Gió qua rặng liễu - Chương 04 part 2

“Anh đã nghĩ là sẽ thấy chú mày bình yên vô sự ở đây,” Rái Cá vui mừng nói. “Tất cả bọn chúng nó đều trong tình trạng hoảng hốt suốt dọc Bờ Sông lúc anh đến vào sáng hôm nay. Chuột Nước không có mặt ở nhà – cả thằng Chuột Chũi cũng vậy – hẳn là một điều gì đó đáng sợ đã xảy ra, chúng nó bảo thế; mà tuyết thì đã phủ kín hết các vết chân các cậu, cố nhiên rồi. Nhưng anh biết là trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào người ta hầu hết đều tìm đến bác Lửng, hoặc nếu không thì bằng cách này cách khác bác Lửng cũng phải biết về hoàn cảnh của họ, vì vậy anh đến thẳng chỗ này, qua khu Rừng Hoang và qua tuyết! Chà, thật là tuyệt vời, vượt qua tuyết khi mặt trời đang mọc và nổi bật trên những thân cây màu đen. Khi bạn đang tiến bước trong cảnh tĩnh mịch, thỉnh thoảng những tảng tuyết bỗng tuột khỏi những cành cây và rơi xuống đánh phịch khiến bạn giật nảy mình và chạy đi tìm chỗ ẩn nấp. Những lâu đài tuyết và những hang động tuyết bỗng nhiên mọc lên trong đêm – những chiếc cầu, những hành lang và những thành lũy bằng tuyết – lẽ ra anh đã có thể nán lại mà chơi đùa với chúng hàng giờ đồng hồ cơ đấy. Đó đây, những cành cây lớn chỉ và trọng lượng của tuyết mà bị xé toạc khỏi thân cây, và những chú chim cổ đỏ đậu và nhảy nhót trên đó một cách vênh váo ngạo mạn, cứ như thể bản thân chúng đã hạ những cành ấy. Một đàn ngỗng trời tả tơi bay ngang qua trên đầu, cao tít trên bầu trời xám xịt và vài chú quạ lượn vòng trên đám cây cối, thăm dò rồi vỗ cánh bay về tổ, bộ dạng nom gớm chết. Nhưng anh chẳng gặp được một sinh vật đứng đắn nào để mà hỏi thăm tin tức. Khoảng giữa đường qua rừng, anh gặp một tay thỏ ngồi trên một gốc cây đổ và đang dùng hai bàn tay rửa cái bộ mặt ngờ nghệch của mình. Con vật này hoảng sợ khi anh rón rén bò đến sau lưng và đặt một bàn chân trước nặng trịch lên vai nó. Anh phải thụi một hai quả vào đầu nó thì nó mới khôn ra. Cuối cùng, anh cũng tìm cách moi được ở nó cái tin là một đứa trong bọn thỏ đã nhìn thấy thằng Chuột Chũi trong khu Rừng Hoang vào đêm hôm qua. Nó nói rằng đó là tin đồn về các hang hốc, về việc Chuột Chũi – người bạn đặc biệt của anh chàng Chuột Nước đã lâm vào hoàn cảnh khó khăn tệ hại như thế nào, việc cu cậu bị lạc đường ra sao, và ‘Bọn Chúng nó’ lập tức lao ra săn đuổi và truy bắt cu cậu khắp nơi. ‘Thế sao chẳng đứa nào trong bọn mày làm một điều gì đó?’ anh hỏi. “Chúng mày có thể không được trời phú cho trí thông minh nhưng bọn mày có đến hàng trăm đứa, toàn những thằng to lớn, béo mập, mỡ màng và hang của chúng mày thì ăn ra khắp các ngả, lẽ ra trong bất kỳ tình huống nào cũng đã có thể đón nó vào để nó được an toàn thoải mái. ‘Cái gì cơ? Chúng tôi ư?’ nó nói đơn giản, ‘làm một điều gì đó ư? bọn thỏ chúng tôi ấy à?’ Thế là anh lại thụi cho nó một quả rồi bỏ đi. Chẳng phải làm thêm việc gì nữa. Dù sao thì anh cũng được biết một điều gì đó; và nếu may mắn gặp được bất kỳ đứa nào trong ‘Bọn Chúng nó’ thì anh đã được biết thêm một điều gì đó – hoặc là chúng nó.”

“Lúc ấy anh có – ờ – hoảng sợ chút nào không?” Chuột Chũi hỏi, một phần nỗi hãi hùng ngày hôm qua trở lại với nó khi đề cập đến khu Rừng Hoang.

“Hoảng sợ à?” Rái Cá cười to, phô ra một hàm răng trắng bóng chắc khỏe. “Anh sẽ khiến bọn chúng hoảng sợ nếu có đứa nào nhăm nhe giở trò gì. Mà này, Chuột Chũi, rán cho anh vài khoanh giăm bông đi, chú em vốn là một anh chàng nhỏ bé tốt bụng mà. Anh đang đói ghê lắm, mà anh còn có rất nhiều điều phải nói với thằng Chuột Nước ở đây. Đã lâu lắm rồi anh chưa gặp mặt nó.”

Thế là, sau khi cắt mấy lát giăm bông và sai lũ nhím đem rán, Chuột Chũi quay trở lại bữa điểm tâm của mình, trong lúc đó Rái Cá và Chuột Nước chụm đầu vào nhau mà háo hức trò chuyện về việc làm ăn trên sông nước, câu chuyện nghề nghiệp dài lê thê và cứ tiếp tục mãi như chính dòng sông đang rì rào.

Một đĩa giăm bông rán vừa được ăn sạch và chuyển lại vào bếp để lấy thêm thì bác Lửng bước vào, vừa đi vừa ngáp và dụi mắt. Bác chào tất cả các bạn theo cách trầm lặng và bình dị của mình, với những lời thăm hỏi ân cần dành cho mọi người. “Chắc là sắp đến giờ dùng bữa trưa rồi,” bác lưu ý với Rái Cá. “Cậu nên dừng ăn để còn dùng bữa với bọn tôi. Nhất định là cậu đang đói, trong cái buổi sáng giá lạnh này.”

“Cũng hơi đói!” Rái Cá vừa trả lời vừa nháy mắt với Chuột Chũi. “Nhìn mấy chú nhím con này ngấu nghiến giăm bông khiến cháu cảm thấy đói thật sự.”

Hai chú nhím con lại bắt đầu cảm thấy đói sau khi ăn cháo, và sau khi vất vả với việc rán giăm bông, rụt rè ngước nhìn ông Lửng nhưng thẹn quá chẳng nói được câu nào.

“Này, hai cậu bé, hãy về nhà với mẹ đi.” Bác Lửng ân cần nói. “Ta sẽ cử một người dẫn đường cho các cháu. Hôm nay các cháu sẽ không cần ăn bữa chiều nữa, ta hứa đầy.”

Bác cho mỗi đứa sáu xu và vỗ về an ủi, rồi hai chú nhím con ra đi, vẫy vẫy mũ và sờ lên chỏm lông trên đầu tỏ vẻ rất kính cẩn.

Lát sau cả bọn cùng ngồi ăn bữa trưa. Chuột Chũi thấy mình được xếp ngồi cạnh bác Lửng, và bởi hai thằng kia còn mải tán gẫu về sông nước đến mức không gì có thể khiến chúng chuyển sang việc khác, nó tranh thủ cơ hội kể với bác Lửng là nó cảm thấy vô cùng thoải mái và dễ chịu như ở nhà. “Một khi đã ở sâu hẳn dưới mặt đất,” nó nói, “con người ta biết đích xác là mình đang ở chỗ nào. Chẳng chuyện gì có thể xảy đến với mình và không kẻ nào có thể tấn công mình. Người ta hoàn toàn tự chủ và không cần phải hỏi ý kiến ai hoặc bận tâm về những gì họ nói. Mọi sự cứ tiến triển ở bên trên và ta cứ mặc kệ không lo lắng gì hết. Khi cần thì ta chui lên, mọi sự vẫn ở đó chờ đợi ta.”

Bác Lửng hồn nhiên mỉm cười rạng rỡ với nó, “Đúng hệt những gì ta đã nói,” bác trả lời. “Chỉ ở dưới lòng đất mới có được bình an và yên tĩnh. Và rồi, nếu có những ý tưởng lớn hơn thì ta có thể bành trướng – chứ sao, cứ đào và bới, thế là xong! Nếu thấy ngôi nhà của mình hơi to quá thì ta bịt một hoặc hai cái hang lại, và thế là ta lại xong việc! Không có những kẻ ngó qua tường nhà bạn mà kể lại về các nhà thầu khoán, các tàu buôn hoặc nhận xét về bạn, và trước hết là không có thời tiết. Bây giờ cứ xem thằng Chuột Nước kia kìa. Nước lũ cứ ngập vài bộ(13) là nó đã phải dọn đến những nhà trọ không tiện nghi, vị trí bất tiện và đắt đỏ kinh khủng. Hãy xem thằng Cóc chẳng hạn. Ta chẳng có ý kiến gì phản đối Lâu đài Cóc cả: đúng là tòa nhà đẹp nhất vùng này, với tư cách là một cái nhà. Nhưng giả dụ xảy ra hỏa hoạn thì thằng Cóc ra sao? Giả dụ ngói trên mái nhà bị gió cuốn đi, hoặc tường bị lún hoặc nứt, hoặc các cửa sổ bị vỡ thì thằng Cóc thế nào? Giả dụ các gian phòng bị gió lùa – bản thân ta cũng ghét gió lùa – thì thằng Cóc ở đâu? Không, ở trên kia mà ra ngoài trời để rong chơi còn sinh hoạt ở trong nhà thì cũng khá là tuyệt; nhưng cuối cùng thì phải xuống lòng đất – đó là khái niệm về tổ ấm của ta!”

Chuột Chũi nhiệt liệt tán thành, và vì vậy bác Lửng trở nên rất thân thiện với nó. “Khi ăn xong bữa trưa,” bác nói, “ta sẽ dẫn cậu đi thăm khắp nơi ở nhỏ bé này của ta. Ta chắc là có thể cậu hiểu rõ giá trị của nó. Cậu hiểu được kiến trúc nhà ở cần phải thế nào, cậu có hiểu biết đấy.”

Thế là, sau bữa ăn trưa, khi mà hai đứa kia yên vị tại chỗ ngồi bên lò sửa và đã bắt đầu tranh luận sôi nổi về chủ đề lươn, thì bác Lửng thắp một cái đèn lồng và bảo Chuột Chũi đi theo mình. Qua phòng lớn, hai bác cháu tiếp tục đi dọc một trong những đường hầm chính, và ánh sáng chập chờn của chiếc đèn lồng thoáng cho thấy ở mỗi bên đường đều có những gian phòng lớn nhỏ, vài gian chỉ to bằng cái tủ, còn những gian khác thì gần rộng rãi và bề thế như phòng ăn của anh chàng Cóc. Một lối hẹp rẽ thước thợ dẫn họ đến một hành lang nữa, và ở đây mọi thứ lại cũng như thế. Chuột Chũi choáng người về kích thước, quy mô và những phân nhánh của cả cái hành lang này, về độ dài của những lối đi mờ tối, về những mái vòm chắc chắn của các nhà kho đầy ắp, các công trình nề ở khắp nơi, các cột trụ, cửa tò vò, các vỉa hè. “Bác lửng à, làm thế nào,” cuối cùng nó nói, “mà bác có đủ thời gian và sức lực để làm tất cả những thứ này? Thật đáng kinh ngạc!”

Quả thật là đáng kinh ngạc,” bác Lửng hồn nhiên nói, “nếu như là ta đã làm ra những thứ đó. Song thực ra ta đã chẳng làm cái gì hết – chỉ có việc dọn sạch các lối đi và các gian phòng,, cần chừng nào thì dọn chừng ấy. Khắp quanh đây còn vô khối nữa cơ. Ta biết là cậu không hiểu, ta phải giải thích cho cậu mới được. Chà, cậu biết không, cách đây rất lâu, đúng ở cái nơi mà khu Rừng Hoang lúc này đang xao động, trước cả cái khi mà khu rừng ấy mọc lên và phát triển để trở thành như hiện nay, đã có một thành phố – một thành phố của con người. Tại đây, nơi bọn mình đang đứng, họ đã sống, đã đi dạo, đã chuyện trò, đã ngủ và đã xúc tiến công việc kinh doanh. Tại đây họ đã cho ngựa vào chuồng và đã tiệc tùng, từ nơi này họ

phi ngựa đi chiến đấu hoặc đánh xe đi buôn bán. Họ là một dân tộc hùng mạnh và giàu có, và là những nhà xây dựng tuyệt vời. Họ xây dựng để tồn tại lâu dài, bởi họ nghĩ rằng thành phố của họ sẽ tồn tại mãi mãi.

“Nhưng điều gì đã xảy đến với tất cả bọn họ?” Chuột Chũi hỏi.

“Ai mà biết được?” bác Lửng nói. “Con người đến – họ lưu lại một thời gian, họ phát đạt, họ xây dựng – rồi họ bỏ đi. Đó là phương sách của họ. Nhưng bọn ta ở lại. Ta nghe nói là trước kia ở đây đã có loài lửng, rất lâu trước khi chính cái thành phố đó ra đời. Và bây giờ ở đây lại vẫn có loài lửng. Bọn ta là một đám những kẻ nhẫn nại và bọn ta có thể bỏ đi một thời gian, song bọn ta chờ đợi, và kiên trì và rồi bọn ta quay trở lại. Và rồi mãi mãi về sau vẫn sẽ cứ thế.”

“Ồ, vậy lần cuối cùng những người này bỏ đi là bao giờ?” Chuột Chũi nói.

“Thời kì họ bỏ đi,” bác Lửng nói tiếp, “mưa to gió lớn liên tục hoành hành, liên miên, không ngơi nghỉ hết năm này qua năm khác. Có lẽ loài lửng bọn ta nhờ cái lối sống hèn mọn của mình mà chịu đựng được đôi chút – ai mà biết được? Thành phố cứ lún xuống, xuống, xuống dần dần – đổ nát, bị san bằng và biến mất. Rồi sau đó rừng mọc lên, lên, lên, dần dần vì những cái hạt trở thành cây con và cây con thành rừng cây, rồi những bụi cây mâm xôi và dương xỉ cũng bò đến hỗ trợ. Đất mùn nổi lên và xóa sạch tất cả, những dòng suối do nhiều trận mưa dột ngột vào mùa đông đem cát và phù sa đến bít kín và che phủ, và theo dòng thời gian nơi ở của bọn ta lại sẵn sàng cho bọn ta chuyển vào. Phía trên mặt đất cũng xảy ra chuyện như vậy. Các loài vật đến, chúng thích vẻ đẹp nơi này, chọn các khu vực để ở, sinh cơ lập nghiệp, khuếch trương và phát triển. Chúng chẳng bận tâm gì về quá khứ – chẳng bao giờ, chúng quá ư bận rộn. Nơi này vốn tự nhiên đã nhiều gò đống và đầy những hang hốc, nhưng điều đó phần nào lại là một lợi thế. Mà chúng cũng chẳng băn khoăn gì về tương lai – cái tương lai mà có lẽ con người sẽ lại kéo đến ở – vì điều này rất có thể xảy ra. Đến thời gian này, khu Rừng Hoang đã khá đông cư dân, vẫn là tất cả những loài mọi khi, tốt có, xấu có và thờ ơ cũng có – ta chẳng cần nêu đích danh. Phải có đủ loài mới làm nên một thế giới. Ta cho rằng giờ đây bản thân cậu cũng biết đôi chút về chúng.”

“Quả thật là cháu biết.” Chuột Chũi nói, thoáng một chút run rẩy.

“Chà, chà,” bác Lửng vừa nói vừa vỗ vỗ lên vai bạn, “đó là lần đầu tiên cậu nếm mùi bọn chúng đấy, cậu hiểu chứ? Bọn chúng thật ra cũng không đến nỗi quá bất lương, mà tất cả chúng ta đều phải dĩ hòa vi quý. Nhưng ngày mai ta sẽ báo tin cho tất cả mọi người, và ta nghĩ rằng cậu sẽ không bị rắc rối gì thêm nữa. Bất kì người bạn nào của ta đều có thể dạo chơi ở bất kỳ nơi nào mà cậu ta thích trong vùng này, nếu không thấy cậu ấy là ta sẽ biết nguyên do vì sao.”

Khi quay trở lại gian nhà bếp, họ thấy Chuột Nước đang đi đi lại lại, rất bồn chồn. Bầu không khí dưới mặt đất đang đè nặng lên nó khiến nó bực bội và dường như nó thật sự e rằng dòng sông sẽ chạy đi mất nếu nó không có mặt ở đó mà chăm sóc. Vì vậy nó mặc áo khoác vào và lại nhét hai khẩu súng lục vào thắt lưng. “Mau lên, Chuột Chũi à,” nó nói, vẻ lo lắng, khi nhìn thấy hai bác cháu. “Bọn mình phải ra đi khi trời còn sáng. Tớ không muốn lại qua một đêm nữa trong khu Rừng Hoang đâu.”

“Sẽ ổn cả thôi, anh bạn cừ khôi của tôi ơi,” Rái Cá nói. “Anh sẽ cùng đi với các chú, mà có bịt mắt lại anh cũng thuộc mọi nẻo đường, và nếu có cái đầu nào cần ăn đấm thì các chú có thể hoàn toàn tin cậy ở anh mà cho nó ăn đấm.”

“Cậu thật sự không cần phải băn khoăn, Chuột Nước à,” bác Lửng nói thêm vào, giọng điềm tĩnh. “các lối đi của ta lan xa hơn là cậu tưởng, và ta có những cái hang ăn thẳng tới ven rừng theo nhiều hướng, tuy rằng ta không muốn mọi người biết về những cái hang ấy. Khi cậu thật sự phải đi thì cậu sẽ phải theo một trong những con đường tắt của ta. Trong khi chờ đợi, cậu cứ ung dung thoải mái mà ngồi xuống đi.”

Tuy thế Chuột Nước vẫn nóng lòng muốn ra đi để còn chăm sóc cho dòng sông của mình, vì vậy bác Lửng lại xách cái đèn lồng dẫn đường dọc theo một đường hầm ẩm ướt và thiếu không khí, ngoằn ngoèo và xuống dốc, chỗ thì có mái vòm chỗ thì được đục qua đá tảng, chạy dài một đoạn đi đến mỏi chân, dường như tới mấy dặm. Cuối cùng, ánh ngày bắt đầu nhập nhoạng lộ ra qua những khóm cây rậm rịt nhô ra ở cửa hang; và bác Lửng vội vàng chào tạm biệt, hối hả đẩy chúng qua cửa hang, sắp đặt mọi thứ cho nom thật tự nhiên, đủ cả cây leo, cây bụi, lá khô, rồi rút lui.

Ba đứa thấy mình đứng ngay tại bìa Rừng Hoang. Sau lưng chúng là những tảng đá, những bụi cây mâm xôi và những đám rễ cây, chồng chất và nhằng nhịt hỗn độn với nhau; phía trước là một khoảng đồng ruộng rộng lớn, im lìm bao bọc bởi những hàng bờ giậu màu đen nổi bật trên nền tuyết, và mãi tít xa phía trước có ánh lấp lánh của dòng sông thân thuộc, trong khi đó mặt trời lạnh lẽo đỏ ối lơ lửng sát chân trời. Rái Cá, vì thuộc tất cả các nẻo đường, dẫn đầu nhóm, và chúng lê bước thẳng đường chim bay nhằm hướng một cái bậc trèo bờ giậu ở phía xa. Tới đó, bọn chúng dừng lại nghỉ một lát và ngoảnh nhìn lại, chúng thấy cả cái mảng Rừng Hoang, dày đặc đầy vẻ đe dọa và hằn học khảm vào khung cảnh trắng toát xung quanh. Lập tức chúng quay mặt đi và rảo bước về nhà để được thấy ánh lửa lò sưởi rập rờn trên những đồ vật thân quen, để được nghe giọng nói vui vẻ vang lên bên ngoài cửa sổ, giọng nói của dòng sông mà chúng từng biết và tin cậy dù nó đang vui, buồn hay cáu giận, dòng sông không bao giờ đem đến bất kỳ điều kinh ngạc nào khiến chúng hoảng sợ.

Trong lúc hối hả tiến bước, háo hức chờ đợi giây phút được lại có mặt ở nhà giữa những đồ vật mà mình từng biết và yêu thích, Chuột Chũi hiểu rõ rằng nó là một con vật của cánh đồng cày cấy và bờ giậu bằng cây, gắn bó với luống cày, bãi cỏ đông người lui tới, con ngõ dành cho những cuộc chơi la cà buổi tối và mảnh vườn có trông cây. Còn các loài vật khác lại hợp với những hoàn cảnh nghiệt ngã, sự nhẫn nại ngoan cường hoặc những đụng độ thực sự do mâu thuẫn trong Thiên Nhiên hoang dã; nó phải tỏ ra khôn ngoan, phải ru rú ở những nơi dễ chịu, tại đó các ngóc ngách được nó sắp đặt sẵn cũng đủ để nó phiêu lưu cả đời theo cách riêng của mình.