Tuyết - Chương 31 - Phần 02

 

"Sau lưng tôi các vị sẽ gọi tôi là đồ hèn. Nhưng chính các vị mới hèn. Người Âu của các vị hèn hơn tất cả. Viết vào đó là tôi đã gọi họ như thế," ông đóng sập cửa sau lưng và biến mất. 

Có người hỏi ông "Hans Hansen Bey" này là ai. Trái với điều Kadife lo ngại, lần này Lam giải thích bằng những lời lịch sự đó là một nhà báo thiện chí và quan tâm chân thành đến các vấn đề của Thổ Nhĩ Kỳ. 

Từ phía sau có tiếng nói: "Trong dân Đức, càng nên cẩn thận trước những người có thiện chí !" 

Một ông mặc áo vest sẫm màu đứng cạnh của sổ hỏi, ngoài bản tuyên bố có đăng cả những bình luận chính trị cá nhân không.Kadife nói, có thể được. 

"Hỡi các bạn, chúng ta không phải là những học sinh cấp một nhút nhát phải đợi người khác lên tiếng trước."Ai đó lên tiếng. 

"Tôi là học sinh trung học," một thanh niên từ hội người Kurd nói. "Ngày trước tôi đã luôn suy nghĩ những điều mình sẽ nói ra hôm nay." 

"Anh biết trước là một ngày nào đó sẽ có cơ hội đăng một lời tuyên bố trên báo Đức hả?" 

"Đúng thế," cậu ta trả lời nghiêm túc, đồng thời lộ một vẻ gì đó đầy nhiệt huyết. "Cũng như mọi người, tôi luôn tin rằng một ngày nào đó sẽ có cơ hội nói cho thế giới biết mình nghĩ gì." 

"Tôi chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện..." 

"Những gì tôi muốn nói ra rất đơn giản." chàng trai nhiệt huyết nói. "Tờ báo ở Frankfurt chỉ cần dành cho tôi hai dòng này:"Chúng tôi không ngu! Chúng tôi chỉ nghèo thôi! Chúng tôi có quyền đòi hỏi người ta làm rõ sự khác biệt ấy." 

"Sao mà có lý thế!" 

Một người từ phía sau hỏi: "Ai là những người cậu gọi là 'chúng tôi'"? Người Thổ, người Kurd, người Azerbaijan, người Cerkez, dân thành phố Kars... Ai?" 

"Vì đó là nhầm lẫn lớn nhất của con người."Chàng thanh niên nhiệt huyết nói tiếp, tảng lờ câu hỏi kia. "Và là nhầm tưởng lớn nhất từ hàng nghìn năm nay: luôn luôn lẫn lộn nghèo và ngu!" 

"Ngu nghĩa là gì? Anh giải thích đi?" 

"Đúng là trong tiến trình đầy vinh quang của lịch sử loài người đã có những nhân vật của tôn giáo và đạo lý nhận ra sự nhầm lẫn đáng xấu hổ nọ, họ nói rằng cả những người nghèo cũng sở hữu tri thức, lòng nhân hậu, trí thông minh và trái tim.Nhìn thấy một người nghèo, Hans Hansen sẽ thương hại người ấy, ông ta không kết luận lập tức rằng kẻ nghèo này là một thằng ngu không biết tận dụng cơ may của mình, một thằng nát rượu không có ý chí." 

"Tôi không biết Hans Hansen kết luận gì, nhưng đó là điều ai cũng nghĩ khi nhìn thấy một người nghèo." 

"Ông hãy lắng nghe đã nào!" cậu thanh niên Kurd nhiệt huyết nói. "Tôi sẽ không nói dài đâu. Có thể người ta thương hại những người nghèo lẻ tẻ, nhưng khi cả một dân tộc rơi vào cảnh nghèo đói thì trước tiên thế giới này nghĩ đó là một dân tộc gồm toàn những thằng ngu si đần độn, lười nhác, bẩn thỉu và vụng về. Người ta chê cười họ thay vì thương hại. Văn hóa, phong tục tập quán của họ, cái gì người ta cũng thấy lố bịch. Có thể sau đó một số người xấu hổ vì đã nghĩ vậy, thôi không cười nữa; và khi thấy những người nhập cư từ đó lau sàn nhà và đảm nhận các công việc hạ đẳng nhất, và e sợ biết đâu có ngày họ nổi loạn, người ta bèn tỏ ra quan tâm đến văn hóa họ, thật thế, người ta làm ra vẻ bình đẳng nữa." 

"Anh nói toẹt ra là dân tộc nào đi." 

"Tôi muốn nói thêm điều này," cậu thanh niên Kurd giọng the thé xía vào. "Tiếc rằng loài người đã quên mất cách quan sát với nụ cười thân thiện, khi những người khác tàn sát và áp bức lẫn nhau. Tôi nhận ra điều đó từ những chuyện anh rể tôi ở Đức kể khi về Kars dịp hè vừa rồi. Thế giới không bao dung các dân tộc đi đàn áp dân tộc khác nữa." 

"Phải chăng anh nhân danh những người ở phương Tây đe doạ chúng tôi?" 

"Cứ như thế," chàng trai Kurd nhiệt huyết nói tiếp. "Một người ở phương Tây thoạt tiên theo bản năng sẽ khinh rẻ người đến từ một dân tộc nghèo. Họ nghĩ rằng người ấy nghèo vì hắn là thành phần của một dân tộc ngu si, và chắc là trong đầu óc hắn ta rặt những điều quái gở và ngu xuẩn, vốn là nguyên nhân gây ra cái nghèo của dân tộc ấy." 

"Nghĩ thế cũng không hẳn sai." 

"Nếu anh cũng đánh giá chúng tôi ngu, như thằng cha nhà văn kiêu căng ấy thì nói thẳng ra đi! Ít nhất thì thằng vô thần vô đạo ấy cũng làm được một việc là lên chương trình truyền hình trực tiếp, dũng cảm nhìn vào mắt chúng ta và nói thẳng ra là hắn thấy cả dân tộc Thổ ngu, trước khi hắn lên đường xuống địa ngục." 

"Xin lỗi, lên chương trình truyền hình trực tiếp thì làm sao trông xuống khán giả được?" 

"Bố tôi không nói 'trông xuống' mà nói 'nhìn vào'," Kadife nói. 

"Các bạn ơi, chúng ta đừng cãi nhau như trong một buổi hội thảo nữa," nhân vật phái tả đang ghi chép mọi thứ phát biểu. "Và hãy khẽ mồm thôi!" 

"Chừng nào anh ta không đủ can đảm nói ra là dân tộc nào thì tôi cũng chưa im mồm. Chúng ta phải nhận thức rõ được rằng đưa những lời lẽ hạ nhục dân tộc lên một tờ báo Đức là phản bội tổ quốc." 

"Tôi không phải là kẻ phản bội tổ quốc. Tôi đồng ý với ông," người thanh niên nhiệt huyết nói và đứng dậy. "Vì thế tôi đề nghị ghi lại là tôi không muốn sang Đức, ngay cả khi một ngày nào đó tôi có cơ hội và người ta cấp thị thực cho tôi." 

"Chẳng ai cấp cho một thằng ốm đói như cậu thị thực sang châu Âu đâu." 

"Nó còn chẳng được nhà nước phát hộ chiếu nữa cơ." 

"Đúng, họ không phát hộ chiếu," chàng trai người Kurd nhiệt huyết nói. "Song thậm chí nếu họ cho tôi hộ chiếu và tôi qua châu Âu, ngay cả khi người Âu đầu tiên tôi gặp ngoài phố là một người tốt đi nữa, thì tôi vẫn nghĩ rằng người ấy khinh rẻ tôi, vì anh ta là người phương Tây, và thế là đủ cho tôi ngán rồi. Vì ở Đức nhìn thoáng qua là nhận ra người Thổ ngay... Cái duy nhất mà người ta có thể làm được để không bị hạ nhục là phải tư duy như họ. Nhưng đó là điều không thể, và cố gắng làm thế sẽ là mất phẩm cách nữa." 

"Anh bạn trẻ ơi, trong những gì anh nói ra thì phần đầu dởnhưng anh đã kết thúc hay," một nhà báo người Azerbaijan nói."Tuy nhiên đừng viết những lời ấy lên báo Đức, họ cười chúng ta đến vỡ bụng mất..."Ông ta im một lát rồi hỏi nham hiểm: "Nhưng anh vừa nói đến dân tộc nào vậy?" 

Khi chàng trai Kurd ngồi xuống mà không trả lời gì cả, con trai ông nhà báo Azerbaijan ngồi bên cạnh đó kêu lên: "Nó sợ rồi!" 

Có tiếng trả lời như "Sợ là đúng!" và "Nó không ăn lương nhà nước như các anh", nhưng cả ông nhà báo già lẫn con trai ông không vì thế mà phiền lòng. Mọi người cùng lên tiếng, kể tiếu lâm và nhạo báng lẫn nhau khiến tất cả trong phòng tụ lại thành một quần thể trong không khí vui vẻ đùa nghịch. Về sau, khi nghe Fazil thuật lại những gì xảy ra, Ka sẽ chép lại trong vở là những cuộc họp chính trị như thế có thể kéo dài hàng tiếng và cũng là điều kiện duy nhất để đám đàn ông phì phèo thuốc lá với bộ mặt cau có vui vẻ lên được mà không hề nhận ra là mình đang vui. 

"Chúng ta không thể trở thành người Âu!" một thanh niên Hồi giáo chính trị khác kiêu ngạo nói. "Những người cố ép ta chấp nhận mô hình của họ, cứ việc dùng xe tăng súng đạn và sử dụng đủ thứ vũ lực nhưng họ không thể biến đổi linh hồn của ta." 

"Họ có thể chiếm cứ thân thể của tôi, nhưng linh hồn thì không bao giờ," một thanh niên Kurd nhại với giọng như trong phim Thổ. 

Tất cả phá lên cười. Cả người thanh niên vừa phát biểu cũng cười theo. 

"Tôi cũng muốn nói một lời," một thanh niên trong đám ngồi cạnh Lam lên tiếng. "Tuy các bạn ở đây không lặp lại phương Tây như những con vẹt thiếu tự trọng, nhưng không khí ở đây cứ như chúng ta phải xin lỗi vì chúng ta không phải là người Âu vậy." Anh ta quay sang người mặc áo vest da đang chép lại mọi phát biểu và nói với giọng của một kẻ lưu manh lịch lãm: "Những gìtôi đã nói cho đến lúc này không phải để cậu chép lại, cậu nhỏ ạ!Giờ thì viết đi: Tôi tự hào về phần phi châu Âu trong tôi. Tất cả những gì trong tôi mà người Âu thấy ngô nghê, dã man và thô thiển đều làm tôi tự hào. Nếu bọn họ đẹp thì tôi sẽ xấu, họ khôn thì tôi thà ngu còn hơn, họ hiện đại thì cứ để kệ tôi lạc hậu." 

Không ai trong phòng hưởng ứng những lời ấy. Nhưng vì mỗi lời nói ở đây đều nhận được câu trả lời đùa cợt nên người ta mỉm cười một chút. Một người đanh đá góp lời: "Cậu thì đằng nào chả ngu sẵn rồi!"Nhưng đúng lúc đó người lớn tuổi hơn trong hai nhân vật phái tả và người mặc áo vest sẫm màu nổi cơn ho dữ dội nên không rõ ai nói câu ấy. 

Chàng trai mặt đỏ đứng ở cửa nhảy ra đầu phòng và bắt đầu đọc một bài thơ, bắt đầu như sau: 

Châu Âu, hỡi châu Âu 

Ở đó chớ đi đâu 

Tớ làm gì kệ tớ 

Chẳng thích giống cậu đâu! 

Fazil không nghe được hết bài vì tiếng ho, các giọng nói xen vào và cười đùa, do vậy sau này cậu không thuật lại cả bài cho Ka nghe được, nhưng cậu nhớ rõ những tiếng phản đối. Ba người phản ứng được ghi lại trên cùng trang giấy có chép những đoạn hai dòng cho báo chí phương Tây và được Ka tích hợp vào bài thơ "Toàn nhân loại và những tinh cầu" mà ông viết sau đó: 

1. "Chúng ta không việc gì phải sợ họ, chẳng có gì đáng sợ cả!" nhân vật phái tả già đời hét lên. 

2. Nhà báo Azerbaijan già luôn mồm hỏi "Anh nói về dân tộc nào?" nói: "Chúng ta không từ bỏ bản ngã Thổ Nhĩ Kỳ và tôn giáo của chúng ta" và liệt kê cặn kẽ các cuộc thập tự chinh, vụ sát hại dân Do Thái, những người bản xứ da đỏ ở Mỹ và số tín đồ Hồi giáo Algeria bị Pháp giết. Liền đó nhân vật gây hấn trong phòng hỏi thâm độc: "Hàng triệu người Armenia ở Kars và toàn xứ Anatolia đâu cả rồi?" Gã mật thám ghi chép mọi chuyện không ghi lại tên nhân vật này vì thương hại. 

3. Có người nói: "Chẳng ai dại gì dịch một bài thơ dài và vớ vẩn như vậy, và Hans Hansen cũng chẳng đăng nó lên báo đâu." Đó là dịp để các thi sĩ trong phòng (ba người cả thảy) ca thán về sự cô đơn khốn khổ của các nhà thơ Thổ trên thế giới. 

Lúc thắng trai mặt đỏ đầm đìa mồ hôi kết thúc bài thơ mà cử tọa nhất trí là vô cùng nhố nhăng và thô thiển, mấy người vỗ tay mời xuống cho rảnh. Người ta nói là nếu chẳng may bài này được đăng lên báo Đức thì chỉ tổ "chúng ta" bị chê cười nhiều hơn.Người Kurd có anh rể ở Đức than phiền: "Khi họ làm thơ hay hát thì họ phát ngôn nhân danh cả loài người. Họ là người, còn chúng ta chỉ là dân Hồi giáo thôi. Chúng ta có viết gì thì đó chỉ là thơ của một nước nhược tiểu." 

"Tôi có thông báo như sau, viết đi!" người đàn ông mặc áo vest sẫm màu nói. "Nếu người Âu nói đúng, cũng như tương lai và sự cứu rỗi duy nhất của chúng ta là hòa hợp cho giống họ thì quả là tốn thì giờ ngu xuẩn để làm trò nhố nhăng là cố chứng minh chúng ta chỉ giống chúng ta mà thôi." 

"Để chứng tỏ với người Âu rằng chúng ta ngu si thì câu này được nhất rồi đó!" 

"Lần nữa, làm ơn nói cho rõ rằng dân tộc nào sẽ được chứng tỏ là ngu si!" 

"Thưa các quý ông, chúng ta cứ làm như tất cả mọi người ở đây khôn ngoan và quý giá hơn người phương Tây nhiều, nhưng nếu hôm nay người Đức mở một phòng lãnh sự ở Kars và cấp thị thực miễn phí thì tôi thề là trong vòng một tuần thành phố này sẽ sạch bóng người." 

"Nói láo. Lúc nãy anh bạn kia vừa nói là sẽ không đi, ngay cả khi họ cho anh ấy thị thực. Tôi cũng sẽ không đi, mà giữ gìn danh dự và ở lại đây." 

"Những người khác cũng ở lại, xin các ông hãy nhớ cho!Những ai không muốn đi đề nghị giơ tay, ta sẽ thấy ngay thôi." 

Một số người nghiêm nghị giơ tay. Nhìn thấy thế, mấy thanh niên có vẻ bối rối. "Trước tiên phải giải trình rõ là tại sao những người ra đi lại không có danh dự," người mặc áo vest sẫm màu muốn biết. 

"Khó mà giải trình cho một người không thể tiếp thu," ai đó nói bí hiểm. 

Fazil thấy Kadife buồn rầu nhìn qua cửa sổ, và tim cậu bắt đầu đập rộn ràng. Lạy trời hãy giữ cho con sự trong trắng, đừng để con rối trí; những ý nghĩ ấy nảy ra trong óc cậu. Cậu nghĩ là nếu nghe được thì Kadife sẽ hài lòng với những lời ấy và muốn bảo ghi chúng lại cho tờ báo Đức, nhưng lúc đó đang có người nói về chuyện khác và chẳng ma nào để ý tới cậu cả. 

Chỉ mình chàng trai người Kurd giọng the thé có khả năng nói át tiếng ồn ào trong phòng. Anh quyết định đem một trong những giấc mơ của mình lên mặt báo Đức. Trong cảnh đầu giấc mơ được thuật lại với giọng run rẩy từng quãng, anh xem phim hoàn toàn một mình trong Nhà hát nhân dân. Một bộ phim phương Tây, tất cả nói tiếng nước ngoài nhưng anh không thấy hề hấn gì, vì anh có cảm giác vẫn hiểu được hết. Rồi anh thấy mình lọt vào trong phim: ghế của anh ở nhà hát thực ra là chiếc ghế bành trong phòng khách một gia đình Thiên chúa giáo. Bỗng nhiên anh thấy một bàn thức ăn lớn, anh muốn ăn thật no nhưng chần chừ vì sợ điều này không hợp. Rồi tim anh đập nhanh hơn khi thấy đối diện mình là một cô gái tóc vàng xinh đẹp và nhận ra tắp lự là anh đã yêu nàng từ nhiều năm. Nàng cũng đối xử thân mật và tin cậy không ngờ. Nàng khen trang phục và cư xử của anh, hôn lên má anh và vuốt tóc anh. Anh hạnh phúc ngẩn người.Rồi đột nhiên nàng đặt anh ngồi lên lòng và chỉ cho anh các món trên bàn, đó là lúc anh trào nước mắt nhận ra mình còn là một đứa bé và chỉ vì thế mới được coi là dễ thương đến vậy. 

Giấc mơ được đón chào bằng những tiếng cười và lời chọc ghẹo, nhưng có cả lưu luyến gần như khiếp sợ. 

"Anh ta không thể mơ chuyện ấy được."Nhà báo già nói giữa không khí im lặng vừa xuất hiện. "Anh chàng người Kurd này bịa ra để hạ nhục chúng ta trong mắt người Đức một cách ghê gớm. Đừng chép lại!" 

Để chứng minh mình đã mơ thật, chàng trai thú nhận một chi tiết mà lúc đầu anh đã bỏ qua: mỗi lần thức dậy sau giấc mơ này, anh lại nhớ đến cô gái tóc vàng. Lần đầu tiên anh gặp cô trước đây năm năm, khi cô xuống khỏi một xe buýt đưa du khách đến đây tham quan các nhà thờ Armenia. Cô mặc một áo dài màu lam hở vai, chiếc áo ấy cô cũng mặc trong mơ. 

Người ta càng cười nhiều hơn. "Phụ nữ châu Âu như vậy thì thấy nhiều rồi, những tưởng tượng do ma quỷ nhồi vào đầu ta thì ai mà biết được," một người nói. 

Khung cảnh thích hợp này lập tức khởi động cho cánh buôn những chuyện ác ý, tai quái hay thiếu đứng đắn về phụ nữ châu Âu.Một thanh niên cao lớn, thon thả và khá đẹp trai từ nãy chưa được ai để ý, bắt đầu kể: một người phương Tây và một tín đồ Hồi giáo gặp nhau ở ga; mãi chưa thấy tàu đến, cuối sân ga có một cô gái Pháp rất hấp dẫn đợi tàu... 

Đó là một câu chuyện mà bất kỳ người nào đã học qua trường nam sinh hoặc xong nghĩa vụ quân sự đều có thể đoán được diễn biến; nói về quan hệ giữa một bên là năng lực tình dục và bên kia là quốc tịch và văn hóa. Không có chữ nào tục tĩu trong đó mọi ý thô thiển đều được diễn đạt bóng gió, nhưng trong nháy mắt xuất hiện một không khí trong phòng mà sau này Fazil nhận xét như sau: "Nỗi xấu hổ đè nặng trái tim tôi!" 

Turgut Bey đứng dậy. "Được đưa lại đây cho tôi ký." 

Ông ký bằng cây bút bi mới tinh lấy trong túi ra. Ông đã kiệt sức vì ồn ào và khói thuốc, chỉ muốn đi khỏi đây. Kadife đỡ ông đứng dậy. 

"Xin các vị nghe tôi một phút," cô nói. "Các vị không xấu hổ, nhưng mặt tôi đỏ lên vì xấu hổ khi nghe các vị nói. Ở đây tôi trùm khăn lên đầu để các vị không thấy tóc tôi, có nghĩa là tôi gánh thêm một khó nhọc nữa vì các vị, nhưng..." 

"Không phải vì chúng tôi!" một giọng kính cẩn thì thào. "Vì Thượng đế và vì sự cứu rỗi linh hồn của chính cô!" 

"Cả tôi cũng có điều cần nói với báo Đức, xin ghi đi!" Với linh tính của một diễn viên, cô biết mọi người đang nhìn cô nửa bất bình nửa ngưỡng mộ. "Một thiếu nữ ở Kars, không, đề nghị viết lại, một nữ tín đồ Hồi giáo trẻ ở Kars, vì lý do tín ngưỡng luôn coi khăn trùm đầu của mình như một lá cờ. Vì một nỗi kinh tởm đột ngột đến với mình mà cô lột bỏ khăn trước mắt mọi người.Tin này chắc chắn sẽ làm người châu Âu thích thú. Như thế Hans Hansen sẽ đăng những gì chúng ta muốn nói ra. Và sau khi bỏ khăn thiếu nữ ấy nói: "Xin Thượng đế xá tội, vì bây giờ con phải đơn thương độc mã. Thế giới này thật xấu xa, con giận dữ và yếu ớt đến nỗi..." 

" Kadife!"Fazil đột nhiên thì thào. "Đừng để lộ tóc ra! Chúng tôi, tất cả chúng tôi đang có mặt đây. Cả Necip và tôi. Nếu chị làm vậy thì chúng ta, tất cả chúng ta đều chết." 

Tất cả ngỡ ngàng một lát. Mấy người nói "vớ vẩn!" hay "tất nhiên không nên bỏ khăn ra!"Nhưng đa số hướng mắt về Kadife và chờ đợi, vừa hy vọng chứng kiến một vụ bê bối hay bất kỳ gì đó xảy ra, vừa tìm cách suy đoán xem đây là kiểu khiêu khích gì và ai giật dây đằng sau. 

Fazil nói: "Hai câu tôi muốn được đăng trên báo Đức như sau...." Tiếng ồn trong phòng lại dấy lên. "...Tôi không chỉ phát ngôn cho mình, mà cả cho người bạn Necip ở thế giới bên kia đã bị sát hại dã man trong đêm nổ ra cách mạng: Kadife, chúng tôi yêu chị nhiều lắm. Nếu chị để lộ tóc ra thì tôi sẽ tự sát, đừng làm thế." 

Một số người nghe Fazil nói với Kadife "chúng tôi yêu chị", những người khác cả quyết là cậu đã nói "tôi yêu chị". Dù có thể đó là chuyện thêu dệt ra để giải thích hành vi của Lam tiếp đó. 

Lam gầm lên: "Không ai ở thành phố này được nói đến chuyện tự sát." và ra khỏi phòng, không thèm nhìn về phía Kadife lấy một lần. Cuộc họp chấm dứt ngay, những người tụ tập trong phòng vội vã và ồn ào túa ra ngoài.