Đại Đường Song Long Truyện - Chương 799-P2

Thạch Thanh Tuyền thướt tha đứng bên song cửa, lặng lẽ ngắm cảnh trời chiều Hoàng thành mịt mù lửa khói, những ngọn pháo hoa bừng lên muôn sắc muôn màu, lung linh huyền ảo như đang trong giấc mơ, khiến cho Thái Cực điện cao ngất đằng sau càng thêm hùng vĩ tráng lệ, uy nghiêm, sinh động. Tám toà tháp dựng cao ngất trên quảng trường bên ngoài Thừa Thiên môn lửa khói rực trời, liên tiếp bắn pháo hoa trong tiếng hò reo hoan hô vang dội từng hồi của quân dân trong thành.
Chỉ nhìn thấy Thạch Thanh Tuyền từ phía sau, mà vẻ kiều diễm của nàng khiến Khấu Trọng vô cùng sửng sốt, gã không khỏi cao hứng giùm cho Từ Tử Lăng. Khi còn cách nàng chừng sáu bước, gã mới thịnh trọng lên tiếng: “Hảo huynh đệ của Từ Tử Lăng là Khấu Trọng xin bái kiến Thanh Tuyền tẩu phu nhân.”
Thạch Thanh Tuyền bật cười yêu kiều, vẫn không quay lại, giọng êm ái: “Ngươi là loại người nào mà từ một tên tiểu tốt ở Lạc Dương lại trở thành một đại nhân vật làm mưa làm gió như hiện nay. Hãy nói cho ta biết lý do tại sao?”
Khấu Trọng không ngờ Thạch ThanhTuyền lại có thái độ gần gũi như vậy, gã bật cười hì hì: “Nếu câu trả lời mà tẩu phu nhân vừa ý thì mong tẩu vui lòng tấu một khúc nhạc chỉ cho duy nhất một mình tiểu đệ được nghe mà thôi. Còn thổi ở đâu thì sẽ do đệ chọn, diễm phúc này thì phu quân của tẩu tẩu không được phép hưởng chung.”
Thạch ThanhTuyền vẫn bình thản: “Ta chỉ muốn xóa đi những ấn tượng không tốt về ngươi mà thôi, giờ thì ngươi nói trước đi. Nghe xong ta sẽ nhận xét sau.”
Khấu Trọng chợt trầm ngâm: “Những ngày tháng trước đây, ta như đang sống giữa một bầy ác thú luôn rình rập cắn xé đồng loại. Chúng gian ác đến mức tẩu tẩu không sao hiểu nổi, cũng như tập quán và thủ đoạn tàn độc của chúng, tẩu tẩu lại càng không thể biết. Tùy theo chúng ở bên cạnh mình hay ở xa, thì phương pháp ứng phó cũng phải khác nhau. Nếu gần thì phải xác lập vị trí đầu đàn, nếu xa thì phải tìm cách triệt hạ. Cái mạng nhỏ này trải qua không biết bao nhiêu gian lao mà kể, nhưng may mắn là mọi thứ đã trở thành dĩ vãng, tương lai lại được nghe tiên khúc của tẩu tẩu trên non cao, nơi đào nguyên đầu sông Hoàng và sông Dương Tử.”
Thạch ThanhTuyền không nén được cười, uyển chuyển quay người lại: “Lộ cái đuôi chồn ra rồi, thì ra ngươi là chính là hồ ly thành tinh.”
Khấu Trọng hai mắt mở to, người như bị điện giật: “Hèn gì Tử Lăng chẳng thèm đếm xỉa gì tới huynh đệ của hắn. Đúng là thứ có vợ đẹp thì quên hết bằng hữu.”
o0o
Tấm vải gấm che kín bảng hiệu đặt trên lầu hai của tòa lâu đài rộng lớn được gỡ ra, bốn chữ “TRINH QUÁN TIỀN TRANG” đúc bằng vàng ròng rực rỡ hiện ra dưới ánh nắng mặt trời, chúng phản chiếu ánh sáng lấp loáng làm chói mắt người xem, càng làm cho trụ sở Tiền Trang tăng thêm phần uy nghi.
Tiểu Lăng Trọng và Tiểu Hạc Nhi phụ trách việc châm ngòi cho hai tháp pháo ở hai bên tả hữu, lập tức tiếng pháo nổ đì đùng vang lên điếc tai, lửa văng tung tóe, khói tỏa mù mịt. Dân chúng đứng xem vỗ tay bàn tán vô cùng náo nhiệt.
Xe ngựa chiếm gần kín Chu Tước đại nhai, việc giữ trật tự lại do cấm vệ quân phụ trách, văn võ bá quan đại thần cùng với phú thương, những nhân vật có máu mặt ở Trường An đều đến dự, lại thêm các tướng lĩnh của Thiếu Soái quân, Tống Gia quân và Giang Hoài quân cũng có mặt đầy đủ. Lễ khai trương Trinh Quán Tiền Trang hoành tráng xưa nay chưa từng có.
Tiếng pháo vừa dứt, tiếng kèn trống ở sân khấu ngoài trời vang lên inh ỏi, Lý Thế Dân tiến ra chủ trì nghi thức, đọc diễn từ cho việc khai trương Tiền Trang.
Khấu Trọng, Từ Tử Lăng, Tống Lỗ, Bạt Phong Hàn, Hầu Hi Bạch, Tuyên Vĩnh, Tra Kiệt, Bốc Thiên Chí, Lý Tịnh, Trần Lão Mưu, Hư Hành Chi tập trung ở đông bắc ngoại viện. Nữ quyến lại ở trong phòng uống trà trò chuyện, Tiểu Lăng Trọng và Tiểu Hạc Nhi chạy chơi vòng vòng ở hậu viện.
Ban đầu Khấu Trọng chỉ lo nói chuyện riêng, không lưu ý lắm những điều Lý Thế Dân đề cập đến Tiền Trang. Đến khi Đại Đường Thiên Tử Lý Thế Dân lên giọng: “Tùy Dương hủ bại, khiến dân chúng bỏ phế việc kỹ, nông, công, thương. Lại bắt dân vào lính, vất vả chinh chiến ở phương xa để kiếm tìm ngọc ngà châu báu khiến nam không làm được việc đồng áng, nữ không lo được việc tằm tơ, ruộng đất bỏ hoang, mọi thứ điêu tàn. Hơn ngàn dặm phía bắc Hoàng Hà không có bóng người, cả vùng Giang Hoài toàn là cỏ dại. Phía đông của sông Lạc phố vắng tiêu điều, đồng không mông quạnh, không một tiếng gà gáy chó sủa, không ai dám bước ra đường. Người làm vua thấy dân đói rét mà không biết đau xót, làm vua mà để cho dân khổ thì không xứng đáng làm vua nữa.”. Từng tiếng, từng tiếng khẳng khái vang vang, khiến Khấu Trọng và Từ Tử Lăng chú ý lắng nghe.
Lý Thế Dân tiếp tục: “Có nhiều người bàn luận là không biết sau thời kỳ đại loạn sẽ đến thời kỳ đại trị hay không, hay là đến thời khó khăn gian khổ khác.”. Toàn trường im phăng phắc, từ đám đông dân chúng đang ồn ào đứng nghẹt đường cho đến những người ngồi chật nhà trò chuyện, tất cả đều im lặng nghe Lý Thế Dân diễn thuyết, một tiếng kim rơi cũng nghe rõ. Giọng Lý Thế Dân tiếp tục sang sảng với sự tự tín hiện rõ lên gương mặt: “Các khanh hãy bình tâm nghe trẫm nói, sau kỳ đại loạn sẽ đến thời bình an, chỉ cần từ trên xuống dưới đều đồng tâm hợp lực, thì thành công sẽ rất nhanh chóng đến với chúng ta.”
Từ Tử Lăng và Khấu Trọng thấy dân chúng đưa tay lên cao sau từng câu nói, đúng là Lý Thế Dân có mị lực bẩm sinh của một vị đế quân thống lĩnh thiên hạ, hai gã chợt có cảm giác an ủi vì đã không nhìn lầm người.
Lý Thế Dân đưa tay lên cao: “Trẫm lên ngôi phụng theo thiên mệnh, giữ cho đất nước hòa bình, giúp cho dân chúng sung túc, yên ổn làm ăn. Vua phải vì đất nước, đất nước là của dân. Làm vua mà chỉ biết bóc lột dân chúng để sung sướng riêng cho bản thân thì nước sẽ mất, điều ngu xuẩn đó không được tái diễn. Việc đầu tiên trong việc trị quốc là phải yên dân, nay trẫm ban lệnh, không lãng phí xa hoa, giảm nhẹ thuế má, tuyển dụng những người thanh liêm ra làm quan, dân phải đủ cơm ăn áo mặc, thiên hạ sẽ đại trị.”. Mọi người không đợi Lý Thế Dân dứt lời đã đồng thanh hô lớn “Ngã Hoàng Vạn Tuế ” vang dội khắp Tiền Trang.
Khấu Trọng nắm chặt tay Từ Tử Lăng, hai gã hiểu rõ Lý Thế Dân - sau khi lên ngôi - nhân cơ hội này nói ra những quốc sách quan trọng cho hai gã nghe, để thể hiện sự cảm kích của y đối với hai gã.
Khi Lý Thế Dân bước qua Huyền Vũ môn, y đã đặt chân lên con đường dẫn tới ngai vàng, trở thành thiên hạ cửu ngũ chí tôn, như rồng tung bay trên trời. Một thời kỳ đại loạn đã qua, một thời kỳ thịnh trị sắp bắt đầu, thiên hạ không còn ai đủ sức đi ngược lại dòng chảy của lịch sử cũng như ước vọng của dân chúng nữa.
Riêng hai gã thì đã rút chân ra khỏi vòng xoáy cừu hận và quyền lực rồi, giờ là lúc hai gã tận hưởng những điều tươi đẹp mà cuộc sống đã hào phóng ban tặng.
Sau khi Khấu Trọng và Từ Tử Lăng ly khai Trường An, Lý Thế Dân lập tức toàn diện triển khai hành động quân sự để thống nhất thiên hạ. Mục tiêu đầu tiên là tiêu diệt lực lượng của Tiêu Tiễn tại bình nguyên Giang Hán. Lý Tịnh làm đốc sư tập hợp thuyền đội ở Ba Thục, thuận theo dòng nước xuống đông, phá tan Lương quân như chẻ trúc, rồi tiến về Ba Lăng.
Tiêu Tiễn cầu viện Lâm Sĩ Hồng, nhưng Lâm Sĩ Hồng lại bị đại tướng của Tống gia là Vương Trọng Tuyên, Trần Trí Phật cùng Âu Dương Tình khống chế, không thể nào chi viện. Tiêu Tiễn cô thân không thủ nổi thành đành phải đầu hàng.
Lương mất, Tiêu Tiễn đầu hàng. Đại Đường quân tấn công như giông bão, chỉ sau một trận đánh, Lâm Sĩ Hồng đã bị dẹp tan.
Phương nam đã yên, Lý Thế Dân chuyển hướng sang Lương Sư Đô khai đao, đầu tiên lệnh cho khinh kỵ tàn phá ruộng đồng của vùng Sóc Phương, khiến lương thực thiếu thốn, lòng dân ly tán.
Năm Trinh Quán thứ hai, Sài Thiệu làm chủ soái đem quân tiểu trừ Lương Sư Đô. Hiệt Lợi sai Đạt Nặc dẫn quân cứu viện, gặp mùa đông mưa tuyết khiến ngựa chết vô số, đại quân Hiệt Lợi bị cản trở không thể đến được, chỉ còn cách đứng nhìn Sài Thiệu tiến chiếm Sóc Phương, giết chết Lương Sư Đô
Sự nghiệp thống nhất của Lý Thế Dân cuối cùng đã đại công cáo thành. Vào tháng mười một, năm Trinh Quán thứ ba, thời hạn của Minh Ước Bạch Mã đã hết, Hiệt Lợi tiên phát chế nhân, mở mặt trận phía tây, đem quân xâm lăng các châu ở Hà Tây, nhưng bị quân Đường chặn lại, trận chiến kéo dài mấy tháng trời.
Lý Thế Dân biết Hiệt Lợi không dễ gì chịu rút quân, nhân lúc Hiệt Lợi tập trung quân lực ở Hà Tây, liền lệnh cho năm đại tướng Lý Tịnh, Sài Thiệu, Lý Đạo Tông, Tiết Vạn Triệt cùng Lý Tích đem theo hơn mười vạn quân chia thành năm đạo cấp tốc lên đường, tiến thẳng đến sào huyệt của Hiệt Lợi ở thành Định Tương.
Tháng giêng năm Trinh Quán thứ tư, Lý Tịnh dẫn theo ba ngàn kỵ binh tinh nhuệ, xuất phát từ Mã Ấp, vượt qua Định Tương, đến thẳng mặt bắc của Ác Dương Lĩnh, chặn đường rút lui của quân địch, tối đến âm thầm đem quân tấn công thành Định Tương.
Hiệt Lợi đại bại dẫn quân bỏ chạy, bị Lý Tích chặn đường tập kích khiến toàn quân thương vong vô số. Về đến Chí Thiết Sơn, hắn sai sứ cầu hòa để kéo dài thời gian. Lý Tịnh tương kế tựu kế, thuyết phục Truy Mãnh tấn công bắt sống Hiệt Lợi, trừ bỏ được một đại địch đã quấy phá Trung thổ trong nhiều năm. Trận đại thắng này chấn động cả một vùng Quan Ngoại, lấy lại uy thế hào hùng mà quân đội Trung thổ đã đánh mất từ ngày nhà Hán bị diệt đến nay, khiến Tứ Di Quân Trường Nghệ Khuyết vội xin Đường Thái Tông phong y làm Thiên Khả Hãn. Lý Thế Dân chuẩn y, sai sứ đem ấn lệnh đến quân trường tây bắc, phong y làm Thiên Khả Hãn.
Giữ lời hứa với Khấu Trọng và Từ Tử Lăng là khi lên ngôi sẽ lo cho dân chúng yên ổn làm ăn, nên chỉ trong bốn năm ngắn ngủi, Lý Thế Dân đã hoàn thành thiên thu đại nghiệp, đất nước ổn định, kinh tế phát triễn, dẹp tan ngoại xâm. Năm đầu tiên, số hộ gia đình chưa đến ba trăm vạn, một xấp lụa chỉ đổi được một đấu gạo. Nhờ chính sự ổn định, luật lệ rõ ràng nên dân chúng yên tâm làm ăn, chỉ bốn năm sau, một đấu gạo giá chỉ bốn năm tiền, tối ngủ không cần khóa cửa, trâu ngựa đầy đồng, đi chơi xa không cần mang theo lương thực, dân tình yên ổn làm ăn. Các dân tộc lân bang theo về gần một trăm hai mươi vạn người, tù tội giảm hẳn, số tử tội khoảng hai mươi chín người. Về phương diện đối ngoại, do ưu thế quá lớn về quân sự cộng thêm các chính sách ngoại giao khôn khéo, mềm dẻo nên các lân bang đều thần phục. Một thời thái bình thịnh trị chưa từng có trong lịch sử đã được khai sáng.