Tuyết - Chương 43 - Phần 01

PHỤ NỮ TỰ SÁT VÌ KIÊU HÃNH

Hồi chót


Trong phút cuối cùng, Sunay đổi tên vở kịch mà ông đã viết và dựng lấy cảm hứng từ Bi kịch Tây Ban Nha của Kyd và từ một số tác phẩm khác; và đầu đề mới này chỉ được nhắc đi nhắc lại trên ti vi trong nửa tiếng cuối cùng. Do đó đám đông trong nhà hát không biết đầu đề mới. Một phần khán giả là những người hiếu kỳ, bị lính áp tải bằng xe buýt đến đây hoặc tin vào những lời tuyên bố hứa hẹn của quân đội trên ti vi, hay muốn tận mắt chứng kiến mọi chuyện xảy ra (vì có tin đồn trong thành phố là buổi truyền trực tiếp này thực ra đã ghi băng sẵn, đem từ Mỹ sang). 

Ngay cả khi giả sử đã biết đầu đề thì họ cũng khó liên hệ giữa nó với vở kịch mà cả thành phố đều xem và đều chẳng hiểu mấy. 

Bốn năm sau lần trình diễn đầu tiên và duy nhất vở này, tôi lấy được cuốn video từ kho lưu trữ của Truyền hình biên giới Kars. 

Cũng khó tóm tắt câu chuyện của nửa đầu vở Bi kịch ở Kars. Vở kịch nói về vụ nợ máu ở một thị tứ nhỏ, "lạc hậu, nghèo và ngu tối", nhưng không giải thích tại sao mọi người tàn sát lẫn nhau, họ không thống nhất được về điểm gì, và cả những kẻ giết người lẫn đông đảo nạn nhân đều không đưa ra lý giải nào. Chỉ có Sunay nổi giận với đám quần chúng đã sa đà vào trò nợ máu man rợ ấy và vì thế cãi nhau với vợ. Sau đó tìm sự đồng cảm ở một cô gái trẻ khác (Kadife). Sunay đóng vai một người đàn ông thượng lưu có đầu óc khai sáng và vị thế quyền lực, song vẫn giữ các quan hệ với giới bình dân, kể chuyện tiếu lâm và nhảy múa với họ, thậm chí còn cùng họ tranh luận về ý nghĩa cuộc đời và những điều thông thái khác. Ông còn diễn tho họ xem những cảnh trích từ Shakespeare, Victor Hugo và Brecht, để có được "kịch trong kịch" giống như Kyd. Ngoài ra ông còn lồng vào một số đoạn độc thoại ngắn giáo huấn về giao thông nội đô, phép tắc bên bàn ăn, những tính cách đặc trưng mà người Thổ và người Hồi không tài nào bỏ được, thành quả của Cách mạng Pháp, ý nghĩa tích cực của tiêm chủng, bao cao su và Raki. Nói cả chuyện mỹ phẩm và nước gội đầu thực ra chỉ là nước nhuộm màu, lại thêm cả cảnh múa bụng của một gái làm tiền giàu có; nhưng tất cả đều không giải thích gì thêm cho những chuyện giết chóc được tô điểm vào, và những cơn phấn hứng như vậy nối nhau liên tiếp và rối rắm đến mức cuối cùng khó mà tin được chúng có một trật tự gì hay không. 

Điểm duy nhất khả dĩ giữ được mạch của vở kịch liên tục rối tung bởi những pha hài và ngẫu hứng, cũng như để khán giả hứng thú theo dõi - đó là diễn xuất tài tình của Sunay. Mỗi khi vở diễn chùng xuống, ông lại vùng lên với những điệu bộ gợi nhớ đến các vai nổi tiếng nhất trong sự nghiệp sân khấu của mình, tính sổ với những kẻ đã đẩy nhân dân và đất nước đến nông nỗi này, khập khiễng một cách bi ai từ đầu này đến đầu kia sân khấu và thuật lại hồi ức từ thời thanh xuân của mình, tuôn ra những dòng viết về tình bạn của Montaigne, hoặc nỗi cô độc của Atatürk. Mặt ông đầm đìa mồ hôi. Mấy năm sau, bà giáo Nuriye Hanim yêu sân khấu và lịch sử (từng say mê chứng kiến buổi biểu diễn tối nổ ra "cách mạng") kể với tôi là từ ghế ngồi của bà ở hàng thứ nhất có thể nhận rõ hơi thở nồng nặc mùi Raki của Sunay. Nhưng theo bà, điều đó không chứng tỏ là nghệ sĩ lớn ấy say rượu, mà ông đang phưng phấn". Những người tràn đầy hâm mộ trong hai ngày này đến nỗi bất chấp nguy hiểm đến đây trực tiếp xem ông - đám công chức hạng trung ở Kars, phụ nữ ly hôn, môn đệ Atatürk trẻ từng xem ông hàng trăm lần trên ti vi, đàn ông ưa phiêu lưu và quyền thế - đều nói rằng một luồng hào quang từ ông tỏa xuống những hàng ghế đầu, và không ai dám nhìn lâu vào mắt ông đang tóe lửa. 

Cả Mesut, cậu học sinh trường tôn giáo bị ép lên xe tải chở tới Nhà hát nhân dân (chủ trương phản đối chôn người vô thần và người có đạo cùng nghĩa trang) mấy năm sau cũng kể cho tôi nghe đã nhận thấy hấp lực toát ra từ Sunay như thế nào. Có thể cậu ta thú nhận được điều đó vì, sau bốn năm tích cực hoạt động trong một nhóm Hồi giáo chính trị nhỏ chuyên tổ chức hoạt động vũ trang, cậu đã thất vọng trở về Kars làm việc trong một quán trà. Theo quan điểm của cậu, có gì đó không giải trình nổi ở Sunay làm mê hoặc các học sinh trường tôn giáo, tuy họ không dám công khai thừa nhận điều này. Có thể vì Sunay nắm trong tay quyền lực tuyệt đối, một điều mà chính họ muốn có. Hoặc những cấm đoán của ông đối với phong trào của họ đã giải phóng họ khỏi cám dỗ muốn tự mình gây ra bạo loạn. Mesut nới với tôi: "Thực ra ai cũng vui mừng sau mỗi vụ đảo chính quân sự." Theo cậu thì đám thanh niên ấn tượng nhất vì Sunay mặc dù nắm quyền cao nhất trong tay vẫn lên sân khấu và bộc lộ cả tim gan mình ra với quần chúng. 

Mấy năm sau, khi xem băng video thu buổi diễn đó ở đài Truyền hình biên giới Kars, tôi cũng cảm nhận được khán giả đã quên đi hết những căng thẳng cá nhân giữa bố và con, giữa người cầm quyền và người có tội, tôi nhận thấy ai ai cũng chìm vào im lặng sâu lắng trong khi nghĩ đến các hồi ức và hy vọng khiếp sợ riêng, và lúc đó trỗi dậy một tình cảm hòa đồng thần thánh chỉ có người nào sống ở những nước chịu sự cai trị độc đoán và dân tộc chủ nghĩa cực đoan mới hiểu nổi. Nhờ sự hiện diện của Sunay, có thể nói trong khán phòng không có ai là người lạ nữa; vô hình trung tất cả đều được cột chặt với nhau bởi một lịch sử chung. 

Nhưng mạch tình cảm này có nguy cơ bị Kadife chặt đứt, bởi đơn giản là người dân Kars chưa thể làm quen được với sự hiện diện của cô trên sân khấu. Chắc người quay phim cũng cảm thấy thế nên trong những khoảnh khắc phấn khích anh ta toàn hướng ống kính vào Sunay chứ không tiếp cận Kadife. Khán giả chỉ coi cô như một nàng hầu trong các vở hài kịch khi cô phục vụ các vai khác có ý nghĩa quyết định trong kịch bản. Trong khi đó họ vẫn rất tò mò muốn biết Kadife sẽ làm gì, vì từ trưa đến giờ họ luôn được thông báo là trong vở này cô sẽ bỏ khăn trùm ra. Đã có nhiều tin đồn thổi, ví dụ như Kadife bị bên quân đội ép làm việc này, hoặc thậm chí cô sẽ không lên sân khấu. Kể cả ai chỉ hơi hơi nghe nói về sự đối kháng của các cô gái trùm khăn mà không hề biết danh tính họ thì trong nửa ngày vừa qua cũng biết hết về Kadife. Vì thế nhiều người thất vọng vì thoạt tiên cô rất mờ nhạt và tuy mặc váy dài màu đỏ rực song vẫn trùm đầu. 

Trong đoạn đối thoại giữa Sunay và Kadife ở phút thứ hai mươi của vở kịch, lần đầu tiên có thể thấy người ta chờ đợi gì ở cô: khi chỉ còn mình họ trên sân khấu, Sunay hỏi Kadife "Đã quyết tâm rồi hay chưa." và nói "Tôi không chấp nhận chị tự sát chỉ vì điên giận". 

Kadife đả lại: "Khi đàn ông ở thành phố này giết nhau như thú vật và cả quyết rằng hành động ấy chỉ vì sự yên ấm của thành phố, thì việc tôi tự sát có can gì đến ai?" rồi đi vào cánh gà ngay, tựa như chạy trốn trước Funda Eser đang bước vào. 

Bốn năm sau ở Kars tôi có thể hỏi chuyện mọi người về diễn biến tối hôm đó. Với đồng hồ trong tay, tôi tái tạo chính xác từng phút buổi diễn cho khớp với những sự kiện bên ngoài và tính ra rằng, ở đúng cảnh Kadife nói ra câu ấy Lam đã nhìn thấy cô lần cuối cùng. Vì dựa vào lời kể của hàng xóm và nhân viên an ninh về vụ bố ráp này thì Lam và Hande đang xem ti vi khi có tiếng chuông ở cửa. Theo báo cáo chính thức, khi thấy cảnh sát và lính Lam đã chạy ngược vào nhà, lấy vũ khí và bắt đầu khai hỏa; ngược lại theo hàng xóm và mấy thanh niên Hồi giáo chính trị sẽ đưa anh lên ngôi huyền thoại trong một thời gian ngắn thì Lam hét "đừng bắn!" và toan che chở cho Hande. Song đội đặc nhiệm do Z. Tay Sắt chỉ huy xông vào không chỉ hạ sát Lam và Hande trong vòng một phút, mà còn bắn nát cả căn hộ. Trừ mấy đứa trẻ con tò mò, không ai trong những nhà kế cận bận tâm vì tiếng súng - không chỉ vì người dân Kars đã quen những vụ bố ráp buổi đêm, mà cũng vì giờ phút này không ai trong thành phố tập trung vào chuyện gì khác ngoài chương trình truyền trực tiếp từ Nhà hát nhân dân. Vỉa hè ngoài đường vắng ngắt, song sắt bảo vệ đã hạ xuống, mọi quán trà đều đóng cửa trừ quán có ti vi. 

Biết mọi con mắt ở thành phố này đang đổ dồn vào mình, Sunay trở nên tự tin khác thường. Còn Kadife vì có cảm giác chỉ tìm được vị trí của mình trên sân khấu trong phạm vi được Sunay cho phép, cô bám chặt vào ông. Cô chỉ có thể làm được những gì mình muốn nếu tận dụng các cơ hội do Sunay tạo ra. Nhưng tôi không rõ Kadife thực sự nghĩ gì, vì trái với chị mình, cô tránh nói chuyện với tôi về những ngày đó. Những người dân Kars - trong bốn mươi phút tiếp theo đã nhận ra Kadife đã quyết tâm hai việc khó khăn: bỏ khăn ra và tự sát - dần dần chuyển sang khâm phục cô. Do Kadife hiện lên tuyến trước, vở kịch nửa sư phạm, nửa phản kháng kiểu khôi hài của Sunay và Funda Eser chuyển theo hướng bi kịch nghiêm trọng hơn. Ngay cả khi bản ngã của Kadife, "cô gái trùm khăn" chưa bị quên hẳn, nhiều người sau nhiều năm vẫn còn giữ cảm tình với Kadife cho tôi biết là nhân cách mới mà Kadife thể hiện trên sân khấu tối hôm đó đã chiếm được vị trí trong lòng dân Kars. Mỗi lần Kadife xuất hiện tất cả đều im lặng tuyệt đối, và trong các gia đình mọi người hỏi nhau: "Cô ấy vừa nói gì thế? Cô ấy vừa nói gì thế?" khi họ không nghe rõ một câu nào đó. 

Giữa một trong những khoảnh khắc im lặng ấy, có thể nghe thấy tiếng còi của chiếc tàu hỏa sắp rời Kars sau bốn ngày gián đoạn. Ka ngồi trong một toa tàu mà ông bị lính cưỡng ép phải leo lên. Khi người bạn thân của tôi không thấy Ipek từ trên chiếc xe tải xuống mà chỉ nhận được chiếc túi của mình, ông khẩn khoản xin nhóm lính bảo vệ cho mình được nói chuyện với Ipek, và khi không được phép, ông đã thuyết phục họ cho xe quay về khách sạn lần nữa. Khi chiếc xe không chở ai quay lại, ông xin các sĩ quan ra lệnh tàu đợi năm phút. Lúc tiếng còi báo hiệu tàu chuyển bánh vang lên, Ka òa khóc. Trên chiếc tàu từ từ tăng tốc, đôi mắt nhòa lệ của ông còn hướng về đám đông trên sân ga và cửa ra vào ở phía đài kỷ niệm Kâzim Karabekir tìm một người phụ nữ cao cao tay cầm vali mà ông tưởng tượng ra là đang đi về phía mình. 

Tàu đi nhanh hơn,lại một hồi còi nữa. Lúc đó Ipek và Turgut Bey đang trên đường từ khách sạn Lâu Đài Tuyết đến Nhà hát nhân dân. "Tàu khởi hành đấy." Turgut Bey nói. "Vâng,"Ipek đáp,"đường cũng sắp thông rồi. Ông thống sứ và chỉ huy trưởng sẽ trở về thành phố." Cô còn nói là vụ đảo chính vô nghĩa sẽ chấm dứt và tất cả sẽ bình thường trở lại, nhưng không phải vì cô cho rằng những câu ấy quan trọng, mà cô không muốn bố cô cho rằng cô nghĩ đến Ka nếu cô không nói gì. Bản thân cô cũng không rõ mình nghĩ đến Ka bao nhiêu và nghĩ đến cái chết của Lam bao nhiêu. Cô cảm thấy trong mình một nỗi đau, nó kinh khủng hơn là chỉ bỏ lỡ một cơ hội đến với hạnh phúc. Và cô căm thù Ka ghê gớm. Cô hầu như không nghi ngờ chút nào các lý do khiến cô căm thù. Bốn năm sau, khi miễn cưỡng phải nói chuyện với tôi về những lý do ấy, cô bực mình khi nghe tôi hỏi và phê phán. Cô nói, sau tối hôm đó cô hiểu ngay có lẽ không sao yêu được Ka lần nữa. Khi nghe hồi còi của chuyến tàu đưa Ka ra khỏi thành phố, Ipek không cảm thấy gì về Ka ngoài thất vọng sâu sắc; có lẽ cô cũng hơi ngạc nhiên. Giờ đây cô chỉ muốn được chia sẻ với Kadife nỗi đau này. 

Turgut Bey nhận thấy Ipek không ưa sự im lặng. "Cả thành phố cứ như không người," ông nói. 

"Một thành phố ma,"Ipek trả lời, chỉ để nói ra một câu gì đó. 

Một đoàn ba xe quân sự rẽ vào phố và đi qua chỗ họ. Turgut Bey coi đó là bằng chứng đường đã thông. Để lảng qua chuyện khác hai bố con ngó theo ánh đèn của đoàn xe cho đến khi chúng đi khuất vào bóng đêm. Theo kết quả tra cứu của tôi sau này, xác Lam và Hande để trên chiếc xe tải GMS đi giữa. 

Nhờ ánh sáng từ chiếc đèn pha bị lệch của chiếc xe Jeep đi cuối, Turgut Bey thấy số ngày mai của tờ Thành phố biên giới treo trong cửa kính tòa báo. Ông dừng lại và đọc: "CHẾT TRÊN SÂN KHẤU! Diễn viên nổi tiếng Sunay Zaim bị bắn chết trong đêm biểu diễn hôm qua." 

Sau khi đọc tin này hai lần, họ vội chạy đến Nhà hát nhân dân: lại vẫn mấy chiếc xe cảnh sát cũ đứng gần cửa và phía thân dốc vẫn là bóng của chiếc xe tăng hôm qua. 

Khi vào nhà hát họ bị khám vũ khí trong người. Turgut Bey nói ông là bố của "nữ diễn viên chính". Hồi II đã bắt đầu. Họ tìm được hai chỗ ở hàng cuối cùng. 

Ở hồi II này vẫn còn mấy chuyện tiếu lâm và cảnh vui vẻ do Sunay sáng tác dành sẵn trong mấy năm qua; thậm chí Funda Eser còn nhại múa bụng. Nhưng không khí vở kịch đã rất trang nghiêm, và im lặng bao trùm khắp nhà hát, do những màn Sunay và Kadife diễn với nhau. 

"Mặc dù vậy chị phải giải thích cho tôi biết lý do chị muốn tự sát chứ." Sunay nói. 

"Người ta không bao giờ biết chính xác được những điều này," Kadife trả lời. 

"Tại sao?" 

"Nếu biết được chính xác tại sao tự sát và nếu bày tỏ rõ ràng được lý do thì người ta đã không tự sát," Kadife nói. 

"Không, hoàn toàn không đúng!" Sunay phản kháng. Có những người tự sát vì tình, những người khác không chịu nổi đòn roi của chồng hoặc do nghèo đói hành hạ họ." 

"Ông xem xét cuộc đời quá đỗi đơn giản," Kadife bác lại. "Thay cho tự sát vì tình, người ta chỉ cần đợi ít lâu là tình yêu sẽ không còn giằng xé. Nghèo đói cũng không phải nguyên nhân thực thụ. Những người không chịu nổi đòn roi có thể lấy trộm ít tiền của chồng rồi bỏ trốn, như thế giản dị hơn nhiều." 

"Thôi được vậy lý do thực sự là gì?" 

"Tất nhiên lý do thực sự của mọi cuộc tự sát là lòng kiêu hãnh. Ít nhất thì với đàn bà." 

"Vì lòng kiêu hãnh của họ bị tổn thương trong tình yêu?" 

"Ông không hiểu gì hết!" Kadife đáp. "Phụ nữ không tự sát vì lòng kiêu hãnh của họ bị tổn thương, mà để chứng tỏ họ kiêu hãnh chừng nào." 

"Vì thế mà các bạn gái của chị tìm đến cái chết?" 

"Tôi không thể phát ngôn thay họ. Mỗi người có động cơ riêng. Nhưng mỗi lần nghĩ đến chuyện mình tự sát, tôi lại cảm thấy họ có thể cũng đã nghĩ như tôi. Khoảnh khắc tự sát là thời điểm người ta thấm thía nhất nỗi cô đơn của một người phụ nữ, và thấm thía nhất làm phụ nữ nghĩa là như thế nào." 

"Chị đã thúc đẩy các bạn gái tự sát bằng những lời ấy sao?" 

"Họ đã tự nguyện chọn cái chết, quyết định đó hoàn toàn của họ." 

"Ai cũng biết là ở Kars không người nào được tự do quyết định cả, ai cũng tìm cách trốn khỏi đòn roi và gia nhập vào một cộng đồng bảo vệ mình. Kadife, chị hãy thú nhận là đã bí mật giao lưu với họ và thúc đẩy họ tự sát!" 

"Làm sao thế được?" Kadife phản đối. "Tự sát chỉ khiến nỗi cô đơn của họ sâu sắc thêm. Một số ông bố không công nhận những cô gái tự sát là con gái mình, thậm chí có nhà không đọc kinh cho người chết nữa." 

"Vậy là chị sẽ tự sát để chứng tỏ với họ rằng họ không cô đơn và đây là một hành động tập thể? Kadife ạ, chị im lặng...Nhưng nếu chị tự sát và không nói tại sao chị làm việc ấy thì liệu thông điệp mà chị quảng bá có thể bị hiểu sai?" 

"Tôi không muốn quảng bá thông điệp nào bằng cái chết tự nguyện của tôi cả," Kadife nói. 

"Mặc dù vậy nhiều người nhìn theo chị và tò mò muốn biết, ít nhất thì chị cho biết lúc này đang nghĩ gì." 

"Phụ nữ tự sát để chiến thắng," Kadife nói. "Ngược lại thì đàn ông tự sát khi không còn hy vọng chiến thắng nữa." 

"Chị nói đúng," Sunay trả lời và rút khẩu súng ngắn hiệu Kirikkale từ túi quần ra. Cả khán phòng nín thở nhìn khẩu súng bóng loáng. "Chị có bắn chết tôi bằng khẩu súng này không, nếu chị thấy tôi đã đại bại?" 

"Tôi không muốn phải vào tù." 

"Nhưng đằng nào chị cũng sẽ tự sát cơ mà?" Sunay hỏi. "Vì tự sát nên chị sẽ xuống địa ngục. Vậy thì chị không việc gì phải sợ các hình phạt của thế giới bên này lẫn bên kia." 

"Ông không hiểu, phụ nữ tự sát chính vì thế đấy." Kadife đáp,"vì họ tự giải phóng mình khỏi mọi loại hình phạt." 

"Trong giây phút nhận ra thất bại của mình, tôi muốn được chết dưới tay chính một người phụ nữ như thế này." Sunay nói và trang trọng quay về phía khán giả. Ông ngừng lời để tạo kịch tính. Rồi ông bắt đầu kể dài dòng một chuyện tình ái của Atatürk nhưng ngắt ngang khi thấy khán giả bắt đầu uể oải.