Tuyết - Chương 32

TÔI KHÔNG THỂ, CHỪNG NÀO CÔN CÔ HAI LINH HỒN NGỤ TRONG

THỂ XÁC TÔI

Tình yêu, sự hèn kém và việc Lam biến mất


Ka rời khách sạn Lâu Đài Tuyết lúc năm giờ kém mười lăm, trước khi Turgut Bey và Kadife từ cuộc họp ở khách sạn Châu Á quay về. Còn mười lăm phút nữa mới đến giờ hẹn gặp Fazil, nhưng hạnh phúc tràn trề khiến ông không ngồi yên nổi. Ông rẽ trái đi khỏi phố Atatürk, lang thang đến tận sông Kars và trên đường đi ông quan sát đám người trong các quán trà, những màn ti vi đang chạy, dãy cửa hàng tạp phẩm và hiệu ảnh. Ông bước lên cây cầu sắt hút mấy điếu Marlboro liền mà không thèm để tâm đến trời lạnh, và mơ màng nghĩ đến cuộc sống hạnh phúc với Ipek ở Frankfurt. Trong công viên đối diện, nơi ngày xưa các nhà giàu ở Kars xem trượt băng, bây giờ là bóng tối ghê sợ ngự trị. 

Fazil đến hơi muộn và trong một thoáng nhập nhoạng Ka lại nhầm cậu với Necip. Họ cùng đi vào quán trà Anh Em Hạnh Phúc, và Fazil kể cho Ka nghe chi tiết cuộc gặp gỡ tại khách sạn Châu Á. Đến đoạn cậu cho rằng Kars sẽ đi vào lịch sử thế giới, Ka đột ngột chặn cậu lại như khi người ta cần nghe một tin trên radio, và viết bài thơ "Toàn nhân loại và những tinh cầu"

Theo các ghi chép sau này, Ka cho bài thơ này miêu tả nỗi phiền muộn của một thành phố hoang phế không có vị trí trong lịch sử, mở đầu tương tự như cảnh đầu một số phim Hollywood đã xem và rất say mê hồi còn bé. Sau tiêu đề, thoạt tiên ống kính thu từ xa hình trái đất chầm chậm quay, rồi tiến dần lại gần, sau đó chợt hiện ra một đất nước - và trong cuốn phim Ka quay từ thời thơ ấu trong tưởng tượng thì dĩ nhiên nước đó là Thổ Nhĩ Kỳ: màu xanh của biển Marmara, Hắc Hải và Bosporus hiện lên, và trong khi máy quay phim ngày càng lại gần thì người ta thấy Istanbul, quận Nişantaşi nơi ông sống tuổi thơ, người cảnh sát giao thông ở phố Teşvikyie, con phố Thi Sĩ Nigâr bé tẹo. Mái nhà và cây cối (ngắm từ trên xuống mới đẹp sao!), quần áo trên dây phơi, áp phích quảng cáo đồ hộp Tamek, máng nước gỉ sét, tường nhà không trát vữa mà quét hắc ín, và dần dần đến lượt cửa sổ của Ka. Ống kính máy quay vượt qua cửa sổ vào trong nhà, rảo qua căn phòng đầy sách, đồ vật và thảm bụi bặm, quay đến Ka đang ngồi viết bên chiếc bàn kê trước cửa sổ đối diện, rồi qua vai đến tận mũi nhọn của ngòi bút máy, và ta có thể đọc được những dòng cuối của bức thư đang viết ĐỊA CHỈ NƠI TA ĐI VÀO LỊCH SỬ THẾ GIỚI THI CA: THI SĨ Ka, SỐ 1618 PHỐ THI SĨ NIGÂR, NIŞANTAŞI, ISTANBUL, THỒ NHĨ KỲ. Độc giả tinh ý sẽ thấy ngay bài thơ này tuy nằm trên trục LÝ TRÍ, nhưng lại ở trong phạm vi ảnh hưởng của TUỞNG TUỢNG. 

Cuối câu chuyện cậu tường thuật lại, Fazil kể về điều làm cậu thực sự đau lòng: cậu cực kỳ xốn xang vì đã nói là mình sẽ tự sát nếu Kadife bỏ khăn trùm ra. "Tôi đau lòng không chỉ vì tự sát là mất lòng tin vào Thượng đế, mà vì tôi không hề muốn làm việc đó. Cớ gì tôi lại nói ra điều mà tôi không tin?" Sau khi nói với Kadife, cậu thầm cầu nguyện: "Con hối hận, Thượng đế hãy rủ lòng thương con!"Nhưng lúc nhìn vào mắt cô ở cạnh cửa thì cậu run lên bần bật. 

"Kadife có tin là tôi yêu cô ấy không?" 

"Cậu yêu Kadife?" 

"Ông biết là tôi từng yêu Teslime ở thế giới bên kia, và người bạn đã chết Necip của tôi yêu Kadife. Tôi xấu hổ vì chưa đầy một ngày sau khi bạn chết đã yêu người yêu của bạn. Tôi cũng biết là chỉ có một lời giải thích duy nhất cho chuyện đó và nó khiến tôi sợ. Ông cho tôi biết làm sao ông có thể biết chắc là Necip đã chết?" 

"Tôi đã nhìn kỹ lỗ đạn trước khi đặt tay vào xác và hôn lên hai má." 

"Có thể linh hồn Necip giờ đang sống trong tôi,"Fazil nói."Ông nghe này. Tối qua tôi không thích kịch và cũng chẳng xem tivi. Tôi lên giường đi ngủ sớm. Trong giấc ngủ tôi hiểu ra rằng Necip đã gặp đại hạn. Khi lính xông vào nhà ngủ của chúng tôi thì tôi không nghi ngờ gì nữa. Lúc gặp ông ở thư viện tôi đã biết là Necip chết rồi, vì linh hồn nó đã nhập vào cơ thể tôi. Lúc đó là buổi sáng sớm. Đám lính càn vào nhà ngủ không làm gì tôi cả.Buổi đêm tôi ngủ ở nhà bạn bố tôi từ hồi trong quân đội. Chú ấy người Varto và sống ở phố Chợ. Sáu tiếng sau khi Necip chết, vào lúc sáng sớm tôi nhận thấy mình mang nó trong người. Tôi đang nằm ngủ trên giường khách thì chợt bị một cơn chóng mặt ngắn, rồi tôi có một cảm giác rất lạ, rất ấm áp tận sâu bên trong. Bạn tôi đã đến với tôi, nó ở trong tôi. Như sách ngày xưa nói, linh hồn một người rời bỏ thể xác sáu tiếng sau khi chết. Suyuti đã viết là linh hồn biến ảo như thủy ngân, và cho đến ngày tận thế nó phải ở Barzah, đường biên giữa thế giới bên này và bên kia. Song linh hồn Necip đã nhập vào tôi. Tôi tin chắc là thế. Và tôi cũng sợ, vì chuyện đó không thấy nói trong kinh Koran. Nhưng nếu không đúng thế thì làm sao tôi có thể yêu Kadife nhanh như vậy. Và cũng do đó tự sát vì cô ấy đâu phải là ý nghĩ riêng của tôi. Ông có tin là linh hồn Necip đang sống trong tôi không?" 

"Nếu cậu tin thế," Ka thận trọng nói. 

"Tôi chỉ nói với riêng ông. Necip đã tiết lộ các bí mật của nó với ông chứ không cho ai khác biết. Tôi xin ông cho tôi biết sự thực: Necip chưa bao giờ nói với tôi là nó có những nghi vấn mang tính vô thần. Nhưng có thể nó nhắc đến chuyện đó trước mặt ông. Có bao giờ Necip nói - xin Thượng đế tha tội - là nó nghi ngờ sự tồn tại của Allah không?" 

"Nó không nói về ý nghi ngờ nào như vậy, mà về chuyện khác. Như nó đã nói với tôi, tình cờ nó nghĩ đến sự không tồn tại của Thượng đế vô vàn kính yêu, giống như một người tưởng tượng ra cái chết của bố hay mẹ mình mà trào nước mắt và thấy sung sướng từ nỗi đau ấy." 

"Bây giờ tôi cũng trong tình trạng đó."Fazil ngắt lời ông. "Và tôi tin chắc rằng linh hồn Necip đã truyền vào tôi nghi ngờ ấy." 

"Nghi ngờ như thế không đồng nghĩa với thuyết vô thần." 

"Nhưng đến giờ thì tôi cũng thấy các thiếu nữ tự sát là đúng,"Fazil buồn bã nói. "Tôi vừa nói là tôi sẵn sàng tự sát. Tôi không muốn gọi Necip là người vô thần, nhưng bây giờ tôi nghe tiếng một người vô thần trong tôi khiến tôi rất hoảng sợ. Tôi không biết ông có phải là người vô thần, nhưng ông đã sống ở châu Âu, đã làm quen nhiều trí thức, nhiều người uống rượu và sử dựng ma túy. Xin ông nói cho tôi nghe một lần nữa: người vô thần cảm nhận gì?" 

"Ở đó không ai suốt ngày bận tâm nghĩ đến tự sát." 

"Không phải suốt ngày, nhưng đôi lúc tôi muốn tự sát." 

"Vì sao?" 

"Vì tôi luôn nhớ đến Kadife, ngoài ra không còn gì khác nữa. Lúc nào tôi cũng thấy Kadife trước mắt! Lúc làm bài về nhà, lúc xem ti vi, lúc đợi trời tối, ở những nơi hoàn toàn không liên quan đến Kadife - tất cả nhắc tôi nhớ đến cô ấy, và tôi khổ sở vô cùng. Trước khi Necip chết đã thế rồi. Thực sự tôi chưa bao giờ yêu Teslime, mà chỉ yêu Kadife. Nhưng tôi chôn vùi tất cả trong lòng vì Kadife là mối tình của bạn tôi. Cũng chỉ vì nó luôn mồm nói đến Kadife mà khơi dậy lửa tình trong tôi. Khi quân lính xông vào nhà ngủ, tôi tin là có thể chúng đã giết Necip, và đúng thế, tôi thấy vui mừng. Không phải vì bây giờ tôi có thể công khai tình yêu đối với Kadife, mà vì tôi cảm thấy căm thù Necip, người đã châm ngòi cho mối tình này trong tôi. Giờ thì Necip chết rồi, tôi được tự do, nhưng hậu quả là tôi càng yêu Kadife hơn. Từ lúc ngủ dậy là tôi đã nghĩ đến cô ấy và ngày càng ít nghĩ đến bất kỳ chuyện nào khác hơn. Lạy trời, tôi phải làm gì đây!"Fazil lấy hai tay ôm mặt và khóc. 

Ka châm một điếu Marlboro và cảm nhận một sự bàng quan ích kỷ. Nhưng ông vẫn đưa tay ra vuốt tóc Fazil một lúc lâu. 

Có người lại gần họ, một mắt nhìn họ còn mắt kia hướng ra ti vi: mật vụ Saffet. "Thằng bé không việc gì phải khóc. Tôi không nộp thẻ căn cước cửa nó vào đồn mà đem theo người đây," ông ta nói. Không thấy Fazil phản ứng, Ka cầm lấy tấm thẻ mà Saffet lấy trong túi và chìa ra. "Sao nó lại khóc?" Saffet hỏi, nửa vì công việc và nửa vì quan tâm. "Vì chuyện yêu đương," Ka nói. Câu trả lời làm tên mật vụ yên tâm ngay. Ka nhìn theo cho đến khi ông ta ra khỏi quán trà. 

Sau đó Fazil hỏi phải làm gì để thu hút sự chú ý của Kadife.Và cậu nói là cả thành phố biết Ka yêu chị cô, Ipek. Ka thấy lòng say mê của Fazil thật vô vọng và lầm lạc, khiến ông thoáng lo sợ tình yêu của mình đối với Ipek cũng mịt mù như vậy. Ông khô khan lặp lại đề nghị của Ipek"Hãy là chính mình!" cho Fazil lúc này đã thôi nức nở. 

"Nhưng tôi không thể, chừng nào còn có hai linh hồn ngụ trong thể xác tôi,"Fazil nói,thêm vào đó, linh hồn vô thần của Necip đang dần chiếm thế thượng phong. Nhiều năm qua tôi vẫn nghĩ là các bạn tôi sai lầm khi dính dáng đến chính trị, giờ thì tôi muốn cùng phe Hồi giáo chính trị làm gì đó chống lại đảo chính.Nhưng tôi cảm thấy mình làm chuyện đó chỉ để Kadife hài lòng.Tôi thấy sợ vì không thể nghĩ đến gì khác ngoài Kadife. Chẳng phải vì tôi hoàn toàn không quen Kadife, mà vì tôi thấy mình như một kẻ vô thần, không còn tin vào gì khác ngoài tình yêu và hạnh phúc." 

Khi Fazil lại bắt đầu khóc nữa, Ka tự hỏi có nên nói với cậu rằng không nên để lộ tình yêu đối với Kadife trước mặt thiên hạ và nên cẩn trọng giữ mình trước Lam. Ông cũng đoán là Fazilbiết quan hệ giữa Lam và Kadife, một khi đã biết cả chuyện giữa ông và Ipek. Và nếu biết tình hình rồi thì vì lý do thứ bậc trong chính trị Hồi giáo ở Ka cậu không bao giờ được phép yêu Kadife. 

"Chúng tôi nghèo và hèn kém, toàn bộ vấn đề là ở đó,"Fazil nói trong cơn thịnh nộ khác thường. "Cuộc sống nhỏ nhoi của chúng tôi không có chỗ trong lịch sử loài người. Một ngày nào đó tất cả chúng tôi, những người sống ở thành phố Kars tội nghiệp này sẽ chết rấp. Sẽ chẳng ai nhớ đến chúng tôi, chẳng ai quan tâm đến chúng tôi cả. Chúng tôi chỉ là những con rối vô tích sự, sẵn sàng cắn xé nhau vì một vấn đề như phụ nữ nên đội gì lên đầu, chà đạp nhau trong những cuộc cãi vã vô nghĩa và tầm thường.Tất cả sẽ quên chúng tôi đi. Khi nhận ra rằng chúng tôi sẽ biến khỏi thế giới này mà không để lại tăm tích sau khi đã sống một cuộc đời ngu dại khủng khiếp, tôi hoàn toàn thấu hiểu rằng trên đời này chỉ có tình yêu. Lúc đó, mọi cảm nhận của tôi về Kadife còn hành hạ tôi kinh khủng hơn nữa, khi nghĩ trên thế gian này tôi chỉ tìm được an ủi trong vòng tay cô ấy. Còn Kadife thì không chịu rời khỏi tâm trí tôi." 

"Ừ, những suy nghĩ đó hợp với một kẻ vô thần lắm," Ka nói không chút thương hại. 

Hoặc là Ka không nhớ lại những gì họ bàn luận sau đó, hoặc ông không ghi lại. Trong ti vi đang có một phim quay lén cảnh trẻ con Mỹ bị trượt trên ghế xuống, đập vỡ bể cá, rơi ùm xuống nước, ngã vì dẫm phải gấu váy, tiếng cười từ băng ghi âm rộ lên sau hậu trường. Như những người khác trong quán trà, Fazil và Ka quên hết mọi chuyện và thích thú theo dõi những đứa trẻ Mỹ. 

Trong lúc Ka và Fazil xem trong vô tuyến một chiếc xe tải bí mật luồn qua rừng thì Zahide vào quán trà. Bà rút một phong bì màu vàng ra và đưa Ka, Fazil không để ý đến. Ka mở phong bì, lấy ra mẩu giấy và đọc: thư của Ipek. Kadife và Ipek muốn gặp ông ở hiệu bánh ngọt Đời Mới lúc sáu giờ. Còn hai mươi phút nữa. Zahide được Saffet cho biết là Ka đang ở quán trà Anh Em Hạnh Phúc. 

Fazil nói khi Zahide đã đi khỏi: "Cháu bà ấy ở lớp tôi. Nó mê trò may rủi đến phát cuồng, không bỏ qua trận chọi gà hay đấu chó nào nếu có đặt cược." 

Ka đưa cậu thẻ căn cước mà ông nhận được từ Saffet. "Tôi được gọi về ăn tối ở khách sạn."Ông nói và đứng dậy. 

Fazil hỏi không chút hy vọng: "Ông sẽ gặp Kadife chứ?" Cậu xấu hổ khi thấy nét mặt Ka lộ vẻ ngán ngẩm và thương hại. Lúc Ka ra khỏi quán, cậu hét với theo: "Nếu gặp cô ấy thì ông hãy nói với cô ấy là tôi sẽ tự sát nếu cô ấy để lộ tóc ra. Nhưng không phải vì cô ấy để lộ tóc ra, mà vì tôi sung sướng được tự sát vì cô ấy!" 

Cho đến lúc hẹn còn thì giờ, do đó Ka rẽ vào một phố cắt ngang. Trong khi đi qua phố Bờ Kênh ông nhìn thấy quán trà, nơi ông đã viết bài thơ "Ngõ mơ" hồi sáng. Ông bước vào, nhưng không nghĩ ra vần thơ mới nào như mong đợi. Theo một linh tính đột ngột, ông rời khỏi quán trà ít khách đặc sệt khói thuốc qua cửa sau. Ka đi qua mảnh sân đầy tuyết tối om, bước qua bức tường thấp và đi lên bậc tam cấp, rồi xuống tầng hầm trong tiếng sủa của con chó bị xích. 

Một bóng đèn sáng lờ mờ. Ngoài mùi than và cừu Ka còn ngửi thấy rượu Raki. Cạnh lò sưởi ồn ào lố nhố mấy bóng người. Ông không ngạc nhiên khi thấy giữa những hòm bìa cứng viên mật vụ mũi khoằm của Bộ an ninh quốc gia đang ngồi uống Raki cạnh cô gái Georgia bị lao và chồng cô. Chính họ cũng không có vẻ ngạc nhiên khi thấy Ka xuất hiện. Người đàn bà ốm đội trên đầu một chiếc mũ đỏ duyên dáng. Cô mời Ka trứng luộc và bánh mì cắt lát mỏng, còn chồng cô rót cho ông một ly Raki. Trong lúc Ka bóc quả trứng luộc rắn đanh, viên mật vụ mũi khoằm nói tầng ngầm lò sưởi này là góc ấm áp nhất ở Kars, một thiên đường thực thụ. 

"Thiên đường" là đầu đề bài thơ mà Ka viết ra trong khoảng im lặng sau đó, không đặt bút nghỉ và không sửa một chữ. Đối với ông, khi đặt bài này lên trục TUỞNG TUỢNG cách xa trung tâm bông tuyết, không có nghĩa thiên đường là một tương lai trong tưởng tượng, mà là nơi những tưởng tượng trong hồi ức được lưu lại và sống động. Trong những năm về sau, mỗi lần nhớ lại bài thơ này Ka lại liệt ra một số hồi ức. Ví dụ như kỳ nghỉ hè hồi nhỏ, những hôm trốn học, hay cùng em gái leo lên giường với bố mẹ, hoặc mấy bức hình ông vẽ hồi bé, chuyện ông làm quen một cô gái trong buổi liên hoan ở trường, sau đó gặp lại và hôn cô ra sao. 

Trên đường tới hiệu bánh ngọt Đời Mới, ông nghĩ đến tất cả những chuyện đó và Ipek. Ở đó Ipek và Kadife đã ngồi đợi ông sẵn. Ipek xinh đẹp quá, khiến Ka - cũng vì tác động của rượu Raki uống lúc đói - thoáng cảm thấy hạnh phúc đến rưng rưng nước mắt. Ka không chỉ thấy hạnh phúc vì được ngồi cùng bàn với hai chị em xinh đẹp mà còn thấy tự hào. Ông ước gì những tay bán hàng người Thổ mệt mỏi hằng ngày tươi cười chào ông ở Frankfurt nhìn thấy ông cạnh hai cô gái này. Nhưng trong nhà hàng, nơi ông hiệu trưởng đại học sư phạm bị bắn chết trước đó một hôm, chẳng có ai ngoài ông già bồi bàn. Suốt thời gian ngồi cạnh Ipek và Kadife trong hiệu bánh Đời Mới, hình ảnh chính mình và hai chị em xinh đẹp - cho dù một người đội khăn trùm đầu hiện lên trong đầu ông như chiếc gương chiếu hậu hiện hình chiếc ôtô lẵng nhẵng đi sau. 

Trái với Ka, hai cô gái hoàn toàn không thư thái chút nào. 

Nghe Ka nói là ông được Fazil cho biết những gì diễn ra tại khách sạn Châu Á, Ipek nói tóm tắt. 

"Lam giận dữ rời buổi họp. Bây giờ Kadife rất hối hận vì những gì mình đã phát biểu ở đó. Chúng em đã cho Zahide đến chỗ trốn của Lam nhưng anh ấy không có mặt ở đó. Không thể tìm được Lam."Ipek bắt đầu nói như một cô chị lớn tuổi chỉ muốn giúp em gái, nhưng lúc này trông cô cũng lo lắng vô cùng. 

"Nếu tìm được thì hai người muốn gì ở anh ta?" 

"Trước tiên em muốn chắc chắn rằng anh ấy còn sống và không bị bắt."Ipek nói. Cô nhìn qua Kadife đang chực khóc òa lên bất cứ lúc nào. "Anh hãy kiếm tin tức về Lam, nói cho anh ấy biết Kadife sẽ làm tất cả những gì anh ấy muốn!" 

"Hai người thuộc Kars hơn tôi nhiều." 

"Nhưng chúng em là phụ nữ, mà trời thì tối rồi."Ipek nói.Anh đã quen với thành phố này. Anh hãy tìm quán trà Người Cung Trăng và Chào Mừng ở phố Halit Paşa, nơi học sinh trường tôn giáo là người Hồi giáo chính trị hay đến. Ở đấy bây giờ đầy bọn cảnh sát chìm, nhưng cảnh sát chìm thì cũng ưa lê la buôn chuyện. Nếu có gì xảy ra với Lam thì anh sẽ nghe được." 

Kadife rút khăn tay ra chùi mũi. Ka nghĩ là cô sẽ khóc ngay bây giờ. 

"Anh hãy kiếm tin tức về Lam cho bọn em!"Ipek nói. "Nếu chúng em về muộn sẽ làm bố lo. Bố đợi anh về ăn tối đấy." 

"Ông nhớ tìm đến các quán trà ở quận Bayrampaşa nhé!" Kadife nói khi đứng dậy. Giọng cô run run. 

Nỗi lo lắng và tuyệt vọng của hai cô gái có chút gì đó yếu ớt và hấp dẫn khiến Ka cùng đi với họ một nửa quãng đường từ hiệu bánh về khách sạn Lâu Đài Tuyết vì ông không thể dứt ra đi một mình được. Không chỉ vì sợ mất Ipek, mà một sự đồng lõa bí hiểm gắn ông với họ: họ cùng làm một việc sau lưng ông bố. Ông tưởng tượng ra cảnh sẽ có một ngày Ipek cùng mình đi Frankfurt, Kadife đến thăm họ và tất cả cùng nhau dạo chơi ở phố Berliner, lượn từ quán cà phê này sang quán khác. 

Ông hoàn toàn không tin rằng sẽ làm được công việc đã trao. Quán trà Người Cung Trăng mà ông dễ dàng tìm ra thì tầm thường và tẻ nhạt đến nỗi ông quên béng tại sao lại đến đây. Ông ngồi xem ti vi một lúc lâu. Có mấy người ở độ tuổi sinh viên trong quán, song không ai ra ngồi cùng bàn với ông, mặc cho Ka nói vu vơ về bóng đá để bắt chuyện, thậm chí còn đặt ngay bao thuốc và bật lửa lên bàn xem có ai hỏi xin không. Ông ra khỏi quán khi hiểu ra rằng chẳng moi được tin tức nào, ngay cả từ người bồi bàn mắt lác, và đi qua quán Chào Mừng ngay gần đó. Ở đây cũng có bọn trẻ đang theo dõi trận bóng đá ấy trong ti vi đen trắng. Nếu không nhận ra những mẩu tin cắt từ báo ra và lịch thi đấu năm nay của đội Karsspor dán trên tường chắc Ka không thể nhớ hôm qua đã ngồi đây với Necip để chuyện trò về sự tồn tại của Thượng đế và ý nghĩa thế giới. Ông thấy đã có vài câu nối thêm vào bài thơ tối qua do một nhà thơ khác viết ngay bên cạnh. Ka chép nó vào vở: 

Hiển nhiên là mẹ sẽ không từ thiên đường bay xuống ôm chúng ta vào lòng. 

Và ông bố vô thần của chúng ta sẽ đánh mẹ hằng ngày không tiếc thương. 

Nhưng có sao đâu: mẹ vẫn tỏa sáng hồn ta, vì số phận chúng ta là thế. 

Và một khi ta ngập trong cứt thì Kars là thiên đường. 

"Ông làm thơ à?" chủ quán trà ở quầy đối diện hỏi. 

"Anh đoán khá đấy," Ka nói. "Anh biết đọc ngược à?" 

"Đọc xuôi chiều tôi còn không biết nữa là. Tôi bỏ học, già rồi vẫn chưa biết đánh vần. Giờ thì muộn rồi." 

"Ai viết bài thơ mới trên tường kia?" 

"Một nửa trong số lũ trẻ tới đây là nhà thơ." 

"Sao hôm nay chúng nó không đến?" 

"Hôm qua bị lính bắt sạch rồi. Một số trong tù, một số trốn mất. Ông có thể hỏi mấy người bên bàn kia. Toàn cảnh sát chìm cả đấy họ biết mọi chuyện." 

Anh ta chỉ qua hai thanh niên đang hăng hái bàn chuyện bóng đá, nhưng Ka không lại gần bắt chuyện mà đứng dậy đi khỏi quán. Ông thích thú ngắm tuyết lại bắt đầu rơi. Ông không tin sẽ tìm ra dấu vết gì của Lam ở các quán trà trong quận Bayrampaşa.Trong ông dâng lên niềm xót xa như tối hôm mới đến Kars, nhưng cũng có cả hạnh phúc. Mong đợi một bài thơ đến, ông lướt đi chậm chạp như trong mơ, qua mặt các ngôi nhà bê tông xấu xí thảm hại, bãi đỗ xe phủ đầy tuyết, cửa kính đóng băng của các quán trà, hiệu cắt tóc và tạp hóa, sân vườn có tiếng chó tru lên từ ngày người Nga còn ở đây, cửa hàng phụ tùng máy kéo và xe ngựa, bán thêm cả pho mát. Ông có cảm giác rằng tất cả những gì vừa nhìn thấy sẽ lung linh trước mắt ông cho đến cuối đời: áp phích bầu cử của đảng Tổ quốc, khung cửa sổ nhỏ kéo rèm kín bưng, tờ quảng cáo dán từ mấy tháng lên cửa kính đóng băng của hiệu thuốc Khoa Học "Đã có thuốc tiêm phòng cúm Nhật Bản," và tờ kêu gọi chống tự sát in trên giấy vàng. Sự mẫn cảm sâu sắc để đón nhận từng khoảnh khắc, cảm giác ngay lúc này vạn vật đang hòa quyện với nhau và bản thân mình cũng là một thành tố của thế giới tươi đẹp và sâu lắng này - tất cả mạnh mẽ đến nỗi Ka tin rằng một bài thơ đang đến. Ông vào một quán trà ở đường Atatürk. Nhưng không có thêm bài thơ nào.