Kiến và chim bồ câu - Phần 02

CHUỒN CHUỒN VÀ KIẾN

Đến mùa thu, lúa mì của kiến bị ẩm ướt, họ nhà kiến đem ra phơi. Chuồn chuồn đói đến xin kiến thức ăn. Kiến mới bảo:

- Sao mùa hè anh không đi thu nhặt thức ăn?

Chuồn chuồn đáp:

- Chẳng có thời giờ rảnh rồi: tôi bận hát. Họ nhà kiến bật cười và bảo:

- Nếu như mùa hè chơi bời rồi, thì mùa đông nhảy múa đi.

 

ẾСН VÀ SƯ TỬ

 

Nghe thấy ếch kêu to, sư tử cho rằng đó là một con thú lớn mới gầm được như vậy. Sư tử đợi một lát thì thấy ếch từ đầm lầy nhảy ra. Sư tử bèn lấy chân đè bẹp ếch và bảo:

- Người chẳng ra người, ngợm chẳng ra ngợm, vậy mà làm mình hoảng hồn.

 

SÓI VÀ SẾU

 

Chó sói hóc xương và không sao khạc ra được. Nó gọi sếu đến và bảo:

- Này sếu, cổ anh dài, anh hãy thò đầu vào họng tôi kéo cái xương ra, tôi sẽ thưởng cho anh.

Sếu thò đầu vào, kéo được cái xương ra rồi nói:

- Bây giờ đưa cho tôi phần thưởng chứ.

Sói nghiến răng đáp:

- Tao không cắn đứt đầu mày khi đầu mày nằm giữa hai hàm răng của tao, mày thấy phần thưởng đó vẫn còn ít hay sao?

 

NHỮNG CHỊ LÀM CÔNG VÀ CON GÀ TRỐNG

Mụ chủ nhà đêm đêm đánh thức các chị làm công và hễ gà trống lên tiếng gáy là mụ bắt ngồi vào làm việc. Các chị làm công thấy khổ bèn quyết định giết chết gà trống để gà trong không đánh thức mụ chủ. Giết chết gà trống, các chị làm công càng khổ sở hơn: mụ chủ sợ ngủ quên nên dựng các chị làm công dậy càng sớm hơn nữa.

 

CON CHÓ VÀ CÁI BÓNG CỦA NÓ

 

Một con chó, mõm ngoạm thịt, đi trên tấm ván bắc qua suối. Nó thấy bóng nó dưới nước lại nghĩ là dưới ấy có một con chó khác cũng đang ngoạm thịt, nó nhả miếng thịt và lao xuống cướp thịt của con chó kia: miếng thịt kia chẳng thấy đâu, còn thịt của nó thì bị sóng nước cuốn mất.

Thế là chó ta trơ khấc chẳng được gì.

 

HƯƠU BỐ VÀ HƯƠU CON

Một lần hươu con nói với hươu bố:

- Bố ơi, bố vừa to lớn hơn, vừa nhanh nhẹn hơn, bố lại có cặp sừng đồ sộ để tự vệ, tại sao bố lại sợ chó?

Hươu bố bật cười và bảo:

- Con ạ, con nói đúng đấy. Chỉ có một điều bất hạnh là: hễ cứ vừa nghe thấy tiếng chó sủa, bố chẳng kịp suy nghĩ gì, mà đã vội bỏ chạy ngay.

 

CON CÁO VÀ CHÙM NHO

Cáo nhìn thấy những chùm nho chín mọng liền loay hoay tìm cách chén những chùm nho ấy.

Cáo loay hoay hồi lâu nhưng không với lấy được. Để dẹp nỗi bực mình, cáo bèn nói:

- Còn xanh lắm.

 

GÀ MÁI VÀ CHIM ÉN

Gà mái tìm thấy một lô trứng rắn bèn nằm ấp. Chim én thấy thế liền bảo:

- Thế đấy, đồ ngốc! Nhà chị ấp cho chúng nở ra, nhưng đến khi chúng lớn lên, chúng sẽ làm hại nhà chị trước tiên.

 

LỪA ĐỘI LỐT SƯ TỬ

Lừa khoác bộ da sư tử vào, và tất cả mọi người, mọi con vật khác đều tưởng đấy là sư tử thật. Người và gia súc bỏ chạy. Một cơn gió thổi tới, bộ da bị tung ra, thế là thấy rõ lừa. Người ta chạy đến, nện cho lừa một trận nhừ tử.

 

NGƯỜI LÀM VƯỜN VÀ CÁC CON TRAI

Người làm vườn muốn dạy nghề mình cho các con trai. Khi ông sắp qua đời, ông gọi họ tới và bảo:

- Thế này các con nhé, khi nào bố chết, các con hãy tìm kỹ cái vật giấu trong vườn trồng nho.

Các con tưởng rằng ở đó có kho báu nên khi ông bố chết, họ đi đào bới xới lộn tất cả đất cát ở đấy lên. Họ không tìm thấy kho báu, nhưng đất ở vườn trồng nho được xới trộn rất kỹ, nho ra quả nhiều gấp bội. Thế là họ trở nên giàu có.

 

CÁO VÀ DÊ

Dê khát: nó lần xuống giếng dưới chân dốc uống no và trở nên nặng nề. Nó leo ngược dốc lên nhưng không được. Thế là nó rống be be. Cáo nhìn thấy bèn bảo: “Thế đấy, đồ ngốc! Nếu như trí óc trong đầu mi cũng nhiều như bộ râu mi, thì trước khi xuống dốc, mi phải nghĩ xem có leo ngược được không”.

 

SẾU VÀ CÒ

Bác mu-gích chăng lưới bẫy sếu vì sếu đã phá ruộng gieo trồng của bác ta. Bầy sếu bị sa lưới, cùng với bầy sếu có cả một chú cò.

Cò bèn nói với bác mu-gích:

- Bác thả tôi ra đi: tôi không phải là sếu mà là cò; họ nhà cò chúng tôi là loài chim danh giá nhất; tôi sống ở nhà của cha bác đây. Mà cứ trông lông cũng thấy rõ tôi không phải là sếu.

Bác mu-gích trả lời:

- Ta đã bắt được mi cùng với bầy sếu thì ta sẽ mổ thịt mi cùng với chúng.

 

NGƯỜI ĐÁNH CÁ VÀ CON CÁ CON

Người đánh cá bắt được một con cá con. Cá con bèn nói:

- Ông chài ơi, ông hãy thả tôi xuống nước! Ông thấy đấy, tôi bé tẹo, ông chẳng được lợi lộc bao nhiêu ở tôi. Ông thả tôi ra, rồi tôi lớn lên, bấy giờ ông hãy bắt, ông sẽ được lợi nhiều hơn.

Người đánh cá trả lời:

- Kẻ nào chờ đợi mối lợi to hơn mà bỏ qua món nhỏ là đứa ngu.

 

THỎ VÀ ẾCH

Một lần họ nhà thỏ gặp nhau và khóc than: “Chúng ta chết vì con người, vì lũ chó, vì đại bàng, vì các con thú khác nữa. Thà chết quách một lần cho rồi, hơn là sống mà sợ hãi và khổ sở. Ta đâm đầu xuống nước tự tử đi!”

Và chúng chạy ra hồ để tự tử. Thấy động, lũ ếch nhảy tõm xuống nước. Một chú thỏ liền nói: “Các bạn ơi! Ta hãy khoan tự tử; cuộc sống ếch nhái hẳn còn tồi tệ hơn của chúng ta: chúng sợ hãi cả chúng ta”.

 

NGƯỜI CHA VÀ CÁC CON TRAI

Người cha ra lệnh cho các con phải sống hòa thuận, nhưng chúng không nghe lời. Ông liền sai đem một cái chổi sể đến và bảo:

- Các con bẻ đi!

Lũ con trai xoay xở thế nào đi nữa cũng không bẻ nổi. Bây giờ người cha tháo rời chổi ra và bảo bẻ từng ngọn một.

Lũ con dễ dàng bẻ hết từng ngọn chổi. Người cha mới nói:

- Cả các con cũng vậy đấy: nếu như các con sống hòa thuận thì không ai làm gì nổi các con; bằng không các con cãi cọ nhau, tất cả riêng rẽ thì bất cứ kẻ nào cũng dễ dàng làm hại các con.

 

CON CÁO

Cáo ta bị sập bẫy, vẫy vùng đứt đuôi rồi thoát ra được. Nó bèn ngẫm nghĩ xem làm thế nào che lấp được nỗi nhục của mình. Nó cho gọi tất cả họ nhà cáo đến và lên tiếng dỗ dành chúng chặt đuôi cả đi. Nó nói:

- Cái đuôi hoàn toàn chẳng để làm gì, ta chỉ kéo thêm nặng phía sau mà thôi.

Một con cáo khác bèn lên tiếng:

- Chà, nếu chị không cộc đuôi thì hẳn chị chẳng nói điều ấy.

Cáo cộc đuôi nín lặng và bỏ đi.

 

MUỖI VÀ SƯ TỬ

Muỗi bay đến bên sư tử và bảo:

Ông tưởng là ông khỏe hơn tôi há? Đâu có phải như thế kia chứ! Sức lực của ông là cái quái gi? Ông đưa móng vuốt ra cào, đưa răng ra cắn, cái đó cũng giống như đàn bà đi đánh nhau với mấy mụ nhà quê ấy. Tôi khỏe hơn ông nhiều: nếu ông muốn, ta ra đánh nhau chơi!

Và muỗi nổi hiệu vo vo, bắt đầu đốt vào hai má, vào mũi sư tử. Sư tử lấy chân trước đặp vào mặt mình; móng vuốt làm toạc hết mặt nó, khắp mặt nó máu me đầm đìa, nó kiệt dần sức lực.

Muỗi lại nổi hiệu vo vo vui mừng và bay đi. Sau đó muỗi sa vào lưới mạng nhện, và nhện bắt đầu hút máu nó. Muỗi ta mới than thở:

- Ta thắng được con thú mạnh như sư tử, vậy mà nay chết vì cái con nhện nhãi nhép này.

 

CHÓ NHÀ VÀ CHÓ SÓI

Chó nhà ngủ thiếp ở sau sân nhà. Sói đói chạy tới và định ăn thịt chó. Chó liền bảo:

- Sói! Ông khoan hãy ăn thịt tôi, bây giờ tôi gầy gò, chỉ có xương bọc da. Cứ để một thời gian, chủ nhà sắp có đám cưới, tôi có thừa thức ăn, tôi sẽ béo ra, bấy giờ ăn thịt tôi hay hơn.

Sói tin lời bèn bỏ đi. Lần sau nó lại tới và thấy chó nằm trên mái nhà. Sói lên tiếng hỏi:

- Thế nào, xong đám cưới rồi chứ? Chó liền trả lời:

- Thế này, anh sói ạ: nếu lần sau đến mà bắt gặp tôi ngủ trước sân, thì đừng có đợi đám cưới nữa.

 

LỪA RỪNG VÀ LỪA NHÀ

Lừa rừng thấy lừa nhà bèn khen ngợi nó: lừa nhà mập làm sao, thức ăn lừa nhà mới ngon ngọt làm sao. Sau đó, khi người ta chất đồ lên lưng lừa nhà, rồi dùng gậy thúc lừa nhà đi, thì lừa rừng bèn nói: “Không, người anh em ạ, bây giờ thì tôi không ghen nữa, cuộc sống mà anh được hưởng phải trả giá như thế nào rồi”.

 

NGỰA VÀ NGƯỜI CHỦ

Bác làm vườn có một con ngựa. Ngựa phải làm lụng nhiều mà thức ăn thì ít. Thế là ngựa ta lên tiếng cầu khẩn thượng đế sao cho nó được chuyển sang tay một ông chủ khác. Mọi chuyện xảy ra như ý. Người làm vườn bán ngựa cho một người thợ gốm. Ngựa ta mừng rỡ, nhưng công việc ở chỗ người thợ gốm còn nhiều hơn ở chỗ cũ. Ngựa lại than thở về số kiếp của mình và cầu khẩn được chuyển sang tay một ông chủ khá hơn. Và việc này cũng thành. Người thợ gốm bán ngựa cho người thợ da. Vừa nhìn thấy trong sân nhà người thợ da những bộ da ngựa, ngựa ta liền rống lên:

- Ôi, cái đời tôi thật là khốn khổ! Giá cứ ở lại với những người chủ cũ có phải hơn không: bây giờ thì rõ là người ta bán tôi không phải để đi làm lụng mà là để lột da.

 

CHÓ SÓI VÀ DÊ

Chó sói nhìn thấy dê ăn cỏ trên núi đá và nó không thể lần tới chỗ ấy được, nó bèn bảo dê:

- Giá cô xuống dưới này có phải hơn không: ở đây đất bằng phẳng hơn, cỏ cho cô ăn cũng ngọt hơn nhiều.

 

Nhưng dê trả lời ngay:

- Sói ơi, anh gọi tôi xuống đâu có phải vì thế, anh nào có nghĩ vế cái ăn của tôi, mà anh lo cái ăn cho chính mình đấy chứ.

 

CON HƯƠU

Hươu đi đến bờ suối uống nước, nhìn thấy bóng mình dưới nước, lấy làm thích thú vì cặp sừng của mình: cặp sừng mới đồ sộ, mới nhiều nhánh làm sao; nhưng nhìn xuống chân thì nó lại buông lời:

- Chỉ có điều bốn chân ta xấu xí, yếu ớt quá.

Bỗng một con sư tử nhảy ra và chồm đến vồ hươu. Hươu vụt phóng đi trên cánh đồng quang đãng. Nó chạy thoát, nhưng khi chạy vào rừng, nó lại vướng mắc cặp sừng vào cành cây, thế là sư tử chộp được nó. Đến lúc sắp hết đời, hươu mới nói:

- Thế đây, mình thật ngu ngốc! Về những người có thể cứu mình thì mình nghĩ là họ tồi, yếu ớt, còn những kẻ làm mình mất đời thì mình lại từng thích thú.

 

HƯƠU VÀ RUỘNG NHO

Hươu nấp trong ruộng nho trốn những người đi săn. Khi những người đi săn đã đi qua, hươu bắt đầu quay ra ăn lá nho.

Những người đi săn nhận thấy lá nho rung động bèn đoán: “Không hiểu có phải có thú ở dưới lá cây đây không?” - họ nổ súng và bắn hươu bị thương.

Trước khi nhắm mắt chết, hươu nói:

- Đáng kiếp cho tôi vì tôi muốn ăn lá, chính những cành lá đã cứu tôi.

 

ÔNG GIÀ VÀ THẦN CHẾT

Một lần ông già đẵn xong củi và mang về. Phải mang đi xa, ông cụ kiệt sức, đặt bó củi xuống rồi nói:

- Chà, giá thần chết cứ đến ngay đi có phải hơn không!

Thần chết đến và bảo:

- Ta đây, lão cần gì nào?

Ông già sợ hãi bảo:

- Nhắc hộ bó củi lên cho lão.

 

SƯ TỬ VÀ CÁO

Vì già lão, sư tử không đi săn được bèn nghĩ cách sống bằng mưu mẹo: nó vào trong hang, nằm lăn ra và giả vờ ốm. Các con thú kéo đến thăm sư tử, thế là sư tử chén thịt những con nào vào hang nó. Cáo hiểu rõ sự tình, đứng bên cửa hang mà lên tiếng: “Sức khỏe của ngài ra sao, kính thưa ngài sư tử?”

Sư tử trả lời: “Tồi lắm. Mà sao cô không vào hang thế nhỉ ?”

Cáo bèn đáp: “Tôi không vào là bởi vì theo các dấu vết chân tôi thấy rõ là vào rất nhiều mà ra thì không”.

 

MÈO VÀ LŨ CHUỘT

Ở một nhà kia sinh sôi nảy nở khá nhiều chuột. Mèo tìm đến căn nhà ấy và bắt đầu đuổi bắt. Lũ chuột thấy công việc của chúng hỏng bét bèn bảo nhau:

- Các bạn chuột ơi, từ nay chúng ta sẽ không rời trần nhà nữa, mèo không thể mò lên tìm chúng ta ở đây được.

Từ khi lũ chuột không xuống đất nữa, mèo liền nghĩ xem làm thế nào lừa được chúng. Mèo đưa một chân trước bám lấy trần nhà, treo lơ lửng và giả vờ chết. Một con chuột ngó nhìn mèo, liền nói ngay:

- Không, người anh em ạ! Dù người anh em có thành cái bao tải thì tôi cũng chẳng tới gần đâu.

 

QUẠ VÀ CÁO

Quạ kiếm được một miếng thịt, về đậu trên cây. Cáo ta thèm thịt, mon men đến gần, đánh tiếng:

- Chà, anh quạ, nhìn ngắm anh, cứ bằng vào vóc dáng với vẻ đẹp của anh thì chỉ có anh làm vua mới phải! Mà anh hẳn phải là vua, nếu như anh có thêm cái giọng tốt nữa.

Quạ liền há mồm và lấy hết gân sức gào toáng lên. Miếng thịt rơi xuống. Cáo chộp ngay lấy và bảo:

- Chà, anh quạ, phải chi anh còn có thêm trí khôn nữa, thì hẳn là anh sẽ làm vua.

 

HAI NGƯỜI BẠN

Hai người bạn cùng đi qua rừng, chợt một con gấu ở đâu xổ ra. Một người bỏ chạy, leo tót lên cây trốn kỹ, còn người kia ở lại trên đường. Anh ta chẳng biết làm thế nào nữa, đành ngã lăn ra đất và giả vờ chết.

Gấu đi đến bên anh ta, đưa mõm đánh hơi: anh ta quả thực đã tắt thở. Gấu ngửi mặt anh, ta, cho rằng đó chỉ là cái xác, bèn bỏ đi. Khi gầu đã đi khuất, anh kia từ trên cây tụt xuống và cười:

- Thế nào, - anh ta nói, - gấu rỉ tai cậu điều gì thế?

- À, nó bảo với mình rằng những người xấu là những kẻ chạy bỏ bạn trong hiểm nghèo.

 

BÁC MU-GÍCH VÀ THỦY THẦN

Bác mu-gích đánh rơi cái rìu xuống sông; bác ta đau khổ ngồi trên bờ khóc.

Thủy thần nghe thấy, động lòng thương bác mu-gích, lấy từ dưới sông đưa lên cho bác ta một chiếc rìu bằng vàng và hỏi: của anh đây hả?

Bác-mu-gích trả lời:

- Không, không phải của tôi.

Thủy thần mang lên cho bác chiếc rìu khác bằng bạc.

Bác mu-gích lại nói ngay:

- Không phải rìu của tôi.

Khi ấy thủy thần mới đưa lên chiếc rìu thật.

Bác mu-gích bèn nói:

- Đây chính là rìu của tôi.

Thủy thần tặng cho bác mu-gích cả ba chiếc rìu vì lòng thành thực của bác ta.

Về nhà, bác mu-gích đem rìu ra khoe bạn bè và kể lại chuyện đã xảy ra với bác.

Thế là có một anh mu-gích khác bèn định cũng làm như vậy: anh ta đi ra sông, cố ý ném chiếc rìu của mình xuống nước, ngồi xuống bên bờ và cất tiếng khóc.

Thủy thần đưa lên chiếc rìu bằng vàng và hỏi: “Rìu của anh đây hả?”.

Anh chàng mu-gích mừng rỡ kêu lên:

- Của tôi, của tôi!

Thủy thần không cho anh ta chiếc rìu bằng vàng, mà cả chiếc rìu của chính anh ta cũng không được trả lại vì sự giả dối của anh ta.

 

CHÓ SÓI VÀ CHÚ CỪU NON

Chó sói nhìn thấy một chú cừu non uống nước bên sông.

Chó sói muốn ăn thịt cừu non, thế là nó liền hoạnh họe cừu. Nó nói:

- Mày làm đục nước của tao, không cho tao uống.

Chú cừu con cãi lại:

- Ông sói ơi, cháu làm sao có thể làm đục nước của ông? Bởi vì cháu đứng ở cuồi dòng nước, hơn nữa lại chỉ chúm miệng uống nước bằng đầu môi mà thôi.

Nhưng sói lại nói:

- Được, thế tại sao mùa hè năm ngoái mày chửi bố tao?

Cừu non đập:

- Thưa ông sói, nhưng hè năm ngoái mẹ cháu còn chưa đẻ cháu.

Sói nổi cáu nói át:

- Không cần lý sự với mày. Tao đang đói bụng đây, vì thế mà tao ăn thịt mày.

 

SƯ TỬ, CHÓ SÓI VÀ CÁO

Con sư tử già ốm nằm trong hang. Tất cả mọi con thú đều đến thăm vị chúa, chỉ có cáo là chưa. Thế là sói vui mừng được dịp đặt điều cho cáo trước mặt sư tử. Sói nói:

- Mụ ta chẳng coi ngài vào đâu, mụ không đến thăm chúa lấy một bận.

Vừa lúc đó thì cáo chạy đến. Nó nghe thấy điều sói nói, liền nghĩ bụng: “Đợi đây, sói ạ, ta sẽ trả thù mày”.

Sư tử quát mắng cáo, cáo liền thưa:

- Xin chúa đừng vội xử tội kẻ bầy tôi, xin cho kẻ bầy tôi được nói một lời. Kẻ bầy tôi không đến đây được là bởi vì không còn có lúc nào. Mà không có lúc nào là bởi vì kẻ bầy tôi phải chạy khắp thế gian đi hỏi thuốc cho chúa. Mãi bây giờ mới tìm ra, thế là vội chạy đến đây ngay.

Sư tử bèn hỏi:

- Thuốc gì kia?

- Dạ thưa thuốc thế này ạ: nếu lột da một con sói đang sống, rồi chúa khoác bộ da ấm áp của nó vào...

Sư tử căng bộ da sói ra, cáo bật cười và bảo:

- Thế đấy người anh em ạ: không nên xui chúa làm điều ác, mà phải xui làm điều lành kia.

 

SƯ TỬ, LỪA VÀ CÁO

Sư tử, lừa và cáo ra đi kiếm mồi. Chúng tóm bắt được nhiều thú. Sư tử ra lệnh cho lừa phải chia phần. Lừa chia đều ra ba phần và bảo:

- Thôi, bây giờ xin nhận phần cho!

Sư tử tức giận ăn thịt lừa và ra lệnh cho cáo phải chia lại phần. Cáo thu tất cả lại một đống, phần mình chỉ để lại chút xíu. Sư tử xem qua rồi bảo:

- Hèm, khá lắm! Ai đã dạy ngươi chia phần khéo thế hả?

Cáo trả lời:

- Thế chuyện gì đã xảy ra với lừa ạ?

 

CY SẬY VÀ CY Ô-LIU[4]

Cây ô-liu và cây sậy tranh cãi nhau xem ai chắc hơn và rắn hơn. Cây ô-liu cười cây sậy vì gặp bất cứ cơn gió nào sậy cũng cong xuống. Sậy lặng thinh. Dông bão chợt nổi lên. Sậy nghiêng ngả, lay động, uốn rạp xuống tận mặt đất, rồi vẫn còn nguyên vẹn. Ô-liu chĩa cành nhánh ra chồng đỡ gió, thế là gãy gục.

 

MÈO VÀ CỪU

Ngày xửa ngày xưa một bác mu-gích có con mèo và con cừu. Khi bác đi làm về, mèo chạy ra đón, liếm tay, nhảy lên lưng, cọ người vào bác. Bác vuốt ve mèo, cho ăn bánh.

Thấy vậy cừu cũng muốn được người ta âu yếm vuốt ve và cho nó ăn bánh. Bác mu-gích từ ngoài ruộng trở về, cừu vội chạy ra đón bác, liếm tay, cọ vào chân bác. Bác mu-gích thấy nực cười, và bác xem xem sẽ còn chuyện gì tiếp theo nữa. Cừu đi quanh ra phía sau, rướn mình nhảy lên lưng bác mu-gích. Nó xô bác mu-gích ngã giúi ngã giụi. Con trai bác mu-gích thấy cừu xô ông bố ngã, liền chộp lấy roi quật cho cừu một trận nên thân.

 

CON THỎ

Thỏ chạy trốn bầy chó và lẩn vào rừng sâu. Trong rừng, thỏ thấy thoải mái, nhưng đã trải biết bao nhiêu nỗi sợ hãi nên thỏ còn muốn trốn kỹ hơn nữa. Thỏ đi tìm nơi rậm rạp hơn, và chui vào bụi rậm ở khe cạn, thế nào lại đụng ngay phải sói ở đây. Sói chộp được thỏ. Thỏ nghĩ bụng: “Rõ đúng là đã gặp may chớ có đi tìm cái may khác. Mình muốn đi ẩn trốn kỹ hơn, thế là toi mạng”.

 

THỎ VÀ RÙA

Thỏ và rùa tranh cãi xem ai chạy nhanh hơn. Hai đứa thi chạy đoạn đường một véc-xta[5]. Thỏ lập tức vượt lên trước rùa, đến mức chẳng còn thấy rùa đâu. Thỏ bèn nghĩ bụng: “Mình đi đâu mà vội? Ngồi nghỉ đã”. Thỏ ngồi xuống nghĩ và ngủ thiếp đi. Cọn rùa cứ mải miết bò, và khi thỏ thức dậy thì rùa đã bò hết đoạn đường một véc-xta.