Tuyết - Chương 44 - Phần 03

Khi lấy chìa khóa ở chỗ Cavit, tôi nhìn qua khe cửa để ngỏ vào phòng Turgut Bey sáng đèn, bàn ăn đã bày biện xong. Tôi nghe tiếng khách khứa nói chuyện và cảm thấy Ipek đã có mặt. 

Trong vali tôi có bản sao do Ka chụp lại những lá thư của Necip viết cho Kadife trước đây bốn năm. Tôi đưa chúng cho Fazil. Về sau tôi mới hiểu ra, tôi làm việc ấy để hồn ma của Necip ám ảnh cậu ta, hệt như hồn ma của bạn tôi vẫn làm tôi xáo động. 

Trong khi Fazil ngồi ở mép giường đọc thư, tôi lấy một cuốn vở của Ka trong vali và xem lại hình tinh thể tuyết mà tôi đã thấy trước đó ở Frankfurt. Thế là tôi được tận mắt trông thấy những gì lẽ ra đã phải biết từ lâu trong thâm tâm. Ka đặt bài thơ "Nơi không có Allah" đúng lên trục HỒI ỨC. Có nghĩa là ông đã đi vào nhà ngủ có Z. Tay Sắt đang ở đó, nhìn qua cửa sổ của Necip và phát hiện ra nguồn gốc thực sự của "khung cảnh" đó ngay trước khi rời khỏi Kars. Những bài thơ mà ông đặt trên trục HỒIỨC đều nói về kỷ niệm riêng về Kars của Ka hoặc về thời thơ ấu. Vậy là rốt cuộc tôi đã tin một điều mà cả Kars đã tin chắc từ lâu: sau khi không thuyết phục được Kadife ở Nhà hát nhân dân, bạn tôi đã đến nhà ngủ này để tiết lộ nơi trú ẩn của Lam cho Z. Tay Sắt đang đợi ở đó, trong khi Ipek bị khóa trong phòng ông. 

Tôi tin chắc là trông mình cũng ngơ ngác như Fazil lúc ấy. 

Có thể nghe bập bõm tiếng khách khứa ở phòng dưới, tiếng thở dài sầu muộn của thành phố Kars từ ngoài phố vọng vào. Fazil và tôi cả hai đều im lặng đắm chìm trong ký ức riêng, cúi tình trước sự tồn tại áp đảo của những nguyên bản đam mê hơn, phức tạp hơn và hiện thực hơn của mình. 

Tôi nhìn ra cửa, ngắm tuyết rơi và nói với Fazil, ta phải đi thôi Fazil đi trước, vai rũ xuống như vừa gây một tội ác. Tôi nằm ra giường và tưởng tượng Ka nghĩ gì trên đường từ cửa Nhà hát nhân dân đến nhà ngủ, cảnh ông không nhìn nổi vào mắt Z. Tay Sắt trong khi nói chuyện, cùng lên đường đến đó với nhóm tập kích vì không biết địa chỉ, đứng từ xa miêu tả ngôi nhà nơi Lam và Hande ẩn náu. Những hình dung đó khiến tôi thật sự đau buồn. Hay là còn tệ hơn? Liệu có thể nào gã "tiểu thuyết gia thư ký" đang ngấm ngầm hởi dạ trước sự sa ngã của thi sĩ cao siêu? 

Nhưng càng nghĩ thế chỉ tổ làm tôi thêm căm ghét mình hơn, vậy nên tôi vội hối mình nghĩ sang chuyện khác. 

Đi xuống nhà Turgut Bey theo lời mời của ông, tôi còn bối rối hơn nữa bởi sắc đẹp của Ipek. Tôi xin nhắc đến buổi tối ấy một cách ngắn gọn. Giám đốc Sở bưu chính Recai Bey - con người văn minh quan tâm đến hồi ký và sách vở nói chung - Serdar Bey, Turgut Bey và tất cả mọi người đối xử với tôi cực kỳ thân thiện, trong khi tôi uống quá nhiều. Cứ mỗi lần ngắm nhìn Ipek ngồi đối diện là có gì đó trong tôi tan vỡ. Tôi ngượng ngùng xem mình được phỏng vấn trong chương trình thời sự, hoa tay hoa chân vụng về. Như một phóng viên mệt mỏi và không tin vào công việc của mình, tôi lấy máy thu âm luôn mang theo người trong thời gian ở Kars ghi lại các cuộc đàm đạo với chủ nhà và khách khứa khác về lịch sử Kars, công tác làm báo ở Kars hoặc đêm nổ ra cách mạng trước đó bốn năm. Vừa ăn món xúp đậu của Zahide nấu, tôi vừa cảm thấy mình đang trong một tiểu thuyết về tỉnh lẻ hồi thập kỷ bốn mươi. Tôi nhận thấy Kadife chín chắn hơn và trầm lặng hơn sau khi ra tù. Không ai nhắc đến Ka - và cái chết của ông - khiến tôi tuyệt vọng hơn nữa. Giữa buổi Kadife và Ipek có lần đứng dậy để trông chừng thằng bé Ömercan đang ngủ trong phòng sau. Tôi toan theo chân họ song văn sĩ của chúng ta - vốn uống "như một nghệ sĩ" - đã say mèm đến nỗi không nhấc nổi chân nữa. 

Mặc dù vậy tôi vẫn nhớ rõ một chi tiết trong buổi tối này. 

Lúc đã rất khuya, tôi nói với Ipek là rất muốn xem phòng 203 của Ka ngày trước. Tất cả im lặng nhìn hai chúng tôi. 

"Được," Ipek nói. "Ông đi với tôi!" 

Cô lấy chìa khóa ở lễ tân. Tôi theo cô lên tầng. Cửa phòng mở. Rèm cửa, cửa sổ, tuyết. Mùi giấc ngủ, xà phòng và chút bụi bặm. Lạnh căm. Trong khi Ipek săm soi tôi một cách ngờ vực song vẫn thân thiện, tôi ngồi xuống mép giường, nơi bạn tôi từng sống những giờ phút hạnh phúc nhất đời mình, khi ông và chính người đàn bà này yêu nhau. Nếu đúng lúc này tôi chết ở đây? Tỏ tình với Ipek? Cứ đứng đây mà nhìn ra cửa sổ? Vâng, mọi người đợi ta ở bàn tiệc. Vâng, chúng ta sẽ xuống ngay bây giờ. Tôi nói mấy câu vô nghĩa khiến Ipek mỉm cười thích thú. Trước nụ cười dịu dàng của cô, tôi thốt ra những lời xúc động mà trong khi nói tôi nhớ là đã chuẩn bị chúng từ trước. 

Khônggìtrongcuộcsốnglàmconngườihạnhphúctrừtìnhyêukể cảnhữngcuốntiểuthuyếtanhtaviếtrahaynhữngthànhphốanhtađến thăm...tôicôđơnquánếutôinóivớichịrằngtôimuốnởlạithànhphốnày bênchịsuốtđờithìchịnóisao? 

"Ông Orhan," cô nói. "Tôi cũng định yêu Muhtar lắm nhưng không thành, tôi đã rất yêu Lam nhưng không thành, tôi tưởng mình sẽ rất yêu Ka nhưng không thành, tôi ước gì có một đứa con nhưng không thành. Tôi không tin mình sẽ yêu say đắm được ai đó nữa. Tôi chỉ muốn chăm sóc thằng cháu Ömercan nữa thôi. Tôi cảm ơn ông, cho dù chắc ông cũng không hẳn thực sự nghĩ vậy." 

Tôi cảm ơn cô đã lần đầu không dùng chữ "anh bạn ông" mà nói ra tên "Ka". Tôi muốn hẹn cô trưa mai ở tiệm bánh ngọt Đời Mới, hoàn toàn chỉ để nói về Ka.Tiếc thay, cô bận, nhưng là một chủ nhà tử tế cô hứa sẽ cùng mọi người tối mai ra ga tiễn và chia tay tôi. 

Tôi nồng nhiệt cám ơn cô và thú thực là không đủ sức quay lại bàn nữa (thêm nữa tôi sợ sẽ bật khóc). Tôi vật ra thường và thiếp đi ngay. 

Sáng sớm tôi ra khỏi khách sạn, không người nào thấy và đidạo khắp Kars, đầu tiên với Muhtar, sau đó với Serdar và Fazil. Ít nhất thì hình ảnh tôi trong mục thời sự buổi tối trên tivi cũng làm dân Kars khá yên tâm nên tôi đã dễ dàng thu thập được một số chi tiết cần thiết cho cuốn sách. Muhtar giới thiệu tôi làm quen một ông dược sĩ về hưu, tổng biên tập củaNgọn giáo - tờ báo Hồi giáo chính trị đầu tiên của Kars với 75 ấn bản bán ra. Sau khi nghe kể về sự suy thoái của phong trào Hồi giáo bởi các biện pháp phi dân chủ và trường tôn giáo cũng không thu hút được nhiều học sinh như ngày xưa, tôi lại nhớ đến chuyện Necip và Fazil lập kế hoạch giết ông già dược sĩ, vì ông này đã hai lần hôn Necip một cách kỳ quái. Cả ông chủ khách sạn Vườn Hoa Kars từng hớt lẻo về khách của mình với Sunay nay cũng viết cho báo này. Khi người ta kể chuyện cũ, ông nhắc tôi nhớ đến một chi tiết mà tôi suýt quên: kẻ sát hại ông hiệu trưởng đại học sư phạm trước đây bốn năm may sao, không phải người ở Kars. Ngoài những hình ảnh ghi lại trong khi diễn ra hành động đẫm máu ấy. danh tính anh ta, một người làm quán trà ở Tokat, còn được xác định bởi bản nghiên cứu đạn đạo của Ankara, vì vũ khí ấy cũng được sử dụng trong một vụ giết người khác và người ta đã bắt được chủ sở hữu vũ khí. Người đàn ông sau khi khai Lam đã mời anh ta đến Kars đã được xác nhận trước tòa là bị bệnh thần kinh. do vậy bị đưa vào bệnh viện tâm thần Bakirkôy ba năm; sau đó anh ta được thả, chuyển đến Istanbul, mở quán trà Vườn Hoa Tokat, viết chuyên mục cho một tờ báo ủng hộ các thiếu nữ trùm khăn. 

Có lẽ phong trào đối kháng của nhóm thiếu nữ trùm khăn ở Kars trước đây bốn năm suy yếu dần sau khi Kadife để lộ tóc ra, và nếu sau này có dấu hiệu phục hồi thì cũng không mạnh như ở Istanbul vì những người trung thành với ý tưởng ấy đã bị đuổi khỏi trường đại học hoặc chuyển sang các trường khác trong nước. 

Gia đình Hande cự tuyệt không tiếp tôi. 

Do những bài hát được trình bày trong những ngày cách mạng trở thành nổi tiếng khắp nơi, nhân viên cứu hỏa với giọng hát khỏe ngày xưa nay là ngôi sao trong chương trình "Bài ca từ biên giới Thổ" phát hàng tuần trên Truyền hình biên giớiKars.Chương trình này được thu tối thứ Ba và phát ra vào cuối chiều thứ Sáu. Khi biểu diễn, ông được người bạn thân đệm đàn dây saz. Đó là nhân viên thường trực yêu nhạc của bệnh viện Kars và khách quen tại bí thất của trưởng lão Saadettin. Nhà báo Serdar cũng giới thiệu tôi với "Bốn mắt", cậu bé đã lên sân khấu trong đêm nổ ra cách mạng. Sau đó bố cậu cấm cậu tham gia diễn kịch ở trường. Hôm nay đó là một chàng trai chững chạc, tuy vẫn làm nghề giao báo. Nhờ anh ta mà tôi biết những người xã hội chủ nghĩa chuyên đọc báo chí in ở Istanbul nay đang làm gì: vẫn luôn kính trọng - như từ xưa đến nay - cuộc đấu tranh sinh tử của người Hồi giáo chính trị và người Kurd dân tộc chủ nghĩa với nhà nước, thảo ra những nghị quyết nửa vời không ai thèm đọc. và vỗ ngực khoe những gian khổ và chiến công ngày xưa. Hầu như mỗi người mà tôi tiếp chuyện đều có vẻ mong đợi một người hùng giàu tinh thần hy sinh sẽ ra tay cứu mọi người trước nạn thất nghiệp, nghèo đói, tham nhũng và đổ máu. Và do tôi là một tiểu thuyết gia ít nhiều có tên tuổi nên cả thành phố đánh giá tôi bằng thước đo tưởng tượng dành cho nhân vật vĩ đại đó, họ khiến tôi cảm nhận rằng họ không ưa gì một số thói tật mà tôi đã mắc phải ở Istanbul: tính phiêu lãng vô lo, chỉ tập trung vào việc riêng, và tật đãng trí. Đáng lẽ tôi còn theo ông thợ may Maruf về nhà sau khi ngồi cùng ông ở quán trà Thống Nhất và nghe hết chuyện đời của ông, để làm quen với các cháu ông và uống rượu với chúng, rồi thì phải ở lại thành phố thêm hai hôm nữa để thuyết trình ở buổi họp do các môn đệ trẻ của Atatürk tổ chức vào các tối thứ Tư, hút hết những điếu thuốc lá được người ta thân mật mời và hàng trăm tách trà (mà tôi cũng cố làm được một phần). Đồng đội của bố Fazil trong quân ngũ, một người quê Varto, kể trong bốn năm qua nhiều người Kurd dân tộc chủ nghĩa đã bị giết hoặc tống vào ngục, và không ai theo du kích nữa. Không một ai trong số những thanh niên có mặt tại buổi họp ở khách sạn Châu Á còn ở lại thành phố trừ đứa cháu thiện cảm và mê cácược của Zahide đã giới thiệu tôi với những người mê chọi gà. Và tôi uống luôn hai cốc trà đựng Raki được mời ở đó. 

Trời đã tối, trước giờ tàu khởi hành rất lâu tôi chầm chậm đi như một du khách quá đỗi cô đơn và bất hạnh về khách sạn dưới trời mưa tuyết, lên phòng mình xếp hành lý. Khi đi qua cửa bếp, tôi làm quen mật vụ Saffet đang được Zahide múc cho một đĩa xúp như mọi tối. Ông ta hôm nay đã về hưu, biết tôi là ai vì tối qua có xem ti vi và muốn nói với tôi vài câu. Chúng tôi cùng nhau đến quán trà Thống Nhất, và Saffet kể rằng ông vẫn làm việc theo hợp đồng cho nhà nước. Ở Kars, ai làm mật vụ thì không bao giờ có điểm dừng, ông mỉm cười kể, các tổ chức an ninh ở thành phố rất tò mò muốn biết tôi sẽ kích động chuyện gì trong chuyến đi này (những "vụ Armenia" ngày xưa, cuộc nổi dậy của người Kurd, các nhóm toàn thống, đảng chính trị?) và ông sẽ kiếm được ít tiền nếu tôi thật thà kể cho ông nghe đôi điều. 

Tôi ngập ngừng kể cho ông về Ka, nhắc lại chuyện ông theo Ka sát từng bước trước đây bốn năm và hỏi ông chuyện Ka. 

"Ông ấy là người rất tốt, yêu mọi người và chó," Saffet nói.Nhưng trong tâm trí thì ông ấy ở Đức. Một người rất kín đáo.Hôm nay ở đây chẳng ai ưa Ka nữa cả." 

Chúng tôi lặng yên một hồi. Tôi thận trọng hỏi ông có biết gì về Lam không và được biết là cách đây mấy năm có một số người từIstanbul tới đây hỏi về Lam, giống như tôi về đây vì Ka. 

Nhưng kẻ thù Hồi giáo chính trị của nhà nước đã cố đi tìm mộ Lam vô ích, xác anh ta chắc đã bị vứt từ máy bay xuống biển để tránh biến nấm mộ thành điểm hành hương. Fazil đến ngồi cùng bàn chúng tôi và kể, cậu cũng nghe được những tin đồn tương tự và thấy nói là những thanh niên Hồi giáo chính trị ấy đã trốn sang Đức, vì họ nhớ rằng Lam đã từng làm một cuộc hành hương tới đó. Ở Berlin họ lập ra một nhóm Hồi giáo chính trị cực đoan phát triển mạnh; tờ Hành hươngxuất bản ở Đức in trên trang nhất tuyên ngôn của họ thề sẽ trả thù những người chịu trách nhiệm về cái chết của Lam. Có thể phỏng đoán rằng chính họ đã giết Ka. 

Tôi nhìn ra tuyết rơi ngoài trời và hình dung ra bản thảo viết tay duy nhất cho tập thơ Tuyết của bạn tôi nằm trong tay một phần tử của nhóm Hành hương ở Berlin. 

Một mật vụ khác ra ngồi cùng bàn nói với tôi rằng mọi tin đồn đại về ông ta đều là chuyện bịa. Ông ta đã yêu chân thành Teslime và chắc chắn sẽ cưới cô làm vợ nếu cô không tự sát. Ông ta khẳng định mình không "thong manh" và không hiểu vì sao Teslime lại không chịu cưới mình. Tôi chợt nhớ ra chuyện Saffet tịch thu thẻ học sinh của Fazil ở thư viện thành phố trước đây bốn năm. Ka đã ghi lại trong vở, nhưng chắc họ đã quên vụ này từ lâu. Khi Fazil và tôi trở ra đường phố phủ tuyết, hai cảnh sát ấy cũng theo cùng - tôi không rõ vì họ có cảm tình với chúng tôi hay vì thói quen nghề nghiệp - và kêu ca về cuộc sống, sự trống trải, rắc rối về tình yêu và tuổi già. Họ không đội mũ, và tuyết đọng trên mái tóc bạc lưa thưa của họ mà không tan đi. Tôi hỏi, thành phố trong bốn năm qua có nghèo đi hoặc xơ xác hơn. Fazil nói, người ta xem tivi nhiều hơn, người thất nghiệp ngồi nhà thay vì ra quán trà, xem phim nước ngoài miễn phí qua chảo vệ tinh. Ai cũng tiết kiệm để đủ tiền mua một ăng-ten vệ tinh màu trắng to như cái chảo lắp cạnh cửa sổ - sự thay đổi duy nhất trong cơ cấu thành phố. Mỗi người chúng tôi mua ở hẻm Đời Mới một bánh sừng bò nhân hồ đào ngon tuyệt - từng là cái giá phải trả cho mạng sống của ông hiệu trưởng đại học sư phạm - và ăn thay cho bữa tối. 

Sau khi hai cảnh sát chắc chắn rằng chúng tôi ra ga và chia tay, chúng tôi đi trên đường phố Kars u sầu, thoáng vài ánh đèn tuýp dưới hàng cây dẻ và trúc đào với những cành trĩu tuyết, qua mặt tiền các cửa hiệu đóng cửa, quán trà không khách, nhà Armenia bỏ hoang và các tấm cửa kính bày hàng đóng băng. Do không có cảnh sát bám đuôi, chúng tôi rẽ vào những đường ngang. Tuyết hầu như đã ngừng rơi nay lại đổ mạnh hơn. Đường phố không người và phút chia tay Kars đau buồn khiến tôi cảm thấy có lỗi, tựa như tôi bỏ lại Fazil ở thành phố hoang này. Một con chim sẻ chập chờn liệng ra sau tấm màn băng rủ xuống từ hai cành trúc đào trần trụi bay giữa những bông tuyết chậm chạp rơi, lướt trên đầu chúng tôi rồi biến mất. Đường phố trống trơn dưới một lớp tuyết mới và mềm lặng im đến nỗi chúng tôi không nghe được tiếng động nào ngoài hơi thở của mình ngày càng to vì mệt, và tiếng chân bước. Trong một đường phố chạy giữa nhà ở và cửa hiệu, sự im lặng này tạo ấn tượng như ta đang di chuyển trong mơ. 

Có một lúc tôi dừng bước giữa đường và dõi mắt theo một bông tuyết mà tôi chọn ra giữa trời cho đến khi nó chạm đất, đúng lúc Fazil chỉ cho tôi một tấm áp phích bợt bạt treo từ nhiều năm bên trên cửa quán trà Chào Mừng.