04. Lớp mười hai
Lớp mười hai
Quân nể Nhi, vì dù sao Nhi cũng là lớp trưởng từ hồi lớp mười. Nhi không học giỏi nhất. Không xinh đẹp nhất. Nhi còn hơi đanh đá nữa. Nhưng mọi chuyện vào tay Nhi đều trở nên suôn sẻ kỳ lạ. Quân nghĩ là mình để ý Nhi. Tất nhiên ở đây không có chuyện lãng mạn như “chàng lớp trưởng và nàng lớp phó”. Vì lớp trưởng là Nhi còn lớp phó học tập là Quân. Gianhg sơn cũng khác. Quân học lớp Lý, còn Nhi học lớp Văn.
Lớp Lý chơi thân với lớp Văn chẳng phải do hợp ý nhau mà là do “duyên nợ”. Khối mười hai có bốn lớp chuyên. Lớp Toán rất cá tính, lớp Anh rất điệu đàng. Lớp Lý hơi cù lần, còn lớp Văn đích thị là những bà cụ non nhiều chuyện và đanh đá mà Nhi là một ví dụ điển hình. Lịch sử quy định vậy rồi.
Để cân bằng sinh thái thì một lớp toàn con trai phải có một buổi học chung với một lớp toàn con gái cho đỡ chán. Lý và Văn chung nhau môn ngoại ngữ. Toán và Anh chung nhau môn văn. Bởi duyên nợ và bởi ông bà xưa nói nồi nào úp vung nấy nên lớp Lý phải gắn bó với lớp Văn thôi.
Hôm kỷ niệm mười năm thành lập, trường tổ chức cắm trại trên bãi dương cạnh bờ biển và kết hợp thi văn nghệ. Lớp Lý không có nhân tài ca hát nên Quân chưa biết tham gia bằng tiết mục gì. May quá, Nhi đĩnh đạc sang gặp Quân để cứu bồ:
- Lớp tui cso kịch bản rồi nhưng thiếu diễn viên, tui muốn mượn một người bên lớp ông.
- Kịch gì?
- Bí mật, ông đừng lo. Hát thì tui dở nhưng dựng kịch tôi có khiếu lắm à…
Quân ngẫm nghĩ. Phải kiếm thằng nào ra dáng một chút, dù gì cũng là đại diện của lớp.
- Ninh được không? Nó đẹp trai nhất lớp tui.
- Không được. Nó không hợp vai. – Nhi dứt khoát. – Tui thích thằng Hoàng hơn.
- Trời, cái thằng gầy tom mà còn ẻo lả nữa.
- Nhưng tui thấy nó tiềm tàng khả năng diễn xuất. Ông yên tâm đi.
Thế là mỗi ngày, hết tiết sáu, những kịch sĩ và đạo diễn của lớp Văn kéo theo thằng Hoàng lên khu nội trú tập kịch. Bí mật hết sức. Giống như tụi nó đang chuyển thể Điệp vụ bất khả thi sang kịch nói không bằng.
Tối hôm diễn, thiếu điều Quân muốn té xỉu khi nhìn thấy thằng Hoàng diện váy dài, độn bong bóng hai bên ngực, đội tóc giả thắt bím, đóng vai một cô gái õng ẹo đỏng đảnh đi coi bói chuyện tình duyên. Lão thầy bói ranh ma gắn râu đen đeo mắt kính đen đích thị là Nhi. Ban giám khảo cười nghiêng ngả, đám lớp Toán thích chí gõ xoong chảo rầm trời, còn lớp Lý đứa nào đứa nấy cứ ôm bụng bò lăn bò càng ra đất mà cười.
Quân phải công nhận Nhi dựng kịch và đóng kịch có duyên hết biết. Nhưng tác phẩm “vĩ đại” của lớp 12V – 12L chỉ đạt giải ba, đúng giá năm chục ngàn, đủ cho Nhi đãi hai lớp một chầu ốc luộc. Thằng Hoàng tí ta tí tởn ra mặt với các danh hiệu “đệ nhất danh hài” mà mấy lớp đàn em đặt cho nó, muốn tỏ vẻ ta đây là nghệ sĩ chân chính, vừa ăn vừa cấm cẳn:
- Hài kịch dù xuất sắc vẫn không được xem trọng bằng chính kịch tầm thường… Thật không công bằng.
Quân vừa tức cười vừa bực mình, nói:
- Sao mày không kể chuyện mày đóng vai con gái. Việc gì phải giấu như mèo giấu cứt vậy.
- Bà Nhi nói tao mà hé ra bà cắt lưỡi liền – vừa liếc Nhi nó vừa nói nhỏ với Quân – Nhưng mà cũng phải công nhận nhỏ Nhi có mắt xanh thiệt nghen mày. Nó kêu tao giống Thành Lộc. Bây giờ tao mới thấy là cũng… giống thiệt.
Hết mấy trò chơi tập thể, lớp Lý ầm ĩ kéo sang trại lớp Văn ăn ké món chè khuya. Ngoảnh đi ngoảnh lại, không thấy Nhi đâu, Quân tìm quanh quẩn, thấy Nhi ngồi bó gối trên bãi cát ngắm sao.
- Sao bà không lo dọn dẹp với tụi nó, ỷ thế lớp trưởng hả?
- Trời! Có hai chục cái ly, mười ba cái chén, bốn cái nồi, hai cái tô, năm cái đĩa mà tới chín người phụ nữ đảm đang giành nhau rửa kìa, tui nhào vô làm tụi nó mới ý kiến á. Tui chán quá. Kêu thi nấu ăn không ai chịu đi, thi cắm hoa cũng không, vậy mà có mặt lớp ông, bà nào cũng muốn giành chức “phụ nữ đảm đang” hết trơn…
Quân phì cười, khẽ khàng ngồi xuống cạnh Nhi. Đêm ở biển bình yên. Chỉ có tiếng sóng rì rầm và sao trời. Nhi chợt nói nhỏ:
- Sao tui thấy nhớ bà ngoại quá. Nhà ngoại tui cũng kề biển vậy nè. Nhưng biển không đẹp bằng, chiều tối nào bà tui cũng phải đi cào ốc. Ông không biết đâu. Tui lớn lên rồi đi học đến bây giờ cũng nhờ mấy con ốc của ngoại.
Quay sang nhìn thấy mắt Nhi long lanh, nhưng Quân chỉ biết lặng thinh. Có lần nghe thầy Tuấn hiệu phó nói hoàn cảnh của Nhi rất buồn. Bố mẹ và đứa em trai mới sinh đã mất vì tai nạn cách đây mười năm. Nhi sống với ông bà ngoại, rồi ông Nhi mất vì ung thư gan. Khó khăn, nhưng Nhi có chí và học chăm lắm. Tốt nghiệp cấp II thủ khoa, giải nhì môn Văn quốc gia, được tuyển thẳng vô trường chuyên của tỉnh, vậy mà thầy cô và bà ngoại phải động viên dữ lắm Nhi mới chịu lên tỉnh học, vì sợ để ngoại ở nhà một mình. Mấy đứa ở cùng phòng nội trú của Nhi kể, mỗi buổi sáng, Nhi ăn đúng nửa ổ bánh mì, tiền học bổng gửi về cho ngoại hết chứ không mua sắm gì, và luôn cười tíu tít như người hạnh phúc nhất trên đời. Ít khi Nhi thơ thẩn như bây giờ. Tự nhiên Quân thấy thương Nhi lạ.
- Mấy đứa lớp ông đâu hết rồi?
- Tụi nó đang bắt còng ngoài kia kìa.
- Mình ra đó đi. Tui cũng thích bắt còng lắm.
Nhi đứng lên, chạy về phía biển, nơi những ánh đèn pin của bọn thằng Nam, thằng Ninh đang dò đếm từng bước trên bãi cát. Quân đi theo, chầm chậm, nhìn dáng Nhi chạy nghiêng nghiêng trên cát, tóc tung bay, dịu dàng và đơn độc làm sao.
Thi tốt nghiệp xong, hai lớp tổ chức liên hoan ngay trên khoảng đất sân xi măng trước khu nội trú, bên hông trường. Dốc hết quỹ lớp và học bổng tháng cuối cùng, tiệc chia tay có đủ nem nướng, bia hơi. Dù sao cũng là đêm cuối, chiều mai đã bắt đầu có đứa vào Sài Gòn luyện thi rồi.
Uống không quen nên chẳng mấy chốc đầu óc đứa nào cũng lâng lâng. Thằng Hoàng lăn ra nền ngủ tít thò lò. Mấy đứa lớp Lý chuồn lên phòng học. Còn lại thầy Cường, quản lý khu nội trú và dăm ba đứa “chì” nhất, trong đó có Nhi và Quân.
Thầy Cường hơi gật gù, nắm chặt tay Quân:
- Mai mốt mấy em đi rồi. Thầy nhớ tụi bây lắm. Thầy dặn, hôm nay uống cho vui thôi chứ vô Sài Gòn rồi đừng có nhậu nhẹt. Thầy nghe nhiều người nói sinh viên bây giờ nhiều đứa bê tha dữ lắm. Tương lai trong tay mình. Giống như xây nhà, xây lên cũng mình mà đạp đi cũng mình thôi. Nhớ trân trọng tương lai để dăm ba năm sau về đây cho thầy nở mày nở mặt, nghe chưa?
Quân dạ. Rồi im lặng quay sang nhìn Nhi và bọn thằng Ninh đang hát, giọng lào khào vì bia và la hét quá nhiều. “Về đây đứng bên máy trường xưa, thấy như mình trôi trong ngày cũ, bồi hồi nhớ tiếng nói thầy cô, thoáng trong lòng, một nỗi buồn qua”. Mặt Nhi đỏ bừng lên dưới ánh lửa, mắt Nhi long lanh. Chưa bao giờ quân thấy Nhi đẹp và thân thiết như bây giờ.
Đột nhiên, Nhi đứng dậy rồi đến ngồi cạnh Quân.
- Nè, nói thiệt đi, ông để ý ai trong lớp tui phải không, sao chiều giờ thấy ông thẫn thờ vậy?
- Ừ.
- Trời đất, tui đoán tầm bậy tầm bạ mà trúng tùm lum tà la nghen. Ai vậy? Nói đi tui giúp đỡ cho.
Quân hít một hơi thật sâu.
- Bà chớ ai.
- Cái gì??? – Nhi trợn mắt.
Lỡ đâm lao rồi, Quân phải theo lau thôi.
- Đúng ra, tui để ý Nhi lâu rồi, từ hồi Nhi mới vô trường. Mới đầu tui thấy Nhi ít nói, dễ thương. Ai dè Nhi làm lớp trưởng, hay nạt nộ, hay trợn mắt nên sau đó tui thấy Nhi… hết dễ thương. Bây giờ mới thấy Nhi dễ thương lại…
Nhi im lìm, mắt đăm đăm nhìn về mấy đứa con trai lớp Lý đang hát om sòm chẳng thèm để ý gì đến hai thủ lĩnh đang thì thầm với nhau bên cạnh đống lửa, mặt đầy căng thẳng.
- Nhi thấy sao? Quân đánh bạo.
- Tui hả? Tui thấy… nói chung lớp Lý cũng dễ thương. Tui thấy… nói chung… ông cũng dễ thương. Umh… Có gì mai tui trả lời ông nghen.
Nhi cười. Lửa nhảy nhót trong đôi mắt. Rồi Nhi quay sang nhìn đám bạn, cao giọng hát “Ai mang đến gần trời lưu luyến. Mà cứ yêu thương nhau hoài. Bao nhiêu kỷ niệm qua ngày tháng, sao không lúc nào nhạt phai.”
Sáng sớm, Quân lò dò xuống sân đã thấy Nhi ngồi bên hồ cá nhỏ cạnh phòng để xe của khu nội trú, tay cầm cuốn sách lịch sử. Tóc Nhi mới gội, xõa ra, bóng mướt và đen nhánh. Trông dịu dàng lạ. Nghe tiếng chân, Nhi ngẩng lên, cười. Quân ngượng nghịu:
- Hồi tối say quá.
- Ừ.
- Tụi Quân phải về phòng thầy Cường ngủ.
- Vậy hả? – Nhi vẫn chúi đầu vào sách, chân đong đưa, miệng nhóp nhép, tay chìa miếng bánh mì ra mời Quân.
- Nhi. Chuyện hồi tối…
- Chuyện gì? Nhi ngơ ngác.
- Chuyện… Quân nói… Nhi không nhớ thiệt hả?
- Hình như không… Nhưng mà chuyện gì?
Trời! Làm gì có buổi liên hoan chia tay lần thứ hai để Quân có cơ hội nói lại. Bây giờ giữa thanh thiên bạch nhật, mắt Nhi lại tỉnh queo như vầy, có cho vàng Quân cũng không dám nói.
- Ờ… Bà viết lưu bút tui nghen?
Quân rút quyển sổ tay ra, lòng thấy đau đớn khôn tả:
- Nhi à?
- Gì?
- Bà là người cuối cùng. Viết nhiều nhiều nghen.
- Vậy tui giữ luôn, thi đại học xong tui trả hén. Có khi lúc đó mới có nhiều chuyện để viết. Đồng ý không?
Nhi cười tươi rói, mắt lấp lánh. Quân thấy hoang mang quá. Có thật là Nhi không nhớ hôm qua Quân nói gì không ta?