Hạt Cát Nhỏ Nhoi - Chương 04:Ông hoàng bay lượn
Lần đầu tiên tôi được bay bổng giữa không trung là trong giấc mơ tuổi ấu thơ. Bỗng nhiên tôi thấy mình mang hình hài con chim sẻ núi bé bỏng, rẽ thân rơm rạ, chui ra khỏi bụi lúa vàng, mắt long lanh ngó nghiêng xung quanh rồi phóng mình vút lên, nhập vào cùng bầy đàn đang ríu ra ríu rít bay ngang bầu trời xanh biếc, lồng lộng nắng ấm và gió ngàn mát rượi thoang thoảng hương lúa mới. Chẳng có điều gì kỳ diệu hơn khi vừa được vùng vẫy đôi cánh, lại vừa được mở to mắt nhìn ngắm cảnh vật từ trên cao xuống. Những thửa ruộng, dòng suối, núi đồi, con đường, vườn quả, cây cầu, làng mạc... bé xiu xíu, xinh xắn và quá đỗi thân thương.
Sau đó, tôi còn được bay bổng rất nhiều lần nữa. Thậm chí có giấc mơ, tôi đã bay bằng đôi cánh sắt thép của chiếc trực thăng khổng lồ, quạt phành phạch, làm gãy bạt cả cành cổ thụ ven rừng, y hệt chiếc phi cơ chở đoàn khảo sát khí tượng ghé qua xóm núi mà chúng tôi có lần chứng kiến.
Các bạn tôi cũng có nhiều mơ ước bay lên. Vào những buổi chiều ra cuộc hái củi, đào măng, kiếm rau, mò cua, bắt cá, lùa trâu bò, ngựa dê từ bãi thả về làng, trước khi rẽ bạn quay vào từng mái nhà riêng lẻ, không hò hẹn nhưng chúng tôi thường nấn ná đợi nhau ở bìa rừng, trên đỉnh con dốc cao dài, ngoằn ngoèo có bờ cỏ mịn và những hòn đá hoa cương long lanh nghiêm nghị. Phía cuối chân dốc, dòng sông dùng dằng chờm lên đôi bờ, mặt nước lấp loáng ánh hoàng hôn màu hổ phách. Từng dàn cọn cánh quạt, những chiếc cọn tròn cô đơn, nhễ nhại, mải mê múc nước đổ vào máng tre giăng mắc dẫn lên khắp các ruộng bậc thang lúa xanh rờn rợn. Khói lam chiều bảng lảng, tiếng gọi, mõ trâu và nhịp cối nước giã gạo thì thụp chốc chốc lại vọng về.
Dưới gốc cây thông già gù lưng rợp tán, la liệt những phiến đá nhẵn nhụi như những chiếc ghế, chúng tôi ngồi tản mát ở đó và thi nhau huyên thuyên đủ các thứ chuyện trên đời. Nhưng ấn tượng đầy khao khát làm tôi không bao giờ quên được là tất cả những câu chuyện bàn luận về sự bay lượn. Và chúng tôi, mỗi người đều cố công thực hiện bằng được ước mơ theo từng cách riêng của mình.
Anh Thành "kều" thường buộc sợi thừng săn chắc rất chặt ngay trên cành thông rồi nhảy lên, túm dây, chạy sang ngang hết cỡ lấy đà bật chân. Sợi thừng có anh đang co người bám tay y hệt cậu chão chuộc, như con lắc đồng hồ đu qua đu lại vèo vèo trước mắt chúng tôi. Nhưng bay lủng lẳng theo anh như thế mãi rồi cũng nhàm chán. Sang trái, về phải lại từ phải sang trái, thi thoảng chệch choạng, quay quay... quá đơn điệu, tẻ nhạt. Đau tay, mỏi đầu gối, tức bụng và đôi khi hai, ba đứa ham vui hò nhau cùng bám vào làm sợi dây quá sức chịu đựng, đứt "phịch" nửa chừng, ném cả bọn vào bụi hoa dại đầy ong vàng hoặc lên bờ cỏ to sụ tổ kiến đen. Lúc ấy, chúng tôi không thể bò lồm cồm mà ngay lập tức phải nhảy bật dậy, vò đầu, bứt tai, vắt chân lên cổ bò chạy, miệng không ngừng được tiếng kêu la oai oái vì đau.
Chúng tôi kéo nhau ra bờ sông, kín đáo tiến sát bờ thủy trúc um tùm, nơi có đống quần áo chú Đàn để ở đấy. Từ trên mố cầu treo bắc qua khúc sông rộng mấy chục mét, hiền hòa cuộn chảy, chú Đàn đang làm mấy động tác khởi động. Rồi "phốc" một cái, chú nhún chân bật nhảy nhẹ nhàng như con chim cất mình bay khỏi bệ phóng. Giữa không trung, chú uốn người múa may nhào lộn mấy vòng rồi mới để thân hình lao phập xuống dòng nước xanh mát. Chú Đàn sống và làm việc ở trạm khí tượng đóng trên đỉnh núi mù mây nhưng rất năng tắm giặt. Ngày nào cũng thế, đều đặn hai lần, sáng sớm và chập chiều chú đều đứng trên cầu treo gieo mình xuống dòng sông. Có điều chúng tôi vẫn thắc mắc với nhau, chú năng bơi lội, tắm táp sạch sẽ như thế mà không thấy trắng trẻo gì hơn những người trong vùng. Chỉ có nước da đen rám, khỏe mạnh là căng bóng, anh ánh như thoa mỡ lên thôi. Chúng tôi rất sợ và ngại gặp chú Đàn vì lúc nào chú cũng có vẻ cau có trang nghiêm. Thậm chí khi qua đường, đối mặt chào hỏi, chú cũng chẳng thèm đáp lời nên càng thấy ngượng ngùng và xa cách. Tuy thế, bây giờ chúng tôi không e ngại khi lấy que khều hết quần áo của chú rồi giấu biến đi. Chú Đàn tắm xong, bơi vào bờ, tìm không thấy quần áo để thay dĩ nhiên không thể nào đủ can đảm mình trần mặc độc quần đùi ướt đi nghênh ngang trên đoạn đường vẫn còn rất nhiều người lại qua nên đành chui vào bụi cây, nấp chờ đêm xuống mới trở về trạm khí tượng đóng trên núi. Khi ấy, tôi được bạn bè cử cưỡi ngựa dẫn ra bờ sông. Tôi rất ngạc nhiên khi nhìn thấy chú Đàn đang thu lu buồn thiu ngồi trong bụi cây um tùm. Chú kể lể sự tình, tôi inh oang mắng mỏ đứa nào hư hỏng, nghịch ngợm thế, dám trêu chọc cả chú Đàn "của tao" rồi hăng hái, lăng xăng, chạy quanh đâu đó tìm gặp chú. Chú Đàn rất vui khi được làm quen với đứa bé xinh xắn, ngoan hiền, thông minh và rất được việc như tôi. Càng nhiều đứa giống tôi thì cuộc đời càng tốt đẹp đấy. Chỉ cần có thế thôi tôi vội vã huýt sáo vang vang, gọi các bạn chui ra khỏi chỗ nấp để giới thiệu với chú Đàn. Thân thiết rồi chúng tôi mới biết, vẻ càu cạu thường ngày của chú Đàn chẳng qua là do bệnh... sâu răng kinh niên. Trạm khí tượng nơi chú làm việc rất vắng vẻ nên quen nghe và nói bằng âm lượng rất lớn. Chẳng hạn, bọn trẻ con chúng tôi phải hét thật to chú mới nghe thấy điều mong muốn của mình. Chúng tôi đã có được ông thầy dạy bơi lội và nhảy cầu bay hết sức tận tâm, thân ái và nhiệt tình.
Tôi đã bay vào dòng sông quê hương.
Từ trên giàn cầu treo, tôi thực hiện đúng tất cả các thao tác chú Đàn bày vẽ trong cả tháng nay rồi giang tay, nhún chân, cong người hăm hở nhảy xuống. Có cái gì đó hụt hẫng, trống rỗng vây quanh thế giới của tôi. Gió ù ù rít ngang mang tai, cảnh vật trôi vun vút trước mắt. Mũi, miệng, cổ, tóc, tai và tay chân tôi run lên bởi cảm giác tê buồn lần đầu tiên tôi mới biết trong đời. Một điều gì đó vừa thích thú, vừa sợ hãi, lạ lẫm xen lẫn cả hối hận và nuối tiếc vì đã làm việc này lướt nhanh qua tâm thức tôi. Tôi nghĩ đến bố mẹ với ý nghĩ của kẻ sắp chết... Ngay lúc ấy, cú đập đau rát lan tỏa khắp da thịt như muốn làm rách vỡ, xé tung hết các mạch máu và gân cốt trên thân thể tôi giáng xuống. Tôi co rúm người, y hệt trái bưởi bị ném mạnh vào dòng nước, từ phía bị bủa vây bằng những cột trắng xóa, tung tóe, ăm ắp, mịt mờ... Phải vùng vẫy, quẫy đạp rất lâu tôi mới mắt nhắm mắt mở trồi thoát ngoi lên mặt sông với một cái bụng óc ách. Nước sông quê tôi tanh tanh, nhơn nhớt rêu nhưng cũng rất ngọt ngào mát rượi. Tuy nhiên, “thưởng thức hương vị quê nhà” trong tình trạng như thế cũng không thể gọi là sảng khoái được. Hơn nữa, có một điều chú Đàn quên không dạy nên trong đám chúng tôi, kẻ nào đó dây lưng buộc không chặt thì dù không tự nguyện vẫn phải lưu tặng vĩnh viễn cho dòng sông chiếc quần ngắn mỏng manh của mình.
Chúng tôi thích được lượn bay tự do, thoải mái trên mặt đất bình yên hơn bao giờ hết. Nhìn đây nè! Trên bờ ruộng, ngay giữa sân nhà, trên đường, ngang lưng đồi hoặc từ chiếc giường, bậu cửa, ghế ngồi... bất cứ điểm mốc nào mà chúng tôi ngẫu nhiên có hứng muốn cất cánh bay lên. Đôi cánh tay ngay lập tức dang ra lòng khòng vùng vẫy hoặc gập lại vòng quay như cuốn sợi trước ngực, thân chúi chúi, đầu vèo vẹo lúc lắc, mắt nhấp nháy ngó nghiêng, đôi chân nhỏ chạy bon bon, vẽ vòng vèo đủ các dấu vết và hình thù trên mặt đất, miệng ù ầm tiếng phi cơ, ô tô hoặc chiêm chiếp, ríu rít, líu lo, thánh thót, gầm rú na ná giọng hót loài chim muông mà mình yêu mến. Bay như thế, bay đến chán, đến mệt mới thôi.
*
Trong đám đông chúng tôi có một người không bao giờ tham dự chuyến bay nào cả. Lẽ ra, chúng tôi phải gọi May là anh nhưng vì May cứ nhỏ bé mãi, gương mặt cứ trẻ thơ mãi, đôi chân sơ sinh trắng muốt cũng không lớn lên được mãi và cứ ngồi mãi trên chiếc ghế bốn bánh gỗ từ không biết bao nhiêu năm nay nên May mãi chỉ được gọi là May, trống không, đơn giản, tội nghiệp và thân thiết như thế. May ngồi một chỗ trên ghế xe cút kít, đôi tay với những ngón thon dài xinh xắn không nghỉ ngơi bao giờ. Hết bện, tết, tuốt sợi, kết rổ rá lại đan giỏ cua, giần sàng, làn cói, quạt mũ, túi, lưới... thoăn thoắt, nhanh nhẹn, khéo léo, nhẫn nhịn và kiên trì. May là khán giả duy nhất thành kính sùng bái cổ vũ chúng tôi, là nhân chứng duy nhất, đầy ngưỡng mộ, thành thật khâm phục những chuyến bay ầm ĩ trẻ nhỏ. Lúc nào cũng thế, đôi mắt long lanh, âu yếm, rất mến thương, thi thoảng hứng khởi quá còn vỗ tay bồm bột trên vành xe, miệng lắp bắp hoan hô rất nhiệt tình.
Chúng tôi đã nghĩ ra thêm một cách bay nữa. Và đó là cách bay chúng tôi yêu thích nhất. Chúng tôi ẵm May ra khỏi ghế, đặt May ngồi trên thảm cỏ rồi lấy chiếc xe bốn bánh gỗ của May đẩy lên đỉnh dốc. Từ nơi đó, hai, ba đứa trèo lên ngồi chung nhau; hai, ba đứa khác đu đẩy, xe cút kít lăn bánh ầm ầm băng xuống dọc theo con đường dốc ngoằn ngoèo. Gió ào ào thổi. Tóc rẽ ngược trên đầu, áo đứt cúc xấp xõa hai bên sườn như đôi cánh vùng vẫy, chúng tôi bấu víu, ôm chầm lấy nhau, mắt nhắm nghiền vì sợ, vì thích cho đến khi bốn bánh gỗ từ từ chạy chậm rồi dừng hẳn lại cuối chân dốc đầy những bụi đất, lá vàng và cỏ hoa...
Trên thảm lá, thấy May ngồi vui vẻ quá, tôi rất muốn để May được đi cùng chuyến bay của mình nên hô hào mọi người khiêng May đặt lên xe, ngồi ở giữa. Chị Bình "boong" giành cầm lái. A... hầy... này... Bay! Đến phiên mấy đứa bạn đẩy chúng tôi khỏi bệ phóng. Xe cút kít gầm gừ chuyển bánh rồi vun vút lao đi. May ngồi trước tôi mà rúm ró ôm chặt lấy tấm lưng to khỏe của chị Bình. Đôi mắt May nhắm nghiền, mái đầu run rẩy chúi gục xuống khép nép, những chiếc xương lưng gầy gầy đâm vào ngực áo tôi nhồn nhột. Có lẽ cũng như tôi, May vừa sợ hãi vừa thinh thích và cũng rất an tâm với chuyến bay chung như thế này.
Buổi chiều ấy trời rất đẹp và mặt đất cũng rất yên lành. Chúng tôi lại đẩy xe lên đỉnh dốc. May muốn chúng tôi cho anh được bay một chuyến riêng. Từ điểm xuất phát, chiếc cút kít vùn vụt lao xuống. Thảm lá nâu vàng vốn phủ kín cung đường bị xe cút kít xé tung, xô dạt, vờn bay tơi tả sang hai bên giống hệt sóng nước tỏa xõa tô điểm lúc mạn thuyền lướt qua. May cũng biến thành một con người khác hẳn thường ngày. Hoàn toàn không giống chúng tôi, cũng không giống vài kẻ luôn tỏ ra dũng cảm từng đòi bay riêng để rồi khi ngồi một mình lại bám chặt hai tay vào ghế xe, cổ rụt, vai so, mặt tai tái, người co rúm vì sợ hãi. May của chúng tôi hôm nay như một thiên thần cất cánh, đôi tay buông thoát khỏi thanh bám đóng vào xe, xòe mở, dang rộng giữa không trung, đầu ngẩng cao, ngực ưỡn, mặt đỏ bừng, mắt mở to sáng ngời, thân hình như sắp lao lên phía trước, miệng kêu vang những tiếng a... a... tràn đầy niềm vui sướng và hạnh phúc vô biên. Đến khúc lượn, chính tại điểm cong mấp mé mặt sông, nơi mà mỗi lượt bay tới đó chúng tôi ai cũng phải nghiêng người lạng giữ điều khiển thật khéo léo để xe cút kít thăng bằng tiếp tục bám bánh trên cung đường đất thì May đã hoàn toàn không thể làm được điều đó. Cút kít va bánh vào mấy viên đá, lộc cộc hất May bay tung lên cao. Thân hình với đôi cánh tay vẫn xòe mở của May vẽ thành đường cầu vồng đậm nét giữa không trung trước khi văng "ùm" xuống nước. Trước cảnh tượng chưa từng trông thấy trong đời như thế, tất cả chúng tôi đều im lặng, sững sờ tới mấy giây rồi mới chợt bừng tỉnh, lốc thốc, hốt hoảng nhớn nhác nhác chạy ùa xuống. Giữa đám rong rêu và khoai dại rậm rì bên mép sông. May đang chới với khua tay vùng vẫy. Cái miệng cá ngão của May ngoác cười hết cỡ. Chúng tôi mừng hú, xô nhau ào ào lội nước, nắm tay, tóm chân khiêng May lên bờ. Rồi cứ thế cả bầy đàn áo quần lướt thướt, tóc tai rũ rượi, mặt mũi lắm láp, vừa công kênh May trên tay vừa nhảy nhót, reo hò, la hét loạn xạ ầm ĩ khoái trá hơn bao giờ hết.
*
Lẽ ra, May và chúng tôi còn có thể tiếp tục được bay thêm nhiều chuyến nữa. Nhưng chính buổi chiều vui vẻ nhất trần đời ấy đã làm náo động đến những người lớn thân yêu đầy uy lực của chúng tôi. Tôi là đứa đầu sỏ và cũng là kẻ đầu têu để May cùng chơi trò nguy hiểm nên "ngay tại trận" bị bố mẹ trách phạt tội hình không dễ chịu đựng cho lắm. Các đồng phạm cũng chẳng sung sướng hơn tôi khi bị áp giải tới tận cửa nhà...
*
Về sau, lấy lại sự tin tưởng của mọi người, thể xác cũng cao lớn và tay chân vững vàng hơn, tôi được cho tự do sử dụng cả xe đạp. Nhiều lần, tôi chở May đi loanh quanh rong chơi khắp mọi nẻo đường trong vùng như chở những em nhỏ mến thương trên chiếc ghế mây trẻ con buộc ở khung xe đạp, phía trước ngực, giữa vòng tay che chắn của tôi. Mỗi khi gần chạm đỉnh con dốc nào tôi đều cố hết sức đạp thật mạnh rồi thả cho xe bon xuống ù ù theo quán tính. Xe đạp bay nhanh hơn xe cút kít, đường bay của xe đạp dài hơn, lâu bền hơn xe cút kít. Nhưng, May cũng chỉ lặng thinh hoặc cùng lắm là nhênh nhếch mép cười...
Nhưng chính lúc ấy, tôi đã nhận ra rằng, trong đám trẻ con xóm núi chúng tôi chỉ có May mới thực sự biết bay. Lần duy nhất bay lên và là người duy nhất thực sự biết được thế nào là cất cánh bay bổng giữa bầu trời cao rộng và mặt đất mênh mông chính vào giây phút May một mình lao xe xuống dốc. Bằng đôi cánh tay bé nhỏ, phong phanh, rộng mở đầy can đảm của mình, May đã băng qua số phận tật nguyền, rẽ bạt cả cát bụi, lá vàng, không gian, gió núi, mây ngàn xứ sở để bay bổng mãi theo con đường ngoằn ngoèo, uốn lượn mà chúng tôi luôn ao ước không bao giờ có điểm dừng lại ấy...
Buổi chiều tuyệt vời, thích thú, trẻ thơ, chúng tôi đã hân hoan reo hò đón rước May đăng quang ngai vàng. Ông Hoàng Nhỏ của khát vọng lượn bay...