Hạt Cát Nhỏ Nhoi - Chương 05:Con trai người lính biển - P1
Tỉnh dậy, không thấy bố đâu, lẽ ra tôi khóc ngay rồi nhưng kịp nhớ lời bố dặn tối qua. Sớm mai, khi con vẫn còn ngủ khì thì bố đã lên thuyền, ra đảo. Đảo không xa lắm. Bố kiệu tôi trên vai ra đứng ngoài ban công nhà nghỉ. Nhìn theo hướng tay người chỉ, dưới ánh trăng đêm rằm cuối mùa thu, tôi thấy mờ mờ phía trước mặt một khối tròn tròn, đen đen, khum khum như chiếc mai của con rùa khổng lồ đang xoài mình bơi trên mặt biển mênh mông nạm vàng dát bạc. Nơi ấy, ông mặt trời đỏ vẫn thường đẩy bánh lửa trèo qua mỗi bình minh và khi hoàng hôn buông xuống có những quầng mây dáng hình kỳ lạ xõa khăn quàng ngũ sắc lướt thướt trôi ngang. Nhưng tôi biết, bố ra đảo không phải vì ông mặt trời hay đám mây kỳ diệu ấy... Những dòng Hán tự và những hình vẽ khắc trên vách đá đã được lăn in lại trên những tập giấy bản các cô, chú trong đội khảo sát di chỉ văn hóa mang từ đảo về đã cuốn hút bố. Hình như, một bí mật cổ xưa nào đó đang cần khám phá.
Hai bố con tôi sống với nhau quen rồi. Ở thành phố, mẹ và chú Nguyễn thường đến xin bố đón tôi đi chơi. Công viên, vườn bách thú, hồ nước, phố phường, cửa hàng, hiệu sách... Ra cả ngoại ô, tới những nơi có đầm sen, hồ hoa súng, ao câu cá, quán lá, cánh đồng, đền chùa, bãi cỏ nhung xanh mượt và những người đánh cầu, chơi gôn hay lắm... Mẹ luôn nắm tay tôi rất chặt và chú Nguyễn thì cõng tôi trên lưng khi tôi quá mỏi chân, thật chẳng khác gì bố cả. Nhưng chỉ vài giờ thôi là tôi lại đòi mẹ và chú Nguyễn cho trở về với bố. Chẳng có gì lưu luyến được tôi... Tôi luôn nhớ đến bố. Nhớ cả lúc mình với cái bụng đói meo đang cố bậm môi mếu máo mà vẫn không ngăn được hai dòng nước mắt chảy dài trên gương mặt lem luốc, bẩn thỉu, nghẹn ngào đứng khoanh tay chịu phạt trong xó nhà. Còn bố, khi ấy thì tóc tai bù xù, người cởi trần, mình nhễ nhại mồ hôi và nhọ nồi, lụi hụi nhặt rau, vo gạo, xách nước, giặt giũ, thu dọn căn phòng bé toen hoẻn bừa bộn sách vở, quần áo, chăn màn... mà tôi nhân dịp bố đi vắng đã tung hê hết cả ra. Bố không quan tâm đến sở thích của tôi. Hầu như chẳng bao giờ bố chấp thuận điều tôi cầu khẩn. Với vẻ mặt luôn luôn nghiêm nghị, ngoài việc hay cáu gắt, quát mắng, trách phạt, thỉnh thoảng bố còn "đét" vào mông tôi mấy cán chổi phất trần. Sống bên bố, không phải tôi luôn được vui vẻ, tự do. Nhưng tôi không thể rời xa bố được vì tôi biết rằng bố cần có tôi hơn và bố rất yêu thương tôi...
Tôi chưa đến tuổi tới trường học nên thỉnh thoảng bố vẫn phải đem tôi đi cùng những chuyến công tác dài ngày của mình. Một lần, trên tàu hỏa, ngủ gà ngủ gật, tôi nghe, mấy cô chú cùng viện nghiên cứu với bố nói rằng, nếu không vì chuyện gia đình con cái lằng nhằng rắc rối thì chắc chắn bố tôi đã làm "quan to" từ lâu rồi. Tôi không biết làm "ông quan to" thì bố sẽ sung sướng như thế nào nhưng cũng ngậm ngùi hiểu điều tiếc nuối, thương cảm và tội nghiệp mà mọi người giành cho bố. Tôi cảm giác rằng mình thật có lỗi nhưng rồi lại nhanh chóng quên đi...
... Các cô phục vụ ở nhà nghỉ rất tốt với tôi. Chắc chắn bố đã kịp gửi gắm nhờ cậy các cô rồi, vì thế khi tôi vừa kéo rèm cửa thò đầu ra khỏi cửa sổ nhìn xuống vườn hoa thì đã nghe tiếng người ở phía phòng lễ tân gọi với lên: "Cháu Cò ơi! Xuống đây ăn sáng rồi chơi cùng các cô nào!". Nhà ăn vắng vẻ thế. Nghe bảo, trừ mùa hè ra còn nơi này lúc nào cũng hiu hắt thế đấy. Bây giờ, tôi cũng thấy lèo tèo vài ba ông bà già đi dưỡng bệnh đang ngồi ngậm ống hút cắm trong cốc nước ngọt, mắt lơ mơ lặng thinh nhìn vào màn hình ti vi phát chương trình bóng đá. Những chiếc bàn phủ khăn trắng, những chiếc ghế sứ sáng bạc sạch sẽ xếp ngay ngắn gọn gàng mà buồn thiu. Không khí ban ngày cũng chẳng hơn gì những buổi chiều tối khi dắt tay nhau đi dạo bên bờ biển, gió mạnh lên, sợ tôi bị cảm lạnh bố vội vã bế tôi chạy tắt rừng phi lao trở về. Khi trèo qua hàng rào, tôi thấy cả khu nhà nghỉ là một khối mênh mông hiu hắt không một bóng người. Tất cả các cánh cửa sổ chớp kính đều im ỉm khép chặt. Không có lấy một ánh đèn yếu ớt dù lẻ loi...
Tôi không ngồi yên được lâu. Chẳng rõ cô lễ tân mải nói chuyện điện thoại có kịp gật đầu đồng ý không nhưng tôi cứ nhảy chân sáo chạy ùa ra con đường rải đầy đá sỏi dẫn về phía đại dương. Bên tai tôi, tiếng gió thổi, tiếng chim hót và tiếng sóng rì rào, khi gần khi xa, lúc khoan lúc nhặt, cứ hòa quyện vào nhau tựa chừng bản nhạc du dương không bao giờ ngưng nghỉ.
Biển khơi kia. Ban mai, ánh mặt trời chờm lên mặt nước mênh mông. Biển là một chiếc mâm thật lớn chứa đựng những con thuyền, cánh chim, áng mây, trái núi, hòn đảo và những con sóng bạc đầu tràn ngập ánh hào quang ngũ sắc. Tôi thích những con sóng! Những con sóng không biết sinh ra từ đâu mà luôn nhiệt tình, hồ hởi, vô tư lự, quàng vai đua nhau sải tay bơi miệt mài, đùa giỡn chán chê mới xoài mình vỡ tan trên bờ bãi. Tôi chạy đến sát bờ biển. Sóng biển ùa xô tới rất gần tôi. Bờ biển này uốn cong cong, lượn vòng theo thế đất. Trảng cát rộng lớn, ướt sượt lênh loang còn nguyên vẹn những đường vân gờn gợn, ngoằn ngoèo. Nhiều quá, những con dã tràng... Những con vật giống hệt loài cua tí hon ấy ngơ ngáo giương cặp mắt lồi khỏi chiếc mai bé xíu như móng tay trẻ con rồi đột nhiên phóng cẳng bỏ chạy khi chớp thoáng bóng người. Nhưng cũng có những con dã tràng dạn dĩ, điềm đạm, miệt mài, nhẫn nại đứng lặng lẽ đưa hai càng tẩn mẩn vân vê từng viên bi cát tròn tròn. Những con dã tràng đang cố công trở thành nghệ sĩ điêu khắc. Bi cát dã tràng và thủy triều rút đã để lại trên bờ biển những bức phù điêu gợn sóng mang vết hoa văn trừu tượng đầy biến động. Ôi, cát biển! Thật mềm, rất êm kết tầng nối lớp vững chắc quá. Tôi tuột bỏ dép, xỏ cả đôi quai nhựa vào sợi rau muống biển vừa nhặt được rồi đeo toòng teng qua cổ và mạnh dạn bước ra xa. Mát dịu, âm ấm, mềm mại, mịn màng, buồn buồn, thích thú dưới gan bàn chân. Tôi có cảm giác giống như đang đi trên tầng phù sa rộng lớn của bờ sông những lần được bố cho về quê nội. Nhưng trên phù sa, chân không thể bước đi được xa. Ướt, nhão, lạnh lùng, trơn dính và cứ lún dần, lún dần. Đôi khi bờ phù sa còn kéo người trượt ngã làm bùn lầy tanh nồng lấm lem hết quần áo. Còn cát biển thì mặn mòi, không sụt lở, không nhấn chìm chân, không làm tôi sợ hãi...
*
Không như tôi nghĩ, bãi đá nhoai ra phía bờ biển vắng vẻ này rất rộng. Những phiến đá to, cao, thấp, trơn, ráp, thô, nhẵn... hình thù chẳng đều nhau cứ đổ òa xuống. Dường như đó là đá từ trên núi lăn ra. Núi muốn bắc cầu nối những hòn đảo xa nhau gần lại, nối bờ bến cách trở bên này với bến bờ vời vợi nào đó phía bên kia? Những biển vĩ đại quá, sóng nước mạnh mẽ quá mà núi chưa đủ sức vượt biển nên đành dừng nghỉ lại ở chính bãi đá này, đợi chờ những dãy núi trùng điệp trong đất liền tới tiếp sức mình lấn biển như câu chuyện cổ bố đã kể cho tôi?
Vẫn toòng teng đôi dép trên vai, chân trần, tôi dò dẫm tới những khoanh đá trơ trọc nhấp nhô. Khó đi thật. Có rất nhiều mảnh ốc, đá gai, sỏi đỏ và vỏ hà, sò... giăng rải, ghi cắm khắp nơi. Tôi đã lại đi dép nhưng vẫn sợ bị những mảnh sắc nhọn đâm cứa đau chân nên chập chững trèo qua từng phiến đá bằng phẳng. Cứ nhằm về phía mũi nhọn của bãi đá, phía có những con sóng đang dồn lên, vỡ òa, tung tóe như muôn ngàn cánh hoa trắng muốt mà tiến lên. Từ bãi biển này, mũi đá ấy hướng xa về biển nhất. Nếu tôi tới được nơi ấy, chắc chắn tôi sẽ nhìn rõ hòn đảo có bố hơn. Bố đang làm gì ở đấy thế bố ơi?
Nhưng tôi đã không thể đi tới đích đến của mình. Chỉ còn cách vai sải tay nữa là tới mép sóng, đúng vào vị trí tưởng là dễ đi nhất thì tôi bất ngờ bước lỡ và bị trượt ngã trên mặt đá vàng rêu. Người tôi liêu xiêu, thân hình loạng quạng, một chiếc dép tuột khỏi chân, rơi tõm xuống dòng nước đang len lỏi chảy qua ngách đá để hướng về phía biển. Chiếc dép màu đỏ, xốp nhẹ đó nổi bập bềnh trên mặt nước rồi dập dềnh trôi trôi như chiếc xuồng tí hon. Tôi vội vã nhoai người khỏa nước vớt chiếc dép, miệng gọi tha thiết như nói với một vật biết nghe lời: “Này! Này! Dừng lại! Dừng lại đi...”. Nhưng tôi càng ra sức kêu gọi, khều với, khỏa nước vớt vát thì chiếc dép vô tình càng không hiểu gì cả. Nó trôi ra xa, sau đó, cùng dòng nước nhanh chóng nhập theo thủy triều rút, mất hút dưới một ngoàm đá rồi nhô lên trên mé sóng ì oạp của biển khơi. Ôi! Chiếc dép của tôi! Chiếc dép mới có in hình chú ỉn vàng Pô-kê-mon ngậm tay cười tít mắt, mỗi bước đi khe khẽ nhún chân là phát ra tiếng "chút... chít" vui vui, tôi rất thích bây giờ mất thật rồi. Lòng đầy tiếc nuối, dù biết rằng ngoài ấy nước sâu tôi vẫn nhất định chạy ào ra và lội xuống với mong muốn may ra vớt vát được. Nhưng, hẫng sụt một cái, tôi trượt dài trên thềm đá ngầm. Chân tôi đau xót trăm ngàn vết rạch cứa. Có loài thủy quái nào đó kéo tôi dìm xuống. Nước biển xộc vào miệng mặn chát, mũi tôi ngột ngạt khó thở. Tôi quẫy đạp lung tung và giơ tay khỏa vào khoảng không chới với. Mắt tôi nhòa cay những đốm hoa cà hoa cải đen tối. Điều duy nhất tôi có thể làm được vào lúc ấy là cố hết sức gào gọi:
- Bố ơi! Cứu con với...
... Một cánh tay ai đó kịp thời tóm lấy tóc tôi rồi lôi xềnh xệch lên bờ đá. Quần áo ướt sũng, tôi nằm vật xuống, đầu ngúc ngoắc liên hồi, hai tai đặc ù những tiếng "u... o..." và miệng thì không ngớt nôn ọe và ho sặc sụa bởi vị mặn mòi tanh tưởi của nước biển. Vừa mắt nhắm mắt mở được thì tôi tiếp tục nhìn thấy một chiếc dép đỏ nữa, ôi, chiếc dép còn lại của tôi cũng đang bị sóng biển cướp cuốn đi mất rồi. Tôi cố ngồi dậy, tay run run chỉ trỏ, miệng lắp bắp, mếu máo rồi khóc òa lên...
"Ùm..."! Tiếng động hệt như khúc gỗ bị quăng xuống nước rồi nhanh chóng loãng tan ra giữa ngàn âm thanh ầm ào của sóng biển. Mặc dù nước mắt vẫn giàn dụa trên mặt nhưng tôi đã nhìn thấy rõ ràng, trên ngọn sóng trắng đang tung tẩy kìm giữ chiếc dép của tôi phía trước mặt kia là một dáng hình đen nhánh, dài dài. Chắc chắn, tôi sẽ tưởng đấy là một con cá lớn nếu không nhìn thấy đôi cánh tay hối hả sải bơi vượt lên nơi ấy. Bập chập vài hồi thì người lạ cũng tóm được chiếc dép của tôi vừa làm rơi. Sau đó, gần như đứng thẳng dậy, người ấy nhìn quanh tìm kiếm. Chiếc dép đầu tiên tôi đánh mất bấy giờ đã bị sóng đẩy đưa ra xa khơi, căng mắt nhìn thì chỉ thấy giống như cánh hoa tí hon lấp ló trên cồn sóng tít tắp. Người ấy lại chuồi mình nhằm hướng đó băng băng bơi tới. Những ngọn sóng ngạo nghễ dồn dập ập xuống như muốn nhấn chìm dáng hình bé nhỏ kia bằng dải nước mạnh mẽ của mình. Nhưng người nhỏ bé ấy vẫn bình thản nhanh nhẹn khỏa tay rẽ sóng đạp chân lướt qua từng bức rào nước cuộn sôi ấy dễ dàng chẳng khác gì trên cạn tôi vén bức rèm che cửa nhà mỗi khi bước ra ngoài hành lang. Rồi tôi cũng chỉ còn nhìn thấy người ấy giống như viên sỏi đen đen nhấp nhô ẩn hiện để tiến gần sát tới cánh hoa đỏ ngày càng nhỏ lại xa tít kia... Trở về rồi! Mỗi tay cầm một chiếc dép, hai cánh tay như mái chèo, đôi chân như vây cá quẫy, người-bạn-biển-cả ném mạnh từng chiếc dép lên phiến đá cạnh nơi tôi đang ngồi rồi lầm lũi lội vào bờ. Đó là một cậu bé, có lẽ lớn hơn tôi vài ba tuổi, thân hình cao ráo, da đen cháy, có đôi mắt rất sáng. Vừa vuốt vuốt những dòng nước biển vẫn đang long tong chảy từ trên mái tóc vàng quạch xuống gương mặt đỏ bừng bừng, cậu bé vừa cáu kỉnh quát mắng om sòm. Lúc ấy, trước cậu bé, tôi có cảm giác mình đang đối diện với một-người-rất-lớn chỉ trích tội lỗi của tôi, đứa trẻ con không chịu nhớ lời người lớn, đi một mình ra ngoài biển, suýt nữa chết đuối không kịp ngáp, nhà ở đâu cút về mau lên! Tôi im lặng xỏ dép vào chân và len lén nhìn cậu bé với vẻ vừa rất hàm ơn vừa vô cùng biết lỗi. Cậu ta đứng chống nạnh và có vẻ yên tâm khi thấy tôi cun cút bước đi về phía bờ bãi nhà nghỉ... Nhưng đấy là tôi giả vờ thôi. Mặc dù đã rất sợ hãi vì cú ngã và những lời trách mắng kể tội inh oang của cậu bé vừa nãy nhưng tôi chưa muốn quay lại nhà nghỉ bây giờ. Khi ngoái đầu lại thấy cậu bé đã biến đi đâu đó rất nhanh chẳng kém gì lúc xuất hiện, tôi vội vàng chạy nép lên mỏm đá chênh chếch và ngóng nhìn. Phía sau mấy tảng đá cao ngất gần chỗ tôi bị ngã lúc nãy là vụng cát ướt rộng như tấm chiếu lớn bị đào xới dở dang. Cậu bé đang dùng chiếc xẻng nhỏ như bàn tay hối hả tiếp tục công việc của mình. Chốc chốc, cậu ấy dừng lại, đưa tay gạt gạt vầng trán rồi ngồi xuống, xục chiếc rổ tre sàng lọc, nhặt nhạnh thứ gì đó trong lớp cát vừa bị lật lên vứt vào chiếc giỏ miệng loe như lẵng hoa đặt cạnh đó. Cái gì thế nhỉ? Tôi rất muốn đứng hẳn dậy để nhìn cho rõ nhưng chưa quên được vẻ mặt bừng bừng nóng giận của cậu bé và sợ bị phát hiện mình nhìn trộm nên đành nấp sau phiến đá, thỉnh thoảng mới nhỏm đầu ngó xem một chút rồi lại vội vã ngồi thụp xuống. Lần sau nhất, khi tôi vừa đứng lên đã bị một bàn tay khẽ gõ gõ vào vai mình. Cậu bé đã đứng sau lưng tôi từ bao giờ. Gương mặt không còn cáu kỉnh nữa. Nụ cười thân thiện tươi tắn cùng giọng nói trong trẻo vang vang trước sóng biển cất lên:
- Á... à... Không phải là người ở đây hả? Giống hệt mấy đứa trẻ con bị bố mẹ đem đến nhà an dưỡng của viện nghiên cứu gì đó ở đằng kia nhỉ! Buồn à? Thôi, nếu thích thì cứ ở đây chơi cũng được. Ra chỗ kia ngồi dưới bóng đá râm mát đàng hoàng.
... Thủy triều đã rút rất xa. Mũi đá nhọn lúc nãy càng vươn dài hơn về phía biển cả. Nắng chói quá. Những cơn gió cũng không còn mát nữa. Bộ quần áo tôi mặc trên người đã khô se từ bao giờ. Tôi nhăn mặt, há miệng và cảm thấy đầu lưỡi mặn mòi vị muối bay theo gió biển đang cấp tập ùa vào bến bãi. Cậu bé chụp chiếc rá tre, rũ sạch cát và đội lên đầu cho tôi như đội nón. Tay xách giỏ tre, tay cầm xẻng nhỏ, cậu bé vừa nhảy thoăn thoắt qua những mỏm đá nhẹ nhàng như một con mèo vừa chỉ dẫn tôi đi theo lối men dưới những ngách đá. Dễ đi hơn, không phải leo trèo mệt người nhưng tôi vẫn đến bờ cát chậm hơn cậu bé rất nhiều. Thấy tôi nghé mắt qua kẽ giỏ nhìn vẻ tò mò, cậu bé liền tháo hom, đổ xòa tất cả trên bãi cát. Rất nhiều hến, sò... và cả những con ốc mượn hồn nữa! Tôi quá quen thuộc với những vỏ ốc dài như ngón tay có con vật gì đó không phải cùng loài ốc mà có lẽ là con cua cư ngụ nhờ gửi trong ruột rỗng này. Ở thành phố, thỉnh thoảng có bác hàng rong đi ngang qua khu tập thể chúng tôi. Bác dắt xe đạp, trên gác-ba-ga có chiếc lồng sắt mắt cáo mấy tầng nhốt nhiều chuột bạch, chuột lang tinh nghịch chạy tứ tung. Nhưng đám trẻ con chúng tôi mong bác đến lại chính vì cái túi cước đựng đầy ốc mượn hồn treo lủng lẳng phía trước ghi đông cơ. Ốc mượn hồn chơi được rất lâu, không phải chăm bẵm khó khăn, cầm trên tay, nhét trong hộp hoặc đút trong túi áo cũng được. Khi bên ngoài không có động tĩnh gì, chiếc vỏ ốc tưởng như đã chết lặng ấy bất chợt cựa quậy, cựa quậy... rồi mấy chiếc chân của con cua sống nhờ gửi mới rún rín thập thò chìa ra. Con vật bò lê la, kéo theo cả tòa tháp vỏ ốc nặng chình chịch đi khắp các xó xỉnh. Nhưng chỉ cần hơi có động tí chút thôi là nó đã vội vàng co mình lại, trở lại y xì chiếc vỏ ốc vô hồn, lặng thinh. "Sao anh bắt được nhiều ốc mượn hồn thế?". Tôi sục cả hai tay vào đống ốc thích thú. Cậu bé nhìn tôi, khẽ đưa chân di di lên vài chiếc cẳng đang ngọ ngậy thò ra khỏi vỏ ốc rồi vui vẻ nói: "Em lấy ốc về mà chơi!". Tôi cảm kích nhặt vài con cất vào túi áo và giúp cậu bé đưa số hến, sò ra bờ biển, rửa sạch cát rồi bỏ hết vào giỏ. Hai chúng tôi như hai người anh em quen thân thiết với nhau từ lâu, dắt díu, lon ton đi dưới những bóng cây rợp mát đang thu tròn trên mặt đất. Chúng tôi đi về phía nhà nghỉ. Đến rừng phi lao cách ngôi nhà có căn phòng bố con tôi ở không xa, cậu bé dừng bước và bảo:
- Thôi, em tự về được rồi nhé. Nhớ là không có người lớn thì đừng đi chơi xa, nhất là ra biển một mình, nhỡ xảy ra điều gì không ai biết tới cứu thì nguy. Anh về nhà anh đây, ở xóm chài dưới chân núi kia kìa. Chỗ có những chấm trắng chấm đỏ ấy...
Tôi nheo nheo mắt nhìn rồi bỏ chiếc rá đội trên đầu ra đưa trả lại cậu bé và ngập ngừng hỏi:
- Thế... Thế buổi chiều... Buổi chiều nay anh có ra bãi biển này nữa không?
- Anh chưa biết. Thế em còn định... làm mất cái gì ngoài biển nữa à?
Tôi ngượng ngùng lắc đầu. Cậu bé vẫy vẫy tay tạm biệt rồi đội rá, cầm xẻng, xách giỏ nhằm hướng xóm chài bon chân chạy. Được một quãng, cậu ấy dừng lại, ngoái đầu hỏi tôi:
- Thế buổi chiều em có ra đây không?
Tôi ngúc ngoắc mái tóc, kiễng chân, đưa tay bắc loa ngang miệng và hét lên thật to vì sợ cậu ấy đứng xa nghe không rõ:
- Em cũng chưa biết được.
- Thế sáng mai?
- Em cũng chưa biết được.
Thực sự là tôi không biết khi trở về với bộ quần áo dù đã khô ráo nhưng vẫn không thể giấu được những vết bẩn thỉu lem luốc như thế này, người lớn có còn đồng ý cho tôi đi ra bãi biển chơi nữa hay không?
Không sao diễn tả được niềm vui sướng của tôi khi gặp lại cậu bé ở nhà nghỉ. Cậu bảo rằng tiện có việc qua đây và may gặp được tôi. Cậu ấy và các cô lễ tân nói chuyện với nhau rất nhiều và có vẻ như họ đã quen nhau từ trước. Sau đó, các cô nói rằng các cô yên tâm để tôi kết bạn với Thủy, con cô Son ở xóm chài. Buổi khuya, nghe tôi kể lại chuyện này, bố cũng rất vui vì tôi đã có bạn bè, bố sẽ bớt lo tôi buồn vì người còn phải ra đảo thêm nhiều ngày nữa.
Sáng sớm.
Thủy đến xin cho tôi đi thu nhặt cá tôm dạt vào bờ biển. Tôi sung sướng chạy lẵng nhẵng theo cậu ấy. Biển âm u. Bầu trời xám xì cũng âm u. Những dải sóng bạc đầu phai nhạt mệt mỏi vỡ loang giữa mặt biển mênh mông đỏ lừ. Rất nhiều những đám rong rêu, cỏ lác bị sóng biển hất quăng lên bãi cát rồi chưa kịp nghỉ ngơi đã lại bải hoải ngã theo dòng nước cuốn trôi. Ngoài khơi, vài ba con thuyền trên mui có cắm những dải cờ hình tam giác màu đen phần phật tung bay đang dập dềnh giữa muôn trùng ngọn sóng. Tiếng máy nổ xình xịch, ùng ùng vọng lại. Ven bãi, một toán ngư dân đang cong người, gồng lưng, dang tay, nhún chân, miệng hò dô từng nhịp mạnh mẽ giằng kéo lưới vào bờ. Tấm lưới rộng như khoảnh sân lớn, trải dài khắp một khoảnh biển được thu hẹp dần, hẹp dần và khép lại. Lác đác quanh bãi đá, có vài người vai gồng gánh đôi thúng tre trống trơn. Chúng tôi nhìn thấy trên bãi đá một con sứa to bằng chiếc mâm nhôm, màu trắng ngà. Thủy bảo, có lẽ đêm qua, khi triều dâng, sứa đã vào sâu trong bãi, không thoát kịp khi triều lui nên bây giờ nó nằm úp mặt đứ đừ trên cát. Thủy gọi người gánh quang. Bác ấy vội chạy tới, xắn quần, vén áo, lật ngửa con vật lên, cào bóc bỏ lớp màng bợt bạt và những tua xúc tu lua tua bao bọc con sứa rồi lấy cật tre thoăn thoắt cắt xẻ thành những mảnh như mảnh thạch trắng. Tôi và Thủy lễ mễ giúp bác gánh quang bê những mảnh sứa ra vụng nước rửa rồi xếp vào thúng đã xếp sẵn rất nhiều quả gì đó dài thon, xanh mướt. Thủy bảo: “Quả xú đấy! Sứa này kèm với thứ quả ấy, muối lên, ăn rất ngon”. “Như dưa cải, dưa cà phải không?”. Tôi hỏi, Thủy nói cũng chỉ nghe chứ thực tế thì chưa rõ vì có lần cậu ấy ăn vụng đúng một miếng sứa mẹ xào thôi mà loáng sau đã bị mẩn ngứa hết người, không mặc được cả quần áo mấy ngày liền. “Đáng đời thật. Đúng là trời phạt đứa tham lam!”, Thủy nói thành thật và nhìn tôi. Tự nhiên, cả hai đều bật cười khanh khách.