Người giúp việc - Chương 07-P1

ĐẾN GIỮA THÁNG MƯỜI, hơi nóng hầm hập đã tan đi hết, trời trở lạnh, chỉ còn xấp xỉ muười độ. Buổi sng, mặt bồn cầu lạnh như băng, cứ mỗi lần muốn đi tôi phải ngồi một lúc mới ấm lên được. Nhà vệ sinh chỉ là một căn phòng bé tí xây trong gara. Bên trong có độc một chiếc bồn cầu và một cái chậu rửa nhỏ tin hin gắn lên tường. Một sợi dây công tắc đèn. Giấy chùi phải để dưới sàn.

Hồi tôi giúp việc cho bà Caulier, gara xây liền với nhà chính luôn nên tôi không phải ra ngoài. Nhà trước đó có hẳn một gian riêng cho người giúp việc. Chưa kể một phòng ngủ nhỏ để tôi nghỉ mỗi lần ở lại qua đêm. Với cái nhà vệ sinh mới này, tôi phải đội mưa đội nắng mới đến nơi.

Buổi trưa thứ Ba, tôi mang đồ ăn trưa ra bậc cửa sau nhà, ngồi xuống thềm bê tông mát lạnh. Bãi cỏ ở mé này nhà cô Leefolt không xanh lắm. Một cây mộc lan lớn tỏa bóng che rợp gần hết sân. Tôi biết chẳng bao lâu nữa cái cây này sẽ trở thành nơi trú ngụ của Mae Mobley, trong khoảng năm năm, để trốn cô Leefolt.

Một lúc sau, Mae Mobley lạch bạch chạy ra. Trên tay con bé còn cầm nửa miếng chả kẹp bánh hamburger ăn dở. Nó nhìn tôi cười toe toét và bảo, “Tốt.”

“Sao con không ở trong nhà với mẹ?” Tôi hỏi vậy, nhưng vẫn thừa hiểu tại sao. Con bé thà ngồi ngoài đây với người giúp việc, còn hơn phải ở trong đó để thấy mẹ nó nhìn tất cả mọi thứ, trừ nó. Nó cũng giống như con gà con bị bỏ rơi, đành phái bám đuôi lũ vịt.

Mae Mobley chỉ mấy con chim xanh đang bận bịu chuẩn bị cho mùa đông sắp tới, lích chích gọi nhau quanh chiếc đài phun nước màu xám. “Xim xanh!” Nó giơ ngón tay lên chỉ và buông tõm miếng chả rơi xuống thềm, chẳng hiểu từ đâu, con chó săn già xọm Aubie vốn chẳng ai thèm đoái hoài chạy xồ đến ngoạm lấy miếng thịt. Tôi chẳng thích chó, nhưng con này tội lắm. Tôi vỗ nhẹ nhẹ lên đầu nó. Chắc phải từ đận Giáng sinh đến giờ, chẳng ai thèm âu yếm vuốt ve nó.

Vừa thấy nó, Mae Mobley rú lên rồi vồ lấy đuôi con vật. Phải ân mấy nhát đuôi quật vào mặt rồi nó mới tóm được. Khổ thân, con chó rên rỉ và nhìn Bé Con bằng ánh mắt tội nghiệp lũ chó vẫn dành cho con người, cái đầu nó nom đến buồn cười, hai lông mày nhướng tít lên. Tôi gần như nghe thấy nó van vỉ Bé Con thả đuôi nó ra. Nó chẳng phải loại chó thích cắn người.

Để con bé thả ra, tôi bèn hỏi, “Mae Mobley, đuôi của con đâu?”

Thế là Bé Con buông tay ra ngay rồi ngoái đầu lại nhòm mông mình. Miệng nó há hốc ra, như không thể tin nổi mình đã quên khuấy mất chuyện đó. Nó quay mòng mòng xung quanh, cố hết sức để nhìn thấy cái đuôi.

“Con có cái đuôi nào đâu.” Tôi cười nắc nẻ và ôm lấy con bé kẻo nó trượt chân ngã. Con chó khụt khịt đánh hơi xung quanh như muốn xin thêm ít bánh hamburger nữa.

Cứ nghĩ đến chuyện bọn trẻ con tin ngay bất cứ điều gì mình nói là tôi lại thấy mắc cười. Mới tuần trước thôi, Tate Forrest, một trong những đứa tôi từng nuôi cách đây lâu lắm rồi, chặn đường tôi ngay trước của tiệm tạp hóa Jitney, rồi ôm tôi thật chặt, gặp lại tôi nó mừng quá mà. Giờ thằng bé đã lớn tướng, bảnh bao lắm rồi. Tôi đang vội quay về nhà cô Leefolt, nhưng nó cứ cười và nhắc lại chuyện hồi bé tôi hay lừa nó thế nào. Lần đầu tiên bị tê chân, thằng bé bảo dưới bàn chân thấy nhột nhột, thế là tôi bảo tại chân nó đang vừa ngủ vừa ngáy đấy. Rồi lại có bận tôi dọa nó không được uống cà phê, kẻo lại biến thành người da. màu. Thằng bé nói nó vẫn không dám nếm một giọt cà phê nào, mà giờ nó những hai mốt tuổi đầu rồi đấy nhé. Thật vui khi thấy bọn trẻ con lớn lên khỏe mạnh.

“Mae Mobley? Mae Mobley Leefolt!”

Đến tận lúc đó cô Leefolt mới nhận ra con gái không còn ngồi trong phòng với mình. “Nó ở ngoài này với tôi, cô Leefolt,” tôi nói vọng qua cửa hậu.

“Mae Mobley, tao đã bảo mày phải ngồi tử tế trên ghế mà ăn cơ mà. Sao tao lại đẻ ra mày cơ chứ, trong khi con cái của bạn tao toàn những đứa ngoan như bụt, thật không thể hiểu nổi nữa...” Nhưng bỗng chuông điện thoại reo vang, liền đó tôi nghe thấy tiếng chân cô bực bội quay gót ra nghe máy.

Tôi nhìn xuống Bé Con, thấy trán nó nhăn lại giữa hai mắt. Con bé đang nghĩ ngợi chuyện gì ghê lắm.

Tôi vuốt má nó. “Con có sao không, Bé Con?”

Nó đáp, “Mae Mo hư.”

Cách nóâu ấy nhẹ bẫng như thể đó là một điều hiển nhiên, khiến tim tôi đau nhói.

“Mae Mobley,” tôi hỏi, vì đã quyết thử làm một việc. “Con có phải là một đứa bé thông minh không?”

Bé Con chỉ nhìn tôi, như thể nó không biết.

“Con là một đứa bé thông minh,” tôi nhắc lại.

Nó nói, “Mae Mo thông minh.”

Tôi nói, “Con có phải là một đứa bé tốt bụng không?”

Bé Con chỉ nhìn tôi. Nó mới hai tuổi đầu, còn chưa biết bản thân mình là cái gì hết.

Tôi nói, “Con là một đứa bé tốt bụng,” và nó gật đầu, miệng nhắc lại từng lời tôi vừa nói. Song tôi chưa kịp nói thêm câu nào, Bé Con đã đứng bật dậy rồi đuổi con chó tội nghiệp chạy khắp sân. Tôi bỗng tự hỏi, nếu ngày nào tôi cũng nói điều gì đó tốt đẹp với nó thì sao nhỉ?

Bé Con đang đứng ở bồn nước tắm của chim, đoạn nó quay lại cười toe và hét ầm lên, “Bác Aibee ơi. Con yêu bác, Aibee,” toàn thân tôi bỗng rộ lên cảm giác gai gai, như khi một cánh bướm mỏng khẽ lướt qua da, lúc nhìn Bé Con chơi ngoài sân. Cảm giác y hệt như xưa kia, khi tôi nhìn Treelore. Nó khiến tôi thoáng buồn khi phải nhớ lại chuyện cũ.

Một lúc sau, Mae Mobley chạy lại và áp má nó vào má tôi rồi cứ giữ nguyên như thế, có lẽ nó biết tôi đang buồn. Tôi ôm nó thật chặt, miệng thì thầm, “Con là đứa bé thông minh. Con là đứa bé tốt bụng, Mae Mobley ạ. Con có nghe bác nói không?” Và tôi cứ nhắc đi nhắc lại mãi, đến chừng nào con bé chịu nói theo tôi mới thôi.

MẤy tuẦn sau đó cực kỳ quan trọng đối với Mae Mobley. Nếu có khi nào nghĩ lại, có lẽ chẳng mấy người nhớ nổi lần đầu tiên mình đi vào bô trong nhà vệ sinh thay vì bĩnh ra bỉm là khi nào. Mà cũng chả ai buồn biết ơn người đã dạy mình làm việc đó nữa. Chưa có một đứa trẻ nào trong số tôi từng nuôi tìm đến tôi để nói,Aibileen, cháu cảm ơn bác nhiều lắm, vì đã dạy cháu cách ngồi bô.

Chuyện này cũng ngoắt ngoéo lắm. Nếu bắt đứa bé đi trong nhà vệ sinh sớm quá, nó sẽ nổi cáu ngay. Nó sẽ không tài nào học được, lâu dần lại đâm nghĩ mình kém cỏi. Còn Bé Con, tôi biết nó đã sẵn sàng. Và nó cũng biết mình đã sẵn sàng. Nhưng mà, trời thần ơi, nó trốn tôi suốt. Tôi đặt nó lên chiếc bệ dành cho trẻ con để hai cặp mông bé tí của nó không bị tụt xuống, nhưng tôi vừa quay đi, con bé đã nhảy khỏi bô chạy lăng quăng khắp nhà.

“Con phải đi đi chứ, Mae Mobley?”

“Không.”

“Con đã uống tới hai cốc nước nho đầy, bác biết con phải đi rồi.”

“Khônggg.”

“Bác sẽ cho con một cái bánh quy nếu con đi cho bác.”

Chúng tôi nhìn nhau một lúc. Con bé bắt đầu lấm lét liếc ra cửa. Tôi không nghe thấy bất cứ tiếng động nào trong bô. Bình thường, tôi có thể luyện cho bọn trẻ đi vào bô chỉ sau chừng hai tuần. Song chỉ trong trường hợp có mẹ chúng giúp sức thôi. Bọn con trai phải nhìn thấy bố đi đứng, con gái phải nhìn thấy mẹ đi ngồi kia. Cô Leefolt chẳng đời nào cho Bé Con mon men lại gần khi cô đi, thế mới phiền.

“Đi hộ bác đi Bé Con, một tí một tị thôi.”

Con bé chu môi, đầu lắc lia lịa.

Cô Leefolt vừa ra ngoài làm tóc, nếu không tôi đã lại nhờ cô ta làm mẫu cho Bé Con rồi, mặc dù mụ đàn bà đó đã nói không tới năm lần liền. Lần trước, lúc cô Leefolt từ chối, tôi đã định bụng nói cho cô ta hay đời tôi đã nuôi bao nhiêu đứa trẻ và hỏi xem cô chăm phỏng đã được mấy đứa, nhưng rồi tôi lại đáp Thôi được, như mọi khi.

“Thế bác sẽ cho con hai cái bánh,” tôi dỗ, mặc dù mẹ nó vẫn nổi điên nổi đóa với tôi vì tội đúc cho con bé béo quay ra.

Mae Mobley chỉ lắc đầu và bảo, “Bác đi đi.”

Ái chà, tôi không dám nói mình chưa phải nghe câu đấy bao giờ, nhưng tôi thường có cách né đi. Dẫu rằng tôi biết con bé cần được nhìn mẫu, để xem phải làm như thế nào, trước khi tự nó làm. Tôi đáp, “Bác có buồn đâu.”

Chúng tôi nhìn nhau. Bé Con lại chỉ tay và bảo, “Bác đi đi.”

Thế rồi nó khóc ầm lên và nhấp nhổm vặn vẹo, vì cái bệ ngồi đã hằn cả lên mông nó, vậy là tôi biết mình sẽ phải đi. Tôi chỉ lúng túng không hiểu mình sẽ phải đi kiểu gì. Tôi nên đưa nó ra nhà vệ sinh của mình ngoài gara hay đi luôn ở đây? Nhỡ cô Leefolt về nhà và bắt gặp tôi ngồi chễm chệ trên bồn cầu nhà cô thì sao? Thcô ta cũng nổi trận lôi đình cho mà xem.

Tôi mặc tã lại cho Bé Con rồi hai bác cháu dắt nhau ra ngoài gara. Nước mưa làm căn phòng có mùi gây gây của bùn Lầy. Cả khi đèn đã bật lên, bên trong cũng vẫn tối mù mù, bốn phía lại chẳng có giấy dán tường đẹp đẽ như trong nhà. Thật ra, bảo là tường cũng chẳng phải nốt, đó chỉ là gỗ ván ghép lại với nhau thôi. Tôi chỉ lo con bé lại phát hoảng lên.

“Tới rồi đây, Bé Con. Nhà vệ sinh của Aibileen đấy.”

Bé Con thò đầu vào, cái miệng há ra tròn vo như chiếc bánh vòng Cheerio. Nó ồ lên, “Ô...”

Tôi tụt quần và tè thật nhanh, lấy giấy chùi, rồi kéo quần chỉnh tề trước khi con bé kịp nhìn thấy gì. Xong xuôi, tôi giật nước.

“Đấy là cách đi vào bồn cầu,” tôi nói.

Ôi chao, nom con bé mới ngạc nhiên chứ. Mồm nó há hốc, như thể vừa được chứng kiến một kỳ tích. Tôi bước ra và trong khi tôi còn chưa kịp định thần, Bé Con đã tụt bỉm ra, rồi con khỉ con ấy trèo tót lên bồn cầu, dựng thẳng người lên để khỏi ngã tụt xuống, và tự mình đi tè.

“Mae Mobley! Con đi được rồi! Giỏi quá!” Bé Con cười toe, còn tôi vội đỡ lấy nó kẻo nó tụt xuống bồn cầu. Hai bác cháu quay vào nhà, tôi bèn thưởng cho nó hai chiếc bánh.

Sau đó, tôi bảo nó đi vào bô của mình, nó làm theo ngay. Khó nhất là mấy lần đầu tiên đó. Đến cuối ngày, tôi có cảm giác như mình vừa làm được việc gì trọng đại lắm. Con bé đang đến độ tuổi hay nói, và chắc ai cũng đoán ra được từ mới hôm nay của nó là gì rồi.

“Hôm nay Bé Con vừa làm gì?”

Nó đáp, “Tè tè.”

“Từ mai người ta sẽ viết thêm gì vào sử sách nào?”

Nó đáp, “Tè tè.”

Tôi nói, “Cô Hilly có mùi gì?”

Nó đáp, “Tè tè.”

Nhưng tôi lại thôi. Nói thế thật không ngoan đạo tí nào cả, vả lại, tôi cũng sợ con bé sẽ nhắc lại.

CuỐi buỔi chiỀu hôm Ấy, cô Leefolt về đến nhà với mái tóc bông xù. Cô vừa uốn xoăn bằng thuốc nên cả người cô bốc ra mùi nước giải nồng nặc.

“Cô có biết hôm nay Mae Mobley làm được gì không?” Tôi khoe. “Con bé tự đi vào bô trong nhà vệ sinh được rồi nhá. ’

“Ôi, tuyệt quá!” Cô ta ôm chầm lấy Bé Con, cảnh này chẳng mấy khi tôi được thấy. Tôi biết cô mừng thật sự, vì cô Leefoltchẳng vui thú gì với việc phải thay tã.

Tôi tiếp, “Từ nay cô nhớ cho nó đi vào bô luôn luôn nhé. Nếu không, con bé sẽ quên bài ngay.”

Cô Leefolt mỉm cười, đáp, “Tôi biết rồi.”

“Để xem con bé có làm được một lần nữa trước khi tôi về không nào.” Chúng tôi đi vào nhà vệ sinh. Tôi cởi tã và đặt nó lên bồn cầu. Nhưng Bé Con cứ lắc đầu quầy quậy. “Nào, Mae Mobley, con thử đi vào bô mẹ xem nào?”

“Khôngggg.”

Cuối cùng tôi đành bế con bé xuống. “Thôi không sao, hôm nay con làm tốt lắm.”

Nhưng cô Leefolt ấy à, cô ta trề môi bĩu mỏ, rồi gầm gù và cau có với Bé Con. Tôi chưa kịp mặc bỉm lại cho nó, thì Bé Con đã co giò chạy biến đi. Thế là cô nhóc da trắng cởi truồng cứ thế chạy băng băng khắp nhà. Nó lao vào bếp, mở cửa hậu ra, phóng xuống gara, rồi cố kiễng chân với nắm đấm cửa nhà vệ sinh của tôi.Chúng tôi cuống quýt chạy theo còn cô Leefolt giơ ngón tay lên chỉ trỏ, miệng rít lên the thé. “Đấy không phải nhà vệ sinh của mày!”

Bé Con hăng hái lắc đầu. “Nhà vệ xin của con!”

Cô Leefolt xách con bé lên, rồi giơ tay phát vào chân nó.

“Cô Leefolt, con bé có biết gì đâu...”

“Aibileen, vú vào nhà ngay cho tôi!”

Tôi không muốn vậy, nhưng đành bỏ vào bếp. Tôi đứng giữa phòng, để mặc cánh cửa sau lưng mình mở toang.

“Tao không nuôi mày lớn để mày dùng nhà vệ sinh của bọn da màu, nghe chưa!” Tôi nghe tiếng cô đay nghiến, vì cho rằng tôi không nghe thấy, tôi nghĩ bụng, Thưa cô, cô đã nuôi con bé được ngày nào đâu.

“Mae Mobley, chỗ này bẩn lắm. Rồi mày đến mang bệnh vào người thôi! Không, không là không!” Và tôi lại nghe thấy tiếng cô ta phát đen đét lên cặp chân trần của Bé Con.

Chỉ một giây sau, cô Leefolt cắp Bé Con vào nhà. Tôi chẳng thể làm gì khác ngoài việc giương mắt nhìn. Tim tôi đau thắt lại như có ai siết. Cô Leefolt quăng toẹt Mae Mobley trước tivi rồi đùng đùng bỏ vào phòng và đóng sầm cửa lại. Tôi chạy lại ôm chặt lấy Bé Con. Nó vẫn khóc nức nở, còn khuôn mặt lộ vẻ hoang mang chẳng nói sao cho hết.

“Bác xin lỗi con, Mae Mobley,” tôi thì thầm. Tôi sỉ vả bản thân thậm tệ vì đã dắt Bé Con ra đấy. Song tôi chẳng biết nói gì hơn, đành ôm nó vậy thôi.

Chúng tôi ngồi đó xem phim Lũ tiểu quỷ cho đến khi cô Leefolt bước ra, hỏi rằng chẳng phải đã quá giờ tôi về rồi hay sao. Tôi nhét chỗ tiền xu mua vé xe buýt vào túi. Tôi cố rốn ôm Mae Mobley lần nữa, miệng thì thầm, “Con là đứa bé thông minh. Con là đứa bé ngoan.”

Trên chuyến xe về nhà, tôi không nhìn thấy những tòa nhà lớn vụt qua ngoài cửa sổ. Tôi không nói chuyện với các chị bạn giúp việc khác. Tôi chỉ thấy Bé Con bị đánh vì mình. Tôi thấy nó nghe cô Leefolt bảo tôi là đồ bẩn thỉu, đầy bệnh tật.

Xe buýt phóng nhanh trên phố State. Chúng tôi đã đi qua cầu Woodrow Wilson, nhưng hàm tôi vẫn cứng đơ lại, đến độ không tài nào mở miệng ra được. Tôi cảm thấy cái hạt giống đắng cay lớn dần trong tim mình, cái hạt đã gieo xuống sau khi thằng Treelore mất. Tôi muốn hét lên thật to để Bé Con có thể nghe thấy, rằng bẩn thỉu không phải là màu da, bệnh tật không phải là khu người Phi phía bên này thị trấn. Tôi muốn ngăn thời khắc ấy - và nó sẽ xuất hiện trong cuộc đời mọi đứa trẻ da trắng - đó là khi chúng bắt đầu nghĩ rằng người da màu thấp kém hơn người da trắng.

Chúng tôi rẽ ở Farish và tôi đứng dậy vì sắp đến bến của mình. Tôi thầm cầu nguyện đó chưa phải thời khắc của Bé Con. Cầu sao tôi vẫn còn chút thời gian.

Mấy tuần sau đó không khí có vẻ yên ả. Mae Mobley giờ đã được mặc quần chíp của các bé gái lớn. Con bé không lặp lại vụ kia lần nào nữa. Sau những gì xảy ra ngoài gara, cô Leefolt bỗng dành sự quan tâm đặc biệt tới thói quen đi vệ sinh của Mae Mobley. Thậm chí cô ta còn cho nó xem mình ngồi bồn cầu, để làm ví dụ kiểu da trắng. Tuy vậy, có vài bận, lúc mẹ không có nhà, tôi vẫn bắt gặp Bé Con tìm cách đi trong nhà vệ sinh của tôi. Nhiều khi tôi chưa kịp ngăn thì nó đã đi xong rồi

“Chào cô Clark.” Robert Brown, thằng bé xén cỏ cho nhà cô Leefolt, xuất hiện trên bậc thềm cửa hậu. Hôm nay trời đẹp, khá mát mẻ. Tôi mở cánh cửa lưới ra.

“Công việc thế nào rồi, con trai?” Tôi hỏi, đoạn vỗ lên cánh tay nó. “Cô nghe nói con xén cỏ cho tất cả các nhà trên phố này kia à.”

“Dạ. Cháu thuê thêm hai người nữa làm cùng. '’ Robert cười toe toét. Nó là một thằng bé đẹp trai, người cao ráo, tóc cắt ngắn. Nó học cùng trường trung học với thằng Treelore. Bọn nó thân lắm, hồi xưa hai đứa hay chơi bóng rổ với nhau. Tôi chạm vào tay nó, chỉ muốn được thấy lại cảm giác cũ.

“Bà của con khỏe không?” Tôi hỏi. Tôi quý Louvenia lắm, bà ấy là người tốt bụng nhất trần đời. Bà ấy đã cùng Robert đến dự đám tang. Chuyện đó làm tôi nhớ ra việc sắp xảy ra trong tuần tới. Ngày đen tối nhất trong năm.

“Bà còn khỏe hơn cả cháu ấy chứ.” Thằng bé cười. “Thứ Bảy cháu sang nhà cô cắt cỏ nhé.”

Bao giờ thằng Treelore cũng cắt cỏ cho tôi. Bây giờ Robert tự nguyện làm thay mà chẳng chờ tôi phải mở miệng nhờ vả câu nào, thằng bé cũng không chịu nhận một đồng nào cả. “Cảm ơn con nhé, Robert. Quý hóa quá.”

“Nếu cần gì, cô cứ gọi cháu, đừng ngại gì nhé, cô Clark?”

“Cảm ơn con trai.”