Gió qua rặng liễu - Chương 04 part 1

Hai đứa kiên nhẫn chờ đợi dường như rất lâu, vừa chờ đợi vừa giậm giậm trên tuyết để giữ cho bàn chân được ấm. Cuối cùng, chúng nghe tiếng những bước chân kéo lê chầm chậm tới gần phía bên trong cái cửa. Như Chuột Chũi lưu ý với Chuột Nước, dường như ai đó đang đi đôi dép rơm quá rộng và gót đã vẹt. Chuột Chũi quả là thông minh bởi vì sự thực đúng là như vậy.

Có tiếng then cửa được đẩy ra và cánh cửa hé mở đôi chút, đủ để phô ra một cái mõm dài và đôi mắt hấp háy ngái ngủ.

“Này, lần sau mà còn xảy ra chuyện thế này,” một giọng nói cộc cằn và đa nghi cất lên, “ta sẽ nổi giận lắm đấy. Lần này kẻ nào đến quấy rày người ta vào lúc đêm hôm thế này?Nói mau!”

“Ồ, bác Lửng,” Chuột Nước kêu lên, “làm ơn cho bọn cháu vào với. Cháu, Chuột Nước đây mà, còn đây là Chuột Chũi, bạn cháu. Bọn cháu bị lạc đường vì tuyết phủ khắp nơi”

“Ôi, Chuột Nước, anh bạn nhỏ bé thân mến của tôi!” bác Lửng kêu lên bằng một giọng khác hẳn. “Vào trong nhà đi, cả hai cậu, vào ngay đi. Chà, các cậu hẳn là mệt đến chết được. Ta thì chẳng bao giờ. Ai đời lại lạc đường trong tuyết! Lại ở khu Rừng Hoang nữa, và lại vào lúc đêm hôm thế này! Các cậu vào đi nào!”

Hai con vật xô đẩy đè cả lên nhau vì cùng háo hức muốn vào bên trong, cùng thấy mừng rỡ vô cùng và nhẹ cả người khi nghe tiếng cánh cửa đóng lại phía sau.

Bác Lửng vận một cái áo khoác dài và đôi dép lê của bác ấy quả thật mòn vẹt gót, hai tay bác bưng một cái giá cắm nến và có lẽ trước đó bác đã chuẩn bị đi ngủ thì có tiếng chuông gọi cửa. Bác cúi nhìn ân cần và vỗ nhẹ đầu cả hai đứa. “Đêm tối thế này các con vật nhỏ không nên đi ra ngoài,” bác nói, giọng kẻ cả. “Ta e rằng lâu nay cậu lại giở trò quái quỷ gì rồi, Chuột Nước à. Nhưng mà cứ vào đây cái đã, vào trong nhà bếp ấy. Ở đó có một cái lò sưởi thượng hạng, có bữa ăn tối và đủ cả mọi thứ.”

Bác tiếp tục lê bước trước mặt hai đứa, tay cầm ngọn nến, còn hai đứa vừa đi theo vừa huých khuỷu tay vào nhau, vẻ phấp phỏng, dọc theo một lối đi vừa dài vừa tăm tối, thật sự là vô cùng tồi tệ, dẫn vào một phòng lớn, từ đó chúng có thể lờ mờ nhìn thấy những lối đi khác giống như đường hầm chia thành nhiều ngả, những lối đi bí ẩn và hầu như vô cùng tận. Nhưng căn phòng cũng có những cửa ra vào, các cánh cửa bằng gỗ sồi nom có vẻ chắc chắn. Bác Lửng mở toang một trong những cửa đó và lập tức chúng thấy mình đang ở trong một gian bếp rộng rãi có ánh đèn sáng choang và ấm áp.

Sàn bếp lát gạch đỏ nhẵn nhụi và cái lò sưởi to tướng có mấy khúc gỗ đang cháy thành ngọn lửa giữa hai chỗ ngồi đẹp mắt tụt hẳn vào trong tường, tránh hẳn được bất kỳ cơn gió lùa nào. Hai bên lò sưởi là hai chiếc tràng kỷ có ván tựa cao đối diện nhau dành thêm chỗ ngồi cho những bè bạn dễ chan hòa. Giữa gian bếp là một chiếc bàn dài bằng ván mộc kê trên mễ, mỗi bên có một cái ghế dài. Tại một đầu bàn, nơi có một chiếc ghế bành bị đẩy lùi về phía sau, la liệt những đồ ăn thừa trong bữa tối giản dị nhưng đầy đủ của bác Lửng. Những hàng đĩa tinh tươm lấp lánh trên các ngăn của cái chạn ở cuối gian bếp và trên những thanh rui bếp, phía trên đầu treo lủng lẳng nào là giăm bông, những bó cỏ khô, nào là những túi lưới đầy hành củ và những làn trứng. Dường như đây là một nơi xứng đáng để các bậc anh hùng có thể tiệc tùng sau chiến thắng, nơi mà dăm chục người thợ gặt mệt mỏi có thể ngồi thành hàng dọc bàn ăn và vui sướng ca vang bài Hát mừng Hội mùa, hoặc là nơi đôi ba người bạn có sở thích bình dị có thể ai muốn ngồi đâu thì ngồi, mà ăn mà hút thuốc và trò chuyện vui vẻ thoải mái. Mặt sàn gạch đỏ hướng lên mỉm cười với cái trần ám khói; đôi tràng kỷ gỗ sồi, sáng bóng vì được dùng lâu năm đang vui vẻ liếc nhìn nhau, những cái đĩa trong chạn toét miệng cười với những chiếc bình trên giá, và ánh lửa lò sưởi vui vẻ bập bùng và rập rờn trên tất cả mọi vật, không chút phân biệt.

Bác Lửng tốt bụng đẩy hai đứa ngồi vào một chiếc tràng kỷ để nâng cốc chúc mừng bên lò sưởi và bảo chúng cởi áo khoác và ủng đã ướt ra. Sau đó bác kiếm cho chúng những chiếc áo khoác trong nhà và những đôi dép lê rồi đích thân rửa cái cẳng chân đau của Chuột Chũi bằng nước ấm và chữa vết đứt bằng băng dính cho tới khi cả cái cẳng chân ấy lại khẻo khoắn như thường, nếu không nói là khỏe hơn. Cuối cùng, khi đã ấm áp và khô ráo trong ánh sáng và hơi ấm tràn ngập, những đôi chân mệt mỏi được kê lên trước mặt chúng và một âm thanh lanh canh gợi cảm của bát đĩa dọn ra trên bàn thì những con vật bị tả tơi vì bão táp, lúc này đã có nơi nương tựa an toàn, cảm thấy dường như khu Rừng Hoang lạnh lẽo và không có lối qua kia mà chùng vừa bỏ lại bên ngoài đã ở mãi tít xa hàng mấy dặm, và tất cả những gì mà chúng đã phải chịu đựng ở đó là một giấc mơ hầu như đã bị lãng quên.

Cuối cùng, khi bọn chúng đã nâng cốc chúc mừng xong, bác Lửng mời hai đứa ngồi vào bàn trên đó bác vừa bận rộn bày biện một bữa tiệc. Trước đó hai đứa đã cảm thấy khá đói, nhưng đến khi thực sự nom thấy bữa ăn tối bày ra trước mặt mình thì hầu như chỉ có một vấn đề là bọn chúng nên tấn công vào món nào trước, khi mà tất cả đều hấp dẫn và liệu các món khác có sẵn lòng chờ cho tới khi chúng có thời giờ để ý đến không. Không thể nào trò chuyện lâu được và khi chậm rãi bắt đầu lại việc chuyện trò thì câu chuyện lại có vẻ đáng phàn nàn do hậu quả của việc nói trong lúc mồm đầy thức ăn. Bác Lửng chẳng bận tâm chút nào về việc đó, bác chẳng để ý chút nào về những cái khuỷu tay đang tì trên bàn hoặc việc mọi người cùng nói một lúc. Vì bản thân bác không đi vào Xã hội, bác chỉ nghĩ rằng những sự việc thế này thuộc loại thật sự không có gì quan trọng. (Cố nhiên chúng ta biết là bác đã sai và có tầm nhìn rất hẹp; bởi vì những sự việc ấy quả là rất quan trọng, dù rằng nếu muốn giải thích thì sẽ mất quá nhiều thì giờ). Bác ngồi trên một chiếc ghế bành ở đầu bàn và chốc chốc lại gật đầu lia lịa khi hai con vật kể câu chuyện của mình; và bác dường như chẳng hề ngạc nhiên hoặc bị sốc vì bất kì điều gì, và bác chẳng bao giờ nói: “Ta đã bảo mà,” hoặc “Đúng là những gì ta đã nói mà,” hoặc bình phẩm rằng hai đứa lẽ ra đã phải làm việc này việc nọ hoặc đã không được làm một việc gì đó khác.

Cuối cùng, khi bữa ăn tối đã xong và mỗi con vật đều cảm thấy vừa no căng bụng vừa an toàn và lúc này chẳng ngại gì bất kỳ ai hoặc bất kỳ cái gì, chúng xúm lại quanh những cục than hồng rừng rực của cái lò sưởi to tướng và nghĩ thật là vui được thức khuya đến thế, tự chủ đến thế và no nê đến thế. Và sau khi đã chuyện gẫu một lúc về những sự việc chung chung, bác Lửng nồng nhiệt nói: “Nào! Bây giờ hãy kể cho ta những tin tức về cái phần thế giới của các cậu đi! Thằng Cóc nó ăn ở thế nào?”

“Ồ, càng ngày càng tệ hại,” Chuột Nước nói, vẻ nghiêm trọng, trong khi đó Chuột Chũi nằm chỏng gọng trên một chiếc tràng kỷ và đang hơ mình trong ánh lò sưởi, gót chân cao hơn cả đầu, cố làm ra vẻ hết sức buồn rầu. “Lại một tai nạn xe cộ vào tuần trước, mà là một tai nạn trầm trọng. Bác biết đấy, cu cậu cứ khăng khăng đòi tự lái xe, mà nó thì hoàn toàn không có khả năng. Giá như cu cậu chỉ cần thuê một con vật đứng đắn, bình tĩnh, được đào tạo tử tế, trả công xá hậu và giao hết mọi việc cho nó thì làm ăn cũng ổn. Nhưng không, cu cậu cứ đinh ninh rằng mình là một tài xế thiên bẩm và không ai có thể dạy cu cậu được điều gì, và tất cả những chuyện còn lại đã xảy ra.”

“Bấy lâu nay nó bị mấy vụ rồi?” bác Lửng hỏi, giọng buồn rầu.

“Đâm xe hay là hỏng máy?” Chuột Nước hỏi. “Ôi dào, đối với thằng Cóc thì cũng như nhau tuốt. Vụ này là thứ bảy. Còn các vụ khác – bác biết cái nhà để xe ngựa của nó chứ? Ồ, nó đầy ắp – thật sự đầy ắp đến tận mái – toàn những mảnh ô tô, chẳng có mảnh nào to hơn cái mũ của bác cả! Điều đó giải thích cho sáu vụ kia – chừng mực nào đó thì người ta cũng có thể hiểu rõ về những vụ ấy.”

“Cu cậu nằm bệnh viện ba lần,” Chuột Chũi nói xen vào, “còn về những khoản tiền phạt mà cu cậu phải nộp thì chỉ nghĩ đến đã thấy khủng khiếp.”

‘Đúng vậy, và đó là một phần của nỗi lo,” Chuột Nước nói tiếp. “Thằng Cóc nó giàu, tất cả bọn mình đều biết, nhưng nó không phải là triệu phú. Mà nó lại là một tài xế vô cùng kém cỏi, hoàn toàn không đếm xỉa gì đến an ninh trật tự. Mất mạng hoặc phá sản – chắc chắn là một trong hai trường hợp ấy, sớm muộn rồi sẽ thế. Bác Lửng à! Chúng ta là bạn của nó – chẳng lẽ chúng ta lại không phải làm một cái gì đó sao?”

Bác Lửng suy nghĩ rất lung một lát. “Các cậu nghe đây!” Cuối cùng bác nói, vẻ khá nghiêm trọng, “Cố nhiên các cậu biết là hiện giờ ta không thể làm được điều gì chứ?”

Hai đứa đồng ý với bác, hoàn toàn hiểu điều bác định nói. Theo các nguyên tắc xã giao của loài vật thì không bao giờ được mong chờ một con vật làm bất kỳ việc gì vất vả hoặc quả cảm hoặc chỉ tương đối tích cực trong thời kỳ tàn đông. Tất cả các con vật đều buồn ngủ – một vài con thực sự đang ngủ. Chừng mực nào đó, tất cả bọn chúng đều bị thời tiết xấu ngăn trở, và tất cả đều đang nghỉ ngơi sau những ngày đêm vất vả – thời kỳ mà mọi cơ bắp của chúng bị thử thách nghiệt ngã và mọi sinh lực bị vận dụng đến mức tối đa.

“Thôi được!” bác Lửng nói tiếp, “Nhưng, phải là khi thời tiết đã thật sự thay đổi trong năm, đêm ngày càng ngắn, và khoảng giữa thời kì ấy, mọi người thức dậy và cảm thấy bồn chồn, muốn ra khỏi giường mà hoạt động vào lúc mặt trời mọc hoặc sớm hơn – các cậu cũng biết mà!”

Cả hai con vật cùng nghiêm trang gật đầu. Chúng nó biết!

Vậy thì,” bác Lửng nói tiếp, “bọn mình – tức là cậu và ta và anh bạn Chuột Chũi của chúng ta đây nữa – chúng mình sẽ nghiêm túc chịu trách nhiệm về thằng Cóc. Chúng mình sẽ không để cho nó có bất kỳ hành động rồ dại nào. Chúng mình sẽ đưa nó trở lại với lẽ phải, bằng vũ lực nếu cần. Chúng mình sẽ biến nó thành một anh chàng Cóc khôn ngoan. Chúng mình sẽ – cậu đang ngủ hả, Chuột Nước!”

“Đâu có!” Chuột Nước vừa giật mình tỉnh giấc vừa nói.

“Kể từ sau bữa tối cu cậu đã ngủ thiếp đi hai ba lần,” Chuột Chũi vừa nói vừa cười to. Bản thân nó thì cảm thấy tỉnh táo và thậm chí còn hăng hái nữa, mặc dù nó không hiểu vì sao. Cố nhiên, nguyên nhân là do nó là một con vật tự nhiên do cha sinh mẹ đẻ đã sống ở dưới đất mà điều kiện ở nhà bác Lửng lại hoàn toàn thích hợp với nó khiến nó cảm thấy tự nhiên thoải mái như ở nhà; trong khi đó Chuột Nước đêm nào cũng ngủ trong một phòng ngủ có những ô cửa sổ mở ra dòng sông hiu hiu gió tất nhiên cảm thấy bầu không khí ở đây tĩnh lặng và trĩu buồn.

“Chà, đã đến giờ tất cả chúng ta đi ngủ rồi,” bác Lửng vừa nói vừa đứng dậy đi tìm mấy cái giá cắm nến. “Đi nào, hai cậu, ta sẽ chỉ chỗ cho các cậu. Cứ ngủ thật đẫy giấc cả buổi sáng mai – các cậu dùng bữa điểm tâm vào giờ nào cũng được!”

Bác dẫn hai con vật tới một gian phòng dài, chừng như một nửa là phòng ngủ một nửa là nhà kho. Quả thật là chỗ nào cũng thấy đồ dự trữ mùa đông của bác Lửng, chúng chiếm hết nửa gian phòng – hàng đống táo, củ cái và khao tây, những làn đầy quả hạch và những vại mật ong. Còn hai chiếc giường nhỏ màu trắng trên phần còn lại của mặt sàn nom có vẻ êm ái và hấp dẫn, và những tấm khăn trải trên đó, tuy to sợi nhưng sạch sẽ và thơm ngát mùi oải hương. Chuột Chũi và Chuột Nước cởi bỏ áo quần trong khoảng ba mươi giây đồng hồ rồi nhào ngay lên giường mà ngủ, vô cùng sung sướng và mãn nguyện.

Theo đúng huấn thị của bác Lửng tốt bụng, sáng hôm sau hai đứa xuống ăn điểm tâm rất muộn và thấy có ánh lửa rực rỡ trong gian bếp và hai chú nhím non đang ngồi trên một chiếc ghế dài mà ăn cháo bột yến mạch đựng trong những cái bát gỗ. Hai chú nhím bỏ thìa xuống, đứng dậy và kính cẩn cúi rạp đầu xuống khi hai đứa bước vào.

“Ngồi xuống, ngồi xuống đi nào!” Chuột Chũi vui vẻ nói, “Các cháu cứ tiếp tục ăn cháo đi. Các cháu từ đâu đến đây thế? Có lẽ bị lạc đường trong tuyết, hả?”

Thưa ông vâng ạ,” chú nhím lớn tuổi hơn kính cẩn đáp. “Cháu và thằng em Bily đây đang cố tìm đường đến trường – mẹ bắt chúng cháu phải đi – thì thời tiết lại như vậy – và cố nhiên là chúng cháu bị lạc, thưa ông. Mà thằng Bily thì cứ khóc lóc sợ hãi vì nó còn bé quá mà lại nhát. Và cuối cùng, tình cờ chúng cháu đến cửa hậu nhà ông Lửng rồi đánh bạo gõ cửa, thưa ông, bởi vì ông Lửng ông ấy là một người hào hiệp tốt bụng, như mọi người đều biết…”

“Ta hiểu rồi,” Chuột Nước vừa nói vừa cắt cho mình mấy khoanh mỏng từ một tảng thịt hông lợn xông khói, trong lúc đó Chuột Chũi đập vài quả trứng vào một cái xoong. “Thế bên ngoài thời tiết thế nào? Cậu không cần phải ‘thưa ông’ với ta quá nhiều như vậy,” nó nói tiếp.

“Ồ, thật là tồi tệ, thưa ông, tuyết dày đến khủng khiếp,” chú nhím nói. “Những người như các quý ông không nên ra ngoài hôm nay.”

“Ông Lửng đâu rồi?” Chuột Chũi vừa hỏi vừa hâm nóng bình cà phê trên ngọn lửa lò sưởi.

“Ông chủ đã vào phòng làm việc của ông ấy rồi, thưa ông,” chú nhím trả lời, “và ông ấy bảo là sáng nay ông ấy sẽ rất bận việc, và dù bất kỳ lý do gì cũng không ai được quấy rày ông ấy.”

Cố nhiên mọi người có mặt đều rất hiểu lời giải thích này. Thực tế là, như đã nêu từ trước, khi bạn sống một cuộc đời mà mỗi năm thì suốt sáu tháng toàn là những hoạt động mạnh mẽ còn sáu tháng kia chỉ toàn ngủ gà ngủ gật, thì trong cái thời kỳ không hoạt động này bạn không thể cứ liên tục biện bạch về sự buồn ngủ của mình khi có người ở xung quanh hoặc có những công việc phải làm. Lý do bào chữa ấy thật đáng buồn. Các con vật đều biết rõ là sau khi ăn một bữa điểm tâm thịnh soạn, bác Lửng đã lui vào phòng làm việc và ngồi vào một chiếc ghế bành, hai chân ghếch lên một chiếc ghế bành khác, phủ một chiếc khăn bông màu đỏ lên mặt và “bận rộn” theo cái kiểu thường lệ vào thời kì này của năm.

Chuông ở cửa trước réo lên lanh lảnh, và Chuột Nước, tay chân đang nhoe nhoét vì món bánh mì phết bơ, bèn sai Bily, chú nhím em ra xem khách nào đến. Có tiếng chân giậm thình thịch trong phòng lớn và lát sau Bily quay trở lại cùng với Rái Cá. Vị khách này lao vào ôm lấy Chuột Nước mà reo lên chào hỏi thân ái.

“Buông ra nào!” Chuột Nước lắp bắp nói, miệng đầy thức ăn.