Tuyết - Chương 44 - Phần 02

 

Trong cậu tôi thấy bao nhiêu phần Necip? Liệu cậu có còn cảm thấy trong mình có Necip như đã nói với Ka? Con người có thể nghe tiếng nói một người khác trong mình đến mức nào? 

Sáng sớm tôi đi đi lại lại trên các phố ở Kars, nói chuyện với những người đã tiếp Ka và vào các quán trà ngày xưa ông đã vào; rất nhiều khi tôi có cảm thấy mình đang chính là Ka. Tôi vào quán trà Anh Em từ sớm, nơi Ka viết bài "Toàn nhân loại và những tinh cầu" và hình dung ra vị trí của mình trong vũ trụ như bạn tôi đã làm. Cavit ở quầy lễ tân khách sạn Lâu Đài Tuyết nói là tôi cũng lấy chìa khóa phòng một cách "hấp tấp như ông Ka". Ông chủ hiệu tạp hóa gọi khi tôi đi qua một con phố nhỏ: "Có phải ông là ông nhà văn từ Istanbul đến không?"Ông chuyện trò với tôi như đãlàm với Ka ngày trước, và cũng muốn tôi viết rằng tin đăng trên báo về vụ tự sát của con gái ông, Teslime, là sai. Và ông cũng mời tôi uống Coca-cola như đã mời Ka. Bao nhiêu phần là tình cờ và bao nhiêu phần là tưởng tượng của tôi? Có lần tôi nhận ra mình đang đi qua ngõ Baytarhane và ngó lên cửa sổ bí thất của trưởng lão Saadettin, rồi leo lên những bậc thang dốc mà Muhtar nói đến trong bài thơ của mình để hiểu ra Ka nghĩ gì lúc ông tới đây. 

Vì đã tìm được những bài thơ Muhtar đưa Ka trong chỗ giấy tờ của ông ở Frankfurt, tôi chắc ông đã không gửi chúng cho Fahir. Vậy mà Muhtar ngay sau khi chúng tôi làm quen nhau được năm phút đã kể Ka là một người "khả kính" ra sao, rồi nói ngay là Ka rất khen ngợi thơ ông trong thời gian ở Kars và đã nồng nhiệt giới thiệu cho một nhà xuất bản quan trọng ở Istanbul. 

Về mặt buôn bán thì ông hài lòng, và hy vọng trong kỳ bầu cử tới sẽ được một đảng Hồi giáo chính trị mới thành lập (đảng Phồn vinh ngày xưa đã bị cấm) bầu làm ứng viên thị trưởng, cũng như sẽ trúng cử. Nhờ sự tiếp đón thân mật và trang trọng của Muhtar, chúng tôi được vào thăm Sở cảnh sát (có điều không được xuống tầng hầm) và nhà thương an sinh xã hội, nơi Ka từng hôn Necip đã chết. Trong khi chỉ cho tôi xem những phòng còn sót lại của Nhà hát nhân dân mà ông đã biến thành kho để đồ gia dụng, Muhtar thú nhận một phần" trách nhiệm" về chuyện phá dỡ ngôi nhà cả trăm năm tuổi này, song ông cố an ủi tôi rằng ngôi nhà này đằng nào cũng không phải "kiến trúc Thổ, mà là Armenia". Ông lần lượt đưa tôi đi xem tất cả những nơi Ka từng nhớ lại mỗi lần tha thiết mong tái ngộ Ipek và Kars, chợ rau quả phủ tuyết, xưởng đóng móng ngựa và bán đồ kim khí ở phố Kâzim Karabekir. Rồi ông giới thiệu tôi với địch thủ chính trị của mình, Muzaffer Bey, ở khu thương mại Halit Paşa và từ biệt. Nghe xong lịch sử cộng hòa của Kars do cựu thị trưởng kể như đã kể với Ka, khi về qua hành lang tối tăm khó chịu của tòa nhà, tôi gặp một người ở cạnh cửa Hội những người yêu súc vật ra bắt chuyện, gọi tôi là "Orhan Bey", mời tôi vào nhà và kể chuyện trước đây bốn năm chứng tỏ anh ta có trí nhớ tuyệt vời. Tôi nghe chuyện ông hiệu trưởng đại học sư phạm bị bắn chết,chuyện Ka đến đây và ngồi vào góc phòng chọi gà để suy tư. 

Tôi thấy khó nhọc khi nghe kể chi tiết khoảnh khắc Ka nhận ra mình yêu Ipek trước khi chính tôi sắp gặp cô. Vì thế trước khi lên đường đến tiệm bánh ngọt Đời Mới tôi ghé vào quán bia Đất Xanh và uống một ly Raki, hy vọng tìm được sự thư thái và rũ bỏ được nỗi sợ bị lôi cuốn vào một chuyện tình. Song vừa ngồi đối diện Ipek trong tiệm là tôi nhận ngay ra những biện pháp cẩn trọng ấy còn gây ra nhiều nguy hiểm hơn. Ly Raki trong dạ dày rỗng làm tôi điên đảo hơn là thư thái. Mắt Ipek rất to trên khuôn mặt trái xoan mà tôi rất ưa. Trong lúc cố gắng thấu hiểu vẻ đẹp của cô, một vẻ đẹp kỳ lạ hơn nhiều so với các tưởng tượng của tôi về cô từ hôm qua khi mới gặp, tôi càng vô vọng thêm khi nhớ lại những điều tôi đã biết cặn kẽ về mối tình Ka đã trải qua cùng Ipek.Nhưng nó chỉ đau đớn gợi ra một mặt yếu khác của tôi: trong khi Ka là một thi sĩ thực thụ, sống hoàn toàn hợp lẽ với bản lĩnh mình, thì tôi chỉ là một người viết tiểu thuyết với tâm hồn tương đối đơn giản, mỗi sáng mỗi tối làm việc vào các giờ nhất định như một thư ký đánh máy. Có thể vì thế mà tôi thuật lại bằng những màu sắc êm mắt cuộc sống điều độ của Ka ở Frankfurt, sáng nào cũng dậy đúng giờ,đi qua những con phố đó, ngồi bên chiếc bàn đó trong thư viện đó và làm việc. 

"Thực sự là tôi đã quyết tâm đi cùng anh ấy về Frankfurt,"Ipek nói và kể ra một loạt chi tiết chứng minh cho quyết định của cô kết thúc bằng việc xếp vali. "Nhưng hôm nay tôi khó có thể nhớ lại vì sao tôi lại thấy anh ấy dễ thương."Cô nói. "Tôi cũng rất tôn trọng tình bạn của ông và sẵn sàng giúp ông khi viết sách." 

"Nhờ chị mà Ka đã viết được một cuốn sách tuyệt vời ở Kars." Tôi nói để tìm cách gợi cô kể nhiều hơn. "Anh ấy đã nhớ lại từng phút trong ba ngày ấy và chép lại đầy nhiều cuốn vở, chỉ thiếu mấy giờ cuối cùng trước khi rời thành phố thôi." 

Với sự cởi mở đến kinh ngạc, không hề giấu giếm gì, vẻ khó nhọc vì phải bày ra đời tư của mình và tính thật thà khiến tôi khâm phục, Ipek thuật lại cặn kẽ những giờ cuối cùng của Ka ở Kars, như cô đã trải qua hay hình dung ra. 

"Chị không có bằng chứng chính đáng nào để bỏ quyết định đi Frankfurt," tôi nhận định và cố không nói giọng trách cứ. 

"Có những việc người ta hiểu ngay bằng cảm tính." 

"Chị là người đầu tiên nhắc đến cảm tính," tôi nói và kể cho cô nghe, tựa như muốn xin lỗi, rằng theo các lá thư Ka viết cho cô nhưng không bao giờ gửi đi và tôi buộc phải đọc để viết được sách thì trong năm đầu tiên trở về Đức mỗi đêm Ka phải uống hai viên thuốc ngủ vì ông không chợp mắt được mỗi khi nghĩ đến cô; ông uống rượu đến say mèm và mỗi khi đi trên các phố Frankfurt thì chốc chốc lại tưởng một người phụ nữ phía xa là Ipek, cho đến cuối đời, hằng ngày những khoảnh khắc hạnh phúc được trải nghiệm bên Ipek luôn hiện ra và kéo dài hàng giờ như một cuốn phim quay chậm, ông cảm thấy rất hạnh phúc những lúc quên được cô trong chỉ năm phút, cho đến lúc chết ông không có quan hệ với một phụ nữ nào nữa. Sau khi mất cô, ông thấy mình "không phải là người mà là ma". Khi nhận ra ánh mắt của cô nhìn mình dịu lại đầy thông cảm, đồng thời van vỉ: "Xin ông đừng nói tiếp nữa!" và cặp mày cô nhíu lại như được nghe một câu hỏi khó, tôi kinh hoàng nhận ra mình đã không kể tất cả những chuyện ấy để Ipek chấp nhận Ka, mà chấp nhận chính tôi. 

"Cứ cho là anh bạn ông rất yêu tôi," cô nói, "nhưng không đủ để tìm cách quay lại Kars lần nữa." 

"Có lệnh bắt anh ấy." 

"Không quan trọng. Anh ấy sẽ ra tòa và khai báo, và sẽ không bị vấn đề gì hết. Xin ông đừng hiểu sai, anh ấy không về đây là đúng, nhưng Lam đã nhiều lần bí mật quay về Kars để gặp tôi mặc dù đã có lệnh xử bắn anh ấy." 

Tôi vô cùng đau khổ khi nhận ra nét buồn bã thực sự trên mặt cô, và cặp mắt nâu nhạt của cô sáng lên khi nhắc đến tên Lam". 

"Nhưng anh bạn ông không phải sợ ra tòa." cô nói như có ý định an ủi tôi,"nói cho đúng, anh ấy quá rõ tội thực sự của anh ấy là gì, lý do thực sự tôi đã không ra ga." 

"Chưa bao giờ có bằng chứng là anh ấy có tội." tôi nói. 

"Tôi hiểu rõ, đó cũng chính là lý do ông thấy mình có tội," cô nói giọng thâm hiểm trong khi đút thuốc lá và bật lửa vào túi, ra dấu là cuộc trò chuyện của chúng tôi đã kết thúc. Tôi nói "thâm hiểm" vì khi nghe cô nói xong thì tôi hiểu là mình chịu thua, và cô biết rằng tôi không ghen với Ka, mà thật ra với Lam. 

Sau này tôi kết luận là Ipek không nói bóng gió đến chuyện ấy mà là tôi đã tự để cảm giác tội lỗi áp đảo mình quá mức. 

Ipek đứng dậy. Cô thật cao lớn, chưa kể đến những nét đẹp khác. Cô khoác áo choàng lên vai. 

Tôi cực kỳ rối trí. "Tối nay chúng ta sẽ gặp lại nhau, đúng không ạ?"Tôi luống cuống hỏi một câu hỏi hoàn toàn thừa. 

"Tất nhiên, bố tôi rất mong ông đến."Cô nói rồi đi khỏi với dáng đi tuyệt vời chỉ mình cô có. 

Tôi tự nhủ, tôi buồn là vì cô thật sự tin Ka "có tội". Nhưng tôi đã tự dối lòng. Mục đích chính của tôi khi nói về Ka như "một người bạn thân đã khuất", chẳng qua là để dần dần sáng tỏ những khiếm khuyết, tính cứng đầu và "tội" của ông, để trong khi xua đuổi những ký ức về ông tôi sẽ cùng cô bước lên một con tàu và lần đầu tiên cùng nhau vượt sóng. Nhưng giấc mơ đưa Ipek đến Istanbul hôm đầu tiên của tôi đã xa vời lắm rồi. Những gì tôi mong ước lúc này chỉ là nỗ lực chứng minh bạn tôi "vô tội". Ở mức độ nào đó, nỗ lực ấy đồng nghĩa với chuyện tôi đã chấp nhận rằng mình không ghen với Ka, mà với Lam. 

Tôi càng đau khổ hơn khi dạo trên đường phố Kars lúc bóng đêm buông xuống. Đài Truyền hình biên giới Kars đã chuyển về một tòa nhà mới, đối diện trạm xăng trên phố Montenegro. Trong vòng hai năm, không khí bẩn thỉu, ướt át, tối tăm và tù hãm của thành phố này đã ngự trị trong các lối đi của tòa nhà bê tông ba tầng được người dân Kars coi là dấu hiệu của sự chuyển mình. 

Fazil thân mật chào tôi trên lầu hai, giới thiệu ngay tám nhân viên của nhà đài rồi nới: "Các đồng nghiệp của tôi muốn phỏng vấn ngắn cho chương rình thời sự buổi tối." Tôi nghĩ là chuyện này có ích cho công việc của tôi ở Kars. Trong khi ghi băng cuộc trò chuyện năm phút, có thể vì được nghe Fazil kể trước nên người dẫn chương trình thanh niên Hakan Özge đột ngột hỏi: "Nghe nói ông đang viết một cuốn tiểu thuyết về sự kiện ở Kars?"Nhưng tôi chỉ trả lời một cách mập mờ. Chúng tôi không hề đả động đến Ka. 

Chúng tôi vào phòng giám đốc, tìm ra cuốn băng ghi hai tối truyền hình trực tiếp từ Nhà hát nhân dân - theo quy định, trên gáy băng video có ghi ngày tháng - và cầm đi. Tôi ngồi vào một phòng nhỏ bí hơi, trước chiếc tivi cũ, vừa uống trà vừa xem trước tiên Bi kịch ở Kars với Kadife, khâm phục những "Tiểu phẩm phê phán" của Sunay Zaim và Funda Eser nhạo báng mấy mẩu phim quảng cáo rất thịnh hành hồi đó. Tôi tua lại và xem nhiều lần cảnh Kadife bỏ khăn ra rồi ngay sau đó bắn chết Sunay. Cái chết của ông quả thật như một phần của vở kịch. Ngoài hàng ghế đầu tiên, không ai trong khán phòng có thể thấy được ổ đạn rỗng hay đầy. 

Khi xem băng kia, tôi nhận ngay ra nhiều cảnh nhỏ trong Tổ quốc hay khăn trùm, cảnh nhái, chuyện phiêu lưu của thủ môn Vural, múa bụng của Funda Eser đáng yêu là những trò giải trí mà đoàn kịch lặp đi lặp lại trong các chuyến lưu diễn. Hầu như không hiểu được lời thoại vì tiếng hò hét, hô khẩu hiệu và ồn ào trong khắp khán phòng. Tuy nhiên sau khi tua lại băng nhiều lần tôi vẫn chép ra giấy được bài thơ mà Ka trình bày và sau này đặt đầu đề "Nơi không có Allah". Fazil hỏi tại sao Necip đứng dậy và định nói gì đó trong khi Ka đọc thơ, và tôi đưa cậu đọc những gì từ bài thơ tôi đã chép lại được. 

Chúng tôi xem hai lần đoạn binh lính bắn vào khán giả. 

"Ông đã tới nhiều nơi ở Kars,"Fazil nói, "bây giờ tôi chỉ cho ông một nơi nữa." Cậu nói với vẻ mặt hơi ngượng nghịu nhưng đầy bí mật, có thể tôi cũng đưa cả Necip vào sách, vì vậy cậu muốn chỉ cho tôi xem nhà ngủ đã bị đóng ở trường tôn giáo, nơi Necip đã sống phần lớn những năm cuối đời mình. 

Khi chúng tôi đội tuyết đi dọc phố Gazi Ahmet Muhtar, tôi thấy một con chó đen như than với vết trắng trên trán, nhận ra đó là con chó trong một bài thơ của Ka.Ở hiệu tạp hóa gần đó tôi mua bánh mì và trứng luộc già, bóc trứng thật nhanh để ném cho con chó. Nó vui sướng vẫy cái đuôi cụp ngọn. 

"Thấy con chó chạy theo. Fazil nói: "Con chó này ở ga đấy.Lúc nãy tôi không nói vì ngại ông sẽ không đi cùng: nhà ngủ bây giờ trống trơn. Sau đêm cách mạng bọn chúng đã đóng cửa, bảo đây là ổ chứa khủng bố và phản cách mạng. Từ bữa đó không ai ở đây nữa, do đó tôi cầm theo một chiếc đèn pin của phòng ghi băng." Cậu bật đèn, và con chó vẫy đuôi khi ánh đèn chiếu vào cặp mắt buồn bã của nó. Cánh cửa vào sân bị khóa. Nhà ngủ này ngày xưa là một lâu đài Armenia, sau đó là phòng lãnh sự Nga và cũng là nhà ở của viên lãnh sự cùng con chó của mình.Fazil nắm tay tôi nhảy qua một bức tường thấp. "Ngày xưa, đêm đến là chúng tôi hay trốn qua chỗ này."Cậu nói và chỉ vào một khung cửa sổ cao đã vỡ kính. Cậu khéo léo trèo qua, chiếu đèn loang loáng trong đó rồi kéo tôi vào cùng. "Ông đừng sợ, trong này chỉ có chim thôi," cậu nói. Các tấm cửa kính phủ đầy bụi và tuyết không cho ánh sáng lọt qua, một số cửa bị đóng ván kín. 

Bên trong ngôi nhà tối như mực, song Fazil leo lên cầu thang một cách thành thạo, và hắt ánh đèn pin về phía sau chiếu sáng đường đi cho tôi như nhân viên rạp phim. Khắp nơi có mùi bụi bặm và ẩm mốc. Chúng tôi đi qua những cánh cửa đã bị đạp toang ra, tàn tích của cuộc cách mạng trước đó bốn năm, luồn giữa những chiếc giường tầng gỉ sét. Tường phòng lỗ chỗ vết đạn, những con bồ câu làm tổ trong góc tường và ống lò sưởi đập cánh bay loạn xạ. Fazil chỉ tôi xem hai chiếc giường tầng trên cạnh nhau: "Đây là giường tôi, giường kia của Necip. Để những người khác không bị thức giấc khi chúng tôi thủ thỉ, đôi khi chúng tôi nằm cùng giường, cùng ngắm bầu trời sao và nói chuyện với nhau." 

Qua khe hở giữa một tấm kính bị vỡ có thể thấy những bông tuyết lớn chầm chậm rơi trong ánh sáng từ một ngọn đèn đường. 

Tôi ngắm nhìn chăm chú và sùng kính. 

Mãi rất lâu sau Fazil mới cất tiếng: "Và đây là tầm nhìn từ giường Necip." và chỉ vào một lối đi nhỏ xíu bên dưới. Tôi nhìn xuống một lối đi rộng hai thước, có lẽ không thể gọi là ngõ, kẹp giữa ngân hàng nông nghiệp và bức tường hậu không cửa sổ của một nhà hàng xóm. Một chiếc đèn ống trên lầu nhà băng tỏa ánh sáng tím xuống nền đất lầy lội. Người ta đặt một tấm bảng đỏở giữa lối đi với dòng chữ "Cấm đi" để tránh nhầm lẫn lối đi với đường phố. Tận cuối lối đi - mà Fazil nói rằng Necip đã lấy cảm hứng từ đó cho khung cảnh "Tận cùng thế giới" - có một cái cây đen trụi lá; đúng lúc chúng tôi nhìn ra thì nó sáng đỏ lên một giây như bốc cháy. "Đèn quảng cáo màu đỏ của hiệu ảnh Hừng Sáng bị hỏng từ bảy năm nay."Fazil thì thầm. "Thỉnh thoảng nó nháy sáng lên rồi lại tắt. Từ giường Necip trông ra, gốc cây trúc đào kia tựa như bắt lửa. Đôi khi Necip mơ về hình ảnh đó cho đến sáng và thả hồn mình vào tưởng tượng. Nó gọi những gì mình nhìn thấy là 'thế giới kia'và thỉnh thoảng sau một đêm mất ngủ như thế lại nói với tôi: 'Tớ đã quan sát thế giới kia suốt đêm!' Nó đã kể lại chuyện đó với bạn ông, nhà thơ Ka, và ông ấy đưa ý ấy vào bài thơ của mình. Khi xem băng video, tôi nhận ra ngay điều đó, vì vậy tôi đưa ông tới đây. Nhưng bạn ông đặt đầu đề bài thơ 'Nơi không có Allah' là một sự xúc phạm Necip." 

"Tôi tin chắc Necip đã thuật lại cho Ka hình ảnh này là 'Nơi không có Allah'" tôi trả lời. 

"Tôi không thể tin là Necip đã chết như một người vô thần,"Fazil nói dè dặt. "Mặc dù quả là nó vẫn có những hoài nghi." 

"Cậu không nghe thấy tiếng Necip trong mình nữa à?" tôi hỏi. "Cậu không sợ dần dần biến thành người vô thần mà không biết, như người đàn ông trong truyện à?" 

Fazil không hài lòng thấy tôi biết những hoài nghi mà trước đây bốn năm cậu ta đã kể cho Ka hay. "Bây giờ tôi đã có vợ, và một đứa con," cậu nói. "Tôi không quan tâm đến mấy chuyện ấy như ngày xưa nữa." Tuy nhiên cậu hối hận ngay vì đã đối xử với tôi như với một người từ phương Tây tới với ý định dụ dỗ cậu theo chủ nghĩa vô thần. "Ta nói chuyện ấy sau,"Fazil thân mật nói. "Bố vợ tôi đợi chúng ta đến ăn, ta không nên đến muộn." 

Tuy vậy trước khi xuống tầng dưới cậu vẫn chỉ cho tôi những mảnh vỡ của chai Raki và mấy chiếc ghế đẩu trong góc phòng làm việc rộng rãi ngày xưa của viên lãnh sự Nga. "Z. Tay Sắt và đội đặc nhiệm của hắn còn trụ lại đây mấy hôm sau khi đường thông trở lại và giết thêm nhiều người Hồi giáo chính trị và người Kurd theo chủ nghĩa dân tộc." Cho đến phút ấy tôi đã cố quên được chi tiết này, nó khiến tôi sợ, tôi không muốn nhớ đến những giờ cuối cùng của Ka ở Kars. 

Con chó đen thui đợi chúng tôi ở cổng và đi theo đến tận khách sạn. 

"Ông đã mất vui,"Fazil nói. "Tại sao vậy?" 

"Trước bữa ăn cậu lên phòng tôi nhé? Tôi muốn đưa cậu một thứ."