Đất Trời- Chương 07 part 2
Chia tay Lê Lợi, Trần Nguyên Hãn rập đầu :
- Tâu hoàng thượng, chuyến này thần mang được Bế Khắc Thiệu về với triều đình thì chỉ xin một điều. Ðó là chuyện thần đã bẩm năm ngoái, rằng xưa thần rong ruổi chiến trận đã nhiều, nay có tuổi nên thần mỏi mệt, thần chỉ mong được về điền viên vui cảnh già, hoàng thượng chuẩn y thì thần đội lượng vô cùng...
Lợi vội đỡ Hãn lên, nắm tay ôn tồn :
- Khanh là đệ nhất công thần, là rường cột xã tắc. Xưa hoạn nạn chia, bây giờ là lúc phúc cùng hưởng. Cũng vì biết khanh đã khó nhọc mà nay cậy đến khanh vào trấn Thái Nguyên, lòng ta cũng không yên. Cứ đi đi, rồi lúc về, ta sẽ bàn sau...
Nói xong, Lợi rút viên hồng ngọc trên đai áo, đưa vào tay Hãn, giọng run run :
- Khanh cầm lấy, như lúc nào cũng có ta ở bên khanh. Chưa bình định được mọi miền, thu dân về một mối là lòng ta không yên. Xưa, thời chiếân dùng sách Tâm công. Nay, thời bình không lẽ ta lại đi dụng lực. Họ Bế về hàng là để cùng chia ân phúc thái hòa, khanh cứ thế mà nói cho tỏ tường...
Hãn lạy tạ rồi lên đường. Mang theo sáu tên gia đinh. Hãn ruổi ngựa hai ngày sau thì vào địa phận dưới quyền cai quản của họ Bế. Vốn đã xuôi ngược giả dạng đi bán dầu để tụ tập nghĩa quân thời kháng Minh trước khi về với Nguyễn Chích, Hãn và Thiệu biết nhau từ lâu. Mấy năm gần đây, Hãn lại là người chỉ huy mặt trận chặn đường quân Minh đến từ Lưỡng Quảng nên đôi lần gặp gỡ Thiệu. Biết dùng tình mà nói thì sớm muộn Thiệu cũng mềm lòng bỏ cái chí một mình giữ một cõi, Hãn đưa viên hồng ngọc của Lợi làm quà. Bỏ hết mũ áo, Hãn ngồi xếp bằng trên sàn lán, uống rượu suốt một ngày với Thiệu. Hôm sau, Hãn khề khàbảo :
- Về với ta đi !
Thiệu lắc :
- Về thế nào được. Mình người Mường, nó khác mình khác...
- Mình Mường Việt, Mường Lễ. Nó Mường Một, Mường Thôi. Cũng Mường cả... có khác gì đâu !
- Khác chứ ! Mình thật, nó gian. Mình ngay, nó cong. Mình tay làm hàm nhai. Nó nhác việc, lại bắt mình sưu thuế. Thôi uống đi, rượu ngon, thịt béo trước. Nói thì nói sau.
Cứ thế, Hãn nói rồi lại rượu. Ðến chiều ngày thứ ba, Thiệu nghe chừng đã xuôi tai nhưng bất chợt có báo là quân triều đình tới xin được diện kiến Hãn. Hãn bước xuống lán thì Lê Quốc Khí và độ hai mươi dũng sĩ Thiết Ðột vẫn còn ngồi trên mình ngựa. Thấy Hãn, cả bọn xuống ngựa gập người chào. Khí bước đến cạnh Hãn thì thào :
- Bẩm quan Tướng quốc, có chính biến. Hoàng thượng vời ngài về ngay...
- Chính biến ? Chuyện thế nào ? Hãn gặng - Nay hoàng thượng đâu ?
- Hoàng thượng đã xa giá về dinh Bồ Ðề... Còn cơ sự thế nào thì hạ quan không tường tận hết...
Hãn nhảy vội lên lán kiếm Bế Khắc Thiệu rồi vội vàng cùng bọn gia đinh lên ngựa theo Khí và bọn dũng sĩ. Ðám người ngựa len lỏi trong rừng đến tối thì bật hồng đốt đuốc tiếp tục đi. Nhìn Khí, Hãn đột ngột hỏi :
- Khi tướng quân rời kinh, tình hình thế nào ?
- Bẩm thượng quan, binh lính đầy đường kéo nhau đi về phía bờ bắc sông Nhị...
Trong đầu, Hãn điểm qua đám võ tướng hiện còn trực tiếp nắm binh quyền. Bọn Sát, Vấn, Ngân đều là họ hàng ruột thịt với Lợi, chắc là không phản trắc. Còn lại có Trịnh Khả, Ðinh Liệt và Nguyễn Xí. Liệt là em Ðinh Lễ, được phong làm Nhập nội thiếu úy, tước Á hầu, và chẳng có cái gan bạo động. Xí mắc tật mạnh miệng, nhưng lại như con chồn trước cái oai phong hổ báo của Lợi. Còn Khả. Tháng hai năm ngoái, Lợi có thưởng công cho đám người hội thề ở Lũng Nhai và tinh binh Thiết Ðột, tất cả là hai trăm năm mươi sáu người. Là nhân vật hàng thứ ba trong cuộc hội thề, Khả bị đánh tuột xuống lớp chín mươi bốn người có công hạng ba, được ban tước Trí Tự và chức Câu kiềm Vệ tướng quân. Thỉnh thoảng, Khả ấm ức nhắc công mình chiếm thành Tam Giang, sau lại cùng Phạm Văn Xảo đánh tan đám quân nhà Minh do Mộc Thạnh đem từ Vân Nam vào ải Liên Hoa. Thế thì, Hãn nghĩ, chắc là Khả.
Vào lúc tờ mờ sáng, đám người ngựa đến ven sông Lô. Khói sông trên mặt nước bốc thành một tấm màn trắng đục chập chờ trong gió sớm. Hãn hỏi Khí :
- Tướng quân có sắp xếp thuyền đò rồi chứ ?
Nghiêng người trên mình ngựa, Khí thình lình thét :
- Xuất thủ !
Tiếng gươm rút ra khỏi vỏ, rồi tiếng chém xoèn xoẹt lẫn vào tiếng la thét oai oái vang lên choáng tai. Hãn ngẩn người. Sáu tên gia đinh theo Hãn, đứa cụt đầu, đứa lòi ruột ngã từ mình ngựa nằm ngổn ngang trên mặt đất. Sờ vào ngang lưng, Hãn mới nhớ từ lâu nay mình không còn đeo kiếm. Vả lại, bây giờ cũng vô ích. Bọn dũng sĩ Thiết đột vây quanh Hãn, tay kiếm tay nỏ, lẳng lặng nhìn vị Tả Tướng quốc nay thất thần, mặt nhợt nhạt. Hít một hơi thật sâu, Hãn nhìn Khí quát :
- Thế ra chính biến là cái mạng ta à ? Ai ra lệnh cho mi ?
Khí cắn răng, lạnh lùng :
- Tội khi quân ! Hoàng thượng cho Tướng quốc chết toàn thân.
Nói xong, Khí chìa cho Hãn một cái bình sứ đựng thuốc độc. Hãn cười ha hả, miệng kêu ‘‘ đa tạ, đa tạ ! ’’ , tay thò ra nhưng bất ngờ lạng người kéo Khí ngã xuống ngựa. Kẹp lấy yết hầu Khí, Hãn xoay lưng về phía bờ sông, dùng Khí như lá chắn. Bọn dũng sĩ Thiết Ðột thấy chủ tướng bị kiềm chế, chỉ hò hét nhưng không dám làm gì. Hãn lại cười sằng sặc. Nhìn Khí mặt cắt không còn hột máu đang khò khè thở, Hãn rành rọt :
- Hôn quân vô đạo, bức tử công thần. Mi chỉ là tay sai, ta tha mạng cho nhưng về tâu với nó hộ ta là trị quốc bằng Nội Mật viện thì cả nước thành cái nhà tù khổng lồ. Chỉ có cai ngục và tù nhân mà không có dân thì đi về đâu...
Ngẫm nghĩ, Hãn tiếp, giọng bùi ngùi :
- Quân Minh vừa kéo đi, hôn quân giết ngay Quốc vương Trần Cảo, thì ta, giòng giõi nhà Trần, ta đã biết phận ta, nào có muốn nấn ná gì chốn cung đình. Thế mà nó không tha, giở thủ đoạn lừa lọc...
Hãn vung tay ném bình thuốc độc xuống nước, bật miệng :
- ...nhân nghĩa với nó là ban cho thuốc độc, ha ha. Nhưng ta không cần đến mà vẫn chết được một mình.
Ngửng mặt lên trời, Hãn than :
- Hỡi hoàng thiên, đất thấp thì trời phải nhìn xa, lẽ nào để nó thế thiên mà lộng hành đến thế...
Nói xong, Hãn đẩy Khí ngã xấp mặt xuống đất. Lừng lững bước vào mặt nước mù khói, Hãn chìm dần, họng sặc nước nhưng vẫn ghìm chống cái bản năng sống còn cứ chực đẩy cho bật dậy. Bọt nước lục bục từng chập nổi lên, rồi thưa dần, và cuối cùng chỉ còn lăn tăn vô ảnh.
*
Hé mắt nhìn lên những vệt sáng len qua chấn song, Trãi bấm đốt ngón tay đếm những ngày vừa qua. Từ rạng sáng hôm hai mươi sáu, Nội Mật viện cho sai nha mời Trãi lên làm việc. Trãi hỏi việc gì. Không ai đáp. Trãi lại bảo ‘‘...đại thần thì có chỉ vua gọi mới đi thôi ! ’’. Sai nha về nhưng vào giữa trưa Trịnh Hoành Bá đích thân đến nơi Trãi cư ngụ. Hắn sách mé ‘‘...quan Thượng Thư thanh bần nhỉ, vàng bạc giấu đâu cả rồi ? ’’. Không thèm nghe Trãi đáp, hắn hất tay ra lệnh. Bọn Thiết Ðột áp lại không nói không rằng trói gô Trãi mang hạ ngục. Trãi đòi gặp Lê Lợi. Nội Mật viện cho người bảo Ðức Hoàng Thượng đã xa giá ra dinh Bồ Ðề rồi. Cứ thế, đến ngày thứ bảy thì Trãi tuyệt thực. Tên cai tù bắt đầu chỉ cười khẩy. Ðến ngày thứ hai, nó chửi Trãi ngu. Trãi bật cười, mình ngu thật. Chống đói là điều không dễ như chàng tưởng. Bụng có lúc xót như cào, rồi quặn thắt lại. Nước bọt tự động ứa ra, nhắm mắt là thấy cơm, thấy cá. Thấy những món ăn thuở bé thèm thuồng. Như một trái ổi xanh. Một quả me chín. Một trái hồng đào. Một bát canh mướp nấu với tôm khô. Cái khổ nhất, là đến bữa, cai tù lại đẩy khay cơm vào. Nhìn mà không ăn, quả là một cực hình. Oái oăm thay, trong đời có lúc miếng ăn là miếng nhục.
Trước cái cám dỗ của khay cơm, Trãi quay người nhìn vào tường. Ngày sau, Trải nhìn thấy một con dán. Bé bằng đầu ngón tay, nó vểnh hai sợi râu lên, mon men bò về phía khay cơm. Sợ hơi người nên vẫn rụt dè e ngại, nó chạy lên rồi lại dừng lại, nép vào khe vách nằm im giả chết. Tìm miếng ăn để cầu sống dẫu tự nhiên nhưng quả không phải chẳng hiểm nguy, Trải chua chát nghĩ. Chàng đẩy khay cơm ra xa. Con dán cánh đen mầu gụ lân la rồi cuối cùng bò hẳn vào cái khay, lấy chân khều những hạt cơm trộn mắm. Ðến ngày thứ hai, nó quen dần, nay thủng thỉnh đến ăn bữa cơm tù, vểnh râu nhìn Trải chẳng chút sợ hãi.
Cái gông trên vai mới nặng làm sao. Nó nghiến vào vai Trãi, ấn chàng vào cái thế dở nằm dở ngồi. A, diệân bích là một cách tu. Nhưng biết thế nào là đạt đạo đây. Con đường tu này oái oăm thật. Thuở còn giặc Minh, chàng tránh né nên dẫu chi cũng không phải nằm trong đề lao sống đời tù ngục. Thuở đánh giặc Minh, dù có bị vây hãm, nhưng chàng vẫn giữ được cái tự do ngắm trời ngắm đất mơ chuyện vẫy vùng. Nay, thuở đuổi xong giặc Minh thì Trãi đây, Lại Bộ Thượng Thư triều Lê Thái Tổ nước Ðại Việt, bị ném vào giữa bốn bức tường đánh bạn với một con dán, cổ đeo cái gông gỗ lim gài then nặng trĩu cứ chực đẩy cho ngã chúi mặt xuống đất đen.
Chống đói được đến ngày thứ tư thì thể xác không còn hành hạ như trước nhưng trí óc lại trôi vào một chốn mập mờ hư thực. Ðúng lúc đó, Trịnh Hoành Bá xuất hiện. Hắn sai cởi gông cho Trãi, đưa vào một mâm có canh gà cá gỏi, ngọt ngào :
- Ông phải ăn đi một tí, cứù thế này thì chết mất...
Trãi im lặng, thản nhiên nhìn lên trần.
- Hoàng thượng lệnh cho tôi đến phiền ông, hỏi về cái sách cát cứ của Bế Khắc Thiệu ở trấn Thái Nguyên, hư thực thế nào...
Trãi vẫn im lặng.
- Và chẳng hiểu Tả Tướng quốc có biết ý đồ của Thiệu không ? Xưa nay, chỉ mình ông ấy là có đi lại với Thiệu...
Trãi bỗng chột dạ. Chuyện gì đã xảy ra ngoài kia ? Phải chăng Hãn đã manh động dấy quân ? Không, không thể thế. Hãn thừa biết mệnh trời với nhà Trần đã dứt từ thời Trùng Quang. Ngay khi Lợi giết Trần Cảo, Hãn cũng chẳng nói gì. Ðẩy mâm cơm sang một bên, Trãi thều thào :
- Ông trình với Hoàng Thượng, tôi biết. Biết nhiều chuyện nhưng chỉ có thể tâu thẳng với ngài...
Không cậy được miệng Trãi, Hoành Bá bỏ đi, mặt xầm xuống như đeo đá.
Nằm trong bóng đen, Trãi cố tập trung suy nghĩ nhưng tâm trí cứ như những mảng lục bình rời ra trôi giữa một dòng sông bập bềnh. Chống tay ngồi dậy, Trãi dựa lưng vào tường, cố mở mắt. Trong khoảng sáng tờ mờ hắt qua khe cửa ngục, ai đó ngồi nhìn Trãi. Chàng nhướng mắt lên, sửng sốt kêu :
- Huynh đó à ?
Hãn mặt bủng, da trắng bệnh, quần áo sũng nước khẽ gật đầu. Trãi vội vã :
- Sao huynh lại thế này !
Hình ảnh Hãn nhợt nhạt dần. Trãi nghe văng vẳng :
- Chuyện ‘‘ Phá cường địch, công thần vong ’’ dẫu có biết, tránh cũng không xong. Lưu Nhân Chú hôm qua bị chúng nó đâm lòi ruột...
- Chúng nó là ai ?
- ...Nguyễn Chích cũng bị hạ ngục. Ta đã xin vào xem sổ Thiên Tào. Chưa có tên chú. Chưa có tên Chích !
Bên tai Trãi, lại tiếng cười ha hả quen thuộc của Hãn vang lên rồi xa đi mơ hồ thành tiếng muỗi vo ve. Trong đầu Trãi, mọi việc bỗng trở nên trong suốt. Họ Bế trấn chiếm Thái Nguyên cả hai đời nay, quân Minh xưa có đánh cũng không bình định được. Lưu Nhân Chú là người Thái Nguyên, kẻ tìm cách mang quân của Bế về hợp với nghĩa quân Lam Sơn từ ngày Lê Lợi xưng là Bình Ðịnh Vương, nhưng chuyện không thành. Còn Nguyễn Chích, thân cận với Hãn, công chiếm hai châu Hoan, Ái và vây thành Nghệ An tạo ra thế bàn đạp đưa đường cho nghĩa quân tiến về Ðông Ðô. Và chàng, nay cũng tù ngục. Tiếng thở dài của Hãn dưới chân thành Xương Giang năm nọ lại mơ hồ cất lên dài ra hun hút.
Hai hôm sau, bọn văn quan Nguyễn Thiên Tích và Bùi Ư Ðài vào ngục. Tích là người Trãi đã tiến cử vào làm Ngôn quan. Ðài nay là Ngự sử. Tích nhìn Trãi thoi thóp, buột miệng nói lớn :
- Nỗi oan này, đúng là trời không có mắt...
Trãi thều thào :
- Không phải trời, mà là người...
Bùi Ư Ðài hỏi :
- Quan Lại bộ Thượng Thư, bây giời ngài định thế nào ?
Trãi chua chát :
- Tên tù Nguyễn Trãi này còn định được gì. Hãn chết rồi. Lưu Nhân Chú cũng vậy...
Ðài ngạc nhiên :
- Sao ngài biết ?
- Hãn báo mộng... Tả Tướng quốc, chắc là chết oan, có nhắn Hoàng Thượng...
- Nhắn gì...
Trãi mượn người chết nói thay mình :
- Nhắn rằng chẳng việc gì mà Hoàng Thượng phải sợ đến nỗi đi giết công thần, trái cái ước là họa cùng chia phúc cùng hưởng. Hãy thả Chích...
Thiên Tích chép lời Trãi, rồi hỏi :
- Còn gì nữa...
- Ðuổi giặc là lấy được Thiên mệnh. Từ cổ kim, một triều đại mới thường ít là trị vì được ba đời. Nhưng nếu dùng nhân, để đức thì có thể kéo dài đến sáu, bảy đời trong độ hai trăm năm. Ðó là qui luật. Sợ mà thất đức nổi cuồng thì tự dấy vạ...
Bùi Ư Ðài nhỏ nhẹ :
- Nhưng đó là lời Hãn. Còn ngài ?
Nguyễn Trãi quay mặt vào tường, yếu ớt đáp :
- Còn Trãi... Ta thật có còn không ? Ðiều đó có quan hệ gì ? Cái đạo quân - thần mới thực sự là điều cần gìn giữ... Ngoài ra, thì rồi sinh rồi tử. Quân cũng vậy, mà thần cũng thế. Nhưng cái đạo quân - thần thì phải để truyền đời...
Nói đến đấy, Trãi lịm người đi, mắt nhắm lại.
*
Trăng lưỡi liềm lơ lửng treo đầu trên đỉnh tháp Báo Thiên thoắt một cái đã biến sau lớp mây vun vút bay ngang. Mây lòe lên như trạm bạc, lát sau thẫm lại rồi biến vào bầu trời đen kịt. Tiếng quạ đâu đây quang quác. Chẳng biết vì sao chúng kéo về hàng đàn, ngày không thấy nhưng đêm lại chập cánh bay phành phạch suốt canh hai và canh ba.
Cho đốt bạch lạp để khắp thư phòng, Lợi chống tay lên án. Sau ngày điểm binh và giải giới quân binh đến bốn phần năm, không một võ tướng nào có đủ lực lượng chống được năm đạo Thiết Ðột do chính Lợi chỉ huy điều động. Bức tử Hãn, hạ ngục Nguyễn Chính và Nguyễn Trãi, rồi sau lại để Lê Sát và Lê Vấn sát hại Lưu Nhân Chú khiến đám đại thần văn võ co quắp run sợ. Với uy lực đó, Lợi ra lệnh bắt họ nộp lại số kim ngân họ mang tiếng đã lấy ở Bến Ðông dịp sông Nhị nẩy vàng ròng. Chánh nhất phẩm, nộp hai lạng, tòng nhất phẩm lạng rưỡi... cho đến tòng ngũ phẩm thì không phải nộp. Trăm quan răm rắp tuân lệnh, kẻ không có thì phải đi vay đi mượn, chẳng một ai dám than van.
Sáng nay đám Ngôn quan vào tâu việc Chích và Trãi. Nghe Nguyễn Thiên Tích thuật xong, Lợi đập án :
- Chỉ rặt chuyện quái dị...
Tích rập đầu tâu :
- ...nhưng Trãi nằêm trong ngục, sao biết được cả chuyện Lưu Nhân Chú chết và Chích bị hạ ngục. Hoàng Thượng xét cho, Trãi nào có nguy hiểm gì. Cái chuyện lá có đục chữ ‘‘ Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần’’ nay dân gian đều biết, dẫu Trãi có hai lòng thì cũng chẳng ai theo...
Nguyễn Thiện Hựu, là em Tích, cũng quì xuống khẩn cầu ;
- Tâu Hoàng Thượng, Trãi là anh em cô cậu với Hãn thì đâu phải là tội. Vả lại, gia nhân bạn bè Hãn nay Nội Mật viện đã truy lùng bắt bớ đến hàng trăm người, tha Trãi sẽ tỏ ra cái đức của đấng Minh quân, cái dũng của bực Thiên tử. Mặt khác, chuyện thiết lập bộ máy triều chính thì Hoàng Thượng đã xuống chiếu tháng sáu này sát hạch kinh sử trăm quan, xét khả năng mà cắt cử. Phi Trãi ra ai là người đủ kinh lịch và kiến thức để chủ trì việc này. Như thế, tha Trãi là dụng cái trí của đấng bề trên trông xa mà bỏ gần...
Lợi tần ngần, tay xoa chùm lông trên má, rồi phẩy tay đuổi bọn Ngôn quan ra ngoài. Ngẫm nghĩ lại, Lợi bỗng rùng mình. Từ khi phong Tư Tề làm Quốc Vương, ngày nào bụng Lợi cũng ngâm ngẩm đau, ăn uống gì là chỉ chực nôn ra. Bọn Ngự y bắt mạch, chẩn đoán rằng Lợi bị bệnh rối ruột vì âu lo, cắt thuốc cho hạ hỏa rồi tẩm bổ sâm nhung. Nhưng cứ về đêm, chợp mắt lúc nào là Lợi lại nghe văng vẳng tiếng khóc rấm rứt. Ban đầu, tiếng khóc ở cửa sổ. Ít lâu sau, Lợi nghe tiếng đập cửa, nhưng đám thị vệ nói không thấy một ai. Gần đây, tiếng khóc rõ ràng là ngay đầu long sàng. Rồi một đêm, khi Lợi thiếp đi vì mệt thì có người lay dậy. Mắt nhắm mắt mở, Lợi quát :
- Ai ?
Tiếng trả lời :
- Ngọc Trần đây ! Người nuốt lời ở sông Ác rồi sao ?
Lợi vùng ngồi lên. Ngay dưới chân giường, đúng là Ngọc Trần mặt tái bệch, tóc dài xõa xuống đến lưng, há miệng lưỡi đỏ lòm sắc máu. Lợi quát :
- Mi về đây làm gì ?
- Ta về ta nhắc mi cái lời hứa năm xưa khi mi hiến ta làm vật tế cho thần Phổ Hộ... Tại sao mi phong Tư Tề làm Quốc Vương và Nguyên Long, con ta, chỉ là Hoàng thái tử ?
Lợi gằn giọng :
- Ta là vua, ta làm gì mà chẳng được...
Ngọc Trần dang tay tát vào mặt Lợi, lưỡi thè dài ra như rắn cuốn lấy cổ Lợi xiết lại.
Lợi vùng vẫy kêu thét lên. Khi đám Ngự y vội chạy vào thì Lợi đã ngã úp mặt xuống đất. Bắt mạch, đám ngự y ngạc nhiên thấy thân hàn xuống hẳn và từ đó không dám cắt thuốc hạ hỏa nữa. Bụng Lợi lại tiếp tục đau ngâm ngẩm, không ăn uống được.
Những đêm sau đó, Lợi bắt mỗi đêm có một tay Ngự y thức canh chừng ngay trong phòng. Nhưng cứ chợp mắt, Ngọc Trần lại xuất hiện, hỏi lại đúng một câu, lắm đêm thoát y, thân thể lõa lồ, tay lấy váy đập vào mặt Lợi. Mỗi lần, Lợi lại la thét cho đến khi Ngự y lay dậy.
*
Nhận được chỉ mời vào kinh gấp, Nhất Hạnh không biết chuyện gì, vội vã lên đường. Sư vốn là người thân thích với Lê Lợi, tu ở chùa Chân Phúc phía bắc Lư Sơn từ khi tóc để chỏm. Ba năm cuối trước khi nghĩa quân toàn thắng, Lợi giấu Nguyên Long trong chùa. Lúc bị vây hãm ở núi Chi Linh, con gái lớn của Lợi là Thị Quyên bị Mã Kỳ bắt cóc đưa về Kim Lăng. Ðể tránh cái cảnh bị tướng nhà Minh tạo áp lực, từ ngày đó Lợi cho con cái ẩn vào các nơi chùa chiền dân dã.
Khi Lợi dọn từ dinh Bồ Ðề về điện Vạn Thọ thì mới đưa Nguyên Long về kinh. Lên bảy, Long vẫn chưa biết đọc. Nhất Hạnh dạy vỡ lòng, giận đến phải đánh mắng, nhưng Long cứng cổ. Trêu Hạnh, khi viết Long viết ngược. Chỉ ba chữ Thiên - Ðịa - Nhân mà mất đến hai tháng Long mới viết được đúng có một lần. Hạnh rút cục chịu thua, mặc cho Long lêu lổng cả ngày đi lùng cào cào, châu chấu. Phá phách cây cảnh chán, Long lại tìm đủ cách chòng ghẹo người đi lễ chùa. Rầy la thì Long giả vâng dạ, nhưng thoáng một cái là đâu vào đấy.
Hạnh vào hoàng cung lúc trời vừa tối. Lê Lợi vẫn ở điện Cần Chính nhưng dặn hoạn quan Ðinh Hối đưa Hạnh vào thư phòng. Ðến khuya, Lợi mới tới. Gặp Hạnh, Lợi kể ngay chuyện ăn ngủ không yên, đêm nào cũng mơ thấy Ngọc Trần. Nhìn khí sắc Lợi, Hạnh phát sợ. Mắt hõm sâu xuống, lưỡng quyền nhô cao lên, Lợi đôi khi thất thần như ai cướp hồn bắt vía.
- Bây giờ phải làm sao ? Lợi hỏi
Cúi đầu ngẫm nghĩ, Hạnh đáp :
- Cầu siêu, bẩm Hoàng Thượng. Ðể bần tăng gọi thêm một con đồng xem cái oan hồn kia muốn gì.
- Nhưng phải hạn hẹp, đừng để người ta biết !
- Bẩm Hoàng Thượng, chỉ cần những người trực tiếp liên quan đến việc này, là Tư Tề và Nguyên Long. Thế thôi !