Địa Ngục Tầng Thứ 19 - Chương 06 - Part 2

Tối nay chưa đến 11 giờ đã tắt đèn. 
Xuân Vũ không chui vào chăn, cô ngồi đó, đôi mắt mở to. Không rõ Văn Nhã nằm bên kia đã ngủ chưa. Các sự việc xảy ra trong mấy ngày qua khiến hai cô gái nơm nớp lo âu. 
Càng như thế, Xuân Vũ càng không dám ngủ. Vì cô đang chờ đợi… 
Đúng 12 giờ đêm. 
Tín hiệu tin nhắn vang lên. 
Quả nhiên là số máy bí hiểm ấy. 
Số xxxxx741111. 
Tín hiệu kêu rất khẽ, chắc sẽ không làm Văn Nhã thức giấc. 
Xuân Vũ đọc mẩu tin nhắn này. 
“Bạn đã bước vào tầng 3 địa ngục, ra khỏi tiểu lâu của Phủ tiến sĩ thôn vắng, hãy lựa chọn: 1. Đại sảnh; 2. Địa cung.” 
Xuân Vũ hơi do dự, rồi ngón cái bấm số 2. 
Cô chọn “Địa cung”. 
Chỉ vài giây sau đó, tin nhắn thứ 2 gởi đến: 
“Bạn bước vào một căn phòng của Phủ tiến sĩ ở thôn vắng, trên tường có một ngách bí mật, hãy cầm chiếc đèn dầu bước vào ngách đó. Bạn đi xuống một con đường rất dài trong lòng đất, rồi đến cửa vào mê cung…” 
Mê cung? 
Cô ngẩn người nhìn mẩu tin này, không rõ mình sẽ “đi” đến nơi nào. 
Tiếng “tít tít” hối thúc lại vang lên, nhưng cô hơi thấy bất ngờ, vì không phải tin nhắn mà là tín hiệu “down” thông tin. Sau một thoáng do dự, Xuân Vũ cũng down chương trình này về di động của mình. 
Ngay lập tức màn hình hiện lên một chuỗi các tranh động vật, mọi ngày cô rất ít chơi game nên cô lúng túng mất một lúc. 
Các biểu tượng này đều có màu xam xám, nhưng rất rõ nét, hình như đều là ảnh chụp. Xuân Vũ ấn thử vài lần nút phương hướng, các bức ảnh này quả nhiên đã hoạt động. Đi được một lúc thì gặp ngã ba, chỉ có thể chọn một lối rẽ. 
Nhìn đến đây Xuân Vũ đã hiểu rõ, thì ra đây là các bức vẽ địa cung, nhấn các nút định hướng của máy di động thì sẽ giống như mình đang đi vào mê cung dưới lòng đất thật. 
Xuân Vũ đi trong hệ thống tranh vẽ nửa giờ đồng hồ, đã vài lần gặp phải tử lộ. Khi cô bấm tê cả ngón cái, thì trong tranh đã mở ra một cửa lớn, cô “đi” thẳng ra khỏi cửa, các bức tranh trên màn hình đã biến mất. 
“Mình đã ra khỏi mê cung rồi ư?” 
Xuân Vũ chưa kịp hiểu rõ thì tín hiệu tin nhắn đã vang lên. Lần này vẫn là bất ngờ đối với cô, vì màn hình xuất hiện một tin nhắn sử dụng dịch vụ đa phương tiện MMS. Ngón cái nhấn vài lần, cô nhận được một bản vẽ màu, dưới bức tranh còn ghi thêm dòng chữ: “Bạn đã ra khỏi mê cung, bức tranh này là phần thưởng dành cho bạn.” 
Cô vội mở ngay bản vẽ, trên màn hình di động nhỏ xíu dần dần hiện ra một bức tranh. 
Nhìn màu sắc, thì đó là bức tranh sơn dầu, nhưng vì màn hình quá bé, nên nó chỉ như là một phần của bức tranh. Cô nhìn thấy trong tranh có một thiếu nữ phương tây tóc vàng, hai tay cô ta bị trói ngoặt, treo lên một cái cây to, bên dưới là một đống lửa đang cháy ngùn ngụt, thiêu đốt đôi chân cô gái. 
Lẽ nào đây là địa ngục? 
Bức tranh khiến Xuân Vũ cảm thấy ghê tởm, cô nắm chặt thành giường, thoát ra khỏi bức vẽ này. 
Cô thở dốc một hồi. Rồi cô lại nhận được một tin nhắn: 
“Bạn đã đi qua tầng 3 địa ngục, bước vào tầng 4.” 
TẦNG 4 ĐỊA NGỤC 

[phần 1] 

Bảy giờ sáng, Xuân Vũ từ từ thức dậy. Cô sờ lên đầu mình, đã rất lâu chưa ngủ một giấc say như thế này. 
Cô trèo xuống giường, mới nhận ra không thấy Văn Nhã đâu. Cô thử sờ vào chăn đệm của Văn Nhã, vẫn còn hơi âm ấm. 
Xuân Vũ nhíu mày, không chải đầu vội, chạy ra mở cửa phòng. Bên ngoài, hành lang giá buốt như đóng băng, gió lạnh sớm mai thốc vào y phục phong phanh của cô. 
Bỗng có tiếng kêu thảm thiết từ phía nhà vệ sinh vọng lại, khiến Xuân Vũ nhói tim, cô nghiêng đầu nhìn về hướng ấy. Một bạn nữ đang hốt hoảng chạy từ trong đó ra, đầu tóc tả tơi trông thật đáng sợ. Lúc bạn này chạy đến cửa phòng Xuân Vũ thì cô ngăn lại. 
Xuân Vũ nhận ra cũng là một bạn nữ học cùng chuyên ngành. Cô bạn nhìn thấy Xuân Vũ thì lại càng kêu thét hãi hùng hơn, cứ như là gặp ma. Bị người ta coi mình như kẻ chuyên mang đến điều rủi ro, thực không dễ chịu gì, Xuân Vũ cố nén đau khổ, nắm chặt bả vai cô bạn, hỏi: “Cậu nhìn thấy gì trong nhà vệ sinh?” 
Cô gái mở to mắt, nói: “Trong… trong nhà vệ sinh có ma!” 
Lẽ nào lời đồn đại nhà vệ sinh có ma lại là sự thật? Xuân Vũ buông lỏng tay, cô ta nhân đó vùng ra, chạy mất hút khỏi hành lang. 
Xuân Vũ nhìn về phía khu vệ sinh, rồi khoác thêm áo, lao về phía ấy. 
Cô đi gần như chạy trên tuyến hành lang giá lạnh buổi sớm mai, đến trước cửa khu vệ sinh, rồi gọi to: “Có ai trong đó không?” Nhưng bên trong không thấy có phản ứng gì, cô thận trọng bước vào. 
Hình như không có ai cả, chỉ nghe thấy tiếng nước tí tách không ngừng. Có điều, cả 6 khoang nhỏ đều đang đóng cửa, chẳng rõ bên trong có gì không. 
Cô thở hít thật sâu, để lấy lại bình tĩnh đã, rồi mở cánh cửa thứ nhất. Bên trong trống không. 
Rồi cô lần lượt mở các cánh cửa, cũng không thấy có gì khác thường. 
Chỉ còn cánh cửa cuối cùng. 
Đứng trước cánh cửa gỗ cũ kỹ nham nhở, tim cô bỗng vô cớ đập rất nhanh, hình như “tiểu ma nữ Hanako” đang nấp trong đó. 
Rồi cô cũng đánh bạo mở cánh cửa cuối cùng ra. 
Một cô gái tóc dài đang ngồi đó. 
Xuân Vũ không nhìn rõ mặt, chỉ thấy mái tóc rối bù xù, xõa che cả bộ váy ngủ màu trắng – cũng giống như trang phục mà Tố Lan ở phòng bên mặc lúc treo cổ tự tử. 
Nếu ai đó ngẫu nhiên mở cửa ra nhìn thấy một người đang ngồi như thế này, chắc cũng phải sợ chết khiếp. 
Người đó bỗng từ từ ngẩng đầu lên, tóc rã rượi che gần hết khuôn mặt, chỉ nhìn thấy một con mắt mà lòng trắng choán gần hết. Là con ác ma nhà vệ sinh hay sao? 
Nhưng Xuân Vũ lập tức nhận ra không phải ma quỷ, mà rành rành là Hứa Văn Nhã. 
Cô gọi to “Văn Nhã” nhưng vô ích, Văn Nhã vẫn ngồi im chỗ đó, lạnh lùng nhìn cô bằng một con mắt. Không chịu nổi nữa, cô kéo Văn Nhã đứng dậy, nhưng cái thân hình còm nhom ấy cứ co rúm lại, tóc xõa che kín, cứ như là không có mặt có đầu. 
Tiếng nước tí tách khiến người ta tâm trí rối bời, Xuân Vũ chỉ còn cách cố dìu Văn Nhã ra khỏi nhà vệ sinh. Có vài bạn nữ đứng lấp ló trước cửa nhìn thấy 2 cô, phát hoảng kêu rú lên và bỏ chạy. 
Xuân Vũ gỡ đám tóc xõa của bạn, khuôn mặt như trẻ con của Văn Nhã hiện ra, đôi mắt mở to đầy sợ hãi đang chằm chằm nhìn cô, hình như đằng sau cô còn có một thứ gì đó. 
“Con khỉ! Con khỉ!” Văn Nhã rú lên, tiếng kêu như xé phổi, âm thanh như không phải của cô mà là phát ra từ một không gian khác! 
Xuân Vũ chợt nhớ đến cảnh tượng đáng sợ mình đã trải nghiệm cách đây nửa năm, lẽ nào Văn Nhã cũng… 
Rồi Văn Nhã vận hết sức khua đôi tay lên, vùng ra khỏi tay Xuân Vũ, chạy về một phía của hành lang. Xuân Vũ nhìn theo thân hình loắt choắt ấy đang chạy như bay, thật giống một con khỉ. Một vài bạn nữ có lẽ bị thức giấc, lò dò bước ra cửa phòng, bị Văn Nhã xô phải, ngã dúi xuống đất. 
Xuân Vũ kiệt sức không thể đuổi theo nữa, cô tựa vào cửa sổ nhìn theo bóng Văn Nhã chạy ra khỏi ký túc xá, vừa chạy vừa hét lên ghê rợn khiến các bạn nữ quanh đây đều sợ mất vía. 
Khi chạy đến trước cửa nhà ăn, Văn Nhã gặp một thầy giáo. Đôi tay rắn chắc của thầy đã túm chặt lấy cô, dù vùng vẫy thế nào cô cũng không thể thoát ra được. Một đám đông sinh viên từ trong nhà ăn chạy ra, ngó nhìn cứ như xem một kẻ tâm thần. 
Vài sinh viên giúp thầy giáo giữ chặt Văn Nhã rồi đưa cô đi. Xuân Vũ nhìn rõ tất cả. 
Hứa Văn Nhã đã phát điên thật ư? 
Xuân Vũ quay đầu lại nhìn hành lang, có nhiều bạn nữ đang thò đầu ra nhìn cô, chỉ trỏ bàn tán. Xuân Vũ chỉ còn biết cúi gằm mặt, nhưng cô không trở về phòng, mà quay lại nhà vệ sinh. Vì cô muốn tìm hiểu rõ lúc nãy trong đó đã xảy ra chuyện gì với Văn Nhã? Tại sao bạn ấy lại bất chợt trở nên đáng sợ như thế? 
Quả nhiên cô thấy ở thềm xi măng bên rãnh nước chảy có một chiếc máy di động Siemens. Cô nhận ra đây là di động của Văn Nhã. 
Cô xé vài mảnh giấy vệ sinh bọc vào chiếc máy rồi cầm lên, màn hình vẫn đang sáng, có một tin nhắn chưa đọc. 
Ngón cái nhấn phím, cô run run đọc mẩu tin này: 
“GAME OVER”. 
[phần 2] 

Hứa Văn Nhã đã phát điên thật. 
Lúc sáng sớm, các thầy giáo đưa Văn Nhã đến phòng y tế của trường, cô cứ luôn miệng lảm nhảm và không ngớt kêu lên “con khỉ”. Nhà trường hết cách, đành đưa cô đi viện. Các bác sĩ chẩn đoán sơ bộ Văn Nhã đã mắc chứng tâm thần phân liệt, phải nằm viện điều trị. 
Các thầy lại đến tra hỏi Xuân Vũ, hỏi suốt một buổi sáng; tuy cô đã kể lại toàn bộ tình hình nhưng các thầy vẫn chưa thật hài lòng, không thể giải thích nổi tại sao Văn Nhã bỗng dưng phát điên. Thậm chí có thầy còn ngờ rằng, phải chăng nửa năm trước Xuân Vũ đã từng bị như thế, nên đã “lây nhiễm” chứng này sang Văn Nhã là bạn cùng phòng? 
Đương nhiên, cách nghĩ này thật là buồn cười, vì bệnh tâm thần không phải bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, tâm trạng sợ hãi của con người thì đúng là có thể lây lan. Liệu có phải Thanh U tự sát đã khiến Văn Nhã hết sức khiếp sợ, rồi dẫn đến tâm thần phân liệt? Tuy khả năng này là rất lớn, nhưng nhiều người đều tin rằng còn có nguyên nhân khác. Nguyên nhân ấy tựa như u linh ẩn náu ở một góc nào đó trong khu ký túc xá nữ sinh, khiến họ phải lo âu kinh hãi. 
Đến chiều các thầy đã ra về, Xuân Vũ giống như phạm nhân vừa được tha, cô nhoài bên thành cửa sổ hít thở thật mạnh, cứ như bị mất tự do từ rất lâu. 
Lúc này trong bệnh viện, Văn Nhã đang làm gì? Có phải vẫn đang kêu lên “con khỉ” hay là đang đi men tường trong phòng? Xuân Vũ chẳng muốn nhớ lại những chuyện mình đã trải qua, nhưng đâu dễ gì mà quên nổi? 
Xuân Vũ có thể lý giải, có thể hiểu tại sao Văn Nhã lại hóa điên. Tuy nhiên, điều bí ẩn duy nhất là: tin nhắn cuối cùng trên di động của Văn Nhã “GAME OVER”, nó có vai trò gì? 
Còn đối phương gửi tin này, là số máy mà Xuân Vũ rất quen: 
Số xxxxx741111. 
Cô đờ người ra, rồi lập tức tra lại các tin nhắn khác trong máy này, thì không có tin nào được lưu lại, chỉ còn độc một tin nhắn cuối cùng. 
Giờ này, chiếc di động ấy đang nằm trong tủ cùng với các vật dụng khác, để nhà trường bàn giao lại cho gia đình Văn Nhã. 
Nỗi lo lắng của Xuân Vũ đã trở thành sự thật. Trong cái đêm Thanh U qua đời, Xuân Vũ cũng nhìn thấy trong di động của bạn có mẩu tin nhắn như thế. Hôm qua, anh sĩ quan công an cho cô biết trong di động của Tố Lan để lại cũng có dòng chữ “GAME OVER”. 
GAME OVER = trò chơi kết thúc. 
Đúng rồi, Thanh U chết tức là GAME OVER, nay Văn Nhã hóa điên cũng là GAME OVER, tiếp theo sẽ là ai phải GAME OVER? 
Rõ ràng là các tin nhắn đều gửi từ cùng 1 máy di động có số xxxxx741111. Có thể suy ra rằng, cái chết của Thanh U, Tố Lan, và Văn Nhã phát điên đều có mối liên quan mật thiết với số máy này. 
Chính Xuân Vũ lại đêm đêm bị số máy này đưa vào “địa ngục”, chơi các GAME từa tựa như “tin nhắn”. Nghĩ đến đây, người cô run lên bần bật, quay lại nhìn căn phòng. Cả phòng có 4 nữ sinh, đã chết một cô, nay một cô lại hóa điên. Một thứ không khí đáng sợ như một trận dịch hạch đang tràn ngập khắp nơi này. 
Xuân Vũ nhìn thấy cuốn sách trên đầu giường cô: cuốn sách mượn ở thư viện “Truyền thuyết về địa ngục sơ kỳ văn minh nhân loại”. 
Mấy hôm nay xảy ra ngần ấy chuyện đáng sợ nên chẳng còn tâm trí nào mà mở ra đọc. Bây giờ thử lật vài trang, quả là không sao đọc nổi. Cô nhớ đến lời hứa hôm đó, có người đang chờ để đọc, mình đã không đọc thì nên đưa cho người ta đọc. 
Cô đương nhiên không thể quên người ấy. 
Cao Huyền, khoa Mỹ thuật. 
Xuân Vũ gắng gạt bỏ những chuyện không vui sáng nay, cô cầm cuốn sách bước ra khỏi phòng. 
[phần 3] 

Trường đại học này có vài chục khoa với hàng vạn sinh viên. Toàn khu nhà trường cứ như một mê cung. Xuân Vũ chưa bao giờ đến khoa Mỹ thuật nên dọc đường cô phải hỏi thăm mấy lần, mất hơn nửa giờ mới tìm ra khoa này ở một khu vực khá xa. 
Tòa nhà của khoa Mỹ thuật trông vô cùng bề thế, từ kiểu dáng thiết kế cho đến vật liệu kiến trúc đều theo phong cách tân kỳ, phía trước bày rất nhiều tượng và phù điêu hiện đại, nam thanh nữ tú ra vào nơi này đều rất có chất “nghệ sĩ”. So với họ, khoa của Xuân Vũ có vẻ quá đơn sơ, mộc mạc. 
Lúc này cô thoáng chút hối hận, lẽ ra mình nên ăn mặc sáng sủa hơn một chút, để phù hợp với “đẳng cấp” nơi này. Cô cúi đầu, bước vào tòa nhà. Phía trước đang treo tấm áp-phích quảng cáo triển lãm. Thì ra ở đây đang có cuộc triển lãm của sinh viên, sinh viên được vào xem miễn phí. 
Tòa nhà này thiết kế quá mới mẻ, Xuân Vũ không tìm ra lối đi, có lẽ chỉ còn cách đi qua đại sảnh đang bày triển lãm mới vào trong được. 
Từ nhỏ cô đã rất thích vẽ, hồi học trung học đã xem nhiều tranh hoạt họa, cũng rất mê các thiếu nữ trong phim hoạt hình. Khi vào đại học cô bỗng thấy mình thật ấu trĩ, nên không bao giờ để ý đến chúng nữa. Đối với “nghệ thuật cao nhã” của khoa Mỹ thuật, thì cô lại càng “kính nhi viễn chi”! (coi trọng nhưng tránh xa)