh ngồi xuống cạnh cô, hỏi.

Cô gật đầu.

“Khó chịu ở đâu?”

“Tay lạnh.”

Dòng chất lỏng lạnh lẽo truyền vào từ mu bàn tay, khiến cả cánh tay lạnh cóng.

Anh nhẹ nhàng nắm tay cô: “Ngủ đi.”

Đêm đó Quý Hoàng không rời đi, ngồi bên cô suốt đêm. Ngày hôm sau tỉnh dậy, cô trông thấy anh ngủ thiếp đi trên ghế, chắc anh thấy khó chịu lắm!

Một tuần sau cô xuất viện.

Quý Hoàng đưa cô về nhà, vừa trông thấy cánh cổng sắt nhà mình, cô liền kêu chói tai: “Ôi trời! Là ai? Là ai phá hỏng cửa nhà em?”

“Em khóa trái cửa nhốt mình trong nhà, không phá cửa thì sao đưa em ra hả?”, Quý Hoàng hỏi.

Vào phòng, cô lại oang oang: “Ơ kìa! Ai mang lò than của em đi rồi?”

“Bị ngộ độc một lần, em còn muốn bị ngộ độc lần thứ hai sao?”

Cô giậm giậm chân: “Mùa đông lạnh thế, em làm sao mà chịu được hả? Cái lò than đó là vật không thể thiếu đó, anh có biết không?”

“Chịu cóng chút người càng khỏe.”

Anh đặt túi và chậu rửa mặt của cô xuống đất, nhìn đồng hồ đeo tay rồi nói: “Nghỉ ngơi tốt vào, anh có việc đi trước đây.”

“Vâng.” Cô ngoan ngoãn gật đầu. “Mấy hôm nay cảm ơn anh nhiều vì đã chăm sóc em.”

Cô không biết tỏ ý cảm ơn theo phong tục của người bản địa thì phải làm sao, bèn cởi găng tay, chìa tay phải ra, muốn bắt tay với anh.

Nhìn bàn tay của cô, anh thoáng ngẩn ra, bàn tay ấm áp tỏa ra làn sương trắng mỏng manh giữa trời đông giá lạnh.

Anh không đưa tay mình ra, nhưng bất thình lình cúi xuống, dữ dội hôn làn môi cô.

Đây là điều mà cô hằng mong ước bấy lâu. Cơ thể vẫn còn yếu, để chống đỡ trước nụ hôn cuồng say, dữ dội này, tay cô nắm chặt lấy cổ áo của anh, tiếp đó mở rộng vòng tay, ôm siết anh vào lòng.

Anh đắm đuối trao cô nụ hôn dài gần như là mang tính chiếm hữu, cánh tay săn chắc siết chặt bờ eo thon của cô.

“Em biết không”, anh thì thầm bên tai cô: “Em suýt nữa đã chết ngay trước mặt anh.”

“Ư...”

“Nếu em có mệnh hệ nào, anh không thể tha thứ cho mình.”

“Ư...”

Anh lại thì thầm bên tai cô điều gì đó cô cũng nghe không rõ, cô không ngừng quấn quýt lấy anh, cảm xúc trào dâng. Cô cởi bỏ áo sơ mi của Quý Hoàng, mặc cho cơ thể mình rúc vào vòng tay ấm áp của anh.

Anh dùng một tấm chăn mỏng bọc cô lại, rồi ôm cô ngồi trên sofa, không bật đèn, chỉ cùng cô ngắm nhìn bầu trời mênh mông ngoài cửa sổ...

“Nhiệt độ lại sắp giảm nữa rồi.” Anh nói.

“Ừ, lạnh quá, hay là chúng ta kết hôn đi!” Dứt lời, nhận ra câu nói của mình chẳng có tí logic nào, cô nhoẻn cười thẹn thùng.

“Có một người... anh vĩnh viễn không muốn gặp”, anh lặng lẽ nhìn cô. “Em có thể chấp nhận không?”

Cô nắm tay anh: “Em chấp nhận.”

Trong phòng trống trải, hai người lại chìm vào im lặng.

“Đúng rồi, quên mất một chuyện quan trọng. Liệu bạn gái anh có đồng ý cho bọn mình kết hôn không?”

“Cái đó là anh gạt em đấy… Anh không có bạn gái.”

“Nhưng mà… hôm Ba mươi Tết có một cô gái trong nhà anh…”

“Là chị họ của anh.”

Một chốc sau, Thái Hồng lại kêu lên, nói: “Nếu bọn mình kết hôn, thì sẽ gọi là vợ chồng công nhân viên chức đúng không nhỉ? Chí ít phải cho bọn mình căn hộ 3LDK, anh nói đúng không?”

Quả nhiên ưu điểm của thành phố nhỏ nhiều thật! Trong khoa coi hai người là nhân tài nên có chế độ đãi ngộ đặc biệt, khiến Thái Hồng mới đi làm thôi mà lòng tham đã lớn thế rồi!

“Căn hộ anh đang ở chính là 3LDK đấy.”

“Không công bằng, tại sao căn hộ của em lại nhỏ hơn? Hợp đồng của em còn lâu hơn của anh mà?”

“Có lẽ là vì... em không có học vị tiến sĩ?”

“Nhưng mà, nếu em lấy anh, căn hộ này của em sẽ bị thu lại, đúng không?”

“Chắc chắn rồi.”

“Quý Hoàng, anh có cảm thấy rất phiền khi em bàn đến mấy thứ này không?”

“Ý em là gì?”

“Nhà cửa, tiền bạc, chức vụ, đãi ngộ...”

“Phải.”

“Ôi trời! Không cưới nữa đâu, lỗ quá đi mất, bây giờ tổng cộng bọn mình có năm phòng ngủ, hai phòng khách… Giấc mơ có được đãi ngộ của giảng viên hướng dẫn tiến sĩ đã thực hiện được rồi!”

Kết quả là hai tháng sau Thái Hồng phát hiện mình mang thai, hai người vội lén lút dắt nhau đi đăng ký kết hôn. Làm xong thủ tục, mua xong kẹo mừng, Thái Hồng quay lại trường, đi ngang qua phòng học của Quý Hoàng, bị Quý Hoàng kéo vào lớp. Sinh viên trong giảng đường dồn ánh mắt hiếu kỳ về phía hai người.

Quý Hoàng cười cười, cao giọng tuyên bố: “Các bạn, hôm nay là ngày thầy Quý và cô Hà kết hôn. Thầy cô mời mọi người ra “McDinald's” ăn trưa, mười hai rưỡi nhé, rất hân hạnh được đón tiếp!”

Cả tràng pháo tay rào rào vang lên, tất cả sinh viên đồng loạt đứng dậy. Nhìn những gương mặt trẻ măng, chân chất kia, trong lòng Thái Hồng vô cùng xúc động. Ý nghĩa đời người là gì? Cô thầm nghĩ, có lẽ chính là có khả năng viết lại từng chút, từng chút tri thức và trí tuệ của mình lên những gương mặt trẻ trung kia.

Tám tháng sau, Thái Hồng sinh một bé gái, mẹ tròn con vuông, đặt tên bé là Quý Huyên.

Cuộc sống của gia đình cô trôi qua trong sự bình dị, giản đơn, phần nhiều thời gian rỗi dùng để đọc sách, nghiên cứu khoa học và nuôi dạy con gái. Hai người quen được một số bạn bè cùng chung chí hướng, lập ra một câu lạc bộ đọc sách, thứ Sáu hằng tuần họp mặt ở một phòng trà, luận bàn và trao đổi về những quyển sách mà mọi người yêu thích. Quý Huyên là một cô bé khỏe mạnh, thích ăn nhưng không thích ngủ, thường xuyên kêu khóc vào nửa đêm đòi Thái Hồng cho bú sữa hoặc đòi Quý Hoàng chơi đùa với bé. Không ngờ nuôi con lại cực khổ đến thế, mãi đến khi Quý Huyên được một tuổi rưỡi, cuối cùng bé cũng đã có thể ngủ một giấc đến sáng, lúc này Thái Hồng mới tập trung công sức bắt đầu lại việc học, tiếp tục bài luận văn tiến sĩ của cô.

Chính vào lúc này, dần dần cô cảm thấy nhớ cha mẹ mình.

Người ta thường nói, có nuôi con mới biết lòng cha mẹ, cái nút thắt trong lòng kia tuy vẫn chưa được tháo gỡ, sau vô số lần “chiến đấu” với cô bé đang bi bô tập nói nhưng chẳng có lấy một khắc ngồi yên trừ những lúc ngủ say, cuối cùng cô mới trải nghiệm được nỗi gian khổ khi xưa của cha mẹ. Huống chi con của cha mẹ lại không phải đứa con ruột rà gì, điều đó cần một tình yêu sâu đậm, sự nhẫn nại và nghị lực kiên cường biết bao nhiêu mới có thể làm được đây?

Để chăm sóc cho con, hơn một năm nay, cả Thái Hồng và Quý Hoàng gần như không bước chân ra ngoài. Quê nhà không xa nhưng Thái Hồng không về nhà dù chỉ một lần. Cha mẹ cô dường như cũng quyết tâm không bao giờ liên lạc trước. Với tính cố chấp của Minh Châu, sau khi gây gổ rồi mà muốn bà cúi đầu, cơ hội gần như bằng không.

Hôm sinh nhật Minh Châu, Thái Hồng có ý định gửi chút tiền về cho gia đình, tiền cũng chuẩn bị xong xuôi. Nhưng ngày hôm sau cô cùng cả nhà Quý Hoàng đi viếng mộ cha mẹ anh, nơi nghĩa trang hoang vắng, bia đá đơn giản, hai phần mộ lẻ loi, trơ trọi, ba chàng trai im lặng đứng trước mộ, trong lòng cô lại dấy lên cảm giác tội lỗi.

Về đến nhà, cô xé nát mảnh giấy gửi tiền và ném vào bồn cầu, nhấn thật mạnh nút xả.

Đến một hôm, Quý Hoàng bảo cô: “Có lẽ em nên về nhà thăm cha mẹ mình, đưa con đi cùng.”

“Không về.”

Cô không muốn tiếp tục đề tài này, im lặng rời đi.